Saturday, September 8, 2012

TS. LÊ MỘNG NGUYÊN * MẶT TRẬN VĂN HÓA

Mặt trận Văn hóa - Chính trị
Mùa Xuân Năm Ất Dậu - 2005:
Bổn Phận Ghi Nhớ
(Devoir de mémoire)
GS Hàn Lâm TS Lê Mộng Nguyên



(nói chuyện với đồng bào quốc nội và hải ngoại nhân dịp Xuân Ất Dậu trên RADIO FREE VIETNAM-Phân Bộ Paris, phát thanh về nước nhà từ Washington D.C. ngày Thứ Tư 9 tháng 2-2005 tức Mồng Một Tết Việt Nam)
Kính thưa đồng bào quí mến,
Trước hết, tôi xin chúc quí đồng bào thính giả một mùa Xuân Ất Dậu tràn đầy sức khỏe và thành công trên mọi lãnh vực. Tôi cũng xin cảm ơn ông Minh Quân, Đặc trách Làn Sóng Người Việt Tự Do ở Pháp (một phân bộ của Radio Free Vietnam, phát thanh từ Washington D.C., do ôngTổng Giám đốc Vương Kỳ Sơn thiết lập ngày 30 Tháng Tư năm 1999) đã cho tôi - với tư cách Trưởng Ban Biên Tập của chi nhánh Paris - có dịp nói chuyện với đồng bào Việt Nam hải ngoại và quốc nội đúng vào Mồng Một Tết mà ngày xưa dân mình vui mừng đón tiếp, nhưng nay nhắc lại không khỏi bùi ngùi thương tiếc, trong tâm hồn của những kẻ lưu vong đất người, cũng như trong tâm tư của đồng bào quốc nội đang quằn quại dưới một chế độ bạo tàn...
Hồn lắng dư âm một nhịp sầu
Khi buồn dâng ngập cả trời Âu
Khi gió đông tàn trong ngõ hẹp
Âm thầm hai đứa rẽ chia nhau
Ai đón xuân qua mấy dạo rồi
Xuân về lạt lẽo, nhớ không nguôi ?
Xa nhà tháng với năm dằng dặc
Kỷ niệm ngày xưa mộng tưởng hoài
Quê hương yêu dấu của ta ơi !
Hàng tre xanh ngắt uốn quanh đồi
Đồng quê man mác mùa hoa nở
Lúa chín thơm nồng trong gió mai
Nay Thiên đường ấy còn đâu nữa ?
Sau chiến tranh tàn phá nước non
Biết bao bom đạn gieo tang tóc
Làng mạc đau buồn khổ chứa chan !
Em có về thăm làng Phú Xuân ?
Sau cơn bão lụt Huế điêu tàn
Rừng xưa im mát không còn nữa
Vì nỗi điên cuồng của thế gian
Em không còn thấy đồng man mác
Chỉ còn lá úa dưới cây đa
Mà anh ngày trước ngồi núp bóng
Trong hạnh phúc giờ phút thoáng qua
Nếu em có trở lại kinh thành
Cầu xưa Kỷ Niệm những ngày xanh
Đã gãy như tình ai tan vỡ
Nay bồi đắp lại quá mong manh !
Thương yêu tương tự cầu đứt đoạn
Dán lại đâu còn như ước mơ
Theo hành tinh Đất và nhân loại
Ta đã mất hồn trinh tiết xưa (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Remember (Souvenez-vous) ! Đó là lời nói cuối cùng của Charles Đệ Nhất (vua Anh-cát-lợi) trước khi ông lên đoạn đầu đài năm 1649. Ngày 27 th. 1-2005, các nước Âu Châu , đã gặp gỡ nhau tại Ba Lan, để làm kỷ niệm 60 năm trại tập trung Auschwitz, là nơi mà Đức Quốc Xã (chủ nghĩa nazisme) đã thủ tiêu hơn một triệu người Do Thái bằng hơi ngạt rồi thiêu xác, trong thế chiến thứ hai. Trong dịp này, người ta nhắc đến Bổn phận ghi nhớ (Devoir de mémoire) một bổn phận mà chúng ta phải làm tròn đối với lương tâm nhân loại. Hôm nay nhân dịp Tết Ất Dậu 2005, tôi nhớ lại một cách hãi hùng Tết Mậu Thân 1968, mà Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại đã tóm tắt ở Trang Bìa sách Thảm Sát Mậu Thân ở Huế, Tuyển Tập-Tài Liệu (do Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ -Định Hướng Tùng Thư Hải Ngoại xuất bản, 1998), như sau :
Lợi dụng giờ phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, Cộng sản VN mở cuộc tổng tấn công đại qui mô trên toàn lãnh thổ miền Nam. Một cuộc giao tranh đẫm máu nhất kể từ mười năm nội chiến, mà chỉ chưa đầy một tháng đã khiến trên 80000 người Việt thiệt mạng. Cao điểm tàn bạo và đẫm máu là HUẾ, nơi hàng ngàn thường dân vô tội đã bị hành quyết, chôn sống một cách dã man : 2 800 người dân Huế (là nơi tôi sinh quán) bị Việt cộng giết và chôn tập thể : ‘’Những mồ chôn tập thể tại chùa Áo Vàng (đường Võ Tánh), tại Sân Trường Gia Hội, phường Phú Cát hoặc vùng Phú Vang, Phú Thứ v.v... hàng trăm nạn nhân bị đâm bằng lưỡi lê, bị đánh bằng cán cuốc vào sọ, bị bắn bằng súng hay bị chôn sống, tay bị trói bằng giây điện hay giây tre v.v... Ba bác sĩ Alterkoster, Discher và Krainick, người Tây Đức, giảng dạy tại Đại học Y Khoa Huế cũng bị VC giết trong Tết Mậu Thân vì cho là CIA. Ông Võ Thành Minh (người thổi sáo kêu gọi hòa bình ở Genève, 1954), Tết Mậu Thân 1968, ông đang ở trong từ đường cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự Huế bị VC bắt và đề nghị ông đứng ra làm Chủ Tịch Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Hòa Bình của VC. Ông từ chối, bị bắt lên núi, và bị chúng giết. Những nơi khác ngoài Huế mà chúng tôi được biết, cũng không kém phần dã man, như ở quận Hoài Nhơn, VC đã tàn sát 200 người một lúc trong đó có cả em bé 12, 13 tuổi, có các cụ già v.v... vì tất cả những người này đã cùng ông Nguyễn Giảng (ĐVCM) chống lại chúng, không chịu đầu hàng. Nhân dân địa phương có lập bia kỷ niệm, nhưng bia đá này đã bị VC phá sau 30-4-1975’’ (TSMTOH, tr. 90-91)...
Đi ngược lại thời gian, nước Pháp thuộc địa với đồng lõa phát xít Nhật trong năm Ất Dậu thuộc hành Thủy (từ 13 tháng 2-1945 đến ngày 1 tháng 2-1946), đã cố tâm làm cho 2 triệu đồng bào Việt Nam chết đói hồi ấy một cách tàn nhẫn, thê thảm... Thực dân trắng cũng đã thả bom đạn, 15 năm trước đó, trong mùa Xuân 1930, ngày 16 tháng 2, xuống làng Cổ Am (tỉnh Hải Dương) để khủng bố và giết hại nhiều dân lành vô tội, sau sự thất bại của Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy ngày 10 tháng 2-1930 do vị anh hùng Nguyễn Thái Học phát khởi... và ông đã hiên ngang lên đoạn đầu đài cùng với 12 vị đồng chí liệt sĩ, rạng ngày 17 tháng 6-1930, sau khi đồng tung hô hai chữ Việt Nam ! Việt Nam ! Lúc qua Paris để trình bày sách Đường Thiên Lý (tam ngữ) của Linh Linh Ngọc tại Thượng Nghị Viện Pháp-Salons de Boffrand ngày thứ bảy 4 tháng 12 năm 2004, nhạc sĩ Trần Quan Long thay mặt Nhà Phát Hành Gió Đông, muốn đòi một lời xin lỗi của chính quyền Cộng hòa về những hành động của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chúng ta, đồng bào hải ngoại và quốc nội hiện nay, cũng đòi một lời xin lỗi của nhà cầm quyền Hà Nội đã gieo tang tóc trên đồng bào miền Bắc từ 1945 đến 1954 và trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 30 tháng Tư 1975. Phải xin lỗi và tỏ vẻ hối hận trước hương hồn những vị anh hùng Quốc gia đã phải bỏ mình vì Cộng sản, bằng cách giải thoát nước Việt Nam ra khỏi gông cùm độc tài đảng trị và hồi phục dân chủ tự do, cho mọi công dân được ấm no trong hạnh phúc, hòa bình.
Đêm Giao Thừa năm nay, đánh dấu giờ phút cuối cùng của năm Giáp Thân lúc 24 giờ ngày thứ ba 8 th. 2-2005 và năm Ất Dậu bắt đầu lúc 0 giờ ngày thứ tư, 9 th. 2-2005 (cho đến 24 giờ ngày 28 tháng 1-2006 thì chấm dứt), thuộc hành Thủy và mạng Tuyền Trung Thủy, nghĩa là nước dưới suối, thuộc Âm trong khi năm Giáp Thân vừa qua thuộc Dương : Ất Dậu 2005 là Âm thịnh, Dương suy, thật là tốt... Ca dao truyền khẩu có nói về 12 con giáp, như :
Tuổi Thân con khỉ ở lùm
Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng long
Có mỏ mồng, sáng gáy ó o...
Xin mến chào con Gà ! Đồng bào ở Paris chắc ai cũng nghe nói đến Le Coq Gaulois, là quốc huy của Pháp (điển hình trong những trận đá bóng có tính cách Âu Châu hoặc quốc tế) đi đôi với quốc kỳ tam sắc xanh trắng đỏ. Học giả TS Thái Văn Kiểm, cho biết : ‘’Khi Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành, ông đã ra lệnh lấy lòng trứng gà trộn thành thứ hồ dẻo có sức chịu đựng bền bỉ trước thời tiết khắc nghiệt của vùng biên giới phương Bắc để xây, cho tới nay vẫn còn là một kỳ quan của nhân loại’’ (Đặc san Ái Hữu Ngoại Giao 2005). Ngoài ra còn nhiều giai thoại về gà như : con gà nơi thành Cổ Loa, Hưng Đạo Vương và hịch Tướng Sĩ kêu gọi toàn quân đoàn kết chống ngoại xâm, nên rời bỏ thú chọi gà, cờ bạc, vợ con quấn quít đêm ngày, bởi vì :
Giặc Nguyên trở lại đùng đùng
Lấy gì chống đỡ, hay cùng cam tâm ?
Cựa gà sắc không đâm giáp giặc
Mẹo bạc gian khó đoạt mưu quân
Vợ con thêm bận vương chân
Ruộng vườn khôn chuộc cái thân ngàn vàng...
Đó là không kể các giai thoại về Tả quân Lê Văn Duyệt và thú chọi gà, về con gà của Trạng Quỳnh, về chuyện Mất ngôi vì gà, v.v.
Phong Thủy Tử Vi Gia Thiên Phúc (nguyệt san Nghệ Thuật-Montréal, số Xuân Ất Dậu, tháng 2-2005) dày công lượm lặt trong lịch sử nước ta những chi tiết về ngày sinh tháng đẻ của các nhân vật văn hóa chính trị, kinh tế... cho biết rằng : Nguyễn Du (phải tính là năm 1765 vì ngày sinh của Nguyễn Du là ngày 3/1/1766 nên vẫn còn ở năm Ất Dậu mới đúng, vậy ông tuổi Ất Dậu chứ không phải Bính Tuất theo tuổi ta... Tuổi Đinh Dậu có Trương Vĩnh Ký (1837-1898), nhà bác học ngôn ngữ VN, chủ bút tờ Gia Định Báo, thông thạo 26 thứ tiếng, được xếp vào hàng các Học giả Quốc tế thế kỷ thứ 19... Tuổi Kỷ Dậu có Hoài Thanh (1909-1982), tác giả ‘’Thi Nhân Việt Nam’’, Tuổi Tân Dậu có Lương Định Của (1921-1975), Tiến sĩ Canh nông, tạo được nhiều giống lúa mới, khoai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tuổi Quý Dậu có Nguyễn Huệ (1753-1792) tức vua Quang Trung, anh hùng dân tộc, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh với chiến thắng Đống Đa năm 1789...
Kể từ 1975, người Việt mất nước như chúng ta , trong mảnh đời tha phương cầu thực, đã ăn đến 29 cái Tết ở Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, vân vân, với nỗi tiếc thương vô cùng luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn :
Tiếng pháo năm xưa rộn rịp lòng
Giao Thừa ai đón dưới trời Đông
Nhớ mẹ, thương cha : buồn vĩnh biệt
Hương hồn Ba Má thấu cho không ? (Thơ Lê Mộng Nguyên)
Năm Gà làm tôi nhớ Huế, đau khổ đến tận xương tủy, qua hai câu hò thơ mộng :
Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh Gà Thọ Xương
Cũng như trong bài nhạc ‘’Nhớ Huế’’ tôi sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ :
Ai đi xa Huế làm sao quên được sông Hương
Con sông năm trước còn ghi bao tình nhớ thương
Theo dòng nước, lững lờ trôi,
Thuyền ai nghiêng mái chèo
Bên chùa Thiên Mụ, ngược bến Bao Vinh, theo tình nước mây...
Cách đây hai năm , đúng ngày thứ sáu 30 Tháng Tư năm 2003, tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp, sau bản thuyết trình của Lê Mộng Nguyên về : Cộng Đồng Việt Nam ở Pháp : Từ di trú hội nhập đến tư cách công dân (La Communauté vietnamienne de France : De l’immigration intégration à la citoyenneté), có người hỏi : Bao giờ ông trở lại Việt Nam ? Để trả lời, tôi xin mượn câu nói của nhà đại thi văn hào Victor Hugo bị đày ải đất khách từ năm 1852 vì chống bạo tàn, nhưng đã quả quyết từ chối đại ân xá năm 1859 của Napoléon Đệ Tam : Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương (Quand la liberté rentrera, je rentrerai).
Xin cảm ơn quí vị thính giả.
Lê Mộng Nguyên (Paris)
  

No comments: