Friday, September 7, 2012

PHAN LẠC TIẾP * QUÊ NGOẠI

Quê Ngoại.
Bút ký của Phan lạc Tiếp


Mẹ tôi người bên Chàng. Làng Chàng cách làng tôi một cánh đồng nhỏ, Đồng Mát và làng Thạch, được gọi là Thạch Thôn, làng của anh Trần lê Nguyễn, giải nhất Văn Học Toàn Quốc với kịch bản Bão Thời Đại. Làng này liền với làng Chàng. Giữa hai làng ngăn cách bằng một cánh cổng tre đơn sơ, vì cổng không có cánh. “ Biên giới” hai làng, một cách cụ thể là hai con chó đá để ở hai bên cổng của hai làng. Hai con chó này cũng là nơi trẻ con hai làng tụ họp, cỡi lên mình chó để chơi đùa và đánh nhau. Có cái lạ là hai làng liền nhau như thế nhưng giọng nói mỗi làng mỗi khác, cách nói cũng khác. Làng Chàng, quê Mẹ tôi, giọng nói trong hơn, êm hơn và nhất là thong thả hơn. Đặc biệt ởø cuối mỗi câu nói thường được vuốt bằng chữ “ c h ư õn g ...“ kéo dài, khiến lời nói của làng Chàng trở nên êm ả. Đàn bà làng Thạch thì nhiều lời và rất chua ngoa. Làng Thạch dính liền với làng tôi bằng cánh Đồng Mát và cái Đầm Bùi. Mùa chiêm, nước nổi, Đầm Bùi mênh mông như biển. Nước từ cánh đồng Hiệp đổ xuống, từ Hương Ngải tràn vào và từ trên cánh đồng Cầu Rô, cầu Chợ làng tôi chút xuống. Hôm trước vụ chiêm mới gặt, cả cánh đồng đi lại không lấm chân, sau một trận mưa, hôm sau ra đồng, Đầm Bùi đã mênh mông trắng xóa những nước. Những dãy tre làng Núc bỗng nhòa nhạt xa tít tắp như một thế giới nào trong giấc chiêm bao. Trên matë nước mênh mông ấy, những chiếc thuyền nan đen xì, những chiếc thuyền thúng lao chao của làng Thạch đã lững lờ qua lại. Những cây tre khô trắng làm cánh cho các vó bè đã như được mặc áo mới. Khung tre đã được bung ra, và mạng vó khổng lồ mầu nâu sẫm đã được gắn vào đầu những cây tre ấy. Cùng lúc, dọc theo bờ những thửa ruộng bên mép Đồng Bùi, làng Thạch đã cắm sẵn những cái đó để đơm cá. Lạ là cá ở đâu sẵn thế. Cá như từ trên trời theo nước mưa đổ xuống. Trong những cái đó dựng đứng ở ven ruộng ấy, sau cơn mưa, thường có những con cá rô đen, to như chiếc lá mít, hoặc những con cá trê to trùng trục nằm trong lòng đó. Đôi khi lại là chú rắn nước oằn mình trong đó.
Vào những tháng mùa chiêm như thế cũng là lúc mà Thầy Mẹ tôi, gia đình của nhà dì tôi phải sang Chàng để ăn giỗ. Tôi không còn nhớ là giỗ ai, nhưng tôi chắc là giỗ ông hoặc bà ngoại tôi, nên không năm nào chúng tôi vắng mặt. Thay vì phải đi qua làng Thạch bằng đường bộ, hai gia đình chúng tôi đi ăn giỗ bằng thuyền. Chiếc thuyền nan to của nhà dì tôi từ mấy tháng trước đã được đem từ trên sà nhà ngang xuống, lấy dầu chai chét vào các chỗ nan vênh, rỉ nước. Bây giờ Đầm Bùi nước đã mênh mông, phải sáu người khiêng cái thuyền nan ấy từ nhà ra đồng. Bác Bòi Kế, một gia nhân của nhà dì tôi, quần áo nâu mới chỉnh tề, quấn ngang bụng bằng một cái thắt lưng to bản, đứng ở cuối thuyền, cầm một cái sào dài, giữ cho mũi thuyền găm vào bờ đất. Chú Cửu tôi xuống trước, đứng ở mũi thuyền, chân trước, chân sau, lấy thế cho vững, để từ trên bờ Thầy tôi bế chúng tôi chuyển xuống sau. Chúng tôi được xếp ngồi trên hai thanh ngang ở giũa lòng thuyền. Mẹ tôi và dì tôi xuống sau cùng và đem theo những thúng gạo, những con gà, bó hương và cả những tập vàng hồ có gắn trang kim, những mặt kính óng ánh. Cả hai người mặc áo tứ thân, thắt lưng hoa lý, hoa đào,đội nón lá thúng, quai thao, ngồi ở cuối thuyền, gần nơi Bác Bòi Kế cầm sào. Chú tôi đứng ở mũi thuyền, vẫn chân co chân duỗi như lấy tấn. Khi tất cả đã đâu vào đấy, chú tôi vớ lấy một cây trèo ngắn, chống vào bờ, đẩy mũi thuyền ra. Thuyền quay mũi, và một tay Bác Bòi Kế, với cái sào dài đầy thuyền lướt đi. Thuyền rẽ sóng, gió lên ào ạt ở bên tai. Có lúc thuyền đi gần những ngọn cây mọc nhô lên mặt nước. Trên đó có những con cò ướt cánh đứng co ro trú mưa. Nếu tinh ý còn thấy có cả những con rắn nước cuốn lòng thòng ở những cành cây thấp. Tôi rùng mình, nhìn quanh, dãy tre làng tôi mỗi lúc mỗi xa. Gió như mỗi lúc mỗi mạnh và lạnh hơn. Nhìn về mũi thuyền, chú tôi vẫn đứng uy nghiêm như cũ. Tay ông chống cái gậy xuống đầu thuyền. Tà áo dài và cái khăn quàng nơi cổ ông bay lòa xòa về phía sau lật phật. Mắt ông vẫn hướng về phía trước. Đôi lúc ông lấy cái gậy chỉ về bên trái hay bên phải để mũi thuyền theo đó mà đi. Mấy anh em tôi, và các em nhỏ con nhà dì tôi ngồi co ro, xúm lại với nhau. Thầy tôi đứng ngay đó, như sẵn sàng để bảo vệ chúng tôi lỡ có đứa nào dại dột nghịch nước, rơi ra ngoài thuyền. Thuyền không đi ra giữa cánh đồng mà đi men men quanh làng Thạch. Đôi khi thuyền chui dưới những bụi tre to khum mình ra đồng, mát dượi. Từ trên thuyền chúng tôi nhìn rõ những ngôi nhà tranh, những đống rơm, đống rạ, những mảnh sân, ở đó giũa những đàn gà, có những đứa nhỏ đang chơi đùa, bỗng ngừng lại nhìn con thuyền của chúng tôi đi qua. Người lớn thì không chú ý, nhưng những đứa trẻ ấy nhìn tụi tôi, rồi nắm tay dứ dứ, mồm nói điều gì tụi tôi không nghe rõ.
Qua một khúc quanh, làng Chàng, quê Mẹ tôi đã hiện ra rõ dần. Từ trong làng hình như có những tiếng trống, tiếng chiêng lúc mờ, lúc rõ. Thuyền có lúc trôi trên những ngọn lúa lơ thơ trồi lên mặt nước. Dì tôi chép miệng “ ruộng nhà ai gặt trễ thế này đây...”. Khi thuyền chuyển hướng, đâm thẳng vào lũy tre thì tôi biết là đã đến. Giữa lũy tre đen đặc ấy, có một lỗ trống mở ra, con thuyền của chúng tôi từ từ xuôi mái chui vào. Thầy tôi, chú tôi đều ngồi cả xuống. Chú tôi lấy cây gậy nhỏ sẵn sàng chống lên bờ. Con thuyền ngoan ngoãn ép mình vào bờ đất. Từ trên bờ đã lao xao những tiếng chào “ các cô các chú đã về này...” Các anh lớn của tôi đi học ở trường huyện tan học về trước, đang vắt vẻo trên cây sung nô đùa, hái quả, sợ hãi phải đòn vì leo trèo dại dột, vội vàng leo xuống. Anh Giáo Cả, bụng tròn như quả mít, đã đứng đó, tươi cười chào đón mọi người.Chú tôi lên trước, đứng ở trên bờ. Từ dưới thuyền thầy tôi bế từng đứa đưa cho chú tôi. Đến lượt em bé trai út của nhà dì tôi mới ba, bốn tuổi, nó bỗng chùn người lại, không chịu cho thầy tôi bế lên. Dì tôi phải dơ tay ãm em, mới khám phá ra rằng em bé đã bĩnh ra quần, thối hoăng, làm bẩn cả cái quần trắng trúc bâu mới mặc. Ai nấy vừa mắng yêu em vừa cười. Dưới thuyền Bác Bòi Kế chống con sào, buộc ghì cột chèo vào một gốc tre, rồi ngồi xuống mạn thuyền, lấy cái điếu cày, thong thả châm một điếu thuốc, hít một hơi dài, thở khói mù mịt.
Trên mảnh sân đất mịn trẻ con nô đùa. Ở một góc sân nồi nước sôi bốc khói. Mấy chị, mấy cô đang xúm nhau vặt lông gà, lông vịt. Khói bếp và mùi đun nấu bay tỏa, bao chùm. Chúng tôi những đứa trẻ năm, bảy tuổi tha thẩn ra mảnh vườn trước nhà, đi dưới bóng những cây na, cây chanh. Cành cây la đà ngang mặt. Chúng tôi tiện tay hái những quả chanh vàng mịn óng. Mùi hương thơm của lá, của hoa lan tỏa ngây ngất. Ở cuối vườn có một cái cầu tre lắt lẻo, bắc từ vườn bên này qua vườn bên kia. Bên kia là dương cơ của nhà mợ hai tôi. Qua những hàng cây xanh lá là một dãy cau trồng trước hiên nhà. Những cây cau cao đong đưa trong gió như lúc nào cũng đứng đó để bảo vệ căn nhà tranh êm ả của nhà mợ hai tôi. Tôi đứng đó rất lâu, lấy những cục đất ném vu vơ sang bờ bên đó, khiến con chó vàng to xù từ trong nhà chạy ra nhe răng trắng ởn, sủa vang. Chúng tôi vẫn đứng đó, khiến con chó ra tận mép ao gầm gừ sủa tiếp. Thấy chẳng làm gì được chúng tôi, con chó sủa thêm vài tiếng nữa rồi quay đít vào nhà. Chúng tôi lấy đá ném qua, con chó quay lại sủa thêm vài tiếng vu vơ nữa rồi đi khuất vào trong lớp cánh dại trước hiên nhà.
Dọc theo mép ao, theo lối mòn, chúng tôi đi tiếp. Tay cầm cành tre nhỏ cời bới như đi thám hiểm một vùng đất hoang vu. Dưới bóng mát của những cành tre khum mình xuống mặt ao, thế giới nhỏ bé của chúng tôi như thu kín lại. Những tiếng động ồn ào của ngày giỗ như mờ nhạt hẳn đi. Chúng tôi nhặt những cái mo nang lớn thả xuống mặt ao. Mo nang lững lờ như những cái thuyền trống trôi qua trôi lại theo chiều gió thổi. Một vài chiếc “ thuyền” mắc vào những cụm tre khô nhoi lên từ mặt nước. Ở đó thấp thoáng có những tăm cá to như những hột nhãn thỉnh thoảng nổi lên. Tôi biết đó là tăm của những con cá chắm, chúng làm tổ trong các nhánh tre. Chắc chúng đang cựa mình ve vẩy cái đuôi to mầu hồng nhạt. Chúng đang cạ mình, chà những hàng vảy xanh đen vào những cành tre khô ở dưới đáy ao. Hay chúng nhởn nhơ bơi qua, bơi lại phô nghiêng cái bụng trắng hồng. Đôi khi có những hàng tăm cá nhỏ nổi lên từng chụm. Đấy là tăm của những chị cá diếc. Như những cô con gái đang độ xuân thì, cá diếc thường đi từng đàn, bơi lội tung tăng, lộn qua, lộn lại. Có khi con cá này cắn vào đuôi con cá kia, tinh nghịch đùa rỡn khoe làn vảy trắng óng ánh như bạc, trước vẻ ưu tư trầm mặc của các anh cá chắm. Những chú tôm thì khác. Chúng phóng vun vút, thoáng ở chỗ này, thoáng ở chỗ kia như những anh hề của một tuồng múa dối... Một làn gió thổi, hàng tre oằn mình, đong đưa, thả thêm những chiếc lá khô rơi la đà trên mặt ao vắng. Có một đàn chim khuyên từ lưng trời chao chát sà xuống trên đỉnh cây, chưa đậu lại, chừng như phát giác ra có chúng tôi ở trong vườn, đàn chim vội vã bay vút lên cao, kêu ríu rít. Tiếng chim nghe nhỏ dần và mất hút như chìm lấp vào những đám mây xa. Một làn gió thổi qua làm rung rinh cành lá. Chúng tôi bỏ bờ ao trở vào lòng vườn tìm hái những đoá hoa tranh nở muộn, cánh dày trắng phớt hồng, chà nát trong lòng bàn tay, một mùi thơm hăng chát toả nồng.
Ở giữa vườn có những hàng gạch chỉ vuông vức. Anh Giáo tôi nói rằng đây là vết tích của cái nền nhà cũ, khi hai cô, tức là mẹ tôi và dì tôi, khi chưa đi lấy chồng, bà ngoại tôi còn sống, bà đã dựng một khuôn nhà tranh hai gian, rất là xinh ở giữa vườn, mỗi gian kê một cái khung-cửi-tay, mỗi cô một cái. Từ ngoài đường cái nhìn qua mặt ao có cành sung đong đưa lả ngọn, và được đan kín thêm bằng những cây chanh, cây ổi, cây đào, cây mận, người đi đường có thể nhìn thấy thấp thoáng hai cô thôn nữ cần cù bên khung cửi. Hình ảnh hai cô dưới ánh đèn chong, không rõ mặt, nhưng nổi tiếng là đẹp, chăm làm. Những tấm vải do hai cô dệt thật đều tay, mặt vải mịn mà, sờ mát cả tay. Tiếng đồn hai cô đẹp người đẹp nết như thế nhưng vẫn kín cổng cao tường. Vẫn lời anh Giáo Cả tôi cho hay, những hôm trăng sáng, hai cô ngồi dệt cửi rất khuya, bên kia đường có những anh trai làng lượn qua lượn lại. Có anh cùng bè bạn ngồi lỳ bên bờ ao hát vọng sang. Tiếng hát tình tứ hoà với tiếng sáo tre bay qua mặt ao lấp loáng ánh trăng, “ người về người nhớ ánh trăng, ta về ta nhớ hàm răng cô mình cười. . .” Hai cô biết cả nhưng cứ tỉnh như không, càng chăm chú hai tay nhịp nhàng thoăn thoắt đưa thoi. Những khi xuân đến, hoa đào đỏ hồng, hoa mận trắng xoá nở ở ngoài hè thơm ngát, càng làm cho khuôn nhà tranh của hai cô càng trở nên thơ mộng.
Rồi trong một ngày Tết, vẫn theo lời củ anh Cả tôi kể lại, làng Chàng mở hội tế Thành Hoàng, đón xuân, có đánh cờ người ở sân đình. Mẹ tôi được chọn làm quân xe, còn dì tôi là quân tượng. Cả hai mặc áo tứ thân, váy lụa, đội nón thúng quai thao, thắt bao hoa lý, đeo sà tích bạc ống vôi quả đào, nổi tiếng đẹp dòn giã, tươi vui. Chú Cửu tôi và thầy tôi là hai anh em con cô con cậu, cùng tuổi, ở sát nhà nhau nên thân nhau lắm. Hai người là hình ảnh của các thầy khoá tuy cuối mùa nhưng vẫn giữ được nề nếp nho phong, từ làng bên sang xem hội. Cả hai đều dong dỏng cao, nhưng chú tôi da trắng, cuốn khăn chữ nhân, mặc áo sa, cầm ô lục soạn, đi giày Gia Định, rõ ra là một văn nhân con nhà giàu. Còn thầy tôi thì mặc áo the trơn, đội khăn gõ, quần chúc bâu ống sớ, đi guốc mộc, cầm cái ô đen, có phong thái là một anh đồ con nhà thanh bạch, khiêm cung nhưng có tiếng là hay chữ. Vẫn lời anh Giáo Cả tôi, chẳng biết hai chú làm quen với hai cô thế nào, chỉ biết rằng Cô P. ( tên dì tôi) lấy chồng trước, và chỉ nửa năm sau là đến cô L. (tên mẹ tôi) cùng về làm dâu bên làng Nủa. Hai cô đi, có đến cả năm sau, bên bờ ao những hôm trăng sáng, vẫn còn những chàng trai tụ họp, tiếng sáo bát ngát buồn, hát những bài dao tiếc nuối “ ai đem con sáo sang sông, để cho con sáo xổ lồng nó bay”. Hai cô đi khỏi làng, cái nhà nhỏ giữa vườn ấy bỏ không đến mấy năm, bà ngoại mới cho rỡ đi, nền đất bỏ không, nhưng những cây chanh, cây đào tiếp tục ra hoa, ra quả đến tận bây giờ.
Như thế mẹ tôi và dì tôi cùng lấy chồng thiên hạ, làm dâu đồng đất xứ người nhưng hai chị em lấy hai anh em con cô con cậu, hai nhà ở cạnh nhau, chỉ cách có một mảnh vườn cỏ và một mặt ao hẹp, nên thân thiếât nhau biết là nhường nào. Dì tôi là người tháo vát, có tài buôn bán, nên gia đình nhà dì tôi đã có bát ăn, mỗi ngày lại mỗi thêm giàu có. Còn gia đình thầy mẹ tôi thì thanh bạch. Mẹ tôi nổi tiếng khéo tay và chăm chỉ làm ăn, nhưng lợi nhuận của cả gia đình chỉ trông vào hai bàn tay của mẹ tôi thì làm sao mà đủ được. Nhất là khi một lũ anh em tôi lần lược được sinh ra. Khi tôi còn bé, tôi không thể quên được những hôm trời mưa dầm dài ngày, vải mẹ tôi dệt ra không bán được, vì chợ không họp, những bữa cơm của gia đình tôi thường chỉ có một nồi canh dưa nấu với cà chua và một đũa mỡ. Mà trời càng mưa, càng rét, càng hay đói. Lu gạo trong bếp đã vơi. Những hôm như thế, giữa lúc mưa to gió lớn thì dì tôi mặc áo tơi, đội nón lá đến, bưng theo một cái thúng nhỏ, tạt mưa nghiêng người vào nhà. Trong cái thúng ấy, trước tiên là những chiếc bánh giò, bánh đậu làm quà cho lũ trẻ chúng tôi. Và dưới mảnh buồm cói là nửa thúng gạo, một miếng thịt ba chỉ, hay một con cá gáy còn tươi dì đem cho mẹ tôi. Bữa cơm hôm ấy bừng lên mùi thịt cá. Dù không phải nhắc, lũ chúng tôi biết ơn dì biết thế nào mà nói. Lúc ấy Thầy tôi lại vắng nhà, cảnh thanh bạch càng thêm cô quạnh. Từ Thanh Hoá, đại diện cho một cửa hàng vải của bác tôi, trong một buổi chiều, nhớ nhà, Thầy tôi đã tức cảnh mà viết những câu thơ :
Ngắm cảnh chiều hôm trạnh nhớ nhà
Mây vàng kia ắt hẳn đấy nhà ta
Thần hôn những luống đàn con trẻ
Định tỉnh nào nguôi nỗi mẹ già
. . .
Thầy tôi nhớ đến mẹ già nơi quê nhà, có nghĩa là khi bà nội tôi còn tại thế, cũng có nghĩa là tôi chưa được sinh ra, vì khi bà tôi mất, như mẹ tôi nói lại, mẹ tôi đang mang bầu tôi. Nhưng bài thơ ấy mẹ tôi thuộc. Bà đọc cho chúng tôi nghe khi thầy tôi vắng nhà, nên tôi biết và nhớ cho đến tận bây giờ.
Chúng tôi đã trở lại “ bến thuyền” khi chúng tôi mới đến. Bến đã trống không. Từ khoảng trống này chúng tôi nhìn ra, một vùng đồng mênh mông những nước. Từ ngoài xa ấy chúng tôi còn bắt gặp chiếc thuyền nan, trên đó Bác Bòi Kế đang cúi mình đẩy thuyền đi, trở về. Thuyền không, đi rất lẹ. Chỉ một tháng chiếc thuyền đã rẽ, mất hút ở một góc làng xa. Trời đất thênh thênh. Mặt nước trắng xoá in bóng ngọn núi Tản Viên mờ nhạt lẩn trong mây, lung linh vỡ ra từng vệt ngang dài trôi đi, trôi đi và tan vào những bờ ruộng cao. Bây giờ nhà trên đã đông khách. Những họ hàng gần gũi lần lượt vào lễ. Thấy tụi trẻ con chúng tôi xuất hiện, anh Giáo Cả, con trai trưởng của Mợ Cả tôi nói lớn “ các chú vào lễ ông bà đi...”. Chúng tôi bắt chước người lớn vào lễ trước bàn thờ, cũng lên gối xuống gối lần lượt bốn lần. Người lớn chú ý theo dõi, nên khi chúng tôi lễ xong, có nhiều tiếng nói “ giỏ..i”. Bước ra sân, thấy mẹ tôi đã đứng đó mỉm cười sung sướng. Mẹ tôi thưởng cho chúng tôi mỗi đứa một cái chân cọ gà. Giữa lúc ấy thì gia đình nhà Già tôi đến. Già tôi da mặt có nhiều chỗ loang trắng vì bịnh bạch tạng, tóc bạc ở hai bên vành tai, bước đi ngắn, rất chậm, ít nói, nhưng miệng lúc nào cũng ngậm cái tăm và mỉm cười. Mọi người tíu tít chào đón Già tôi. Giữa lúc ấy thì anh Tân, con trai trưởng của Già tôi vừa từ dưới cầu ao lên, mới rửa chân xong, đang lấy đôi giày ta, giày Gia Định, xỏ vào, lẹp kẹp đi trên nền sân đất mịn. Anh tươi cười, ăn trầu bỏm bẻm, chào hỏi mọi người rất là rôm rả. Anh đứng trước bàn thờ, chấp hai tay trước bụng nói lớn :” Thưa trên có các cụ, các ông bà, dưới có tất cả anh em nội ngoại. Hôm nay là ngày kỵ của ông ngoại chúng tôi. Lẽ ra Thầy chúng tôi phải có mặt, trước là để lễ Ông Ngoại chúng tôi, sau cũng là để có dịp gặp gỡ, thăm hỏi, hàn huyên cùng bà con thân quyến. Song vì Ông thân chúng tôi hôm nay không được khỏe, nên chúng tôi là con trướng, chúng tôi đem đầu đến đây để thay mặt cho Thầy chúng tôi...”. Dứt lời anh Cả Tân cúi xuống lễ bốn lễ rất nghiêm trang. Nét mặt anh chùng lại, hai mắt khép hờ. Hình như anh còn khấn những lời rất nhỏ. Xong lễ, nét mặt anh như bừng tỉnh sau một cơn mê. Anh tươi cười nhìn sang hai bên tả hữu, chào hỏi khắp lượt. Có tiếng ai nói đâu đó :” Anh cả Tân chững chạc thế, kỳ tới nên chạy cho anh chân phó lý...”.
Tiệc đã xong, mọi người lần lượt ra về. Mặt người nào cũng đỏ gay, hơi men tỏa nồng. Chẳng mấy chốc khung cảnh đám giỗ ở nhà Mợ Cả tôi đã vãn. Mấy anh lớn của chúng tôi được phép : “ Thôi cho chúng bay về nhà trước, để có thì giờ học bài. Nhớ về thẳng nhà, không được la cà,đánh đáo, đánh nhau trên đường đi...”. Mấy anh lớn như mở cờ trong bụng, vội vàng cởi bỏ áo dài đen, cho vào cặp, nhảy chân sáo ra về. Tôi nhìn theo các anh mà ao ước mình lớn như các anh, đi về qua làng Thạch không sợ trẻ con làng này bắt nạt. Vì các anh hình như còn biết nhiều miếng võ nữa. Tụi làng Thạch mà lại gần các anh ấy phi thân đá chết. Chiều đã ngả. Anh Giáo Cả tôi nhờ một người mang cái vó ra ao, thả xuống. Để một lúc, rồi lấy mấy hòn đất lớn ném vào giữa đám rong tre ở giũa ao. Đợi một chút như có ý chờ những con cá lớn bơi vào lòng vó, vó mới được kéo lên, thật thong thả. Bốn góc vó lên trước, miệng vó hiện lên sau. Lòng vó hẹp dần, mọi người nhìn cả vào lòng vó. Có những cái quẫy xôn xao trong đáy vó còn lưng chừng nước. Khi đáy vó vừa lên khỏi mặt nước, mọi người cười nói ồn ào:” Mấy con cá chắm để dành cho các cô mới vó được có một con...” Người kéo vó quay vó vào sân, thả xuống, những con cá to nhỏ đủ loại đang cong mình dãy trong lòng vó đặt ở giữa sân. Một người nhặt những con cá trôi nhỏ, mình trắng, mắt đỏ, thả lại xuống ao. Con cá chắm lớn thì được lấy lạt giang sâu vào mang, đặt vào giữa hai mảnh vỏ thân chuối tươi, giữ cho cá được mát. Miệng cá được nhét mấy cánh bèo tây sũng nước, cho cá khỏi khát. Con cá ấy đưọc đưa cho Dì tôi :” Con này là phần của Cô...”. Như thế, đến lúc chúng tôi ra về, phần quà từ bên ngoại gồm những con cá lớn, những quả bưởi, quả mít và cả những nửa rổ vừa tranh, vùa ổi. Riêng tụi trẻ con chúng tôi thì còn có một vòng quả sung đeo ở cổ. Những quả sung chín mầu tím thẫm, bửa ra, từ giữa lòng quả sung có những con muỗi bay ra. Không biết muỗi từ đâu lại có sẵn trong lòng quả sung như thế. Những quả sung ấy ăn ngọt lịm. Mẹ tôi và Dì tôi quảy những món quà ấy về, đi theo đường bộ về trước, tất nhiên phải đi qua làng Thạch. Thày tôi, Chú tôi và tôi về sau, vì chúng tôi còn phải tạt vào thăm gia đình Cậu Giáo.
Nhà Cậu Giáo ỏ gần đình. Căn nhà nhỏ nhưng xây cất theo lối nửa tỉnh nửa quê, tọa lạc trên một thửa đất cao. Bước lên ba bực gạch vào sân. Con chó vàng thấy động sồ ra sủa inh ỏi. Cậu Giáo tôi từ trong nhà khách bước ra, kéo trễ cái kính xuống, tươi cười đón Chú và Thầy tôi vào nhà khách, rồi ông đi lên nhà trên. Chú và Thầy tôi ngồi trên hai chiếc ghế song uốn cong, mặt và lưng ghế là những sợi mây đan. Tôi ngồi ké né ở góc tấm ghế ngựa kê sát cửa sổ. Gió từ mặt ao thổi vào lồng lộng. Cạnh tôi là cuốn sách đang mở, bên cái gối mây. Tôi chắc Cậu Giáo tôi đang nằm đọc sách. Sát tường nơi kê bàn ghế là một cái tù chè, trên có một cái đỉnh đồng đen, chân cao. Trên tường có một bức đại tự, nét chữ thanh thoát như bay. Sau này tôi mới hay đó là chữ Hiếu. Hai bên đại tự là một đôi câu đối hình trái vật thủ, sơn son thiếp vàng. Dọc theo tường có hai tấm hình khá lớn. Tấm trên là hình Cậu Cử trong mũ áo thụng đen trong ngày đỗ cử nhân của Trường Luật Hà Nội. Bên dưới đó là hình Cô Cử mặc áo dài gấm, đội khăn vành dây, đứng trên mảnh ván cầu ao. Hình chụp từ trên nhìn xuống, nên hậu cảnh là một mặt ao thấp thoáng những cánh bèo ong nổi trên một nền mây lồng dưới đáy ao sâu thẳm. Tường bên có một tấm ảnh lớn, đóng khung trang trọng, chụp trong ngày cưới của Cô Cậu Cử. Tấm hình chụp ở tam cấp trước nhà thờ và cũng là tư dinh của cụ Thiếu. Trên bực cao nhất có ba người . Cụ Thiếụ mặc áo gấm, đeo thẻ ngà, chít khăn chữ nhân đứng giữa. Bên phải Cụ là quan Thượng, trưởng nam, bên trái là quan Bố, thứ nam. Cả hai là người đang tại chức. Hai vị cũng mặc áo gấm, đeo thẻ ngà, đội khăn chữ nhân. Bậc thứ hai, sát bên cánh phải là Cụ Ba, bà thứ thất của Cụ Thiếu và là thân mẫu của Cô Cử, mặc áo đoạn, trên vai có phủ khăn thêu. Thấp nhất và đứng ở hai bên, dưới nền sân gạch bên hai cái dù thêu cắm trong giá là tân lang và tân giai nhân. Bên trái là Cậu Cử, bên phải là Cô Cử. Cả hai đều mặc áo gấm, đi hài. Riêng Cô Cử thì có bưng trên tay một cái âu đựng trầu, có vẽ hình phụng vũ, sơn son, thiếp vàng. Nếu nhìn kỹ vào tấm ảnh, ta còn thấy hậu cảnh là một dãy giáo mác, gươm, quả chùy giả được cắm trên cái giá xòe ra như nan quạt. Sau nữa là thấp thoáng những đôi câu đối ánh lên những nét mạ vàng ở những hàng cột. Tấm hình là cả một thứ bậc, tôn ty và tràn đầy vẻ giàu sang, quyền quý của một đại gia lừng lẫy Bắc Hà thời đó...
Đối diện với cái ghế ngựa, nơi tôi đang ngồi, là một bộ phản tr ải chiếu đậu mầu vàng nhạt dịu dàng. Ở đó có cái quạt nan nằm giũa phản. Tôi chắc là nơi Bà, cụ thân sinh ra Cậu Giáo nghỉ ngơi. Tôi đang trầm ngâm tư lự như thế thì Cậu Giáo tôi bước vào. Ông mặc áo thâm, khăn xếp nghiêm túc như khi đi ra đình, hay khi di dạy học. Tôi khoanh tay cúi đầu chào Cậu Giáo. Chú tôi, Thầy tôi cũng đứng lên chào Cậu Giáo. Cậu cười, đon đả mời mọi người an vị, khoe hàm răng đen mà mấy chiếc răng cửa đã nhạt mầu.
Câu chuyện giữa Thầy tôi, Chú tôi với Cậu Giáo là sự học hành của các anh tôi, của tôi trong những ngày tới.Là ngôi trường Khôi Việt mà Cậu Ba, em Cậu Giáo đang dự trù mở ở trên Săn, để học trò hàng huyện có thể tụ về học hỏi. Là đường công danh của Câu Cử, ra làm quan hay làm việc tại Hà nội...Trong lời nói của Cậu Giáo, dù rất thân tình và khiêm tốn, dù còn bé, tôi cũng nhận thấy sự hãnh diện của Cậu về sự thành đạt của các em, về sự hy sinh tận tụy của Cậu, quyền huynh thế phụ, đưa đến kết quả ngày nay.
Chúng tôi từ giã nhà Cậu Giáo ra về . Hết quãng đường gạch trước sân đình, rẽ trái, đi một quãng nữa là hết địa phận làng Chàng. Những mảnh ao sau trận mưa đục ngầu ở bên tay phải. Hai con chó đá ngồi chầu nhau, đấy là ranh giới của hai làng. Tôi phải đi sát vào bên cạnh Thầy tôi. Tôi rất sợ những đứa trẻ con làng Thạch. Chúng lừ mắt nhìn tôi. Tôi ngoảnh lại, thường thấy chúng dơ nắm đấm dứ dứ về phía tôi. Nếu thầy tôi ngoảnh lại, thì chúng lại nhìn đi nơi khác, như không, như chẳng đểã ý gì đến tôi. Qua cổng làng Thạch, chúng tôi phải trèo lên một cái dốc, ấy là cái Cống Đìa Đọ. Những trận mưa đầu mùa làm nước Đầm Bùi ngập trắng xóa.Nước từ cánh đồng bao la đó dồn cả vào cái cống này để đổã vào sông Tích Giang. Từ trên đỉnh cống nhìn xuống, thấy nước chảy ào ạt. Nước hút vào ba miệng cống đá ong, khổng lồ như cái cổng tam quan. Từ đó nước túa ra, tuôn phăng phăng, cuốn theo cả những cành cây khô ngụm lặn trong dòng cuồng nộ của nước. Từ bên này dốc, tôi đã nhìn thấy làng tôi trước mặt. Nhưng ngay nơi đầu dốc, một khuôn đá xanh lớn hình chữ nhật, to bằng tám mặt chiếu và dày độ hai gang tay người lớn. Tại sao phiến đá ấy lại nằm đây. Nó từ đâu lạc đến và bằng cách nào. Thuở nhỏ tôi đã tư lự về khuôn đá này như một ám ảnh về một cõi u minh, thần bí nào của thủa hồng hoang. Chỉ vài trăm thước nữa là đến cây gạo ở bên tay phải. Gốc gạo xù xì như những củ nâu to dính chặt vào nhau. Thân cây gao to, kềnh càng, vào mùa này không còn lá. Những đóa hoa gạo cánh to dày mọng nước, mọc đều trên những cành cao. Lâu lâu, một vài cái hoa gạo đỏ rơi quay quay trong làn gió thổi. Bầu trời trong, nắng gắt oi nồng đưa tiếng chim tu hú côi cút từ nơi nào về, như từ lưng chừng trời vọng xuống.
Đã đến giữa cánh đồng. Gò Gai ở bên trái. Nơi đó có ngôi mộ của dòng họ nhà tôi. Bên tay mặt là làng Yên Thôn. Con đường nhỏ quanh co khuất vào đám cây rồi dẫn vào cái cầu có mái che, có miếu thờ. Bên kia cầu là đền Đỗng Hoa thấp thoáng trong hàng tre thưa lá. Ở đó những buổi chiều có những tiếng chuông vang lên êm ả. Những tiếng chuông ấy của làng Yên Thôn, nhưng dóng lên như chỉ để cho làng tôi nghe. Vì đền Đỗng Hoa ở tận bìa làng. Tiếng chuông từ đó, qua con ngòi êm ả, tỏa ra cánh đồng, hướng cả về làng tôi. Tôi yêu tiếng chuông này lắm. Tiếng chuông ấy, từ khi còn bé dại, đã thấm đẫm vào lòng tôi mỗi khi chiều xuống. Tiếng chuông lành hiền, êm mượt như giọng nói của người Yên Thôn. Yên Thôn, cái thôn hiền lành, ớ sát làng tôi mà chẳng bao giờ có những eo xèo phiền lụy. Một đoạn đường nữa là đến ngã tư Giếng Bìm. Rẽ mặt là đường đi qua Tam Thôn, với Cống Cầu Tiên. Đi thẳng là đường Cao Vòng, đi tuốt ra Cống Đặng. Rẽ trái là về làng tôi, giếng Bìm ở ngay góc traiù này. Trai gái làng tôi đang tấp nập kéo nước quảy về. Tới đây thì tôi không còn sợ gì nữa. Ở đây ai cũng biết tôi, không sợâ đứa nào bắt nạt. Chính chỗ này, cái ngã tư này là nơi mà các ông chức dịch làng tôi thường túc trực, khăn áo chỉnh tề, để đón quan huyện mỗi khi quan về kinh lý. Cũng chính chỗ này, khi đám cưới của Câu Cử, làng tôi đã dựng một cái cổng chào để đón, đưa nhà trai. Cổng chào là mấy cây tre buộc vào nhau, có gắn những tàu lá dừa. Bên trên có hình lưỡng long chầu nguyệt tết bằng rơm. Mắt hai con rồng là hai hạt nhãn. Miệng hai con rồng ngậm hai trái tranh màu vàng. Một tấm vải nâu kết hoa ở giữa và buông thõng sang hai bên. Hai bên cổng chào có cắm sẵn những ngọn cờ đuôi nheo ngũ sắc. Một bánh pháo dài Điện Quang được treo ngay giữa cổng chào. Ông Thủ Phiên mặc áo the, quần trắng, thắt lưng điều, cầm cái tay thước sơn then, đi đi, lại lại, xếp đặt anh em tuần viên mặc áo ngắn, chít khăn đầu rìu, cầm giáo mác, tu-øvà xếp hàng bên trái, đối diện với gò đất cao quanh Giếng Bìm, nơi rất đông dân làng tụ họp để đón xem đám cưới. Từ Cổng Giếng đám cưới xuất hiện, đám tuần đinh thổi ốc tí u, tí u và đánh trống, đánh chiêng inh ỏi. Ông Thủ Phiên bước những bước ngắn, dáng vẻ uy nghi, lo lắng. Khi chiếc xe cao su đi đầu chở Bà, thân sinh của Cậu Cử gần tới, Ông Thủ Phiên ra lệnh cho đốt bánh pháo. Tiếng pháo nổ vang rền, khói tỏa mù mịt, thơm nồng. Cậu Giáo, đi xe thứ hai vội xuống xe, lại vái chào ông Thủ Phiên, nói mấy lời đa tạ và đưa tặng một mâm lễ vật có phủ vải hồng. Oâng Thủ Phiên trân trọng đón nhận mâm lễ vật rồi đưa cho một người tuần viên cạnh đó. Oâng cúi đầu vái chào và nói mấy lời chúc mừng. Cậu Giáo nói mấy lời đa tạ. Rồi hai người lại vái nhau rất là trân trọng.
Sát sau xe của Cậu Giáo là chiếc xe hơi mầu đen, có tài xế mặc áo tây trắng, đội nón lưỡi chai cầm lái. Cô dâu, chú rể là cô cậu cử ngồi ở ghế sau. Cậu giáo trở lại xe. Đám tuần viên lại thổi ốc tí u, tí u và đánh trống, đánh chiêng inh ỏi. Một bánh pháo nữa buộc trên ngọn giáo lại được đốt lên, pháo tiễn, nổ tưng bừng. Đoàn xe chuyển bánh trong khói pháo thơm nồng. Khi chiếc xe hơi lấp khuất ở bên kia Cống Cầu Tiên, mấy chục chiếc xe cao su, xe sắt của hai gia đình đi đưa dâu vẫn chưa qua hết ngã tư Giếng Bìm. Toán tuần đinh cuốn cờ, vác giáo mác cùng dân làng tản mạn ra về, bàn tán ồn ào về đám cưới. Anh tôi dắt tôi về, lòng tôi ngơ ngác như vừa mất một cái gì thân quý, đẹp đẽ, vui tươi và cũng lạ lùng như hình ảnh trong một truyện cổ không có thật từ một thuở nào xa. Mùi thơm của pháo còn nồng. Xác pháo hồng tươi còn vương vãi dưới những bước chân đi. Gió đồng vẫn lồng lộng như từ Đầm Bùi thổi qua Gò Gai, thổi vút lên trên cả Giếng Bìm, rồi thổi lướt trên đồng lúa bát ngát mầu xanh. Gió miên man như cố đuổi theo đám cưới đã mất hút ở cuối đường mờ nhạt bụi.
Tôi nhớ hình như năm ấy tôi mới bắt đầu đi học.
Bây giờ, bây giờ bao nhiêu kẻ còn người mất, bao nhiêu nỗi thăng trầm, hợp tan khốn khổ.Thoáng cái trên nửa thế kỷ đã ào ạt trôi qua...Cậu Cử , người em út cũa Cậu Giáo tôi, niềm hãnh diện và cũng là hình ảnh mà lũ học trò nghèo nhà quê chúng tôi hướng tới như một ước mơ, một mục đích, cũng đã không còn. Sau 75, với những đoạn đường oan nghiệt trong tay kẻ thắng, nhiều năm sau gia đình cậu tôi mới đuợc định cư tại Pháp. Tháng năm và thơì cuộc đã khiến tôi có cơ hội gần gũi với Cậu hơn, không còn xa cách như bao ngày tháng cũ. Trong những lá thư dài cậu gửi cho tôi, nét chữ Cậu viết đã run, quê hương nghèo đơn sơ và những ngày xa của một sinh viên đầu tiên của Đại Học Hà Nội những năm ba mươi, bốn mươi, đã quện lẫn vào nhau như một nỗi u hoài, vàng son với đầy nuối tiếc. Như thư của Cô Cử viết “ Cậu mất tuổi thọ đã trên 80 mà cô thấy như còn trẻ quá. . .” Đám tang Cậu, tôi cũng không dự được. Tôi có viết một lá thư khá dài bày tỏ nỗi tiếc thương “. . . một người mà cháu hằng ngưỡng mộ đã không còn. Thời buổi của chúng cháu đầy những biến động, tang thương. Chúng cháu không có được những thành đạt vẻ vang như cậu đã có, nhưng trong những hoàn cảnh nghiệt ngã khó khăn, chúng cháu vẫn cố noi theo gương của Cậu Giáo, của Cậu mà anh em cố gắng đùm bọc nhau, vừa đi làm vừa đi học, và cố làm những điều lành cho những người xung quanh, những những ai khốn khổ hơn mình. .”. Cô Cử đã đọc thư của tôi trước bàn thờ, ngày giỗ Cậu, rồi đốt theo những thiếp vàng, và “ cô nghĩ là Cậu đã nhận được và sẽ phù hộ cho anh ...”. Ôi một người thật như thế, đẹp đẽ như thế bỗng biến đi êm ả như một đám mây.
Rất có thể nhiều người đã biết Cậu tôi : Ông Nguyễn Sùng, cử nhân luật khoa Hà Nội, Giám Đốc tiên khởi Nha Quân Nhu từ năm 1949. Cấp bậc cuối cùng là Đại Tá QLVNCH.
Phan lạc Tiếp
tphan2@san.rr.com

No comments: