Saturday, September 1, 2012

HÀ THÚC SINH * NGƯỜI TÙ

NGƯỜI TÙ
Hà Thúc Sinh



Xe về tới Sài Gòn vào một chiều cuối năm, đến ngã ba rẽ vào Khám Lớn thì kẹt. Người tù bấn loạn vì mót tiểu tiện. Biết xin xỏ lúc này vô ích, anh cắn răng chịu cho đến lúc ướt hết đũng quần. Cái hỉnh mũi khó chịu làm giảm nét vô cảm trên khuôn mặt người công an trẻ áp giải. Nhưng chắc đã quen với phía trái "thiên đường," anh ta yên lặng.
Người tù nhìn ra dòng đời ngoài ô cửa lưới. Nắng chiều óng cơn mưa nhỏ, khói đè thấp mái quán, bước chân người như dính lối đi. Xa quá, tách biệt quá, cảnh đời không hàm chứa một khơi dậy nào cho anh, dẫu là sự tò mò gần với bản năng, thậm chí chút buồn. Anh quay vào như tránh nhìn một tấm gương vừa soi rõ thân anh như hòn sỏi, quen đến lỳ sự trầm tích dưới sức nặng thời gian. Hai mươi mốt năm hết nhà tù này sang nhà tù nọ, anh tự hỏi sao lòng dửng dưng, đến nỗi buồn cũng trắng? May, có thế chứ! Anh vừa nghe đâu sâu trong tâm khảm máy động chút luyến tiếc những năm đầu tù tội. Ôi tuổi trẻ đâu cũng là tuổi trẻ, dù tuổi trẻ trong tù. Thân xác màu mỡ ngày ấy gánh nặng đời chưa đè nổi hạt mầm hy vọng. Đó là khoảng thời gian anh còn chia xẻ được với các bạn bóng lồng lộng một người nữ không có thực, còn ăn ngon lành món ăn tưởng tượng sợ chưa từng hưởng trong đời, còn mơ được loài chim cánh rộng phủ mát bầu trời ngoài khung cửa hẹp, một đốm lửa đầu thuốc nghĩ ra cả một đám cháy lớn, nghe ra tiếng chấn động càn khôn của chú dế đêm tưởng là nhỏ bé lạc loài.
Lao tù tiêu hoang đời anh nhưng anh không chận tay nó được. Hết rồi, mơ mộng ấy sẽ không bao giờ còn nữa?
"Ỉa đấy à?"
"Dạ không."
"Thối quá!"
Anh tính nói lâu rồi anh đã xa lạ mùi thơm nhưng yên lặng. Người công an áp giải đốt thuốc hút một mình, một lát lại ngứa miệng hỏi, kiểu mông lung:
"Cuối năm sao chuyển trại mỗi mình ha?"
"Dạ đâu biết."
"Phản động tội to như cột đình, va sưng trán thế kia mà cứ không biết. Trước nghề gì?"
"Tôi dạy học."
"À, trí thức..."
Người công an bỏ lửng nhưng anh hiểu. Nén lắm anh mới không bật cười. Từ bình minh nhân loại trai săn bắn gái hái lượm, lời ca ngợi bộ óc chế ra lưỡi dao, mũi tên, cái thúng, cái rổ lớn mãi theo quá trình thăng tiến, dè đâu có lúc bị chận đứng ở cuối thế kỷ 20. Bộ óc hoá thành đối tượng cần thủ tiêu của chế độ. Cũng tốt thôi! Nhưng không nên nói điều đúng hơn vào tai kẻ vốn đã tin lời y là đúng nhất, anh dặn lòng, rồi anh tự xoa dịu bằng ý nghĩ y coi mình là tội phạm nguy hiểm nhưng cấm sao được mình coi y là một nạn nhân đáng thương.
Xe lại chuyển bánh. Thấp thoáng xa xa cánh cổng dẫn vào Khám Lớn. Những hàng gòn, trứng cá xanh quanh năm bên đàng không giúp anh nhớ rõ anh đã trở lại chốn cũ bao lần. Nhưng khác gì nhau dù chỗ này chỗ nọ, khi mà chỗ nào cũng chỉ phản ảnh mặt tiêu cực nhất của sự căm thù vô lối? Đó là chỗ cũng con người cho ăn mới được ăn, cho ngủ mới được ngủ, cho sống được sống, bắt chết phải chết; chỗ con người trở lại sự trần truồng không ngượng ngập buổi đầu đời, và sự sống hoàn toàn tuỳ thuộc như trẻ sơ sinh, có hiện tại mong manh và tương lai là điều bất khả ý thức.
Xe đậu. Người công an áp giải chà tay trên báng súng, đột ngột lên tiếng, "Thế nào chả gặp lại đồng cảnh cũ, vui nhá!" Anh tính nói "tôi có hàng triệu đồng cảnh, đâu chả gặp," nhưng thôi. Người công an nhìn ra ngoài sân nhốn nháo những đồng nghiệp, nhớ cả ngày đường tên tù không làm phiền điều gì, anh ta buột miệng gia ân cho tí tin vui:
"Lúc này thả nhiều đấy, nếu được thả tính làm gì nào?"
"Sẽ dạy đốt."
"Hả?"
"Cái di sản u tối kiên cố kia."
Người công an trẻ biến sắc. Anh ta mở cửa, nói nhỏ với mấy đồng nghiệp, kế hất mũi súng ra lệnh cho anh bước xuống. "Đ.m. mày tính thiêu sống các ông đấy!" Anh lầm lũi bước theo một cai tù già có bộ mặt hằn học vừa chửi xéo anh. Đầu anh nảy ý nghĩ vui vui: Hoá ra lão ta chưa vô cảm.
Rời phòng giám thị lão khua xâu chìa khoá dẫn anh về khu giam, giữa đường nghĩ sao, bảo:
"Dám sắp được về đấy, giữ lấy mồm mép."
"..."
"Mà này, nếu được đi nước ngoài, đi không?"
Anh đáp, lời như đã hờm sẵn từ lâu:
"Không."
"Điên à?"
Giọng anh hơi đanh:
"Đi hết ai dạy trẻ?"
"Dạy gì?"
"Thì dạy đốt."
"Nữa!"
"Thế đấy, đốt sạch lao tù đã giam cầm hết tuổi trẻ chúng ta."
Cánh cửa sắt khép lại. Trí nhớ anh khi không hồi phục, ít ra đủ để anh nhớ những lần trước nó sập cách thô bạo, lạnh lùng; lần này nhẹ, hơi lưỡng lự nữa. Anh nhủ lòng biết đâu có người cai tù vừa hiểu ra ngọn lửa không tàn ác của một người tù.
Rồi anh nằm xuống gối tay trong bóng tối, thoáng chốc mơ lại giấc mơ vẫn thơm cuộc đời dẫu đã trộn mùi nước mắt, có tiếng cười tuổi trẻ bất chấp ran ran, có loài chim tung khung cửa hẹp phủ cánh mát trời, có lửa cháy và nhất là có hạt hy vọng nảy mầm vào một bình minh mới. Tiếng dế lại vang vang, chấn động. Anh xoay nghiêng, mở mắt cười vào góc tối, nói khẽ, "Mày, vẫn y nguyên, không suy suyển chút nào!
Alhambra 10-95
   

No comments: