Monday, September 3, 2012

TRẦN BÌNH NAM * LIÊN HIỆP QUỐC




SỰ CÁO CHUNG
CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC


Lời nói đầu: Hôm Thứ Năm 22 tháng 5 (2003) Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết giải tỏa lệnh cấm vận Iraq, cho phép Hoa Kỳ và Anh Quốc phân phối dầu hỏa của Iraq và dùng tiền bán dầu để tái thiết. Đó là nhượng bộ của Pháp, Đức và Liên bang Nga. Phần Mỹ và Anh bảo đảm chính quyền Iraq không quịt nợ của Liên bang Nga và Pháp, mặt khác thuận để cho các chuyên viên thanh tra vũ khí giết người tập thể của Liên hiệp quốc trở lại Iraq để chứng nhận tình trạng Iraq có hay không có vũ khí giết người tập thể, sau cùng đồng ý để Hội đồng Bảo an có ý kiến sau cùng về thời gian Mỹ và Anh quản lý tái thiết và xây dựng chính quyền mới tại Iraq. Nghị quyết này tạo cảm tưởng rằng Hội đồng Bảo an vẫn còn quan trọng và Liên hiệp quốc là một định chế quốc tế vững chắc. Sự thật, nghị quyết được thông qua trước thực tế quân đội Hoa kỳ và Anh quốc đã lật đổ Saddam Hussein, và Liên bang Nga, Đức và Pháp cần cứu vãn quyền lợi của mình. Pháp và Đức hiểu rằng đối đầu với Hoa Kỳ, như đã tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ tấn công Iraq trước đây chỉ sẽ làm thiệt thòi quyền lợi quốc gia. Cho nên nghị quyết 22/5/03 chỉ là một sự đổi chác giữa các nước lớn. Nó không phải là một dấu hiệu Liên hiệp quốc là một cơ cấu quốc tế còn có khả năng giải quyết các vấn đề trên thế giới.

Sự thất bại của Liên hiệp quốc được giáo sư Michael Glennon phân tích trong bài “Why the Security Council Failed” đăng trong tạp chí Foreign Affairs số tháng 5/tháng 6, 2003. Tôi ghi lại các điểm chính sau đây. Bài viết của giáo sư Glennon nếu dịch nguyên văn ít nhất cũng dài 30 trang chữ cỡ 12. Tôi tóm tắt trong 8 trang nên không thể phản ảnh hết ý của giáo sư Glennon muốn nói. Độc giả có thể đọc toàn bài nơi www.foreignaffairs.org . Giáo sư Michael J. Glennon là giáo sư về luật quốc tế tại trường luật và ngoại giao của đại học Tuffs, và là tác giả của cuốn sách nhan đề: “Limits of Laws, Prerogatives of Power: Interventionism after Kosovo.” (Giới hạn của Luật, Ưu tiên của Sức mạnh: Quyền can thiệp sau Kosovo).
Trần Bình Nam

Năm 1920 khi Hội Quốc Liên (League of Nations) được thành lập, thủ tướng Nam Phi Jan Christian Smuts nói: “Đoàn xe nhân loại lại chuyển mình” (The great caravan of humanity is again on the march). Năm 1945 Liên hiệp quốc, một cơ cấu quốc tế qui mô hơn được thành lập thay thế Hội Quốc Liên, và lần này bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Cordell Hull xem Liên hiệp quốc là “ước vọng lớn nhất của nhân loại thành hiện thực” (the fulfillment of the humanity’s highest aspirations)

Đầu năm 2003, đoàn xe bỗng trục trặc. Nguyên tắc dùng vũ lực giải quyết các tranh chấp trên thế giới qua trọng tài của quốc tế theo Hiến chương Liên hiệp quốc không được áp dụng.

Tuy nhiên căn bệnh của Liên hiệp quốc âm thầm từ lâu. Bối cảnh địa lý chính trị thay đổi làm cho nguyên tắc xử dụng vũ lực ghi trong hiến chương Liên hiệp quốc (và điều hành bởi Hội đồng Bảo an) không phải lúc nào cũng áp dụng được. Trục trặc xẩy ra từ tháng 9 năm 2002.

Ngày 12/9/2002 tổng thống Bush mang vấn đề sở đắc vũ khí giết người tập thể của Iraq ra trước đại hội đồng Liên hiệp quốc và nói nếu Hội đồng Bảo an không giải quyết được Hoa Kỳ sẽ giải quyết một mình. Một tháng sau quốc hội Hoa Kỳ cho phép tổng thống Bush xử dụng vũ lực chống Iraq mà không cần sự đồng ý trước của Hội đồng Bảo an. Ngày 7/11/2002 trước áp lực của Hoa Kỳ Hội đồng Bảo an dùng dằng thông qua nghị quyết 1441 tuyên bố Iraq đã vi phạm các nghị quyết trước, và qui định một nguyên tắc thanh tra mới gắt gao hơn, và dọa tước khí giới Iraq bằng vũ lực nếu Iraq không tự tước khí giới. Hoa Kỳ hứa sẽ trở lại Hội đồng Bảo an trước khi xử dụng vũ lực. Nhưng khi Hoa Kỳ tuyên bố sự thanh tra không có hiệu quả và cần Hội đồng Bảo an cho phép đánh Iraq thì Hội đồng Bảo an có ý không muốn thông qua. Pháp và Liên bang Nga dọa dùng quyền phủ quyết. Sau cùng Hoa Kỳ và Anh hành động đơn phương. Ngày 17/3 Hoa Kỳ khởi sự tấn công Iraq và một tháng sau liên quan Anh-Mỹ tiến vào thủ đô Baghdad.
Chính sách dùng sức mạnh
Như đã nói ở trên, vụ Iraq chỉ là giọt nước làm đầy li nước. Sự phối trí mới của các khối quyền lực trên thế giới làm cho Liên hiệp quốc không thể giải quyết thỏa đáng các tranh chấp, ngoại trừ những trường hợp đồng phục vụ quyền lợi của các khối quyền lực.

Vậy “chính sách dùng sức mạnh” trên thực tế nó như thế nào! Từ khi Liên bang xô viết sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất, một số quốc gia cảm thấy quyền lợi mình có thể bị xâm phạm trong cấu trúc quyền lực mới, đã xích lại với nhau tìm đối trọng. Năm 1998 bộ trưởng ngoại giao Pháp, ông Hubert Védrine tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận một thế giới đơn cực, và đó là lý do tại sao chúng tôi vận động cho một thế giới đa cực.” Jacques Chirac là người đã vận động không mệt mỏi cho mục đích này. Theo Pierre Lellouche, cố vấn ngoại giao của tổng thống Jacques Chirac đầu thập niên 1990 thì ông Chirac chủ trương một thế giới đa cực trong đó Âu châu là đối trọng của Hoa Kỳ về chính trị lẫn quân sự.

Những năm gần đây, Liên bang Nga và Trung quốc cũng bày tỏ một khuynh hướng như Pháp. Tháng 7/2001 Liên bang Nga và Trung quốc ký một hiệp ước xác định quan điểm của hai nước là một thế giới đa cực. Nước Đức, muộn màng hơn vì lý do nội bộ, cũng đã bày tỏ một quan điểm tương tự, nói trắng ra là chống sự độc quyền của Mỹ. Năm 2000 bộ trưởng ngoại giao Đức ông Joschka Fischer nói: “căn bản chính sách của Âu châu từ năm 1945 vẫn là không chấp nhận tham vọng độc quyền của một nước.” Và mới đây thôi, cựu thủ tướng Helmut Schmidt cũng nói Đức và Pháp, “sẽ không để cho quốc gia mình lọt vào quỹ đạo của đồng minh Hoa Kỳ.”

Trong khi đó Hoa Kỳ không úp mở về ưu thế đơn cực. Tháng 9 năm 2002 Hoa Kỳ công bố một tài liệu nói về ưu thế quân sự của mình và xác định chủ thuyết đánh phủ đầu, một chủ thuyết ngược lại với điều 51 của Hiến chương Liên hiệp quốc. Điều 51 nói vũ lực chỉ được dùng để tự vệ khi bị tấn công.

Hoa Kỳ còn khác biệt các quốc gia khác về văn hóa. Văn hóa phân chia các nước Tây và Bắc phương với các nước ở Đông và Nam phương. Năm 1999 khi ông tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan tuyên bố: “thế giới loài người không thể ngoãnh mặt trước sự vi phạm nhân quyền lộ liễu tại bất cứ đâu” một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra tại Liên hiệp quốc. Một phần ba(1/3) quốc gia, đa số là các nước Tây phương đồng ý can thiệp, 1/3 quốc gia khác đa số là các nước châu Mỹ La tinh, Phi châu và các nước A Rập không đồng ý, và 1/3 số quốc gia còn lại không buồn phát biểu quan điểm. Nhưng sự khác biệt không giới hạn về quan niệm nhân quyền. Ngày 22/2/2003 tại hội nghị các nước không liên kết họp tại Kuala Lumpur, 114 nước (chiếm 2/3 tổng số hội viên của Liên hiệp quốc và gồm 55 dân số thế giới) đồng ký một tuyên ngôn chống việc Hoa Kỳ dùng vũ lực đối với Iraq.
Một điều đáng lưu ý là giữa Hoa Kỳ và Âu châu cũng có sự khác biệt quan điểm - và càng ngày càng nổi bật – về luật trong quan hệ quốc tế. Ai có thể làm luật? Một quốc gia hay một cơ cấu siêu quốc gia? Hoa Kỳ, ít nhất trong thế cân bằng quyền lực hiện nay, không công nhận một cơ cấu siêu quốc gia làm ra luật (mà Hoa Kỳ phải theo).
Cái chết của một bộ luật
Cách thức Hiến chương Liên hiệp quốc qui định quyền dùng sức mạnh có lẽ là điểm làm cho Liên hiệp quốc trở thành lỗi thời. Hiến chương Liên hiệp quốc không nói rõ trong trường hợp nào sự xử dụng vũ lực không có phép của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là không chấp nhận được và biện pháp trừng phạt trong trường hợp đó ra sao. Vì vậy từ năm 1945 đến nay đã có nhiều quốc gia dùng vũ lực vi phạm Hiến chương mà Liên hiệp quốc không có (hay không thể) phản ứng. Điều này làm cho Hiến chương Liên hiệp quốc trở thành một luật chết.

Ngày 2 tháng 3 năm 2003, vài ngày sau khi Pháp, Liên bang nga và Trung quốc cho biết sẽ phủ quyết việc Hoa Kỳ tấn công Iraq, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không xem phủ quyết của Hội đồng Bảo an có giá trị. Tuyên bố này không làm cho ai hoảng hốt. Thế giới đã từng thấy nhiều quốc gia (nhất là các quốc gia mạnh) hành động trái Hiến chương. Ai cũng biết Hiến chương Liên hiệp quốc đã chết nhưng không ai có ý đem chôn. Cứ để đó khi cần thì dùng, vừa có lợi vừa chứng tỏ mình tôn trọng luật lệ quốc tế.
Tại sao tổng thống Bush phải đưa vấn đề Iraq ra trước Liên hiệp quốc? Vì cái dù luật lệ quốc tế nếu dùng được sẽ là nhất cử lưỡng tiện cho ý định dùng vũ lực. Tóm lại việc Hoa Kỳ tấn công Iraq mà không cần một nghị quyết nào khác hơn của Liên hiệp quốc là nghị quyết 1441 cho thấy Hiến chương Liên hiệp quốc nhắm dùng luật để ngăn chận chiến tranh là một thất bại. Không thấy đó là một thất bại sẽ làm cho những nỗ lực khác để ổn định thế giới trong thế kỷ 21 khó thành công. Ngày 20/10/2002 (trước khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết 1441) ngoại trưởng Colin Powell tuyên bố “tổng thống Bush nghĩ rằng ông có quyền can thiệp vào vấn đề Iraq như Hoa Kỳ đã làm đối với Kosovo”. Việc NATO can thiệp vào Kosovo dù vì lý do nhân đạo mà không có phép của Hội đồng Bảo an là một vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc. Nhưng ý của ngoại trưởng Powell là vì không có một luật nào cấm NATO can thiệp trong một trường hợp như vậy thì khi can thiệp vào nội bộ Iraq Hoa Kỳ cũng không vi phạm một luật lệ quốc tế nào cả.
Thực tế
Thực tế là khi giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lực, văn hóa và an ninh quốc gia nước nào cũng đặt quyền lợi và sự an toàn quốc gia lên trên các nguyên tắc khác. Năm 2001, ông Védrine bộ trưởng ngoại giao Pháp nói: “Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi sinh tử của chúng tôi như chúng tôi từng làm trong quá khứ. Và chúng tôi sẵn sàng nói “không” trước những việc ảnh hưởng đến quyền lợi của chúng tôi.” Thủ tướng Đức ông Gerhard Schroder ngày 10/2/2003 nói: “Không có lý do gì chúng tôi phải làm theo những chính phủ khác.” Những phát biểu trên nghe có khác gì những lời tuyên bố của Paul Wolfowitz hay Donald Rumsfeld của Mỹ. Sự thật là trong tương quan chính trị địa lý các quốc gia trên thế giới đều đi tìm sự an toàn quốc gia qua việc xây dựng sức mạnh. Không một quốc gia nào giao khoán an ninh quốc gia cho một định chế chính trị quốc tế. Và định chế nào xây dựng trên căn bản đó sẽ mai một với thời gian.

Tuy nhiên, khi xây dựng quyền lực, quốc gia nào cũng lợi dụng các định chế quốc tế phù hợp với quyền lợi của mình. Đối với Liên bang Nga, Pháp và Trung quốc, một trong những định chế đó là Hội đồng Bảo an và phiếu phủ quyết của họ. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Pháp, Nga và Trung quốc dọa mang quyền phủ quyết ra để duy trì một thế giới đa cực. Hoa Kỳ cũng vậy, dùng Hội đồng Bảo an nếu có lợi cho mình trong ý định thực hiện một thế giới đơn cực, nếu không thì lơ đi xem Hội đồng Bảo an như không có. Tổng thống Bush không úp mở về vấn đề này khi – trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đầu năm 2003 - ông nói: “Con đường chúng ta đi không lệ thuộc vào ý kiến của các quốc gia khác.”
Như vậy trên thực tế từ khi được khai sinh đến nay Hội đồng Bảo an chỉ là một cơ chế làm vì. Hiện tại chính sách đơn cực của Hoa Kỳ làm cho Hội đồng Bảo an có vẻ lố bịch, nhưng thật ra Hội đồng Bảo an đã trải qua nhiều lần lố bịch trong thế giới nhị cực thời gian chiến tranh lạnh. Nhị cực buộc Liên bang Xô viết vô hiệu hóa Hội đồng Bảo an; đơn cực buộc Hoa Kỳ xem Hội đồng Bảo an như không hiện hữu. Trong khi đó Hội đồng Bảo an không có sự chọn lựa nào khác. Thuận cho phép Hoa Kỳ đánh Iraq, Hội đồng Bảo an trở thành một con dấu cao su sẽ được dùng để Hoa Kỳ đóng mãi. Biểu quyết cấm, Hoa Kỳ sẽ phủ quyết để vô hiệu hóa. Nếu không làm gì hết thì càng lố bịch hơn nữa. Thật ra sự kèn cựa của Hội đồng Bảo an trong vụ Iraq không phải là nguyên nhân làm cho Hội đồng Bảo an cáo chung, mà chính quan hệ địa lý chính trị làm cho nó cáo chung.

Nhiều người cho rằng Iraq đã răm rắp tuân hành nghị quyết 1441 của Hội đồng Bảo an cho thấy Liên hiệp quốc đã thành công và luật lệ quốc tế được tôn trọng. Thực tế không phải vậy. Nếu không có áp lực của quân đội Mỹ đóng ở Trung đông, Saddam Hussein đã không xem nghị quyết 1441 ra gì và phái đoàn thanh tra Liên hiệp quốc đã không đặt chân được đến Iraq. Trên nguyên tắc việc Hoa Kỳ chuyển quân đến Trung đông de dọa lật đổ chế độ Iraq là một vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc. Nhưng, trớ trêu là, nhờ sự vi phạm này mà Hiến chương Liên hiệp quốc có giá khi Iraq thi hành lệnh của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết 1441 là một trong những nghị quyết kỳ lạ trong lịch sử Liên hiệp quốc. Qua nghị quyết 1441 Hoa Kỳ nói đã có căn bản hợp pháp tấn công Iraq. Trong khi Pháp, Trung quốc và Liên bang Nga nói nghị quyết 1441 không tự động cho phép Hoa Kỳ đánh Iraq. Cốt lõi của một bản văn về luật là rõ ràng khúc chiết để ai cũng hiểu như nhau thì điều này không thấy trong nghị quyết 1441!
Sự bế tắc khi đi tìm một thế giới đa cực
Làm thế nào để đưa thế giới vào khuôn khổ của một thế giới đa cực? Như đã thấy, một vài nước Âu châu, trong đó có Pháp nghĩ rằng có thể dùng Hội đồng Bảo an như một siêu quốc gia để kềm chế khuynh hướng đơn cực của Hoa Kỳ. Phiếu phủ quyết của Pháp là một vũ khí. Kết quả (như những gì đã diễn ra trong mấy tháng đầu năm 2003) cho thấy sự lúng túng của Pháp cũng như sự bất lực của Hội đồng Bảo an.

Để vớt vác trật tự của thế giới trước hành động của Hoa Kỳ, một số luật gia lập luận rằng, các quốc gia trên thế giới nên hành động vì quyền lợi chung chứ không nên hành động theo quyền lợi riêng của mình. Nói cách khác căn bản của dân chủ là cân bằng và kiểm soát lẫn nhau (checks and balances) cần được áp dụng trong cộng đồng quốc tế.

Không ai không công nhận giá trị của sự kiểm soát lẫn nhau trong sinh hoạt của một quốc gia để tránh độc tài. Nhưng nếu đem áp dụng trong cộng đồng quốc tế thì đôi khi Hoa Kỳ bị buộc phải hành động trái với quyền lợi của mình và có lợi cho quốc gia khác. Sẽ không thực tế nếu chúng ta chờ đợi Hoa Kỳ bằng lòng để cho Liên bang Nga hay Trung quốc kiểm soát chính sách quốc tế của mình. Ngược lại, không ai chờ đợi Trung quốc hay Liên bang Nga sẽ để cho Hoa Kỳ kiểm soát nếu hai nước này có vị trí thượng phong như Hoa Kỳ đang có? Tổng thống Jacques Chirac muốn kiểm soát Hoa Kỳ, muốn vươn mình lên ngang với Hoa Kỳ, trong khi đó ông ta xem những quốc gia yếu kém khác muốn vươn lên ngang hàng với Pháp là những đứa trẻ “không được dạy dỗ đàng hoàng”

Tình hình thế giới hiện nay không thể có đa cực. Nhưng nếu chỉ có một thế lực cầm cân nẩy mực cho các vấn đề trên thế giới thì cái gì kiểm soát thế lực đó không làm lớn làm láo? Không ai có câu trả lời cho câu hỏi nhức đầu này, nhưng có thể thế giới yên tâm hơn nếu thế lực duy nhất đó là Hoa Kỳ, một quốc gia có truyền thống dân chủ hơn là một quốc gia chưa bao giờ biết dân chủ là gì.

Khi thảo bản Hiến pháp Hoa kỳ ông James Madison đã nêu ra một điểm mà những nhà chủ trương cộng đồng ít lưu ý. Ông Madison và các đồng tác giả (viết bản Hiến pháp Hoa Kỳ) đã đặt câu hỏi: “kẻ mạnh có lợi gì” khi buộc họ tuân hành pháp luật như mọi người. Trong văn kiện liên bang (Federalist Papers) ông Madison lập luận rằng kẻ mạnh không mạnh mãi. Họ tuân hành luật lệ để khi họ yếu thì luật lệ sẽ bảo vệ họ. Nhưng một khi kẻ mạnh nghĩ rằng mình không bao giờ yếu để cần sự bảo vệ của luật pháp thì nguyên tắc kẻ mạnh vui vẻ tuân hành luật pháp không còn đứng vững. Vậy bá quyền không thể cùng đi với bình quyền. Bá quyền không bao giờ chịu đặt mình trong một khuôn khổ luật pháp. Vào thời nước Anh kiểm soát biển cả thì không có gì ngăn cản các đô đốc Anh phong tỏa nước này hay nước khác tùy thích. Cho nên thực tế là trong một thế giới đơn cực khó nói đến một hệ thống thượng tôn pháp luật. Đó là vấn đề Hội đồng Bảo an đã gặp phải trong mùa Đông năm 2003
Trở lại từ đầu?
Mùa Đông năm 2003, tòa nhà Liên hiệp quốc uy nghi, huy hoàng tráng lệ bỗng nhiên lung lay chỉ chờ sụp đổ. Nguyên nhân vì cái nền xây trên cát. Cái nền xây dựng trên căn bản các quốc gia mạnh hay yếu đều sẽ tôn trọng luật pháp là một điều không phù hợp với thực tế. Mạnh yếu khác nhau, văn hóa khác nhau, và quan niệm xử dụng sức mạnh khác nhau là những yếu tố làm cho tòa nhà sụp đổ.

Mục đích của luật là thay đổi cách hành động của con người, và luật quốc tế nhắm ảnh hưởng đến cách hành xử của một quốc gia. Tuy nhiên luật quốc tế được hình thành nhắm vào sự giải quyết các vấn đề người ta thấy được khi viết luật, chứ không hoàn toàn dựa vào lý thuyết. Trong cuộc sống một số vấn đề mới xuất hiện và quốc gia nào cũng vận dụng trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để vươn lên giành quyền lực. Khi một quốc gia thấy cái khuôn khổ của luật pháp quốc tế ngăn cản sự vươn tới quyền lực của họ họ sẽ xé bỏ đi nếu họ có sức mạnh. Mới ngày hôm trước là những luật lệ cần phải tuân hành, hôm sau nó có thể chỉ còn là những dòng chữ vô hồn trên giấy.

Hiện tượng này xẩy ra với bất cứ luật quốc tế nào, được viết ra trong một bối cảnh địa lý chính trị nhất định. Cái gọi là Hội đồng Bảo an sống vất va vất vưởng qua suốt cuộc chiến tranh lạnh, trở nên có sinh lực một lúc trong thập niên 1990 như một ngọn đèn bùng lên trước khi tắt rồi tắt ngấm với Kosovo và Iraq.

Luật lệ quốc tế trong tương lai nếu muốn đương đầu với thử thách cần phản ảnh thực tế của sức mạnh, văn hóa và nhu cầu an ninh. Việc Liên hiệp quốc không còn là một cơ sở trọng tài quốc tế có giá trị nữa không phải là một vấn đề luật học mà là một vấn đề địa lý chính trị.

Bài học thứ hai về sự thất bại của Liên hiệp quốc là luật đặt ra phải được đặt trên căn bản của câu hỏi các quốc gia thường hành xử thế nào chứ không phải các quốc gia phải hành xử thế nào. Quan niệm luân lý không tồn tại trong sinh hoạt quốc tế.
Vậy phải làm gì để duy trì trật tự và hòa bình thế giới? Chắc chắn không phải là một vấn đề đại lý thuyết và lấy đạo lý làm căn bản. Nhân loại không có khả năng đồng thuận về quan niệm “thiên thần” hay “ma quỷ”. Thiên thần và ma quỷ có thể đổi chỗ với nhau chăng? Không ai biết được và các nhà chính trị cũng không có câu trả lời dứt khoát. Vì sao? Vì trên thực tế quan niệm các quốc gia bình đẳng với nhau chỉ là một thứ lý thuyết suông dù được biện minh rằng đó là luật tự nhiên. Liên hiệp quốc không thể tồn tại do quan niệm quốc gia bình đẳng này, mà hệ luận quan trọng nhất là nếu anh có thì tôi cũng có quyền có vũ khí giết người tập thể. Vũ khí giết người tập thể của một nước nhỏ đe dọa sự an toàn của các nước lớn. Mặt khác nếu quốc gia bình đẳng thì làm thế nào ngăn chận sự diệt chủng (như NATO đã can thiệp vào nội bộ Nam Tư) và bảo vệ nhân quyền cho mỗi công dân trên thế giới.
Điều lệ Hội đồng Bảo an cho phép bất cứ một quốc gia thành viên nào của Liên hiệp quốc theo thứ tự luân phiên cũng có thể trở thành một thành viên (dù yếu và không đáng kể như Angola, Guinea, Cameroon ...) của Hội đồng Bảo an và bỏ một phiếu (9 trên 15) buộc quốc tế hành động. Hội đồng Bảo an dành quyền phủ quyết cho năm nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Tàu để điều chỉnh tình trạng phi lý này lại rơi vào một tình trạng phi lý khác là cho phép Pháp (một nước quá yếu bên cạnh Mỹ) có cơ hội ngăn cản Mỹ bảo vệ quyền lợi và an ninh của mình.
Hội đồng Bảo an còn sống bao lâu?
Câu hỏi này tùy thuộc vào diễn biến tương lai. Nếu Hoa Kỳ tìm thấy vũ khí giết người tập thể tại Iraq và Iraq nhanh chóng trở thành một quốc gia dân chủ chắc không ai muốn nhắc đến Hội đồng Bảo an nữa. Hội đồng Bảo an và Liên hiệp quốc sẽ đi vào quên lãng. Và nếu có biến chuyển nào trên thế giới các nước mạnh sẽ ngồi lại với nhau tìm giải pháp.

Ngược lại, nếu Hoa Kỳ không tìm thấy vũ khí giết người tập thể và tình hình Iraq không thể ổn định, các nước chống chiến tranh sẽ trách Hoa Kỳ không tuân hành luật lệ quốc tế mà ra cớ sự. Tuy nhiên không vì thế mà Hội đồng Bảo an có thể lấy lại uy tín. Nghị quyết Hội đồng Bảo an thông qua hôm 22/5/03 chỉ là một hành động đóng dấu cao su lên một thực tế: sức mạnh và quyền lợi. Tuy nhiên Hội đồng Bảo an sẽ còn có một nhiệm vụ là giúp ngăn chận nạn khủng bố và sự lan tràn vũ khí giết người tập thể, và tiếng nói của Hội đồng Bảo an trong hai trường hợp này có giá trị nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của các nước lớn.

Một điều chúng ta có thể đoán là nếu Hoa Kỳ bị lúng túng sau cuộc tấn công Iraq, Hoa Kỳ sẽ tự chế hơn trong việc xử dụng vũ lực. Đó không phải là một triển vọng tốt cho tương lai. Chiến tranh không phải luôn luôn là giải pháp xấu nhất như tổng thống Jacques Chirac nói. Nếu không có chiến tranh làm sao giải quyết nạn đồ tể thế giới như Hitler và Milosevic? Và chiến tranh có thể là giải pháp tốt để giải quyết nạn lan tràn vũ khí giết người tập thể. Nhìn lại cuộc chiến Iraq, tổn thất và đau khổ của hai bên kể cả tổn thất dân sự ít hơn những đau khổ nhân dân Iraq đã hứng chịu qua mười mấy năm bị trừng phạt kinh tế. Vì vậy một bất lợi của thời hậu chiến tranh Iraq là Hoa Kỳ có thể do dự không dùng vũ lực khi cần phải dùng.

Những ai chủ trương trọng pháp đều nghĩ rằng thế giới phải đi đến một trật tự trong khuôn khổ luật lệ quốc tế nào đó để duy trì hòa bình và ổn định. Khuôn khổ này Hoa Kỳ có thể tìm thấy qua vai trò ưu tiên của mình khi giúp giải quyết các vấn nạn trên thế giới. Như một qui luật bất biến, Hoa Kỳ cũng thấy trước ưu thế của mình không thể kéo dài vô tận với thời gian, vì vậy khuôn khổ luật lệ quốc tế mới dưới ảnh hưởng của Hoa Kỳ cũng sẽ được quan niệm thế nào để một mặt bảo vệ Hoa Kỳ, mặt khác kéo dài ưu tiên của Hoa Kỳ đối với các vấn đề trên thế giới.

Trước mắt là phải tìm ra một cơ cấu để thay thế cho cơ chế quốc tế hiện tại. Những nguyên nhân đưa đến sự quá thời của Hội đồng Bảo an hiện nay vẫn còn là nguyên nhân có tính cách qui luật đối với bất cứ một cơ cấu tương lai nào. Quốc gia nào cũng tìm cách tạo quyền lực và bảo vệ an ninh bất chấp sự thiệt thòi (về quyền lực và an ninh) của các nước khác. Các nước trên thế giới sẽ còn bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề khi nào thì phải dùng vũ lực. Đó là một thực tế dù chúng ta muốn hay không muốn. Và một hệ thống luật lệ quốc tế mới nào cũng không thể bỏ qua thực tế đó.
May 29, 2003
Binhnam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn

No comments: