Sunday, September 2, 2012

PHAN LẠC TIẾP * QUÊ NGOẠI

                                                                 Quê Ngoại
                                Phan Lạc Tiếp


        Mẹ tôi người bên Chàng. Làng Chàng cách làng tôi một cánh đồng nhỏ, Đồng Mát và làng Thạch, được gọi là Thạch Thôn, làng của anh Trần lê Nguyễn. Làng này liền với làng Chàng. Giữa hai làng ngăn cách bằng một cánh cổng tre đơn sơ, vì cổng không có cánh. “ Biên giới” hai làng, một cách cụ thể là hai con chó đá để ở hai bên cổng của hai làng. Hai con chó này cũng là nơi trẻ con hai làng tụ họp, cỡi lên mình chó để chơi đùa và đánh nhau. Có cái lạ là hai làng liền nhau như thế nhưng giọng nói mỗi làng mỗi khác, cách nói cũng khác. Làng Chàng, quê Mẹ tôi, giọng mói trong hơn, êm hơn và nhất là thong thả hơn. Đặc biệt ởø cuối mỗi câu nói thường được vuốt bằng chữ “ c h  ư õn g ...“ kéo dài, khiến lời nói của làng Chàng trở nên êm ả. Đàn bà làng Thạch thì nhiều lời và rất chua ngoa. Làng Thạch dính liền với làng tôi bằng cánh Đồng Mát và cái Đầm Bùi. Mùa chiêm, nước nổi, Đầm Bùi mênh mông như biển. Nước từ cánh đồng Hiệp đổ xuống, từ Hương Ngải tràn vào và từ trên cánh đồng Cầu Rô, cầu Chợ làng tôi chút xuống. Hôm trước vụ chiêm mới gặt, cả cánh đồng đi lại không lấm chân, sau một trận mưa, hôm sau ra đồng, Đàm Bùi đã mênh mông trắng xóanhững nước. Những dãy tre làng Núc bỗng nhòa nhạt xa tít tắp như một thế giới nào trong giấc chiêm bao. Trên matë nước mênh mông ấy, những chiếc thuyền nan đen xì, những chiếc thuyền thúng lao chao của làng Thạch đã lững lờ qua lại. Những cây tre khô trắng làm cánh cho các vó bè đã như được mặc áo mới. Khung tre đã được bung ra, và mạng vó khổng lồ mầu nâu sẫm đã được gắn vào đầu những cây tre ấy. Cùng lúc, dọc theo bờ những thửa ruộng bên mép Đồng Bùi, làng Thạch đã cắm sẵn những cái đó để đơm cá. Lạ là cá ở đâu sẵn thế. Cá như từ trên trời theo nước mưa đổ xuống. Trong những cái đó dựng đứng ở ven ruộng ấy, sau cơn mưa, thường có những con cá rô đen, to như chiếc lá mít, hoặc những con cá trê to trùng trục nằm trong lòng đó. Đôi khiù lại là chú rắn nước oằn mình trong lòng đó. Đàn bà làng Thạch, trời chưa sáng rõ mặt người, túa ra đồng xem đó và cất tiếng chửi “ cha tiên nhân bố đứa nào đổ đó của bà...”. Họ cứ chửi sẵn như thế, trước khi xem đó. Nếu trong đó có con cá, con cua thì biết là chưa có “ đứa nào đổ đó của bà”. Những tiếng chửi như thế rộn lên cùng với ánh bình minh và chỉ ồn ào một lúc rồi im.
Vào những tháng mùa chiêm như thế cũng là lúc mà Thầy Mẹ tôi, gia đình của nhà dì tôi phải sang Chàng để ăn giỗ. Tôi không còn nhớ là giỗ ai, nhưng tôi chắc là giỗ ông hoặc bà ngoại tôi, nên không năm nào chúng tôi vắng mặt. Thay vì phải đi qua làng Thạch bằng đường bộ, hai gia đình chúng tôi đi ăn giỗ bằng thuyền. Chiếc thuyền nan to của nhà dì tôi từ mấy tháng trước đã được đem từ trên sà nhà ngang xuống, lấy dầu chai chét vào các chỗ nan vênh, rỉ nước. Bây giờ Đầm Bùi nước đã mênh mông, phải sáu người khiêng cái thuyền nan ấy từ nhà ra đồng. Bác Bòi Kế, một gia nhân của nhà dì tôi, quần áo nâu mới chỉnh tề, quấn ngang bụng bằng một cái thắt lưng to bản, đứng ở cuối thuyền, cầm một cái sào dài, giữ cho mũi thuyền găm vào bờ đất. Chú Cửu tôi xuống trước, đứng ở mũi thuyền, chân trước, chân sau, lấy thế cho vững, đễ từ trên bờ Thầy tôi bế chúng tôi chuyển xuống sau. Chúng tôi được xếp ngồi trên hai thanh ngang ở giũa lòng thuyền. Mẹ tôi và dì tôi xuống sau cùng và đem theo những thúng gạo, những con gà, bó hương và cả những tập vàng hồ có gắn trang kim, những mặt kính óng ả. Cả hai người mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý, hoa đào,đội nón lá rộng vành, quai thao, ngồi ở cuối thuyền, gần nơi Bác Bòi Kế cầm sào. Chú tôi đứng ở mũi thuyền, vẫn chân co chân duỗi như lấy tấn. Khi tất cả đã đâu vào đấy, chú tôi vớ lấy một cây trèo ngắn, chống vào bờ, đẩy mũi thuyền ra. Thuyền quay mũi, và một tay Bác Bòi Kế, với cái sào dài đầy thuyền lướt đi. Thuyền rẽ sóng, gió lên ào ạt ở bên tai. Có lúc thuyền đi gần những ngọn cây mọc nhô lên mặt nước. Trên đó có những con cò ướt cánh đứng co ro trú mưa. Nếu tinh ý còn thấy có cả những con rắn nước cuốn lòng thòng ở những cành cây thấp. Tôi rùng mình, nhìn quanh, dãy tre làng tôi mỗi lúc mỗi xa. Gió như mỗi lúc mỗi mạnh và lạnh hơn. Nhìn về mũi thuyền, chú tôi vẫn đứng uy nghiêm như cũ. Tay ông chống cái gậy xuống đầu thuyền. Tà áo dài và cái khăn quàng nơi cổ ông bay lòa xòa về phía sau lật phật. Mắt ông vẫn hướng về phía trước. Đôi lúc ông lấy cái gậy chỉ về bên trái hay bên phải để mũi thuyền theo đó mà đi. Mấy anh em tôi, và các em nhỏ con nhà dì tôi ngồi co ro, xúm lại với nhau. Thầy tôi đứng ngay đó, như sẵn sàng để bảo vệ chúng tôi lỡ có đứa nào dại dột nghịch nước, rơi ra ngoài thuyền. Thuyền không đi ra giữa cánh đồng mà đi men men quanh làng Thạch. Đôi khi thuyền chui dưới những bụi tre to khum mình ra đồng, mát dượi. Từ trên thuyền chúng tôi nhìn rõ những ngôi nhà tranh, những đống rơm, đống rạ, những mảnh sân, ở đó giũa những đàn gà, có những đứa nhỏ đang chơi đùa, bỗng ngừng lại nhìn con thuyền của chúng tôi đi qua. Người lớn thì không chú ý, nhưng những đứa trẻ ấy nhìn tụi tôi, rồi nắm tay dứ dứ, mồm nói điều gì tụi tôi không nghe rõ.
        Qua một khúc quanh, làng Chàng, quê Mẹ tôi đã hiện ra rõ dần. Từ trong làng hình như có những tiếng trống, tiếng chiêng lúc mờ, lúc rõ. Thuyền có lúc trôi trên những ngọn lúa lơ thơ trồi lên mặt nước. Dì tôi chép miệng “ ruộng nhà ai gặt trễ thế này đây...”. Khi thuyền chuyển hướng, đâm thẳng vào lũy tre thì tôi biết là đã đến. Giữa lũy tre đen đặc ấy, có một lỗ trống mở ra, con thuyền của chúng tôi từ từ xuôi mái chui vào. Thầy tôi, chú tôi đều ngồi cả xuống. Chú tôi lấy cây gậy nhỏ sẵn sàng chống lên bờ. Con thuyền ngoan ngoãn ép mình vào bờ đất. Từ trên bờ đã lao xao những tiếng chào “ các cô các chú đã về này...” Các anh lớn của tôi đi học ở trường huyện tan học về trước, đang vắt vẻo trên cây sung nô đùa, hái quả, sợ hãi phải đòn vì leo trèo dại dột, vội vàng leo xuống. Anh Giáo Cả, bụng tròn như quả mít, đã đứng đó, tươi cười chào đón mọi người.Chú tôi lên trước, đứng ở trên bờ. Từ dưới thuyền thầy tôi bế từng đứa đưa cho chú tôi. Đến lượt em bé trai út của nhà dì tôi mới ba, bốn tuổi, nó bỗng chùn người lại, không chịu cho thầy tôi bế lên. Dì tôi phải dơ tay  ãm em. mới khám phá ra rằng em bé đã bĩnh ra quần, thối hoăng, làm bẩn cả cái quần trắng trúc bâu mới mặc. Ai nấy vừa mắng  yêu em vừa cười.
 Dưới thuyền Bác Bòi Kế chống con sào, buộc ghì cột chèo vào một gốc tre, rồi ngồi xuống mạn thuyền, lấy cái điếu cày, thong thả châm một điếu thuốc, hít một hơi dài, thở khói mù mịt.
        Trên mảnh sân đất mịn trẻ con nô đùa. Ở một góc sân nồi nước sôi bốc khói. Mấy chị, mấy cô đang xúm nhau vặt lông gà, lông vịt. Khói bếp và mùi đun nấu bay tỏa, bao chùm. Chúng tôi những đứa trẻ năm, bảy tuổi tha thẩn ra mảnh vườn trước nhà, đi dưới bóng những cây na, cây chanh. Cành cây la đà ngang mặt. Chúng tôi tiện tay hái những quả chanh vàng mịn óng. Mùi hương thơm của lá, của hoa lan tỏa ngây ngất. Ở cuối vườn có một cái cầu tre lắt lẻo, bắc từ vườn bên này qua vườn bên kia. Bên kia là dương cơ của nhà mợ hai tôi. Qua những hàng cây xanh lá là một dãy cau trồng trước hiên nhà. Những cây cau cao đong đưa trong gió như lúc nào cũng đứng đó để bảo vệ căn nhà tranh êm ả của nhà mợ hai tôi. Tôi đứng đó rất lâu, lấy những cục đất ném vu vơ sang bờ bên đó, khiến con chó vàng to xù từ trong nhà chạy ra nhe răng trắng ởn, sủa vang. Chúng tôi vẫn đứng đó, khiến con chó ra tận mép ao gầm gừ sủa tiếp. Thấy chẳng làm gì được chúng tôi, con chó sủa thêm vài tiếng nữa rồi quay đít vào nhà. Chúng tôi lấy đá ném qua, con chó quay lại sủa thêm vài tiếng vu vơ nữa rồi đi khuất vào trong lớp cánh dại trước hiên nhà.
Dọc theo mép ao, theo lối mòn, chúng tôi đi tiếp. Tay cầm cành tre nhỏ cời bới như đi thám hiểm một vùng đất hoang vu. Dưới bóng mát của những cành tre khum mình xuống mặt ao, thế giới nhỏ bé của chúng tôi như thu kín lại. Những tiếng động ồn ào của ngày giỗ như mờ nhạt hẳn đi. Chúng tôi nhặt những cái mo nang lớn thả xuống mặt ao. Mo nang lững lờ như những cái thuyền trống trôi qua trôi lại theo chiều gió thổi. Một vài chiếc “ thuyền” mắc vào những cụm tre khô nhoi lên từ mặt nước. Ở đó thấp thoáng có những tăm cá to như những hột nhãnù thỉnh thoảng nổi lên. Tôi biết đó là tăm của những con cá chắm, chúng làm tổ trong các nhánh tre. Chắc chúng đang cựa mình ve vẩy cái đuôi to mầu hồng nhạt. Chúng đang cạ mình, chà những hàng vảy xanh đen vào những cành tre khô ở dưới đáy ao. Hay chúng nhởn nhơ bơi qua, bơi lại phô nghiêng cái bụng trắng hồng. Đôi khi có những hàng tăm cá nhỏ nổi lên từng chụm. Đấy là tăm của những chị cá diếc. Như những cô con gái đang độ xuân thì, cá diếc thường đi từng đàn, bơi lội tung tăng, lộn qua, lộn lại. Có khi con cá này cắn vào đuôi con cá kia, tinh nghịch đùa rỡn khoe làn vảy trắng óng ánh như bạc, trước vẻ ưu tư trầm mặc của các anh cá chắm. Những chú tôm thì khác. Chúng phóng vun vút, thoáng ở chỗ này, thoáng ở chỗ kia như những anh hề của một tuồng múa dối... Một làn gió thổi, hàng tre oằn mình, đong đưa, thả thêm những chiếc lá khô rơi la đà trên mặt ao vắng. Chúng tôi đã trở lại “ bến thuyền” khi chúng tôi mới đến. Bến đã trống không. Từ khoảng trống này chúng tôi nhìn ra, một vùng đồng trống mênh mông những nước. Từ ngoài xa ấy chúng tôi còn bắt gặp chiếc thuyền nan, trên đó Bác Bòi Kế đang cúi mình đẩy thuyền đi, trở về. Thuyền không, đi rất lẹ. Chỉ một tháng chiếc thuyền đã rẽ, mất hút ở một góc làng xa.

        Bây giờ nhà trên đã đông khách. Những họ hàng gần gũi lần lượt vào lễ. Thấy tụi trẻ con chúng tôi xuất hiện, anh Cả, con trai lớn của Mợ Cả tôi nói lớn “ các chú vào lễ ông bà đi...”. Chúng tôi bắt chước người lớn vào lễ trước bàn thờ, cũng lên gối xuống gối lần lượt bốn lần. Người lớn chú ý theo dõi, nên khi chúng tôi lễ xong, có nhiều tiếng nói “ giỏ..i”. Bước ra sân, thấy mẹ tôi đã đứng đó mỉm cười sung sướng. Mẹ tôi thưởng cho chúng tôi mỗi đứa một cái chân cọ gà. Giữa lúc ấy thì gia đình nhà Già tôi đến. Già tôi da mặt có nhiều chỗ loang trắng vì bịnh bạch tạng, tóc bạc ở hai bên vành tai, bước đi ngắn, rất chậm, ít nói, nhưng miệng lúc nào cũng ngậm cái tăm và mỉm cười. Mọi người tíu tít chào đón Già tôi. Giữa lúc ấy thì anh Tân, con trai trưởng của Già tôi vừa từ dưới cầu ao lên, mới rửa chân xong, đang lấy đôi giày ta, giày Gia Định, xỏ vào, lẹp kẹp đi trên nền sân đất mịn. Anh tươi cười, ăn trầu bỏm bẻm, chào hỏi mọi người rất là rôm rả. Anh đứng trước bàn thờ, chấp hai tay trước bụng nói lớn :” Thưa trên có các cụ, các ông bà, dưới có tất cả anh em nội ngoại. Hôm nay là ngày kỵ của ông ngoại chúng tôi. Lẽ ra Thầy chúng tôi phải có mặt, trước là để lễ Ông Ngoại chúng tôi, sau cũng là để có dịp gặp gỡ, thăm hỏi, hàn huyên cùng bà con thân quyến. Song vì Ông thân chúng tôi hôm nay không được khỏe, nên chúng tôi là con trướng, chúng tôi đem đầu đến đây để thay mặt cho Thầy chúng tôi...”. Dứt lời anh Cả Tân cúi xuống lễ bốn lễ rất nghiêm trang. Nét mặt anh chùng lại, hai mắt khép hờ. Hình như anh còn khấn những lời rất nhỏ. Xong lễ, nét mặt anh như bừng tỉnh sau một cơn mê. Anh tươi cười nhìn sang hai bên tả hữu, chào hỏi khắp lượt. Có tiếng ai nói đâu đó :” Anh cả Tân chững chạc thế, kỳ tới nên chạy cho anh chân phó lý...”.

        Mọi người lần lượt ra về. Mặt người nào cũng đỏ gay, hơi men tỏa nồng. Chẳng mấy chốc khung cảnh buổi giỗ ở nhà Mợ Cả tôi đã vãn. Mấy anh lớn của chúng tôi được phép :” Thôi cho chúng bay về nhà trước, để có thì giờ học bài. Nhớ về thẳng nhà, không được la cà,đánh đáo, đánh nhau trên đường đi...”. Mấy anh lớn như mở cờ trong bụng, vội vàng cởi bỏ áo dài đen, cho vào cặp, nhảy chân sáo ra về. Tôi nhìn theo các anh mà ao ước mình lớn như các anh. Đi về qua làng Thạch không sợ trẻ con làng này bắt nạt. Vì các anh hình như còn biết nhiều miếng võ nữa. Tụi làng Thạch mà lại gần các anh ấy phi thân đá chết. Chiều đã ngả. Anh Cả tôi nhờ một người mang cái vó ra ao, thả xuống. Để một lúc, rồi lấy mấy hòn đất lớn ném vào giữa đám rong tre ở giũa ao. Đợi một chút như có ý chờ những con cá lớn bơi vào lòng vó, vó mới được kéo lên, thật thong thả. Bốn góc vó lên trước, miệng vó hiện lên sau. Lòng vó hẹp dần, mọi người nhìn cả vào lòng vó. Có những cái quẫy xôn xao trong đáy vó còn lưng chừng nước. Khi đáy vó vừa lên khỏi mặt nước, mọi người cười nói ồn ào:” Mấy con cá chắm để dành cho các cô mới vó được có một con...” Người kéo vó quay vó vào sân, thả xuống, những con cá to nhỏ đủ loại đang cong mình dãy trong lòng vó. Một người nhặt những con cá trôi nhỏ, mình trắng, mắt đỏ, thả lại xuống ao. Con cá chắm lớn thì đước lấy lạt giang sâu vào mang, đặt vào giữa hai mảnh thân cây chuối, giữ cho cá được mát. Miệng cá được nhét mấy cánh bèo tây sũng nước, cho cá khỏi khát. Con cá ấy đưọc đưa chi Dì tôi :” Con này là phần của Cô...”. Như thế, đến lúc chúng tôi ra về, phần quà từ Bên Ngoại gồm những con cá lớn, những quả bưởi, quả mít và cả những nửa rổ vừa tranh, vùa ổi. Riêng tụi trẻ con chúng tôi thì còn có một vòng quả sung đeo ở cổ. Những quả sung chín mầu tím thẫm, bửa ra, từ giũa lòng quả sung có những con muỗi bay ra. Không biết muỗi từ đâu lại có sẵn trong lòng quả sung như thế. Những quả sung ấy ăn ngọt lịm. Mẹ tôi và Dì tôi quảy những món quà ấy về, đi theo đường bộ về trước, tất nhiên phải đi qua làng Thạch. Thày tôi, Chú tôi và tôi về sau, vì chúng tôi còn phải tạt vào thăm gia đình Cậu Giáo.
                                                        Phan lạc Tiếp.

No comments: