Monday, September 3, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN BÍNH

 NGUYỄN BÍNH
(1918 - 1966)


Trước 1945, Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn, thơ ông mang màu sắc thôn quê Việt Nam và những mối tình thơ mộng. Thơ ông có cái óng chuốt của nghệ thuật Kiều và ca dao. Khác với một số nhà thơ, sau 1945, ông vẫn tiếp tục sáng tác, và sáng tác rất nhiều. Sau 1945, ông ở nhà Đông Hồ rồi ra bưng hoạt đong. Một thời gian sau, ông thôi làm việc nhưng vẫn ở trong bưng.
         
Năm 1954, ông được lệnh ra bắc tập kết. Năm 1956, ông làm chủ bút Trăm Hoa, sau cộng sản đứng sau lưng ủng hộ, muốn lái ông chống lại Nhân Văn, nhưng ông không tuân lệnh. Đã thế sau đó ông còn viết những bài chống đảng trên Trăm Hoa. Do đó ông bị đưa về ty Văn hóa Nam Định. Ông bị hạ tầng công tác nhưng chưa đến nỗi bị treo bút hay bị tù cho nên sau đó thơ ông vẫn được in. Tại đây ông sống trong đói rét, bệnh tật cho đến ngày buông xuôi hai tay. Trước kia ông có vợ để lại miền Nam, ra bắc dan díu một mối tình, sinh một trai, sau hai bên bỏ nhau, nguời đàn bà bước đi bước nữa, Nguyễn Bính nuôi con. Từ khi về Nam Định, Nguyễn Bính buồn lắm, thường rượu chè say sưa. Trong cơn túy lúy càn khôn, một hôm,ông đem con ra đường giao cho một người lạ mặt. Tỉnh dậy, biết mất con, lòng đau như cắt nhưng sự đã rồi (Tô Hoài, Cát Bụi Chân Ai, 60-66)! Ông đã theo đảng, phục vụ đảng, nhưng dẫu sao ông cũng là người có chút sĩ khí!
Sau 1945, ông viết:
Thơ:
Ông Lão Mài Gươm , 1947
Đồng Tháp Mười, 1955
Trả Ta Về, 1955
Gửi Người Vợ Miền Nam, 1955
Tình Nghĩa Đôi ta, 1960
Đêm Sao Sáng, 1962
Truyện thơ:
Trông Bóng Cờ Bay, 1957.
Tiếng Trống Đêm Xuân, 1958.
Chèo:
Cô Son, 1961.
Người Lái Đò Sông Vỵ, 1964.
Sau 1945, Nguyễn Bính thay lốt. Lúc này ông chịu ảnh hưởng cộng sản sâu đậm, ông mang lý tưởng vì dân vì vì nước. Ông ví ông như con tằm. Con tằm ngày xưa dệt lụa cho vua quan, còn con tằm Nguyễn Bính mơ ước đem tài năng phục vụ nhân dân. Thơ ông hầu hết là thơ tuyên truyền:
Xót xa thay, xưa họ lấy hồn tôi,
Xe những sợi tơ đàn kỹ nữ.
Mê hát xướng, những chàng tuấn tú
Đêm liền đêm, rượu thịt say sưa.
Họ dệt tôi thành những tấm khăn tơ
Thêu nắn nót đôi trái tim rướm máu
Mủi tên cắm gửi tặng người yêu dấu
Họ lại may thành những tấm long bào
Khoác lên mình những kẻ ngự ngôi cao
Chuyên vui sướng trên máu xưong trăm họ.
. . Cách mạng nổi một mùa thu gió bão
Gông ách xưa đều gãy đổ tan tành
Tôi, con tằm, ăn những lá dâu xanh
Của dân tộc do mồ hôi nước mắt
. . . Người hãy gắng quay tơ mà dệt lụa
Xin hiến trọn cuộc đời tôi bé nhỏ
Cho cờ thiêng, cho áo ấm cho người!
( Đêm Sao Sáng , Con tằm, 1947)
Không biết lúc cuối cuộc đời, Nguyễn Bính đã làm con tằm phục vụ nhân dân hay chỉ phục vụ bạo quyền?
Sau 1945, ông cũng như đám nịnh thần xung quanh lãnh tụ, ngày đêm viết thơ tuyên truyền. Ông tin tưởng Hồ Chí Minh , tôn xưng ông Hồ là ‘'cha già phương bắc’':
Có ai về tới cha già,
Dừng chân tôi gửi kính cha đôi lời
Một vầng nhật nguyệt sáng soi
Cứu dân thoát khỏi cuộc đời tối tăm .
Nguyễn Bính ca tụng chiến khu Đồng Tháp:
Giữa mùa thu xuân dất nước khoe tươi
Sáng ra Đồng Tháp mặt trời lại lên
Dân ta giành được chính quyền
Gieo mùa hạnh phúc xây nền tự do.
Gây dựng lại cơ đồ Đồng Tháp
Người dân cày mở mặt từ đây!
( Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp mười, 1949)
Nguyễn Bính ca tụng những bà mẹ chiến sĩ.
Lưng bà đã còng lắm
Tóc bà đã bạc rồi
Bà đi thăm chiến sĩ
Lội bộ nửa ngày trời
. . . Này đây mớ thuốc tấp
Này đây chục trứng gà
Khăn thêu của mấy đứa
Các con chia đều ra.
(Đồng Tháp Mười, Mẹ, 1949)
Phần nhiều những bà mẹ này có tiền của, lúa gạo mà nuôi bộ đội và cung cấp cho lãnh đạo. Ngoài bắc, các bà mẹ chiến sĩ cũng được ca tụng nhưng rồi sau cải cách ruộng đất, những bà mẹ chiến sĩ này đã trở thành địa chủ phú nông, chết oan uổng dưới bàn tay của đảng như mẹ Nguyễn Thị Năm tại Thái Nguyên đã nuôi dưỡng Hồ Chí Minh, Trường Chinh và trung ương đảng!
Nguyễn Bính tả cảnh chia ly khi cán bộ trong nam tập kết ra bắc:
Xã Vĩnh Bình cờ bay đỏ chói,
Sông Chắc Băng vang dội tiếng tàu.
Câu hò giọng hát chen nhau
Đoàn quân tập kết Cà Mâu lên đường.
(Đồng Tháp Mười, Chung một lời thề, 1954)
Năm 1957, Nguyễn Bính xuất bản ''Gửi Người Vợ Miền Nam'' , là đề tài chống Mỹ, trong đó cũng có chút tình cảm riêng tư, nhớ vợ, nhớ con ở lại miền Nam:
Tôi từ cách trở miền Nam,
Quê nhà lửa xém vườm cam bao lần.
Cây rừng mây núi khôn ngăn,
Trông về con mắt đăm đăm từng giờ.
Vợ tôi giăng võng gốc dừa
Đặt con tôi ngủ giữa trưa mùa hè.
. . . . Quân thù bắt lính dồn xâu,
Đạn thù nghiến đứt mấy tao võng rồi!
Lao trong lửa đạn bời bời
Vợ tôi ôm chặt con tôi vào lòng.
Thương con lại nhớ lời chồng
Lãy thân làm bức thành đồng che con.
( Đêm Sao Sáng, Trưa hè, 1956)
Ngày đi tập kết ra đây,
Mang theo chiếc nón tự tay em chằm.
Bây giờ đã trải ba năm,
Chiếc nón em chằm chưa ngả màu sơn
. . . ‘ Bắc Nam sum họp một nhà’
Ẩn trong mỗi chữ bao là tình sâu!
(Đêm Sao Sáng, Chiếc nón,1957)
Trong ''Đêm Sao Sáng'' cũng có những bài thơ hoàn toàn lãng mạn, hoàn toàn riêng tư, không hề có một chút chính trị xen vào:
Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao.
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh,
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con vịt lội giữa giòng sâu.
Sao Hôm như mắt em ngày ấy,
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu!
Chòm sao Bắc đảu sáng tinh khôi,
Lộng lẫy uy nghi một góc trời.
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến,
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi. . .
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm,
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền,
Trời còn có bữa sao quên mọc,
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em!
(Đêm Sao Sáng, Đêm sao sáng, 1957)
Một số bài thơ đượm tình quê hương, thoát khỏi quy định của cộng sản. Trong bài thơ này, ta thấy phảng phất hương thơm của Lỡ Bước Sang Ngang, Mây Tần. Ông xa quê mười năm vào Nam, nay ra bắc, trở lại quê xưa:
Đi đã mười năm mới trở về
Tâm tình tràn ngập bước đường quê
Nghe sao nao nức như hồi trẻ,
Níu áo theo cha buổi hội hè!
. . . Ruộng vỡ đường cày, ngõ trải rơm,
Phải đây Văn Miếu, lối vào thôn?
Đi lâu quên cả màu hoa dại,
Quên cả mùi hương gạo tám thơm!
. . . Xuân này vui tết, lại vui quê,
Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè,
Xanh biếc đầu xuân hương mạ sớm,
Đậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe.
( Trở về quê cũ, 1957)
Sau 1958, ông bị đảng trừng phạt về tội chống đảng trên tờ Trăm Hoa. Một số văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn, Giai phẩm đã bỏ nghề cầm bút, riêng ông cũng như Nguyễn Tuân vẫn sáng tác. Thơ ông lúc này cũng theo chủ trương của đảng, hô hào chống Mỹ. Có lẽ thơ ông làm theo đơn đặt hàng của đảng. Lời thơ của ông thật gượng gạo, nhạt nhẽo:
Có vô số những chàng trai mười bảy,
Tiễn cha anh, lòng trẻ cứ nao nao
Thù giặc Mỹ thèm được đi hỏa tuyến
Những bàn tay bẻ gãy sừng trâu!
Nếu mất nước thì mất tất cả
Còn gì hiện tại với tương lai.
Thân nô lệ, chỉ có xiềng, có xích,
- Giặc Mỹ kia, thề chẳng đội chung trời!
( Buổi sáng lên đường, 1965)
Lúc này, ông cũng làm một số thơ thuần túy văn chương. Thơ ông có hai loại. Một là bày tỏ tâm tình, và hai là kể chuyện.
Loại bày tỏ tâm tình như các bài thơ sau:
Tháng Ba
Mùa vải năm nay chừng đến muộn,
Chừng nghe tu hú giục xuân đi.
Nóng lòng cây gạo lìa hoa đỏ
Trổ búp tơ xanh đón gió hè
Xếp lại chăn bông cùng áo dạ,
Mở toang bốn cửa cất then cài.
Nắng lên mất thú ngồi bên lửa,
Mùa hết hoa rồi bạn với ai?
( Nam Định, 1960)
Trách mình
Còn bao nhiêu việc chửa làm đây.
Quanh quẩn vào ra hết tối ngày.
Vừa tính chuyện cơm ,toan chuyện nước,
Lại buồn khi đâu tiếc khi bay.
Có đâu thơ thẩn hoài như vậy,
Không lẽ loay hoay mãi thế này.
Mỗi sáng, mỗi thêm tờ lịch rụng,
Giật mình nghĩ lại trách mình thay!
( Nam Định, 1960)
Đây là một trong những bài thơ thành thật nhất của Nguyễn Bính. Qua bài này, ta thấy Nguyễn Bính mang tâm trạng buồn của Trần Tế Xương, và Nguyễn Công Trứ thất bại.Tuy nhiên loại này xuất hiện ít ỏi có lẽ tác giả chưa đưa nó trình làng trong thời buổi khó khăn!
Nguyễn Bính có hai loại truyện thơ. Một loại do ông sáng tác như Trông Bóng Cờ Bay, Tiếng Trống Đêm Xuân. Một loại ông kể cổ tích như Túi ba gang:
Nhân nắng xuân đầm ấm,
Vườn xuân rn tiếng chim
Chị kể cho các em
Nghe một câu chuyện cổ
Các em tìm trong đó
Những ý nghĩa sâu xa. . .
( Lý Nhân, 1963)




Thơ Nguyễn Bính sau 1945 là một sự sa đọa về tâm hồn và nghệ thuật. Sống trong chế độ cộng sản, ông phải ca tụng chế độ, do đó thơ của ông không còn tính chất thơ mộng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ta cũng tìm thấy đâu đây một vài hình ảnh đẹp của thôn quê, của tình yêu mang ít nhiều dấu tích của Lỡ Bước Sang Ngang, Mây Tần và Người Con Gái Ở Lầu Hoa. Dẫu sao, ông đã có lần chống lại bạo quyền. Rất tiếc, chúng ta chưa tìm thấy những bài thơ của ông sáng tác trên Trăm Hoa.



No comments: