Saturday, September 8, 2012

GS ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TỪ ĐIỂN TRIẾT HỌC

ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Dự thảo từ điển triết học giản yếu
Đề cương dự thảo từ điển triết học


Một trong những khó khăn hàng đầu của việc nghiên cứu, lý giải và dịch thuật triết học Tây phương bằng Việt ngữ cho đến nay vẫn là vấn đề ngôn ngữ. Khó khăn này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau: truyền thống triết học có một thời quãng không dài, thuật ngữ triết học chưa thống nhất và hoàn chỉnh, những từ mới phải chứa đựng khái niệm được lãnh hội thấu đáo.
Dự thảo từ điển triết học này nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt; 1/ triết học tây phương; 2/ một số những khái niệm triết học đông phương trong mối quan hệ với triết học tây phương; 3/ một số những khái niệm tôn giáo trong mối quan hệ với triết học.


Từ điển này xây dựng theo trật tự mẫu tự quốc ngữ, cho nên cũng như những từ điển của những ngôn ngữ khác, những mục từ đưa vào không nhất thiết tương ứng với những từ điển tham khảo qua những ngôn ngữ khác nhau.
Tuy nhiên, từ điển này có tham vọng tiến tới hình thành một bách khoa toàn thư của triết học, ít ra về mặt thông tin triết lý quảng bác mà một số từ điển triết học hiện hành (tiếng Anh, tiếng Pháp) thiếu sót, hoặc sai lạc.
[Trên mạng này: những mục từ chưa được tập đại thành nên có thể tản mạn trước khi sắp đặt ở chung kết. Soạn giả hoan nghênh sự tham gia của mọi người quan tâm đóng góp để từ điển đạt chất lượng phong phú].


A
A: Chữ đầu tiên trong mẫu tự quốc ngữ được dùng nhiều trong những bản văn triết học như:
như một thuộc từ trong những ví dụ luận lý học của Aristote: “A không là B”, trong lý thuyết hoán vị “không A nào là B” thành “không B nào là A” v.v..[Xem mục về Aristote].
trong nguyên tắc đồng nhất : A = A, A tượng trưng cho bất kỳ sự vật nào trong phát biểu “sự vật thì bằng chính nó”.[X. mục nguyên tắc đồng nhất].
A được nhà luận lý Lukasiewicz dùng làm ký hiệu đặt trước trong một mệnh đề ‘Apq’ có nghĩa ‘poq’(p v q).
trong một bài luận văn nổi tiếng “ La différance” của Jacques Derrida, mở đầu với câu: tôi sẽ nói về một chữ


Chữ đó chính là chữ A để Derrida đưa ra một từ ngữ mới và một khái niệm mới về sự khác biệt giữa hai từ: différence và différance. Différance là từ mới Derrida đề ra cho thấy chỉ có sự khác biệt đồ họa (graphique): a thay vì e mà không khác biệt về âm; điều đó cho thấy nó được viết ra hay được đọc nhưng không để được nghe (viết hay đọc khác nhau ở nguyên âm, song phát âm không khác). Do đó Derrida dẫn đến những hệ luận: không có văn tự (thuần túy) ngữ âm, có nghĩa là không có những âm vị/phonè thuần túy ngữ âm; khác biệt đó cũng không nằm trong trật tự của khả giác hay khả tri (như thường thấy trong sự đối lập cơ bản của triết học, nghĩa là không liên hệ với theorein/lý luận bắt nguồn từ nhìn hay tri năng/entendement bắt nguồn từ nghe (entendre), có thể nói khác biệt ở giữa ngôn từ và văn tự; khác biệt về chữ a cũng không thể trưng ra vì cái gì có thể trưng ra phải trở nên hiện diện trong chân lý của nó, song khác biệt này không trưng ra hiện diện, nghĩa là vượt qua trật tự của chân lý. Đó là những điểm cơ bản trong lý luận hủy tạo của Derrida (Xem mục Hủy tạo, Khác biệt).


A priori, A posteriori: tiên thiên/tiên nghiệm, hậu thiên/hậu nghiệm là những từ la tinh phổ biến trong thuật ngữ triết học xuất hiện nơi những triết gia Kinh viện như Alberto de Sajonia đã sử dụng từ thế kỷ XIV, nhưng những vấn đề đặt ra ngay từ thời cổ đại như từ cái gì có trước hay từ cái gì có sau. Theo Aristote, A có trước B về bản chất có nghĩa là B không thể hiện hữu nếu không có A, về nhận thức có nghĩa là ta không thể biết B nếu không biết A.


Trong những bản văn của Descartes, những ý tưởng bẩm sinh tương tự như ngày nay để chỉ những ý tưởng tiên thiên. Locke phủ nhận quan niệm nhận thức chứa đựng những nhân tố tiên thiên này. Leibniz phân biệt nhận thức thực tại hậu nghiệm có nghĩa lànhận thức nó từ cái gì thực sự được phát hiện trong thế giới bằng những giác quan, bằng những kết quả của thực tại trong kinh nghiệm với nhận thức thực tại tiên nghiệm là nhận thức nó “ qua việc trình ra nguyên nhân hay sản sinh khả hữu của một sự vật nhất định”. Do đó có thể nói đến những chứng cớ tiên nghiệm, và rút ra “những chân lý hậu nghiệm, hay của sự kiện” với “những chân lý tiên nghiệm, hay của lý trí”.


Kant phân biệt tiên nghiệm với hậu nghiệm như vậy phát xuất từ phân biệt cái gì rút ra từ kinh nghiệm với cái gì không rút ra từ kinh nghiệm. Phân biệt tiên nghiệm, hậu nghiệm cũng nằm trong những phân biệt về tất yếu và ngẫu nhiên, những chân lý tiên nghiệm là tất yếu và những chân lý hậu nghiệm có lẽ thường hằng, giữa phân tích và tổng hợp.


Sự phân biệt tiên nghiệm/hậu nghiệm đem áp dụng vào những khái niệm, hay những mệnh đề vẫn là những nan đề gây nhiều tranh luận: nếu quả thực có một số chân lý chắc chắn là tiên nghiệm vì có thể nhận thức độc lập với kinh nghiệm mà ngay cả những khái niệm về chúng cũng độc lập với kinh nghiệm, song không hẳn những khái niệm này là những ý tưởng bẩm sinh. Một khái niệm độc lập với kinh nghiệm có thể hoặc không hẳn là bẩm sinh, vì mặc dù không thể thủ đắc trực tiếp từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm vẫn là điều kiện thiết yếu của chúng ta để có khái niệm. Thành thử vấn đề xét trên bình diện tri thức học nhưng lại là vấn đề tâm lý học. Khi thảo luận về những mệnh đề phân tích có phải là hậu nghiệm, hay những mệnh đề hậu nghiệm là ngẫu nhiên, hay những mệnh đề tiên nghiệm là tất yếu trong triết học của Kant, một nhà triết học hiện đại Saul A. Kripke trong Naming and Necessity/ Gọi tên và Tất yếu bác bỏ sự phân biệt rõ ràng giữa tiên nghiệm và phân tích cũng như giữa hậu nghiệm và tổng hợp.


Ad absurdum: bội lý dùng trong hình thức luận pháp gọi là giảm trừ vào bội lý (reductio ad absurdum) nhằm rút ra sự mâu thuẫn nhất định trong một mệnh đề và phủ định của nó từ một dãy tiền đề, dẫn đến việc chỉ ra một trong những dãy là sai nếu những dãy kia thực. Zenon ngay từ thời cổ đại đã dùng luận pháp này. [X. mục những nghịch lý của Zenon].



Ad hominem: đối nhân dùng trong luận pháp gọi là đối nhân chứng cớ thường thấy trong hai loại. Loại thứ nhất là một chứng cớ giả mà những tiền đề nhắm công kích thẳng vào một cá nhân trong khi kết luận có ý buộc tội sự giả trá của luận đề y nêu ra. Loại thứ hai là luận pháp dùng một điều gì làm tiền đề được phe khác chấp nhận nhưng người biện luận chưa chắc chấp nhận và rút ra một hệ quả phe kia không thể chấp nhận.


A dicto secundum quid ad dictum simpliciter: từ một câu có chất lượng đến cùng câu đó không có chất lượng dùng trong luận lý cổ điển để chỉ một ngụy biện được biết đến như sự ngụy biện đảo ngược của ngẫu nhiên.
A dicto simpliciter ad dictum secundum quid: từ một câu không có chất lượng đến cùng câu đó có chất lượng trong luận lý cổ điển nhằm chỉ ra một ngụy biện được biết như là ngụy biện của ngẫu nhiên.


A fortiori: từ mạnh hơn dùng trong một câu để nhấn mạnh hơn, thí dụ ‘mọi người đều chết’ , vậy huống chi mọi người Tàu cũng phải chết. Luận pháp này gọi là argumentum a fortiori.
Abbagnano, Nicola: Triết gia hiện sinh người Ý, sinh năm 1901, quan niệm một triết lý về cái khả hữu, trong tác phẩm Possibilità e libertà/Khả hữu tính và tự do (1986). Abbagnano phân chia hai xu hướng chính của phong trào hiện sinh: một bên là Heidegger (thời kỳ đầu) với Jaspers và Sartre giản lược những khả năng của con người vào những bất khả với con người hữu hạn dẫn tới thất bại, một bên là Marcel, Lavelle và Le Senne biến những khả năng của con người thành những tiềm năng mưu tới thành công ở chung cuộc.


Tuy hai xu hướng này có những dị biệt về nguyên tắc, song chia xẻ một cơ sở chung có tính tiêu cực vì dầu thế nào cũng vẫn là làm cho khả hữu thành bất khả. Để đối lập với chủ nghĩa hiện sinh tiêu cực này, Abbagnano đề xuất một chủ nghĩa hiện sinh tích cực lấy nguyên tắc chỉ đạo là “khả hữu của khả hữu”, hay dùng thuật ngữ của Kant là “khả hữu siêu nghiệm”. Abbagnano có ý liên kết Kant với Kierkegaard khi giảm trừ bảng những phạm trù của Kant vào một cặp đối lập duy nhất là tất yếu và phi tất yếu, thay vì những cặp khả hữu/bất khả hữu, hiện hữu/phi hiện hữu, tất yếu/ngẫu nhiên, vì theo ông những cặp phạm trù này không thực sự đối lập.


Mọi khả hữu đều có hai mặt tiêu cực và tích cực và có một quan hệ luận lý giữa khả hữu và tự do: vấn đề về giá trị là vấn đề con người phải trở thành như thế nào gắn liền với cái tương ứng đạo đức là con người có thể trở thành như thế nào là một khả hữu thực nghiệm. Hiểu như vậy thì luận lý của khả hữu trùng hợp với những đạo đức của khả hữu. Đây cũng là nét đặc thù trong triết học hiện sinh của Abbagnano.


Ahimsà: không sát sinh là tiếng sanskrit chỉ việc tránh sát hại mọi loại sinh vật qua tư tưởng, lời nói và hành động, là một trong năm đức tính của bước đầu (yama) của Du già và Phật giáo. Quan niệm này phát xuất từ niềm tin là mọi sinh vật phát xuất từ một loại, và luân hồi từ loài cao cấp tới hạ đẳng.
Abhàsa-Chaitanya: nguyên ngữ sanskrit, abhàsa có nghĩa là diện mạo, phản ảnh, và chaitanya là ý thức để chỉ ý thức tuyệt đối phản ánh nơi tâm con người. Con người cá thể, ràng buộc trong cái ngã (jìva) khi đạt được phản ảnh này qua ý thức mà nhờ đó phát hiện được ý thức tuyệt đối, có nghĩa là đồng nhất với đại ngã/brahman. Trong vận động vượt khỏi hữu hạn, nhận ra được cái chân tự ngã/atman để thống nhất với đại ngã là đạt tới giải thoát. Có thể đối chiếu với tự thức trong biện chứng Hegel để đạt tới Tri thức tuyệt đối/absolute Wissen.

Aâm dương/Yin yang: Aâm/Yin và Dương/Yang là hai khái niệm cơ bản của tư tưởng biện chứng trong triết học phương đông. Khái niệm âm/dương đã du nhập vào tư tưởng phương tây, song trước hết là một khái niệm tương đương trong khoa học tự nhiên (toán học, vật lý học v.v..) để chỉ lưỡng cực, đối lập.


Quan niệm âm/dương ngay từ thời cổ đại đã được hình thành trong Dịch truyện: Nhất âm nhất dương chi vị đạo (Hệ Từ thượng truyện), có nghĩa là đạo có cơ sở là âm dương, tác động lẫn nhau, thúc đẩy sự vận động biến hóa và phát triển. Quy luật phát triển âm/dương này là một quá trình tam thế, vận động giao hòa giữa trời đất và người, như quan niệm bổ xung trong tư tưởng triết học và khoa học hiện đại. (Xem mục Thuyết bổ xung).


Quan niệm âm dương được xác định uyên nguyên trong Đạo đức kinh: Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật (chương 42), từ một sinh ra hai, có nghĩa là trời đất, âm dương giao hòa, tuần hoàn và chuyển hóa gồm hai mặt đối lập, có và không có, khó và dễ, dài và ngắn, cao và thấp, âm và thanh, trước và sau, nói lên vận động của đạo phản (X. ch. 40: phản giả đạo chi động, nhược giả đạo chi dụng/ phản là vận động của đạo, nhược là chức năng của đạo), còn nói rõ hơn ý nghĩa của vạn vật sinh ra từ hữu và hữu sinh ra từ vô. Quan niệm này được khai triển trong những sách Lã Thị Xuân thu, Hoàng đế nội kinh cũng xuất hiêïn vào thời Chiến quốc, Lão tử chú của Vương Bật (226-49 T.L.) thời Ngụy Tấn.


Tại sao lại là ba? Quy trình tam thế này là vận động biện chứng như đã xác định rõ ràng trong chương 42 của Đạo đức kinh dẫn trên. Điều này có mâu thuẫn với lý giải của Nho gia không? Sự khác biệt giữa hai phái trụ ở chỗ góc nhìn từ hữu hay từ vô, song không khác biệt khi đi lên uyên nguyên là Thái cực, hay Thái Nhất, vận động biến hóa của âm và dương cùng tác động hài hòa qua lại giữa âm và dương là ba. Điều này có thể minh họa ngay trong Mỹ học: nghệ thuật sơn thủy sử dụng âm sắc điều hợp ánh sáng tác động giữa tối/âm và sáng/dương trên bút/mực tạo ra rỗng và đầy; Họa sư Thạch Đào (1641-1710) lý giải “núi là biển và biển là núi. Núi và biển biết sự thật trong tri giác của tôi: mọi sự ở nơi người, trong năng lực tự do của bút và mực” – sơn thủy chứa đựng những quy luật cơ bản của đại vũ trụ, liên hệ cơ hũu với tiểu vũ trụ là con người, trong âm có dương, trong dương có âm hài hòa trong tam tài (thiên-địa-nhân).


Vào cuối thời Chiến quốc, Trâu Diễn (305-240 trước Tây lịch) được coi là nhà tư tưởng đại biểu của Âm dương gia, đã tổng hợp khái niệm âm/dương và ngũ hành, mặc dầu khái niệm âm dương đã từng được nói đến trong Tả truyện, Đạo đức kinh, Trang tử…và khái niệm ngũ hành từng được bàn trong Sử ký, Mặc tử,Tuân tử, Tả truyện và Quốc ngữ. Trâu Diễn đã luận về thăng trầm của âm dương, những hiện tượng biến đổi kỳ lạ, trời cao, đất thấp, do đó có càn/khôn, biến hóa hình thành.


Thiệu Ung (1011-77), thụy là Khang tiết, là triết gia độc đáo nhất trong giòng lịch sử triết học Trung quốc, không những ông đã coi tâm và đạo là những phạm trù cơ bản của triết học, âm dương là quy luật mâu thuẫn phổ biến nhất khi quan niệm: thái cực đã phân, lưỡng nghi đã lập, giao hợp của dương với âm ở dưới, của âm giao với dương ở trên, sinh ra tứ tượng để lý giải vận hành vũ trụ từ cơ sở kinh Dịch, ông còn suy luận trên cơ sở tượng số qua những tác phẩm Hoàng cực kinh thế, Tiên thiên đồ. Trong “Quan vật thiên” của Hoàng cực kinh thế, Thiệu Ung quan niệm “Đạo là Thái cực”, và “Tâm là Thái cực” để chỉ mối quan hệ giữa đạo, tâm và thái cực: Thái cực là một bất động, sinh ra hai, tức phân ra làm âm dương, biến hóa thần diệu, thần sinh ra số, số sinh ra tượng, tượng sinh ra khí. Lại phân biệt âm là số chẵn, dương là số lẻ: vì thế một chia ra thành 2, 2 chia ra thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16, 16 thành 32, và 32 thành 64, đó là con số của 64 quẻ.


Trong khoa số luận (numerology) nghiên cứu chuyên sâu về kinh Dịch xác định 1,3,5,7,9 thuộc về Trời và 2,4,6,8,10 thuộc về Đất, tóm lại là 10. Thiệu Ung được coi là tác giả của Tiên Thiên Đồ và Phương vị Sáu mươi tư quẻ của Phục Hy, ông còn dựa trên lý số 4 lấy đơn vị cổ truyền 30 năm là một thế (hệ), một vận có 12 thế (như ngày có 12 thời) tức 260 năm, một hội có 30 vận (như tháng có 30 ngày) hay 10,800 năm và một nguyên có 12 hội (như năm có 12 tháng) hay 129,600 năm để luận về cuộc Đại hóa của vũ trụ. Theo ông, trong ba hội đầu tiên, giống như 3 tháng đầu năm, hay 3 thời đầu của ngày là lúc Dương bắt đầu lên và mọi sự tăng tiến dần; 3 hội đầu này là thời khai sinh ra trời, đất và người; đến cuối hội thứ sáu, tức là 64,800 năm là lúc Dương cực thịnh, và đó là thời Nghiêu Thuấn. Ở vào thời đại của ông, tức là 75,600 năm hay thế kỷ 11 là lúc Aâm trưởng, Dương tiêu.
Với toán số hiện đại, có thể gọi Aâm là số 0, Dương là số 1, đọc toàn đồ trên dưới dạng Lưỡng nghi: 0,1; Tứ tượng: 00,01,10,11; Bát quái: 000,001,010,011,100,101,110,111 Tiên thiên đồ có thể coi như thuộc số nhị phân từ 0 đến 63 tương ứng với số học nhị phân của Leibniz, như nền tảng của tư tưởng nhị phân về cấu trúc và hình thành vũ trụ.



6. Vương Phu Chi (1619-92) vào thế kỷ 17 đã tập đại thành cơ sở lý đạo học của
những thế kỷ trước khi quan niệm về lý là quy luật vận động thể hiện cái trật tự
điều hòa mà cơ sở của quá trình này đã được phát biểu trong kinh Dịch: nhất
âm nhất dương gọi là đạo, song theo Vương, âm dương và đạo không là ba mà
chỉ là hai. Một nhà triết học Pháp hiện đại F. Jullien nhận ra trong tư tưởng về quá trình này sinh ra một luận lý về tác động qua lại của tính lưỡng phân/tương ứng lập thành cấu trúc của mọi thực tại giữa cái ẩn và cái hiện (latent/potent), hình và vô hình là quan hệ của tiềm ẩn với hiện thành của nó. Ông cho tư tưởng của Vương Phu Chi là một tư tưởng duy vật (Xem ĐPQ, Triết học Đông/Tây trong Gió Văn, số 2, tháng 11 2003).


Althusser, Louis: Triết gia Pháp sinh năm 1918 tại thành phố Birmandreis gần Alger thủ đô của Algérie và mất năm 1990 ở Paris. Ông sống ở Algérie cho mãi đến năm 1930 mới sang Pháp khi gia đình dời về đây. Năm 1939 ông được nhận vào trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm, song xẩy ra thế chiến II, nhập ngũ và bị người Đức cầm tù hơn bốn năm, cho nên sau chiến tranh mới tiếp tục con đường học vấn và thi đậu thạc sĩ vào năm 1948. Trong thời gian theo học, ông có cơ hội quen biết những người thày như Jean-Toussaint Desanti và Trần Đức Thảo là những nhà hiện tượng luận có xu hướng Mác xít. Trong hai phần Tự truyện Tương lai kéo dài lâu/L’avenir dure longtemps và Những sự việc/Les Faits ông nhắc lại hai lần câu nói rất tâm đắc của Thảo: “Tất cả các bạn là những cái tôi siêu nghiệm bình đẳng” và ông xem Thảo và Desanti đã mang lại những hy vọng cho thế hệ ông.


Những người này hẳn có ảnh hưởng trong hình thành trí thức của Althusser, vì luận văn đầu tiên của ông là “Về nội dung trong tư tưởng Hegel”/Du contenu dans la pensée de G.W.F.Hegel (1947) dưới sự bảo trợ của Bachelard chỉ ra sự tiếp cận đối với Hegel và Marx, cũng như với những nhà tư tưởng đương đại như Nicolai Hartmann (Althusser học hỏi được ở Hartmann sự phân biệt những biện chứng thực với biện chứng hình thức; Lukács vào cuối đời cũng tìm thấy ở hữu thể luận của Hartmann một hướng đi của tư tưởng). Năm 1948 Althusser được chỉ định làm trợ giáo/caiman ở Trường Cao đẳng Sư phạm và giảng dạy ở đây cho đến năm 1980, thời chấm dứt sự nghiệp giáo dục của ông. Trong những người học trò của ông, phải kể đến Michel Foucault và J. Derrida. Những tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông như Montesquieu, la politique et l’histoire/chính trị và lịch sử (1959), biên tập và dịch những bài viết của Feuerbach dưới tiêu đề Tuyên ngôn triết lý/Manifestes philosophiques (1960).


Phải đợi tới 1965, một lượng những tác phẩm xuất hiện dưới hình thức tập thể như Đọc bộ Tư bản/Lire le Capital (với Etienne Balibar và nhiều người khác), Vì Marx/PourMarx (1965), Lénine và triết học/Lénine et la philosoiphie (1969), Triết học và triết học tự phát của những nhà thông thái/philosophie et la philosophie spontanée des savants (1971) ông mới thực sự là một nhà tư tưởng Mác-xít khai phá.



Những luận điểm khai phá chủ nghĩa Marx của ông là:
Một đoạn tuyệt tri thức của Marx thời trưởng thành với Marx thời trẻ, có nghĩa là đối lập một Marx nhà lý luận khoa học với Marx của chủ nghĩa nhân bản. Althusser bài bác những ảnh hưởng của Hegel trong chủ nghĩa Mác qua cơ sở “đoạn tuyệt nhận thức" này để có thể quan niệm sự khác biệt giữa cấu trúc của biện chứng Mác-xít với biện chứng Hegel trên căn bản “siêu quyết định” (là một khái niệm mượn từ phân tâm học Freud). Ông nhận xét mâu thuẫn không thể tách rời với cấu trúc của toàn thể bộ phận xã hội mà nó diễn ra trong đó; mọi mâu thuẫn trong một hình thái xã hội đều có tính siêu quyết định như thế.


Althusser coi Marx đã kế thừa Spinoza khi áp dụng lối nghiên cứu thuần lý, toán học vào nghiên cứu xã hội, phân biệt đối tượng thực với đối tượng của tư duy. Để đọc Marx, ông đề nghị một lối đọc theo triệu chứng khác với lối đọc bề mặt dựa trên bản văn, vì đọc không phải là kiểm tra mà là xây dựng lại những điều kiện để khai phá ý nghĩa thực của bản văn.


Theo ông, chủ nghĩa Mác có hai bộ phận: chủ nghĩa duy vật lịch sử là khoa học và chủ nghĩa duy vật biện chứng là triết học. Ông phát hiện ra Marx đã xây dựng một đại lục mới là khoa học lịch sử, so với đại lục toán học của những nhà tư tưởng hy lạp và đại lục vật lý khởi từ Galilée.
Ông quan niệm lịch sử nơi Marx như một quá trình không chủ thể, có nghĩa là không phải con người làm ra lịch sử, mà là quần chúng trong những quan hệ đấu tranh giai cấp, chỉ có quá trình dưới dạng những quan hệ, ở đây là những quan hệ sản xuất. Phương thức sản xuất là đối tượng duy nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử.. Chính từ quan niệm này, Althusser được coi là một đại biểu của tư trào cấu trúc luận trong những thập niên 60 của thế kỷ hai mươi. (Xem chương 7: Lý luận về lịch sử trong ĐPQ: Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (2002).


Nói đến Althusser, không thể bỏ qua cuộc đời và con người của ông trong một bi kịch của một người thác loạn thần kinh đã đi tới kết thúc là xiết cổ bà vợ Hélène Rytmann-Legotien đến chết. Những tự truyện của ông nói đến nói trên là những bản văn có thể đọc theo cách đọc triệu chưng mà chính Althusser đã nêu ra, để giải đáp vấn nạn về những tác phẩm ông đưa ra khai phá mới chủ nghĩa Mác, với tinh thần một người thác loạn, cái này có thể bổ xung cho cái kia? Hay chính “lý luận thực tiễn” (như tên gọi “triết học” theo Althusser) ấy chính sự thất bại của một lý luận thác loạn? (Xem “Ngoại truyện” trong ĐPQ, Tự truyện (1997).


Aristote/Aristoteles/Aristotle: triết gia lớn thời cổ đại hy lạp, sinh vào năm 384/3 và mất năm 322/1 trước T.L. Cùng với Platon, đại triết gia khác thời cổ đại mở ra hai con đường lớn suốt giòng lịch sử triết học phương tây. Nếu Platon được coi là một đỉnh cao thần thánh thì Aristote là một nhân vật quan trọng nhất, ngự trị vận hành tư tưởng phương tây, từ khai phá qua những triết gia ả rập thời trung cổ, đến độ ngay những nhà tư tưởng không đọc ông cũng chịu ảnh hưởng triết lý của ông mà không hay biết.
Tầm ảnh hưởng của Aristote quan trọng ra sao, trước hết cần phải tìm hiểu về chủ nghĩa Aristote hơn hai ngàn năm qua:


Chủ nghĩa Aristote được nói đến không hẳn là triết học của Aristote mà do những nhà tư tưởng về sau sử dụng học thuyết của ông và những thiết bị khái niệm cũng như phương pháp luận. Chẳng hạn tư tưởng của ông qua những lý giải của triết gia Ả rập như Avicenna (ibn-Sina) ở khoảng thế kỷ 9/10, Avempace (ibn-Bajjah), Averroes (ibn-Rushd) ở thế kỷ 12, đã du nhập vào triết học thời Trung cổ ở phương tây. Trong thế kỷ 13, Aquinas đã khai triển những công trình khoa học và luận lý Aristote mở đầu cho triết học Thomism và Kinh viện. Tuy giòng triết học này có lu mờ vào thời Phục hưng, song những khái niệm và tinh thần phê bình của tư tưởng Aristote vẫn được nhiều nhà triết học và khoa học sử dụng , như William of Ockham trong luận lý học, William Harvey trong sinh lý học, Leibniz trong vật lý học…Những lý giải của Brentano trong lãnh vực tâm lý và siêu hình học đã khai thức cho Heidegger nghiên cứu ý nghĩa của hữu thể.


Aristote sinh vào khoảng 385 hay 384 trước Tây lịch ở Stagira, thành phố của xứ Macedonia, cùng thời với Démosthène. Khoảng 368/7 ở tuổi 18, Aristote đến Athens theo học ở học viện Academy của Platon và ở lại đây cho đến khi Platon mất (347 tr. TL), ông đến Assos vùng Tiểu Á bắt tay vào những công trình nghiên cứu triết học và sinh học với những học giả đương thời. Đến năm 343 ông được mời trở lại Macedonia làm giáo phụ cho con trai vua Philip II lúc bấy giờ mới 13 tuổi và trở thành Đại đế Alexander sau này. Ông rời Macedonia vào năm 335 trở lại Athens mở học viện Lyceum.

Từ ngữ Peripatetic có nghĩa là “người đi dạo” để chỉ các môn đệ của Aristote bắt nguồn từ chữ Peripatos (một loại quan môn ở đó Aristote và học trò vừa đi vừa tranh luận). Aristote dạy ở Lyceum 12 năm với công trình giảng huấn mọi khoa kiến thức, lập thư viện với những bộ sưu tập động vật và thực vật. Khi Alexander chết trên đường viễn chinh, một phong trào chống Macedonia nổi dậy, kết án Arisote tội nghịch giáo khiến Aristote phải bỏ Athens lánh về Chalcis, mà theo truyền tụng ông nói “để tránh cho người ở Athens “phạm một tội ác lần thứ hai chống lại triết học”. Ông mất tại đây năm sau, thọ 62 tuổi.


Những bản văn của Aristote chia làm hai nhóm: những tác phẩm do ông xuất bản: Những tác phẩm công truyền xuất bản lúc sinh thời nay đã thất lạc, chỉ còn lại những trích đoạn hoặc mô phỏng, những tác phẩm về mặt văn chương có thể so sánh với những tác phẩm của Platon. Những tác phẩm khẩu truyền/akroamatisch (do từ hy lạp “akroamatikos” có nghĩa là nghe) là những bài giảng lưu hành trong nội bộ trường, được Andronicus xuất bản lần đầu vào khoảng thời gian 43/20 tr.T.L. Andronicus cũng là một nhà triết học nên đã sắp đặt những bài viết của Aristote theo một sơ đồ giáo khoa, bắt đầu từ luận lý học , đặt siêu hình học sau vật lý học và những khảo luận tu từ và thi pháp ở sau cùng.


Những tác phẩm còn được bảo toàn theo thứ tự của Andronicus:
Về luận lý học: Bộ Organon gồm Phạm trù/Katêgoriai (khảo sát những từ ngữ và riêng)– Về lý giải/Peri ermeneias (về những lý luận mệnh đề– Phân tích sơ và thứ cấp/Analytica protera-histeria (lý luận khái quát chứ minh sự thiết yếu của tam đọn luận) – Topica (lý luận biện chứng) – Sophistici elenchi (Phản bác ngụy biện dường như là thiên 9 của cuốn trên).
Về vật lý: Bộ Phusikè akroasis gồm 8 quyển, 4 quyển đầu khảo lý thuyết thiên nhiên và những nguyên lý, 4 quyển sau là lý thuyết vận động.Về trời/Peri ouranou, Về sinh thành và tàn diệt/De Generatione et Corruptione, Thiên văn luận.


Về tâm lý: Linh hồn/Peri psychè, Những thiên tiểu luận về tự nhiên/Parva Naturalia như Về ký ức và hồi niệm, giấc mộng,giấc ngủ và lúc tỉnh,thần hóa qua giấc mộng, khảo về giác quan và những khả xúc.
Về lịch sử thiên nhiên như những khảo cứu về động vật/De animalium historia (từ historia nhu Hérodote đã dùng để chỉ “sưu tập những sự kiện”), Về những thành phần động vật/De partibus animalium, chuyển động của động vật/De incessu animalium, sinh sản của động vật/De generatione animalium.
Về triết học như Siêu hình học luận về đệ nhất triết học/Peri tes protes philosophias, Đạo đức cho Nicomaque/Ethica Nicomachea, Đạo đức cho Eudeme/Ethica Eudemia, Khái luận đạo đức/Ethica megala, Chính trị/Politika, Tu từ học, Thi pháp.


Tư tưởng Aristote không diễn ra từ những thành quả khởi từ những nguyên tắc, mà có tính đa nguyên và thống nhất cần phải khai phá. Aristote đã bận tâm trước hết minh giải những lý do triết lý về việc đoạn giao với học thuyết Platon, nên ngay đầu tác phẩm Ethica Nicomachea, ông khẳng định là nếu tình bạn và chân lý đối với ông rất thân thiết, nhưng ông cũng phải chọn lựa chân lý hơn tình bạn. Theo Aristote, mọi mô thức ý niệm phải tương ứng với một thành phần khác gọi là chất thể. Như vậy phải hy sinh học thuyết Ý niệm (Platon) để nhận thức chân lý mọi sự vật.


Khác với trường phái Platon phân chia ba loại: đạo đức học, vật lý học và biện chứng pháp, Aristote phân chia ba loại triết học: lý luận, thực tiễn và sáng tạo/poiesis. Triết học lý luận lại chia ra triết học thứ nhất, vật lý học và toán học; triết học thực tiễn gồm đạo đức học, chính trị học và những hoạt động khác. Như vậy vắng mặt hai môn học quan trọng mà tư tưởng và phát triển lý luận Aristote gắn bó là siêu hình học và luận lý học?


Để giải thích sự vắng mặt của luận lý học trong bảng phân loại các triết học của Aristote, có thể dựa vào một đoạn văn trong tác phẩm sau này thường được gọi là Siêu hình học: việc nghiên cứu các phép phân tích phải đi trước nghiên cứu các khoa học khác. Như vậy nhà triết học phải khảo những nguyên tắc tam đoạn luận trước khi nghiên cứu bản chất của mọi bản thể.
Luận lý học/Logica để chỉ môn học chưa có danh xưng nơi Aristote, mà tác phẩm của ông mang tên Organon để chỉ công cụ của nghiên cứu. Như đã mô tả ở trên những thiên biên khảo trong bộ Organon, Aristote khảo sát những cơ cấu chung của mọi lý luận, những phương thức lý luận dưới hình thức tam đoạn luận, cơ sở của luận lý hình thức tuy không minh bạch như những nhà luận lý hiện đại.


Tác phẩm Phạm trù/Kategoriai khởi sự khảo sát những sự kiện ngữ học, phân biệt những điều được nói không có tổng hợp với những điều trong tổ hợp chẳng hạn như chữ, câu và mệnh đề. Cái gì vừa có tính đồng nhất của khái niệm và tính chung của từ ngữ thì được gọi là đồng nghĩa. Phạm trù/kategorein hiểu theo Aristote là những đồng nghĩa đơn giản và tổng quát nhất. Mười phạm trù của Aristote là: Bản thể/ousia gồm bản thể đệ nhất/prôtè ousia là chủ thể và không bao giờ là thuộc từ và bản thể đệ nhị/deutera ousia là những chủng và loại được xác định bởi một chủ thể nhưng không hiện diện trong một chủ thể (ví dụ: loài người hay loài vật là những bản thể đệ nhị, nhưng người này hay con vật này là những bản thể đệ nhất); lượng/poson là những gì có thể phân chia thành hai hay nhiều của một toàn thể, có thể liên tục hay gián đoạn; phẩm/poion là cái mà nhờ đó những sự vật được định tính (phẩm là sự khác biệt/diaphora của bản thể); tương giao/pros ti gồm những tương giao bằng số không xác định hay xác định; địa điểm/pou; thời gian/pote; vị trí/keisthai (ví dụ: hắn ngồi); điều kiện/echein; hoạt động/poiein và thụ động/paschein. Hai phạm trù ‘vị trí’ và ‘điều kiện’ chỉ được nói đến trong hai thiên Kategoriai và Topica.Aristote đã phân chia hai chức năng của liên từ/copula, một chức năng của sự vật được nói qua một chủ thể (dicitur de subjecto) và một chức năng theo đó sự vật ở trong chủ thể (in subjecto est). Liên từ est có hai ý nghĩa: dùng trong một mệnh đề để nối hai danh từ đồng chất trừu tượng hay cụ thể, đó là ý nghĩa của de subjecto dicitur; dùng trong một mệnh đề để nối một danh từ cụ thể với một tĩnh từ cùng loại âm của một danh từ trừu tượng theo cách est in subjecto.

Những nhà triết học về sau như Descartes và Locke phân biệt ba phạm trù: bản thể, cách thế và tương giao, phái Kinh viện/Scholastik quan niệm sáu phạm trù như Hữu thể hay bản thể, phẩm, lượng, vận động, tương giao, hoạt động [X. mục phạm trù].
Trong Analytica protera, Aristote xây dựng lý thuyết của tam đoạn luận, nghĩa là một lý thuyết không xét đến chân lý hay không chân lý của những tiền đề. Một tam đoạn luận được cấu tạo bởi ba mệnh đề: đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Tam đoạn luận nhằm chứng thực sự phụ thuộc của một thuộc từ (đại tiền đề) vào một chủ từ (tiểu tiền đề) qua tham gia của một hạn từ trong gian/to meson.[X. mục tam đoạn luận].
Học thuyết tam đoạn luận/sullogismós trở thành trung tâm điểm cả luận lý học Aristote. Ông đối lập tam đoạn luận (hay phép diễn dịch) với phép quy nạp như hai cách thế cơ bản của tiến trình tư tưởng.Phép diễn dịch đi từ phổ quát tới đặc thù, ưu tiên và khả tri hơn về mặt bản chất còn quy nạp đi từ đặc thù tới phổ quát xác tín hơn và khả tri hơn theo cảm giác.Nguyên lý làm nền tảng cho phép quy nạp là cảm giác. Cảm giác này là tư tưởng trực giác/noũs.

Lý học của Aristote bao gồm một lãnh vực khá rộng lớn: nó là một lý thuyết tổng quát về thế giới bất động cũng như nghiên cứu sinh vật dưới mọi trạng thái tâm lý, sinh lý v.v. Lý học/phusikè akroasis khảo sát những nguyên nhân đầu tiên của thiên nhiện và mọi loại chuyển động tự nhiên. Aristote muốn chứng minh rằng nếu người ta chỉ nêu ra một nguyên nhân duy nhất, chuyển động không thể khả hữu. Sự lầm lẫn này do phái Parménide chủ trương hữu thể là một, không có thực tại nào khác hơn thực tại của bản thể. Aristote quan niệm một chuyển động dẫn đến nhận thức hữu thể vừa là một và là phức thể: nhất thể trong hiện thể. Theo ông, có ba nguyên lý về chuyển động: mô thức/morphê hay eidos, khiếm khuyết/mè on và chất thể/hyle. Chất thể và mô thức là những khái niệm tương ứng. Aristote thường chỉ thị sự tương cận giữa mô thức với những nguyên nhân kỳ thành và cứu cánh, khi quan niệm mô thức là sơ đồ kiến trúc để tạo ra một tác phẩm đặc thù của thiên nhiên hay nghệ thuật. Khoa học có nhiệm vụ khai phá nhữngnguyên nhân thực của quá trình diễn biến của tự nhiên là chất thể, mô thức, nguồn gốc của biến chuyển (nguyên nhân kỳ thành) và chung cuộc của quá trình diễn biến đạt được (nguyên nhân cứu cánh).


Cũng như Empéocle, Aristote nhìn nhận có bốn đơn chất (tứ đại) là lửa, khí, đất và nước. Thiên cuối của bộ Lý học chứng minh biến chuyển vật lý không thể chứng thực nếu không đối chiếu với một nguyên nhân không có tính vật lý, là nguyên nhân cứu cánh cho chuyển động không ngừng của thế giới chúng ta.Đó là động cơ thứ nhất/proton kinoũn không chuyển động.
Thiên khảo luận về linh hồn/Peri psychès xây dựng khoa tâm lý học Aristote khảo sát tâm/psyche phân biệt vói trí/nous, một bên không thể hiện hữu độc lập với vật chất, một bên thì vô chất. Ông đưa ra một quan niệm ngược lại với sự phân biệt nhị nguyên triệt để giữa linh hồn và thể xác nơi Platon khi xác nhận tâm là mô thức của thân thể. Tâm có những quan năng dinh dưỡng/thretikè, cảm xúc/aisthetikè, suy tư/dianoêtikè cơ động/kinêtikè và dục vọng/orektike. Ông cũng phân biệt hai loại tri thức thụ động/pathetikos noũs và tri thức hoạt động/poiêtikos noũs: “Nếu không có tri thức thì không có gì suy tưởng cả.”
Tri thức như ông phân biệt làm ba loại: lý luận, thực hành và sáng tạo. Các khoa thực tiễn phụ thuộc vào khoa chính trị, khoa học điều khiển toàn thể đời sống con người trong một cộng đồng như đô thị, hay quốc gia. Đạo đức học chỉ là một phần của khoa chính trị. Trong phần cuối tác phẩm Ethica Nicomachea, ông dẫn khởi ý tưởng về sự hoàn thiện của cá tính con người là cứu cánh, trong khi đời sống cộng đồng và pháp luật là những phương tiện., song ở mt chỗ khác, ông lại nhận xét đời sống con người hoàn thiện chỉ có thể thực hiện trong cộng đồng. Cũng như nhiều triết gia Hy lạp cổ đại, Aristote quan niệm có một sự thống nhất trong những cứu cánh của con người, cứu cánh này là Eudaimonia/an lạc, hạnh phúc, điều thiện tột cùng đáp ứng yêu cầu trên. Eudaimonia ở trạng thái hiện thể, hòa nhập với lý trí/noũs, nghĩa là vói bản tính lý trí nơi con người, hòa nhập với đức hạnh và vì có nhiều đức hạnh nên nó hòa nhập với đức hạnh nào hoàn hảo nhất, thể hiện trong suốt đời sống. Hạnh phúc/eudaimonia đó là hạnh phúc ở cuộc đời này, hạnh phúc trần gian.


Tư tưởng Aristote ở dỉnh cao nhất trong dòng lịch sử triết học phương tây là xây dựng khoa Siêu hình học, mặc dầu từ này không phải của Aristote, để chỉ môn học về hữu thể, còn chính ông thường dùng từ minh trí/sophia, triết lý/philosophia, đệ nhất triết học. Thực sự ông đã chỉ những bản viết của ông dưới một cái tên là đệ nhất triết học/peri tes ptotês philosophias. Nhan đề ‘siêu hình học/meta ta phusika xuất hiện lần thứ nhất nơi Nicolas de Damas (ở thời đại Auguste) theo một chú giải tác phẩm của Théophraste (người thừa hành điều khiển Lyceum) và thông dụng vào thế kỷ XII từ Averroes.Dầu sao, ngày nay người ta cũng chấp nhận từ siêu hình học bắt nguồn từ sự sắp đặt những bản viết trong ấn bản Andronicos, ở đó những vấn đề siêu hình ở sau những vấn đề lý học.


Triết học đệ nhất hay siêu hình học là một khoa lý luận ở địa vị cao hơn vật lý và toán học vì đối tượng của nó là một thực tại vĩnh cửu, bất dịch và tách rời với chất thể. Đối tượng thứ nhất mà mọi đối tượng khác phụ thuộc là ousia/bản thể. Triết học được mô tả như có đối tượng là hữu thể như vậy và những đặc tính riêng của nó. Hữu thể là một từ ngữ đa nghĩa, hướng về một qua sự kiện là chúng cùng diễn tả một quan hệ với ý nghĩa thứ nhất và chính yếu là ý nghĩa của bản thể/ousia.


Thế nào là hữu thể như chính hữu thể/to on hê on? Aristote quan niệm hữu thể được hiểu theo nhiều nghĩa.Những nghĩa này rút ra từ một phân tích về liên từ “thì/là” trong những mệnh đề như: Socrate là người, Socrate thì công bằng, Socrate thì cao chừng thước rưỡi, Socrate thì nhiều tuổi hơn Coriscos. Trong mệnh đề đầu chỉ bản chất, mệnh đề kế chỉ phẩm, tới lượng, và tương giao.Những ý nghĩa này của hữu thể được gọi là những phạm trù, nhưng là những phạm trù của hữu thể, không phải của phán đoán. Hữu được xác định qua nhiều ý nghĩa, nhưng với mỗi nghĩa có danh xưng quan hệ với một nguyên lý duy nhất. Như vậy hũu thể là một phổ biến loại suy. Thật vậy nếu hữu thể được quan niệm như hữu chung cho mọi vật, đương nhiên mọi hữu thể trở thành đối tượng của cùng một khoa học về hữu thể.

Trong thiên Z của bộ Siêu hình/Metaphusica Aristote cho rằng vấn đề “Hũu thể là gì?”(ti to on) vẫn còn treo lửng, phải trở lại hỏi: bản thể là gì? Bản thể có ưu thế hơn các phạm trù khác vì có thể hiện hữu một mình, ưu tiên về định nghĩa (vì định nghĩa của bất kỳ phạm trù nào cũng bao hàm định nghĩa về bản thể), ưu tiên về tri thức. Bản thể như vậy là chính chủ thể/hypokeimenon, nghĩa là cái gì mà tất cả cái còn lại xác định và chính nó không có sự vật nào xác định. Bản thể như vậy có đặc tính phân sáp và là một sự vật cá thể/to tode ti; nó là mô thức và hợp thể của chất liệu và mô thức; nó còn là bản thể điều kiện có thể nói là tự tại, không cần đến các ngẫu từ để định nghĩa bản thể của một hữu – nó là bản thể của mỗi sự vật. Ví dụ con người nói chung, con ngữa nói chung…được xác định bằng một bội số những cá thể. Tóm lại khoa học thì bàn về cái phổ quát còn hiện hữu thuộc về đặc thù. Bản thể tách khỉ sự vật khả xúc, nó là nguyên lý và nguyên nhân, mà nguyên nhân này là mô

Triết học của Aristote khi suy tưởng dựa trên những phổ quát, thuộc từ của hữu thể, trên cá thể có thuộc tính hiện hữu. Hữu thể (như chính hữu thể) là sự hiện diện vắng mặt vì nó là một bản thể đã tách rời/parousia, còn cá thể là bản thể từ khiếm khuyết tại hữu thúc đẩy nó thèm khát hữu thể, có nghĩa là khiếm diện hiện diện/apousia.Bản thể như vậy chính là cái mà nhờ đó mọi hiện hữu tiếp cận được hữu thể. Do đó đời sống hoàn hảo của bản thể bất động mà hành vi là hoan lạc (chúng ta chỉ hưởng sống trong một thời gian ngắn ngủi, được khích động qua dục vọng mưu cầu bắt chước hoạt tính vĩnh cửu của bản thể.

Aristote đã xây dựng bước khởi đầu cơ bản cho hữu thể luận về sau, từ câu hỏi then chốt về hữu thể: đâu là những biểu hiện khác nhau của hữu thể? Ông cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho khoa sinh học, khởi từ vấn nạn: làm sao giải thích những biểu hiện khác nhau của đời sống? [tham khảo: ĐPQ: Triết học Aristote, 1972].

No comments: