Monday, September 3, 2012

VÕ KỲ ĐIỀN * KẺ ĐƯA ĐƯỜNG

KẺ ĐƯA ĐƯỜNG
Võ õ Kỳ Điền
Khi bà Sáu Đợi cố hết sức chen được khỏi đám đông lúc nhúc ở bến xe đò lục tỉnh để ra tới ngoài thì cũng đã xế chiều. Cái mặt trời cuối ngày lặn xuống gần sát nóc dãy lầu cao bên kia đường, sáng đỏ như chiếc mâm thau được chùi sạch. Vậy mà nó còn rán chiếu những tia nắng vàng nhạt le lói trên tấm bảng quảng cáo kem đánh răng sơn hình người chà đen với hai hàm răng trắng bóng, dựng ở đàng xa. Từ tờ mờ sáng, ngồi bó gối trên chiếc xe đò chật nứt, vượt một khoảng đường dài trên hai trăm cây số ngàn cho tới giờ, bà cảm thấy vừa đói vừa mệt.
Một bà già tuổi vừa tròm trèm sáu mươi, tay nầy phải xách một cái giỏ ny-lông lớn cột ràng chằng chịt, đựng đầy quần áo, vật dụng với trầu cau vôi thuốc, và tay kia, một con vịt xiêm lớn gần bằng con ngỗng thì đâu phải là một chuyện dễ dàng. Bà Sáu vừa đi vừa thở, tay kéo lê con vịt lông xám đen, óng màu xanh mươn mướt, cái mồng thịt u từng cục nhỏ màu đỏ bầm, cái mõ quét lệt bệt trên đường, để đến gần cột đèn. Con vịt cũng quá mệt mõi và đau đớn vì bị cột tréo cẳng cả ngày nên không còn sức dãy dụa, há miệng kêu vài tiếng cạp cạp nhỏ xíu rồi nằm im. Vài cơn gió mát từ xa thổi đến nhè nhẹ, bà Sáu ngồi bệt xuống lề xi măng, dựa lưng vào cây cột đèn mà thở một hồi cho lại sức.
Đã lâu lắm rồi bà không có dịp lên Sài Gòn, đâu chừng đã mười mấy năm. Trước mắt cảnh vật quay cuồng, nhộn nhịp. Cái gì cũng xa lạ quá chừng. Nhà cửa thì xây cất cao vút, đường xá chằng chịt dọc ngang. Mùi nhựa đường, mùi cao su, mùi khói xăng nhớt cùng tiếng xe cộ, tiếng người ta, tiếng vật dụng va chạm nhau, trộn lẫn nhau, tạo thành một thứ gì ồn ào, hỗn độn. Mắt nhìn mà không thấy hết, tai nghe nhưng không phân biệt được gì, đầu óc bà trở nên bồng bềnh, không định. Bà Sáu bị choáng ngộp trong cái thế giới của màu sắc, âm thanh, cảnh vật kỳ dị, lạ lùng. Tự nhiên bà đâm lo lắng, quơ tay cầm cái nón lá quạt nhè nhẹ, mắt nhìn ra xa. Người ta sao đông quá. Chỗ nào cũng đầy người đi lại nhưng tuyệt nhiên không một ai quen. Đâu có người nào để ý tới bà, thản nhiên đi đứng sinh hoạt như không hề biết đến chiều nay, ở trong cái thành phố to rộng nầy, có một bà già lặn lội từ thiệt xa đến với một nỗi lòng bồn chồn náo nức, một niềm vui sướng không bờ bến để mong gặp lại người chồng thương yêu mà bà đã chờ đợi trên ba mươi năm.
Phải rồi vừa đúng chẳn ba mươi năm cách biệt, kể từ ngày ông Sáu đành đoạn bỏ bê vợ dại con thơ để dấn thân lo việc nước dưới tài lãnh đạo của cụ Hồ. Thời gian chờ đợi mõi mòn. Chuyện tái hợp không bao giờ dám nghĩ đến, nào ngờ nó vẫn xảy ra. Như một giấc chiêm bao dài, có buồn có vui, có lúc bắt đầu và có đoạn kết thúc. Cái lúc bắt đầu thì có thương yêu, có tình nghiã, có nhớ thương, sầu khổ. Cuộc nội chiến tương tàn kéo dài của đất nước như một vết thương lở loét, làm đổ vở luôn cái hạnh phúc lứa đôi của cặp vợ chồng son trẻ với những ước mơ thật giản dị. Những ngày tháng lo lắng, sợ hãi. Những sáng nhớ, chiều mong. Có trái tim nào mà không héo hon, có cõi lòng nào mà không hoá thành đá. Cái đoạn kết thúc thì sắp tới rồi. Chỉ còn một đoạn đường ngắn, chừng ăn giập bã trầu là bà Sáu sẽ gặp lại người chồng đầu gối tay ắp năm nào với một niềm vui trùng phùng chứa chan...
Chừng đã bớt mệt, bà Sáu đứng lên định kiếm xe để đi đoạn cuối thì một chiếc xích lô từ góc đường trờ tới. Người phu xe nhịp nhịp cái cần thắng tay nghe lóc cóc, tuột xuống cái yên, chạy a đến nắm lấy cái quay giỏ xách, miệng chào khách:
-Ngoại đi về đâu, tui đưa cho ?
Bà Sáu Đợi sợ cái giỏ bị giựt mất, vội nắm ghịt lại, tay kia giở chiếc nón lá, ngước mắt nhìn thấy người phu xe trẻ tuổi, ngó một hồi lâu rồi nói ngập ngừng:
-Tôi muốn đi tới đường... đường gì đó, quên mất cái tên, cái số thì là một trăm... Ừ, ừ, ổng có viết trong thơ nói rõ đường đó hồi xưa tên Mặt Má Hồng, chú có biết không ?
Anh phu xe quay qua chụp lấy con vịt, quăng xuống dưới chỗ gác chưn, sửa lại cái nệm xe nhăn nhúm, miệng tía lia:
-Ngoại yên chí, đường ở bên Tây bên Mỹ thì tui không biết, chớ ở Sài Gòn, Chợ Lớn nầy ngoại muốn đi chỗ nào, tui đi chỗ đó cho coi !
Bà Sáu chưa vội bước lên xe, tay vịn lấy cái mui bằng vải ka- ki dày màu cứt ngựa:
-Mà từ đây tới đó, chú tính ăn bao nhiêu ?
-Thì ngoại cứ lên đi, tui không tính mắc ngoại đâu !
Bà Sáu nghe xong, muốn bước lên cho rồi, nhưng còn e dè, vì nhớ lời dặn dò của xóm giềng- ở Sài gòn người ta ưa gạt gẫm mấy người nhà quê thiệt thà, chất phác, bà đứng yên không nhúc nhích:
-Đâu có được nà, chú phải nói rõ để tôi còn liệu chớ. Rủi nhiều quá, tui không đủ tiền thì lấy gì trả đủ cho chú.
Anh phu xích lô cười hì hì:
-Ngoại lo xa chi cho mệt. Có thiếu thì còn con vịt xiêm nè.
Rồi anh đẩy bà lên nệm xe:
-Thôi tui tính ngoại mười đồng. Từ đây tới đó xa lắm. Tui tính rẻ cho ngoại. Người khác thì tui đòi đủ mười ba đồng.
Nói xong anh khom lưng đẩy xe lăn vài vòng cho có trớn rồi nhẩy lên ngồi ngất ngưởûng trên cái yên xe cao nghệu ở phía sau, ra sức đạp mạnh. Cái xe chở một bà già trầu ốm o nhỏ con nên nhẹ hững, chạy vùn vụt. Bà Sáu Đợi định trả giá bớt vài đồng nhưng thấy xe đã chạy khá xa nên đành thôi. Vả lại, hôm nay là ngày vui lớn nhứt đời bà, dẫu có thiệt thòi năm ba đồng bạc cũng không sao. Đã mấy mươi năm qua, ông Sáu đi biệt tăm biệt tích, bỏ mẹ con bà bơ vơ những tưởng đã chết ở một chưn trời góc biển nào rồi. Ngờ đâu, bây giờ ổng lại trở về, mạnh khoẻ lành lặn, không một thương tích gì hết. Phước đức biết bao nhiêu.
Bà ngồi dựa lưng trên nệm xe, hai chưn duỗi thẳng ra cho thiệt thoải mái. Nỗi mệt nhọc ban trưa tan biến từ từ. Chiếc xe vẫn lăn bánh đều đều. Phó xá hai bên đường thay đổi muôn hình muôn vẻ. Có cái nhà thiệt cao, có cái thấp. Có cái nhô ra có cái thụt vào. Bảng hiệu xanh xanh, đỏ đỏ. Nhưng phần lớn nhà nào cũng đóng cửa kín mít. Ở lề đường có các sạp bán thuốc lá và các món hàng lặt vặt. Người buôn kẻ bán lưa thưa. Trên mặt đường lộ người ta đi xe đạp nhiều quá, phải chen lấn nhau. Anh phu xe cứ phải nhịp thắng loong coong làm hiệu, miệng chữi rủa lầm bầm không dứt.
Bà Sáu nhìn hai hàng cây sao cao vút bên đường mà tưởng tượng hoài cũng không hình dung ra được cái cảnh gặp gỡ của hai vợ chồng sau ba mươi năm xa cách nó sẽ ra sao ? Còn ông Sáu thì chắc đã già lắm rồi. Ông tuổi con mèo, vậy là lớn hơn bà bốn tuổi, tính đến năm nay là sáu mươi ba. Cuộc sống lại đầy phong sương gió nắng thì ổng cũng như một cái cây mọc trên đỉnh đồi khô, tả tơi, héo úa. Răng chắc đã rụng, mắt đã mờ, da dẻ nhăn nheo, cũng y như bà bây giờ. Tuy nhiên có điều, ông không như bà về mặt công danh sự nghiệp. Sau một thời gian dài phấn đấu cam go trong cuộc sống, cô Sáu bán trầu chỉ trở thành bà Sáu... cũng bán trầu. Còn anh nông dân Sáu Nếp chuyên cày bừa cuốc xới thì trở thành Thượng Tá Nhật Hồng. Bà Sáu chắc lưỡi, thiệt tình cách mạng có nhiều điều khó hiểu quá. Thượng tá là làm việc gì bà không biết đã đành rồi mà tại sao ổng tên là Nếp rõ ràng mà nay đổi là Nhật Hồng, bà cũng chịu thua luôn.
Bà Sáu thấy cần phải chia xẻ bớt niềm vui no ứ đang tràn ngập trong tim trong phổi:
-Chú đạp xe như vầy có khá không ?
-Đạp xích lô làm sao mà khá được ngoại. Đủ ăn là mừng lắm rồi.
Rồi anh ta cúi sát lưng xuống đổi sang giọng hỏi thăm:
-Bộ ngoại lên Sàigòn thăm bà con hả ? Con vịt xiêm mập ghê. Đúng là vịt Cà Mau.
Cái niềm vui được dịp nổ bùng qua câu trả lời trật nhịp:
-Tui đâu phải ở Cà Mau. Ở Ba Tiệm đó! Đi ngã bắc Vàm Cống mà !.
Anh phu xe chừng như chưa bao giờ nghe qua cái địa danh là lạ đó, phát cười:
-Ba Tiệm là ở đâu vậy ngoại, có gần Năm Căn không ?
Không kịp để ý câu hỏi lý lắc của anh phu xe, bà giải nghiã thiệt tình:
-Vậy là chú chưa đi xuống miệt dưới phải không ? Để tui nói cho nghe nè. Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước là ở tuốt dưới Cà Mau kia lận. Chú muốn đi xuống dưới đó thì phải qua bắc Mỹ Thuận rồi theo ngã Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ, đi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đó là tui nói mấy tỉnh dọc theo bờ sông Hậu. Còn Ba Tiệm là ở phía Châu Đốc. Cũng đi quốc lộ bốn tới bắc Mỹ Thuận, phải tẻ bên ngã Sa Đéc rồi qua bắc Vàm Cống để đến Long Xuyên. Từ Long Xuyên mình đi lên gặp Cái Dầu, Vịnh Tre rồi mới tới Ba Tiệm...
Rồi không cần biết người phu xe có nghe được hay không, bà nói tiếp:
-Chú lên tới đó rồi phải hướng về Mỹ Đức chừng vài cây số nữa mới tới nhà tui. Miệt trển người ta thường trồng nhãn, trồng trầu. Vườn trầu của tui độ chừng ba công đất. Phải nhờ mấy đứa cháu nó tưới, chớ già rồi đâu có gánh nước nổi. Chú biết không, trồng trầu cực nhứt là cái vụ tưới...
Nói tới đây cảm thấy hình như chú phu xe không còn để ý đến câu chuyện, bà bèn ngưng ngang. Nhưng cái ảnh hưởng của câu nói còn gợi cho bà liên tưởng tới hình ảnh những ngày mới lớn sống bên vườn trầu lá vàng rực rỡ. Thưỏ đó bà phụ với cha mẹ, tưới nước, vô phân, hái lá, đem bán ngoài chợ hoặc đếm bỏ mối cho bạn hàng ở tỉnh. Công việc đều đặn theo tháng năm cho đến ngày gặp ông Sáu. Bất chợt anh phu xe đâm hỏi ngang xương:
-Vậy chớ ông ngoại già gánh nước hết nổi rồi hả ? Sao ổng không phụ với ngoại ?
Nghe hỏi tới chồng bà sung sướng hãnh diện mà khoe:
-Ổng đâu có chịu ở nhà trồng trầu. Đi theo cụ Hồ từ thời tầm vong vạt nhọn. Cái thời Thanh Niên Tiền Phong á mà. Hồi xưa thì làm ruộng ở Nhơn Ái. Ba Tiệm là quê của tui. Còn nhà ổng ở tuốt dưới miệt Ô Môn, Bình Thuỷ. Mà chú biết Ô Môn, Bình Thuỷ, Phong Điền, Phong Phú không ? Nhơn Ái thuộc quận Phong Điền, tỉnh Cần Thơ mà..
Nói tới đây bà nhớ tới cái thưở mới quen với ông Sáu. Đường đất từ Nhơn Ái tới Ba Tiệm nó xa xôi, diệu viễn. Phải qua biết bao nhiêu khúc sông, vượt biết bao nhiêu dặm đường. Vậy mà hai người vẫn gặp gỡ nhau được mà thành chồng vợ. Như có bàn tay của ông trời sắp đặt vậy. Lúc đó có một đám cưới ở trong làng, cô sáu Đợi má phấn môi son, tay cầm bóp đầm đứng cạnh cô dâu. Bên đàng trai, anh Sáu nếp áo dài, khăn đóng, lượt bượt bưng mâm lễ vật đi sau lưng chú rể, mắt liếc liếc nhìn trộm bên nhà gái. Chợt bắt gặp cặp mắt đen bóng như hột mãng cầu của người con gái vườn trầu nhìn mình đăm đăm, tay chưn anh đâm luống cuống. Cái tiệc cưới đông đảo, người người cười nói vang rân, vậy mà anh Sáu có thấy ai nữa đâu. Anh tìm mọi cách để làm quen nhưng không dám, đành im. Cuối cùng phải nhờ bác Tư Sửu làm mai mối.
Bây giờ bà nhớ tới những ngày mới quen nhau sau khi dạm hỏi mà còn tức cười. Cái kỷ niệm ngày xưa sao mà dễ thương quá. Một buổi sáng tháng chạp gần cuối năm, ông Sáu khệ nệ xách một xâu gà vịt cùng một bao gạo nanh chồn để đi Tết bên nhà gái. Bà đã đứng nép bên cột nhà để nhìn người chồng tương lai, lòng rộn ràng e ấp. Ông Sáu đã đứng khoanh tay nói với ba má bà những lời thăm hỏi, giọng ấp a ấp úng, mặt đỏ rần. Bà chợt tức cười, đâm bạo dạn, vọt miệng trêu chọc ông bằng một câu hát quen thuộc:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo, xóm giềng họ hay !
Ba má và ổng cùng cười. Má bà đã rầy:
-Có gì mà con sợ người ta nói ra nói vô. Cậu Nếp bây giờ kể như là rể con trong gia đình mình rồi mà !

Lúc đó bà cảm thấy mối tình của hai người êm ái như sóng lúa đêm trăng, dài rộng như sông Tiền sông Hậu, rực rỡ như rặng ô môi tới mùa nở hoa. Sang năm sau, tới ngày đám cưới, bà phải về quê chồng sống nghề ruộng rẫy. Tình thương hai vợ chồng trẻ thiệt là chân thành những tưởng là êm vui cho tới ngày răng long đầu bạc. Nhưng cái hạnh phúc con người tự nó vốn đã mỏng manh. Nói chi phải chịu thêm những biến cố của cuộc đời chi phối như một thứ định mệnh khắc nghiệt. Tự ngàn xưa, chiến tranh là một thử thách nhiều đau xót cho người đàn bà. Cái đêm từ giả để ra đi, ông Sáu đã cầm tay vợ dặn dò gởi gấm việc nhà, đồng thời hứa hẹn một ngày đoàn tụ rất gần. Ông nói những câu mà bà còn nhớ mang máng như vầy:
-Ngày hai vợ chồng mình gặp lại nhau phải là ngày đất nước độc lập thanh bình. Toàn dân phải được ấm no, an cư lạc nghiệp. Cái hạnh phúc cá nhơn sao bằng cái hạnh phúc của tập thể, đồng bào...
-Sao em lo sợ quá! rủi thất bại thì sao ?
-Sao lại không thành công được. Có gì sơ sót nữa đâu. Con đường anh theo là đúng, người ta đã mở lối, mình chỉ có việc dấn bước. Vợ chồng mình cùng đồng bào ngày nay như hành khách ngồi trong một chiếc xe, có được người tài xế đầy kinh nghiệm tài ba điều khiển. Cụ Hồ đã dầy công lặn lội qua Tàu, qua Nga để học hỏi.. rồi về dẫn dắt toàn dân theo. Anh chỉ làm bổn phận của người trai trong thời loạn... Ngày về, hai vợ chồng mình sẽ gầy dựng lại căn nhà cũ, cày xới lại mảnh ruộng xưa, sống đời độc lập, tự do, sung túc, yên vui. Em rán chờ, để anh yên lòng mà đi...
Chiếc xe vẫn lăn bánh đều đều, không mau không chậm. Phía sau giọng anh xích lô ồm ồm vang lên:
-Ngoại muốn đi tới đường nào ? Nói chuyện một hồi quên phứt rồi. Phan thanh Giản hay Trần Quốc Toản ?
-Trời đất ! Vậy nãy giờ chú chạy đi đâu ? Tui nói đi tới chỗ nhà mới của ổng. Ở ngoài Bắc ổng vừa về tới Sài gòn, đường Mặt Má Hồng, nhà số một trăm. Chú coi chừng lộn đường đó. Trời xế chiều dữ rồi đa !
Anh xích lô lẩm bẩm:
-Cái đường gì kỳ cục vậy ! Mặt Má Hồng phải là đàn bà. Vậy là đường Bà Huyện Thanh Quan hay Hồ Xuân Hương gì đó phải không ngoại ?
-Thiệt là khổ quá ! Vậy mà hồi nãy chú nói đường xá Sài Gòn Chợ Lớn chú biết rành lắm. Tui có biết bà nào là bà nào đâu. Rủi lạc đường tối nay tui ngủ ở đâu ?
-Ngoại đừng có lo. Trước sau gì cũng tới nơi mà. Tên đường đàn bà mới sửa lại thì có đường Võ Thị Sáu nè, đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Minh Khai...
-Hổng phải mấy cái tên đó đâu. ỔÅng viết trong thơ nói hồi xưa trước năm bốn mươi lăm, đường đó tên là Mặt Má Hồng, còn bây giờ thì tên gì... tên gì đó, ổng cũng có viết rõ mà tui quên mất...
Anh phu xe cằn nhằn:
-Thiệt tình rắc rối quá ! Đời bây giờ thì nói chuyện bây giờ, nói chi chuyện xưa. Muốn má hồng thì đánh phấn tô son lên, dễ quá mà ngoại. Ừ, ừ, còn một bà nữa, chắc là đúng rồi. Phải đường Mạc Thị Bưởi không ? Tên có chữ " thị " đúng là đàn bà rồi !
-Tui đâu có biết, chú liệu mà đi.

Chiếc xe vẫn lăn bánh. Từng con đường lần lượt qua. Chú xích lô nhìn từng tấm bảng chỉ đường trên cột mà quanh trái, rồi quẹo phải. Ánh nắng đã tắt từ lâu, đèn đường thì chưa bật sáng. Từng cơn gió thổi lùa vào trong khoang xe, bà Sáu nghe trên mặt mát rượi nhưng trong lòng thì nóng như lửa đốt. Chỉ còn một chút xíu nữa thôi là bà sẽ gặp lại chồng, nào ngờ gặp phải cái thằng phu xe ba trợn nầy. Bà nhắc chừng:
-Thôi chú không biết đường thì kiếm người nào biết mà hỏi. Chớ chú chạy hoài chạy hũy vậy cũng không tới đâu.
-Ừ, ừ, ngoại nói có lý. Để hỏi lại cho chắc ăn. Chớ theo tui, nó là đường Mạc Thị Bưởi, làm sao trật được.
Miệng vừa nói, anh ta cho xe cặp vô lề từ từ. Có một người đi ngang dáng lầm lũi. Anh phu xe ngừng lại, lon ton tuột xuống cái yên, chạy lại níu tay người khách bộ hành, hỏi đường đi.
Người kia ngợ một hồi lâu, lấy tay chỉ chỏ ra dáng còn chừng xa lắm. Hai người quơ tay quơ chưn ra dấu, chỉ chỏ lung tung. Bà thấy khi thì chỉ lên, khi thì chỉ xuống, bèn nhìn theo hướng ngón tay, đường nào cũng dài thậm thượt, ngang dọc như bàn cờ, không giống như dưới Ba Tiệm chút nào. Bà Sáu đành chịu thua, không biết đâu mà định hướng được. Chú xích lô trở lại xe, miệng láp dáp:
-Con đường gì kỳ cục quá. Theo ông đó thì còn phải đi xa lắm. Dọc theo đường nầy rối quẹo qua tay mặt, lên một cái cầu, rồi đi thêm hai đường nữa mới tới.

Nói xong anh ta lấy hết sức đạp thiệt mạnh. Cái xe đi vùn vụt. Bà Sáu sợ quá, vịn chặt cái thanh sắt bên thành xe mà chịu trận. Trong bụng nghĩ cái thằng nhỏ nầy nó phát khùng rồi. Thiệt là xui xẻo, đến phút cuối cùng rồi mà sao còn rắc rối quá. Bà đâm lo và thắc mắc:
-Chú xích lô, chú xích lô, chạy chậm chậm lại. Chú chạy lẹ quá, rủi quanh cua nó lật úp hay xe hơi đụng chết hết bây giờ. Mà, mà ... chú làm nghề đạp xích lô nầy lâu chưa ? Sao tui thấy chú còn trẻ quá...
Chiếc xe từ từ giảm tốc lực, chạy chậm lại với nhịp độ bình thường, giọng người phu xe hổn hển:
-ỐÂi, ăn thua gì mà ngoại lo. Tui còn dám đua Honda ngoài xa lộ, sá gì chiếc xích lô đạp chậm rì nầy. Hổng dấu gì ngoại, mới nghỉ học đạp xích lô chừng tuần nay...
Nói xong anh ta rà thắng lại, cho xe leo lên dốc cầu. Cái cầu nầy lai chia ra làm hai nhánh. Chiếc xe từ từ theo hướng tay mặt, ôm sát vòng quanh, rồi đi thẳng tới. Nhà cửa phố xá khu nầy trông xập xệ tiêu điều, thiếu vẻ khang trang ngoài đường lộ lớn ban nãy. Có nhiều nhà phơi quần áo xanh đỏ phất phơ trước cửa. Dưới sân là những đống xác mía được cào ra bốn phía để phơi cho mau khô. Có nhà bày củi sắp lớp ở ngoài sân, những cây củi đước nhỏ bằng ngón tay cái, được lột vỏ, thịt cây màu trắng đo đỏ. Có nhà làm nghề dệt chiếu, từng bó lát dài chừng hai thước được nhuộm phẩm xanh đỏ tím vàng, treo dọc theo hàng hiên trước cửa. Chừng đã thấm mệt, chiếc xe chậm lại rồi ngừng hẳn. Anh phu xe tay quẹt mồ hôi trên trán, miệng đòi tiền:
-Tới rồi ngoại. Ở đây nè ! Đường nầy là đường Mặt Má Hồng.
Bà Sáu nghe nói mừng quá, dợm bước xuống, nhưng nhớ lại trong thơ chồng đã tả về căn nhà mới. Đó là một căn biệt thự có lầu cao ba từng, có trồng hoa kiểng. Trước nhà có cổng xây bằng đá hoa cương, bên trong toàn là cửa kiếng, đường trải sỏi trắng. Còn ở đây nhà cửa lụp xụp, mặt lộ đầy ổ hang, bụi bặm, rải rác đây đó có nhiều bãi phân bò, phân heo.
-Thiệt đúng là đường Mặt Má Hồng không đó chú ?
-Thiệt mà ngoại. Nói láo gạt ngoại làm chi. Tính ngoại mười đồng thôi. Đường xa quá, đáng lẽ phải đòi thêm...
Nói xong anh ta hối bà Sáu bước xuống, nắm con vịt quăng trên lề đường, lấy tiền nhét lẹ vô trong túi áo, rối đạp xe đi thẳng. Bà Sáu bước vô lề, tay xách giỏ ny-lông, tay nắm lấy con vịt, mặt ngơ ngác loay hoay không biết phải làm sao nữa. May quá, có một người đứng tuổi đi ngang, dáng hiểu biết. Bà níu tay lại hỏi thăm đường. Người khách lạ, nghe xong trợn mắt nhìn sững bà từ đầu tới chưn, rồi mới nói:
-Bà đi lầm đường rồi. Cái đường bà hỏi đó lúc trước nó là đường Công Lý, nối liền với đường Cách Mạng Một Tháng Mười Một. Bây giờ nhà nước sửa lại là Nam Kỳ Khởi Nghiã. Nó ở tận bên Sài gòn lận. Còn đường nầy là đường Hưng Phú thuộc quận mười. Chỗ nầy kêu là khu Chánh Hưng, bà không thấy cái lò heo lớn ở đàng kia sao ?
Rồi ông ta lấy tay chỉ chỉ về phía trước mặt. Bà Sáu nhìn theo hướng chỉ, thấy nhà cửa phố xá chập choạng, bụng rối như tơ vò:
-Trời ơi, vậy sao ? Cái thằng xích lô trời đánh thánh vật. Cái thân nó đã không biết đường mà còn hứa ẩu, lãnh đưa người ta đi. Rồi biết chừng nào mới gặp được chồng tui !
Bà để con vịt xuống than thở:
-Thiệt là khổ quá chừng. Khi không đưa vô công- xi heo để làm chi vậy nè trời !
Ông khách dợm bước đi nhưng còn rán an ủi:
-Trời cũng đã hơi khuya. cũng may có một mình bà đi lạc cũng dễ tìm đường ra... Thôi, rán mà tìm người tài xế khác lương thiện, tử tế hơn. Trước sau gì cũng tới mà, chỉ trễ nải một chút...
Võ Kỳ Điền
(trích trong tập Kẻ Đưa Đường, xuất bản 1986)
  

No comments: