Tuesday, September 4, 2012

LÂM CHƯƠNG * KHẮC KHẨU

Khắc Khẩu Y2K
Lâm Chương



--------------------------------------------------------------------------------
Thời gian cấp bách lắm rồi. Vấn nạn Y2K gần kề bên đít. Trước kia, có thể nhẩn nha chờ thời gian  giải quyết. Bây giờ, nước sắp đến trôn, không lo sao được? Chính quyền địa phương lập lờ trấn an, nhưng không có một tuyên bố nào chính thức. Một số người am hiểu tình hình, thì khuyên nên đề phòng những bất trắc vào đầu năm hai ngàn.
Gia đình ông Lâm trú ngụ nơi miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Mùa đông ở đây, nói theo nghĩa đen lẫn bóng, thật là tái tê rùng rợn. Nếu chưa điều chỉnh xong hai con số không cuốI cùng của năm hai ngàn trong  máy điện toán, thì tai họa lớn không biết chừng nào mà kể. Mất điện, nhà không có sưởi, con người sẽ  trở thành một khối thịt đông lạnh. Không phảI chết một cái rụp, mà chết từ từ mới đáng sợ. Hàng tháng, công ty điện lực gởi hóa đơn về, có kèm theo cái thông báo, rằng ngành điện đã giải quyết xong vấn  nạn Y2K. Ngoài thông báo ấy, lại có thêm một tờ quảng cáo máy phát điện loại nhỏ, dùng cho gia đình.  Sao lạ thế? Đã giải quyết xong Y2K, nghĩa là sự cung cấp điện không bị trục trặc. Ai cần mua máy phát điện làm chi? Có chuyện mờ ám gì đây? Ông Lâm cứ lẩn thẩn suy nghĩ, rồi nghi ngờ cái thông báo của  công ty điện lực, và nghi ngờ luôn cả chính quyền địa phương cố tình ém nhẹm những bất trắc có thể xảy ra, để tránh tình trạng xao động xã hội trước năm hai ngàn. Nguy tới nơi rồi! Nếu không, tại sao có lệnh  cho các chuyên viên điện toán toàn quốc phải túc trực tại nhiệm sở trong cái đêm giao thừa trọng đại, bắt đầu một thiên niên kỷ mới? Chuyện này không tin ai được hết. Ông cần phải bàn lại với vợ một  phương cách cứu nguy gia đình. Và ông nóng lòng đi ra đi vào, chờ vợ đi làm về, để nói với bà những  suy nghĩ của ông, cùng nhau lo liệu.

Lúc vợ vừa bước chân vô cửa, ông Lâm nói ngay: “Bà ngồi xuống đây, có chuyện này quan trọng lắm.”

Ông níu bà ngồi lại phòng khách.

Nhưng bà phủi tay ông, đi thẳng xuống bếp: “Chuyện gì thì chuyện. Cũng phải để tôi cất mấy thứ lỉnh kỉnh này đã.”

Ông Lâm ngồi chờ. Nghe tiếng bà la: “Trời ơi, một chậu chén dĩa chưa rửa. Thấy mà
khiếp. Cha con  ông cứ bày ra đó. Tôi đi làm về mệt, còn phải rửa ráy dọn dẹp nữa sao?”

Ông nói vọng xuống bếp: “Thì để đó.”

“Rồi ai rửa?”

“Lúc nào rảnh... bà rửa cũng được. Đâu cần phải gấp. Bà lên đây ngay, tôi có chuyện này.”

 “Sao cái nồi cơm trống không vậy? Chỉ vo gạo, cắm điện vào, là có ăn. Ông cũng không làm.  Chắc chờ tôi nấu xong, dâng lên tới miệng?”

Đúng là đàn bà không biết lo xa. Chỉ nghĩ đến cái ăn cái uống. Ông Lâm cằn nhằn, đi xuống  bếp. Ông ngồi, kéo thêm chiếc ghế cho bà.

 “Lại đây.” Ông nói.

Bà đang rửa chén dĩa, khua rổn rảng: “Tôi vừa làm vừa nghe. Có gì nói đi.”

“Sắp có vấn đề lớn.”

“Trời sập hả?”

“Cũng gần như vậy.”

“Tôi chỉ sợ trời sập. Ngoài ra không có chuyện gì đáng sợ.”

“Sợ chết không?”

"Tôi đang mạnh khỏe. Mắc mớ chi mà sợ chết!”

“Già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà. Ai không biết lo xa, đều phải chết kỳ này.”

Bà mỉa: “Tiếc quá! Ở Mỹ không có Sơn Đông mãi võ, bán thuốc cao đơn hoàn tán phòng bệnh cho  nam phụ lão ấu.”

Ông Lâm nổi nóng: “Bà đừng đi lạc đề. Chết thật đấy. Không đùa đâu. Bà biết vấn đề nan giải Y2K  sắp tới không?”

“Y2K là cái quỷ quái gì?” Bà ngoảnh lại, ngó ông.

“Tiếng Mỹ là Year 2000.”

“Thì sao?”

“Người ta chưa giải quyết xong hai con số không cuối cùng của con số hai ngàn, trong máy điện  toán.”

Bà đi lại, đặt bàn tay ướt lên trán ông, thăm dò.

Ông hất tay bà ra: “Làm cái gì kỳ vậy?”

“Nhiệt độ bình thường. Ông đâu mê sảng mà lo chuyện bao đồng thiên hạ. Người ta chưa giải quyết xong, thì có liên quan chi đến ông?”

Ông trừng mắt: “Sao không? Rắc rối lớn đấy. Cái đầu của bà quá đơn giản, không có tầm nhìn xa, nên không thấy trước được vấn đề nguy hiểm. Thời buổi văn minh hiện đại, bất cứ kỹ thuật gì, người ta  cũng sử dụng điện toán, nếu chưa điều chỉnh xong, điều gì sẽ xảy ra? Này nhé, vào đúng cái giây phút  giao thừa đầu tiên của năm hai ngàn, hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử của các nước tân tiến sẽ phóng ào ào lên không gian. Tất cả các loại vũ khí giết người hàng loạt, nổ bùng một lượt, thì quả đất này sẽ biến thành trái cầu lửa...”

“Thiên hạ chết hết phải không?”

“Đúng vậy.”

 “Chết đông. Vui!” Bà cười.

 Ông nạt: “Tôi đang nói chuyện đàng hoàng. Đừng giỡn mặt nghen!”

“Nguyên tử nổ, dù ông có đào lỗ mà chui, cũng chẳng thoát chết. Hãy bình tâm, sống tới đâu hay  đó.”

“Còn nữa. Nếu bom nguyên tử không nổ, cũng chưa yên đâu.”

Bà nổi cáu: “Ông lẩm cẩm vừa thôi! Tôi đi làm, về nhà còn phải dọn dẹp, rửa ráy, nấu cơm, làm đồ  ăn. Ông ở nhà chỉ việc đưa đón mấy đứa nhỏ đến trường. Thì giờ còn lại, ông ngồi hút thuốc phun khói  đầy nhà, rồi tưởng tượng ra đủ điều chết chóc, bắt tôi phải nghe. Muốn hù tôi hả?”

“Hù? Tôi lo cho bà và mấy đứa nhỏ. Chứ cái thân già của tôi, kể chi?”

“Ông khỏi lo cho tôi. Còn mấy đứa nhỏ, để đó tôi lo.”

Ông Lâm đứng dậy, bỏ lên nhà trên, ném lại sự hằn học: “Tức chết! Chẳng khi nào bàn luận êm  thắm được điều gì với bà. Có đầu thai lại kiếp sau, cũng đừng nhìn mặt nhau nữa nhé.”

Bà nói vói theo: “Sống chung một kiếp này, cũng ê chề quá rồi. Kiếp sau, vừa thoáng thấy mặt ông, tôi bỏ chạy.”

Ông ngồi tại phòng khách, gát chân lên bàn, hút thuốc. Nỗi bực mình chưa kịp lắng, tiếng bà vọng  lên.

“Tôi nghe mùi khói rồi đấy. Làm ơn mở cửa sổ, vặn máy hút giùm. Một mình ông hút thuốc, cả nhà  bị ung thư phổi.”

Ông la lớn: “Tất cả sẽ chết hết, trước khi phát bệnh ung thư.”

Lúc lâu sau. Bà đi lên phòng khách, nói:

 “Mấy đứa nhỏ đang học bài. Ông với tôi, ăn cơm trước.”

Ông ngoảnh mặt làm ngơ, không ngó bà.

 “Đàn ông gì mà hay hờn mát còn hơn đàn bà. Xuống ăn cơm đi.” Bà cười giả lả.

“Địa ngục!” Ông xẵng giọng.

Bà hỏi: “Tự nhiên nói địa ngục, là sao?”

“Bà biến gia đình này thành địa ngục.”

Bà cười hắc hắc: “Ở đâu có địa ngục, là ở đó có những mặt mày nhăn nhó, cằn nhằn.Tôi đang đem  tiếng cười vào địa ngục của ông, nhưng ông khó quá. Ai chịu nổi? Bây giờ ăn cơm không?”

“Không! Tức gần trào máu họng. Ăn sao vô?”

Thế là bà ăn cơm một mình.

Cái kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong gia đình ông Lâm, thường xảy ra như cơm bữa. Hai  vợ chồng nói chuyện với nhau một lúc, là có hục hặc. Sóng gió lại nổi lên. Ông Trời thật quái ác! Máng  chi một con trâu, một con bò kéo chung chiếc xe đời nặng nhọc. Không lúc nào ông cảm thấy thoải mái. Lòng ông, hình như có một nỗi gì gút mắc chông gai, một bất toàn trong tình chồng vợ. Có lúc ông nghĩ  đến giải pháp tách riêng ra, mỗi người đi một hướng, làm lại cuộc đời. Nhưng chuyện này đâu dễ.  Chẳng phải bà và ông trì kéo chi nhau. Chính mấy đứa con ràng buộc hai người ở lại. Cứ nghĩ tới hoàn  cảnh con ông phải sống trong sự lạnh nhạt, nhiều khi đến khắc nghiệt của cha ghẻ hoặc mẹ ghẻ, làm ông  chùng lòng. Trên đời, đâu có ai rộng lượng tới mức thương con ghẻ như con ruột của mình? Thôi thì vì  con, ông hy sinh một kiếp đời khốn nạn này. Nhiều khi ông tự hỏi, có phải ông mắc cái quả báo nào đó, từ kiếp trước? Chứ kiếp này, ông đâu phải thằng đâm cha chém chú. Cũng chưa từng chặt đầu lột da ai. Thế sao ông vẫn khổ? Ông tin vào thuyết luân hồi. Nghe đồn ở California, có cái HộI Huyền Bí. Một số hội viên có khả năng huệ nhãn, thấy được tiền kiếp. Ông tìm đến, nhờ họ giúp ông, soi rọi lại cái quá  khứ tội lỗi của mình. Pháp môn nhìn  ngược về quá khứ, được đặt tên là Soi kiếp. Sau khi Soi Kiếp, họ  cho biết, kiếp xưa vợ chồng ông là hai kẻ thù. Mối thù chưa thanh toán xong, thì mãn phần vì tuổi già. Đầu thai lại kiếp này, cả hai cũng quyết tìm đến nhau, tiếp tục ăn thua đủ. Họ khuyên, ông nên xóa bỏ  mối thù truyền kiếp ấy đi, để mà hòa hoãn sống với nhau.

Về nhà, ông Lâm thuật cho vợ nghe. Rồi nói: “Thôi. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Tôi chịu thua bà. Tôi xin  đầu hàng vô điều kiện.”

Bà bảo: “Từ lâu, tôi đã treo miễn chiến bài. Nhưng ông cứ khiêu chiến mãi.”

“Tôi khiêu chiến thế nào?”

“Ông nói những lời mắng nhiếc. Trút lên đầu tôi bao nhiêu oan khiên tiền kiếp.”

“Tính tình bà ngang bướng. Tôi muốn tu theo lục hạnh Bồ Tát, cắn chữ nhẫn giữa hai hàm răng mà  sống với bà. Nhưng có lúc dằn lòng không được, cũng phải chắp tay xin phép Phật, cho con nghỉ tu năm  phút. Kiếp này, tôi không thành chánh quả, cũng tại bà cản trở.”

Bà xách mé: “Trời ơi! Ông mà tu? Không khéo thiên hạ thành Phật cả rồi, ông còn làm ác tăng.”

“Tôi lạy bà!”

“Tôi cũng đã lạy ông, từ ngày mới kết hôn.”

 “Hồi trẻ bà hiền lành, chứ đâu chằn ăn trăn quấn như bây giờ. Bao nhiêu năm sống chung, tôi khám  phá ra mình bị lừa. Mắc mưu một lần, là đi tàu suốt cả cuộc đời.” Ông thở dài.

Bà hỏi: “Ai lừa ai? Ông còn nhớ không, hồi mới đám cưới xong, ông kể cho tôi nghe
chuyện nhà hiền triết Hy Lạp gì đó?”

 “Hiền triết nào? Trên đời này, thằng đàn ông nào có vợ, cũng đều trở thành nhà hiền triết cả.”

 “À, tôi nhớ ra rồi. Ông lập lại lời của Socrate. Dù sao, thì bạn cũng lấy vợ. Nếu may mắn gặp vợ  hiền, bạn là người hạnh phúc. Nếu gặp vợ dữ, bạn trở thành nhà hiền triết. Tôi hỏi, còn anh thì sao? Lúc  đó, mình còn gọi nhau bằng anh em, chứ không phải ông tôi như bây giờ. Ông bảo, nếu gặp vợ dữ, anh sẽ trở thành võ sĩ.  Mới về nhà chồng, ông dằn mặt tôi bằng câu nói xanh dờn. Tôi biết mình đã trao  duyên lầm tướng cướp.”

Ông la: “Đấy! Tôi lạy bà rồi, nhưng bà cũng xỏ xiên. Người Mỹ gọi thế là bạo hành bằng tinh  thần. Trong gia đình, thường xuyên tôi bị bà bạo hành.”

Nói xong, ông Lâm mang mền ra phòng khách. Đêm đó, ông ngủ trên salon.

Dù giận vợ, nhưng vấn đề Y2K có liên quan đến sự an nguy của mọi người trong gia đình, buộc ông  Lâm phải làm lành với bà. Ông định một lúc thuận tiện, giải thích cho bà hiểu cái tầm quan trọng của   Y2K. Bà ít chịu đọc báo, làm sao hiểu được vấn đề trọng đại? Nếu chữ nghĩa không phải là kẻ thù của  bà, thì cũng là người dưng. Cầm tờ báo, hoặc quyển sách lên chừng vài phút, bà bắt đầu ngáp. Chẳng  bao giờ nghe bà than mất ngủ. Sách báo là liều thuốc an thần cực mạnh đối với bà. Đêm nào trằn trọc  khó ngủ, bà quơ vội tờ báo nào đó, dán mắt vào. Vài phút sau đã nghe tiếng ngáy rồ rồ rồ... o... rồ rồ  rồ... o... Ông Lâm vốn khó ngủ, lại nghe tiếng thở nghèn nghẹt của bà, ông càng không ngủ được. Ông  lay bà. Bà ú ớ, nằm nghiêng qua phía khác. Tiếng thở nghèn nghẹt tạm lắng một lúc, rồi lại rồ rồ o o  nữa. Ông thúc cùi chỏ vào hông bà. Bà tỉnh ngủ.

“Cái gì vậy?”

“Ngáy.”

“Làm gì có.”

“Chẳng lẽ tôi nghe tiếng bò rống?”

“Tôi van ông. Xin cho tôi yên. Tôi cần giấc ngủ, để mai đi làm.”

“Nhưng bà phải tội nghiệp tôi chứ?”

“Tội nghiệp thế nào?”

“Đừng ngáy nữa.”

“Trong giấc ngủ làm sao kiểm soát?”

 “Thế thì ngày mai đi bác sĩ, cắt cục thịt dư hay cái lưỡi gà gì đó trong cuống họng, vất đi.”

“Cắt cái lười gà, như cắt lưỡi người ta. Làm sao nói được?”

“Không nói được, đỡ xốn lỗ tai. Người đàn bà câm, là người vợ lý tưởng.”

Bà rên thống thiết: “Trời ơi là trời! Tôi đang ngủ. Ông đánh thức dậy, để gây sự. Không biết kiếp trước, tôi làm nên tội gì?”

“Phải để tôi hỏi ông Trời câu đó. Không biết kiếp trước tôi làm nên tội gì, mà bị bà quấy rối triền miên, kể cả khi vào giường ngủ? Hồi trẻ, hơi thở bà êm ái. Về già sinh tật.”

“Tôi thế đấy. Ai không chịu, thì tối mai vào phòng thằng Cu Đen mà ngủ.”

“Sao bà không đi?”

“Phòng này của tôi.”

Cu Đen là thằng con Út của ông Lâm. Nó mười tuổi, đã có phòng riêng. Người trong nhà, ai cũng có  phòng riêng. Nhưng ông Lâm, không có một giang sơn nào riêng biệt. Trước kia, ông thường ngủ với Cu Đen. Tối, nó dần lưng đấm bóp cho ông. Xong, hai cha con nằm ôm nhau, nói chuyện.

Nó nói: “Hai người đàn ông ngủ chung là bệnh đó, ba ơi.”

Ông Lâm ngạc nhiên: “Sao lại bệnh?”

“Người Mỹ sợ homosexual.”

“Nói bậy. Mày là con ba. Cha con ôm nhau là chuyện thường.”

“Không. Ba ôm mẹ. Còn con ôm con gái.”

“Trời đất! Mày muốn ôm con gái hả?”

“Con nói khi nào con lớn, con ôm con gái. Bây giờ, con còn nhỏ, cha con mình được ôm nhau. Nhưng ra đường, ba đừng ôm con. Bạn con nó cười.”

“Cười gì? Mấy thằng Mỹ bệnh hoạn. Nó tưởng ai cũng bệnh như nó.”

“Mai mốt con lớn, không ngủ chung với ba nữa đâu.”

“Tại sao?”

“Con mọc lông nách, con trở thành đàn ông. Hai người đàn ông không ngủ chung.”

Nghe thằng nhỏ nói, ông Lâm cười nôn ruột. Nhưng điều đó cũng làm ông suy nghĩ. Mới có mười  tuổi đầu, nó đã ảnh hưởng theo lối sống của Mỹ rồi. Ông cảm thấy những đứa con trong gia đình, dần  dần xa lạ. Tình người khốn nạn, sinh biết bao điều tệ hại. Cha mẹ già, chúng đẩy vô nhà dưỡng lão.  Cũng tại những người già đó, ngày xưa họ đẩy cha mẹ của họ vô nhà dưỡng lão. Ngày nay, con cháu  của họ noi gương mà thôi. Quả báo nhãn tiền là thế! Còn ông Lâm, đến với xứ sở này, như người ăn  nhờ ở đậu. Không lẽ lạI chịu chung cái di họa của người Mỹ? Con cái của ông, ông nuôi nấng thương  yêu. Nó có lỗi, ông đét cán chổi lông gà vào đít, theo kiểu “thương cho roi cho vọt”. Ông nói, đứa nào  phản đối, cho thế là ác độc dã man, thì hãy mau mau cuốn gói ra khỏi nhà tao. Vuột khỏi tầm tay tao  rồi, cấm xưng là con của ông Lâm. Có lần, đứa con gái lớn bị đòn. Nó vô trường, kể cho bà giáo của nó nghe. Bà kêu lên, ba mày hành sử như người trung cổ. Rất tiếc, ông Lâm không gặp bà ấy. Nếu gặp, ông sẽ hỏi, bà chê tôi như người trung cổ. Cái nền giáo dục của bà tốt đẹp, sao bọn trẻ gặp ngườI già không biết cúi đầu lễ phép? Chúng chỉ đưa tay vẫy vẫy, miệng nói “hi hi” một cách rất ư là mất dạy? Cái xứ gì mà con cái hỗn hào hư đốn, cha mẹ không dám động tới sợi lông chân của nó. Lơ mơ, nó bấm  911, kêu lên bị bạo hành thể xác. Cha mẹ có thể vào tù như chơi.

Ông Lâm cưng thằng Cu Đen hết sức. Hiện nay, nó chưa mọc lông nách. Chẳng biết mai kia, được  năm ba sợi le hoe, nó có manh nha trong đầu ý tưởng, sẽ tống ông vào nhà dưỡng lão hay không? Ông  không nghĩ thằng con ông nhẫn tâm tới cỡ đó. Khi vợ ông bảo vào phòng ngủ với Cu Đen, ông kể cho bà  nghe những lời cha con ông nói chuyện. Đến giai đoạn mọc lông nách, bà không thể nín cười.

Thấy tình trạng vợ chồng bớt căng thẳng, ông Lâm chụp ngay cơ hội, nói về sự nguy hại
của Y2K.  Rồi kết luận, mất điện đưa đến thiếu khí đốt, thiếu nước, thiếu sưởi. Nhà mướn ở lầu cao, không có lò  sưởi bằng củi, sẽ bị chết cóng.

Bà nói: “Gọi cấp cứu.”

“Điện thoại cũng ngưng luôn.”

“Xách xe chạy về các tiểu bang phía nam?”

“Mọi người cũng nghĩ như bà, thì bao nhiêu xe cộ đều tuôn ra đường cùng một lúc.
Đường sá sẽ kẹt  cứng.”

“Cảnh sát sẽ điều động xe cộ lưu thông.”

“Chả có thằng cảnh sát nào ngoài đường hết. Nó cũng phải lo cho vợ con của nó. Hơn nữa, mất điện, đèn xanh đèn đỏ cũng tắt luôn. Các trạm xăng đều đóng cửa.”

Bà hỏi: “Vậy ông tính thế nào?”

Ông nói: “Đã có một số lời khuyên nên dự trữ đồ ăn nước uống, và sưởi ấm, từ vài ngày đến vài tháng. Dự trữ đồ ăn thì dễ, nhưng lấy gì sưởi ấm? Mình có thể chịu lạnh ngày một ngày hai, nhưng không thể chịu đựng lâu hơn dưới cái lạnh năm, mười độ âm. Đó là chưa kể bọn bất lương sẽ lợi dụng cơ hội khó khăn, hoành hành tội ác. Chuyện này phải tính trước. Đúng như bà nói, là xách xe chạy về các tiểu bang  phía nam, nhưng phải đi trước mươi bữa, tránh cái nạn kẹt xe.”

Bà nằm ngẫm nghĩ một lúc, bỗng nói: “Bất cứ vấn đề gì, xuyên qua suy luận của ông,
cũng đều trở  thành bi quan chết chóc.”

Đang bàn phương cách cứu nguy. Câu nói của bà như cái mồi lửa làm ông Lâm nổi nóng, nhưng cố  dằn lòng.

Ông hỏi: “Bà tính sao?”

Giọng bà bất cần: “Ai sợ chết thì chạy đi. Tôi chẳng đi đâu hết.”

Không thuyết phục được vợ, ông tức. Muốn nhổm dậy, xáng cho bà một tát tai. Lại nghĩ, bà sẽ tru  tréo ầm lên. Cảnh sát sẽ kéo đến. Xứ này không đùa với cảnh sát được. Ông đã bị rắc rối với mấy thằng này, một lần rồi. Hồi đó, ông vừa mới nắm cổ áo của bà, thì đứa con vội bấm 911. Ông dằn cái  điện thoại xuống ngay. Nó chưa kịp nói câu nào. Thế mà năm phút sau, cảnh sát có mặt. Nó mời ông ra  xe về bót. Nói mời cho có vẻ lịch sự. Chứ thật ra, nó còng tay, điệu ông về bót.

Trên đường đi, cảnh sát hỏi: “Mày có biết, đàn bà ở Mỹ được luật pháp bảo vệ tối đa không?”

Ông Lâm nói: “Bảo vệ tới mức bất công. Đàn bà sẽ lợi dụng sự bất công này, và lấn áp đàn ông. Tao từng thấy trên TV, đàn bà tát tai đàn ông. Nhưng đàn ông chỉ ôm mặt chịu trận, không dám phản  ứng.”

“Nếu mày bị đàn bà tát tai thì sao?”

“Tao sẽ tát lại mười lần mạnh hơn, cho bỏ cái tính hỗn láo.”

Cảnh sát giương mắt: “Mày có điên không?”

Ông Lâm hỏi lại: “Tại sao mày nghĩ tao điên?”

“Lúc mày ra xe với thằng Jack, tao ở lại lập biên bản. Vợ mày cho biết, mày không bình thường. Mày bị Cộng Sản bắt tù nhiều năm, trước khi sang đây. Những người tù của Cộng Sản, ít nhiều đều bị bệnh tâm thần. Mày đi bác sĩ tâm thần lần nào chưa?”

“Tao không bệnh hoạn gì. Không cần đến bác sĩ.”

Ngừng một lúc, cảnh sát nói: "Mai mày ra tòa."

Ông Lâm ngạc nhiên: “Cái gì? Tao đâu có đánh vợ mà ra tòa?"

"Tao cũng sẽ ra tòa làm chứng cho mày. Mày không bị tù. Nhưng, nếu vợ mày khai rằng, tâm tính  mày không bình thường, nó sợ mày hành hung, thì mày không được bước chân vào nhà.”

“Nếu tao khai rằng, tao sợ bị vợ hành hung, thì sao?”

“Trường hợp này, mày cũng không được vào nhà.”

“Trường hợp nào, tao cũng thất thế. Sao lạ vậy?”

“Trường hợp thứ hai, là để bảo vệ cho mày.”

“Bất công, chứ bảo vệ gì tao?”

"Khi ra tòa, mày đừng ăn nói theo kiểu này. Dễ bị khép thêm tội phỉ báng pháp luật.”

Lần đó ra tòa. May mà bà bãi nại. Nếu không, chắc xảy ra lớn chuyện.
 

* * *
Thấy chồng nằm ấm ức, suy nghĩ mông lung, bà biết ông đang bực mình.

Bà hỏi: “Giận hả?”

Ông lẫy: “Bà vẫn tính nào tật ấy. Giận làm đếch gì!”

“Tôi chỉ muốn ông đừng tin lời đồn nhảm thôi.”

“Nhảm? Thiên hạ đang xôn xao bối rối. Bà chỉ lo kiếm tiền. Chết có mang theo được không?”

“Đừng nóng. Hãy nghe tôi nói đã. Trước đây, ông cũng đã hốt hoảng về tin đồn tận thế. Nào là do ảnh hưởng sao chổi, nên ngày nguyệt thực, địa cầu và mặt trăng không xê dịch được. Và như thế, nhiệt  độ mặt trời sẽ nung mặt trăng nóng đỏ lên, tỏa xuống địa cầu một sức nóng trên trăm độ. Nước sẽ bốc  thành hơi, bao quanh địa cầu một lớp mây dày mười cây số. Lớp mây che khuất mặt trời, làm nhiệt độ  địa cầu nhanh chóng tuột xuống cả mấy chục độ âm. Nhân loại sẽ không còn một ai sống sót. Ông nói,  điều này trùng hợp với lời Chúa phán trong Kinh Thánh. Mặt trời tối đen, và mặt trăng đỏ như máu. Đó là ngày Đại Trừng Phạt của Thượng Đế. Vì nhân loại quá xấu xa, tội ác ngập trời, phải tận diệt...”

Ông Lâm cắt ngang lời bà: “Sau đó, tôi đã đính chính.”

“Vâng. Có đính chính, nhưng ông lý luận không thể nào tin được.”

“Dù bà không tin, nhưng không thể phủ nhận sự thật. Thượng Đế vì thương yêu các con của Ngài, nên chưa ra tay hủy diệt. Ngài dành cho nhân loại một cơ hội chót, để ăn năn sám hối.”

Nghe ông nói, bà cười khỉnh. Tiếng cười thoát ra từ mũi. Tiếng cười châm biếm mỉa mai,
làm ông khích động. Lần nào nói chuyện với bà, cũng kết thúc bằng sự bực tức của ông. Ông cố nén. Lâu ngày, thành nỗi ẩn ức. Hễ thấy mặt bà, ông cảm thấy có điều vướng mắc. Thế nhưng hai người vẫn sống với nhau mấy chục năm trời, trong hục hặc đắng cay. Ông muốn đi tu, cho cõi lòng thanh thản. Bà bảo, thà  làm kẻ dữ trên thế gian, còn hơn làm ác tăng trong cửa thiền. Ông muốn tịnh khẩu, cho miệng đời bớt  âm thanh cú diều xỉa xói. Bà bảo, thà lớn tiếng chửi bới thiên hạ, còn hơn âm thầm làm tên sát thủ đâm  lén sau lưng người đời. Ông muốn lập bàn thờ, đốt nhang niệm Phật. Bà bảo, dao thớt trong nhà còn tanh  mùi thịt, đồ tể chưa thể nào rửa tay hóa kiếp.

Ông nói gà, bà nói vịt. Cứ thế mà đôi bên dằn co nhau mãi. Ông có cảm trưởng, ông và bà là hai  đối thủ đô vật, gài thế quyện lấy nhau, vô phương tháo gỡ. Ông mệt nhoài tâm lực. Bà vẫn khỏe re cười cười, gần như không biết nỗi khổ của ông.

Ông nói: “Người Mỹ đưa quân vào cuộc chiến Việt Nam. Sa lầy trong chiến tranh du
kích. Liệu bề  thắng không được, họ chọn giải pháp điều đình, rút quân trong danh dự. Tôi cũng muốn hòa giải với bà, chịu thua trong danh dự."

Bà hỏi: “Ông muốn ám chỉ tôi là bọn du kích chứ gì?”

“Vâng. Bà là du kích chiến thắng.”

“Thấy chưa? Ông lại nói xóc hông tôi rồi.” Bà giẫy nẫy.

Ông hỏi: “Xóc hông thế nào?”

“Ông thường bảo, du kích là bọn tiểu nhân. Không dám chường mặt ra ánh sáng. Chuyên môn chơi  trò đánh lén. Rồi ông lại bảo tôi là quân du kích, có khác gì ông chửi cha tôi?”

“Nhưng tôi chịu làm người bại trận.”

“Bại trận mà chửi phủ đầu người ta. Ai chịu nổi?”

“Tôi nói thế nào, bà cũng bắt bẻ. Thôi, tôi thua bà. Tôi sợ bà.”

“Ông nói sợ tôi, mà còn hung dữ đến thế. Nếu không sợ, chắc ông đã nhai nuốt tôi vào bụng mất  rồi.”

“Sợ vợ cũng ở mức độ nào thôi chứ. Chẳng lẽ tôi để bà thừa thắng xông lên ngồi trên đầu tôi?”

“Tôi chỉ mong được bình đẳng. Hơn thua với ông làm gì?”

Ông hòa hoãn: "Bà nói thế là tôi yên tâm. Mỗi người nhường nhịn nhau một chút, cho yên nhà yên  cửa. Bây giờ, bà chịu nghe tôi nói không?”

Bà dịu giọng: “Ông nói đi. Tôi nghe.”

Ông ngồi im, ra chiều suy nghĩ.

Bà giục: “Nói đi.”

Ông hắng giọng: “Vấn đề Y2K.”

“Lại cũng vấn đề mắc dịch này nữa.” Bà nhỏm lên, sừng sộ.

Ông đưa tay ngăn: “Đừng ngứa miệng. Hãy nghe tôi nói đã.”

“Nhưng tôi không muốn nghe chuyện Y2K gì đó của ông.”

“Sao lại của tôi? Phải nói là của mấy thằng chuyên viên điện toán.”

“Của thiên hạ, dính mắc chi tới ông?”

“Thôi được. Không nói Y2K. Tôi muốn đưa gia đình đi du lịch, cho bà nghỉ xả hơi vài bữa.”

“Chừng nào?”

“Trước năm hai ngàn, một tuần.”

“Đó là thời điểm hái ra tiền. Sao không chọn dịp khác?”

Ông Lâm nhăn mặt: “Khổ qua! Nói khô cuống họng, mà bà không hiểu. Tôi muốn làm
một công hai  chuyện. Du lịch là lý do để tránh cái lạnh miền Đông Bắc, nếu bị mất điện cũng khỏi bị chết cóng.”

Bà muốn phản đối, nhưng thấy ông xuống nước, bà phân vân: “Những ngày gần tết,
đắt khách lắm.  Làm một ngày bằng mấy ngày thường. Bỏ đi cũng uổng.”

Bà phân vân cũng phải. Cái nghề o bế cắt dũa sơn phết móng tay của bà, làm ăn khấm
khá vào  những ngày lễ tết. Bỏ đi là mất một món lợi to.

Từ mấy năm nay, bà làm nghề móng tay. Nhưng nói thế, nghe tầm thường quá. Nếu ai
hỏi, chị làm  nghề gì? Bà uốn lưỡi trả lời rất dịu dàng, em làm nghề nail. Bà cho rằng, cái
tiếng “nail” nghe có vẻ  sang trọng, văn minh hiện đại hơn hai tiếng “móng tay”.

Ngày mới qua Mỹ, vợ chồng ông Lâm đi làm cu li. Tiếng Anh nói đớ lưỡi, thì làm cu
là phải rồi. Nhưng kiếm được đồng tiền quá chật vật. Bà rên. Ông bảo, vẫn còn dễ thở hơn ở xứ mình. Thời đó, ông  còn là nhân vật quyền hành số một trong gia đình.

Vài năm sau, có người rủ bà học nghề làm móng tay. Cái nghề tằn mằn tỉ mỉ, nhẹ
nhàng khỏe thân, lại dễ kiếm tiền, thích hợp với bà. Và bà cũng muốn lôi ông vào nghề
cho đỡ khổ tấm thân. Ông lắc  đầu, nói tôi già rồi, da nhăn má hóp, chân tay vụng về. Có vào nghề, tôi cũng chỉ ngồi ngáp từ sáng đến  chiều. Bởi một người đàn bà dễ tính, cũng không chịu đưa bàn tay cho một người cục mịch, hom hem như  tôi mài dũa. Thế là ông tiếp tục làm cu li. Bà làm móng tay.

Nếu so sánh lợi tức thu nhập, thì bà cao hơn ông. Tiếng nói của bà bắt đầu bình đẳng
với ông. Mọi  chuyện trong gia đình, ông không còn tự quyết định một mình nữa. Phải có bà góp phần bàn thảo. Đã có  bàn thảo là có ý kiến ngược nhau. Vợ chồng lại cãi vã. Bà manh nha tiếm quyền làm chủ gia đình. Các  đứa con có khuynh hướng theo bà, vì bà hay nuông chìu con cái, nên chinh phục được cảm tình. Phe của  bà, đồng minh đông hơn. Chế độ độc tài quân phiệt của ông bị cô lập, yếu thế, lỗi thời.

Dù thường cãi vã, nhưng có lúc bà nói một câu nghe được. Rằng, ông đi làm cực nhọc,
lại chẳng  kiếm bao nhiêu. Thôi, ở nhà lo việc gia đình, và trông nom mấy đứa nhỏ. Để một mình bà làm cũng đủ. Hơn nữa, tuổi của ông lớn rồi, nên nghỉ hưu sớm mà hưởng nhàn. Ông đồng ý ngay ý kiến của bà. Từ  đó, ông biến thành nội trợ. Ai nắm kinh tế gia đình, thì người ấy làm chủ. Khi phát giác ra chân lý này,  thì ông đã bị tụt xuống hàng thứ yếu. Muốn điều gì, ông phải đưa ra đề nghị. Nhiều lần ông cay đắng  nói nửa đùa nửa thật, là dâng kiến nghị lên bà.

Với tính lơ đãng, lại thêm vụng về, việc nhà ông không vén khéo. Bà chê, ông làm người
nội trợ bất  tài. Ông giận, hất đổ mâm cơm. Bà im lặng hốt dọn. Mấy mươi năm chung sống, bà biết ông hơn ai hết.  Khi ông đổ quạu, bà không nên hó hé nói năng. Sau đó, bà than phiền rằng, ông còn giữ nguyên bản  chất của người đàn ông Việt Nam, với cái quan niệm chồng chúa vợ tôi. Và ông cũng chỉ trích lại rằng,  mới qua Mỹ không bao lâu, bà đã bắt chước cái thói hỗn láo với chồng của đàn bà Mỹ. Vừa nói ông vừa đưa ngón tay điểm mặt bà, theo kiểu cảnh cáo đối phương. Bà nhịn. Không là nhà quân sự, nhưng bà  biết tiến thoái đúng lúc. Khi đang giận, mà gặp phải sự khiêu khích, ông sẽ dốc toàn lực ra tấn công, bất  kể hậu quả. Chuyện đâu còn có đó. Từ từ rồi bà sẽ dùng đường lối chính trị, lấy kinh tế làm biện pháp, buộc ông phải nhượng bộ yêu sách của bà.

Nhiều lần ông Lâm đã nhượng bộ. Nhưng lần này, bà thấy ông có vẻ quyết liệt giữ vững
ý kiến của mình. Bà đề nghị một phương cách giải quyết. Trước năm hai ngàn, ông đưa các con du lịch về phương  nam. Bà ở lại trông coi nhà cửa, đồng thời đi làm kiếm thêm tiền vào những ngày lễ tết đắt khách.

Ông ái ngại: “Nếu vấn nạn Y2K xảy ra, bà sẽ không sống nổi.”

Bà nói: “Cùng lắm là tôi chết. Ông tục huyền với người đàn bà khác.”

“Trên đời này, không dễ kiếm được người nào như bà.”

Lâu lâu, nghe ông nói một câu chí tình, bà cảm động, cầm tay ông: “Ông cũng biết thương tôi hả?”

Ông choàng tay ôm bà: “Thương thì chưa chắc. Nhưng biết tìm đâu ra một người bạn đời
chịu khó cãi vã với tôi, suốt mấy mươi năm không hề mệt mỏi?”

No comments: