Monday, September 3, 2012

THANH THANH * PHÙNG CUNG

Thơ Phùng Cung: Xem đêm, xem số phận

Giống như đã tích lũy trong thầm lặng khắc kỷ, đã phải nằm chờ dưới lớp bụi thờ ơ, thơ Phùng Cung như Hằng Nga ngủ trong rừng chờ đến Hoàng tử đánh thức…
Nhà thơ Phùng Cung sinh năm 1928 tại Vĩnh Yên. Năm 1945, ông làm Chủ tịch liên xã Hồng Liên Châu, lãnh đạo nhân dân nổi dậy cướp chính quyền. Năm 1949, ông lên chiến khu Việt Bắc và tham gia công tác văn nghệ tại đây. Mới là cây viết trẻ chân ướt chân ráo trình làng với truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng trên báo “Nhân văn” năm 1956, ông đã bị đình chỉ công tác và phải tập trung cải tạo suốt 12 năm trời.
Năm 1973, ông được ra tù. Sau khi được phóng thích, ông sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ “Xem đêm” đã từng được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản vào năm 1995. Lần này, tập thơ có bổ sung một số bài trong di cảo của Phùng Cung. Phần phụ lục, ngoài truyện ngắn “Con ngựa già Chúa Trịnh” từng làm nên tên tuổi Phùng Cung còn có các bài viết của những người bạn chung thủy cùng thời với ông.
So với những nhân vật khác của Nhân văn Giai phẩm, ông ít được biết đến. Và nếu có biết, người ta cũng biết đến Phùng Cung với tư cách là một nhà văn. Nhưng, dù chỉ là những sáng tác âm thầm giữa muôn vàn truân chuyên của cuộc sống thường nhật gian khó, thơ Phùng Cung vẫn ngời lên thứ ánh sáng kỳ diệu của một tài năng hiếm có. Nó được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đợi ngày được phô bày sắc hương với thế gian.
Ngày 28/6, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm thơ Phùng Cung với sự dẫn dắt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cùng các diễn giả: nhà nghiên cứu Phạm Toàn, nhà văn Thái Kế Toại, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Nhà văn Thái Kế Toại, nhà nghiên cứu Phạm Toàn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm về tập "Xem đêm"
Những con chữ hiện lên từ đáy chén trà
Nhà văn Phùng Quán đã từng miêu tả trong tập “Hằng Nga ngủ trong rừng” về nhà thơ Phùng Cung rằng: “Sau mười hai năm cách ly đời thường, Phùng Cung như xa lạ với môi trường văn nghệ. Được trả lại tự do, việc đầu tiên là anh cùng với vợ sửa lễ “Tạ ơn cao rộng cho được sống để trở về quê quá”. Rồi yên phận hẩm hiu, anh tránh thật xa mùi bút mực. Anh xoay trần làm nghề đập đinh, phụ với vợ thêm nghề bánh rán, nuôi ba đứa con trai đang sức ăn, sức lớn. Song hình như mùi dầu nhờn, gỉ sắt, mỡ rán vẫn không át được mùi bút mực. Những lúc rảnh tay, anh ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng chấm ngón tay vào đáy chén trà cặn, viết một từ gì đó lên mặt bàn…”
Hơn 300 bài thơ trong tập “Xem đêm” chủ yếu là những khúc đoản thi cô đọng, những lát cắt vừa phảng phất một thời xưa xa xôi lại vừa rất hiện đại trong lối nhả chữ tự do về một vùng quê nghèo nhưng đẹp của miền Trung du Bắc bộ.
Những cảnh quê quen thuộc như cánh đồng, ruộng lúa, vườn dâu, bến đò, quán chợ, ao bèo, hoa cau… và cả một thế giới động vật nhộn nhịp những trâu, bò, gà, chó, đom đóm, chuồn chuồn… xung quanh những con người hiền lành lam lũ. Có cô gái ý tứ soi gương đáy nón, có người mẹ trẻ ướt yếm sữa con so, có người vợ đảm về chợ tối bước sấp ngửa… Tất cả hun đúc lại thành bức tranh quê quen thuộc, mộc mạc, giản dị mà ẩn chứa những niềm buồn thương, u uẩn. Mỗi bài thơ, nói như nhà thơ Hoàng Cầm, “đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu”.
Bởi vì, thơ của Phùng Cung là thơ của đêm. Nhưng, không giống nhiều nhà thơ ưa sống về đêm, Phùng Cung thức để “xem” những cảnh ngộ đêm ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đôi khi là những ban ngày giữa đêm. Rất lắm khi xem đêm giữa các màu nắng khác nhau và những sắc độ màu khác nhau: “nắng Âu Cơ, nắng bổ cau, nắng ngả tương, mặt trời cốm Đông Đô, hoàng hôn đỏ gạch, hoàng hôn dạt tím, hoa gạo cắm cờ”… Ngay cả khi trời tạnh mưa, cũng vẫn còn ban ngày đây “gà rình mổ hạt nắng non”. Cứ ngỡ rằng, “đêm” ở đây với Phùng Cung là cả một thân phận.
Nhà văn - nhà thơ Phùng Cung (bên phải)
Như một trong những người bạn chung thủy cùng thời với Phùng Cung - Nguyễn Hữu Đang nhận xét: thân phận ấy không chỉ là con người mà còn là số phận của loài vật và cỏ cây – những sinh vật chung sống với người như hàng xóm, bạn bè. Phùng Cung không lãng mạn, sướt mướt thương tiếc cỏ hoa, cũng không phải dùng thủ thuật nhân cách trong bút pháp hoặc mượn loài vật để nói đến người; tình thương cao cả của Phùng Cung chính là lấy đạo đức bác ái đối xử với đồng loại.
Ông thương từ bà thân sinh quanh năm khó nhọc tảo tần miếng cơm, manh áo, nuôi con đến tuổi trưởng thành: Mồ hôi mẹ/ Tháng ngày đăm đăm/ nhỏ giọt/ Con níu-giọt mồ hôi/ Đứng dậy làm người (bài thơ Mẹ); thương ngươi vợ hiền cùng mình chia sẻ cuộc đời điêu đứng: Em vất vả/ Tối ngày tất tả/ Lưng áo em/ Ngoang vôi trắng xóa/ Cái trắng này/ Vắt tận trong xương. (Bài Mồ hôi xương); đến thương một nhà thơ, một gia đình cùng kiệt xác xơ, thương nhưng người xiêu bạt kiếm ăn, thương xóm nghèo, người nằm dưới đất, những cụ già trong kháng chiến, thậm chí cả những người ở thế giới bên kia; thương nông dân cơ cực không lối thoát, thương dân tộc tàn lụi sau một thời cường thịnh huy hoàng…
Bên cạnh đó, tình thương của ông với loài vật có tri giác như người: Chiều mưa giội/ Nước dềnh sân/ Một xác dế bập bềnh… (Rủi); Gió bấc về/ Gà con lên cơn sốt/ Nhong nhóc đi, đứng/ Chen nhau tìm chỗ ấm/ Cẳng gầy lội gió. (Chùm gió bấc); thương đến con cua, con vạc… những thân phận nhỏ nhoi so với số phận con người trong xã hội bằng ngôn từ cô đọng và hàm súc. Nhà nghiên cứu Phạm Toàn đã nói rằng: “Xem đêm chắc chắn là kết quả của nhiều lần nhúng tay vào đáy chén trà, mỗi lần chỉ nhớ lấy một chữ coi như đã là quá đủ”.
Tằn tiện con chữ nhân văn
Phùng Cung là một trong những nhà thơ Việt Nam đi theo con đường của nghệ thuật tối giản. Thơ Phùng Cung đặc sắc bởi thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu, thi pháp đậm đặc chất đồng bằng châu thổ Bắc.
Tập thơ “Xem đêm” cũng giống như cách viết văn thường thấy của Phung Cung. Ông đã sáng suốt lựa chọn cho thói quen tiện lời nói của mình một nơi đắc dụng để thể hiện là thể thơ ngắn. Cũng giống như thể haiku Nhật Bản được đánh giá cao bởi khả năng truyền cảm, gợi ý tối đa của lời văn tối thiểu nhưng Phùng Cung không dừng lại ở đó. Bằng thứ ngôn ngữ cô đọng như tinh chất, tế nhị như hương thơm; Phùng Cung dẫn dắt bạn đọc làm quen với một Nàng Thơ đẹp kín đáo, duyên lặn vào trong và khó tính.
Ngôn ngữ “Xem đêm” còn đậm đà tính dân gian, phù hợp với đề tài thôn dã, được vận dụng điêu luyện trong những vần thơ êm nhẹ như cánh cò bay mà làm rộn lên trong tâm trí chúng ta lời ăn tiếng nói của bao thế hệ ông, cha.
Chính nghệ thuật ngôn từ là một yếu tố quan trọng làm cho thơ Phùng Cung độc đáo. Nhờ chiều sâu vốn sống và biết nhìn, biết nói; Phùng Cung đã tìm ra cái mới, cái lạ. Thơ Phùng Cung đã hình thành trong thực tiễn ghi nhận tinh tế và sâu sắc những phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực: hiện thực nhiều vẻ đẹp làm ông say mê thì nội dung thơ ông thẩm mỹ, hiện thực nhiều thảm cảnh khiến ông xót thương thì nội dung thơ ông hướng thiện.
Ảnh bìa tập thơ "Xem đêm"
Thơ cũng giống như người, những thầm lặng ít nói của nhà thơ Phùng Cung cũng giống như thơ ông, sâu sắc, ý nhị mà tràn đầy khí phách. Như nhà báo Nguyễn Hữu Đang đã từng nói: “Giống như đã tích lũy trong thầm lặng khắc kỷ, đã phải nằm chờ dưới lớp bụi thờ ơ, thơ Phùng Cung như Hằng Nga ngủ trong rừng chờ đến Hoàng tử đánh thức”. Và đó là cách mà ngày hôm nay, tuyển tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung đã đến được với độc giả./.

No comments: