Sunday, September 9, 2012

LÊ DINH * TẠI SAO TÔI VƯỢT BIÊN?

Đôi dòng tâm sự

TẠI SAO TÔI VƯỢT BIÊN?



Đời đời nhớ ơn anh Nguyễn văn Sinh,
thiên sứ Trời sai xuống để cứu 39 sinh mạng thoát khỏi gông cùm CS.

Lê Dinh


--------------------------------------------------------------------------------


Những ngày cuối cùng của VNCH, trong khi đa số người dân cả thành phố xôn xao, chạy đôn chạy đáo tìm phương tiện để thoát khỏi lưới chụp của CS thì tôi ung dung tìm bao cát, bao gạo để xung quanh "divan", làm hầm trú tạm cho gia đình, nếu lỡ có xảy ra chạm súng đâu đó quanh đây và không quên mang vào trong hầm một cái máy thu thanh nhỏ để theo dõi tin tức. Đầu óc tôi lúc đó nghĩ thật đơn giản và khá ngây thơ rằng nếu CS chiếm Saigon, chiếm cả miền Nam thì bất quá cũng như một cuộc đảo chánh, từng xảy ra nhiều lần trước đây, vậy thôi. Mà nếu họ muốn trả thù, thì trả thù những người giữ chức vụ cao cấp trong guồng máy của chính phủ, chứ còn mình - chỉ là một công chức nhỏ bé của đài phát thanh, một người dân thường - họ bắt để làm gì? Mặc cho những lời khuyên của thân nhân, của gia đình, bảo phải tìm phương kế để lánh nạn, nhưng tôi cứ nhất quyết ở lại, kêu gọi cả nhà chui vào hầm trú ẩn, có chiếc máy thu thanh là bạn để theo dõi tin tức từng giờ.

30 tháng tư 1975, tiếng ra rả đuổi tất cả nhân viên cơ quan Mỹ (DAO) ra khỏi nước còn phát thanh trên làn sóng điện khiến mọi người càng hối hả hơn, xe cộ ngược xuôi chật cả đường lộ. Rồi lời hiệu triệu của Tổng thống Dương văn Minh ra lệnh quân lực VNCH buông súng, rồi nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn lên đài hát bài «Nối vòng tay lớn» (không đàn đệm). Vài nhạc sĩ khác của miền Nam cùng vài nhân viên (nằm vùng) của đài cũng lên đài kêu gọi tất cả những nhân viên và nghệ sĩ hãy trở lại làm việc để «giữ liên tục tiếng nói quốc gia». Thế là hết. Quyển sách cũ đã xếp lại để một trang sách mới được mở ra mà tôi đinh ninh rằng cũng chẳng đến đổi nào. Việt Cộng cũng là người chứ bộ. Nếu trả thù, họ trả thù những người quyền tước to lớn chứ nếu bắt giam hết cả nước thì còn ai để mà làm việc. Dẹp bỏ hầm trú ẩn, tôi ôm một đóng sách ra nằm ở chiếc võng ở ga-ra để đọc cho qua những giờ phút nóng bỏng của buổi đầu, nhất là tạp chí «Huyền bí» để chiêm nghiệm cuộc đời.

Một hôm, vào lúc 6 giờ sáng, có tiếng bấm chuông. Tôi ra mở cửa thì một chú nhỏ khoảng 12, 13 tuổi, con của anh Hai đổ rác mướn trong xóm, tay cầm một quyển tập học trò cũ và một cây bút chì, bước vào nhà. Liếc qua mấy cái chuồng gà mà gia đình tôi nuôi ở ga-ra để lấy trứng ăn, cậu ta nói với tôi cho cậu ta ghi tổng số gà. Xong xuôi, cậu nhỏ ra về. Rồi thỉnh thoảng cách vài hôm, cậu ta trở lại để kiểm tra nữa. Có một hôm, sau ghi đếm xong, cậu ta hỏi tại sao thiếu một con gà mái. Tôi bảo rằng con gà này đã chết, chúng tôi đã quăng đi rồi. Cậu ta bảo phải giữ lại để làm bằng. Thấy chuyện nuôi gà quá rắc rối, chúng tôi kêu người bán đổ bán tháo hết chuồng gà ngay ngày hôm sau, nhưng không quên «mời» cậu nhỏ tới chứng kiến và làm biên bản chuyện bán gà.

Một hôm, tôi về Gò Công để thăm ba má tôi. Đi bằng xe lam ra bến xe thì chuyến xe trưa đã chạy, chỉ còn chuyến chót sẽ khởi hành lúc 2 giờ. Đường Sài Gòn - Gò Công, qua ngỏ Chợ lớn, Cần Giuộc, Cần Đước, chỉ khoảng 60 cây số nhưng có không biết bao nhiêu là trạm gác. Chạy được một đoạn, xe lại phải ngừng để những thanh niên nam nữ đội nón tai bèo, mang băng đỏ ở cánh tay lên lục soát, không biết để tìm cái gì. Đến phà Cầu Nổi, ở phía bên Gò-Công, chỉ còn chừng 10 cây số nữa là tới chợ Gò Công, có một trạm gác chính. Xe phải dừng ở trạm này khá lâu, tất cả hành khách xuống hết để xe trống cho họ lên làm việc. Xong xuôi, chừng 30 phút sau, họ bảo tất cả hành khách lên xe, trừ một người duy nhất... là tôi. Họ cho xe chạy trong khi giữ tôi lại, không biết để làm gì? Tôi thầm nghĩ, chết rồi, họ biết mình làm việc ở đài phát thanh, biết mình bao lâu nay sáng tác nhạc chiến dịch chống CS - như vụ Mậu Thân, mùa Hè đỏ lửa, vụ CS pháo kích vào trường Tiểu học Cai Lậy - có lẽ họ sẽ giam mình mút mùa. Một chú bé con, khoảng 15 tuổi, vai mang súng dài, tay mang băng đỏ tiến đến bảo tôi theo cậu ta vào bót. Tôi được cậu ta ra lệnh ngồi ở một chiếc băng gỗ trong phòng để chờ. Khoảng 10 phút sau, cậu nhỏ này trở ra, chễm chệ ngồi vào bàn viết và bảo tôi ngồi ở ghế đối diện:

- Ông có biết là cách mạng giữ ông ở lại về tội gì không?

- Dạ... dạ thưa... (tôi không biết gọi cậu ta bằng gì vì không lẽ nói «dạ thưa... cháu», vì tuổi cậu ta còn nhỏ tuổi hơn con của tôi)... dạ thưa không biết.

- Ông không biết, vậy là tội của ông gấp đôi.

- Dạ.

- Sống với cách mạng mà ông kém văn hóa quá. Ông chưa gột rữa hết tàn dư của Mỹ Ngụy, cho nên ông còn để... tóc dài như vậy.

Trời ơi, may quá, tưởng chuyện viết nhạc ngày trước hay chuyện gì lớn lao như họ đã biết mình làm việc ở Đài phát thanh (Tôi xin nghỉ việc từ đầu năm 1974, nhưng đến ngày 1-01-1975, ông Lê Vĩnh Hòa, Tổng Cục trưởng Truyền Thanh và Truyền Hình mới ký giấy cho tôi nghỉ việc và nhờ vậy, tôi không phải trình diện học tập, vì khi CS vào, tôi chỉ là một người dân thường), hoặc nói xấu hay chống đối Cách mạng chứ cái chuyện tóc dài này, chính tôi cũng không để ý tới nữa. Đổi đời, mình lo cơm gạo, lo bán đồ đạc, bán quần áo ở chợ trời để mua gạo và thức ăn còn chưa xong, thì cái chuyện tóc dài, tóc ngắn có cần gì phải lo, có cần chưng diện với ai đâu mà phải sửa sang sắc đẹp. Mà tóc tôi có dài lắm đâu, chỉ lù xù một chút phía sau ót, thế mà bị cậu nhỏ giảng «morale» một hồi. Nào là, cách mạng khoan hồng cho ông lần này, chứ lần nữa thì ông phải đi học tập, nào là ông lớn tuổi rồi mà không thức thời, không theo kịp bước tiến của cách mạng, không gột rữa hết cái hư thối của thực dân, phong kiến v.v... Tôi được chú nhỏ «khoan hồng» cho ra khỏi bót lúc 6 giờ chiều, giờ mà không còn một chuyến xe nào về Gò Công nữa. Lần vào trong xóm gần đó, tôi hỏi thăm mới tìm được một chiếc xe lam, bao luôn chuyến, nhờ ông chủ xe lam chở đi Gò Công, không quên nói với ông ấy rằng đừng bỏ tôi ở bến xe mà phải chở tôi về tận nhà để lấy tiền trả cho ổng vì trong túi tôi không có tiền.

Rồi lại còn chuyện học tập phường khóm. Chuyện này thì mọi người có nếm mùi CS đều biết. Cứ hôm nay chồng, ngày mai vợ, luân phiên lên trụ sở phường để học tập, nhưng học tập cái kiểu gì mà «thầy giáo» và «cô giáo» là những ông đạp "cyclo" hàng ngày ở Bà Chiểu, Gia Định và những chị bán cá ở Ngả Ba Cây Thị. Thật đúng như câu ca dao dân gian «Chừng nào đổi lại xài xu, thằng khôn đi học, thằng ngu dạy đời». Trong số «học trò» có rất đông trí thức, giáo sư, sinh viên, chẳng hạn như ông thẩm phán ở cạnh nhà tôi, buổi học tập nào cũng thấy có mặt ông trong lớp học... đạp "cyclo" này.

- Các anh, anh nào cũng khai có bằng cấp Tú Tài «Một» (Tú Tài I) và Tú Tài «Mười Một» (Tú Tài II) cả, vậy mà các anh không thông suốt đường lối của cách mạng. (Các ông «thầy giáo» nhìn số II La Mã, đọc ra số Mười Một).

- Các ông các bà biết không, hai nước «Một Răn» (Iran) và «Một Rắc» (Irak) là hai nước anh em của chúng ta.

- Đồng bào có biết không, trên thế giới bây giờ chủ nghĩa xã hội chiếm hết 90 phần trăm rồi (!). Chỉ còn lại một vài nước tư bản người bóc lột người thôi, nhưng cũng không bao lâu nữa đâu, xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là đàn anh Liên sô vĩ đại và Trung quốc vĩ đại sẽ triệt tiêu tất cả.

- Bà con biết không, Mỹ chỉ là con cọp giấy thôi v.v. và v.v...

Rồi chiếc loa phóng thanh gắn ngay ở ngả tư lại rỉ rả tối ngày «Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng» và tiếng eo éo, chát tai của nữ xướng ngôn viên người miền Bắc kêu gọi mọi người thức dậy lúc 5 giờ sáng để tập thể dục: «một hai, một hai», nghe thật muốn điên. Lại thêm đứa con trai của tôi, mới 17 tuổi, mà bị kêu đi nghĩa vụ ở Kampuchea. Mỗi lần, công an phường đến xét nhà, thằng nhỏ phải trốn trong một cái hồ bằng xi-măng cạn nước trên nóc nhà tắm, công an hạch hỏi, chúng tôi bảo rằng thằng nhỏ đã về quê nội ở Gò Công, chưa thấy trở lên.

Thôi, không thể nào tiếp tục như thế này được nữa rồi. Đồ đạc trong nhà cũng đã bán hết sạch, từ radio, quạt máy cho đến bộ salon, từ chiếc xe hơi cho đến chiếc xe Lambretta rồi tới chiếc xe đạp, tất cả đều ra đi để nuôi sống chủ nó và gia đình được ngày nào hay ngày nấy. Cũng đã gần 3 năm nếm mùi CS rồi, 3 năm biết thế nào là xã hội chủ nghĩa, 3 năm rồi mới tin những gì đồng bào di cư từ miền Bắc năm 1954 nói là thật, thôi thì thà chết chứ không sống với CS được. Trong thời gian này, tôi có làm một bản nhạc... gọi là chống Cộng cũng được nhưng sự thật để nói lên sự suy nghĩ của tôi lúc đó. Tôi thành hình và ghi nhớ nhạc và lời trong đầu để một năm sau, khi vượt biên lần thứ hai thành công qua Đài Loan, tôi mới ghi ra giấy, đó là bài Hận Ca I, mở đầu cho tập nhạc «Mười bài hận ca» trong giai đoạn tôi ở đảo Peng Hu, Đài Loan (đã được Trung tâm Băng nhạc Bốn Phương ở Cali thu thanh vào "cassette" năm 1979):

«Lầm than ôi 3 năm, dân Việt Nam khốn khó ngàn ngày rồi
Trời phương Nam điêu linh mây mù che mờ trên núi sông
Lời gào thét khắp cùng trời cao, vì bầy thú đã lìa rừng sâu, làm cho quê hương đổ máu.
Mẹ già ngước mắt nhìn đàn con, tìm cuộc sống khắc khổ thảm thương, VN quê hương héo mòn...» (Đoạn đầu Hận Ca I)

Cuối năm 1978, phong trào vượt biên lên cao hơn bao giờ hết. Ở khắp các ngả tư, các công trường như công trường con Rùa... đồng bào mình, nhất là nam giới lớn tuổi, cựu công chức... thường hay tụ họp - mặc sự dòm ngó của những tên Công an mang súng đi qua đi lại - để cho nhau những tin tức làm phấn khởi người ở lại như những câu sấm, loại «3 năm 9 tháng cơ hàn» để tự an ủi lòng rằng thôi ráng chịu đựng bà con ơi, trong 3 năm 9 tháng nữa CS sẽ tiêu tùng. Rồi nào là:
«Ô hô thế sự tự bềnh bồng
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông
HỒ ẩn thâm trung, MAO tận bạch
Kình du hải ngoại huyết lưu hồng»

Toàn những câu sấm để an ủi 25 triệu người miền Nam trước cảnh nước mất nhà tan. Nhà nào đóng cửa im ỉm lâu ngày thì nhà đó đã vượt biên thành công... toàn là những tin tức làm nôn nóng lòng người ở lại, và đồng thời cũng để... khuyến khích họ tìm phương cách ra đi.

Trong tình huống đó, may thay (hay rủi thay), có một bà, người quen của gia đình tôi tới cho hay rằng có một ông nọ làm hiệu trưởng ở miền Hậu Giang, không thể nào chịu nỗi chế độ CS, cho nên ông đóng tàu để vượt biên. Còn thiếu chút đỉnh tiền cho nên ông ta kêu gọi sự đóng góp của vài người thật lòng, đáng tin cậy, mà cũng thù ghét CS như ông để cùng ông ta trốn khỏi chốn này. (Sau khi vào tù, tôi - nhờ các bạn tù cho biết - tôi mới biết tên này là một tên công an CS, bí danh Ba Sơn, có mả đẹp trai, ăn mặt chải chuốt, như một công dân của VNCH, được CS đưa ra tổ chức những chuyến đi giả tưởng, đánh lừa đồng bào để vơ vét gia tài của những người ghét CS nhưng lại dễ tin... như tôi). Vòng vàng trong nhà cũng còn chút ít (của phòng thân), nhập thêm một số mượn của ba má và anh chị em tôi, tất cả được 15 lượng, cho một gia đình 5 người gồm vợ chồng và 3 đứa con. Tôi cùng đi với người bạn môi giới, xuống tận Bắc Mỹ Thuận ở phía bên Vĩnh Long để giao vàng cho ông hiệu trưởng giả hiệu. Ngày khởi hành, hẹn nhau tại một quán hủ tíu Tàu trong Phú Lâm, có xe lại rước đi về miền Tây để xuống tàu. Ra khỏi Phú Lâm chừng 5 cây số, có một tốp «bò vàng» (công an mặc đồng phục màu vàng) chận lại và đoàn xe phải quay đầu trở về Sài-Gòn, trực chỉ Tổng Nha Cảnh sát cũ ở đường Trần Hưng Đạo. Tại sân "tennis" của Tổng Nha, tất cả mọi người (không biết là bao nhiêu) đều bị tước đoạt hết đồ đạc, từ tiền bạc đến vàng vòng, đồng hồ, bút máy, cái lượt... tất cả đều bị tịch thu, ngoại trừ bộ đồ còn mặc trong mình. Bà bạn môi giới (cũng bị gạt như tôi), ở cườm tay trái có đeo một chiếc vòng cẩm thạch màu xanh rất đẹp, hai ba công an nam nữ đến phụ tuốt ra mà không lấy ra được mặc dù họ có lấy xà phòng để làm cho trơn, cuối cùng họ bắt bà này phải ký giấy còn thiếu lại công an... một chiếc vòng cẩm thạch. Tất cả người vuợt biên bị nhà nước gạt này được đưa về nhà tù Phan Đăng Lưu (Trại Lê văn Duyệt cũ) ở gần chợ Bà Chiểu, Gia Định. Một tuần sau, phụ nữ và trẻ em được thả ra trong khi đàn ông con trai đều bị giữ lại. Đêm đêm nằm nghe tiếng cắt kè kêu trên mái trại, «cắc kè», «cắc kè», nghe như con cắc kè biết nói tiếng người: «hết về», «hết về, hay «mút mùa», «mút mùa», lòng buồn không tả, với lại lâu ngày trong mình thiếu chất ngọt, nghe tiếng rao của bà bán chè «Ai ăn chè đậu xanh nước dừa đường cát... hôn» ở phía chợ Bà Chiểu mà anh em em tù thèm chảy nước miếng.

Tội nghiệp anh Nguyễn Mạnh Côn, cùng chung phòng 1, khu B với chúng tôi, đêm nào cũng như đêâm nào, anh đau đớn rên la vì thiếu... thuốc và anh réo gọi tên tôi để đấm bóp cho anh. Ở trong phòng này, có khoảng 20 người tù mà văn nghệ sĩ chỉ có anh Côn và tôi cho nên anh phải gọi tôi thôi vì trước 1975, tôi và anh Côn cùng làm việc ở Đài Phát thanh. Ở trại giam, hai ngày một lần, chúng tôi được đưa cho một xấp giấy và một cây viết nguyên tử, bảo lên phòng «chấp pháp» làm việc. Ở đó tôi ngồi hàng giờ để khai đầy đủ chi tiết từ ngày sinh đến ngày đi học, cho đến khi bị bắt. Cái khổ là khi mình khai lần đầu tiên thế nào, thì những lần sau, mình phải khai đúng như vậy, khai sai, không giống lần trước là lôi thôi. Trong tờ tự khai của anh Côn, theo lời anh kể lại, anh khẳng khái nhìn nhận những tác phẩm của anh đã ấn hành đều là của anh (Có vài người hèn nhát không nhìn nhận tác phẩm của mình), cho nên bọn chấp pháp rất thù anh. Vì vậy, mỗi khi nghe tiếng rên la của anh, bọn chấp pháp hay quản giáo ghé lại, nói vọng vào phòng, rằng tội ác của anh Côn nếu đem chặt một cái đầu của ảnh cũng chưa đủ. Thỉnh thoảng, tôi nhìn qua song sắt, phòng đối diện (thuộc khu C), ở bên kia lối đi, tôi thấy Hòa Thượng Thích Quảng Độ, mình trần trùng trục, để lộ một nửa thân hình ốm o, kham khổ, nhìn sang phòng chúng tôi và nói vọng qua «Ráng lên nghe con». Thật tội nghiệp cho một vị tu hành. Ở trong trại tù, mới thấy cái tình của anh em trong tù. Cho đến hôm nay, tôi còn nhớ in vị trí chỗ nằm của từng người, từ anh Nguyễn Mạnh Côn đến Đại đức Thích Thông Bữu hay tên của những người bạn tù khác như bác Nguyễn văn Kính, các anh em Nguyễn văn Hổ, Hoàng văn An, Trần văn Tùng, Huỳnh Minh, Hoàng Minh, Nguyễn văn Nhơn, Võ Hữu Hạnh, Bành Quang, Hoàng Kim Lân, Nguyễn văn Thới, Huỳnh văn Ngon, Nguyễn Hữu Hào... Anh Trần văn Tùng (nghe nói bị bắt vì lý do tham gia vào một tổ chức chống Cộng) làm trưởng phòng nên có nhiệm vụ chia đều cơm và thức ăn, đã ưu ái dành cho tôi một miếng thịt nạc duy nhất và lớn bằng... ngón tay cái (khi có lễ lộc, tù nhân mới được ăn thịt heo), vì anh biết tôi không ăn được thịt mỡ - với sự đồng ý của tất cả bạn tù - trong khi các bạn tù khác chỉ được một miếng thịt mỡ cũng bằng... ngón tay cái.

Trong khi bị giam 4 tháng (từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1977) ở trại Phan Đăng Lưu, tôi được các bạn tù đã ở đó trước tôi cho tôi biết có một bài thơ 5 chữ rất hay với tựa đề «Ở nhà» mà tác giả là họa sĩ Choé / Nguyễn Hải Chí (đã qua đời) làm khi còn bị giam tại đây (lúc tôi vào anh đã được chuyển đi trại khác), được các bạn tù học thuộc lòng và đọc lại cho tôi nghe. Bài thơ ghi lại việc CS bắt người và lưu giữ người vô hạn định, không cần lý do và không cần xét xử. Thấy bài thơ hay - nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cũng đồng ý như vậy - cho nên khi qua đến đảo tôi liền soạn thành ca khúc, với cung Mi thứ, thể điệu Valse:
«Ở nhà con tập nói
Thư mẹ gửi vào ba
Chưa hình dung ba được
Con vẫn gọi ba, ba.

Ở nhà con tập viết
Thư mẹ gửi vào ba
Góc giấy thừa con viết
Một hàng đầy ba, ba.

Ở nhà con tập vẽ
Thư mẹ gửi hôm qua
Dành nửa trang con vẽ
Cho ba nhiều bông hoa.

Ở nhà con lên lớp
Khoe ba tính cộng trừ
Mẹ đếm ngày đếm tháng
Con cọng hoài vẫn dư.

Ở nhà con đã thấy
Mỗi khi thư ba về
Mẹ hai hàng nước mắt
Tay cầm thư vân vê.

Ở nhà con thôi học
Thay mẹ cuốc nương khoai
Sáng nay trên giường bệnh
Tóc mẹ vài sợi phai.

Ở nhà con thay mẹ
Xách giỏ đi nuôi ba
Bồi hồi chờ tên gọi
Trơ cổng khám mưa sa. (Ở nhà - Nguyễn Hải Chí)




--------------------------------------------------------------------------------

(Kỳ sau: Chuyến đi thập tử nhất sinh)


--------------------------------------------------------------------------------

Lê Dinh

Montreal, Quebec (Canada)

No comments: