Sunday, September 9, 2012

TRẦN BÌNH NAM * DÂN CHỦ & TỰ DO

Dân chủ và Tự Do: Không ai cho. Phải giành mới có                                                                                Trần Bình Nam


Ngày 20/1/2005 khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, tổng thống Bush nói: “bất cứ ai sống trong tuyệt vọng và dưới sự áp bức nên biết rằng: Hoa Kỳ  không quên quý vị đang bị áp bức và chúng tôi cũng không tha thứ những ai đang áp bức quý vị. Khi nào quý vị đứng dậy vì tự do, có chúng tôi bên cạnh quý vị.”

Lời nói của tổng thống Bush làm nhiều người trên thế giới hiểu lầm rằng Hoa Kỳ sẽ cầm lưỡi gươm cứu khốn phò nguy giải phóng tất cả những ai đang bị áp bức, để kết luận rằng chúng ta không cần làm gì cả, chỉ cần đứng bên bờ hồ la hét đòi tự do là sẽ có tự do. Xin chớ hiểu như vậy để mà thất vọng. Dân chủ và tự do không đơn giản như thế. Ý chính của tổng thống Bush là, khi nào quý vị đứng dậy mới có chúng tôi bên cạnh. Nói cách khác muốn có dân chủ tự do phải đấu tranh, phải đổ máu, phải lao tù mới có được. Điều kiện tiên quyết là phải đứng dậy và chấp nhận gian khổ trước, sự giúp đỡ sẽ theo sau.

Lịch sử đấu tranh cho tự do và dân chủ trên thế giới trong nửa thế kỷ qua là những minh chứng hùng hồn:

Sau Thế chiến II Hung Gia Lợi nằm trong vòng ảnh hưởng của Liên bang Xô viết. Năm 1949 chính phủ cộng sản Hung Gia Lợi ra đời. Năm 1956 Imre Nagy hy vọng Tây Phương sẽ không để Hung Gia Lợi cô đơn đã vận động đưa Hung Gia Lợi ra khỏi ách thống trị của Liên bang Xô viết và đã bị Stalin dìm cuộc vận động trong máu. Tuy nhiên sau cuộc đàn áp Liên bang Xô viết phải nới lỏng bàn tay, và từ năm 1956 đến năm 1988 dân chúng Hung Gia Lợi được hưởng một chế độ tương đối dễ thở cho đến năm 1989 qua phong trào giải phóng Đông Âu Hung Gia Lợi trở thành một quốc gia độc lập.

Cuộc nổi dậy tiếp theo là của nhân dân Tiệp Khắc. Năm 1968 nghiệp đoàn các nhà văn Tiệp Khắc theo chân nhà văn hào Nga Solzhenitsyn đứng lên chống chính sách kiểm duyệt văn hóa của nhà nước đã dấy lên phong trào đấu tranh toàn quốc. Cũng như tại Hung Gia Lợi, Liên bang Xô viết mang Hồng quân vào dẹp cuộc nổi dậy. Nhưng nhân dân Tiệp Khắc không nhụt chí. Năm 1977,  240 nhà trí thức Tiệp Khắc công bố bản Hiến chương 77 và một lần nữa những người trí thức này bị trấn áp và tù đày mở đầu cuộc cách mạnh nhung, mang độc lập đến cho nhân dân Tiệp Khắc năm 1989.

Tại Ba Lan cuộc đấu tranh của nhân dân Ba Lan âm ỉ và tiệm tiến từ năm 1947 (dưới ảnh hưởng của giáo hội Công giáo La mã. 90% dân Ba lan theo Công giáo) ngay sau khi một chính quyền cộng sản do Liên bang Xô viết nhào nặn ra đời. Lập trường đấu tranh của Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa, một người thợ điện là thợ thuyền có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập không chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Ba Lan. Cuộc đụng độ chính trị đầu tiên giữa nghiệp đoàn và chính quyền Cộng sản Ba Lan xẩy ra cuối năm 1970. Đến năm 1978 Lech Walesa tổ chức Nghiệp đoàn Tự do và tháng 8 năm 1980 chính thức thành lập Nghiệp đoàn Đoàn kết Ba Lan. Bốn tháng sau trước đe dọa xâm lăng của Liên bang Xô viết, chính phủ Ba Lan giải tán Nghiệp đoàn Đoàn kết. Hành động này làm cho kinh tế Ba Lan xuống dốc thê thảm buộc chính phủ Ba Lan phải công nhận Nghiệp đoàn. Qua hai thập niên kiên trì tranh đấu, thành viên của Nghiệp đòan đã bị bắt bớ, tù đày, thậm chí bị vu cáo, ám sát cho mãi đến đầu năm 1989 đảng Cộng sản Ba Lan mới chấp nhận thương thuyết với Nghiệp đoàn và cuối năm 1989 đồng ý tổ chức bầu cử tự do mở cửa cho một nền dân chủ đa nguyên và kinh tế thị trường khi uy quyền của Liên bang Xô viết đang trên đà suy thoái.  

Sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa đầu thập niên 1990 đánh dấu một thời gian thế giới tái tổ chức, một bên là các nước Đông Âu, một bên là các nước trước kia thuộc Liên bang Xô viết nay được độc lập. Các nước Đông Âu có truyền thống dân chủ nên sự hội nhập vào cộng đồng dân chủ pháp trị tương đối ít vấn đề. Các nước này chỉnh đốn được thể chế dân chủ qua bầu cử tự do, phát triển kinh tế và bắt đầu gia nhập khối NATO và Liên hiệp Âu châu. Trong khi đó sự hội nhập của các nước thuộc Liên xô cũ có vấn đề. Dân chủ đa nguyên bị lợi dụng và dung nhan của độc tài tái xuất hiện dưới nhãn hiệu dân chủ.

Một thập niên trôi qua, bước vào thế kỷ 21, đòi hỏi của lịch sử buộc bánh xe dân chủ lại chuyển mình. Khởi đầu với cuộc đấu tranh của dân Georgia với cuộc cách mạng hồng chống một cuộc bầu cử quốc hội gian lận đã đưa đến sự từ chức của tổng thống Eduard Shevardnadze cuối năm 2003. Biến cố này đã là một khích lệ lớn cho nhân dân các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ, từ Azerbaijan, đến Armenia cho đến Belarus, Moldova, Ukraine  và Kyrgyzstan.

Tại Ukraine cuối năm 2004, trong một cuộc bầu cử tổng thống phe thân Liên bang Nga đã tổ chức bầu cử gian lận để đưa ông Yanukovych thân Nga lên thay thế cựu tổng thống Kuchma. Nhân dân Ukraine bất mãn, xuống đường tiến hành một cuộc cách mạng được thế giới biết đến như cuộc cách mạng vàng. Trước áp lực của quần chúng cuộc bầu cử được tổ chức lại và ông Yushchenko, một ứng cử viên thân Tây phương và được lòng dân đắc cử. Lúc này Ukraine đang trên con đường cải tiến kinh tế xã hội, hội nhập dần vào cộng đồng thế giới.

Cuộc cách mạng tại Kyrgyzstan tháng 3 năm 2005 mệnh danh là cuộc cách mạng tulip khác với hai cuộc cách mạng tại Georgia và Ukraine.Tại Kyrgyzstan sau một cuộc bầu cử quốc hội lem nhem do bàn tay của chính quyền dân chúng đã xuống đường phản đối và trở thành bạo động khi chính quyền ra lệnh đàn áp. Tổng thống Askar Akayev bỏ chạy sang Liên bang Nga tị nạn và từ chức. Một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2005. Tại Kyrgyzstan có hơn một khuôn mặt đối lập xuất hiện. Ít nhất là hai khuôn mặt nổi bật như Kurmanbek Bakiev, thổng thống tạm thời, vai chính trong cuộc nổi dậy, và bà Rosa Otunbayeva, cựu bộ trưởng ngoại giao. Điều này có thể làm cho tiến trình dân chủ hóa tại Kyrgyzstan cần nhiều thời gian hơn tại Georgia và Ukraine trước khi ổn định. Tại hai nước này các cuộc chuyển đổi chính trị đã diễn ra trong hòa bình và đối lập được tập trung chung quanh một lãnh tụ duy nhất.Tại Georgia là Mikhail Saakashvilli và tại Ukraine là Viktor Yushchenko.

Với cuộc cách mạng hồng tại Georgia năm 2003, các mạng vàng năm 2004 tại Ukraine, và cách mạng tulip tại Kyrgizstan năm 2005 thế giới đang chú ý đến Kazakhstan, một nước lớn nằm phía bắc của Kyrgyzstan. Tình hình tại đó đã chín và  nếu cuộc bầu cử cuối năm 2005 hay năm sau được tổ chức gian lận, dân chúng Kazakhstan sẽ không ngồi yên và sẽ có một cuộc cách mạng dân chủ. Khối đối lập đã cử ông Tuyakbao một ứng cử viên được lòng của dân chúng, nguyên là chủ tịch quốc hội chuẩn bị tư thế đương đầu với cuộc bầu cử gian lận.

Tại Liên bang Nga, tổng thống Valadimir Putin đang được lòng dân với chính sách quốc gia cực đoan nhưng đang nghiêng dần về phía độc tài. Đối lập tại Liên bang Nga bị hạn chế hoạt động, nhất là những người đối lập có khuynh hướng thân Tây phương. Quyền tự do ngôn luận từng là bàn đạp cho các biến chuyển dân chủ tại Liên bang Nga từ những ngày glasnost và perestroika đang dần dần bị hạn chế và đe dọa. Nhiều nhà báo Nga bỏ nước sang sinh sống tại Ukraine. Savik Shuster, một nhà báo Nga tị nạn tại Ukraine nói rằng tại Nga hiện nay không còn cái gọi là tự do ngôn luận nữa. Nhiều nhà đối lập Nga chạy trốn áp lực của tổng thống Putin đã trở thành những cố vấn cho tân tổng thống Viktor Yushshenko của Ukraine như nhà đối lập Boris Nemtsov. Tại Liên bang Nga, dù trong không khí khó khăn, các nhà đối lập tại đó cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Hoặc Putin sẽ tu chính hiến pháp để ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, hoặc cử một phụ tá của ông ra tranh cử người ta cũng chờ đợi một cuộc bầu cử gian lận. Và đối lập đã sẵn sàng dùng khuôn mẫu cách mạng của Ukraine để tái thiết lập dân chủ đích thực tại liên bang Nga. Người có nhiều cơ hội đóng vai Yushchenko của Nga là Mikhail Kasyanov, nguyên thủ tướng Liên bang Nga.

Các biến cố chính trị từ những năm 1956 qua thập niên 1970, và thập niên 1980 đưa đến sự sụp đổ của Đông Âu và Liên bang Xô viết và những biến động trong những năm vừa qua tại các nước vốn thuộc Liên bang Xô viết, cũng như tại Serbia, tại Lebanon và đang manh nha tại Ai Cập cho thấy một điều: các chính quyền độc tài không bao giờ biết mình đã mãn thời. Họ dùng mọi phương tiện từ thủ đoạn chính trị đến bạo lực để duy trì quyền hành chính trị và quyền lợi vật chất. Trong những chính quyền độc tài chính quyền cộng sản là thủ đoạn nhất trong ý đồ duy trì quyền lực. Họ phủ lên cái ruột độc tài bằng cái vỏ  lý thuyết bịp bợm “dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo” đọc lên nghe kêu nhưng rỗng. Đi xa hơn họ hợp thức hóa sự độc tài đảng trị bằng hiến pháp như Điều 6 của hiến pháp Liên bang Xô viết trước khi sụp đổ, Điều 1 của hiến pháp Trung quốc và Điều 4 của hiến pháp Việt Nam.

Cho nên cái hệ luận tất yếu là để bật cái gốc của những chính thể độc tài điều tiên quyết là người dân phải đứng dậy, chấp nhận hy sinh và gian khổ đấu tranh chứ không thể chỉ đấu tranh bằng lời nói suông và tuyên ngôn tuyên cáo. Theo bà Dana Niemcova, một phụ nữ Tiệp Khắc, một trong những điều kiện để người dân đứng dậy là giới trí thức đứng dậy trước để lãnh đạo quần chúng. Bà Niemcova, giáo sư đại học và chồng, một bác sĩ tâm thần là hai trong 240 nhân vật ký bản Hiến chương 77 mở màn cuộc cách mạng nhung tại Tiệp Khắc nói rằng lời nói và những bài viết chỉ trích độc tài dù nặng nề và đúng trọng tâm bao nhiêu cũng không làm cho người dân đứng dậy. Họ cần được lãnh đạo bởi giới trí thức. Và giới trí thức phải sẵn sàng vào tù ra khám, mất công ăn việc làm và địa vị xã hội. Bản thân bà Dana Niemcova sau khi ký Hiến chương được cho nghỉ dạy và biến thành một lao công cho chính ngôi trường đại học nơi bà giảng dạy. Bà Niemcova và các thành phần khác ký Hiến chương đã nêu gương hy sinh cho một thế hệ người trẻ Tiệp Khắc xuống đường tiến hành cuộc cách mạng nhung. Cách mạng nhung, nhưng không có nghĩa không có nước mắt và máu âm thầm chảy.

Một lần nữa, cuộc đấu tranh cho dân chủ không thể tiến hành bằng nước bọt. Phải thực tiển đấu tranh. Và cũng không nhất thiết phải bạo động. Đấu tranh bất bạo động trong thế giới tin học và toàn cầu hóa hiện nay còn hiệu nghiệm hơn cả đấu tranh bạo động. Bạo động giúp kẻ cầm quyền bạo ngược có cớ dùng bạo lực. Bất bạo động trái lại làm cho kẻ mạnh lúng túng trước lương tri của thế giới và tối hậu họ phải khuất phục lẽ phải.

Người trí thức trên thế giới từ Trung á, Trung đông, Nam Mỹ, Á châu, Trung quốc, Việt Nam ở đâu? Giới trẻ đang chờ quý vị bước ra chấp nhận hy sinh, giương cao ngọn cờ chính nghĩa cho một thế giới dân chủ và hòa bình. (June 2005)



June 24, 2005

binhnam@sbcglobal.net

http://www.vnet.org/tbn


--------------------------------------------------------------------------------

Trần Bình Nam http://www.vnet.org/tbn




No comments: