Monday, September 3, 2012

TS. LÂM LỄ TRINH * BẮC HÀNKHÚC XƯƠNG

 BẮC HÀN TRONG YẾT HẦU HOA KỲ
Lâm Lễ Trinh

Cách đây sáu thập niên, Winston Churchill cho rằng Nga sô là "một câu đố gói ghém
bí mật bên trong một ẩn ngữ, a riddle wrapped in a mystery inside an enigma". Câu này có
thể áp dụng ngày nay cho Bắc Hàn. Từ Hoa Thịnh Đốn cho đến Bắc Kinh, các nhà
cầm quyền rối trí về tin Kim Chính Nhật có thể chế tạo cũng như xuất cảng võ khí
hạch nhân. Nếu đây là sự thực thì phải đối phó ra sao? Oanh tạc hay mua chuộc nhà
độc tài này? dùng biện pháp mạnh hay uyển chuyển ứng đáp?
Tại Hoa kỳ, các phân tích gia thời sự cũng như các nhóm nghiên cứu chủ lực task forces
đã phổ biến nhiều bài nhận định. Dưới hình thức câu hỏi và trã lời, bài này thử
đúc kết ý kiến đại cương liên hệ đến mười điểm hệ trọng của một số chuyên gia
thuộc các Đại học Georgetown, Princeton, Washington, Columbia...vv...., gốc Mỹ như Robert
Scalapino, Don Oberdorfer, Leon Sigal, Michael May, David Albrigh...., hay gốc Á như Victor Cha,
David Kang, Chong-sik Lee, Samuel Kim, đăng trong tạp chí Foreign Affairs , Foreign Policy và
Current History.
1 - Có nên ghép Bắc Hàn vào Trục Ác Quỷ, Axis of Evil, hay không?
Không nên. Mối liên hệ duy nhất giữa Bắc Hàn và Iran, Irak - hai thành viên khác
của "trục tội ác" ghi trong bài diễn văn năm 2002 về Tình trạng Liên bang của Tổng
thống George W. Bush - có tính cách tài chính. Bình Nhưỡng đã bán kỹ thuật hỏa tiễn
cho Iran và một số quốc gia gồm có Pakistan và Ai Cập là đồng minh của Mỹ. Khác
với Trục Nhựt -Đức -Ý (là thành viên của Hiệp ước Tay Ba, Pacte Tripartite năm 1940
gây ra Đệ nhị Thế chiến), Bình Nhưỡng, Bagdad và Téhéran không có phối trí và liên
kết với nhau, ngoài việc mua bán hàng hoá. Mặt khác, Bắc Triều tiên không chia xẻ
mục tiêu tôn giáo, lý tưởng hay chiến thuật nào với Iran và Irak. Bình Nhưỡng chỉ
chú trọng đến bán đảo Triều tiên và không liên hệ đến những vấn đề Trung Đông.
Tuy bị tai tiếng vì buôn bán bạch phiến và tiền lậu, Bắc Hàn không tham gia phong
trào khủng bố từ 16 năm nay và không giúp đở tổ chức al Qaeda.
Iran, Irak và Bắc Triều tiên có những điểm giống nhau. Thái độ chống đối Hoa kỳ là
một. Ba chế độ đều độc tài và đều có chương trình chế tạo võ khí tàn sát đại
chúng. Tuy nhiên, nhiều nước khác, trong đó có đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia và
Pakistan, cũng hội đủ hai tiêu chuẩn vừa kể.
2 - Kim Chính Nhật là một con người điên rồ, không thể tiên liệu và không
cản nổi ?
Không hẳn như thế. Kim Chính Nhật biết lý luận, tính toán cũng như tàn bạo. Các nhà
độc tài thường muốn tồn tại. Kim không phải là một biệt lệ. Y không dại dột khởi
chiến vì dư biết sẽ bị Hoa kỳ và Nam Hàn phản ứng nguy hiểm. Trên thực tế, như cha
là cố Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật đã chứng minh rằng y thận trọng: Bắc Hàn đã
không gây chiến trong năm thập niên vừa qua.
Các lãnh tụ chuyên chế không thể sống sót nếu không có những thủ đoạn chính trị
cao cường. Kim vẫn nắm quyền tuy tin tức tình báo cho rằng y có thể bị lật đổ khi cha
y qua đời vào tháng bảy 1994. Kim đã vượt qua được nhiều bão tố: nạn đói, thủy tai,
kinh tế suy đồi, khủng hoảng về hạch nhân, việc mất sự ủng hộ của hai nước đàn
anh Nga sô và Trung hoa, và áp lực của Hoa Thịnh Đốn. Đến nay không có đảo chính
quân sự hay đảo chính cung đình xảy ra, không có sự xáo trộn xã hội quá nguy khổn,
không có tình trạng hỗn lọan trong quân đội và không có chuyện tổng khai trừ nội
bộ. Hơn thế, quyết định của Kim thử thực hiện một số cải tổ kinh tế trong xứ là
bằng chứng y còn đủ lý trí để thẩm lượng lợi và hại, mặc dù y không mấy thich cải
cách trong thâm tâm.
Không phải vì thế mà Kim Chính Nhật trở nên ít nguy hiểm. Dưới gọng kềm của Kim,
Bắc Hàn thi hành một chiến thuật mặc cả bằng áp lực với Hoa Thịnh Đốn. Những
hành động như thí nghiệm phóng vệ tinh, theo dõi các phi cơ dọ thám Mỹ và hủy bỏ
các hiệp ước buộc Hoa kỳ và đồng minh lên tiếng cảnh cáo Bình Nhưỡng phải tự
chế. Đường lối dọ dẩm của Bình Nhưỡng có tính cách liều mạng nhưng dễ hiểu: Khi
không có gì nhiều để thương thuyết, người ta thường dùng hiện trạng status quo như
một sức bẩy để tao ưu thế tối đa trong việc trả giá.
3 - Bắc Triều tiên là một đe dọa nguyên tử trực tiếp đối với Hoa kỳ?
Đừng nóng kết luận. Cuộc khủng hoảng hiện tại bùng nổ khi thế giới khám phá
tháng mười năm ngoái Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất bí mật chất uranium có thể
dùng để chế tạo bom nguyên tử. Sự kiện này vi phạm Thoả ước ký năm 1994 giữa
Bắc Hàn và Chính quyền Clinton. Bình Nhưỡng cam kết ngưng chương trình hạch nhân và
cho phép quốc tế kiểm soát để đổi lấy viện trợ dầu khí và hai lò phản ứng hạch
tâm thuộc loại không phổ biến, "proliferation-resistant" reactors. Hiện nay, Hoa Thịnh Đốn
phản ứng bằng cách cúp dầu. Bình Nhưỡng trục xuất phái đoàn thanh tra, rút khỏi
Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân và cho các lò nguyên tử hoạt động lại, khiến
Quốc tế lo ngại quốc gia này sẽ có khã năng chế tạo hơn số một hay hai trái bom
hiện có trong tay.
Như những nước mang nhiều nhược điểm và chống Mỹ khác, Bắc Hàn dư biết sẽ bị
Ngũ Giác Đài trả đũa khốc liệt (deterrence policy) nếu tìm cách võ trang nguyên tử.
Còn về mối hăm dọa của Bình Nhưỡng bằng hoả tiễn thì sao? Hiện nay, Bắc Hàn có
lọai hoả tiễn No Dong, nặng 1,500 cân Anh với tầm bắn xa lối 800 miles. Bình Nhưỡng
trắc nghiệm hoả tiễn này chỉ có một lần và chưa trắc nghiệm hoả tiễn Taepo Dong
2 , nặng hơn nhiều và có thể bắn xa từ 6,000 cho đến 9,000 miles, đủ sức để tàn phá
Miền Tây Hoa kỳ. Tuy nhiên, chưa gì chứng minh thứ hoả tiễn thứ hai hữu dụng cho đến
khi được thử.
Kim Nhật Thành còn tuyên bố thừa sức - nếu muốn - cho nổ bom khủng bố tại Hán
Thành và đưa lậu vào Nhựt những bộ phận hạch nhân qua trung gian các kiều dân
Hàn quốc sống đông đảo tại đây và liên hệ mật thiết với Bắc Hàn. Trên phương
diện này, thử hỏi tại sao Bình Nhưỡng lại phải phí nhiều công và của để chế tạo hoả
tiễn tấn công Hoa kỳ trong khi có thể nhập lậu võ khí nguyên tử vào Nhựt?
Đúng hơn, sự hăm dọa của Bắc Hàn đối với Hoa kỳ có tính cách gián tiếp trong
trường hợp Bắc Hàn bán hay đổi chác khã năng nguyên tử với các quốc gia đệ tam.
Bình Nhưỡng có thể chôn đấu võ khí bị cấm để tránh sự kiểm soát quốc tế. Nhưng
nếu bị bắt quả tang xuất cảng nguyên liệu hạch nhân thì làm thế nào tránh được sự
ra tay trước, preventive strike, của Hoa Thịnh Đốn? Tân chiến thuật này - cương quyết và
mãnh liệt - được áp dụng sau vụï tấn công của al-Qaeda ngày 9.11. 2001.
4 - Bắc Hàn không tôn trọng các Hiệp ước quốc tế ?
Đúng vậy. Tuy bị xem là nước ngoài vòng pháp luật, outlaw state, từ nửa thế kỹ nay,
Bắc Hàn vẫn còn giữ một số liên hệ quốc tế. Bắc Hàn là một thành viên của
Nghị Hội giải giới (Conference on Disarmament), Hiệp ước về Võ khí Hoá học (Biological
Weapons Convention) và Hiệp định thư Geneva Protocol. Sau vụ 9.11.2001, xứ này ký thêm
hai Hiệp định thư Liên Hiệp Quốc chống khủng bố. Trong lúc điều đình về thoả ước
mệnh danh Agreed Framework, Hoa kỳ buộc Bắc Hàn cải thiện liên hệ với Nam Hàn.
Bình Nhưỡng đồng ý họp thượng đỉnh (trước ngày Kim Nhật Thành qua đời). Sau đó,
Bắc Hàn nhận thi hành văn kiện năm 1999 tạm hoãn thí nghiệm hoả tiễn trong bốn
năm.
Bắc Hàn tuy nhiên có một quá trình "phỉnh gạt chiến thuật, strategic deception": ký kết
để tạo tin tưởng, xong hành động lương lẹo hầu dành ưu thế. Thí dụ, Bình Nhưỡng đã vi
phạm vô số thoả ước với Hán Thành, gồm có bản Tuyên ngôn năm 1992 về việc
ngưng phát triển hạch nhân.
Văn kiện Agreed Framework nay đã mất hết ý nghiã vì Kim Chính Nhật cho tái chế
uranium. Bằng chứng điển hình của sự bất lương của Bình Nhưỡng là quyết định châm
ngòi nổ chiến tranh Triều Tiên vào tháng sáu 1950, sau khi ký hôm trước một Hiệp
ước thân hữu với Nam Hàn.
5 -Bắc Hàn sẽ sụp đổ nay mai về chính trị và kinh tế ?
Không chắc. Các phân tích gia dự đoán việc này từ 1989, khi bức bức tường Bá Linh
bị hạ. Tình hình kinh tế Bắc Hàn bệ rạc nhưng chưa có dấu hiệu cơ chế chính tri sắp
lâm nguy. Chính phủ, tuy gian ác, còn kiểm soát được xã hội. Mặc dù làn sóng tị nạn
từ Bắc Hàn gia tăng, phong trào di cư trong xứ chưa lan rộng và chưa có dấu hiệu
phản kháng khẩn trương.
Chính phủ Bình Nhưỡng có vẽ muốn cải thiện bang giao với Nam Hàn và thế giới bên
ngoài. Vào tháng chạp 2002, Bắc Hàn cho dọn sạch mìn vài chổ tại Vùng Phi Quân sự,
DMZ (Demilitarized Zone). Một con lộ với bốn đường lưu thông được mở ra trong hành lang
ở phiá Đông. Tháng bảy 2002, Chính quyền trung ương chấm dứt kinh tế tập trung và
cho phép thị trường quy định giá cả và lương bổng. Ngoài ra, ba vùng kinh tế đặc biệt
được thiết lập đểû thu hút du khách và đầu tư. Luật lệ về quyền sở hữu của ngoại
kiều, thuê mướn đất đai và thuế vụ được điều chỉnh. Tuy khập khiễng và thành tựu
yếu ớt, các cải cách vừa kể khó thể đảo ngược.
Với một bên ngoài có vẽ dẻo dang, chế độ của Kim Chính Nhật mang ở bên trong hai
nguy cơ rạn nứt. Trước hết, nhiều sáng kiến gần đây của Kim đem lại những thành
quả lẫn lộn - thí dụ, quyết định tháo khoán giá cả và thú nhận có cho bắt cóc Nhựt
kiều trong thập niên 70. Sự kiện này làm các cấp chỉ huy bực bội. Thứ nữa, phương
pháp thực hiện cải cách có thể gây tì vết trong nền tảng của chế độ. Như
Montesquieu đã nhận định: "Cách mạng bùng nổ không phải khi điều kiện sinh sống
của quần chúng suy sụp tận cùng nhưng chính vào lúc cải cách tạo ra những kỳ vọng
xoắn ốc thúc đẩy dân chúng hành động chống lại các mâu thuẩn của thể chế cũ"
6 - Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh nhất đối với Bắc Hàn ?
Đúng vậy, nhưng ..Nếu ảnh hưởng của một nước đối với Bình Nhưỡng dựa vào sự
tùy thuộc vật chất thì Bắc kinh nắm trong tay những lá bài tẩy. Bắc Hàn nhận từ
Trung Hoa từ 70% đến 90% tổng lượng năng lực hằng năm, gần 30% tổng viện trợ
quốc ngoại và 38% hàng hoá nhập cảng. Bắc Kinh đóng vai trò kín đáo nhưng hệ
trọng trong việc dàn xếp Nam và Bắc Hàn họp thượng đỉnh vào tháng sáu năm 2000.
Chính Bắc Kinh cũng đã thuyết phục Kim Chính Nhật tái cấu trúc kinh tế bằng cách
tiếp Kim tại Thượng Hải năm 2002 và giúp thiết lập những vùng kinh tế đặc biệt.
Tuy thế nhân viên cao cấp Bộ Ngoại giao Trung Hoa vẫn thường than phiền: " Bắc Hàn
không nghe chúng tôi, không nghe ai cả." Các lời phân bua này phản ảnh sự miễn
cưởng của Trung Hoa gây áp lực thật sự trên Bình Nhưỡng. Đường lối cổ truyền của
Bắc Kinh là giúp nước láng giềng cộng sản vừa đủ tồn tại để đóng vai trò trái độn
chiến thuật địa lý - geostrategic buffer - chống ảnh hưởng của Hoa Kỳ nơi biên giới.
Mặt khác, sự sụp đổ của Bắc Hàn không có lợi cho Trung hoa vì nhiều triệu dân Hàn
quốc sẽ tràn ngập nước Tàu.
Tình thế gần đây làm Bắc Kinh duyệt xét lại quan điểm. Bắc Kinh chống lại võ khí
hạch nhân trong bán đảo Triều Tiên. Tháng giêng vưà qua, Bắc Kinh khuyến cáo đại
diện ngoại giao của Bắc Hàn tại Trung quốc về việc vi phạm hiệp ước Agreed
Framework. Một Bắc Hàn trắc nghiệm lại nguyên tử sẽ thúc đẩy Nhựt bổn võ trang
bằng võ khí hạt nhân. Đài Loan cũng sẽ không ngồi yên để nhìn. Phần còn lại của
Á châu sẽ phản ứng bất lợi cho sự buôn bán với Trung hoa.
Chính sách Trung Hoa có thể chuyển hướng dưới quyền lãnh đạo của tân Tổng bỉ thư
Hồ Cẩm Đào không mấy sốt sắng bắt tay với Bình Nhưỡng tạo một Chiến tranh lạnh
khác. Thái độ dè dặt can thiệp của Bắc Kinh có thể là một tính toán chiến thuật:
chờ xem Hoa Thịnh Đốn "biểu diễn sức mạnh" ra sao với Bắc Hàn (tuy Tổng thống Bush
hứa không dùng võ lực) rôi sẽ can thiệp dàn xếp có lợi cho minh.
7 - Khu DMZ là vùng kinh khủng nhất trên Thế giới ?
Đúng thế. Chính Tổng thống Bill Clinton đã gọi vùng này "the world's scariest place" vì
cuộc hưu chiến rất mỏng manh giữa Nam và Bắc Hàn nơi vỹ tuyến 38. Không có một
hiệp ước nào được ký kết để bảo đảm hoà bình. Từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm
dứt năm 1953, có hơn 1,400 vụ chạm súng tại vùng phi quân sự, gây thiệt mạng cho 899
lính Bắc Hàn, 394 lính Nam Hàn và 90 lính Mỹ. Năm 1976, Hoa Kỳ phải điều động pháo
đài bay và cả một hạm đội để giải quyết tình trạng căêng thẳng ở đây.
Chiến tranh chưa tái diễn thật sự. Tuy thế, binh đội Nam Hàn sống trong tình trạng báo
động. Hoa kỳ rút số quân đồn trú từ 100,000 xuống còn 37,000 nhưng vẫn giữ căn
cứ không quân và hải quân với võ khí nguyên tử và sẳn sàng can thiệp. Bàn Môn
Điếm xa Hán Thành chỉ có 150 miles, gần hơn từ Nữu Ước đến Hoa Thịnh Đốn. Hán
Thành cách DMZ 30 miles và ở trong tầm súng đại bác của Bắc Hàn. Theo tướng Gary
Luck, nguyên Tư lệnh Lực lượng Hoa kỳ, chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên có thể gây
thiệt hại một ngàn tỉ đô-la về kinh tế và một ngân khoản tương đương về chi phí;
tổn thất nhân số ở Bắc Hàn có thể so sánh với một "holocaust"; Kim Chính Nhật và
lốí 1,000 cận tướng của y sẽ bỏ mạng hay bị cầm tù. Vì thế Nam lẫn Bắc Hàn hành
động thận trọng để tránh một tình thế bất khả kiểm soát.
8 - Chính sách của Tổng thống Clinton đối với Bắc Hàn là một thất bại?
Không đúng. Việc Bình Nhưỡng vi phạm thỏa ước Agreed Framework có thể gây lầm
tưởng chính sách của Clinton thất bại. Thật thế, nếu Clinton không thành công cản
ngăn các nhà máy hạch nhân Bắc Hàn tại Yongbyon hoạt động chín năm dài thì ngày
nay Bắc Hàn đã có đủ chất plutonium để chế tạo 30 trái bom nguyên tử, thay vì một
hay hai trái mà họ đang có.
Cuộc thương thuyết của Clinton với Bình Nhưỡng , mặt khác, là một trắc nghiệm
những ý đồ và mong mỏi của Bắc Hàn. Trước đây, Hoa kỳ chưa nắm vững lợi ích
của Bắc Triều Tiên trong việc đổi chác lời hăm dọa phổ biến nguyên tử để nhận
ngoại viện.Nhóm diều hâu Mỹ xem việc Bình Nhưỡng vi phạm văn kiện Agrees
Framework như bằng chứng xứ này không mấy chú tâm đến vụ mặc cả vừa nói, Phe
bò câu, trái lại, nghĩ rằng hành động vi phạm là một phản ứng đối với Hoa Thịnh
Đốn không thực hiện nghiêm chỉnh lời giao kết . Họ tin chắc Bình Nhưỡng sẽ ngưng
trắc nghiệm hạch nhân nếu được viện trợ kinh tế đầy đủ.
Tuy nhiên bây giờ có những dữ kiện căn bản cho cuộc tranh luận giới hạn trước đây
trong lãnh vực lý tưởng và thần học. Thời tiền Clinton, không có cách xữ dụng phương
tiện gây áp lực với một nước đoạn giao với Hoa Kỳ gần năm thập niên. Từ 1994,
Bắc Hàn nhận từ bên ngoài lương thực, xăng nhớt, viện trợ kinh tế và lập bang giao
chẳng những với Nam Hàn mà còn với Nhựt bổn, Liên hiệp Âu châu, Úc, Gia Nã Đại
..vv..Trớ trêu thay, củ cà-rốt của Clinton đã trở thành cây gậy giúp Bush thể hiện
một chính sách cứng rắn bằng cách ngưng thi hành những gì đã hứa hẹn lúc trưiớc.
9- Chính quyền Bush gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại?
Trật. Có lẽ danh từ "Trục Tội Ác" dùng trong diễn văn của Bush và lời tuyên bố
của Ông "thù ghét, (loath) Kim Nhật Thành" đã làm cho cuộc khủng hoảng hiện tại
nặng nề hơn nhưng chắc chắn không phải là nguồn gốc của khủng hoảng.
Trước hết, Bắc Hàn đã bắt đầu chương trình trắc nghiệm uranium trước khi Bush đắc
cử Tổng thống. Năm 1997, các khoa học gia Pakistan về ngành nguyên tử lui tới Bình
Nhưỡng giúp kỹ thuật biến hoá chất uranium để bù lại việc Bắc Hàn bán cho hoả
tiễn.
Thứ nữa, trước những khám phá vào tháng mười 2002 và mặc dù Bush phủ nhận,
Hoa kỳ đã đề nghị một loạt bảo đảm ở cấp thấp với Bắc Hàn. Những hứa hẹn này
gồm có những biện pháp khích lệ (incentives) mới và những cuộc gặp gở "bất luận
lúc nào, bất luận ở đâu và không có điều kiện tiên quyết". Ngoài ra, chính phủ
Bush hủy bỏ nhiều sáng kiến bị xem như mưu toan phá gở các cam kết với Bình
Nhưỡng như tu chính văn kiện Agreed Framework, thúc đẩy tài giảm lực lượng quy
ước...Nếu so sánh với những đề xướng nhiệt tình của chính phủ Clinton với Bính
Nhưỡng thì đường lối gây hấn của Bush là một chuyển hướng rõ rệt. Tuy nhiên Hoa
kỳ vẫn chủ trương đối thoại. Bắc Hàn từ chối thương lượng tay đôi vì cho rằng Hoa
Thịnh Đốn lấn ép.
Sau hết, không thể chối cải Hoa Thịnh Đốn tỏ ra cứng rắng hơn trong lời tuyên bố
cũng như trong chính sách sau tháng mười 2002. Tân chiến thuật quốc phòng "đánh phủ
đầu, preemptive attack" và quyết định tái xét chương trình hạch nhân của Hoa kỳ gia
tăng mối lo sợ của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng không phát xuất từ
việc Bush từ chối vô điều kiện nói chuyện với Bình Nhưỡng. Bush không chấp nhận
Bắc Hàn tống tiền và đòi Bình Nhưỡng chứng minh thiện chí và nhân nhượng. Chừøng
đó, mới có thể thương thảo về bảo đảm an ninh, viện trợ kinh tế, giúp đở năng
lượng...
10 - Hoa Kỳ nên rút quân khỏi Nam Hàn vô ơn?
Chưa phải lúc. Những vụ biểu tình rầm rộ chống Hoa kỳ, tấn công các căn cứ quân
sự Mỹ bằng bom Molotov, đâm binh lính Mỹ trên các đường phố Hán Thành..vv...đã
gây phẩn nộ tại Quốc hội và trong giới truyền thông Hoa Kỳ.Trong lúc Bắc Hàn làm
thế giới lo ngại về vấn đề nguyên tử, quần chúng Mỹ kinh ngạc nhìn thấy trên đài
truyền hình CBS, trong chương trình 60 Minutes, các biểu tình viên Nam Hàn - phần đông
thuộc thế hệ trẻ - đả đảo và tố cáo Bush nguy hiểm hơn Kim Chính Nhật. Báo chí Hoa
kỳ còn tiết lộ tân Tổng thống Nam Hàn Roh Moo-hyun từng hung hăng chống Mỹ lúc
còn là sinh viên.
Phần đông Hàn kiều có những cảm giác phức tạp đối với Hoa kỳ. Một số ghét Mỹ
ra mặt, nhưng số khác lại tỏ vẽ mang ơn. Về phương diện lịch sử, Nam Hàn là một
trong những đồng minh khắng khít nhất với Hoa kỳ.Tuy nhiên, người dân Nam Hàn lo
ngại về chính sách của Hoa Thịnh Đốn và sự trú đóng quá lâu của quân đội Mỹ tại
xứ của họ.

Dù sao việc rút lui hấp tấp của quân lực Hoa kỳ khỏi bán đảo Triều Tiên không
khỏi tạo nhiều khó khăn. Bình Nhưỡng sẽ reo mừng chiến thắng. Và Mỹ sẽ mất ảnh
hưởng trong một vùng kinh tế trù phú và năng hoạt nhất trên địa cầu. Không ai
muốn và chấp nhận Trung Hoa tiến lên ngôi bá chủ. Nam Hàn hiện xếp hạng thứ 12
trong lãnh vực kinh tài thế giới và được xem là một quốc gia có một nền dân chủ
khá vững. Gần đây, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfowitz báo tin, vì nhu
cầu chiến thuật, Hoa kỳ sẽ đóng quân sâu vào nội địa Nam Hàn thay vì sát vĩ tuyến
38. Mặt khác, cũng có dư luận cho rằng Ngũ Giác Đài có thể thương lượng với Hànội
để tái xữ dụng vịnh Cam Ranh. Hoa kỳ đã phủ nhận điều này.
Hán Thành cần gia tăng kinh phí quốc phòng, hiện chỉ chiếm có 3% của tổng lợi tức
quốc gia, ít hơn Do thái và Á-rập Saudi. Nếu rời bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ phải
xét lại việc đóng binh ở Nhựt bổn và tái phối trí toàn diện lực lương ở Á châu. Bằng
không, ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Đông Á khó tồn tại. Thế giới, sẵn bất ổn,
càng thêm hỗn độn.
LÂM LỄ TRINH
Thủy Hoa Trang, California
Ngày 12.6.2003
THƯ TỊCH:
1 - "The Korea Crisis" by Victor D.Cha & David C.Kang,Foreign Policy May/June 2003
2 - Communism in Korea by Chong-sik Lee & Robert Scalapino, Berkeley, Univ.California Press 1972
3 - The two Koreas by Don Obderdorfer, NY Basic Books, 2001
4 - Kim Il-Sung, The North Korean Leader by Dae-Sook Su, NY Columbia University Press 1988
5 - North Korean Foreign Relations in the Post-Cold War Era by Samuel Kim. NY, Oxford Univ.Press
1998
6 - Solving the North Korean Nuclear Puzzle by David Shambaugh, Washington: Institute for Science
& International Security, 2000
Đọc những bài khác của tác giả Lâm Lễ Trinh bằng tiếng Việt, Anh và Pháp trên
trang nhà http://www.centralstation.net/lamletrinh

No comments: