Saturday, September 8, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Dung nhan những phụ nữ
trong truyện của đặng phùng quân
nguyễn thiên- thụ


Đặng Phùng Quân sinh ngày 23 tháng 01 năm 1942, nguyên quán Ô Mễ, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Khởi sự viết từ 1957 với bút hiệu Trường Dzi trên những tạp chí Sáng Tạo, Thế Hệ, Tiểu Thuyết Tuần San. . . Ngưng sáng tác từ 1963, đi vào nghiên cứu triết học. Viết trở lại với tên thật từ 1969 với bạn bè thường được gọi là nhóm ‘’tiểu thuyết mới’’ Việt Nam. Ông là giảng sư ban Triết học Tây Phương của trường Đại Học Văn Khoa Sài gòn. Từ sau 1975, ông vượt biên bằng đường bộ, định cư tại Mỹ. Ông tiếp tục viết ỏ hải ngoại, ngoài tên thật còn ký những bút hiệu Lê Châu, V.T.D. v.. v. .
Tác phẩm:
BIÊN KHẢO
Hiện Hữu Tha Nhân với Gabriel Marcel. Đêm Trắng, Sai gòn, 1969.
Triết Học và Khoa Học, Lửa Thiêng, SG, 1972.
Triết Học Aristote. Đêm Trắng. SG, 1972
Về Tiểu Thuyết của Khái Hưng. Nam Hà. SG, 1972.
Chân Dung Triết Gia, Lửa Thiêng, SG, 1973.
Triết Học và Văn Chương. Lửa Thiêng, SG, 1974.
Văn Chương và Lưu Đày. Gió Việt. USA, 1985.
Phê Phán Hệ Tư Tưởng Mac Xít . Chủ Đề. USA, 2002.
Hành Trang Tư Tưởng Giữa Hai Thế Kỷ. Chủ Đề, USA. 2002.
TRUYỆN KÝ
Miền Thượng Uyển Xưa. Viết chung với Nguyễn Văn Sâm (1983).
Một Dặm Tương Thân. Viết chung với Hàn Song Tường (1987)
Tự Truyện và Phá Thể Tiểu Thuyết. NGL, USA, 1997.
Tảu Khúc. Văn Chương/ Triết lý. Gió Văn, Mỹ, 2004.

Cho đến hôm nay, Đặng Phùng Quân đã cho chúng ta bốn tập truyện. Trong các truyện của ông, hình ảnh người phụ nữ hiện lên rất rõ nét.
Chúng ta có thể chia ra năm loại phụ nữ trong truyện của Đặng Phùng Quân:
- Những tâm hồn trong trắng
-Những phụ nữ ở lại nhà
-Những phụ nữ vượt biên
-Những phụ nữ trên đất Miên .
-Những tâm hồn tự do trên vùng trời Âu Mỹ.

I.Những tâm hồn trong trắng ngày xưa
Đây là những nữ sinh ngây thơ trong trắng của một quê hương ngày xưa. Những người này giống nhau ở điểm là trẻ trung, yêu đời và luôn mơ mộng.
Đặng Phùng Quân đã nhớ lại những ngày tháng Đà Lạt với dung nhan yêu kiều của một thiếu nữ mười lăm:
Những cơn mưa trên phố xá Đà Lạt. Chao ôi, lâu lắm rồi. Chàng lại xuôi về mối tình đầu thuở cũ. Con đường dốc quanh co lên đỉnh đồi dẫn đếnngôi nhà ở chênh vênh cạnh rừng thông bạt ngàn đó. Nhớ! ( Miền Thượng Uyển Xưa. Trong nỗi nhớ của một ngày, 67 )


Một nữ sinh khác rất kiêu hãnh:
Thuở những chị bạn lớp trên tha thướt trong tà áo dài, cỡi Solex lượn trên đường phố, buông một tay cầm nón nghiêng nghiêng dưới nắng cho vạt áo tung bay thì nàng vẫn bận chiếc váy xanh đồng phục đơn giản, áo trắng, cột tóc đuôi ngựa lếch thếch đạp xe với năm quyển sách giằng buộc phía sau. Nàng cũng không thèm để ý đến bọn con trai tụ tập ngoài cổng trường suýt soa khi nàng chạy
ngang ( thỉnh thoảng có kẻ côn đồ hơn, huýt gió, buông một câu trêu ghẹo);nàng cũng không để ý đến dung nhan kiều mị tự nhiên của mình
(Một Dặm Tương Thân 10).


Những thiếu nữ này đã yêu say mê khi gặp đối tượng:
Cơn lạnh như biến đi trong vòng tay chàng, lần đầu, họ thân mật với nhau (Anh muốn ghi lại nét buồn phiền, nụ hôn đầu lạ lẫm, ngọn nến thắp nóng châu thân, hãy cởi bỏ những gì còn ràng buộc trên vết son ngà ngọc, thểxác em đó như thuở ban sơ, đôimắt anh trở thành tấm gương để em nhìn thấy bản thể, sao em không thấy ngượng ngùng đối với anh, không gợn một chút e dè như thể mình đã quen biết rõ nhau từ tiền kiếp, khi em dựa đầu vào ngực anh, vòng tay chàng quanh bờ hông, đôi mắt chàng rực một ánh lửa đam mê đồng thiếp em-con-gái-dậy-thì như bồng đảo nhũ hoa căng cứng sự sống có phải dộI lên trong lòng anh. .. . ( Một Dặm Tương Thân , 16)


Nhưng đây chỉ là những hoài niệm, và họ là những nhân vật quá khứ, những nhân vật nữ trong cuộc đời của người lưu vong.Họ là những bảo vật trong hành trang của người cô lữ.


II. Những phụ nữ ở lại quê nhà Việt nam
Một hạng khác nữa là những phụ nữ ở lại nhà, cô đơn và thương nhớ vì chồng vượt biên.
Kể từ ngày anh lên đường, em đã sống từng ngày từng giờ, lo âu, hồi hộp đợi chờ tin. Đêm đêm, em trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ đến cảnh anh và con phải mạo hiểm, màn trời chiếu đất, em thật muốn điên đầu luôn .. Em mong muốn được hai con sang ở gần anh ngày nào hay ngày ấy, chứ một mình em phải lo cho hai đứa mà không có anh để em nương tựa (Miền Thượng Uyển Xưa . Thư nhà, 41, 45)
Đây là dung nhan những người đàn bà trung hậu đảm đang và chung thủy, là những hòn vọng phu chưa hóa đá ở cuối thế kỷ 20 tại Việt Nam.


III-Những phụ nữ vượt biên
Ở đây cũng có hai hạng phụ nữ:
- Một hạng đang phiêu lưu trên đường đào thoát. Họ đang bương bả trên những nẽo đường biên giới. Và một hạng người đã đến trại tị nạn. Ta cũng có thể chia thành hai loại khác. Một loại đi một mình. Một loại đi cùng con thơ. Cả hai hạng đều trải qua những ngày tháng kinh hoàng trên con đường đào thoát.
Đặng Phùng Quân đã nói rất nhiều về hạng phụ nữ bất hạnh này. Trước tiên là hạng phụ nữ độc thân:
Liệu Stéphen có thể hiểu được vết đau ê chề của một ngườI đánh mất tuổI con gái trên đoạn đường khổ ải. Đi hàng trăm cây số ngàn,băng ngang rừng già, gặp lực lượng Miên đỏ. Có phải lối vào cõi chết. Ngày đầu tiên bị bắt về căn cứ, nàng bị đánh ngất đi để tên lạ mặt có võ trang cưỡng hiếp. Trong cơn mê, nàng không cảm thấy đau đớn. Giam giữ. Chống cự. Tưởng như trầm mình trong vực thẳm. Trước mặt sau lưng đều là đêm tối quá (Miền Thượng Uyển Xưa. Trong nỗi nhớ của một ngày, 93).


Thứ đến, Đặng Phùng Quân viết về những người phụ nữ ra đi với con cái:
Cuộc sống biên giới bị bạc đãi, thiếu thốn vật chất từ miếng ăn, manh áo đến lít nước uống nên cảnh đời lại tái diễn những cuộc tranh giành bi đát. Có người đàn bà lếch thếch mang được những đứa con ra đi trong khi chồng còn bị tù đày nơi trại cải tạo, tới đây phải mang chút duyên thừa sót lại đem ra làm quà thân tình với một tên giữ kho để kiếm chút ít tiện nghi giữ gìn cho mấy đứa con dại trong cảnh chật vật; có người thiếu nữ đã tan nát tấm thân ngà ngọc trên đường mạo hiểm, dấn bước phiêu lưu vào cuộc yêu đương với tên coi nhà bếp để anh nàng được sống đầy đủ sau bao năm đói khổ. . . (Miền Thương Uyển Xưa. Mưa núi 26).

Đây là những người đàn bà bất hạnh vì chồng còn trong trại tập trung, một mình phải nuôi con thơ trong bao năm, nay lại đem con rong ruổi trên con đường biên giới với hy vọng đến được các nước tự do. Họ phải chịu bao nhục nhã, đau thương nhưng họ là người can đảm, nhẫn nại. Đối với các con thơ, họ là những bồ tát, những thiên thần cao cả, đầy tình yêu thương:
. . . Phải là người đàn bà can đảm lắm mới ra đi riêng mình với mấy đứa nhỏ. . . . Bọn dẫn đường bỏ rơi ở dọc đường. Cả đoàn chỉ toàn đàn bà và trẻ con đi bộ cả trăm cây số đường, có lúc tưởng đã ngã gục vì kiệt sức. Thảm nhất là người đàn bà có đứa con tám tháng còn nuôi bằng sữa mẹ.Gặp toán vũ trang làm thổ phỉ trong rừng. Những bàn tay thô bạo sờ nắn thân thể, cởi bỏ quần áo để khám xét trước những cái cười man dã. . .( Miền Thương Uyển Xưa. Mưa núi 28).


Đặng Phùng Quân cũng nhắc lại những ngày vượt biên bằng đường bộ.Ông đã nói cho ta biết thực trạng tại ngã ba biên giới và thân phận người phụ nữ trên bước đường đào thoát. Họ rất can đảm và nhẫn nhục. Và ở đây, cái giá của tự do rất đắt!


IV.-Những phụ nữ trên đất Miên
Chúng ta thấy có hai hạng người. Một là những người đàn bà Miên hiền lành, nhân đức. Đó là người đàn bà Miên đã tìm thấy đứa con thất lạc của tác giả:
Nửa đêm về sáng đó,chàng đã may mắn thoát thân và gặp lại đứa con trong vòng tay của một người đàn bà Miên tốt bụng ở trạm đợi cách nơi chàng bị giam giữ hai cây số. . .( Miền Thương Uyển Xưa. Thư nhà 44).


Và những người đàn bà trong căn nhà dân chúng đã cho chàng tạm trú.
Sớm mai, khí hậu thị trấn trong lành, phả vào tâm hồn khách lạ nỗi nhớ bâng khuâng.Nhảy qua bờ tường đổ nát, chàng tin tưởng gỏ cửa đúng căn nhà hẹn. Một người đàn ông mập mạp, đeo tượng Phật lớn trước ngực mở cửa, nét mặt bình thản tưởng chừng đã quen biết chàng từ lâu. Trao đổi vắn tắt mấy câu, y dẫn chàng lên lầu, những bậc thang gỗ rung chuyển dưới bướcchân nặng nề của người chủ nhà.Người đàn bà trong nhà dường như sửa soạn bếp núc ngay từ buổi sáng đã bày xôi nếp và cá khô chiên ngay trên mặt sàn. Khi chào người đàn bà, chàng thoáng ngạc nhiên trong lòng vì nét mặt thanh tú của nàng khác hẳn những người đàn bà chàng gặp dưới Nam Vang ( Một Dặm Tương Thân . Người đàn bà ở Ch. Ha, 83)



Chia tay người chủ nhà, tác giả đến một nơi khác gần biên giới Thái Lan, và vào trọ ở một nhà sàn. Tại đây tác giả gặp một khuôn mặt kiều mị với tấm lòng nhân hậu:
Chàng bừng mắt thức giấc ngơ ngác lúc nàng rón rén đi vào. - người thiếu phụ với mái tóc xõa, nét kiều mị lạ lùng đối với chàng.( dường như chàng còn ngơ ngác trước mộng và thực, chưa nhận định được chàng đang ở nơi nào), trên tay nàng mang tấm sà rông màu sậm sặc sỡ. Chàng chỉ kịp gật đầu chào, trí nhớ đang tìm kiếm những tiếng chàng mới học dọc đường. Nàng đã hỏi, một giọng tiếng Pháp lưu loát, thân ái, chàng đã khỏe chưa. VÀ nàng mời chàng đi tắm trước khi dùng bữa.. . . Nàng đưa tấm xà rông cho chàng với nụ cười thân mật
( Một Dặm Tương Thân . Người đàn bà ở Ch. Ha, 85).


Đây cũng là khuôn mặt tiêu biểu cho những trí thức Miên, Lào, Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc đã chạy theo cộng sản, và cuối cùng vỡ mộng.
Và một hạng là những người vợ Miên cộng hoặc là những tay buôn bán vàng bạc. Họ sống trên bất hạnh của người vượt biên. Họ vui mừng khi thấy những chỉ vàng do bọn Miên Cộng cướp bóc dân lành.
Bọn du kích khám xét, tịch thu phẩm vật. Mãy người đàn bà đợi sẵn, cầm những chỉ vàng mân mê thích thú, nói với nhau ríu rít. Những người có vàng được thả, đi bộ ngược ra con lộ. Chàng quan sát, bọn du kích chỉ khoảng một tiểu đội, ở chung lẫn lộn với gia đình, nuôi gà vịt, mấy bao gọi cứu đói mang dấu ấn Liên hiệp quốc lãnh từ biên giới chồng chầt ngổn ngang phơi bày thực trạng trước mặt. Chúng chỉ là đám tân binh hỗn tạp, được giao vũ khí để dọa nạt thường dân, có vẻ ngu ngơ về quân sự. . . .
(Một Dặm Tương Thân. Người đàn bà ở Ch. Ha, 82 )
May thay, trong địa ngục của Pon Pot cũng còn nhiều trái tim Bồ Tát.


V. Những tâm hồn tự do TRÊN VÙNG TRờI Âu Mỹ
Trong truyện của Đặng Phùng Quân ta gặp những linh hồn du mục, những con thú hoang trên đô thị, những con người của thuở hồng hoang, gặp và yêu, không tra hỏi, không cần biết ngày mai ra sao. Những người này là những người tình cũ của người đàn ông nay gặp lại:.
Người đàn bà của chàng không rơi vào đam mê kỳ thú ấy, không ngoại tình với cõi ngoài siêu hình đó, nàng chỉ ngược trở về thời trinh nguyên hồng hoang.. . .Sau cùng anh đã đến với em rồi đó. Không biết nàng (hay chàng) đã thì thầm lời đầu tiên ấy. Họ không hôn nhau trước đám đông như những đôi tình nhân da trắng kia. Chàng chỉ lặng lẽ đi sóng vai với nàng, thỉnh thoảng lại quay nhìn bạn. Trong ánh mắt nụ cười . .. Chàng nghĩ, điều hạnh phúc đến tự nhiên quá (Miền Thượng Uyển Xưa. Trong nỗi nhớ của một ngày, 70- 71 )


Ở một cảnh khác, chàng là một người đang sống một mình. Nàng lái chiếc xe màu đỏ tiến đến phía chàng:
Chàng đưa cánh tay quàng bờ vai tròn, để trần của bạn, đứng tựa bên nhau lặng ngắm cảnh vật. Giòng suối lững lờ.
Đừng trốn em như đám lục bình kia.
Nàng ngửa mặt nhìn chàng, những sợi tóc vướng lòa xòa trên ngấn cổ trắng ngần.Những giọt sương sờm còn đọng lại trên mặt cỏ. Chung quanh yên tịnh quá. Đóa hồng còn thơm mùi son mớI trên bờ môi. Chàng đắm đuối trong nỗI mờI gọi khôn nguôi đó quá
(Miền Thượng Uyển Xưa, Miền Thượng Uyển Xưa,147)
Một cảnh khác nữa, trong một Motel.
Chàng đã lắng chìm trong cơn đam mê, bắt gặp cái cảm giác thanh khiết đang chập chờn thăng hoa. Nàng tựa người lên ngực chàng, ngón tay trỏ vẽ những đường vòng tưởng tượng trên môi chàng, cái thói quen tinh nghịch thuở nào, kéo chàng chú ý nghe những điều nàng kể lể với bạn. Em ở lại với anh đêm nay thôi nhé, đêm tân hôn của chúng mình (Miền Thượng Uyển Xưa,171)


Thỉnh thoảng người đàn ông trong truyện của Đặng Phùng Quân cũng chợt gặp một hình bóng giai nhân, và cả hai cùng bị tiếng sét ái tình làm cho choáng váng.
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Tảu khúc là câu chuyện về một thiếu nữ yêu một người, rồi mang thai trong ngày chiến tranh vào thành phố. Nàng cùng một người đàn ông xa lạ đi trong một con tàu lênh đênh trên đại dương. Nàng sống với người đàn ông lớn tuổi đó tại một thành phố xa lạ. Sau nàng gặp một thanh niên xa lạ, làm tình với chàng. A, M, D tất cả chỉ là những ký hiệu, là những người xa lạ. Tất cả là tự nguyện, là tự do. Họ không thể kết hợp vì mỗi người là một ốc đảo. Tự nguyện gặp gỡ và tự nguyện rời xa như bầy khỉ thời nguyên thủy:
những linh hồn như những ngọn lửa xa rời nhau vĩnh viễn, thôi thúc nhận thấy nhau nhưng không bao giờ hòa lẫn với nhau, kết hợp với nhau hay biết nhau thực sự , mỗi người ở trong ốc đảo của mình tình yêu là một xác quyết đầy mãnh lực của con người, là một cogito hiện sinh không thể phủ nhận được; tôi yêu vậy có hữu thễ và đời sống đáng giá (Tảu khúc ,17 ).


Rồi những gặp gỡ bất ngờ khác như khi người đàn ông đi dự một buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng và gặp một người đàn bà. Một mối quan hệ khác bắt đầu:
Người đàn bà gặp gỡ hẳn cũng là một tình cờ. Tình yêu đến bất chợt như vậy không phải đợi chờ tìm hiểu nhau, không phải do thói quen lâu ngày đến nỗi tưởng cuộcsống cần thiết phải có nhau.
Chỉ một lần, do lời mời khẩn khoản của người bạn về dự cuộc sinh hoạt văn hóa tổ chức ở nơi đó - chàng đã đáp máy bay vào buổi sớm ngày thứ bảy và nghĩ sẽ trở lại thành phố sáng hôm sau của một cuối tuần vội vã, thế rồi họ quen biết hẹn gặp lại nhau ngày chủ nhật đã làm thay đổi hành trình của chàng

( Tự Truyện, Trạm đợi, 71 )



Ở đây người ta yêu vội vàng vì người ta nhiễm văn minh Âu Mỹ. Và cũng vì cả hai không còn ở trong lứa tuổi đôi tám mộng mơ. Mà cũng vì cô đơn. Có lẽ đây là điểm chính. Những đại đô thị càng phát triển,càng đông người thì con người càng xa lạ. Nhất là người Việt lưu vong càng cảm thấy cô đơn hơn khi xung quanh ta toàn là Mỹ đen, Mỹ trắng, Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ đủ hạng người. Mỗi người Việt Nam nam hay nữ đều trở thành ốc đảo trong một quần thể ốc đảo:


. . .Liz trở thành bạn thân và chàng nghĩ nếu tỏ tình, hẳn họ sẽ sống chung với nhau.( Ở một thành phồ, không gặp người đồng hương, hơn nữa môi trường chàng làm việc xa lạ với những người mới lập nghiệp nơi xứ này, chàng cảm thấy nỗi cô quạnh vây quanh) nếu không gặp nàng. (Tự Truyện, Trạm đợi, 71).


Đặng Phùng Quân không tạo ra một thế giới mà vẽ lại một thế giới có thực từ Việt Nam sang Miên và Mỹ quốc. Ở đâu cũng có những khuôn mặt phụ nữ hiện ra. Thơ mộng. Đam mê, thần thánh và gian ác đều có cả. Có hai chủ đề quan trọng trong tác phẩm của Đặng Phùng Quân là vượt biên và lưu đày mà trong đó người phụ nữ giữ những vai quan trọng. Đó là tính chất lịch sử, tính chất triết lý và tính chất nhân bản trong tác phẩm của Đặng Phùng Quân.
  

No comments: