Sunday, September 9, 2012

NGUYỄN ĐỨC CUNG * THỂ U MẶC

VỀ MỘT TRƯỜNG HỢP CỦA THỂ VĂN U-MẶC:
ĐỌC LẠI “GIÀY SÔ, NÓI PHÉT VÀ ĐÀN BÀ”
 CỦA HUỲNH VĂN PHÚ. *
Nguyễn Đức Cung




     Trong một loạt bài nghiên cứu có nhan đề “Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 1932- 1945”, đăng trên Tạp chí Đại Học 1 của Viện Đại Học Huế, giáo sư Thanh Lãng đã viết về khuynh hướng hài biếm trong nền văn chương Việt Nam như sau: “Có nhiều nhà văn viết ra là để cười đùa hay châm biếm. Đặc tính của con người hài biếm không phải là giầu tình cảm mà thường là giầu tưởng tượng, linh lợi, ranh mãnh. Dùng cái cười để đặt ra một vấn đề bắt thiên hạ phải suy nghĩ, lấy cái bông đùa để mà gói ghém một chủ trương... Ý hướng hài biếm thường đi đôi với ý hướng tâm lý hay phong tục. Vì cười đùa thì là cười đùa một nét tâm lý kỳ quặc hay một tập quán dở hơi.” 2

     Ý kiến của vị giáo sư đại học và cũng là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Miền Nam Việt Nam cách đây hơn bốn mươi năm đã cho người đọc một số gợi hứng để đọc lại tác phẩm ký và phiếm mang tựa đề “Giày Sô, Nói Phét và Đàn Bà” của nhà văn Huỳnh Văn Phú, xuất thân từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến vốn đã có tác phẩm in trước năm 1975 tại Miền Nam 3.

     Trước hết ý hướng hài biếm của nền văn chương u-mặc vốn hiện diện trong tâm thức của bất cứ dân tộc nào, dù tản mạn hay tập trung. Hai chữ u-mặc là do người Trung Hoa dịch từ chữ humour của người Anh. Tự điển Larousse có định nghĩa về hai chữ đó diễn ý như sau: “Hình thái trí tuệ che dấu trong dáng vẻ nghiêm túc, một sự trào lộng cay độc, một tình huống phi lý hay đáng phì cười” 4. Trong văn học Trung Hoa, ngòi bút chua cay của văn hào Lỗ Tấn (1881-1936) qua danh tác Ả Q Chính Truyện đã nêu được cái sâu sắc của tư tưởng hài hước khi phải đối phó với những biến cố, sự việc đau khổ, phũ phàng trong cuộc sống đời thường. Ý hướng hài hước (sense of humour) vốn là ý hướng thường hằng trong mỗi con người nhưng vấn đề triển khai ra được bên ngoài hay không dưới hình thức này hay phương cách khác lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố và trường hợp khác nhau nhất là thông qua các yếu tố đặc thù như môi trường xã hội, gia đình, huyết thống, nghiệp vụ v.v...

     Đối với dân tộc Việt Nam, khuynh hướng hài biếm vốn ăn sâu trong tâm tư, dòng máu và được thể hiện ra bên ngoài trong rất nhiều trường hợp thí dụ qua truyền thống văn hóa gia đình, làng xóm, trong các cuộc thi đua tranh tài để một phần biểu lộ sự thông minh, nhanh trí trong đối đáp hoặc giữa trai với gái tại các cuộc hội ngộ ở làng quê, hoặc do truyền thống đặc thù của sinh hoạt dân quê nơi làng xã, thôn ấp. Ở một làng thuộc miền quê tỉnh Quảng Trị, làng Huỳnh Công Tây, “làng kể chuyện trạng”, thuộc xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh  có những nhân vật hiện thời nổi tiếng về tài “nói dóc” hay “tán phét” như bà Trần Thị Liệu, 64 tuổi và chị Võ Vân Nương năm nay 42 tuổi và hiện tượng đó được coi như là “một di sản văn hóa phi vật thể ”.5 Ngoài ra tác dụng của khuynh hướng hài biếm còn giúp thành vũ khí sắc bén của những giới thấp cổ bé miệng đánh trả lại bọn cường quyền sâu mọt thường có trong mọi thời, mọi nơi giữa một xã hội mà sự bất công vốn đầy đẫy. Khuynh hướng đó thể hiện trong các câu chuyện tiếu lâm, các bài thơ trào lộng đầy tính mỉa mai, châm chọc. Xã hội càng có nhiều bất công, các loại văn chương phúng thích này càng phong phú, đa dạng. Khi vào trại tập trung Long Thành ngày 17 tháng 6 năm 1975, tôi thấy người cán bộ Cộng Sản thường rất cay cú về việc ngành thông tin VNCH đem chuyện “bảy thằng du kích Việt Cộng đánh đu vào một cành đu đủ mà không gãy” để chế diễu sự đói ăn thiếu uống của bọn này.

     Trong tập Bút ký Tôi Phải Sống, linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã ngẫu nhiên minh họa thêm về nền văn chương u-mặc được sử dụng ở tầm mức cao của quốc gia như sau:

     “Đầu năm 1979, chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam lên tới cao điểm. Đêm đêm, cái loa của đài phát thanh trong trại vang lên inh ỏi tin tức chiến sự và những lời chửi bới Trung Quốc. Tiếng chửi bới cứ ra rả ngày đêm rót vào tai chúng tôi. Họ dùng đủ mọi hình thức và mọi kiểu để chửi Trung Quốc, từ tin tức, bình luận, kịch nghệ, âm nhạc v.v... Từ chửi thanh tới chửi tục, kiểu gì cũng có. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao các thợ viết kịch của chế độ cộng sản Việt Nam đã sáng tác được những vở kịch chửi Trung Quốc nhanh và hay đến thế. Những khẩu hiệu ngày trước Hồ Chí Minh dùng để ca ngợi người anh em Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông”, bây giờ không còn nữa. Thay vào đó, lúc này họ “ca ngợi” Trung Quốc bằng hai câu thơ mà đêm nào chúng tôi cũng nghe trong chương trình phát thanh Quân Đội Nhân Dân. Nghe mãi rồi tôi thuộc nằm lòng:

              “Quốc kỳ là váy đàn bà,

          Quốc huy là cái bội gà mang theo!”

Sở dĩ có hai câu thơ hạ cấp ấy vì theo họ nói, lính Trung Quốc đánh tràn qua các làng mạc Việt Nam ở vùng biên giới, đã vơ vét tài sản của dân chúng không từ một thứ gì kể cả váy đàn bà và cái bội nhốt gà.” 6

     Đối với tác phẩm “Giầy Sô, Nói Phét và Đàn Bà” viết dưới thể loại hài biếm của Huỳnh Văn Phú, người ta không thể không nhớ đến câu nói của nhà văn Buffon (1707- 1788) “Văn tức là người” (Style, c’est l’homme), nơi nhà văn gốc quân đội cũ này thể hiện một tinh thần trào lộng, lạc quan nhất là ý thức quốc gia và tinh thần chống Cộng của một người cầm bút, sinh ra và trưởng thành dưới chế độ tự do dân chủ của Miền Nam Việt Nam. Dùng văn tài trong ý hướng hài hước để trình bày một số hiện tượng về tâm lý và xã hội, nhà văn Huỳnh Văn Phú đã không quên một môi trường cung cấp cho anh rất nhiều chất liệu cho ngòi bút trào lộng đó là xã hội của cái gọi là đỉnh cao trí tuệ cùng mọi cơ cấu của chủ nghĩa ngoại lai phi nhân bản này.

     Khi đọc tác phẩm dưới hình thức ký và phiếm, tôi đã sống lại những hồi ức xa xưa và có dịp đối chiếu với những điều tác giả đề cập đến trong cuốn “Giày Sô, Nói Phét và Đàn Bà” này, nhất là phần đầu nói về những kỷ niệm buồn vui, cười ra nước mắt của tác giả trong những ngày đầu vào trường Võ Bị Đà Lạt. Bài ký  “Tôi Vào Võ Bị” đưa tác giả và người đọc vào một thế giới mới, thế giới quân trường mà ở đó nguyên tắc hành sử của một tân khóa sinh là nhẫn nại chịu đựng và vâng lệnh tuyệt đối, đồng thời nó cũng giúp khiến tôi nhớ lại những ngày tháng 4 năm 1968 khi nhận được giấy động viên vào khóa 3/68 trường bộ binh Thủ Đức, giã từ bục gỗ bảng đen của nhà trường giữa lúc cường độ chiến tranh đang tăng lên mãnh liệt trên các chiến trường Miền Nam sau Tết Mậu Thân. Những hình thức hành xác trong hai tháng huấn nhục của trường võ bị Đà Lạt có lẽ cũng giống Thủ Đức qua bài ký này đôi lúc cũng làm cho những ai vướng vào vòng binh nghiệp cảm thấy bực bội những đều chấp nhận đó là những đoạn đường bắt buộc phải trải qua, bởi lẽ châm ngôn đanh thép và khôn ngoan của mọi quân trường đều là “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Ở trường Bộ binh Thủ Đức, tôi đã có nghe một bài hát khích lệ tinh thần chịu đựng gian khổ mang nội dung châm ngôn đó.

     “- Các anh mang xách lên vai chạy theo tôi.

     Tên nón nhựa  nói xong và chạy trước. Chạy được vài bước, anh ta quay đầu lại thấy đoàn quân “dân chính” vẫn đi tà tà, anh ta bèn phùng mang trợn mắt hét lớn:

     - Các anh có chạy không? Chạy theo tôi ngay. Các anh “ngoan cố” hả?

     Anh chàng dân sự đi đầu toán thấy sự “trở mặt” trong cách đón tiếp một cách quá  nhanh như thế, hơi ngớ người ra và có vẻ ngạc nhiên. Trong khi đó thì tên “ác ôn nón nhựa” vẫn giữ một thái độ vô cùng hung ác, luôn mồm hò hét: “Chạy, chạy theo tôi ngay”. Thế là chàng dân sự nhà ta nhỏm giò chạy. Đoàn người nhếch nhác lang thang đi sau thấy người trước chạy, cũng chạy theo. Và tôi, theo phản ứng dây chuyền cũng không thể đứng ỳ ra đó được” (trang 17).

     Đoạn văn mang tiểu đề “Chạy theo tôi” bỗng dưng đưa tôi trở lại với hình ảnh ông chuẩn úy già tên Kim, người Nam có lẽ lên cấp bậc từ hàng hạ sĩ quan, cũng đã “dợt” cho tôi tơi tả từ những ngày đầu nhập quân trường Quang Trung (vì các khóa động viên lúc bấy giờ quá đông, Thủ Đức không đủ chỗ chứa, phải huấn luyện nhờ ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung tại Hốc Môn), ở đại đội 3, tiểu đoàn Nguyễn Huệ của đại úy Hiến khét tiếng nghiêm khắc.

     “Màn chạy vòng quanh sân trường chấm dứt, mấy tên “ác ôn” không để cho bọn tôi nghỉ ngơi phút nào, tập hợp bọn tôi trên sân cỏ huấn luyện cái màn chào tay và xưng danh. Chào đúng theo cách chào của các Sinh Viên Sĩ Quan trường Võ Bị West Point đấy các cụ ạ! Sao mà phiền nhiễu thế. Chào không đúng cách ư? Hãy nghe một tên “nón nhựa” ra lệnh:

     - Anh kia chào chưa đúng. Anh đứng dựa lưng vào tường và tập chào 50 lần. Mỗi lần bỏ tay xuống thì phải đánh bàn tay vào tường một cái cho mạnh. Và sau 50 cái tập chào, tay đánh mạnh vào tường, bàn tay của chàng dân sự kia không còn “mềm mại như con gái” nữa. Màn chào tạm ổn dù chưa được nhuyễn lắm. Thời gian còn dài, lo chi. Bàn tay còn nhiều dịp thử độ rắn của bức tường mà.” (trang 19).

     Những tên “đội nón nhựa”, “ác ôn” được Huỳnh Văn Phú cẩn thận cho vào trong ngoặc kép, những huynh trưởng thuộc khóa đàn anh ngày nay có nhiều người đã trở thành “những người muôn năm cũ”, đã trả nợ núi sông trên chiến địa hay về sau trong lao tù Cộng Sản, hoặc phiêu bạt nương nhờ cuộc sống cuối đời trên mọi miền thế giới, chắc chắn tất cả đều đã thấm qua cái nguyên tắc bất di bất dịch đó là “trước khi anh làm quan, anh phải làm lính cái đã” (trang 22).

     Qua những trang nói nhiều đến các màn “hành xác” thời gian tân khóa sinh, độc giả khó mà nín cười khi đọc qua những đoạn mang tên “Anh có quen tôi không?”, “Vuông góc”, “Xuống tóc”, “Dã chiến, “Sau đây...”, “Hôn em nghìn lần” v.v... Tất cả những mệnh lệnh đầy phi lý, sự tuân phục với mức độ nhẫn nhục rất cao, các cố gắng từ tinh thần đến thể lý của những người trai thời loạn dù chọn binh nghiệp là “nghề nghiệp tiến thân” (carrière) của mình hay “tạm nghiệp” (động viên), mọi cái đều hiện diện như những thử thách, những trở ngại phải vượt qua để trui rèn bản thân cho mục tiêu phụng sự lý tưởng của đất nước. Tuy nhiên, sau những cái cười thoải mái chỉ kéo dài được trong một vài phút  là nỗi luyến tiếc khôn nguôi về cả một công trình xây dựng từ hơn nửa thế kỷ qua từ những ngày đầu hình thành Quân Đội Quốc Gia Việt Nam đến những bước phát triển và trưởng thành của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thoáng chốc đã tan tành sụp đổ chỉ không đầy hai tháng trước ngày Miền Nam sụp đổ. Nào đâu hình ảnh các quân trường ở Bắc, Trung, Nam ? Nào đâu những địa danh mang dấu tích huấn luyện tài cầm binh và xử trí ở chiến trường của người trai thời loạn ? Những tên gọi Đập Đá (Huế), Nước Ngọt (Bà Rịa), Đồng Đế (Nha Trang), Quang Trung (Hốc Môn), Thủ Đức, Đà Lạt với hình ảnh bao quát của các vũ đình trường nay còn đâu? Bài ký “Tôi Vào Võ Bị” của Huỳnh Văn Phú với những lời kết như :

     “Một điều gì đó rất vô tình giữ anh lại, không cho anh làm bậy, không cho phép anh được hèn, không được khiếp nhược trước kẻ thù và bao giờ cũng đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết...” (trang 57) chính là một điều nhắc nhở về đạo làm người là chung thủy, trung thành nhưng đau đớn thay, trong thực tế những kẻ đã từng đi dưới rừng biểu ngữ tung hô, ngồi ghế chủ tọa các lễ mãn khóa tại vũ đình trường, nắm trong tay vận mệnh của cả một dân tộc, đã sớm bỏ đồng đội chạy trước hết, phản bội lý tưởng chiến đấu của đất nước. Nỗi ngậm ngùi của mối hờn mất nước tuy không được tả rõ nơi tác phẩm này nhưng cái “truyền thống” mà tác giả gửi gắm ở trang 51 chính là truyền thống không đầu hàng giặc, vì tự cổ chí kim không có binh thư, binh pháp nào dạy đầu hàng cả.

     Trong những tháng ngày qua, tôi có dịp đọc lại mấy bộ quân sử của sử gia Phạm Văn Sơn, nhất là Quân sử 4 có tên là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn hình thành 1946-1955, với nổi buồn chất ngất. Sử gia Phạm Văn Sơn trong thời gian đi tù ở Vĩnh Quang, đã phát bệnh hủi và chết một cách đau thương, cô quạnh trong trại tù Cộng sản 7. Bộ quân sử  nói riêng và tất cả các công trình nghiên cứu sử học của vị đại tá sử gia nói chung này đã dành cho ông một chỗ ngồi xứng đáng trong tòa nhà sử học Việt Nam. Đọc công trình nghiên cứu về quân sử của Phạm Văn Sơn, tôi càng chua xót và tiếc cho một quân đội đã được xây dựng từ trong biết bao lớp máu xương và kinh nghiệm gian khổ như vậy mà phút chốc tan rã một cách đau thương để thấy rõ tầm mức tội trạng của giới lãnh đạo Miền Nam khi bỏ hàng ngũ, bỏ đồng đội để chạy trước, ai chết mặc ai.

     Bước qua phạm trù ngôn ngữ để tìm chất liệu cho tác phẩm của mình, Huỳnh Văn Phú đã có sáng kiến sưu tầm những lời nói, kiểu nói, phương tiện diễn đạt tư tưởng và cô động chúng tại trong một bài ký có tên “Cách nói chuyện thường nhật của những đỉnh cao trí tuệ”. Sự đổi thay của ngôn ngữ do cách biệt địa lý, qua sự cọ xát với các cuộc tiếp xúc giữa mọi giai tằng trong xã hội với nhiều trình độ văn hóa thấp cao cũng đã có nhiều biến thái và thường được các nhà văn ghi lại trong tác phẩm của mình.

     Trong bài “Đọc “Dạ Ký” Của Phùng Cung”, Nguyễn Minh Cần cho biết năm 1954, tại Hà Nội “khi vào thành phố, cán bộ, đảng viên, và bộ đội du nhập theo một loại từ ngữ hết sức xa lạ và khó hiểu với người dân địa phương, nào là tiến bộ, lạc hậu, phản động, khắc phục khó khăn, thành khẩn bộc lộ, thực sự cầu thị, đãi ngộ, hưởng thụ, tiêu chuẩn, đốt cháy giai đoạn, v.v... Người dân cũng rất kinh ngạc về những “tập tục” lạ lùng, như trai gái tìm hiểu nhau hay muốn cưới nhau thì trước hết phải báo cáo và xin phép “tổ chức”, họ chẳng hiểu nổi “tổ chức” là cái “ông” gì mà lớn hơn cả bố mẹ.” 8  Hơn bốn mươi năm sau, Huỳnh Văn Phú cho thấy trình độ sáng tác loại ngôn từ mới mà Nguyễn Minh Cần vừa nhắc tới còn vượt xa hơn nữa. Lối giải thích hóm hỉnh và rất đúng nghĩa của tác giả “Giày Sô, Nói Phét và Đàn Bà” trước mỗi một chữ dùng, cách nói của người cán bộ Cộng sản cấp bậc khác nhau, nhất nhất từng trường hợp đều có những loại ngôn từ khác nhau.

     “Này nhé, bạn đang đi ngoài phố, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Một tên bộ đội, tay cầm điếu thuốc chưa đốt, nếu anh ta muốn mồi lửa, anh ta sẽ tiến đến bạn và nói”

     - Cho tôi xin “quan hệ” tí lửa.”

     Từ trang 59 đến 69, Huỳnh Văn Phú đã cung cấp cho các nhà làm tự điển sau này rất nhiều danh từ mới, hoặc cụm từ quái lạ do cán bộ cách mạng du nhập vào miền Nam sau ngày 30-4-75 hay trong các trại tù có mỹ danh là trại cải tạo.

     “Mời các bạn nghe tiếp mẫu đối thoại giữa hai mụ công an nói chuyện với nhau:

     - Nếu đi từ “trực quan sinh động” đến “tư duy trừu tượng” thì tôi nói với đồng chí là “thị trường thịt” hôm nay “căng” lắm nhưng giữa tôi và đồng chí có mối “quan hệ hữu cơ” với nhau nên tôi sẽ để lại cho đồng chí một nửa số thịt tôi hiện có với giá “hữu nghị” mà thôi” (trang 62).

     Ở một đoạn khác, Huỳnh Văn Phú dám đoan chắc với chúng ta rằng:

     “Bây giờ, thử tưởng tượng bạn đi vào một nhà thổ và cô gái ăn sương có nhiệm vụ tiếp bạn là một người sinh ra và lớn lên dưới chế độ Cộng Sản, tôi  bảo đảm với bạn rằng bạn sẽ nghe cô ta nói với bạn những lời lẽ sau:

      Này anh, trước khi ta “tiến hành”, tôi có mấy “quy định và yêu cầu cụ thể “ sau:

     Thứ nhất: Phải giữ “cự ly”

     Thứ hai: Thời gian không “khống chế”

     Thứ ba: Không được “nóng vội”

     Thứ tư: Không cần “đảm bảo mỹ quan”

     Thứ năm: Trả tiền “nghiêm chỉnh” (trang 62).

     Sau khi Cộng sản thắng thế tại Miền Nam, ngoài việc bọn cán bộ các cấp từ trên xuống dưới tranh nhau giành giựt chiến lợi phẩm từ việc cướp nhà, cướp đất, cưỡng đoạt tài sản, hiếp đáp, đày ải hàng triệu người dân của phe bại trận, chúng còn tiến những bước xa hơn trong lãnh vực tiêu diệt nền văn hóa gọi là đồi trụy phản động của Mỹ ngụy. Chính sách “phần thư khanh nho” (đốt sách, chôn sống học trò) của bạo chúa Tần Thủy Hoàng đã được đảng CSVN thực hiện rất chu đáo, quyết liệt. Tất cả các sách vở của Miền Nam, sách báo ngoại quốc, sách tôn giáo, khoa học, chuyên môn, kể cả các cuốn tự điển đều bị công an phường, khóm tịch thu chất đầy hàng trăm xe ba gác chở về các trụ sở và chúng bí mật tẩu tán vì biết đó là những kho tàng vô giá có thể khai thác sau này. Năm 1985, khi ở trại tù Nam Hà, tôi có gặp giáo sư Trần Quốc Vượng và ông này cho biết giáo sư Nghiêm Thẩm, nguyên Giám đốc Viện Khảo cổ Sài gòn bị đập chết bằng búa tại tư gia của ông đường Công Lý vì ông là chủ nhân một thư viện tại nhà riêng có rất nhiều tài liệu quý giá mà ông đã để cả một đời để sưu tầm. Đối với hàng trăm nhà trí thức, văn nghệ sĩ Miền Nam mà dưới con mắt của Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh thì “trí thức không bằng cục phân”, nhà thơ Trần Dạ Từ đã cho biết “Với ngày 3 tháng Tư, 1976 chỉ bằng một cái búng tay của bạo lực, cộng sản cầm tù được cả trăm văn ũi xe hai hoặc ba toa trống mui trần chất đầy bao cát để phòng xe bị giật mìn, thường thì toa đầu bị trúng nhưng nhờ biện pháp đó mà thương vong sẽ giảm thiểu, khoảng giữa là một toa quân nhân hộ tống và nối sau là các toa khách. Không khí căng thẳng và nơm nớp trên mỗi chuyến đi tăng thêm và cũng vì đó các chuyến xe lửa xuyên Việt thưa dần khách... Đọc lại tác phẩm của Huỳnh Văn Phú không phải là để sống với niềm tự tôn văn hóa của những người vốn trưởng thành tại Miền Nam nhưng là để có dịp nói cho công luận rõ những cái hơn hẳn của một nền văn hóa dân tộc vốn có từ trong Nam ra ngoài Bắc, thuộc từ bao nhiêu thế hệ xưa tới nay, về một đại khối dân tộc so với nền văn hóa què mù của đảng CSVN từ ngày có chính quyền năm 1945 đến nay luôn cố gắng áp đặt trên dân tộc, và nhất là giai cấp cầm quyền hiện nay mà Bùi Tín gọi là “những người lùn chính trị”.

     Ngoài ra, sự hóm hỉnh độc đáo và đầu óc ranh mãnh của nhà văn họ Huỳnh còn đi xa hơn nữa trong bài viết về cái biểu tượng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (là con bìm bịp để cho đúng với bản chất lừa bịp của CSVN) hay bài phiếm “Nói Phét” hoặc “Tranh Vẽ Đói”, “Mẫu Hàng Mới” tuy diễn tả dưới hình thức bỡn cợt nhưng có một dụng ý trào lộng nhằm tố cáo chế độ Cộng Sản phi phân đã và đang đày đọa, vùi dập hàng chục triệu con người Việt Nam trong vòng đói rách, ngu dốt và mất hết nhân phẩm của con người, lừa bịp nhân dân trong nước và các nước trên thế giới. Các mũi dùi cay độc nhắm vào chủ nghĩa cộng sản, hướng về thần tượng “bác Hồ”, dưới ngòi bút của Huỳnh Văn Phú gói gọn trong hai câu “Nói phét muôn năm” hoặc “Nói phét sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” (trang 98).

     Sống ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania thuộc vùng đông bắc Hoa Kỳ là nơi có tuyết thường xuyên trong mùa đông, Huỳnh Văn Phú đã có nhiều kinh nghiệm để viết về tuyết với tất cả sự quan sát tinh tế, sành sõi, kèm theo nỗi “ngán ngẫm” hay thậm chí “khiếp sợ” của mình đối với...tuyết.

     “Đối với tôi, kể từ cơn bão tuyết “Blizzard of 96” khủng khiếp nhất từ 70 năm qua với những trận mưa tuyết liên tục ào ào đổ xuống thành phố Philadelphia suốt 35 tiếng đồng hồ không dứt, bao phủ toàn vùng một lớp tuyết dày hơn nửa thước, nhiệt độ lúc nào cũng dưới độ đông của nước, tôi không còn nhìn thấy một tí gì cái đẹp của những bông tuyết rơi. Tôi khiếp sợ tuyết và đã xem tuyết như một “tai họa” của con người và tôi đã lẩn thẩn so sánh tuyết cũng y hệt như đàn bà.” (trang 136)

     Ở một chỗ khác, Huỳnh Văn Phú đưa ra một nhận xét khá vui tếu mà cũng vững như đinh đóng cột: “Đàn bà không tin bất cứ điều gì ngoại trừ nói láo”(trang 141). Sự giao thoa về ý tưởng của tuyết với sự suy nghĩ về người đàn bà qua một lối văn trình bày khá tự nhiên và độc đáo, khắc họa nét tài tình trong nghệ thuật cầm bút của anh.

     Những mẫu chuyện khác như “Chuyện người có hai vợ”, “Ôi! đàn bà”, “Rồi cũng qua đi...”nêu bật những tình trạng éo le, khó xử, hoặc đau thương giữa những cặp vợ chồng Việt Nam trong cuộc sống tị nạn tại Hoa Kỳ, với những cảnh ngộ đáng khóc hơn là cười, những cảnh dang dở trong đời sống vợ chồng, những bi thảm mang đầy kịch tính của  phản bội, lọc lừa, điêu trá.

     Một nhà văn Tiệp Khắc, Milan Kundera, người đã bị ngược đãi sau khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Praha năm 1968, và bị tống xuất ra khỏi nước năm 1975, rất nổi tiếng với tác phẩm “The Joke” (Chuyện Khôi Hài”), đã từng tâm sự: “Tôi học được giá trị của hài hước trong giai đoạn khủng bố của Stalin. Tôi có thể nhận biết được một người, không phải là tín đồ của chủ nghĩa Stalin, một người mà tôi không cần phải sợ hãi, qua cung cách ông ta cười. Một cảm quan hài hước là một dấu hiệu nhìn nhận đáng tin cậy, từ đó, tôi cảm thấy kinh hãi cái thế giới đã đánh mất cảm quan hài hước.” 14

     Nietzsche, một triết gia Đức đã từng nói: “Hài hước là biểu hiệu của lành mạnh. Trái lại bất cứ Tuyệt đối nào cũng đều thuộc bệnh lý cả.” (L’ironie... signe (s) de santé. Tout absolu relève de la pathologie.- Par delà le bien et le mal, 154). Khi đọc những chuyện phiếm mang tựa đề “Long thể bất an”, “Chuyện những người đẻ gần kho đạn”, “Lại bàn về nói phét”, “Chuyện những người đẻ gần nhà đèn, “Tuyết và đàn bà”, “Chuyện tầm ruồng” ... chúng ta thấy Huỳnh Văn Phú đã vận dụng khả năng sáng tạo để biến những mẫu chuyện bình dị thường ngày trở thành những cơ hội hài hước, góp vui cho cuộc sống vốn rất căng thẳng vì nhu cầu ăn mặc, nhà ở, phương tiện di chuyển, việc làm của chúng ta trên xứ sở đầy văn minh và tiện nghi này. Nếu có người như Tú Gàn đã từng cho rằng “Cười là tiếng ca đại thắng” 15 thì tiếng cười của Huỳnh Văn Phú lại mang những nét thâm trầm, kín đáo, tinh nghịch (Mẫu hàng mới, trang 87, Long thể bất an, trang 101, Tuyết và đàn bà, trang 141). Chủ nghĩa cộng sản luôn luôn mơ màng xây đắp những cái tuyệt đối, không tưởng trong thực tế đã từng bị vào sọt rác lịch sử, chính vì đã chứa đầy những căn tính của bệnh hoạn theo như cảm nghiệm của Nietzsche. Cuộc sống đầy lo toan về việc làm, chật vật về giờ giấc của chúng ta nhiều khi quá căng thẳng cũng là dấu hiệu của bệnh lý. Ý niệm hài hước từ trong môi trường sống có lúc từng được ví như chiếc sào dài giúp cho người đi xiếc trên dây cáp giữ được thế thăng bằng, sẽ làm cho cuộc đời bớt đi những phiền lụy, lo toan, và hạnh phúc thoải mái hơn, đúng như câu “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”. Một số các nhà tâm lý học như Rod Martin và Herbert Lefcourt gần đây đã có công thu thập nhiều bằng chứng, tư liệu để nêu rõ vai trò làm giảm sự căng thẳng tinh thần của ý thức hài hước và họ đã chứng minh rằng những người có được ý thức hài hước cao đã không bị bầm dập vì những biến cố bất lợi trong đời sống của mình 16.

     Tóm lại, văn chương trào lộng mà tôi gọi là nền văn chương u-mặc vốn có những lợi khí sắc bén để đả phá, châm chích, quật đổ một thần tượng nào đó khi cần thiết. Trong một quốc gia có dân chủ thật sự,  việc viết lách tương đối có tự do, thoải mái ít bị cảnh sát, công an dòm ngó, theo dõi hay chế độ kiểm duyệt ít khi cắt bỏ bài viết hoặc cấm đoán ấn phẩm lưu hành, như ở Miền Nam trước đây. Trong một quốc gia văn minh và tự do như Hoa Kỳ, công việc sáng tác của nhà văn không bị bất cứ một trở ngại nào có tính cách chính trị cho nên các tác phẩm có tính cách hài biếm như “Giày Sô, Nói Phét và Đàn Bà” của Huỳnh Văn Phú mới được “rộng cánh cò bay”. Đối với một số các tác giả không được lòng chế độ như chế độ Cộng sản chẳng hạn, việc viết chui, in sách chui thật làvạn phần nguy hiểm nhất là những loại văn chương có tính cách phúng thích, trào lộng, bóng gió đả kích chế độ, lãnh tụ như trường hợp Dạ Ký của Phùng Cung mà ông Nguyễn Minh Cần mới đây đã đưa ra trước công luận trên một số báo chí và phương tiện truyền thông hải ngoại. Cái giá của văn chương dĩ nhiên phải đắt hơn so với những món hàng khác.

     Nếu ký và phiếm nằm trong tiểu thuyết như Nelly Cormeau quan niệm là một lối nói dối đẹp đẽ và hợp lý (Le roman est toujours un mensonge, un beau mensonge cohérent) 17 thì tác phẩm “Giày Sô, Nói Phét Và Đàn Bà” của Huỳnh Văn Phú xác định quan điểm tương đối chấp nhận được của Nelly Cormeau đồng thời cũng cho người đọc những chất liệu giải trí lành mạnh giữa cuộc sống thập phần nhiêu khê này.

     Nguyễn Đức Cung



CHÚ THÍCH :



1.- Tạp chí ĐẠI HỌC là cơ quan nghiên cứu của Viện Đại Học Huế xuất bản hai tháng một kỳ, do Linh mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế làm Chủ nhiệm, giáo sư Nguyễn Văn Trung, chủ trương biên tập, ra đời từ tháng giêng năm 1958. Sau khi Linh mục Luận rời khỏi Viện Đại Học Huế năm 1966, tạp chí đình bản. Đây là một cơ quan ngôn luận đã đăng tải những bài viết rất có giá trị của nhiều giáo sư Viện Đại học Huế và các học giả trong nước và ngoại quốc.

2.- Thanh Lãng, Tiểu thuyết Việt Nam thế hệ 1932- 1945,  Tạp chí ĐẠI HỌC số 3, tháng 7- 1961, trang 72.

3.- Tác giả Huỳnh Văn Phú sinh năm 1940 tại Nha Trang, Khánh Hòa, khóa 19 Võ Bị Đà Lạt. Trước 75, phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Sau 75, đi “cải tạo” nhiều năm trong các trại tù Cộng Sản từ Nam ra Bắc. Sang Mỹ theo diện H.O. năm 1990. Hiện cùng gia đình định cư tại Philadelphia, Pennsylvania.

Các tác phẩm đã xuất bản: Mùa Xuân Âm Thầm (Tập truyện, 1969), Cuộc Tình Dấu Mặt (Truyện dài, 1971), Dòng Sông Trước Mặt (Tuyển tập, 1971, viết chung với Song Linh, Định Nguyên, Phạm Văn Bình và Trần Ngọc Toán), Chiến Trường Trị Thiên Và Những Người Lính Mũ Xanh (Phóng sự chiến trường, Tháng 4/75. Chưa kịp phát hành), Ở Một Nơi Dễ Tìm Thấy Thiên Đường (Tập truyện, Hoa Kỳ, 1995), Giày Sô, Nói Phét và Đàn Bà (Ký và Phiếm, Hoa Kỳ, 1997. Tái bản 1999), Quỷ Ma Và Học Trò (Truyện và Phiếm, Hoa Kỳ, 1999), Cõi Người Trong Văn Chương Bình Dân (Văn Mới xuất bản, Hoa Kỳ, 2000).

* Bài viết này là bổ túc một số nhận định đã được trình bày trong buổi trình diện tác phẩm tổ chức tại Philadelphia tháng 5/1997, dựa trên cuốn Giày Sô, Nói Phét, Và Đàn Bà bản in lần thứ hai, do Nhật Thanh xuất bản, mà tác giả vừa gửi tặng.

4.- Nguyên văn: “Forme d’esprit qui dissimule sous un air sérieux une raillerie cruelle, une situation absurde ou comique”. Larousse, Petit Larousse Illustré, 17, rue du Montparnasse, 75298 Paris Cedex 06, 1987, trang 503.

5.- Nhật báo Nhân Dân điện tử, vanhoa/ 011203/dchay_huynhcongtay.htm

6.- Nguyễn Hữu Lễ, Bút ký Tôi Phải Sống, Quí Mùi 2003, trang 353.

7.- Gọi Đàn, báo điện tử trước đây có viết một bài rất cảm động về những ngày cuối cùng của sử gia Phạm Văn Sơn trong nhà tù Vĩnh Quang, Bắc Việt. Tiếc thay tôi quên mất tên tác giả và không truy cập được bài báo này. Phạm Văn Sơn là tác giả kỳ cựu viết về lịch sử Việt Nam với các tác phẩm như: Việt Nam Tranh Đấu Sử, Việt Sử Tân Biên (5 cuốn), Quân sử Việt Nam (4 cuốn). Quan điểm sử học của ông không có gì mới mẻ, việc cẩn án tài liệu tuy không được áp dụng trong việc biên soạn sử phẩm nhưng công trình của ông cũng giúp cho nhiều giới có thêm kiến thức lịch sử nước nhà.

8.- Nguyễn Minh Cần, Đọc “Dạ Ký” Của Phùng Cung”, Tạp chí CÁCH MẠNG, Diễn Đàn Dân Chủ của Đại Việt Cách Mạng Đảng, số 38, tháng 2 năm 2004, trang 19.

Xin xem thêm Homepage: www.daiviet.org

9.- Trần Dạ Từ, Sức mạnh thức tỉnh từ chính thân xác người cầm bút, Thế Kỷ 21, Bộ 1, số 6 ngày 1 tháng 10 năm 1989, trang 14.

10.- Jonathan D. Spence, The Search For Modern China, W.W. Norton Company, New York, London 1990, trang 60.

11.- Qiang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, trang 40.

12.- Thanh Lãng, Bài báo đã dẫn, trang 72.

13.- Trong cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johnson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, Tổng Thống Johnson đã gọi các tướng Miền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ thuê làm đảo chính lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm là “một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” (a goddam bunch of thugs). Tú Gàn, Bọn ác ôn côn đồ, Tuần báo Sài Gòn Nhỏ ngày 8.11.2003.

14.- Đặng Phùng Quân, Văn chương lưu đày, Gió Việt xuất bản, Houston, 1985, trang 180.

15.- Tên một tập phiếm luận của Lữ Giang tức Tú Gàn, Cười là tiếng ca đại thắng, xuất bản tại California, năm 1995.

16.- Michael Schulman & Eva Mekler, Bringing Up A Moral Child, September 1990, trang 251.

17.- Lê Tuyên, Tiểu luận về Hiện Hữu Của Tiểu Thuyết, Tạp chí ĐẠI HỌC, Năm Thứ IV, Số 2, Tháng 4 năm 1961, trang 162.


No comments: