Sunday, September 2, 2012

PHAN LẠC TIẾP * MỘT GIỌT MÁU ĐÀO

Một Giọt Máu Đào
                                                                          Phan Lạc Tiếp

        Năm tản cư, đâu như năm bốn bảy, bốn tám, tôi mới có năm, sáu tuổi. Đánh nhau ở đâu tôi không biết, nhưng mấy năm tản cư về nhà quê, vơí tôi, là thời gian tuyệt vời, khó quên.  Sau đó gia đình chúng tôi hồi cư về Hà Nội. Cậu tôi đi làm. Lương công chức đủ sống, nhưng không dư giả, vì anh em chúng tôi đông quá. Trên tôi có hai anh. Tôi thứ ba và là đứa con gái lớn nhất, nên tôi rất gần gũi mẹ tôi mà chúng tôi kêu là mợ. Ngoài giờ đi học, tôi phải giúp mợï tôi thu dọn bếp núc, rồi dạy kèm các em học. Tối đi ngủ, tôi còn phải nằm ngủ vơí hai đứa em bé và quạt cho em, gãi lưng cho em nữa. Có lúc vì cực nhọc quá, anh tôi và tôi có phàn nàn rằng “ sao mợ đẻ nhiều thế...”. Mợ tôi liền mắng rằng “ trời cho chứ tao muốn à...”. Các em tôi lớn dần và dễ thương lắm, khiến tôi rất mừng là chúng tôi có đông anh em. Cậu tôi thì khó tính, rất hay gắt gỏng khó chịu. Vì thế những buổi tối, một mình cậu tôi ở dưới nhà, còn tất cả năm sáu anh em chúng tôi thì rút cả lên trên gác. Dưới ánh đèn điện tỏa trên mặt bàn rộng, mấy anh em chúng tôi ngồi xung quanh và học bài inh ỏi. Chỉ hôm nào cậu tôi đi vắng chúng tôi mới dám xuống nhà nô đùa. Những lúc như thế mợ tôi thường “ kể tội “ cậu tôi. Nhiều chuyện mợ tôi kể đi, kể lại khiến chúng tôi thuộc lòng. Nhưng có một chuyện mà suốt bao nhiêu năm, dù mợ tôi có kể lại, vẫn khiến chúng tôi băn khoăn, nghĩ ngợi. Đó là sự xung khắc lạ lùng giữa cậu tôi và chú tôi.

        Mợ tôi kể :” Lúc bé tao chả biết thế nào, nhưng từ lúc tao về làm bạn vơí cậu  chúng mày thì cậu  chúng mày vơí chú chúng mày cứ như mặt trăng, mặt trời. Ngay cả ngày tư ngày tết, chú chúng mày cũng chỉ dình khi nào cậu chúng mày đi vắng mơí dám đến chúc tết. Rôì thấp thoáng chú ấy lại đi, sợ cậu chúng mày về bất chợt. Rồi chú ấy đi đâu mất tăm. Có dễ đến mấy năm sau, tối ba mươi tết, đang sửa soạn cúng thì ở đâu không biết, chú ấy về. Câu đầu tiên chú ấy hỏi là anh có nhà không chị. Tao bảo ông ấy đi biếu quà tết mấy người bạn cũng sắp về. Tưởng chú ấy ngại gặp cậu chúng mày như các lần khác, chú âý sẽ đi. Nhưng không, chú ấy bảo để em đợi anh ấy về. Tao cũng lấy làm lạ, nên hỏi chú âý có việc gì thế. Chú ấy chỉ cười và nói để lát nữa em thưa chuyện với cả hai anh chị luôn. Lúc bấy giờ tao mới để ý, thấy chú ấy tủm tỉm cười. Chú ấy ăn mặc tươm tất, quần áo tây, mũ phớt, chả thua cậu chúng mày bao nhiêu. Chú ấy đi quanh nhà, hỏi han chuyện này, chuyện khác, vui vẻ lắm. Lúc hai chị em đang ở trong bếp xem nồi bánh chưng thì có tiếng cậu chúng mày về, hỏi lớn : Xe đạp của ai mà đẹp thế. Chú ấy chạy ra chào cậu chúng mày và nói : xe đạp của em. Cậu chúng mày đang vui bỗng sầm nét mặt lại và lên thẳng nhà trên. Chú chúng mày và tao đứng trong bếp nhìn nhau. Hồi lâu nhớ tới lời chú ấy nói ban nãy, tao mới nhắc :thì chú muốn nói gì với anh chị thì lên nhà mà nói đi. Ngần ngừ một lúc chú ấy mới bảo thì chị lên nhà cùng với em. Hai chị em lên nhà, cậu mày biết chứ, mà ông ấy cứ làm như không, cứ loáy hoáy sửa đi sửa lại cành đào. Tao mới nhắc : này cậu nó, chú Tấn chú ấy muốn nói gì với cậu đây này. Một lúc cậu chúng mày mới ngửng lên và trách : bâý lâu nay chú đi đâu không thấy mặt. Chú ấy bảo em lên mạn ngược làm ăn... Cậu chúng mày ngưng tay và nhìn thẳng vào mặt chú chúng mày đầy sửng sốt : mạn ngược...Ấy là lần đầu và cũng là lần chót tao thấy cậu chúng mày nói chuyện với nhau.
        Chú ấy nói là chú ấy đang làm thư ký cho một tiệm bán thuốc Tây trên Tuyên Quang và ông bà chủ nhà thương mến muốn gả con gái cho, với điều kiện phải có ông anh bà chị từ Hà Nội lên xin cưói cho nó trịnh trọng, có đầu có đuôi. Mọi việc nhà gái cáng đáng hết. Cô con gái cũng là người có đi học, biết chữ Tây, khó kiếm đưọc người xứng đáng ở đấy. Nay bề gì chú ấy cũng là người Hà Nội, có anh làm thông phán, nên nhà gái mừng lắm...”

        Ngày cưới của chú Tấn cậu mợ tôi có lên Tuyên Quang, thuê bao mộ chiếc xe nhà. Vẫn theo lời kể của mợ tôi thì “ cậu mày cứ đủng đỉnh mãi, lúc thì mặc quần áo Tây, rôì lại thay ra, mặc áo gấm, đến sốt cả ruột, nên mãi trên 10 giờ mới ra xe. Tao và cậu mày ngồi ở ghế sau. Ghế trước để hai cái quả bánh cốm, bánh xu-xê.Thùng xe sau thì là các mâm trầu, mâm cau. Vừa đi cậu mày vưà dục chaỵ mau mau lên mới được. Ra khỏi Hà Nội một chút chỉ thấy đồng lúa rồi núi rừng, chóng cả mặt. Gần vào thành phố mới biết là bánh pháo Điện Quang cậu mày đã bỏ quên tại nhà. Lỗi cậu mày rành rành mà ông ấy lại gắt nhặng lên là sao tao không nhắc ông ấy. Tới nơi xe đỗ ở đầu phố, trẻ con đứng đông nghẹt. Nhà gái đứng đón trước nhà mà ông ấy cứ loay hoay, lúc thì sửa lại aó, lúc thì mở thùng xe ra xem. Nhà gái thấy thế mới cho người nhà ra chào hỏi. Mấy người gia nhân nhà gái bưng đồ lễ đi trước, tao và cậu chúng mày đi sau. Chú Tấn chúng mày mặc áo đoạn trơn, quần chúc bâu, từ trong nhà bước ra, nhập vào làm thành họ nhà trai. Có nguời đưa tận tay cậu mày bánh pháo. Lúc ấy ông âý mới vui. Bánh pháo buộc vào một cái sào dài. Cậu mày mặc aó gấm, trông cứ như ông huyện,  tao thì mặc áo dài nhung. Cậu mày châm ngọn lửa vào ngòi pháo. Bánh pháo nổ tung, tưng bừng, khói bay mù mịt, điếc cả tai. Gia đình nhà gái đón nhà trai vào nhà, cười nói hể hả lắm... “.

        Câu chuyện cưới xin này mợ tôi kể đi kể lại khiến tôi thuộc lòng nhưng những lúc nhàn dỗi, không có cậu tôi ở nhà, anh em tôi lại bảo mợ tôi kể cho nghe. Và bao giờ mợ tôi cũng kết cục bằng câu “ Cậu chúng mày thật là cơ cầu, đối với chú ấy thật tệ...” Rồi chiến tranh bùng nổ. Gia đình chúng tôi đi tản cư  ít tháng rồi lại hồi cư về Hà Nội, cậu tôi lại đi làm. Kỷ niệm với người chú cũng mờ nhạt dần. Mỗi khi Tết đến, cậu tôi có tật là mua rất nhiều quà, đi biếu người này, người nọ. Những lúc như thế chúng tôi rất muốn có chú, bác, cô, dì để tới thăm mà không có. Chúng tôi nhớ đến chú Tấn rất nhiều. Nếu gia đình chú ấy ở đây, thế nào chúng tôi cũng đi thăm.
 Rồi không biết làm cách nào mà mợ tôi lại có một vài tấm hình của chú ấy. Trong hình, chú mặc áo veston, cuốn phu-la, tay cầm điếu thuốc ládài có ngọn khói bay ngoằn ngoèo. Nét mặt đăm chiêu. Đằng sau tấm hình có hàng chữ “ thương nhớ về cố đô...”. Đôi khi gia đình tôi còn nhận đưọc thư của chú ấy từ “ hậu phương “ gưỉ vào. Thư viết :” Nay em có mấy nhời gửi về thăm anh chị và các cháu, được mạnh khoẻ thì em mừng lắm. Chúng em ở ngoài này cũng bình thường...”.

        Bỗng một hôm chúng tôi đi học về thấy có một đứa nhỏ  đen đủi ngồi trong bếp bên cạnh mợ tôi. Thấy chúng tôi về, đưá mhỏ cười toe và nói :” Em chào các anh, các chị...”. Sau phút bỡ ngỡ ấy, chúng tôi hiểu ngay, đây là đứa con trai của chú Tấn chúng tôi. Chúng tôi thương nó tức thì. Mợ tôi và tôi đưa nó đi sắm quần áo,  giày dép,sách vở. Và chỉ có mấy hôm, cậu tôi mang về tờ thế vì khai sinh cho nó. Nguyễn minh Cung. Và chưa đầy một tuần sau, Cung đã được nhận vào lớp ba, học cùng lớp với thằng em thứ tư của tôi. Cung ở “ hậu phương “ về học kém lắm, nên cậu tôi bảo tôi “ phải hàng ngày kèm cho nó”. Cung học kém, nhưng lại hoạt bát và biết nhiều thứ mà chúng tôi mù tịt. Cung biết làm nhiều thứ và sẵn sàng giúp tôi, giúp mợ tôi trong công việc hàng ngày. Các em tôi đông, ngoại trừ quần áo của cậu tôi phải đưa hiệu giặt, còn tất cả quần áo của chúng tôi, tôi phải phụ vơí mợ tôi để giặt giũ, nhất là khi u già về quê, vắng nhà. Những khi ấy Cung càng tỏ ra tháo vát và giúp tôi và mợ tôi thật là đắc lực. Tôi còn nhớ Cung rất khéo tay. Cái giá vo gạo đã sứt cạp, mợ tôi muốn vứt đi để mua cái khác, Cung bảo đừng, rôì loay hoay Cung cạp lại được, bền chắc như mới. Mợ tôi khen lắm và nói đùa “ dễ thằng này làm thợ đóng cối được đấy”. Đến khi phải làm bài thì Cung khác hẳn. Cung dốt và rất hay buồn ngủ. Bản cửu trương Cung không thuộc hết nên làm toán rất chậm. Tôi mất rất nhiều thì giờ để kèm cho Cung. Nhiều lúc giảng cho Cung, tưởng Cung hiểu, nhưng khi hỏi trẹo đi một chút Cung trả lời sai hết. Tôi vừa bực mình vừa thương Cung hơn. Làm sao Cung lên lớp đây. Tôi khóc thì Cung lại thương tôi và nói :” Chị đừng lo cho em quá. Em không học được thì lớn lên em làm việc khác. Thiếu gì người không học mà vẫn giầu có. Em không lười biếng mà chị...”

        Có buổi cậu tôi đi vắng, mợ tôi đi chợ, nhà chỉ còn tôi và mấy đứa em, Cung bảo ở đây với hai bác và các anh các chị, em thật là đầy đủ, nhưng mà sao nhiều lúc em buồn quá... Tôi biết là Cung nhớ nhà, tôi phải nhắc, trên mạn ngược đánh nhau to lắm. Báo mới đăng là Pháp nhảy dù xuống Tuyên Quang. Ở đó suốt ngày lo chạy giặc, học hành không được nên Thày U em mới gửi em về đây. Em cố học đi rồi có lúc em lại về vơí gia đình em chứ. Nghe nói thế Cung buồn lắm, nước mắt lưng tròng. Tôi biết tôi đã lỡ lời, đã khơi động đến hoàn cảnh của gia đình em. Tôi ngồi im. Chiều xuống dần, tự dưng Cung huýt sáo những bài ca rất lạ. Những điệu nhạc rộn rã, hùng mạnh. Cung bảo em thuộc nhiều bài hát lắm, nhưng Thầy em bảo  con vào trong thành đi học, Tây nó ở xung quanh, mật thám như rươi, không được hát những bài hát ở hậu phương. Tây mà nó biết, nó bắt nhốt vào hỏa lò, nó đánh cho nhừ tử, mất xác như không...Những lúc như thế, mặc dù chúng tôi còn nhỏ, tôi thấy trong mắt em như phảng phất nỗi u uất, mơ hồ.  Tâm hồn em như đang chìm vào một vùng núi non nào mênh mông, xa vắng. Cung khác anh em tôi quá.Mặc dù tôi thương yêu Cung như em ruột tôi, còn săn sóc hơn thế nữa, nhưng tôi biết Cung sẽ không ở với chúng tôi lâu.

        Sau mâý năm ở thành phố, Cung đã khác, cao lên rất nhanh, trắng ra và học hành cũng không lẹt đẹt như lúc mới từ rừng núi trở về. Nhưng bây giờ lại là lúc Hà Nội nghe thấy tiếng đại bác từ đâu đó vọng về. Điện Biên Phủ, một địa danh nào xa lắc ở miền thượng du được nhắc đến hàng ngày. Chiến tranh tạm thời chấm dứt. Việt Nam chia đôi. Ai đi ai ở. Cậu tôi nhất định  đem gia đình đi Nam. Anh lớn tôi học trương Albert Sarraut, phải bỏ ngang để đi trước vào Nam, sửa soạn đón gia đình vào. Giưã lúc âý thì có thư của chú tôi từ hậu phương gửi về. Mợ tôi đưa thư cho tôi đọc như sau :
       “ Kính thưa anh chị,
          Trứơc hết vợ chồng em kính thăm sức khoẻ của anh chị. Sau chúng em xin đa tạ sự cưu mang của anh chị đối với cháu Cung. Mấy năm trời ròng rã, anh chị đã không quản khó khăn, tốn kém nuôi cháu ăn học. Anh chị đã săn sóc cháu không khác gì cacù con của anh chị. Từ  manh quần, tấm aó, cho đến miếng ăn thức uống, các cháu con của anh chị thế nào, thì cháu Cung cũng  được y như thế. Công ơn ấy vợ chồng em xin khắc dạ ghi tâm.
Nay đất nước đã hoà bình, nhưng anh em ta lại không được cơ hội đoàn tụ, chúng em rất lấy làm tiếc. Chúng em biết gia đình anh chị sắp đi Nam, đó là quyết định của anh chị, em không giám cản. Duy có một điều, xin anh chị cho cháu Cung ở lại. Máu chảy ruột mềm, chúng em muốn cho cháu về đoàn tụ với gia đình, có rau ăn rău, có cháo ăn cháo. Xin Thầy U phù hộ cho gia đình anh chị gặp được mọi điều may trên xứ lạ quê người...”.

      Sau lá thư này, Cung vừa quấn quýt , bùi ngùi giữa anh em chúng tôi, vừa có những vui thầm mong chóng đến ngày đoàn tụ với cha mẹ và mấy em nhỏ của Cung. Cung thu nhặt tất cả những tấm hình của Cung, của gia đình tôi. Cả tấm hình em bé của tôi chưa biết ngồi, lúc chụp phải độn gối hai bên, miệng thì chảy rãi, Cung cũng xin cho “ đủ hình các anh, các chị”. Riêng tôi, tôi xếp cho Cung những thứ cần dùng như áo len, sách vở và dặn Cung phải tiếp tục học cho đến nơi đến chốn. Mợ tôi còn mua thêm những món quà “ để tặng cho chú thím ấy...”.

        Như đã sắp đặt sẵn, Mợ tôi và tôi đưa Cung sang bên kia Gia Lâm, hẹn gặp nhau tại một quán tranh ở giưã cánh đồng. Trước khi đi cậu tôi nhắc là đừng có ở lâu. Liệu mà về cho sớm. Chúng tôi xuống xe ở ngoại ô Gia Lâm, trên đường đi Phòng ( Hải Phòng ). Người dẫn đường đi trưóc, chúng tôi đi sau. Bước những bước chân trên con đường mòn, hai bên có những thưả ruộng mới gặt. Nhưng gốc dạ buộc chụm từng bó xếp đều như bất tận. Mùi lúa mới thơm nồng. Những đàn chim sẻ bay từng đàn, chao lượn thật khéo, từ trời cao sà xuống kiếm môì. Ở đây nhìn về Hà Nội mờ xa, im ắng lạ lùng khiến tôi muốn ngợp trong cái mênh mông cao rộng của đất trời. Hồn tôi như bị cuốn đi theo từng cơn gió thổi. Tôi bỗng nhớ quá những ngày tản cư năm nào... Đi đã khá xa, tôi và Cung khiêng cái va-li quần áo cuả Cung, rất nặng, đôi  chân tôi đã bắt đầu mỏi. Người dẫn đường bảo “ nếu cô mỏi chân thì bỏ guốc ra mà đi chân không. Chả bao đỗi nữa đâu. Ăn dập bã trầu thì tới...”.

        Qua khúc quanh, cái quán tranh nằm ẩn dưới bóng mát cuả một cây đa hiện ra. Rẽ vào con đường nhỏ. Dưới gốc đa có cái miếu nhỏ, xây gạch. Một bát hương đầy ứ những chân hương đỏ quạnh. Chúng tôi bước tơí. Từ trong lều tranh, một người đàn ông mặc quần áo nâu  bước ra, không phải giới thiệu tôi cũng biết đây là chú Tấn. Chú giống cậu tôi như hai giọt nước, chỉ khác là chú cao hơn cậu tôi, đen và nét mặt thì buồn bã.Tôi còn đang bỡ ngỡ thì mợ tôi đã lên tiếng : “ Kìa chú...”. Chú Tấn mỉm cười. Cung thì lí nhí kêu “ bố “.  Mợ tôi trao những món quà cho chú Tấn. Chú nhìn tôi rất âu yếm. Tôi thấy chú vừa rất thân lại vừa thật là xa lạ. Chú nhìn tôi và bảo :” Chị Kim lớn rồi đấy, Xinh lắm. Chị hơn thằng Cung hai tuổi, năm bay đã mười bốn, tuôỉ ta. Chú cũng xin cám ơn cháu đã mất công kèm thằng Cung hộ chú...” Mợ tôi rất là chu tất, ngoài nhưng món quà như aó quần, trong một bao thư còn có ít tiền và cái đồng hồ đeo tay của cậu tôi gưỉ cho chú ấy. Một bữa ăn đơn giản cũng được bày ra trên mấy tờ giấy báo, gồm bánh mì, giò lụa, bánh dầy và chuối. Cung tỏ ra sành sỏi trong việc bày bữa tiệc này. Mọi người lấy những mớ rạ khô làm ghế ngồi. Chú Tấn vui cười, nhưng ăn rất ít. Trong câu chuyện, tôi thấy mấy lần chú nhắc đến Cô Kim Chung, đào cải lương. Chú bảo :” Ở trên rừng nhớ về Thủ Đô, chỉ mong có lúc thành công để lại được về Hà Nội nghe cô Kim Chung hát.”. Mợ tôi bảo rạp Quảng Lạc đã đóng cửa, thu dọn vào Nam rồi. Cả kép Huỳnh Thái cũng đã vào Nam...”. Nghe thế, nét mặt chú bỗng đăm chiêu, buồn bã thêm. Tôi thấy như Hà Nội với chú chỉ là Kim Chung. Kim Chung ra đi Hà Nội trở nên trống vắng, không còn là Hà Nội nữa.

 Lúc sắp chia tay ra về, tôi đưa tặng Cung cái hộp đựng bút. Đó là cái hộp đựng thuốc lá Craven A, cậu tôi cho hồi Tết. Tôi rất quý hộp bút này và Cung thèm lắm. Tôi gói  hộp bút này trong một cái hộp giấy và đưa cho Cung. Cung trân trọng cầm lấy cái hộp, nét mặt hân hoan. Cung mở ra. Trong đó có ba cái bút chì vàng có đầu tẩy, một cái bút chì xanh-đỏ, một cái tẩy chì, một cái tẩy mực, cái bút máy mới tinh, quà của anh lớn tôi thưởng cho tôi khi tôi trúng tuyển vào Đệ Thất trường Trưng Vương. Và dán dính trong nắp hộp là bản cửu chương với những nét bút chì đỏ gạch dưới những hàng mà Cung thường không thuộc. Cung khẽ đóng cái hộp lại, nhìn tôi và nói nhỏ :” em xin cố gắng để chị được vui lòng “. Tôi nắm tay em, bóp nhẹ và bỗng dưng tôi muốn khóc. Nước mắt không dưng cứ ứa ra. Tôi nhìn Cung, em cũng tự nhiên nức nở.

Trời đã chiều, mợ tôi đon đả đứng lên :” Thôi chú ở lại vui vẻ. Vào tơí trong ấy chúng tôi sẽ bảo các cháu viết thư ra cho chú thím biết...”Người dẫn đường tiễn chúng tôi đi.
Tôi không dám ngoảnh lại, cứ cắm cúi mà đi. Nắng đã nhạt.Trong gió đồng như đã có thoảng  lạnh chút hơi may. Những con nhái bắt đầu kêu lên đâu đó râm ran. Tới đường cái chính, trước khi lên xe trở về Hà Nội, tôi dừng lại nhìn về cái quán giữa đồng xa tít, lẫn vào vơí bóng cây đa đen thẫm. Không biết chú Tấn và thằng Cung đã biến đi đâu mất từ hồi nào. Trong tôi bỗng bàng hoàng, tê tái. Thế là tôi xa cách em tôi ư. Sài Gòn và Hà Nội mấy ngàn cây số, biết có khi nào chúng tôi gặp lại được nhau. Cầu Long Biên trập trùng đen sẫm hiện ra trước mặt. Xe chui vào lòng cầu. Những thanh gỗ kêu rập rình dưới bánh xe. Con sông Hồng Hà cuồn cuộn tối om ở dưới xa làm tôi kinh sợ. Thành phố nhộn nhịp, ồn ào xe cộ, nhưng trong lòng tôi vẫn là hình ảnh cái quán rơm xiêu xiêu đơn độc giữa đồng...

        Cuộc sống mới ở trong Nam với biết bao bận rộn. Anh em tôi tám người, đã quá đông, mợ tôi lại đẻ thêm thằng Cu nữa. Chín anh em, Thằng Cu kém ông anh lớn của tôi vừa đúng 20 tuổi. Lương công chức một mình cậu tôi không thể nào đủ. Ông anh lớn của tôi phải vừa đi học, vừa đi làm. Tôi mới đậu xong Trung Học cũng thi vào Sư Phạm để có thêm phương tiện chi tiêu cho cả gia đình. Cuộc sống như thế cứ tất bật cuốn hút đi một cách rất vội vàng, nên chúng tôi ít có thì giờ mà nghĩ ngợi, nhớ nhung gì nữa. Thỉnh thoảng, tình cờ câu hát của Hoàng Dương “ Hà nội ơi, nhớ về thành phố xa sôi...” làm lòng tôi chùng xuống, và chỉ khi ấy tôi lại thoáng nhớ đến Cung. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng không có gì phải lo lắng cho nó nữa. Nó sống với cha mẹ chứ có bơ vơ đâu.

         Cho đến ngày 30 tháng Tư năm 75 thì cậu tôi đã về hưu. Anh em chúng tôi đa số đã có gia đình, con cái. Trong nỗi cực nhọc vật lộn với cuộc sống, may mắn là anh em chúng tôi học hành cũng không tệ lắm. Thằng Cu vừa 18 tuổi, thi vội vàng nhưng cũng đã vừa xong tú tài hai. Còn những người trên nó, người thì kỹ sư, người thì nha sĩ, nhưng mới ra nghề, còn bận bịu với quân vụ, còn nghèo. Và cuộc đổi đời ập tới. Miền Nam sụp đổ. Phút cuối cùng, anh em tôi, hầu như tất cả đều thoát đi được bằng đường biển trên con tàu chiến do người bạn của chồng tôi làm Hạm Trưỏng. Lại một lần nữa đối diện với những khó khăn, bỡ ngỡ để mưu cầu sinh tồn trên đất lạ.Đến khi chúng tôi ổn định đưọc cuộc sống, các con tương đối đã trưởng thành, thì nhìn lên mái tóc mình đã thấy bao nhiêu là sợi bạc. Chẳng ai có thể nghĩ đưọc rằng những khó khăn trùng điệp như thế mà chúng tôi đã may mắn vượt qua. Có bao giờ chúng tôi dám nghĩ là có lúc mình, cả gia đình mình  lại sinh sống trên đất Mỹ, lại là công dân Mỹ nữa. Thời cuộc quả là một cơn lốc cuồng bạo, nhưng cũng là một cơn lốc vạn năng. kỳ diệu, lạ lùng.

        Dần dần cơn cuồng nộ đảo điên cũng từ từ nguội lại.Những người một thời không có đất sống tại quê nhà, phải liều chết ra đi thì nay đã ào ạt trở về thăm lại quê xưa. Nhưng với tôi, Saì gòn hơn hai mươi năm sinh sống cưu mang, giờ chỉ lưu lại trong lòng   những khuôn mặt bạn bè. Vui thì vui đấy nhưng không có nhưng xót xa nhung nhớ. Phải chăng Saì Gòn, cũng như tất cả Miền Nam, người dân Miền Nam sung túc quá, dễ dàng quá, ngày tháng trôi đi êm ả, nên không có những khúc mắc băn khoăn sâu đậm in lại trong lòng. Hay tại Miền Nam hai mùa mưa nắng cách biệt như trắng với đen, không có những buổi giao mùa mêng mang nhung nhớ. Hay chính tại tôi, anh em tôi, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn, không có những bà con thân thuộc ở những vùng quê để về chơi, để nhớ lại. Và, như tôi đã đọc đâu đó rằng bản chất của một người đưọc hình thành trong khung cảnh sống từ khi sinh ra cho đến trên mười tuổi. Qua tuổi đó, người ấy có bị đem đi đâu, xa bao nhiêu đi nũa, người  ấy vẫn là con người  với những suy tư, cảm xúc có từ những năm bé dại. Điều ấy có lẽ đã khá đúng vơí tôi. Tôi sinh ra tại Hà Nội. Tôi đã lớn dần với tháng năm,  những mùa xuân thơm, tưng bừng hoa cỏ. Những trưa dài nắng hạ chói chang, nhạt dần trong tiếng ve kêu oi ả. Những sáng sương pha thật mỏng,se sắt heo may lúc tàn hạ, vào thu. Và những ngày đông , nhìn qua cửa sổ để thấy cái rét mướt đã về, đãphủ khắp thành đô. Mưa nghiêng nghiêng bụi trắng.Những bước chân son  dón dén bên kia đường, những bàn tay xinh cuốn ủ trong tà áo dài len Mông Tự . Và dù chẳng ngóai cổ nhìn ra, tôi cũng biết qua những hàng liễu rủ,  Hồ Gươm mêng mang nước trắng ngập đầy. Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn lung linh như muốn tan đi trong khói sóng, lẫn với tiếng mõ, tiếng chuông mờ tỏ gần xa.Và với tôi, giữa khung trời ấy, tôi còn thấy đầy ắp những ngày thơ dại bên mợ tôi. Những buổi cậu tôi đi đánh bài cả ngày, mấy mẹ con ngồi trên gác ăn ngô nướng, nghe mợ tôi kể chuyện ngày xưa. Tôi không thể không nhớ đến Cung, đứa em con chú rất chịu khó, rất dễ thương, nhưng cũng làm tôi buồn phiền không ít vì sự lơ là lười học của nó. Bao nhiêu kỷ niệm lại hiện về. Tôi còn như thấy rất rõ hình ảnh cái lều tranh xa tít, ở giữa cánh đồng mêng mang, gió chiều thổi lạnh. Tiếng ếch nhái kêu râm ran như vang động cả bầu trơì hôm tôi tiễn em lần cuối.Tôi nhớ nó quá, chắc tôi phải trở về thăm lại nơi tôi đã sinh ra. Hà Nội, hai âm thanh ấy, từ bao lâu chìm khuất, nay đang hiện lên như những nốt nhạc vui, và cũng chất chứa những bùi ngùi, mời gọi. Tôi phải về. Tôi sẽ cố gắng thu xếp, tằn tiện để về thăm lại Hà Nội, ít nhất là một lần, như một giải tỏa niềm ẩn ức bấy lâu chất chứa ở trong lòng. Thếù nào tôi cũng về.


            Hà Nội ngày trở lại.
Bữa tiệc đoàn tụ đã tan. Mọi người lần lượt ra về. Trong phòng khách sạn chỉ còn có vợ chồng tôi và Cung. Cung  ngồi gần cửa sổ, ánh sáng ở ngòai chiếu vào làm khuôn mặt Cung tối lại. Bên ngoài là bầu trời đục, thỉnh thoảng có những làn gió thổi vào, mang cái hơi hướng của Hồ Gươm thóang đãng, gợi nhớ những nỗi bâng khuâng. Cầm ly nước xoay xoay, nghiêng mái tóc đã gần như trắng hết một bên đầu, Cung nói :” Chị Kim biết em mà. Em vụng lắm. Vụng làm, vụng tính. Giá em cứ ở lại với hai bác, cùng các anh, các chị vào Nam thì mọi sự đã khác. Đời em nếu không được như các anh, các chị, nhưng không khốn khổ như thế.” Giọng Cung nhỏ nhẹ, êm đềm. Tôi ngồi tựa lưng vào thành giường. Chồng tôi nằm nhắm mắt, nhưng tôi biết là anh rất chú ý theo dõiù lời nói của Cung. Cung tiếp :” ...thì hôm gặp lại Thầy U em, các em của em, em mừng lắm chứ, nhất là khi chia những món quà mà hai bác đã mua cho. Nhưng không bao lâu, em lớn bùng lên hồi nào không biết nữa. Nghe lời chị dặn, em cố học và em cũng trở thành ông thầy giáo. Nhưng chẳng đưọc bao lâu, cuộc chiến vét hết mọi người, em cũng phải vào lính. Nhờ có chút văn hoá em được theo ngành kỹ thuật đặc biệt, do chuyên viên Nga Sô huấn luyện. Trong lúc mọi người đi B, tức vào Nam chiến đấu, thì đơn vị em vẫn quanh quẩn ở ngoại ô Hà Nội. Không dám hở môi, chứ Thầy U em, cũng như em, (lúc ấy em chưa lấy vợ)ï, mừng là không phải đi chết ở trong Nam.  Nhưng cuộc chiến mổi lúc mỗi thêm ác liệt. Có lúc như dịp lễ Giáng Sinh, hầu như cả đất Bắc ăn bom Mỹ. Bom dội xuống Đấu Xảo, Khâm Thiên, Bạch Mai. Chỗ nào cũng ngập tràn khói lửa, chết chóc, tang thương. Hà Nội cắn răng và run lên trong khốn khổ.  Còn những người đi Nam, chỉ có đi mà không có ai về. Kinh khiếp quá. Dân Bắc kinh sợ Mỹ và oán Đảng. Xâm lăng Miền Nam làm chi. Đụng vào Mỹ làm chi, thắng đâu không thấy, chỉ thấy những lửa đạn ụp lên đầu mình. Ở ngoài này như thế, trong Nam chắc cũng bao tang thương. Em nghĩ đến các anh, sao tránh được con đường lính tráng. Nhưng cuộc chiến đã xoay chiều. Muà xuân năm bảy lăm, quân Miền Bắc aò ạt tấn công Miền Nam. Và Miền Nam sụp đổ nhanh quá. Đầu tháng Tư, đơn vị em được lệnh cấp tốc vào B. Xe đi suốt ngày đêm trên lãnh thổ Miền Nam như chỗ không người. Tuị em dừng quân cách Sài Gòn chưa quá 20 cây số. Đêm đêm nhìn ánh đèn từ Sai Gòn bừng lên sáng rực, em nhớ đến hai bác và các anh các chị vô ngần. Rồi những cánh quân khác kéo về, sửa soạn tiến vào Sài Gòn. Hôm ấy đâu như 27 hay 28 tháng Tư, đơn vị cửa em được lệnh khai hoả.  Bắn một loạt rồi rút chạy ngay, sợ máy bay từ Miền Nam lên oanh tạc...”  Cung không nói rõ đơn vị của Cung là đơn vị gì.Nhưng nghe đến đây chúng tôi bỗng nhớ đến loạt hoả tiễn của Cộng quân phóng vào Sài Gòn. Một quả rơi trong khu trại Cửu Long, chỉ cánh nhà chúng tôi có một mặt đường. Thật là kinh khiếp. Chúng tôi muốn tiếp lời của Cung.Vợ chồng tôi nhìn nhau, rồi tôi bảo :” Thì anh nói đi...”. Ông xã tôi ngồi dậy, bật thêm một ngọn đèn, căn phòng trở nên sáng hơn, như vừa qua một cơn mê kinh dị. Anh nói :ï”Anh không thể nào quên đuợc, đó là đêm 28 tháng Tư, không phải phiên trực, nên anh ngủ ở nhà. Nhà anh trong cư xá Hải Quân, ở ven sông Sài Gòn. Lúc ấy, theo dõi tình hình chiến sự, anh biết là Sài Gòn đang bị bao vây. Giờ Sài Gòn tan nát sắp đến. Cộng quân đã ở bên kia cầu Sài Gòn. Vào lúc giưã đêm, những lọat hỏa tiễn từ ngoại ô phóng tới. Giữa tiếng còi báo động rú lên, anh nghe tiếng rít như xé nát bâù trời, và tiếng nổ kinh hoàng bùng vỡ. Tiếng đất đá rơi ào ào trên mái tôn. Mấy đứa con anh chui cả xuống gậm giường... Không hiểu sao anh lại rất bình tĩnh như sẵn sàng đón nhận số phận sẽ đến với mình, với gia đình mình...”. Nghe đến đó thì mặt Cung bỗng xanh nhợt. Cung kéo hai mảnh áo ấm và ngồi thu mình lại. Thấy vậy ông xã tôi ngưng nói và nhìn chăm chú vào mặt Cung. Mặt Cung càng xanh hơn và toàn người Cung run lên như vừa lên cơn sốt. Một lúc sau, như định thần trở lại, Cung hỏi như một phản xạ tự nhiên :” Thế lúc ấy hai bác ở đâu..”. Vợ chồng tôi cùng cười và tôi nói ngay:” Cậu mợ chị và cả nhà ở ngoaì phố. Sài Gòn thiệt hại nhiều, nhưng nhà mình thì không sao...”

        Câu chuyện giữa chúng tôi lắng lại. Chúng tôi cũng không gặng hỏi xem đơn vị của Cung là đơn vị gì, pháo binh hay tên lửa. Ngoài trời đã tối. Cung nhớ lại những ngày xưa cũ và tiếp tục nói :” Như anh chị thấy mấy đứa em của em nó không giống em. Tụi nó khổ hơn em nhiều. Tụi nókhông có những kỷ niệm êm đềm, đầy đủ như chị em mình đã có.  Em còn nhớ những buổi sáng u già bưng một khay sôi lúa từ ngoài cưả vào. Bát nào cũng đều nhau như đong. Mỗi người một bát, trong đó có một bát của em. Ăn bát sôi như thế, người ấm hẳn lên, em nhảy chân sáo đến trường, xếp hàng nghiêm chỉnh rồi hát quốc ca. Thầy hiệu trưởng đứng  trên bục, thẳng như tượng, mắt hướng lên lá quốc kỳ. Quốc ca dứt, cả truờng im ắng không một tiếng động...Bây giờ em là thầy giáo, em càng thấy nhớ không khí ngày xưa ấy. Không có nữa đâu chị ơi. Em nghĩ chị chẳng nên đến thăm trường cũ làm gì. Buồn chết... Còn Thầy em ư. Từ hậu phương về Hà Nội, ông càng trở nên buồn bã. Có những hôm một mình trên cái sân gác sau nhà, ông đem cây đàn mandoline cũ ra gảy. Tiếng đàn lúng búng, quấn quýt, hòa trong tiếng hát khàn đục của ông, một bài hát thật xưa cũ :” Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm. Chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca...” Ông càng ngày càng ít nói hơn. Ông rất quý cái đồng hồ cuả bác trai gửi cho. Sau này cái đồng hồ ấy hư không chạy được nữa, ông vẩn cất rất cẩn thận. Khi thầy em mất, chúng em đeo cái đồng hồ ấy vào cổ tay cho thầy em...”

        Trong mấy ngày lưu lại Hà Nội, chúng tôi có nhiều lúc ngồi cùng Cung ôn lại những tháng ngày qua, lòng tôi như lần giở những trang sách cũ. Nỗi bồi hồi chen lẫn những buồn chán, bâng khuâng. Trong tôi như vừa đánh mất một cái gì quý lắm, nhưng tôi lại không hề tiếc nuối. Lòng tôi nhẹ tênh. Buổi tối trước khi trở lại Hoa Kỳ, chúng tôi ra ngồi uống nước ở bờ Hồ Gươm. Trong bóng tối của một tàn cây, gió hồ thổi mát, hồn tôi lãng đi và bỗng thấy mình sống lại những ngày mới lớn. Lúc âý và chỉ lúc ấy mà thôi, tôi mới thấy tôi còn liên hệ tới chốn này.

                                                                                                Phan lạc Tiếp
                                                                                                Viết thay cho bà xã.
                                                                                                25/2/2002




No comments: