Sunday, September 9, 2012

LÊ DINH * CHUYẾN ĐI

Chuyến đi thập tử nhất sinh
LÊ DINH


Giữa tháng 12 năm 1977, từ một nhà tù nhỏ là trại Phan Đăng Lưu ở chợ Bà Chiểu ra nhà tù lớn là cả nước Việt Nam, thật sự tôi cảm thấy còn lo sợ hơn là khi còn ở trong nhà tù Phan Đăng Lưu. Vì là một người đã bị kết tội vượt biên, dù được tự do, về nhà tôi cứ mãi bị ám ảnh và thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Ban ngày, nghe tiếng ai nói chuyện lớn tiếng trước nhà cũng sợ, ban đêm, nghe tiếng ai gõ cửa càng cuống cuồng hơn nữa, ở nhà thì sợ sệt đủ thứ, sợ ông chủ khóm, chủ ấp, sợ công an khu vực, công an phường, sợ lối xóm, ra đường sợ những người quen, sợ bạn bè, sợ đồng nghiệp cũ. Có một lần, tôi đạp xe bên này lề đường Hồng Thập Tự, nhìn thấy bên kia đường, nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng đạp xe đi ngược chiều về phía tôi, tôi liền hạ thấp vành nón đang đội trên đầu để giấu mặt, không dám nhìn anh. Không nhìn anh nhưng tôi cũng đoán biết là anh cũng nhìn thấy tôi nhưng giả vờ không thấy nhau, như vậy tốt hơn, mặc dù trước kia tôi và Nguyễn Hiền rất thân nhau, phòng Điều Hợp của anh ở cạnh phòng Sản Xuất của tôi và tôi với anh có với nhau vài sáng tác hợp soạn như Hoa đào năm trước, Phố vắng đêm mưa v.v... Bạn bè cũ ở đài Phát thanh ngày trước, tôi không dám gặp ai, nhất là những người nào còn ở lại cộng tác với chế độ mới, ra đường rủi gặp họ mình cứ lờ đi, coi như xa lạ. Thế mà cũng không yên. Có một nhân viên cũ của tôi còn làm việc, cho tôi biết, trong một buổi học tập hàng tuần, cựu chủ sự một phòng nọ, vẫn còn làm việc, đứng lên phát biểu rằng: "Sao cách mạng quá dễ dãi như thế, tôi thấy nhạc sĩ Lê Dinh còn cỡi xe đạp tà tà ngoài đường phố, mấy anh có biết rằng thằng Lê Dinh nó đã làm biết bao nhiêu bài nhạc tố cộng, biết bao nhiêu bài nhạc chiến dịch không?". Nghe kể lại, tôi rụng rời và từ đó, có những việc thật cần thiết, tôi mới đạp xe đạp ra khỏi nhà.

Rồi còn vấn đề sinh sống nữa. Đồ đạc trong nhà đã bán hết, nhà cửa trống toát, không còn gì giá trị để bán nữa. May mà chúng tôi còn cha mẹ, anh chị em hai bên ở dười tỉnh, thỉnh thoảng mang lên cứu trợ chúng tôi vài chục kí gạo, một nồi cá kho, một trái bầu, vài nải chuối, vài trái dừa. Vợ tôi và mấy đứa nhỏ làm bịch nước ngọt đong đá để bán cho trẻ con lối xóm, còn tôi và đứa con gái lớn thì dạy Pháp văn và âm nhạc cho hai đứa con của một gia đình cán bộ giàu. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng đắp đổi được qua ngày. Nhưng cái khổ về sinh kế không bằng cái khổ về tinh thần. Nào là hộ khẩu, đổi tiền, xét văn hóa phẩm đồi trụy, kêu đi nghĩa vụ, học tập cải tạo, dân công thủy lợi, đuổi đi kinh tế mới, học tập phường khóm, kêu đi biểu tình, phải có giấy phép di chuyển nếu muốn đi đâu và còn loa phóng thanh oang oang inh ỏi những bài hát CS chói tai... tất cả phối hợp lại làm thành một sự tra tấn không chân dung, giết dần giết mòn tinh thần mình ngày này qua ngày khác. Không thể nào chịu nỗi nữa, dù đã một lần vượt biên thất bại, tôi cũng cố gắng, còn nước còn tát, biết đâu Trời Phật thương, giúp cho mình thoát khỏi chốn ngục tù này. Đã một lần bị bắt và bị giam rồi nhưng gia đình tôi vẫn không chút sợ sệt và nghĩ rằng dù bị bắt, bị giết hay chết dưới biển sâu, làm mồi cho cá mập hay gì gì đi nữa thì cũng không khổ bằng sống với CS. Cái sống với CS là cái chết dần chết mòn, đau đớn về cả hai mặt, thể xác và tinh thần, còn cái chết khi vượt biên là cái chết một lần thôi, nhanh chóng và cả nhà đều chết một lượt, còn ước ao gì hơn nữa. Khi người ta đã đến tận cùng của đau khổ, người ta không còn sợ gì nữa cả, dù là cái chết. Ai ai rồi cũng chết, thà chết bây giờ còn sướng thân hơn là phải sống chung với CS. Bởi không mảy may sợ chết cho nên chúng tôi mới quyết định thoát thân một lần nữa, rời khỏi địa ngục này, nếu sống thì tốt mà có chết cũng không sao. Nếu may mà sống thì mai này, ở trên một vùng đất yên vui nào đó, với hai bàn tay không bị gông cùm, với một khối óc không bị áp đảo, chúng tôi sẽ làm lại từ con số không, trong khung cảnh yên bình, tràn đầy tình người ở quốc gia tự do đó.

 Thành phố Gò Công của chúng tôi, về hướng Đông, chỉ cách bãi biển Tân Thành, Vàm Láng 14 cây số. Vùng đó là địa điểm xuất phát rất tiện lợi cho những chuyến vượt biên và là đất sinh sống của một số đông dân chúng trong vùng làm nghề đi biển. Nhờ sự giới thiệu của một học trò cũ của tôi là nhạc sĩ Hoàng Phương (tác giả Hoa sứ nhà nàng, đã qua đời), tôi được quen biết với anh Nguyễn văn Sinh, tự Tư Xuân, chủ nhân chiếc ghe đánh cá mang tên Hồng Vân ở Tân Thành. Tuy là một người dân lao động, nhưng anh Tư Xuân không chịu nổi CS, quyết tâm «vượt biển» cùng với một số trai tráng trong làng, mà số đông cũng cùng hành nghề đi biển, đánh cá, bắt tôm như anh. Là một người quanh năm không xa rời miền biển nhưng tâm hồn anh Tư Xuân rất phóng khoáng, thích văn nghệ. Không hiểu sao, trong đầu anh có những tên tuổi trong giới ca nhạc mà anh mến mộ cho nên, qua nhạc sĩ Hoàng Phương, anh đồng ý cho gia đình tôi theo ghe anh trong chuyến vượt biển do anh tổ chức và đồng thời bảo tôi tìm nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi và nhạc sĩ Quốc Dũng để cùng đi. Tôâi trở về Saigon, gặp Nghiêm Phú Phi và chị Phi là cô Ngọc Sương (xướng ngôn viên Đài Phát thanh Saigon trước 1975), nói lên ý kiến của anh Tư Xuân nhưng ông bà Nghiêm Phú Phi im lặng, gián tiếp chối từ bằng cách không có mặt ở bến xe ngày hôm sau để đi Gò Công theo lời hẹn của tôi. Mà đúng như vậy, làm sao tin được ai, dù người đó là bạn, trong thời buổi nhiễu nhương này? Có người nào quá tốt, trong thời buổi này, cho đi vượt biên mà không phải trả một chỉ vàng nào cả. Về phần Quốc Dũng, tôi có lên nhà của anh trên lầu đường Trần Hưng Đạo nhưng không có ai ở nhà. Riêng nhạc sĩ Hoàng Phương (lúc đó chưa có làm bài «Hoa sứ nhà nàng») không chịu đi, vì - theo tôi hiểu - cơ sở làm ăn của HP tại Gò Công trong hồi phát đạt và một phần nữa là HP còn dính líu tình cảm ở đó cho nên ra đi không đành. Tội nghiệp, chỉ vài năm sau, tiệm vàng và sửa đồng hồ của Hoàng Phương suy sụp và anh qua đời trong sự nghèo túng.

Thế là giữa đêm tối 6 rạng ngày 7 tháng 8 năm 1978, chúng tôi, tất cả gồm 40 người, 32 đàn ông, 5 phụ nữ và 3 trẻ em, chia nhau thành từng tốp 5, 3 người âm thầm đến địa điểm đúng hẹn. Toán chúng tôi gồm có 6 người, kể cả người dẫn đường, cũng thuộc trong nhóm, âm thầm nương theo ánh sáng lờ mờ trên những con đê gập ghềnh để đến nơi hẹn. Một tiếng chó sũa cũng làm chúng tôi giật mình. Chiếc Hồng Vân, bề dài 12m, ngang 2,5m với 40 sinh mạng trong đó, trực chỉ miền Đông, theo hướng mặt trời mọc để hy vọng đến Phi Luật Tân. Chúng tôi ra đi không mang theo một dụng cụ hải hành nào, ngoại trừ một số gạo đựng trong một cái lu nhỏ và một thùng nước ngọt, nhưng hành trang duy nhất là ý chí và sự căm thù tột cùng những người CS. Rời bãi biển Tân Thành chỉ được 2 ngày, là chúng tôi bị một trận gió mùa dữ dội, ghe bị thủng lỗ, chạy lòng vòng, nước tràn vào, gạo nước trong lu đổ tung toé. Chúng tôi phải liên tục luân phiên nhau tát nước ra ngoài. Ba ngày trôi qua, chúng tôi không có một chút gì trong bụng, kể cả nước. Con gái út của chúng tôi, năm đó 13 tuổi, như muốn nổi cơn điên loạn, ai đụng đến nó cũng không được. Trong đêm 12 rạng ngày 13-08-1978, có 8 chiếc tàu lớn chạy ngang qua chiếc ghe bị nạn của chúng tôi, nhưng không dừng lại mặc dù chúng tôi cố sức la to để kêu cứu. May sao đêm đó trời mưa nhỏ, vợ tôi đưa tay ra bên ngoài ghe, hứng được chút nước mưa trong một cái chén để cho mọi người uống và nhờ vậy mà con gái tôi mới qua cơn cuồng loạn.

 Tôi xin trích ra đây một đoạn ghi lại giai đoạn này, từ một tập sách nhỏ mà tôi ấn hành năm 1983, có tên là «More Hope On The Horizon», nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày được cứu vớt: «7 giờ sáng ngày 13-08-1978, một chiếc tàu màu đỏ hiện ra ở đàng xa. Hy vọng lại trở về với 40 người đang chờ chết, những tiếng kêu la cầu cứu, những cánh tay vẫy, những chiếc áo có 3 chữ; được đưa lên cao, đàn bà, trẻ con thì quỳ xuống lạy về phía tàu... Thế rồi chúng tôi thấy chiếc tàu màu đỏ với ống khói đen từ từ chậm lại và cuối cùng đánh một vòng tròn chung quanh chiếc ghe đánh cá nhỏ bé của chúng tôi. Một người trên tàu (mà sau này chúng tôi mới biết đó là vị thuyền trưởng) dùng súng bắn giây để bắn một sợi giây qua ghe của chúng tôi nhưng chẳng may đầu sợi giây rơi xuống biển. Nhanh như nháy mắt, hai thanh niên để nguyên quần áo nhảy ngay xuống biển để lấy sợi giây lên. Chiếc ghe dần dần được kéo lại gần chiếc tàu lớn mà giờ đây chúng tôi nhìn thấy rõ 2 chữ «Avon Forest» ở bên hông tàu. Trẻ em và phụ nữ được người trên tàu xuống dìu lên bằng thang có máy kéo và đàn ông thanh niên thì lần lượt leo lên bằng thang giây. Thế là chúng tôi được cứu thoát».

Cũng cần nói thêm, tôi là một trong vài thuyền nhân cuối cùng leo thang giây lên chiếc thương thuyền và khi chúng tôi cùng với vài thủy thủ lên hết trên tàu Avon Forest, chiếc Hồng Vân nhỏ bé đã chìm sâu vào lòng biển. (Những thủy thủ này là những người đầu tiên xuống ghe đánh cá của chúng tôi khi chiếc Hồng Vân vừa được kéo đến sát tàu Avon Forest),

 Chiếc Avon Forest chở 2,700 chiếc xe hơi Nhật trên đường từ Tân Gia Ba qua Đài Loan, cho nên khi thuyền trưởng, ông Rodrigue McDougall, dự định ghé Hong Hong để xin cho chúng tôi lên bờ nhưng không được chính quyền ở đây chấp thuận. Sau khi cung cấp lương thực cho tất cả 72 người ở trên tàu (32 người thuộc thủy thủ đoàn và 40 thuyền nhân), chiếc Avon Forest tiếp tục lộ trình đến hải cảng Cao Hùng (Kaoshiung), Nam Đài Loan. Chúng tôi được chính quyền Đài Loan chấp thuận cho lên bờ, được chuyển bằng tàu qua đảo Peng Hu, nằm gần Kim Môn, Mã Tổ, giữa Đài Loan và Trung Hoa Lục địa. Nửa tháng sau, chúng tôi sang Hong Kong và ngày 27-10-1978 chúng tôi được đưa định cư ở Montréal, Canada vì chiếc Avon Forest là một chiếc tàu của hãng Hàng hải Federation Commerce and Navigation (viết tắt là FEDNAV) của Canada. Chúng tôi đặt chân lên miền đất hứa ngày 28 tháng 10 năm 1978. Thế là sau 3 năm, 3 tháng, 7 ngày sống chung với CS chúng tôi được hoàn toàn tự do sau một chuyến vượt biển 2 tháng 20 ngày, gồm có những giây phút thập tử nhất sinh và những ngày ở trại tị nạn.

27 năm sau, hồi tưởng lại chuyến vượt biên, 10 phần chết, 1 phần sống của ngày 13 tháng 8 năm 1978 đó, giờ đây tôi mới thấy sợ. Vượt biên mà chúng tôi coi như là đi chơi du thuyền, không có bản đồ, không có la bàn, không có ống dòm, không biết khoảng cách của biển Trung Hoa từ Việt Nam đến Phi Luật Tân là bao nhiêu ngày đêm đường đi để ước tính mà đem theo dầu, đem theo lương thực, nước uống. Thế mà chúng tôi ra đi chẳng chút sợ sệt. Dù đến bờ bến hay không, đến hôm nay, chúng tôi vẫn cho rằng quyết định của chúng tôi là đúng. Nếu quyết định của chúng tôi sai thì nhìn lại những ngày cuối tháng 4 năm 1975 xem, thiên hạ đều sai hết à? Nhớ lại những ngày đó, ôi thật là kinh hãi. Cả Saigon như một thủ đô trong cơn điên loạn, tựa như một thành phố bị một đàn thú rừng hung dữ với hàng ngàn con hổ báo, chó sói, voi dữ về dày đạp. Mạnh ai nấy chạy, tiếng kêu la thất thanh, tiếng khóc vang trời, đôi mắt thất thần. Những gương mặt hoảng hốt hối hả đi tìm sự sống ở bến tàu, ở phi trường, ở bờ biển. Sao họ không ở lại để cầm cờ CS tiếp đón «đoàn quân giải phóng»? Những người này có nợ máu - theo lối nói của CS - phải không? Thưa không, họ chỉ là những người dân bình thường, nhưng khi nghe tới hai tiếng «Cộng sản» là hồn phi phách tán, nỗi hãi hùng này bắt nguồn từ sự dã man, tàn ác của CS mà dấu vết còn để lại qua những lần pháo kích vào nhà thường dân, vào trường học giết hại trẻ thơ, vụ Mậu Thân, đại lộ kinh hoàng mùa hè đỏ lửa năm 1972.

(Kỳ sau: Những tấm lòng vàng)




--------------------------------------------------------------------------------


Chú thích hình:

Hình 1: Anh Nguyễn văn Sinh và Lê Dinh, ngày mới đặt chân lên Montréal (1978).

Hình 4: Thuyền trưởng Rodrigue McDougall.

Hình 3: Tàu Avon Forest (1978).




--------------------------------------------------------------------------------

No comments: