Wednesday, September 5, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * THƯƠNG VỀ QUÊ VỢ

Tùy Bút
Thương Về Quê Vợ
Minh Vũ Hồ Văn Châm

Vợ tôi người Quảng, vì vậy, thương về quê vợ có cùng nghĩa với thương về xứ Quảng. Và
Quảng đây là Quảng Nghĩa hay Quảng Ngãi, chứ không phải Quảng Nam hay Quảng Đông.
Thật ra, lòng tôi không phải đợi đến lúc lấy vợ mới biết thương về xứ Quảng. Trước đó
rất lâu, từ những ngày ấu thơ chưa được cắp sách đến trường, tôi đã được làm quen
với những con người Quảng Ngãi hằng năm chở đường đến bán cho mẹ tôi. Mẹ tôi buôn
hàng nằm, tức là mua sỉ các loại tạp hóa và nhu yếu phẩm để tích trữ lại bán lẻ cho người
tiêu dùng. Trong các mặt hàng nằm thông dụng mẹ tôi buôn có các loại đường Quàng Ngãi
: đường bánh (đường bát), đường xe (đường khúc), đường muốn, đường cát, đường
phèn, đường phổi. Các lái buôn Quảng Ngãi chở đường bằng ghe bầu đến bỏ neo giữa
sông Hương trước mặt Bao Vinh. Từ nơi đây, đường được chuyển qua đò để đưa đến
các cửa hiệu buôn hàng nằm ở các phố Hàng Bè và Hàng Đường dọc hai bờ sông Đông Ba.
Cha mẹ tôi không sống ở Huế mà sống tại làng quê, cách Huế hơn ba mươi kilômét. Vì
vậy, mẹ tôi không có cửa hiệu ở Hàng Bè hay Hàng Đường. Mẹ tôi trữ hàng nằm ngay
trong nhà tại làng. Sông Ô Lâu uốn khúc bọc quanh làng, chảy ra phá Tam Giang, ăn thông
với sông Hương, nên đường Quảng Ngãi từ Bao Vinh cũng được chở bằng đò thẳng đến
nhà cho mẹ tôi. Chủ đò là người làng bên, có đủ trai bạn để chèo đò và bốc chuyển đường
để lấy tiền công. Lần nào cũng có một hai lái buôn Quảng Ngãi đi theo đò đến tận nhà tôi
để giao hàng và nhận tiền. Đó là những người vóc dáng tầm thước, nước da sậm màu vì
thường xuyên phơi nắng và tẩm hơi nước biển, giọng nói nghe khang khác với giọng nói
người làng tôi, đầu cổ lúc nào cũng quấn khăn rằn và áo quần thì chỉ độc có mỗi một màu
đen. Sau khi trao đổi hàng hóa tiền bạc, mẹ tôi thường đãi họ ăn một bữa cơm. Họ trở về
Huế ngay bằng xe lửa hay xe hàng chứ không ở lại một hai hôm chờ chuyến đò sắp tới.
Cử chỉ thân thiện cởi mở của họ đối với người làm trong nhà của chúng tôi và thái độ e dè
tôn kính của họ đối với cha mẹ tôi khiến cho lòng tôi tràn ngập cảm tình với những người
lái buôn xa lạ mỗi năm đến nhà chỉ có một lần.
Kịp đến tuổi đi học, tôi vào Huế ở với anh cả tôi. Dạo đó, anh tôi làm việc ở Tòa Khâm
sứ Trung Kỳ. Theo đúng tập tục từ lâu đời của người làng quê tôi đi làm việc nhà nước,
anh tôi để vợ con ở nhà với cha mẹ tôi, và ở trọ tại nhà ông Cửu C. là Lý cựu phường Phú
Hội thành phố Huế. Ông Cửu C. xây thêm ở đầu hồi nhà chính một ngôi nhà Tây để nhận
6 người ở trọ ăn cơm tháng. Ngoài tôi là học sinh tiểu học, mấy người khách trọ kia đều là
công chức nhà nước Bảo Hộ, ra đường ăn mặc Âu phục chững chạc, mùa đông hàng len
Cheviotte hay Dormeuil, mùa hè hàng tropical, lụa tussor hay vải coton ramie. Trong số họ
có một người rất trẻ, tuổi vừa chẵn hai mươi, quê quán Quảng Ngãi, mới cưới vợ con nhà
giàu, lại may mắn vừa trúng tuyển ngạch Phán sự Tòa sứ là được thuyên chuyển ngay về
Huế làm việc tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Qua các buổi chuyện trò trà dư tửu hậu của
người lớn, tôi được biết lỏm bỏm thầy Phán trẻ tuổi người Quảng Ngãi đó thuộc loại con
nhà vừa có tiền vừa có thế lực. Nhà vợ thầy Phán có nhiều ruộng loại nhất đẳng điền, lại
có bảy tám guồng xe nước, tha hồ thu lúa của nông dân tá canh và các chủ ruộng cần
nước tưới. Dạo đó, tôi chưa hình dung đúng mức kích thước và năng suất của guồng xe
nước Quảng Ngãi, cứ tưởng cũng na ná như các xe đạp nước bằng gỗ vùng Bình Trị Thiên.
Chỉ sau này trưởng thành, có dịp đi ngang Quảng Ngãi, thấy tận mắt các guồng xe nước
trên sông Vệ và hệ thống mương rãnh hai bên bờ sông, tôi mới ý thức được phạm vi
rộng lớn của vùng ruộng nương tiếp nhận nước tưới. Có điều là cho mãi tới tận bây giờ
tôi vẫn chưa hiểu rõ cội nguồn phát sinh của các guồng xe nước Quảng Ngãi. Tại sao tại
miền Trung chỉ Quảng Ngãi có guồng xe nước, Quảng Nam không có, Bình Định không có ?
Miền thượng du Bắc Bộ vài nơi cũng có guồng xe nước, nhưng kích thước và năng suất
thấp nhỏ so với guồng xe nước Quảng Ngãi bội phần.
Lúc bấy giờ ở Huế không phải chỉ có thầy Phán trẻ tuổi ở trọ chung với chúng tôi là người
Quảng Ngãi. Ngược lại, Huế là kinh đô, người bốn phương tụ hội đông đúc, nên những
người gốc gác Quảng Ngãi ở Huế thiếu gì. Chỉ nguyên con cháu nội ngoại của Cần
Chánh Điện Đại Học sĩ, Túc Liệt Tướng, Diên Lộc Quận công Nguyễn Thân là đã lên tới số
hàng trăm rồi. Lúc bấy giờ cụ Cần đã ra người thiên cổ từ lâu, nhưng chuyện về cụ vẫn
còn được truyền tụng rộng rãi trong dân chúng miền Trung. Cũng như thầy Phán Quảng
Ngãi ở trọ chung với chúng tôi, cụ Cần bước vào hoạn lộ lúc mới 18 tuổi, làm Thừa phái ở
Sơn phòng Nghĩa Định. Gặp lúc mọi Đá Vách tràn xuống cướp phá, khắp Sơn phòng đều
khiếp sợ, không ai dám ra chống cự, chỉ duy có Nguyễn Thân xin Tĩnh Man Tiễu phủ sứ Đỗ
Đăng Đệ cấp 300 quân kéo ra đuổi đánh giặc mọi, truy kích đến tận buôn làng của
chúng trên vùng cao, khiến chúng sợ hãi đem toàn bộ tộc ra quy phục Triều Đình. Mến
Nguyễn Thân tuổi trẻ tài cao, Đỗ Đăng Đệ lưu tâm cất nhắc và đem con gái là Đỗ Thị Viên gã
cho Nguyễn Thân. Bà này đã sinh ra Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Công Kế và Hoàng Quý
phi Nguyễn Thị Liễu, vợ chính (đệ nhất giai phi) vua Thành Thái. Dạo đó, tôi nghe người
lớn kể rằng Nguyễn Thân đã chiêu phủ giặc mọi Đá Vách bằng đường phèn. Nguyễn Thân sai
thủ hạ bỏ đường phèn lẫn lộn với đá cuội bưng ra cho ông ăn trước mặt bọn mọi khiến
chúng hoảng sợ tưởng ông là người nhà trời nên chịu quy hàng. Mãi gần đây, đọc sách
Lịch sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư của giáo sư sử học Nguyễn Đức Cung, tôi mới
biết chính xác người đã khuất phục mọi Đá Vách bằng đường phèn không phải Nguyễn
Thân mà là Nguyễn Tấn, thân phụ của Nguyễn Thân. Năm 1863, dưới triều Tự Đức, Án Sát sứ
Thái Nguyên là Ôn Khê Nguyễn Tấn, người thôn Thạch Trụ, Mộ Đức, Quảng Ngãi, nghe tin
giặc mọi Đá Vách tràn xuống cướp phá quê nhà, nên dâng sớ xin vua cho cầm quân dẹp
giặc. Vua y lời, phong Nguyễn Tấn làm Tĩnh Man Tiễu phủ sứ, cấp cho 3 nghìn quân, hạn
trong 6 năm, phải bình định xong giặc mọi. Nguyễn Tấn là người thao lược. Ông chia quân
đóng đồn lũy, thao dượt binh sĩ, phong bế tiếp vận, đột kích sào huyệt, rồi cuối cùng
phủ dụ chiêu hàng. Dùng kế bỏ đường phèn lẫn với đá cuội bốc ăn trước mặt bọn thủ
lĩnh giặc mọi chỉ là một phương thức tâm lý chiến trong các kế sách bình định vùng cao
của Nguyễn Tấn. Sau khi Nguyễn Tấn qua đời, những người kế nhiệm không ai có đủ bản
lĩnh chế ngự bọn mọi nên chúng lại nổi dậy làm phản, khiến người thanh niên 18 tuổi do
chân tập ấm sung chức Thừa phái ở Nghĩa Định Sơn phòng tên là Nguyễn Thân có dịp phô
trương bản lĩnh, kế tục sự nghiệp Tĩnh Man Tiễu phủ sứ của cha mình ngày trước.
Các mẩu chuyện trà dư tửu hậu ở ngôi nhà trọ phường Phú Hội thuở ấy liên quan đến
Quảng Ngãi thường có dính dấp đến mía đường. Quả tình Quảng Ngãi là xứ sản xuất
mía đường. Một hôm tôi được nghe người lớn ở chung nhà trọ nói chuyện về một cậu ấm
xứ mía đường xuất dương qua Pháp du học. Mười một mười hai năm trời ở bên Tây, cậu
ấm không tốt nghiệp một ngành nghề nào cả, nhưng chuyện này lại chỉ là chuyện riêng
của cậu và nhà nước Bảo Hộ, còn gia đình cậu ấm thì vẫn được báo cáo là việc học hành
của cậu tiến triển bình thường. Kịp đến khi thân phụ cậu ấm, vốn là đại thần đứng
đầu trăm quan, thông báo cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ý định rút cậu về nước để xuất
chính, Tòa Khâm bèn trình về Bộ Thuộc Địa. Gặp trường hợp khó xử, không lẽ trả cậu về
nước hai tay không, Bộ Thuộc Địa bèn gọi cậu đến hỏi rằng xứ cậu có thứ gì là đặc sản,
và sau khi được cậu cho biết xứ cậu là xứ mía đường, Bộ Thuộc Địa bèn liên hệ với
trường Cao đẳng Canh nông cấp cho cậu bằng Kỹ sư Canh nông, chuyên khoa chế biến
mía đường. Sau này lớn khôn, lăn lóc ngoài đời, khi lên voi lúc xuống chó, tôi chẳng hề
bận tâm tìm hiểu thêm về câu chuyện ngày trước. Huế thì thiếu gì kỹ sư canh nông cậu
ấm đại thần. Mà kỹ sư canh nông cậu ấm đại thần gốc gác xứ Quảng cũng có đến ba
bốn người. Gia dĩ Huế không phải là xứ mía đường, Huế không có lò đường, việc gì
phải bận tâm đến chuyện con bò trắng răng sản xuất với chế biến mía đường có
đúng hay không đúng quy trình kỹ thuật. Cậu ấm về nước lại không theo nghề mía đường
mà lại đi làm việc nhà nước, nghĩa là kế tục sự nghiệp của thân phụ, làm quan đại thần.
Học vị, bằng cấp, tất cả chỉ là chiếc áo khoát trang trí, tô điểm bên ngoài thêm phần hào
nhoáng để cậu ấm đường mây thênh thang nhẹ bước. Hư hay thực thì có gì là quan trọng
? Chả thế mà sau này phái bộ Fisher giúp việc cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm gồm toàn
chuyên viên tình báo chiến lược cũng nhất loạt khoát áo giáo sư Đại Học Michigan. Xin
đừng hỏi tại sao!
Năm 1942, chị dâu tôi mất, anh tôi tục huyền với một phụ nữ người Huế, và quyết định
không theo lề lối cũ để vợ con sống ở làng còn mình thì tiếp tục ở trọ ăn cơm tháng.
Thế là tôi theo anh tôi từ giã ngôi nhà của ông Cửu C. và không còn dịp nghe người lớn
nói chuyện phiếm về xứ mía đường. Tuy vậy, nhờ đã khôn lớn hơn, tôi biết thêm khá
nhiều chuyện về xứ Quảng qua việc đọc sách và học bài nhà trường. Một hôm, thầy dạy
sử địa là Giáo sư Dương Kỵ vui miệng nói với chúng tôi rằng tổ tiên nhà Nguyễn rất linh
thiêng khiến cho vua Tự Đức không có con, nếu không thì nhà Nguyễn đã mất ngôi từ
giữa thế kỷ 19. Thầy nói cho chúng tôi biết vua Tự Đức là con trai của Tuy Thịnh Quận
công Trương Đăng Quế, người huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Vua Thiệu Trị và Trương
Đăng Quế đều là con rễ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, vua Thiệu Trị kết hôn với bà
chị, tức là bà Từ Dũ, còn Trương Đăng Quế thì kết hôn với bà em. Bản thân Phạm Đăng
Hưng vốn là đệ nhất quyền thần, đã giữ chức Thái sư trải 3 triều vua, nay con gái (Từ Dũ)
ở ngôi mẫu nghi thiên hạ, con rễ (Trương Đăng Quế) kế nghiệp đứng đầu trăm quan,
quyền uy họ Phạm họ Trương quả là nghiêng nước. Ngặt một nỗi chính cung vẫn chưa có
con trai trong lúc các hoàng nam của nhà vua do các bà thứ phi sinh ra thì đã bắt đầu
trưởng thành. Vạn nhất vua Thiệu Trị có mệnh hệ gì thì địa vị và quyền uy của hai gia
đình họ Phạm họ Trương bị đe dọa. Vì vậy, kịp lúc hai chị em bà Từ Dũ cùng có thai, hai
bà mới bí mật ước hẹn với nhau rằng nếu bà Từ Dũ vẫn sinh con gái mà bà Trương Đăng
Quế sinh con trai thì hai bên sẽ tráo con cho nhau. Sự việc đã diễn ra y như dự kiến, và
con trai ông Trương Đăng Quế đã trở thành con trai vua Thiệu Trị, nhà Nguyễn mất ngôi
trong 36 năm trời (1847-1883). Thầy Dương Kỵ là người hoàng tộc, lại là giáo sư sử học,
nên chuyện thâm cung bí sử thầy vui miệng kể ra không phải là chuyện hoang đường.
Huống hồ sự uất hận trào máu của Hồng Bảo, sự bột phát ào ạt của giặc Chày Vôi, sự nổi
dậy làm loạn của Đinh Đạo (Ưng Đạo), dù chính sử nhà Nguyễn không ghi chép nguyên ủy
thực sự, nhưng thiên hạ đương thời cũng như hậu thế đều thấu rõ ngọn nguồn sâu kín
bên trong. Lại nữa, người họ Nguyễn hoàng tộc dong dõng cao, như phần đông người gốc
gác Thanh Hóa, trong lúc vua Tự Đức chỉ cao 1 mét 42, tầm vóc bé nhỏ, có phần gần gũi với
tầm vóc người xứ Quảng mía đường. Dù sao thì câu chuyện này cũng chỉ là chuyện
phiếm kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu. Thầy Dương Kỵ kể cho chúng tôi nghe khi đã
giảng xong bài học, mà tôi viết lại đây hầu chuyện bạn đọc thì cũng viết dưới dạng tùy
bút, nhớ gì viết vậy, tuyệt đối không phải là một công trình biên khảo.
Quảng Ngãi có hai ngọn núi Thiên Ấn và Thiên Bút. Núi Thiên Ấn vuông vức, nằm sát bên
sông Trà Khúc, trông giống như chiếc ấn đóng xuống cánh đồng ven sông : Thiên Ấn
niêm hà. Núi Thiên Bút nhỏ hơn, nhưng cao hơn, vươn lên như muốn đưa tay với tới tầng
mây : Thiên Bút phê vân. Tương quan giữa hai ngọn núi dưới mắt nhân thế là hòn Ấn lấn
hòn Bút. Nói cách khác, núi Thiên Ấn to lớn đồ sộ hơn núi Thiên Bút bội phần. Đứng về mặt
phong thủy mà suy diễn, chiếc ấn tượng trưng cho quan quyền, ngòi bút tượng trưng cho
văn chương chữ nghĩa, như vậy, hòn ấn lấn hòn bút có nghĩa là đất Quảng Ngãi có nhiều
người làm quan to, nhưng không thịnh đạt lắm về mặt văn học. Chúng ta chưa biết gì
nhiều về các nhân vật thời trước, khi Quảng Ngãi còn là Tượng Lâm, Lâm Ấp, Chiêm
Thành. Một thời gian dài sau khi Thượng Hoàng Hồ Quý Ly ép sứ giả Chiêm Thành là Bố
Điền thay đổi quốc thư, nhường thêm Cổ Lũy cho nước ta vào năm 1402, sử sách cũng
chưa từng ghi tên danh nhân kiệt xuất xứ Quảng. Mãi đến đời Lê Trung Hưng mới thấy
xuất hiện Bùi Tá Hán, người huyện Chương Nghĩa, Quảng Ngãi, làm quan nhà Lê từ chức
thổ quan đến chức Bắc quân Đô Đốc Chưởng Phủ sự Tổng trấn Quảng Nam Thiếu bảo
Trấn Quận công. Nhưng đến triều Nguyễn thì đất Quảng Ngãi phát quan to, đời nào
cũng ở ngôi vị đứng đầu trăm quan. Đời Gia Long, Minh Mạng có Tả Quân Lê Văn Duyệt,
người huyện Mộ Đức, làm Tổng Trấn Gia Định thành, là Cố mệnh Đại thần, có quyền tiền
trảm hậu tấu. Đời Thiệu Trị, Tự Đức có Cần Chánh Điện Đại Học sĩ Tuy Thịnh Quận công
Trương Đăng Quế, người huyện Bình Sơn, giữ ngôi vị Thái sư, đứng đầu trăm quan,
quyền khuynh thiên hạ. Đời Hàm Nghi, Đồng Khánh có Thái Tử Thiếu Phó Đông Các Đại
Học sĩ sung Quốc sử quán Tổng Tài Trương Quang Đảng, con trai Trương Đăng Quế. Đời
Đồng Khánh, Thành Thái có Cần Chánh Điện Đại Học sĩ Túc Liệt Tướng Diên Lộc Quận
công Nguyễn Thân, người huyện Mộ Đức, có công giúp người Pháp đánh dẹp Văn Thân
Cần Vương miền Trung, giữ chức Phụ Chính Đại Thần, kiêm Thượng Thư bộ Lại, có quyền
tiền trảm hậu tấu trong thời gian làm Khâm Mạng Tiết Chế Quân vụ Đại Thần đánh dẹp
phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng. Đời Bảo Đại có Nguyễn Diệu sáng lập An Nam
Cộng sản Đảng, có Nguyễn Hy làm Tổng Đốc Thanh Hóa, làm Chưởng Lý Tòa Thượng Thẩm
Huế. Gần đây thì có Phạm Văn Đồng làm Thủ Tướng miền Bắc; Nguyễn Ngọc Thơ làm Phó
Tổng Thống, Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng miền Nam. Còn hiện nay thì có Trần Đức
Lương làm Chủ Tịch Nước. Tóm lại, về mặt hoạn trường, đất Quảng Ngãi là đất phát Tể
Tướng. Ngược lại, về mặt văn học, Quảng Ngãi không có gì xuất chúng, thua xa Quảng
Nam, nhưng vẫn trội hơn Bình Định bội phần :
Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa.
Đại khái sự hiểu biết và mức tình cảm của tôi về đất nước và con người Quảng Ngãi chung
chung là thế. Kịp khi tôi đến tuổi lập gia đình, liên hệ giữa tôi và xứ Quảng bỗng dưng
bước sang một khúc rẽ quan trọng. Tôi cưới vợ người Quảng Ngãi. Thật ra vợ tôi không
hoàn toàn là người Quảng Ngãi, mà chính xác chỉ là người quê quán Quảng Ngãi. Bên nội
vợ tôi là người Quảng, còn bên ngoại là người hoàng tộc. Hơn nữa, vợ tôi sinh ra và lớn
lên ở Huế, chưa bao giờ đặt chân đến Quảng Ngãi. Bởi vậy, ngày mới quen biết nhau,
dưới mắt tôi, người con gái tôi đem lòng thương yêu và dự tính cưới làm vợ là một người
con gái Huế với đầy đủ nết hay tật xấu điển hình. Chỉ sau khi vợ chồng ăn ở với nhau
đã mấy mặt con, tôi mới dần dà phát hiện những đức tính đặc thù Quảng Ngãi rất đáng
trân trọng trong thăm thẳm tột cùng của tâm tư và cảm nghĩ của vợ tôi. Pha lẫn trong bản
chất mềm yếu tiêu cực cố hữu của người phụ nữ là sự cương cường chống lại áp bức và
bất công những khi buộc lòng phải đối mặt với những ngang trái của cuộc đời. Mà những
tình cảm và hành trạng quật cường này thường không bột phát vì quyền lợi của riêng
mình mà là vì người khác, cho cha cho mẹ, cho chồng cho con, và đôi khi cả cho đất nước,
cho đồng bào. Thật vậy, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khoảng 10 giờ sáng, nghe đài
Sài Gòn phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, vợ tôi đã lặng thinh chảy
nước mắt, lẩm bẩm mấy tiếng ‘thua thì phải chịu nhục’ rồi gục mặt xuống bàn khóc tức
tưởi. Lòng tôi bỗng dưng tràn ngập một mối cảm xúc kỳ lạ, nửa phần xót thương, nửa phần
cảm phục. Xót thương là xót thương cho thân phận liễu bồ, nay mai phải đối đầu với sóng
gió của cuộc đổi đời, chỉ một thân một mình tự liệu lý mọi việc, không có chồng bên cạnh
che chở, khuyến khích, đỡ đần; cảm phục là cảm phục tinh thần vị tha, trong thương thân
còn có thương nguời, trong tình nhà còn có nỗi nước, nhân nghe cái lệnh đau lòng buông
súng đầu hàng mà phát sinh mối cảm khái bi lụy nhục nhã về cảnh nước mất nhà tan. Thêm
vào cái bản tính quật cường đó, vợ tôi còn là con người chân chất thực thà, thuần lương
trung hậu, nghĩ sao nói vậy, không che đậy, giả dối, không lật lọng, tráo trở, không nói
có thành không, không nói không là có. Mà đó chính là cái nghĩa khí của người xứ Quảng.
Người các xứ khác, như người Bắc, người Huế, nghĩ rằng mình khôn ngoan hơn, lanh lợi
hơn, tế nhị hơn, mềm dẽo hơn, nên có thể đã từng cho rằng thái độ ứng xử như vậy là
quá bộc trực, là thiếu tinh tế. Nhưng mà tôi đây, hơn nửa đời lăn lóc nổi trôi trong chính
trường, khi lên voi, lúc xuống chó, càng va chạm nhiều cảnh đời phũ phàng ngang trái,
càng kinh quá nhiều thói đời đen bạc lọc lừa, lại càng thấy quý trọng bội phần tâm tính và
khí tiết con người xứ Quảng.
Cái phần sâu lắng đặc biệt Quảng Ngãi trong thăm thẳm tột cùng của tâm tư và cảm nghĩ
của vợ tôi, sở dĩ lâu ngày tôi cũng dần dà phát hiện được, là nhờ mối tương quan bố vợ
chàng rễ, nói rõ ra, là nhờ cuộc sống chung đụng giữa tôi với nhạc phụ tôi, một người con
xứ Quảng điển hình. Nhạc phụ tôi là Lê Trung Chi, người Phú Nhơn, huyện Sơn Tịnh,
Quảng Ngãi, miền đất có hai thắng cảnh Long đầu hí thủy và Thiên Ấn niêm hà. Nhạc phụ
tôi có đầy đủ các cá tính đặc thù Quảng Ngãi nói trên đây, thừa hưởng đức tính và nghĩa
khí của cha ông truyền lại, nên bình sinh không khi nào nói tới hai lời, không vì lợi ích riêng
tư mà chịu khuất phục trước những người quyền thế, không hèn hạ xu phụ kẻ có chức có
quyền mà hiếp đáp người dân thấp cổ bé miệng. Năm 1938, lúc làm Tri Huyện Yên
Thành, Nghệ An, nhạc phụ tôi đã đứng về phía những người dân quê Yên Thành, xử cho
họ thắng kiện, khi họ đứng đơn kiện một người Pháp chủ đồn điền ngang nhiên cướp
công điền công thổ của họ. Viên công sứ Nghệ An bênh vực tên Tây ăn cướp nên đã phúc
trình về Toà Khâm sứ Trung Kỳ rằng nhạc phụ tôi bênh vực đám dân làm loạn, thành thử
chuyện bé xé ra to, Thượng Thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn phải thân hành ra tận nơi giải
quyết. Nhận thấy nhạc phụ tôi làm đúng, Bộ Hình đã chung thẩm y án, nhưng để tránh sự
căng thẳng với bên Bảo Hộ, Nam Triều chuyển nhạc phụ tôi ra làm Tri Huyện Yên Định,
Thanh Hóa. Đầu năm 1944, lúc đương chức Tri Phủ Quảng Xương, nhạc phụ tôi không
nhẫn tâm cưỡng ép dân quê nhổ mạ trồng đay theo lệnh chính quyền Pháp-Nhật nên đã
bị cách chức, không những chỉ mất chức Tri Phủ mà còn bị đuổi về vườn, tước bỏ hết
quan chức phẩm hàm. Giữa năm 1955, đương chức Tỉnh Trưởng Quảng Nam, vì không làm
vừa ý viên Cố vấn người Mỹ đòi hỏi thay đổi toàn bộ nhân sự tại tỉnh đường, lại còn sử
dụng một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng làm Quận Trưởng một số quận ở miền
núi, nên nhạc phụ tôi đã bị cách chức Tỉnh Trưởng. Hai tháng sau, khi chính phủ Ngô Đình
Diệm đàn áp đảng phái, các quận trưởng này bỏ quận đường kéo lính Nghĩa Dũng vào
núi lập chiến khu, và nhạc phụ tôi bị đuổi ra khỏi ngành công vụ và bị chỉ định cư trú tại
Nha Trang. Đến năm 1963, khi vụ Phật giáo xẩy ra, nhạc phụ tôi lại còn bị đưa lên an trí
ở Ban Mê Thuột. Tóm lại, cái ý chí quật cường, cái tinh thần không ham danh lợi, đã liên
tục lưu truyền đời này sang đời khác trong huyết quản những người trong cái gia đình ở
Phú nhơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi ấy, theo đúng đạo lý nhà Nho : ‘Phú quý bất năng dâm,
bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất’.
Với thân phận con rễ tỏ tình hiếu kính cùng nhạc phụ, nhưng đồng thời cũng với tấc lòng
một kẻ sĩ ngưỡng mộ một kẻ sĩ, năm nhạc phụ tôi tuổi tròn 80, tôi đã dâng tặng bài thơ
sau đây:
Nhạc phụ Lê Trung Đại nhân bát tuần khánh thọ
Bát thập niên lai gia quốc tâm
Hiếu Trung Nhân Nghĩa thậm cao thâm.
Long Đầu tiết tháo trường sơn thủy,
Thiên Ấn phong tư tống cổ câm (kim).
Đế khuyết tằng thời viên giai ngẫu,
Nam thành kỷ độ độc lao tâm.
Phù vân danh lợi phi công nguyện,
Thử phiến đan tâm vị dị tầm!
Tế Hồ Văn Châm cung hạ
(Mừng thọ bát tuần của nhạc phụ Lê Trung Đại nhân. Tám mươi năm tình nhà nổi nước, Các
mặt Hiếu Trung Nhân Nghĩa đều rất mực cao sâu. Tiết tháo đất Long Đầu còn dài với
sông núi, Phong tư núi Thiên Ấn sáng mãi với cổ kim.Đã vẹn toàn mối duyên tốt đẹp nơi
đế khuyết (Huế), Mà bao lần còn một mình lo nghĩ (cho dân cho nước) tại chốn thành
Nam (Sài gòn).Danh lợi là phù vân, không phải là sở nguyện. Tấm lòng son ấy, thế gian
chưa dễ tìm. Con rể Hồ Văn Châm kính mừng.)
Nay xét phong tư và tiết tháo của con cháu đời sau là có thể suy đoán được tư cách và
hành trạng của cha ông đời trước. Nhạc phụ tôi đã không nghe lời chủ đồn điền Tây, đã
không tuân lệnh quan cai trị Pháp-Nhật, lại cũng không nể nang cố vấn Mỹ, thà chịu thiệt
thòi cho bản thân chứ không chịu làm những việc trái với lương tâm, có phương hại đến
quyền lợi quốc gia dân tộc. Vậy thì có lẽ nào các bậc tiền bối ngày trước lại có thể có
những hành vi phản bội, hèn yếu, khiếp nhược? Chẳng hạn, ông tổ bốn đời của nhạc
phụ tôi là Lê Đăng Lượng, tính tình ngay thẳng, khi làm Bố chính Bình Thuận, đang đêm
sai lính mở cổng thành cho người nhà đi bốc thuốc, nên bị Tuần phủ sở tại gièm pha tâu về
Triều Đình khiển trách tội tự tiện mở cổng thành ban đêm tư thông với giặc, phải đổi đi làm
Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Thanh Hóa. Nguyên do sự gièm pha vu cáo là tình trạng hiềm khích
giữa hai quan lớn đầu tỉnh bởi vì lòng dạ Bố chính bộc trực, thường hay công khai chê bai
Tuần phủ ham ăn của đút. Ra nơi trấn nhậm mới, Lê Đăng Lượng có công lập một số
làng ở thượng du Thanh Hóa nên mãi gần đây vẫn còn được dân các làng ấy thờ làm Tiền
Hiền. Hai con trai lớn của Lê Đăng Lượng là Lê Trung Phu và Lê Trung Đình hưởng ứng
chiếu cần vương của vua Hàm Nghi, ngày 13-7-1885, khởi nghĩa binh chiếm tỉnh thành
Quảng Ngãi để chống Pháp. Về sau, cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Lê Trung Phu tự vẫn, Lê
Trung Đình bị bắt và bị xử trảm. Về hành trạng của Lê Trung Đình, hầu hết sử sách trước
nay đều tỏ lòng tán đồng và biểu dương. Quân cần vương Quảng Ngãi được ghi nhận là
đã ứng nghĩa trước nhất. Chiếu cần vương vừa được phát ra là Quảng Ngãi đã khởi binh
ứng nghĩa chiếm tỉnh thành. Đại Nam Thực lục cho rằng sở dĩ Quảng Ngãi hành động mau
chóng như vậy là vì trước đây đã nhận được lệnh Tôn Thất Thuyết tổ chức Nghĩa Hội để
sẵn sàng khởi binh. Thật vậy, để kháng chiến chống Pháp, Tôn Thất Thuyết đã cho xây
thành Tân Sở ở Quảng Trị, tăng cường biền binh Quảng Nam và Nghĩa Định cho các mặt
trận Thuận An và Hưng Hóa, và tổ chức Nghĩa Hội trong giới văn thân Trung Kỳ. Sau khi
vua Đồng Khánh được người Pháp lập lên, ngoại trừ chung quanh Kinh thành Huế, suốt
một giải đất từ Bình Thuận đến Thanh Hóa, phong trào Văn Thân Cần Vương nổi lên
cuồn cuộn theo vua Hàm Nghi chống lại tân triều :
Gẫm xem thế sự thêm rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.
Vào thời điểm Lê Trung Đình khởi binh chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi, các Tiễu Phủ sứ Sơn
phòng Quảng Nam Trần Văn Dữ và Tiễu Phủ sứ Sơn phòng Nghĩa Định Nguyễn Thân đều có
tham gia Nghĩa Hội. Chính Nguyễn Hy (con trai Nguyễn Thân) đã viết trong gia phả : ‘Tiên
công khi làm Tiễu Phủ Sơn phòng gặp khi quốc nạn thiệt là gian nan lắm, nhất là thiệt
hết sức khổ tâm vì là khi đó thương hào 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định giao
ước tôn tiên công làm nguyên soái để bình Tây sát Tả. Đã đúc ấn nguyên soái rồi’. Vua
Đồng Khánh cử Phan Liêm làm Khâm sai Đại thần Tả Trực Kỳ để đánh dẹp Văn Thân. Phan
Liêm bèn sai Trần Văn Dữ đem quân Sơn phòng vào chiếm lại thành Quảng Ngãi. Trần
Văn Dữ thối thác không chịu tiến quân nên bị đổi đi làm Bố chính Bình Thuận. Trần Văn
Dữ không đi nhậm chức mới, ở lại Quảng Nam khởi binh cần vương chống lại tân triều.
Phan Liêm sai Đinh Hội mang 900 biền binh vào đánh Lê Trung Đình. Đinh Hội chưa vào tới
địa phận Quảng Ngãi thì được tin Nguyễn Thân đã chiếm lại tỉnh thành Quảng Ngãi, Thủ
lĩnh Lê Trung Đình bị bắt, Phó Tướng Nguyễn Tự Tân bị chém chết. Số là Nguyễn Thân tuy
có tham gia Nghĩa Hội nhưng muốn trở cờ lập công với tân triều nên ngày 26-7-1885 (theo
Philippe Devillers) mang quân Sơn phòng về tỉnh thành nói là để hội quân ứng nghĩa,
nhưng khi đã vào trong thành thì bất thần trở mặt chém chết Nguyễn Tự Tân và bắt trói Lê
Trung Đình để hôm sau đem xử trảm. Về việc thay đổi lập trường của Nguyễn Thân, Đào
Trinh Nhất trong sách Phan Đình Phùng đã viết như sau : ‘Ông (Nguyễn Thân) sinh vào hồi
nhà nước lâm nạn, nên khi đầu, đối với thời thế, ông cũng xem bằng con mắt bi quan và
có lòng phẫn khích lắm. Song vì tấm lòng lập công danh nặng hơn lòng yêu nước, cho nên
sau ông đổi ý kiến ngay, đem thời thế vào lợi dụng cho mình’. Chỉ vì về sau Nguyễn
Thân đã tận lực giúp người Pháp đánh diệt phong trào cần vương, làm nhiều việc trái với
lòng người, nên các tài liệu gia phả liên quan đến Nguyễn Thân (Nguyễn Tộc gia phả do
Nguyễn Hy viết) có nhiều điều không đúng sự thật nhằm mục đích biện minh cho hành
động của Nguyễn Thân. Thí dụ trong vụ chiếm lại tỉnh thành Quảng Ngãi, để tránh cho
Nguyễn Thân khỏi mang tiếng phản trắc, tráo trở, tài liệu gia phả viết rằng Nguyễn Thân
sai Đinh Hội đem 900 biền binh đến lấy lại tỉnh thành, Lê Trung Đình chỉ có trong tay 400
dân phu, liệu sức không chống lại nổi, nên mở cửa ra hàng, Nguyễn Tự Tân xách gươm
xông ra chống đối nên bị chém chết. Rõ ràng đây là những lời lẽ thiếu trung thực, nếu
không muốn nói là bịa đặt có hậu ý. Đinh Hội thuộc nhân số Sơn phòng Quảng Nam,
Nguyễn Thân chỉ huy Sơn phòng Nghĩa Định, làm sao Nguyễn Thân điều động được? Lê
Trung Đình trong tay chỉ có 400 dân phu theo như tài liệu gia phả, nhưng Vũ Ngự Chiêu
trích dẫn L.Sogny cho biết trong thành Quảng Ngãi nhân số nghĩa quân lên đến hàng
nghìn : ‘A Quảng Ngãi, le 13 Juillet 1885, le Prince Tuy Ly était proclamé Phụ Quốc Vương
par le Cử nhơn Lê Trung Đình et le Tú Tài Nguyễn Tự Tân qui avaient réuni sur les rives du
Trà Khúc plusieurs milliers d’hommes armés’. Nói rằng Lê Trung Đình mở cửa thành ra hàng,
nhưng Đinh Hội chỉ là một quan chức nhỏ của Sơn phòng Quảng Nam, Lê Trung Đình lại có
mệnh vua trong tay, nhân sự dưới quyền cũng đông đảo hơn bội phần, Lê Trung Đình sợ
gì Đinh Hội mà phải ra hàng. Cho dù Lê Trung Đình có hèn nhát, khiếp nhược, không còn
là con người nghĩa khí của đất Quảng Ngãi, mà chịu cúi mặt ra hàng thì Lê Trung Đình về
sau cũng đã áo mão xênh xang như Trương Quang Đảng, lẽ nào lại bị bắt trói và hôm sau
bị đem xử trảm? Tài liệu gia phả của Nguyễn Hy đầy dẫy những chuyện thiếu trung thực
và phi lý như vậy, tiếc rằng nhiều nhà biên khảo ngày nay đã phóng tâm lấy đó làm tin
nên nhiều chỗ trong công trình của họ không đúng với sự thật lịch sử.
Dù sao thì ‘Trăm năm bia đá (hay tài liệu thành văn) cũng mòn, Ngàn năm bia miệng
vẫn còn trơ trơ". Chỉ có người dân Quảng Ngãi là nhân chứng lịch sử, là trọng tài vô tư, là
quan tòa đầy đủ thẩm quyền luận công định tội. Nhân dân Quảng Ngãi đã đánh giá tư
cách và hành trạng Lê Trung Đình như thế nào, mọi người đều rõ. Chả thế mà chính
quyền Việt Minh đã lấy tên Lê Trung Đình gọi tỉnh Quảng Ngãi, và chính quyền Cộng Hòa
đã lấy tên Lê Trung Đình đặt tên cho một trong 2 con đường lớn của thị xã Quảng Ngãi.
  

No comments: