Sunday, September 2, 2012

TRƯƠNG QUANG CẢNH * ĐỊNH MỆNH

ĐỊNH MỆNH
Trương Quang Cảnh



Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

(Nguyễn Du)

Thời kỳ thơ ấu, học sinh trường Khải Định và sinh viên ở đại học Phi.
Chúng ta đang ở vào tuổi mà trí nhớ có thể không còn tiếp tục minh mẫn như trước, bắt đầu quên dần dần theo thời gian những kỷ niệm trong cuộc đời. Anh Quỳnh Tiêu và Trần Văn Sơn thường nhắc tôi viết bài cho Tập San 48-55 Khải Định, tôi cứ hẹn hoài. Nay đã đến lúc tôi nhận thấy cần phải viết, trước là để bạn đọc cho vui, sau là giữ làm tài liệu cho con cháu đọc.
Sinh trưởng và lớn lên tại làng Hòa Viên, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ở nhà quê chẳng có nhiều trò chơi như ở thành thị, rảnh thì đi đánh vụ, chơi trốn bắt hay đi cỡi trâu với bạn bè ngoài đồng ruộng. Dãy nhà trước mặt nhà tôi phần lớn là các tiệm thuốc bắc của mấy gia đình người Tàu, dân gốc ở đảo Hải Nam. Tôi thích đọc sách, say mê nhất là các chuyện chưởng của Tàu. Con ông chủ nhà đối diện với nhà tôi có một tủ sách, cuốn nào cũng dày như cuốn tự điển, rảnh tôi hay sang đó đọc, không bao lâu tôi đã đọc hết sách của anh ta, có lúc phải đợi hằng tuần, sau khi anh ta đi Huế mua thêm một số sách mới có chuyện đọc. Trước mặt nhà có con sông nhỏ, chiều chiều theo mấy bạn bè đi tắm ở đó. Một hôm có con thuyền nhỏ đậu cạnh nhà, chúng tôi leo lên thuyền và nhờ ông lái đò cho qua sông. Đến gần bên kia bờ sông, các bạn nhỏ tinh nghịch này nhảy xuống và xong đứng yên xem như chân mình đã chạm đáy sông. Tôi chưa biết bơi nhưng các bạn tinh nghịch này gọi tôi cứ nhảy xuống đi, tôi cứ tưởng là lòng sông không sâu nên cứ nhảy đại xuống, hỏng cẳng sắp bị chết đuối. May thay ông lái đò nhảy xuống kéo tôi lên. Khi trở về phía bờ bên nhà, nhảy nhanh xuống bờ, trợt chân gặp phải một phiến đá đánh vào cằm. Về đến nhà không thể dấu diếm được, Ba tôi thấy vậy, hỏi cho ra lẽ rồi cho tôi thêm một cái tát nữa, xem như tôi đã ngu xuẫn không biết bơi lại liều mạng nhảy xuống sông!
Vài năm sau vì tôi bị cảnh mồ côi, nên tôi được bà Cô đem vào Huế nuôi cho ăn học, ở tại đường Âm Hồn trong thành nội. Hồi còn học đệ nhất cấp tôi rất ham mê nuôi chim. Một hôm đang đứng ở trong vườn nhà, tôi thấy một con chim mới biết bay đậu ngay trên một cành cao của cây mít gần nhất. Mê leo đuổi theo con chim, khi leo đến một cành nhỏ tôi rơi từ đỉnh cây mít xuống, may mà rơi vào hàng rào cây dâm bụt không thì ít ra cũng bị gãy chân vỡ đầu. Ông dượng của tôi thấy vậy từ nhà chạy ra, thay vì hỏi han xem tôi có hề hấn gì không, ông lại bồi cho tôi thêm một cú đá, xem như tôi đã làm một điều ngu xuẫn, mà là ngu xuẫn thật. Nhớ những chuyện này, tôi thường tự hỏi sao phản ứng của ba tôi và ông dượng tôi kỳ lạ thế. Tại sao không an ủi, lo chăm sóc cho đứa trẻ bị tai nạn trước, rồi dạy bảo sau. Có phải chăng đó là phản ứng thường tình của người Việt Nam?
Hai năm học ở đệ nhị cấp tại trường quốc học Khải Định tôi không có những kỷ niệm đáng ghi nhớ ngoài những ngày hè nóng bức và những tháng mưa dầm dề suốt ngày này qua ngày kia, không có ao mưa nào chịu đựng nổi. Vào những trưa mùa hè tôi và một số bạn thi nhau bơi qua sông Hương hay ra sau sân trường đá banh, vào mùa mưa thì cùng nhau đạp xe đạp lang thang khắp các phố phường, xem như đó là môn thể thao, giải trí vì vừa đi vừa tà tà nói chuyện hoặc mơ mộng lung tung. Chắc các bạn còn nhớ hồi đó ai cũng mơ ước học một ngành gì đó sau khi đỗ tú tài, phần lớn mong thành bác sĩ, kỹ sư để rồi trở về Huế cưới vợ đẹp, đẻ con khôn. Riêng tôi, tôi mong sau này được có dịp học ngành lái tàu biển đi đường dài. Tôi mơ đến những chiều ngồi trên bong tàu ngắm nhìn mặt trời lặn dần, từ từ chìm dưới chân trời, hay lái con tàu trong cơn bão táp, mưa gió tơi bời, mơ đến những dịp viễn du đến những nơi xa lạ trên thế giới. Mộng đó không bao giờ thành hay đúng hơn là chỉ thực hiện được một phần, đó là phần viễn du, nay đây mai đó.
Sau khi đỗ bằng tú tài I, tôi được học bổng đi học ở University of the Philippines (UP) Los Banos, Philippines. Những năm tháng ở Phi, tôi ít nhớ nhà mà nhớ nhiều hình ảnh những hàng cây phượng đỏ trong khuôn viên của trường, nhất là hàng cây phượng trên con đường chia đôi trường Khải Định và trường Đồng Khánh. (Vào năm 1997 tôi có dịp về Huế, đem qua Phi được 5 cây phượng con, tôi trồng trên lề đường trước mặt nhà, 4 cây sống được và đúng 5 năm sau, vào mùa hè năm nay, tất cả 4 cây đều nở hoa. Nhìn vào những bông hoa phượng đó tôi thường nhớ đến cảnh cũ người xưa, cảnh cũ thì còn, nhưng người xưa nay phân tán khắp nơi trên thế giới). Trong các thầy ở trường Khải Định, có thầy Cao Hữu Triêm dạy sử địa là tôi nhớ mãi, có đặc điểm mỗi khi vào lớp thầy thường thảy cái bị đựng sách xuống bàn, tiếp tục câu mà thầy đã bỏ dở lần trước. Thầy Triêm khi tả cảnh thời tiết vào mùa đông ở miền Bắc thầy hay nói câu: “ Ôi trời mưa dầm dề, rét buốc thảm thê”. Ngoài ra có thầy Phạm Văn Nhu dạy Pháp Văn. Hôm đó vào mùa mưa tôi đạp xe đạp đến trường có hơi trễ. Khổ nỗi là ngày đó tôi lại mang đôi giày cao cổ có bịt sắt. Khi đến lớp thầy Nhu đang hỏi bài, trong lớp im phăng phắc, tôi đi nhón nhén nhưng vẫn còn tiếng cộp cộp vào lớp, mọi cặp mắt đều nhìn vào tôi. Vừa ngồi xuống ghế và cố gắng thu mình nhỏ lại cho yên thân, thầy Nhu gọi tôi hỏi bài chia các động từ tiếng Pháp theo các thời gian khác nhau. Tôi đang còn bối rối về vụ đi trễ nên chia động từ không đúng. Các bạn ngồi quanh đó có vẻ lo ngại, thầy Nhu yên lặng một hồi rồi nhìn vào mắt tôi và nói: “Sao mặt mũi có vẻ sáng sủa mà lại dốt đến vậy!”
Trước khi sang học ở Phi, chúng tôi, gồm hai mươi người đã được may mắn chọn lựa từ những trường trung học khác nhau, đều phải học qua một lớp Anh ngữ tại Sài Gòn do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ tổ chức. Lớp học thường vào buổi sáng, chiều chiều rảnh chúng tôi hay ngao du trên các đường phố Sài Gòn. Một hôm ông thầy người Mỹ dạy tiếng Anh ốm không đến lớp được. Một cô người Mỹ đến lớp báo cho chúng tôi biết vậy, cả lớp, đáng lẽ phải tỏ ra lo lắng, hỏi han đến sức khỏe của ông thầy, lại có vẻ vui mừng vì có dịp nghỉ học đi bát phố! Cô này rất ngạc nhiên, giận dữ và trách chúng tôi tại sao lại có thể mừng rỡ một cách vô ý thức như vậy. Đó cũng là bài học cho tôi vì người Việt Nam mình đôi khi có những phản ứng hơi kỳ lạ, không giống ai, chẳng hạn khi thấy ai đi xe đạp té xuống đường hay bị chó rượt đuổi, phản ứng đầu tiên là cười cái đã, phương Tây thật không hiểu nổi!
Qua Phi với cuộc sống sinh viên không có gì hấp dẫn, trong 4 năm (1954-1958) tôi chỉ lo học cho xong để về nước. Chỉ có điều là tôi rất hãnh diện có một căn bản vững chắc về toán học và vật lý học mà tôi đã học được ở trường Khải Định, ngoài ra lại được bạn bè, nhất là bạn Trần Văn Sơn hướng dẫn thêm. Ở đại học Phi, tôi xuất sắc trong các môn này và thường nhận xét sao phần lớn sinh viên Phi (sau này khi học ở Mỹ tôi cũng có nhận xét tương tự như vậy) dốt toán học đến thế. Hồi đó Trần Văn Sơn học cùng lớp nhưng khác phòng. Trong phòng tôi cũng có một tay giỏi toán khác là Tôn thất Côn. Tôi thường đi chơi với Côn. Ít khi thấy ngoài giờ học anh ta thi đua giải các bài toán ở cuối mỗi chương trong sách toán như các bạn khác, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên và thán phục là khi nào thầy Trương Quang Mục có câu hỏi nào hắc búa về toán, Côn là một trong ít học sinh dơ tay tình nguyện lên bảng giải. Hình như cái đầu toán học này là do thiên phú! Sau này Côn được học bổng học về kỹ thuật công trình nguyên tử (nuclear engineering) ở Canada, một điều rất tự nhiên. Một người bạn thân khác ngồi cạnh tôi ở hàng ghế thứ nhì sau hàng ghế dành cho các cô là Phan Ứng Nghiệm. Trong thời gian học ở Phi tôi có gặp lại Trần Văn Sơn hồi đó là thiếu úy hải quân, sĩ quan trên một chiến hạm của hải quân Việt Nam đang sửa chữa đại kỳ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Subic Bay. Sơn có đến UP ở Los Banos thăm tôi. Tôi cũng có đến Subic Bay thăm Sơn và cùng đi tắm biển. Sau nhiều năm xa cách, trong những năm qua tôi may mắn có dịp gặp lại đâu đó các bạn Sơn, Côn, Nghiệm và một số các bạn khác trên quả đất tròn này.
Hồi đó học ở Khải Định tôi say mê theo đuổi một người đẹp thường mặt áo tím, một cô học trò xinh xắn với nụ cười hồn nhiên và quyến rũ. Đó là Đỗ Thị Lựu, em gái của bạn Đỗ Anh Tài. Con trai Huế khi bắt đầu biết yêu thường có những hành động khác hẳn với con trai xứ khác. Yêu ơi là yêu, nhưng ít khi mạnh dạn thổ lộ tâm tình. Chiều chiều đi học, đạp xe đạp theo người đẹp, thấy được mặt người đẹp, lượn qua lượn lại sao cho người đẹp thấy mình, thế là mãn nguyện, cảm thấy hạnh phúc rồi, hí hững đạp xe về nhà tiếp tục dở vở ra học, mơ mộng bâng qươ! Khi qua đến Phi tâm trí tôi luôn luôn hướng về cô Lựu ở Huế, không có lưu ý theo dõi các cô gái Phi. Nói chung thiếu nữ Việt Nam mình đẹp hơn các cô gái Phi nhiều, nhất là các cô gái Huế với những cặp mắt đen trữ tình, những khuôn mặt tươi thắm và mái tóc dài dưới những vành nón lá. Ở trường tôi học có rất nhiều hội nam hay nữ sinh viên (fraternities & sororities), cuối tuần nào cũng có tổ chức hội họp, nhảy đầm, đi chơi và ăn ngoài trời (picnic). Nhạc nhảy thịnh hành hồi đó là rock & roll do Elvis Presley hát (they call me a poor boy, poor boy, but I ain’t not lonesome and I ain’t blue ‘cause I could never be a poor boy as long as I’ve got a dolly like you ........... don’t have a pig, don’t have a cow. I don’t have a horse to pull a plow, but what I got is a heartful of love and memories, and that’s enough for me), và điệu twist do Chuby Checker hát (come on let’s twist again like we did last summer, yea, let’s twist again like we did last year, ...), cha cha cha và nhạc lãng mạn do Pat Boone hát (On a day like today, we pass the time away, writing love letters in the sand ... ).Thanh niên Phi học chẳng ra gì nhưng chơi đàn và hát thì không thua ai. Có lẽ đó là cá tính của người dân ở đảo, tuy nghèo, có thể sống với những gì sẵn có dưới biển và các sản phẩm từ cây dừa, cứ tà tà đàn ca xướng hát, vui ngày nào hay ngày đó, có lẽ vậy nên đất nước không khá được, mức phát triển không có nhanh so với các nước trong vùng như Mã Lai Á, Thái Lan, Singapore, và ngay cả Việt Nam. (Tôi đã có lần phát biểu nhận xét này cho một bạn đồng nghiệp người Anh, anh ta hỏi lại tôi một câu làm tôi chưng hửng: “Thế anh nghĩ sao về dân Anh và dân Nhật, cũng là dân ở đảo?!). Tôi tích cực tham gia các cuộc vui chơi này trong những năm học ở Phi, nhưng vẫn thường nhớ đến Huế, nhớ đến trường Khải Định và các bạn ở đó, và lẽ tất nhiên mộng đến người đẹp áo tím. (Trong các bạn học đồng lớp với chúng tôi hồi đó có Thu Ba. Sau này Thu Ba lập gia đình với anh Trương Đình Trân, một sinh viên xuất sắc của Khải Định, được học bổng Bảo Đại đi Mỹ học ngành vật lý nguyên tử. Hồi tôi còn học ở North Carolina (1960-62), anh Trân và Thu Ba học ở Cornell University, Ithaca, New York. Tôi có dịp gặp lại Thu Ba ở đó. Sau khi anh Trân đỗ bằng Ph. D. ở Cornell, anh được chọn để nghiên cứu thêm tại Institute of Advanced Studies thuộc Princeton University. Hồi đó Dr. Oppenheimer làm Viện trưởng Viện này. (Trong thế chiến thứ II, Dr. Oppenheimer là khoa học gia đầu đàn trong việc phát minh ra bom nguyên tử và khinh khí của Hoa Kỳ, nhưng vào những năm sau đó vì thấy thảm họa do các loại bom này gây ra cho nhân loại, ông không làm cho chính phủ Mỹ nữa và trở về Princeton dạy học.) Sau hai năm nghiên cứu ở Institute of Advanced Studies, anh Trân và Thu Ba rời nước Mỹ sang Pháp làm việc.
Trường nông nghiệp thuộc đại học Phi hồi đó có hợp đồng hợp tác với trường Cornell nên có nhiều giáo sư Mỹ sang dạy học và nghiên cứu ở UP (Los Banos), qua đấy và một số sinh viên Phi xuất sắc được cấp học bổng qua Cornell học. Một trong những giáo sư Phi có bằng Ph. D., giàu có, đẹp trai, học giỏi, xuất thân từ đại học Cornell, ngành agricultural engineering. Một hôm ông ta tổ chức cho một số sinh viên, trong đó có tôi về thăm đồn điền dừa của gia đình ông. Sau khi đi xe lửa từ trường đến ven biển, chúng tôi lên thuyền máy ra một hòn đảo gần đó. Khi đến hòn đảo ông đưa vòng tay chỉ và nói đây là hòn đảo đồn điền của gia đình ông. Ở Việt Nam tôi chưa thấy ai làm chủ quyền toàn bộ một hòn đảo. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy đất nước Phi này đã theo chế độ tư bản quá mứt. Tôi kể chuyện này, có vẻ lạc đề, nhưng tôi cũng gặp trường hợp tương tự khi tôi học ở Mỹ mà tôi sẽ kể sau.
Dạy học và du học ở North Carolina
Trở lại chuyện cô Lựu. Sau khi đỗ ra trường, tôi và một anh bạn khác được bổ đi dạy học ở Bảo Lộc, thuộc tỉnh Lâm Đồng gần Đà Lạt. Hồi đó ở Bảo Lộc vừa thành lập trường nông nghiệp do USAID tài trợ. Đó là một thị trấn chưa được phát triển, chung quanh có những đồn điền trà của một số người Pháp còn nán lại làm ăn ở Việt Nam, xa hơn nữa chỉ thấy toàn là rừng. Đêm đêm tiếng vượn hú thêm vào tiếng kêu thảm thiết của một loài chim rừng nào đó, nghe thật buồn nản. Cái cảnh sống biệt lập và cô đơn này làm tôi càng nhớ đến Lựu và có ý định tiến tới việc lập gia đình với cô ta. Một trở ngại là cô Lựu thuộc gia đình Công giáo. Không giống ở Mỹ, tự do ai theo đạo nào thì theo. Ở Việt Nam muốn lấy vợ người Công giáo phải làm lễ cưới ở nhà thờ và phải theo đạo của họ. Vấn đề nan giải là gia đình tôi không muốn tôi bỏ đạo Phật. Thế là việc cưới hỏi không thể tiến tới, mối tình đầu của tôi xem như đành phải tan vỡ. Không biết nay “người đẹp áo tím” đang ở đâu. Hy vọng gia đình Lựu đã được định cư ở Mỹ.
Trong một chuyến về Huế thăm gia đình tôi có dịp đi chơi ở Đà Nẵng. Trên đường phố Đà Nẵng tôi đang đạp xe đạp lang thang một mình thì thấy ngược dòng hai ba cô con gái đang tươi cười nói chuyện ríu rít. Một trong những cô này có dáng người thật đẹp, mũi dọc dừa, bộ mặt trái xoan, mày mi cân đối, đẹp như một hoa hồng mới chớm nở. Tôi sững sốt đứng nhìn cô ta hoài và sau đó tìm hỏi mới biết tên người đẹp là Diệm My ở Huế.
Thế là bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm mới. Về Huế tôi tìm được nhà của Diệm My, mạnh dạn đến thăm. Theo đuổi Diệm My là cả một cuộc săn đuổi đầy trở ngại. Chị em Diệm My nổi tiếng đẹp ở Huế, không nhất thì nhì ở trường Đồng Khánh, nào là Trà My, Kiều My, Nga My, rồi đến Diệm My. Ba của Diệm My ở làng Chí Long không xa làng Hòa Viên, và cũng là quê của má tôi. Ba của nàng thích săn bắn, và thường đi săn nai ở các đồi vùng Mỹ Chánh. Hồi đó vùng đồi này còn là rừng sim có nhiều nai. Mỗi lần Ba của Diệm My cỡi ngựa đi săn từ Chí Long lên Mỹ Chánh hay ghé lại nhà tôi nghỉ ăn cơm trưa. Con ngựa quen thói, mỗi lần đến nhà tôi là không muốn đi nữa, tự động dừng lại. Không biết Ba của Diệm My và Má tôi có bà con gì không, có thể là những người cùng họ (Nguyễn) cùng làng, nhưng tôi vẫn thường gọi ông bằng Cậu và mỗi lần gặp các cô My, các cô gọi tôi bằng Chú. Thế là một vấn đề nan giải mỗi khi tôi đến thăm Diệm My, lúc bấy giờ gia đình cô ta đã tản cư từ Chí Long về Huế. Làm sao mà tán hay biểu lộ tâm tình với người đẹp, mình lại có tính e lệ của chàng trai xứ Huế, thường không muốn nói thẳng ra, chỉ nhìn người đẹp, ăn nói bâng qươ, nay lại gặp tình trạng có phần rắc rối hơn, vì mỗi khi mới bước vào cửa nhà là đã nghe Diệm My chào: Thưa chú!. Muốn đổi lời nói, cử chỉ giữa chú, cháu thành anh em đâu phải là điều dễ làm. Tôi tự nhiên kẹt vào mối tình một chiều, khó lòng tiến tới được. Đây chắc cũng là một hình phạt trời dành cho tôi, tự tạo khó khăn cho mình vì có tật đeo đuổi các cô gái đẹp ngây thơ, đang ở vào lứa tuổi học trò cấp trung học!
Vào năm 1960 tôi được học bổng qua Mỹ học tại North Carolina để lấy bằng Master’s về thống kê học. Khi đến phi trường San Francisco, trong khi chờ đổi máy bay đi Raleigh, North Carolina, có một ông già người Phi trông có vẻ đạo mạo, ăn mặc chỉnh tề, có cả áo ấm khoác ngoài, lân la đến gợi chuyện. Lần đầu tiên đến đất Mỹ tôi đang ở trong tình trạng lẻ loi nên cũng thích nói chuyện với ông ta, nhất là khi ông ta biết trước kia tôi có học ở Phi nên câu chuyện càng thêm đậm đà. Ông cho biết ông là giáo sư về dân tộc học tại University of Minnesota. Ông nói ông sắp xuống phố San Francisco có việc và sẽ trở về trường trong vài hôm, nhưng không có tiền mặt sẵn để đi bus vì ông chỉ có chi phiếu du khách, muốn mượn tôi 5 đô la để về phố, khi nào về trường ông sẽ trả lại, và còn nói thêm ông sẽ gởi cho tôi một ít áo len ông không cần dùng nữa, vì ở North Carolina, theo lời ông, mùa đông lạnh lắm. Tôi thì không cần các món quà ông hứa, nhưng vì quen thói kính nễ thầy nên tôi không ngần ngại đưa cho ông ta mượn 5 đô la. Về đến trường, chừng một tháng sau, không thấy tin tức gì của ông giáo sư đại học Minnesota tôi viết thư hỏi thăm ông giáo sư và không đả động gì đến món tiền ông đã mượn. Chừng một tuần sau, bưu điện trả lại thư với dòng chữ ngoài phong bì là không có giáo sư nào tên này ở đại học! Đó là một bài học cho tôi và có lẽ cho những ai khi du hành là đừng tin những người mới gặp nhau lần đầu.
Trường tôi học ở Raleigh, North Carolina vào thời đó có một tên rất dài là North Carolina State College (NCSC) of the Consolidated University of North Carolina (UNC) ở Chapel Hill. Ở NCSC chỉ có các phân khoa kỹ thuật và nông nghiệp, ngay cả ngành thống kê học cũng chia hai phân khoa, các môn học về thống kê toán học (mathematical statistics) thì được dạy ở UNC, còn thống kê áp dụng (applied statistics) thì được dạy ở NCSC. Tuy lúc đó vẫn còn vào mùa hè nhưng trường vẫn mở một vài lớp học để sinh viên học hè. Việc đầu tiên là đến trình diện ông giáo sư cố vấn. Ông cho biết là muốn học ngành thống kê phải giỏi toán, và ông khuyên là vào dịp này nên học ôn lại Calculus và học thêm một lớp hình học. Ở trường lúc đó có hai lớp Calculus I và Calculus II. Thường thì phải học đạo hàm ở môn Calculus I trước rồi mới học đến nguyên hàm ở môn Calculus II thì phải. Ông không biết tôi có thể học hai lớp Calculus này một lượt được không, nhưng thử xem sao. Trong ba tháng hè nóng bức ở Raleigh, tối nào tôi cũng làm toán, cố gắng giải hết các bài toán trong các cuốn sách toán về Calculus và hình học. Chỉ có những buổi chiều cuối tuần tôi mới ra các quán gần trường uống bia bốc (draft beer) với các bạn học và cũng là dịp để tán dốc với các cô bán rượu bia, phần đông là nữ sinh viên ở trường làm thêm để kiếm ít tiền tiêu. Đa số sinh viên NCSC hồi đó là nam sinh viên [sau này bành trướng rộng lớn lên nên đã đổi thành North Carolina State University (NCSU)], trong gần 8,000 sinh viên chỉ có khoảng hơn 100 sinh viên nữ. Với tỉ số đó, cạnh tranh giữa đám sinh viên con trai để có một người bạn nữ sinh viên thật gay go, nhất là với sinh viên ngoại quốc như tôi bắt bồ không dễ dàng như các nam sinh viên Mỹ, lại không có xe hơi nên tôi đành phải dùng hết thì giờ và trí óc tập trung giải các bài toán. Rảnh ra thì viết thư thăm nhà, thỉnh thoảng gởi vài tấm bưu thiệp cho Diệm My, nhưng không bao giờ được hồi âm.
Tất cả ba bộ môn toán tôi đều được A. Khi đến gặp lại ông giáo sư cố vấn của tôi, vào phòng làm việc của ông, ông đứng dậy bắt tay tôi và nói: “Cảnh, tôi có lời khen anh và tôi không hiểu làm sao anh có thể học hai môn Calculus cùng một lúc mà lại đều điểm hạng A”. Ông không biết là tối nào tôi cũng làm toán đồng thời không biết tôi đã có một căn bản vững về toán từ trường Khải Định và những gì tôi đã học vẫn còn trong trí nhớ tôi. (Nói đến học toán ở Mỹ, tôi hồi đó có nhận xét rằng sách toán của Mỹ khác với sách toán của Pháp chúng ta thường dùng để học ở Khải Định. Những bài toán trong sách toán của Mỹ thường chỉ hỏi một hai câu, trong lúc một bài toán trong sách toán của Pháp thường đặt ra nhiều câu hỏi liên hệ nhau, phải giải được câu thứ nhất mới hòng giải được những câu kế tiếp, tạo cho sinh viên cách suy nghĩ có hệ thống và một đầu óc biết phân tích và tổng hợp. Có lẽ vì vậy mà ta thấy phần lớn sinh viên Mỹ thường có lối suy nghĩ rất đơn giản, không sâu sắc, chỉ chú tâm học hỏi, hiểu biết chi tiết vào một lĩnh vực nào đó nhưng ít có cái nhìn tổng thể).
Trong năm đầu của hai năm học để lấy bằng Master’s, tôi ở cùng với các sinh viên khác trong một cư xá, hai người một phòng, có phòng tắm riêng. Cũng trên một tầng lầu tôi ở, có ba người từ ba xứ khác nhau, mỗi người tôi còn nhớ một câu chuyện: anh thứ nhất người Mỹ tên là William Reynolds Jr.. Anh ta con nhà tỉ phú William Reynold chủ những nông trại trồng thuốc lá ở quanh vùng Winston Salem, North Carolina, chủ hãng sản xuất hai loại thuốc Winston và Salem. Ông ta đã cho xây tặng cho NCS một tòa nhà đồ sộ, đặt tên là William Reynold Hall, để làm văn phòng với những phòng thể thao trang bị mọi dụng cụ cần thiết cho Phân Khoa Thể Dục và Thể Thao (Department of Physical Education). William Reynold Jr. là người con trai trong gia đình chịu khó học hết đại học, số còn lại chỉ thích ăn chơi hơn là học. Anh này học ở cấp dưới tôi, kém toán nên thường qua phòng tôi nhờ chỉ dẫn. Noel năm 1962 anh mời tôi và một số bạn khác đến nhà anh ở Salem ăn Noel. Sau khi đến chào bà già anh ở đó (ông già không có ở nhà vì một năm trước, trong một chuyến đi du thuyền qua châu Âu ông gặp và theo một cô người Đức trẻ đẹp nên đã mua cho cô ta một hòn đảo ngoài khơi thuộc tiểu bang Georgia, xây nhà làm tổ uyên ương) chúng tôi đến ở một nhà khác của gia đình đại tư bản này, được xây trong một nông trại thuốc lá với hàng trăm ngàn mẫu đất. Nhà có 12 phòng ngủ, tụi tôi tha hồ muốn ở phòng nào thì ở. Gần nhà có một hồ nhân tạo để câu cá và cũng làm luôn hồ tắm, cạnh đó lại có một cái hồ thiên nhiên đủ rộng để trượt nước (water skiing). Có một buổi chiều trời vừa tối anh ta và tôi dùng xe Jeep chạy quanh trại. Lần đầu tiên tôi thấy nai chạy khắp nơi và cũng là lần đầu tiên tôi biết ở Mỹ người ta chỉ săn thú theo mùa, chứ không phải khi nào săn cũng được. Xa tận chân trời một dãy núi hiện ra trong cảnh sương mù, anh ta chỉ vào dãy núi và bảo tôi: “Cảnh, gia đình tôi cũng làm chủ dãy núi đó!”. Tôi từ Việt Nam đến, ở một nước mà mình thường cho rằng núi non, sông ngòi, biển cả là của chung không ai có chủ quyền những bất động sản này. Tôi đã từng ngạc nhiên khi nghe ông giáo sư người Phi nói gia đình ông làm chủ cả hòn đảo, nay ở Mỹ có gia đình không những là chủ của những nông trại lớn mà cả dãy núi trải dài khắp chân trời. Thật là một nước mà tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến mức kỳ lạ.
Anh thứ hai người Phi tên là Dewey Dee, anh ta đến NCSC học về ngành dệt (textile engineering). Anh này cũng con nhà giàu, phòng ở của anh có TV mở suốt ngày. Tui tôi khi nào muốn xem TV cứ việc vào phòng anh xem tự do. Anh ta có chiếc xe con và cũng là một tay chơi nên đào Mỹ khá nhiều. Gần trường chúng tôi có một trường chỉ dành cho phái nữ, không có xe hơi thì như cụt chân, có đào cũng không đi đâu được, dẫn người đẹp đi chơi bằng xe bus thì không giống ai! Năm 1978 ở Sài Gòn nhân đọc báo Newsweek, tôi thấy có bài nói về anh. Sau khi học xong, Deway Dee về làm ăn ở Phi, biển thủ các ngân hàng ở đây hơn 30 triệu đô la và chạy trốn sang Dominican Republic, một nước Nam Mỹ, sau đó lại được định cư ở Canada. Năm nay (2002) tôi đọc báo lại thấy tên anh ta xuất hiện, chính phủ Phi đang yêu cầu chính phủ Canada trục xuất anh ta trở về Phi hầu tòa. Đến nay anh ta vẫn còn ở Canada.
Anh thứ ba người Mễ Tây Cơ, tôi chỉ còn nhớ tên Rodriguez, cũng học về ngành dệt. Vào năm 1961, sau một năm học ở NCSC tôi có dịp đi Mexixo để dự phiên họp hằng năm của các nhà kinh tế nông nghiệp do International Association of Agricultural Economists tổ chức ở thành phố Cuernavaca, một thành phố rất đẹp ở gần thành phố Mexico. Tôi có dịp thăm viếng Mexico University, một trường đại học được xây cất một cách đồ sộ vì trước đó mấy năm Mexico nhân dịp tổ chức thế vận hội đã xây ngay trong khuôn viên đại học một số sân vận động, hồ tắm, khu nhà tập thể, v.v..., nay dành cho sinh viên xử dụng. Kiến trúc của các nhà cao tầng dành cho các phân khoa trông thật là tân tiến, tường nào cũng có hình chạm phản ảnh nền văn hoá lâu đời của Mexico. Đứng nhìn những bức tranh tường vĩ đại, những tác phẩm điêu khắc rải rác trong khuôn viên đại học, thấy những phương tiện mà sinh viên Mexico được hưởng, làm tôi tự hỏi khi nào Việt Nam mình có một trường đại học tráng lệ huy hoàng như vậy. Nay trở lại chuyện Rodriguez. Tôi điện thoại thăm anh ta, lúc đó đang về thăm gia đình ở đó. Anh ta mời tôi trưa hôm sau đến ăn cơm để anh giới thiệu gia đình anh luôn thể. Sáng hôm sau dậy sớm, để bụng không ăn sáng, tôi đi taxi đến thăm bạn. Gia đình của Rodriguez ở trong một villa sang trọng, vườn tược rất đẹp mắt và xây cất trong một vùng dành cho người có tiền có của. Đến nhà chỉ có Rodriguez và ông già của anh ta ra tiếp chuyện. Đợi đến trưa, bụng thấy đói, nhưng không thấy bạn đả động gì đến cơm nước. Một giờ trưa, cũng không thấy một dấu hiêu chuẩn bị gì nơi phòng ăn cạnh phòng khách. Tôi quá đói bụng, muốn chào từ giả mà không dám nói, phân vân không biết hôm trước mình có hiểu lầm lời mời của bạn không? Đến gần 3 giờ chiều Rodriguez và ông già mới mời tôi qua phòng ăn. Trong phòng ăn, mẹ và anh chị em của Rodriguez tề tựu đông đủ. Tôi được thưởng thức một bữa cơm nấu theo kiểu Y Pha Nho đặt đầy bàn ăn. Sau đó tôi mới biết dân dưới đó (và có lẽ ở Y Pha Nho cũng vậy?) họ ăn cơm trưa rất trễ. Đó cũng là bài học. Đến đâu cũng nên tìm hiểu phong tục và tập quán của nơi mình đến.
Học hết năm thứ nhất của chương trình Master’s, thành quả khá tốt. Các môn chính như toán, thống kê, kinh toán học tôi đều được A. Tâm trí tôi lúc đó đều dồn vào việc học, tối nào cũng chúi đầu vào sách vở, không có thú tiêu khiển nào khác hơn là đọc giáo khoa và làm toán. Xa nhà, xa nước, với lối sống và thức ăn không quen thuộc, có lúc tôi thấy thật lẻ loi, buồn nản. Lại càng buồn hơn khi nghĩ đến mối tình một chiều của mình với Diệm My, xem như đang đi vào ngõ cụt. Một niềm an ủi độc nhất vào khoảng thời gian đó là có một gia đình người Mỹ ở gần trường đứng ra làm gia đình chủ nhà (host family) cho tôi. Gia đình này thường mời tôi về nhà ăn cơm để biết thêm về đời sống Mỹ, tham dự những buổi ăn cơm ngoài trời, hay dẫn tôi đi đây đó xem những thắng cảnh của địa phương. Nhân dịp này tôi mới biết nguồn gốc của chương trình “host family” này. Trước khi cộng sản chiếm toàn bộ Trung Hoa lục địa, có nhiều sinh viên và giáo sư Tàu (quốc gia) ở Mỹ, trong đó có một số học về nguyên tử và hỏa tiễn. Đến khi chính phủ cộng sản lên cầm quyền, họ kêu gọi các khoa học gia và kỹ sư Tàu về nước phục vụ.Rất nhiều bác học, kỹ sư Trung quốc đáp lời mời của tân chính phủ ồ ạt về giúp nước. Chính phủ và nhân dân Mỹ ngạc nhiên tại sao những người này đều được chính phủ Mỹ hay các tổ chức tư nhân Mỹ cho tiền ăn học, nay không một chút thiết tha muốn sống và làm việc ở Mỹ. Do đó chính phủ Mỹ nghĩ đến chương trình “host family”, vận động sự hợp tác có tính cách tự nguyện của những gia đình Mỹ gần đại học, nhận lãnh sinh viên ngoại quốc, thỉnh thoảng đem về nhà, mong tạo thêm sự gần gũi để họ bớt thấy lạc lõng nơi đất khách quê người. Chương trình này không có tính cách bắt buộc đối với sinh viên nước ngoài. Ai không muốn có “host family” thì cũng tốt thôi.
Sinh viên có học bổng như tôi tương đối có đời sống vật chất thoải mái, không như một số sinh viên khác, ngoại quốc cũng như Mỹ, vừa đi học, vừa đi làm, có phần vất vã. Tôi ít quan tâm đến tình hình chính trị tại Việt Nam. Đất nước lúc đó có vẻ thanh bình, một thứ thanh bình giả tạo vì hai bên Nam Bắc đang sửa soạn và trù tính một cuộc chiến tranh lâu dài. Khoảng tháng 9 năm 1960, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy, trong vòng vận động tranh cử tổng thống đến đọc diễn văn ở NCSC có đề cập đến tình hình và vị trí chiến lược của Nam Việt Nam, xem đó là một tiền đồn của Mỹ ở Đông Nam Á. Kennedy cũng nói đến tình hình không ổn định tại Đông Dương và tình hình sôi động ở Lào do Pathet Lào gây ra.
Tuy ít nghĩ về đất nước, quê hương, nhưng thỉnh thoảng nhớ Diệm My gia diết. Buồn và nản nhất là khoản thời gian từ thu sang đông, cây cối trụi lá, cô đơn lê bước trên các đường trong khuôn viên đại học, mong sao cho thời gian trôi mau để sớm về nước. Tinh thần tôi càng xuống dốc những khi tuyết bắt đầu rơi, trời đất sao âm u đến thế! Vào những hôm như vậy tôi ao ước có một cô bạn gái để trao đổi tâm tình, để có dịp hôn vào gò má dịu dàng và làn môi nóng bỏng, hay để thưởng thức sự ôm ấp nhiệt tình, sự sờ mó của cơ thể, đụng chạm của xác thịt với một người khác phái. May cho tôi, vào đầu năm học thứ hai (1961-1962) tôi có dịp làm quen với một nữ sinh viên cùng trường. Tôi gặp cô trong một buổi nhảy đầm do nhà trường tổ chức cho sinh viên ngoại quốc. Trước khi vào phòng nhảy phải mua vé, tôi thấy một cô nữ sinh viên da trắng phụ trách bán vé, dáng người nhỏ gọn, mặt tròn hiền hậu, làn da trắng mướt với đôi mắt xanh, tóc vàng cắt ngắn, nhìn tôi cười một cách thản nhiên đầy bí ẩn. Thế là tim của anh sinh viên xứ Huế bắt đầu đập, cảm thấy đây là cơ hội hiếm có để làm quen với người đẹp, hy vọng biết đâu sau này lại có một cuộc phiêu lưu tình cảm mới. Sau khi bán vé xong cô ta cũng vào phòng nhảy để tham gia cuộc vui. Lẽ tất nhiên tôi kiếm cách làm quen và mời cô ta nhảy. Cô tên là Francis Land, 20 tuổi, trẻ hơn tôi chừng 5 tuổi, học năm thứ hai ngành sinh vật học. Tình trạng gia đình giống tôi. Mồ côi từ nhỏ, được một bà cô nuôi cho ăn học. Có lẽ vì vậy chúng tôi dễ thông cảm với nhau chăng? Dần dà hỏi thêm mới rõ cô ta là Mỹ chính cống, ở ngay tiểu bang North Carolina, tại một thành phố nhỏ không xa thành phố Raleigh. Hôm đó, tôi chỉ nhảy với Francis được vài bản và thu thập được chừng đó dữ kiện, vì người đẹp được các sinh viên khác mời nhảy rồi biến đâu mất.
Vài hôm sau tôi quyết tâm tìm Francis Land. Tôi rất muốn gặp lại Francis, nhưng hôm nhảy, vì e ngại (lại cái tính của anh chàng trai xứ Huế hay bẽn lẽn và ngại ngùng không muốn hỏi ngay những câu hỏi cần thiết lúc mới gặp ban đầu) tôi không biết làm sao gặp lại được, nay biết em ở đâu mà tìm trong cái trường đại học rộng mênh mông đó. NCSC vào năm 1960 vừa xây xong một đại học xá kiến trúc theo kiểu cao ốc, chia làm hai cánh, nam sinh viên ở West Wing, nữ sinh viên ở East Wing. Tôi lần mò đến đến East Wing tìm, nhưng được cho biết không có ai tên Francis ở đó. (Nhân đây tôi cũng muốn nói đến lối sống của sinh viên Mỹ. Năm 1966, tức 4 năm sau khi tôi tốt nghiệp, trong khi tham dự lớp học 3 tháng tại viện Phát Triển Kinh Tế của Ngân Hàng Thế Giới [World Bank (WB)] tổ chức ở Washington D.C., tôi có dịp trở lại thăm trường cũ. Sinh viên nam nữ nay có thể ở chung trong cùng một Wing, nhưng phải ở khác từng lầu. Đến năm 1972 tôi lại có dịp đến NCSC, được biết sinh viên nam nữ có thể ở chung một tầng, nhưng phải ở phòng khác nhau. Ngày nay tiến tới thêm một bước nữa, tức là sinh viên ghi tên nội trú nam nữ có thể ghi chung phòng nếu muốn! Quan hệ trai gái ở Mỹ thay đổi quá nhanh làm cho người Việt Nam mình chạy theo không kịp, có lẽ đây cũng là một vấn đề mà một số gia đình của các anh chị ở Mỹ đang gặp phải, do sự va chạm giữa một xã hội quá tự do và một nếp sống cổ truyền).
Sau gần cả tháng tìm người đẹp, hy vọng trở thành vô vọng. Anh bạn ở cùng căn nhà với tôi là Davis Bruck (sau khi ở cư xá một năm tôi và Davis, sinh viên Mỹ đang theo chương trình Ph. D. về vi trùng học, ra thuê một căn nhà nhỏ ở gần trường. David đã có lần, có lẽ muốn tôi có một cái nhìn toàn diện về xã hội Mỹ, đã lái xe cho tôi qua một vùng dân da đen ở gần Raleigh. Nhà cửa của họ thật tồi tàn, đường sá đầy ổ gà, dơ bẩn. Dân đen nhà cửa chẳng ra gì nhưng lại mua xe mắc tiền như Cadillac chẳng hạn, một phần vì họ thích như vậy, nhưng một phần, theo David, do ngân hàng Mỹ có chính sách dành mọi dễ dãi khi dân da đen vay tiền mua xe, nhưng lại rất khó khăn khi họ đến vay tiền để làm ăn. Davis Bruck nay là giáo sư tại New Yowrk State University) giúp ý kiến là nên điện thoại hỏi Văn Phòng Sinh viên Vụ (Office of Students’ affairs), may ra họ có thể cho biết tin tức của cô này. Nhờ đó tôi biết địa chỉ và điện thoại của Francis Land. Sau khi quen biết người đẹp tôi thấy đời đẹp trở lại, bớt cô đơn, nhưng đó cũng là năm tôi không còn hoàn toàn có điểm A như trước. Một vài môn có điểm B, thậm chí có môn toán thống kê (mathematical statistics) lại bị điểm C. Nhưng không sao vì đây là lần đầu tiên trong đời gặp được một người đẹp đầy thông cảm và thành thật, cùng nhau đeo đuổi một mối tình hơi lãng mạn, một mối tình dịu dàng và hai chiều. Chúng tôi được sống trong một khung cảnh đầy tự do để trao đổi tâm tình, không bị những trở ngại vì khác biệt về tôn giáo hay vì nếp sống bảo thủ như tôi từng gặp tại Việt Nam. Từ ngày tôi quen biết với Francis cho tới ngày tôi về nước, tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp và nồng nàn với cô ta mà tôi khó lòng quên được.
Chúng tôi thường đi ăn cơm trưa với nhau, cuối tuần thì theo bạn bè đi picnic những vùng quanh trường, đến thăm trường UNC ở Chapel Hill và Duke University gần đó. (Duke University là một trong những trường danh tiếng của Hoa Kỳ, có một khuôn viên xây cất bằng thép kiến trúc kiểu Gothic thiết kế thật hài hòa hấp dẫn). Đến lễ Phục Sinh chúng tôi xuống Fort Lauderdale ở Florida tắm biển (vào dịp này hằng ngàn sinh viên nam nữ từ các đại học miền Bắc kéo xuống để nghỉ xả hơi, uống bia, tắm biển, vui nhộn).
Một hôm vào dầu thu năm 1961 tôi đang ngồi học trong phòng học tại phân khoa thống kê thì Francis đến rũ đi ăn cơm trưa. Tôi định dẫn cô nàng ra quán ăn ở trước mặt trường như tôi thường làm, nhưng Francis bảo đã mua thức ăn sẵn và đề nghị chúng tôi ra công viên trường vừa ăn vừa thưởng thức phong cảnh mùa thu. Trời hôm đó lành lạnh, gió thổi nhẹ qua những hàng cây lá đang đổi màu muôn vẻ. Nhìn vào đôi mắt xanh và mái tóc vàng của Francis tôi ước mong thời gian ngưng lại cho tôi giữ được mãi khuôn mặt hiền hậu và đáng yêu đó. Chúng tôi cùng nhau đi ra công viên ở ngay giữa khu đại học, ngồi gần vòi nước phun lên cao óng ánh theo tia nắng mặt trời, tay cầm tay không nói nên lời nhưng cảm thấy thật là hạnh phúc trong khung cảnh hữu tình đó. Vào giờ ăn trưa nên có nhiều xe cộ của sinh viên và giáo sư chạy quanh qua công viên trên đường ra phố, nhìn thấy chỉ có hai chúng tôi ngồi chịu lạnh ở đó, họ bóp còi inh ỏi. Francis cứ tỉnh bơ không để ý đến ngoại cảnh, trong khi chàng trai xứ Huế trong tôi làm tôi bẽn lẽn ngượng ngùng chỉ muốn trở ngay về phòng học.
Cũng mùa thu năm đó, nhân vào dịp nghỉ hè dài ngày, chúng tôi thuê xe đi cắm trại trên vùng Smoky Mountains National Park ở Tennessee. Vùøng này nổi tiếng đẹp về mùa thu. Hai bên đường dọc theo xa lộ 40, cảnh vật sao mà kỳ diệu đến thế. Không khí trong lành mát rượi, cây lá trùng trùng điệp điệp, thi nhau đổi màu khắp nơi. Những tia nắng thông qua các cây cao chiếu nghiên nghiên xuống trên dòng suối nước trong vắt chảy dọc theo xa lộ, làm cho phong cảnh thêm phần hấp dẫn và hữu tình. Tôi còn nhớ khi lái xe qua khỏi thành phố Asheville, đến một thung lủng chỉ có mấy mái nhà chìm đắm trong màu sắc rực rỡ của mùa thu, một khung cảnh thật là quyến rũ, làm tôi thầm nghĩ đời sẽ hạnh phúc biết bao nếu sau này Francis và tôi được về sống trong thung lũng này. Tôi ngừng xe lại chụp một bức hình ghi đúng được cảnh vật lúc đó, có thể nói là diễn tả được cảm giác hạnh phúc tràn trề của người chụp hình. Sau khi về trường, nhân dịp Hội nhiếp ảnh (Camera Club) của trường triển lãm, tấm hình tôi chụp hôm đó được xếp vào hạng nhất. Hiện tôi còn giữ tấm hình, được đóng khung và treo trong phòng của tôi tại nhà ở Phi. Tối lại chúng tôi cắm trại ngủ trong thung lũng đó. Đang ngủ mơ mơ màng màng tôi nghe tiếng cào sột soạt ở ngoài lều. Francis ra dấu tôi nên yên lặng và nói nhỏ là có mấy con gấu ở ngoài đó, nghe mùi thức ăn nên bén mảng tới gần, may thay chỉ vài phút sau đám gấu nghe có tiếng người nên bỏ đi mất. Sáng hôm sau chúng tôi lái xe đến tận đỉnh núi Smoky, nơi cao điểm nên có nhiều du khách khác đến đó chụp hình hay đứng nhìn xuống những đồi núi đầy màu sắc ở dưới. Đó cũng là nơi tôi thấy một nhóm người dân Mỹ da dỏ mặc y phục theo lối cổ truyền của dân tộc họ, đi đi lại lại để du khách chụp hình và kiếm một ít tiền. Tôi đang nhìn một ông da đỏ, tướng tá bự con, cái băng trên đầu gắn đầy lông thú, khệnh khạng đến gần tôi. Anh ta cầm tay tôi, tách rời Francis ra và dẫn tôi đến một gốc cây gần đó. Với một giọng ồ ồ, ông ta hỏi: “Anh thuộc bộ lạc nào?” Tôi chưng hửng, không biết trả lời sao, định mở miệng nói đùa thuộc bộ lạc Apaches hay Coamchos gì đó, nhưng nghĩ sao tôi trả lời: “Tôi thuộc bộ lạc Việt Nam”. Anh ta gật đầu, nhưng cũng chưng hửng như tôi và chỉ nói được hai tiếng “Ah! ah!” rồi bỏ đi mất. Francis không hiểu chúng tôi đã nói gì với nhau trông có vẻ bí mật, nghe tôi kể lại chuyện cô ta cười ngất, nói diễu: “Cảnh, tôi nghĩ anh nên tìm cách ở lại Mỹ, sau này vào được dân Mỹ rồi thì sẽ trở lại đây để hội nhập vào cái bộ lạc dân da đỏ này!”
Hình như tôi có số “đồng cảm” với người da đỏ ở Mỹ. Từ năm 1985 sau khi làm việc ở Ngân Hàng Phát Triển Á Châu [Asian Development Bank (ADB)], năm nào tôi cũng có dịp qua Mỹ, có khi công tác ở WB liên hệ đến các dự án viện trợ cho Pakistan do tôi phụ trách, có khi qua thăm hai đứa con gái, thăm bạn bè hay bà con bên đó. Cách đây mấy năm, sau khi nghỉ hưu, tôi đi một vòng Lake Tahoe, Reno và Las Vegas. Nơi nào tôi cũng có ghé sòng bạc kéo máy, hay đánh xì lát để thử thời vận. Tôi biết cờ bạc phần thua nhiều hơn phần ăn nên tự giới hạn mỗi lần thua $250 thôi, sau đó kiếm gì ăn rồi đi bát phố rồi về Sacramento, nhà của chị tôi và anh rễ. Ở Sacramento hoài cũng chán, lần đó tôi lấy máy bay đi Tucson thăm một người anh họ. Ở Tucson có một casino do chính phủ liên bang cho phép các bộ lạc da đỏ gần đó mở. Một hôm tôi và một anh bạn vào casino chơi. Trong chuyến đi trước tôi đã thua $750 ở ba nơi nên hơi ớn khi nghĩ đến chuyện may rủi. Bước vào casino tôi thấy nhiều người Việt đánh bạc ở đó, tự nhiên tôi có ý nghĩ người da đỏ có cảm tình với tôi biết đâu lần này là vận may. Nghĩ vậy tôi bỏ ra $20 kéo máy. Máy tôi chơi gọi là máy “kẻ cướp một cánh tay (one-arm bandit) chơi chưa đầy nửa phút nó đã nuốt trôi của tôi $10. Tôi ngừng lại đứng dậy đi quanh trong casino tìm người bạn kéo dài thời gian... sạch túi. Gặp anh ta đang ngồi kéo máy và anh ta cho biết cũng không khá lắm. Cạnh chỗ anh ngồi có một ghế trống. Tôi ngồi xuống, vừa nói chuyện vừa lơ đễnh đút một đồng vào cái máy trước mặt tôi rồi kéo. Tôi chờ tiếng kêu rào rào của máy kéo sau đó là báo hiệu đút đồng tiền khác nếu muốn chơi tiếp. Nhưng kìa! tôi không nghe tiếng gì cả. Bỗng người bạn tôi la lớn: “Cảnh, anh trúng to rồi!” Nhìn lên thấy bóng đèn trên máy chớp sáng, và một nhân viên người da đỏ đến báo cho tôi biết tôi trúng $1000 mỹ kim. Đúng là duyên da đỏ, chẳng những gỡ được tiền thua $750 lại còn lời được $250.
Vào những ngày nghỉ lớn, khu đại học thường vắng vẻ, sinh viên Mỹ phần lớn về nhà, mọi hoạt động nhộn nhịp, những tiếng cười tiếng nói hồn nhiên của đám sinh viên bỗng nhiên ngừng hẳn. Tuần lễ trước hôm Noel năm 1961 tôi cảm thấy thật cô đơn và buồn nản, người bạn ở cùng nhà đã về New York ăn Noel với gia đình, Francis cũng đã đi, chiều chiều một mình tôi lê bước quanh trường đại học nhìn tuyết bay nhẹ như nhung trên những cành cây không lá hay bay bay xoay quanh những cột điện được trang trí đèn Noel đủ màu đủ dáng. Tôi nhớ Francis quá nên điện thoại cô ta để bày tỏ nổi lòng trống trải của mình. Tôi rất ngạc nhiên nhưng rất cảm động và mừng rỡ khi cô ta bảo tôi đừng đi đâu cả, hôm sau cô sẽ trở về trường ăn Noel với tôi. Thế là chúng tôi có cả một tuần để cùng nhau trao đổi tâm tình trong khung cảnh một mùa Noel đầy ấm cúng và yên tĩnh. Quyết định của Francis trở về trường ăn Noel với tôi không những làm tôi thấy yêu đời hơn thêm mà đó cũng là dấu hiệu của tình cảm sâu đậm của Francis dành cho tôi. Có những hành động khác, tuy có vẻ bình thường, nhưng đã làm cho anh xứ Huế cảm động và quí mến cô ta hơn, chẳng hạn như tự mình cô ta nấu phở theo đúng khẩu vị, hay có những lúc trời lạnh chúng tôi đi ăn ở các quán gần trường, ăn xong, trước khi rời của tiệm, cô ta thường đi kiếm cái áo choàng của tôi treo gần cửa ra vào để choàng vào người tôi, hay khi đi xem những buổi trình diễn nhạc kịch ở trường, cô ta thường xách theo một bình thủy để có sẵn cà phê nóng cho tôi uống.Đến giữa năm 1962, thấy ngày ra trường gần kề, và cũng là ngày tôi phải xa Francis về nước, tôi kiếm cách trì hoãn ở lại Mỹ thêm vài ba năm nữa để được gần nàng. Tôi viết đơn xin học bổng của Rockefeller Foundation, hy vọng họ sẽ cấp học bổng tiếp để học lấy cấp bằng Ph.D. Tôi cũng có ý đổi ngành, học trở lại ngành kinh tế nông nghiệp như tôi đã học chuyên ngành ở UP, vì tôi thấy ngành này dễ kiếm việc hơn, ngoài ra còn một lý do là lấy cho được cái bằng Ph.D. về thống kê không phải là dễ. Tiếc thay, Rockefeller Foundation trả lời khuyên tôi nên về nước làm việc trong vài ba năm để có thêm kinh nghiệm, họ sẽ xét việc cấp học bổng sau. Chuyện gì đến rồi cũng phải đến, cuối cùng tôi cũng phải chia tay với Francis và giả từ Mỹ quốc. Ngày tiễn biệt, Francis ra ga xe lửa đưa tôi, cả hai bịn rịn chẳng nói nên lời, nước mắt chảy vòng mi. Khi đó tôi thấy thấm thiá câu thơ của một thi sĩ nào đó trong sách quốc văn giáo khoa thư tôi thuộc lòng từ hồi còn thơ ấu, “ôi cảnh biệt li sao mà buồn vậy!” Xe lửa đưa tôi từ Raleigh đến Union Station ở Washington D.C., từ đó tôi bay đi San Francisco trên đường về Sài Gòn. Francis dặn tôi về Việt Nam viết thư cho cô và hẹn có ngày cô sẽ sang Việt Nam thăm. Về đến Sài Gòn sao tôi thấy thật “nghìn trùng xa cách”. Tôi do dự mãi không muốn viết thư cho Francis. Tôi trở về tuy có việc làm ngay, nhưng với số lương chỉ đủ nuôi thân, chưa thuê nổi một căn phố hay phòng riêng để ở thì làm sao tiếp đón người yêu nếu cô đến Sài Gòn. Mặc khác tôi suy nghĩ và tự kết luận rằng mối tình tuy ngắn nhưng đẹp đó kết cuộc rồi sẽ không đi tới đâu, kéo dài chỉ làm cho hai người thêm khổ. Có lẽ vì mình học ban B, đầu óc khi nào cũng lý luận, thường suy nghĩ quá nhiều trước khi hành động. Mỗi khi nhớ lại chuyện tình này tôi thấy mình thật là “cà chớn,” phụ tình vì không dám hành động theo tình cảm của con người. Nếu hồi đó tôi học ban C biết đâu tâm hồn và cá tính của mình khác và mình đã hành động tự nhiên và linh động hơn, như vài bạn học ban C, không cần phải chần chờ cân nhắc, cứ viết thư và làm thơ gởi cho người đẹp, ra sao thì ra, cuộc đời như vậy có đẹp và thi vị hơn không?! Chừng hai năm sau, một người bạn học cùng trường viết thư cho tôi biết Francis đã đi lấy chồng. Tôi thường tự an ủi: “Tình chỉ đẹp khi còn tan vỡ.!” ( còn nữa)
  
 
Free Web Hosting by FortuneCity

No comments: