Saturday, September 8, 2012

VŨ QUÝ HẠO NHIÊN * CÔ GÁI USS KIRK

Đọc báo Hải Ngoại:
Tìm đâu, cô gái mang tên chiến thuyền USS Kirk?
Vũ Quí Hạo Nhiên
 


Friday, May 06, 2005
   


WESTMINTER, CA & CHARLOTTE, NC (NV) -
 Sau 30 tháng 4 năm 1975, một chiến thuyền Mỹ hộ tống một đoàn tàu hải quân Việt Nam Cộng Hòa mang 20,000 người tỵ nạn từ khu vực đảo Côn Sơn đến Subic Bay. Trên chiếc tàu ấy, USS Kirk FF1087, có một sản phụ khi đến Subic Bay đã hạ sinh một em bé, khi đặt tên đã cho tên “Kirk” vào tên em bé.

Câu chuyện lãng mạn trên là câu chuyện có thật, và thủy thủ đoàn chiến tàu USS Kirk hiện đang tìm lại em bé trên để mời gia đình em cùng họp ngày hội ngộ thủy thủ đoàn. “Nghe đâu tên là Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên,” ông Jim Bongaard, một cựu thủy thủ về hưu với cấp bậc trung sĩ, thuật lại với báo Người Việt.

Công tác di tản

Vào thời gian cuối tháng Tư 1975, thuyền trưởng khu trục hạm USS Kirk FF1087 (chữ FF viết tắt “fast frigate”) là trung tá Paul H. Jacobs. Sau này ông Jacobs về hưu với quân hàm đại tá. Ông kể với Người Việt:

“Chúng tôi thuộc Hạm đội 7, lúc thời gian cuối tháng Tư, khoảng ngày 25, chúng tôi thả neo ngay cửa sông, cách Sài Gòn có 5000 mét. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ hỏa lực cho Tòa Đại sứ Mỹ nếu cần. Lúc bấy giờ rất nhiều phi công Việt Nam lái trực thăng chở người di tản đậu trên tàu USS Kirk. Có người bay ra trên một trực thăng, đến chiếc trực thăng sau đó tới thì lại muốn trở về. Tâm trạng người ta lúc đó cũng hoang mang lắm.”

Từng chiếc trực thăng đáp xuống USS Kirk. Mặc dầu đây là những trực thăng thiết kế để đáp xuống đất chứ không phải xuống một khu trục hạm, và mặc dù hầu như chắc chắn các phi công không hề được huấn luyện đáp xuống tàu, nhưng các trực thăng đều đáp an toàn. Thủy thủ trên tàu soát người trên trực thăng để chắc chắn không mang vũ khí hay hàng cấm, rồi dẫn vào bên trong. “Trên chiếc trực thăng đầu tiên là một ông Thiếu Tướng. Tôi nhường giường tôi cho ông ấy, ông ta mệt lử ngủ 3 ngày sau mới dậy,” thuyền trưởng Jacobs nhớ lại.

Một trực thăng, hai trực thăng, ba trực thăng, boong tàu bắt đầu chật. Thủy thủ đoàn phải xô bớt trực thăng xuống biển để có chỗ đậu những chiếc kế. Chiếc trực thăng thứ 13, một chiếc CH-47, quá lớn, không đậu xuống khu trục hạm được. Phi công bay là là phía trên boong tàu để hành khách nhảy xuống những vòng tay đỡ ở dưới. Khi mọi người đã xuống, phi công bay ra xa một chút, nhảy ra ngoài và cho trực thăng rớt xuống biển. Một nhóm thủy thủ từ USS Kirk nhảy xuống, bơi ra, vớt ông lên.

Nửa đêm lúc mới qua ngày 30, một trực thăng thủy quân lục chiến Mỹ đậu hụt boong tàu, rớt xuống biển, may thay phi hành đoàn hai người đều được cứu thoát.

“Quý vị không thể tưởng tượng được, một chiếc tàu chiến và một nhóm thủy thủ chuyên nghề đánh giết, trong nháy mắt trở thành một chiếc tàu cứu trợ làm công tác nhân đạo, đó là điều tôi thấy cảm động nhất,” thuyền trưởng Paul Jacobs nói. “Tôi thật sự xúc động khi thấy nhóm thủy thủ trẻ tuổi của tôi an ủi những người di tản, chia sẻ từng phần ăn uống, chỉ dẫn giúp đỡ những người bỡ ngỡ và buồn bã trên chiến hạm.”

Khi được tin Sài Gòn thất thủ, chiếc USS Kirk đã rút ra ngoài 150 hải lý. Ông Bongaard nhớ lại, “Lúc đó trên tàu có đến 250 người Việt Nam. Chúng tôi chuyển họ qua tàu khác để chở đi Subic Bay. Một đợt trực thăng khác lại đến, nhóm này được chuyển qua tàu USS Okinawa.”

Ông Bongaard kể tiếp, “Lúc ra khỏi hải phận Việt Nam đang đi về phía Subic Bay, thì chúng tôi lại nhận được lệnh mới là đi về hướng đảo Côn Sơn. Thế là chúng tôi lại trở vào. Tại đây chúng tôi phối hợp với tàu Việt Nam di tản người tỵ nạn.”

Đường đến Subic Bay

Đến Côn Sơn, đoàn tàu Mỹ gặp nhóm tàu Việt Nam. “Lúc đó, phía bên Mỹ có cựu Thiếu Tá Richard Armitage, lúc bấy giờ là tùy viên quân sự tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, và thuyền phó của tôi Richard B. McKenna đi thuyền nhỏ qua bên đoàn tàu Việt Nam. Khi họ trở lại, có ông Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam và một người phụ tá đi cùng, và mọi người cùng bàn làm sao đưa đoàn tàu đi Subic Bay,” thuyền trưởng Jacobs cho biết.

Vị Tư Lệnh Hải Quân này chính là cựu Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, người trở lại cầm đầu binh chủng Hải Quân chỉ trong hơn chục ngày cuối cùng. Ông kể với báo Người Việt: “Chúng tôi có một đoàn tàu 24 chiếc, tàu hải quân đủ loại. Đi từ cảng Sài Gòn, hẹn với tàu Mỹ tại Côn Sơn, rồi từ đó đi Subic Bay. Số người trên đoàn tàu vừa có các quân nhân, thủy thủ, gia đình, vừa có người dân thường, cả thảy tới khoảng 20 ngàn người.”

Lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng 5, đoàn tàu khởi hành. Chiếc tàu Tân Nam Việt gặp trục trặc máy móc, chiếc USS Kirk phái mười nhân viên qua phụ. Một số người được san từ tàu Việt Nam qua các tàu Military Sealift Command (tàu chở người) của Mỹ. Thực phẩm, nước uống, thuốc men, được đưa từ USS Kirk qua các tàu cùng đi.

“Tàu nào cũng đông người, may mà biển yên chứ nếu thời tiết xấu thì quả thật tôi không biết tổn thất sẽ đến bao nhiêu,” thuyền trưởng Jacobs nhớ lại. Tướng Cang cũng đồng ý, “Đoàn tàu đi bình yên, tới Subic Bay không trở ngại gì.”

Một số người bệnh, sản phụ, được đưa qua tài USS Kirk. Trong đó có một bé trai bị bệnh sưng phổi nặng. Bác sĩ chữa thì em khỏe hơn, lăng xăng đùa giỡn. Nhưng rồi em ốm lại. Sau 3 ngày, em qua đời. Thuyền trưởng Jacbos thuật lại, “Chúng tôi tìm được gia đình em còn ở trên tàu Việt Nam, nhưng gia đình không muốn em phải chôn ngoài biển. Lúc ấy em mới 12 tuổi, nhà chỉ có em là con trai, nhưng chúng tôi không thể để em như thế được. Chúng tôi tổ chức an táng theo đúng nghi lễ quân đội và đã chôn em ngoài khơi. Gia đình em xúc động với việc chúng tôi làm, chính tôi cũng rất buồn khi em qua đời trên đường tỵ nạn.”

Đoàn tàu đến hải phận Philippines, định vào Subic Bay thì chính quyền sở tại không cho vào. “Lúc đó ông Marcos không nhận tàu Việt Nam,” Tướng Cang nhớ lại. Hàng chục ngàn người tỵ nạn trên tàu, mà không có chỗ đậu, thì phải làm sao?

Tướng Cang bèn phải giải quyết tại chỗ: “Tôi điều đình với đại diện Hạm đội 7, để trao tàu cho họ. Tôi nói họ là ‘Quân cụ này chúng tôi không dùng nữa, nay trao trả lại cho Mỹ.” Thuyền trưởng Jacobs: “Ông Armitage, vị chỉ huy Hạm Đội 7, và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đồng ý với vị Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam.”

Đúng 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5, đoàn tàu làm lễ hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa, dựng cờ Hoa Kỳ. Hạm đội 7 phái qua mỗi tàu một sĩ quan để nhận bàn giao quyền hành. Giây phút khai tử của đoàn tàu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn in sâu trong lòng các quân nhân cũng như những người dân có mặt. Tướng Cang còn ngậm ngùi khi kể lại với báo Người Việt, “Lúc hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa là một ngày đau buồn nhất của tất cả mọi người trong đoàn tàu.”

Sản phụ trên tàu chiến và một cô gái tên “Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên”

Trong số người được đưa qua USS Kirk có 6 sản phụ, được đưa vào phòng nghỉ của các sĩ quan. Nhớ lại việc này, thuyền trưởng Jacobs cho biết, “Phải hiểu rằng thủy thủ đoàn của tôi lúc đó toàn những thanh niên trẻ, 18, 19 tuổi. Thế mà họ chăm sóc được cho các sản phụ, lo cho họ ăn, lo cho họ tắm rửa, lo chuyện giặt giũ, quần áo.”

Đến Subic Bay, mọi người xuống, chia tay người tỵ nạn. Thuyền trưởng Jacobs nhớ lại, “Thủy thủ thì quý vị biết rồi, tiền bạc không có bao nhiêu, lâu lâu mới được lên bờ, vậy mà họ dốc hết tiền, vào chợ quân tiếp vụ (Naval Exchange) có bao nhiêu đồ chơi mua hết phát cho các cháu bé. Chuyến chở người tỵ nạn thật là một sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến các thanh niên tuổi còn rất nhỏ.”

Các sản phụ cũng được chuyển vào căn cứ tại Subic Bay. Sau này, thủy thủ đoàn khám phá ra được rằng trong số các sản phụ - họ không biết là trong những người đến theo tàu, hoặc đã đến trước đó sau khi chuyển qua các tàu khác - đã hạ sanh một em bé, và bà mẹ đã dùng tên tàu “Kirk” đặt trong tên con mình.

Ông Bongaard cho Người Việt biết, “Khi biết tin này, tất cả chúng tôi rất vui mừng, hãnh diện, và cảm động.” Và theo ông, “chúng tôi tìm được một bức thư theo đó chúng tôi khám phá ra rằng cô gái này mang tên Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên.”

Theo tính toán của thủy thủ đoàn, cô gái tên Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên sinh tháng 5 năm 1975, năm nay 30 tuổi. Họ bèn gửi một bức thư đi để hỏi tông tích cô này. Một người bạn Việt Nam của ông Bongaard giúp họ dịch bức thứ ấy qua tiếng Việt, tựa đề “Làm ơn tìm giúp một người bạn của chúng tôi: Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên.” Bức thư có đoạn:

“Thủy thủ đoàn của chiếc USS Kirk cho đến ngày hôm nay còn giữ mối thân tình với dân chúng miền Nam Việt Nam cũng như vẫn tự hào về những cố gắng cứu trợ dân sự của mình.... Hôm nay, thủy thủ đoàn USS Kirk muốn tìm kiếm đứa con tinh thần của mình... Xin liên lạc James Bongaard, (704) 598-3590, website: www.Kirk1087.org“

Thủy thủ đoàn USS Kirk đang tổ chức một buổi họp mặt tại Orlando, Florida, vào ngày 4-8 tháng Mười năm nay. Họ đang tìm cô gái Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên và gia đình để mời cùng họp mặt.

Hầu hết những thủy thủ trên tàu đều đã giải ngũ, không còn trong quân đội. Những ngày của chiến tranh qua đi, của thời trẻ cũng qua đi. Ngay cả chiếc tàu chiến USS Kirk oai phong ngày nào cũng đã giải giới, không còn phục vụ nữa từ năm 1993. Chỉ còn lại những kỷ niệm và một chút tin tức về một cô gái mang tên Trần Nguyễn Kirk Giáng Tiên mà họ đang tìm.

(Posted by chuyentin_1@yahoo.com, Chinhluan@yahoogroups.com, 6/13/05, 3.47PM)

No comments: