Monday, September 3, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * TỐ HỮU

Tố Hữu
(1920-2002)
Nguyễn Thiên Thu.
 
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, biệt danh là Lành, sinh ngày 4-10-1920, quê làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ( Huế). Tố Hữu xuất thân gia đình nho học, bảy tuổi bắt đầu học chữ nho và học làm thơ, tốt nghiệp bằng Thành Chung. Ông hoạt động trong phong trào dân chủ, và trở thành người lãnh đạo phong trào này ở Huế.
   

Những bài thơ đầu tiên sáng tác trong khoảng 1937-1938. Tháng 4 năm 1939 ông bị Pháp bắt giam tại các nhà tù Trung Kỳ và Cao nguyên. Tháng 3-1942, ông vuợt ngục Đắc Lay, rồi hoạt động bí mật tại Thanh Hóa. Năm 1945 ông làm chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế. Từ đó ông trở thành nhân vật quan trọng trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản. Ông làm ủy viên dự khuyết trung ương đảng (1951), ủy viên ban Bí thư (1958-1980), ủy viên bộ chính trị (1976-1986), trưởng ban tuyên huấn khoa giáo, hiệu trưởng trưòng Nguyễn Ái Quốc, truởng ban Thống nhất (1974-1975). Năm 1980, ông làm Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế , nhưng vì những thát bại kinh tế, nhất là vụ đổi tiền Việt Nam, năm 1986, ông mất chức và trở nên bất mãn. Chức vụ sau cùng là phái viên trung ưong đảng cng sản Việt Nam. Ông ở tại 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội, mất ngày thứ hai 9-12-2002, thọ 82 tuổi, được chôn tại Mai Dịch là nghĩa trang dành cho các nhân vật quan trọng của đảng.

Tác Phẩm:
A. Thơ:
Từ Ấy ( 1946)
Việt Bắc (1954)
Gió Lộng (1961)
Ra Trận (1972)
Máu và Hoa (1977)
Một Tiếng Đờn (1992)
B. Tiểu Luận
Xây Dựng Một Nền Văn Nghệ Lớn Xứng Đáng Với NHân Dân Ta,
Thời Đại Ta(1973).
Cuộc Sống Cách Mạng và Văn Học Nghệ Thuật (1981)
C. Dịch thơ:
Đợi Anh Về (1998)
Ông là người lãnh đạo văn học nghệ thuật đã được các giải thưởng:
- Giải nhất văn học của hội Văn Nghệ Việt Nam (1954-1955)
- Giải thưởng văn học Asian (1996)
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996)

Về vai vế trong hàng ngũ cộng sản, Tố Hữu là một tay lãnh đạo văn học nghệ thuật . Về tài năng, ông cũng là một trong những nhà thơ xuất sắc của cộng sản Việt Nam. Ông đã nổi tiếng thơ hay trước 1945. Thơ của ông có những nét đặc sắc của một người cộng sản và trải qua nhiều chuyển biến.
Giai đoạn trước 1945, thơ ông phần lớn là thơ bí mật , có hai mục tiêu là chống bất công xã hội ( Chiều, Hai cái chết, Tiếng hát sông Hương,Vú em, Mồ côi, Hai đứa bé, Đi đi em. . .). và chống Pháp ( Đi tây, Lao Bảo, Trưa tù, Châu Ro, Ba tiếng.. .) .
Sau 1945, thơ của ông phần lớn xuất hiện trên báo chí. Thơ của ông trở thành linh hồn của Cộng sản Việt Nam, dùng để tuyên truyền, và đuợc dùng trong sách giáo khoa với thơ văn của Hồ Chí Minh là hai tác giả quan trọng trong các sách dạy chính trị và Việt văn để nhồi sọ thanh thiếu niên mọi lớp, mọi cấp.
Trước và sau 1945, thơ Tố Hữu thủy chung là lối thơ tranh đãu, thơ tuyên truyền của cộng sản. Điểm trước tiên ông tuyên truyền cho chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa ngoại lai, xa lạ với người Việt Nam trong thập niên 1945. Ông tuyên truyền một cách nồng nhiệt, cho rằng chủ nghĩa cộng sản là ‘’ chân lý’’, là một vườn Eden:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
( Từ ấy)
Ông cũng như những người cng sản đầu tiên đã vẽ ra một thiên đường để mê hoặc những kẻ nhẹ dạ. Ông đưa ra những lời đường mật khuyến dụ các hạng người trong xã hội. Ông cho rằng xã hội cộng sản là một xã hội công bình, dân chủ, nhân đạo, và cơm no áo ấm
cho mọi người. Ông tô hồng chuốt lục cho chủ nghĩa cộng sản bên Nga:
Nơi không vua không quan,
Không hạng người ô uế.
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót lầm than.

Nơi tiêu diệt lòng tham,
Không riêng ai của cải.
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức chung làm.. .
( Hai cái chết)
Ông bảo cô gái giang hồ trên sông Hương rằng khi cộng sản chiến thắng, đất nước sẽ không còn nạn mãi dâm:
Ngày mai bao lớp đời dơ,
Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay.
( Tiếng hát sông Hương )
Ông cũng như Karl Marx, Engels, Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không xuất thân giai cấp vô sản nhưng khoác tấm áo vô sản,tranh đãu cho dân nghèo. Thơ của ông nhắm tố cáo xã hội cũ. Ông nhấn mạnh bất công xã hội và hố sâu giai cấp
Hai đứa kia sống dưới hai trời,
Chỉ khác bởi không cùng nhau một tuổi.
Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ,
Và đứa buồn con mụ ở làm thuê!
( Hai đứa bé)
Ông gây căm thù giai cấp và kêu gọi đãu tranh giai cấp:
Nuôi đi em cho đến lớn đến già,
Mầm hận ấy trong lòng xương ống máu.
(Đi đi em)
Ông hô hào thanh niên đập phá tất cả, phải làm cách mạng, nghĩa là đi theo cộng sản, là đãu tranh bằng võ lực:
Không! Chúng ta không ở chốn này,
Này phá! Dô ta! Này ta phá!
( Hầm người)
Đứng lên đi! Hỡi tuổi trẻ xung phong,
Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới.
( Ý xuân )
Chủ nghĩa cộng sản chủ trương dùng bạo lực .Ông đi theo đường lối cộng sản quốc tế, chủ trương dùng màu máu để thay thế màu xám của xã hội cũ::
Nhân loại cầu xin ánh mặt trời,
Nhân loại trườn lên trên biển máu.
(Xuân nhân loại)

Cho tôi hiến cuối cùng cho suối máu,
Để nhuốm hồng bao cảnh xám bi ai!
(Lao Bảo)

Sau 1945, Tố Hữu đã trở thành một lãnh tụ đảng, dặc trách văn hóa. Tiếng nói của ông, thơ của ông trở thành khuôn vàng thước ngọc cho đường lối văn học nghệ thuật cộng sản Việt nam. Thơ ông lúc này càng mạnh mẽ tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, hô hào nhân dân thi hành các đường lối, chính sách của đảng. Trong Xây Dựng Một Nền Văn Nghệ Lớn Xứng Đáng với Nhân Dân Dân Ta, với Thời Đại Ta( 1973), ông viết:
Chúng ta phải chống khuynh hướng tách rời văn nghệ và chính trị, tách rời sáng tác và công tác, khuynh hướng chia đôi con người văn nghệ thành con người công dân và con người nghệ thuật, khuynh hướng tôn sùng bản năng, khinh thường trí tuệ, khuynh hướng cho rằng kỹ thuật quyết định hết thảy (35).
Nói chung, thơ của Tố Hữu là theo khuynh hướng văn nghệ vị nhân sinh, văn nghệ vị cộng sản chủ nghĩa, luôn ca tụng cộng sản dù thực tế cộng sản xấu xa tàn ác. Đó là chủ trương của cộng sản quốc tế như đã trình bày trong các phần truớc.
Là nhà thơ cộng sản, tất nhiên Tố Hữu tỏ ra gần gũi, thân thiết với quảng đại quần chúng. Tuổi trẻ, ông muốn hòa nhập cùng đại chúng theo tinh thần vì dân, cho dân:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi.
Để hồn tôi với bao đau khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Tôi đã là con của vạn nhà,
Là anh của vạn kiếp phôi pha,
Là anh của vạn đầu em nhỏ,
Không áo cơm cù bất cù bơ. . .
( Từ ấy)
Trong thơ ông, ta thấy hình ảnh của bầm, Lưọm, Mẹ Suốt. . .Thơ ông là thơ ca tụng đảng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của cộng sản, và bao cũng dùng nhân dân làm quảng cáo:
Nhân dân là bể,
Văn nghệ là thuyền.. .
Buồm là lao đng
Gió là đảng ta
( Lời đề tập Việt Bắc)
Trong giai đoạn chống Pháp, thơ của ông chủ yếu ca tụng cuộc kháng chiến chống Pháp để động viên tinh thần binh sĩ và quần chúng. Ông ca tụng tình quân dân cá nuớc:
Tôi ở Vĩnh Yên lên,
Anh trên sơn cuớc xuống
Gặp nhau lưng đèo khe,
Bóng tre trùm mát rượi.
Anh là Vệ quốc quân
Tôi là thằng cán bộ
Hai đứa mỏi nhừ chân
Nghỉ ngơi ngồi một chỗ.

Gặp nhau mới lần đầu
Họ tên nào có biết
Anh người đâu, tôi đâu
Gần nhau là thân thiết.. . .
. . . . . . . . . .

Anh kể chuyện tôi nghe
Trên chợ Đồn, chợ Rã.
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười hỉ hả.. .
( Tình cá nước)
Thơ ông là gương mẫu cho lối thơ tán tụng các trận đánh như trận Điện Biên Phủ:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm,mưa dầm, cơm vắt.

Máu trn bùn non,
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Aò ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện. . .
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Tố Hữu nhiệt liệt khen ngợi thành tích kháng chiến chống Pháp:
Ai qua Phú Thọ,
Ai xuôi Trung Hà
Ai về Hưng Hóa
Ai xuống khu ba
Ai vào khu bốn
Đuờng ta đó tự do cuồn cuộn
Bót đồn tây đã cuốn sạch rồi
Sông Thao nô nức sóng dồi,
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.. .
( Ta đi tới)
Sau 1954, đất nước ta bị chia cắt, cộng sản lăm le cướp nửa phần còn lại. Tinh thần chống Mỹ thể hiện rõ rệt trong thơ Tố Hữu. Phần lớn thơ này lời rất điêu luyện, giọng điệu hăng say:
Ta đi tới, không thể gì chia cắt
Mục Nam Quan đến bãi Cà Mâu.
Trời ta chỉ một trên đầu
Bắc Nam liền một biển.
( Ta đi tới)
Có thể nào nguôi,t ừng viên đạn Mỹ,
Bắn miền nam, nát thịt da xương tủy,
Của mẹ cha, đồng chí, vợ con
Anh chị em ta ai mất ai còn?
‘’Hôm nay sáng mát trong trời lặng,
Hai mươi tám máy bay lên thẳng
Của lục quân, lính thủy Mỹ đi càn
Cách Sài gòn 35 dặm phía nam.
( Có thể nào yên?)
Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ.
Nưóc mắt rơi làm nhòe mặt quân thù
Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ.

Tình thương lớn mạnh hơn lửa thép
Trận đîa đây, xây giữa lòng người.
Dẫu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp
Đời yêu ta, ta phải thắng cho đời.

Cút sạch đi bầy sói hôi tanh
Đã đến buổi cuối cùng phán quyết
Trả ta về đất rộng, trời xanh
Cho bay những hố bom làm huyệt
Lịch sử muốn bay cúi đầu nhận lỗi
Dưới gươm thiêng hùng khí thủ đô.
Cả bốn biển hoan hô Hà Nội,
Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ. . .
( Việt Nam, máu và hoa)
Tố Hữu lớn tiếng công kích, chửi mắng đế quốc Mỹ:
Oa sinh tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất
Hãy cháy lên, cháy lên sự thật
Giôn xơn
Tội ác bay chồng chất
Cả nhân loại căm hờn
Con quỷ vàng trên mặt đất
Mày không thể mượn nước sơn
Của Thiên Chúa và màu vàng của Phật!

Mắc Na Ma Ra
Mày trốn đâu? Giữa bãi tha ma?
Của tòa nhà năm góc
Mỗi góc, một châu
Mày vẫn chui đầu
Trong lửa nóng
Như đà điểu rúc đầu trong cát bỏng
( Emily, con)
Một đặc điểm khác của Tố Hữu là nhiệt thành ca tụng lãnh tụ. Và đây cũng là nét chung của các nhà thơ sống dưới chế độ cộng sản: Muốn sống, muốn có lương thực thì ít nhất trong đời cũng phải có một bài thơ suy tôn ‘bác’. Ông ca tụng Hồ Chí Minh trong phần lớn các bài thơ:
Dù ai rào dậu ngăn sân,
Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ...
. . . Lòng ta không giới tuyến,
Lòng ta chung một cụ Hồ
Lòng ta chung một thủ đô,
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.
( Ta đi tới)
Vui sao một sáng tháng năm,
Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ.
. . . Bác bảo đi là đi,
Bác bảo thắng là thắng.
Việt Nam phải tự do,
Thế giới phải hòa bình!
( Sáng tháng năm)
Bài thơ khóc Hồ Chí Minh cũng là một bài thơ quan trọng của Tố Hữu, nó biểu lộ lòng trung thành của ông đối với lãnh tụ, với đảng. Lời thơ của ông đầy tình cảm, vì ông Hồ đã đưa ông lên cao, đã tín nhiệm ông:
Bác đã đi rồi sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời.
Miền Nam đương thắng mơ ngày hi
Rước bác vào thăm thấy bác cười!
( Bác ơi!)
Ông luôn luôn ca tụng Hồ Chí Minh vì đây là điểm chuẩn cho những người làm văn nghệ cộng sản, huống chi ông lại là lãnh tụ văn hóa, cầm cân nẩy mực cho ý thức hệ cộng sản. Hơn nữa, muốn bảo vệ địa vị, muốn lên cao, lại càng phải tỏ ra mình rất đỏ. Sau khi ông Hồ mất, ông vẫn khóc than nức nở :
Nhà gác đơn sơ, một góc vườn,
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn.
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối,
Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.

Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn,
Thong dong chiếc gậy gác bên bàn.
Còn đôi dép cũ m òn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian.
( Theo chân bác)
Ca tụng lãnh tụ là một điều bắt buộc. Tố Hữu là người cầm trịch cho văn học,nghệ thuật xã hội chủ nghĩa cho nên ông phải làm gương mẫu cho đàn em theo. Trong các bài thơ, ông luôn ca tụng Stalin, Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Dẫu sao thì Hồ Chí Minh phải đứng sau hai ông Xít và Mao vì đó là cấp bậc trong thế giới cộng sản:
Hoan hô Sta-lin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió!

Hoan hô Hồ Chí Minh
Cây hải đăng mặt biển,
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến!
( Bài ca tháng mười)
Để chứng minh là mình rất đỏ, rất có tinh thần vô sản quốc tế, đời đời kính yêu lãnh tụ, khi Staline, một tên độc tài khát máu, mất đi, ông than khóc thảm thiết:
Làng trên xóm dưới xôn xao,
Làm sao, ông đã. . . làm sao mất rồi!
Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ôi! Ông mất đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương muời!
Yẽu con, yêu nước, yêu nòi,
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
( Đời đời nhớ ông)
So với bài khóc Hồ Chí Minh, bài khóc Staline ý tưởng mạnh mẽ hơn, và tôn kính hơn (Thương mình thương một, thương ông thương muời!). Bài thơ này cũng biểu lộ tinh thần sùng bái lãnh tụ, đề cao cá nhân của con người cộng sản. Và bài này cũng bày tỏ hết tính chất nô lệ, bản chất chư hầu của một Tố Hữu nịnh hót. Trong thời Bắc thuộc và thời Pháp thuộc, chưa có nhà thơ Việt Nam nào khóc than vua Trung Hoa và hoàng đế hay tổng thống Pháp ngoại trừ những văn kiện ngoại giao hay điếu văn. Nay thì các nhà thơ Việt Nam dưới triều đại cộng sản đã bắt chước Tố Hữu hết ca tụng Mao Trạch Đông đến Kim Nhật Thành. Nhưng bài thơ này cũng bộc lộ khía cạnh giả dối và phi nhân của con người Tố Hữu. Nói giả dối vì trên đời có ai thương người hơn thương bản thân mình, hơn thương cha mẹ mình? Chủ nghĩa cộng sản đề cao tinh thần quốc tế vô sản, hy sinh cá nhân cho quyền lợi tập thể nhưng sự thực ngược lại. Người cộng sản xưa nay gian tham, ăn hối lộ, ăn cắp của công nhiều hơn các chế độ cũng bởi vì họ thương họ hơn là thương dân, thương nước! Nói phi nhân vì bản tính con người là thương cha mẹ nhưng cộng sản bắt con người yêu lãnh tụ, yêu đảng hơn cha mẹ (trungvới đảng, hiếu với dân).
Một chủ đề khác của thơ Tố Hữu là ca tụng chém giết. Đó là những bài thơ do ông viết để ca tụng, cổ võ chính sách cải cách ruộng đất, chính sách đãu tố của cộng sản. Những bài thơ này cho ta biết tính chất sắt máu tàn bạo của con người Tố Hữu. Trong thơ, ông luôn hô hào chém giết, giết quân thù và giết cả đồng bào vô tội:
Giết! Giết! Giết!
Bàn tay không phút nghỉ
Để ruộng đồng thêm tốt
Lúa thêm xanh.
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt. . .
( Bài ca tháng muời)
Chủ đề cuối cùng của Tố Hữu là tình yêu. Đấy là một điểm rất lạ vì cộng sản luôn tỏ ra là can trường, sắt đá, hy sinh bản thân cho công cuộc đãu tranh, và cộng sản nghiêm khắc trong vấn đề này. Hữu Loan, Quang Dũng và bao thi sĩ khác vì tinh thần lãng mạn mà bị phê bình và bị trừng phạt nặng nề. Thực ra điều này cũng dễ hiểu. Cộng sản là giả dối!Trong khi đề cao đạo đức bác Hồ và cuộc đời thánh thiện không vợ con của bác nhưng thực sự bác rất nhiều vợ, nhiều con. Trong khi đảng cấm binh sĩ và cán bộ hủ hóa nhưng chính họ lại năm thê bảy thiếp. Và trong khi cấm người yêu đương thì các cán bộ cao cấp lại yêu đương tự do. Thật vậy trong khi cấm các văn nghệ sĩ yêu đương lãng mạn thì các cán bộ cao cấp như Tố Hữu, Xuân Diệu, Tế Hanh. . . làm thơ ái tình một cách công khai! Từ những năm đầu kháng chiến người ta đã phổ biến bài thơ Đợi anh về của Tố Hữu dịch thơ Nga. Và chính bản thân của Tố Hữu cũng làm thơ tình như bài sau đây:
Chào xuân đẹp! Có gì vui đãy
Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy
Như buổi đầu hò hẹn say mê
Anh n ắm tay em sôi nổi vụng về
Mà nói vậy: ‘ Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu. . .’
Em xấu hổ:’ Thế cũng nhiều anh nhỉ!’
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí
Dắt nhau đi cho đến sáng mai nay
Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay!
( Bài ca xuân 1961)
Bải thơ này ý tứ vụng về, lời ngây ngô như kẻ mới tập làm thơ. Không ngờ Tố Hữu làm thơ tình dở như vậy! Ở năm câu đầu của đoạn này, lời lẽ quê mùa có phần giống thơ Tình già của Phan Khôi! Hơn nữa, làm thơ yêu đâu cần phải có đảng tính vào đây! Thơ tình của Tố Hữu lúc này biểu lộ tâm lý một số cán bộ muốn làm thơ yêu nhưng sợ đả kích cho nên phải che đậy bằng cái tính đảng, tính vô sản. Thơ Tố Hữu giống thơ và nhạc cộng sản sau này của thời đầu mở cửa. Người ta quen viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc theo khuôn khổ mac-xit cho nên bây giờ bỏ nó đi để theo lãng mạn thì còn bỡ ngỡ, hoặc vì lúc này các văn nghệ sĩ không biết sáng tác theo lối nào cho nên trung dung. Họ muốn theo lãng mạn nhưng sợ đảng phê bình cho nên phải thêm chút tính đảng, tính chiến đãu vào thơ nhạc lãng mạn.
Bài thơ tình sau đây thì khá hơn:
Lạ chưa vẫn ở bên em,
Mà anh cứ nhớ, cứ thèm gần hơn.
Cứ lo em giận, em hờn,
Mải mê anh đẻ cô đơn em buồn.. .

Cớ chi chắp được đôi hồn,
Như chim đôi cánh lượn hôn mây trời.
Cớ chi đi suốt đường đời,
Như hình với bóng sóng đôi tháng ngày.

Em cười, anh cũng vui lây,
Anh đau, em lại lệ cay xót thầm.
Qua bao xao động, thăng trầm,

Tâm ca được mấy tri âm không lời?

Tình yêu là thế em ơi!
Hai người mà hóa một người trăm năm.. .
( Lạ chưa?)
Sau 1985, bị cách chức, Tố Hữu trở nên buốn bã, bất mãn. Tư tưởng và hồn thơ của ông đã thay đổi. Ông không còn giọng điệu tin tưởng. Ông mang trong một lúc nhiều nỗi buồn. Cái buồn lớn nhất là Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ông căm giận những kẻ đã làm sụp đổ thần tượng Liên Xô vĩ đại trong lòng ông:
Cả Liên Xô cùng thế giới mới tan hoang,
Bởi một lũ gian tham, phản bội, đầu hàng
Đang nhảy nhót với một bầy hùm sói!
( Chào mừng năm 2000)
Cái làm cho ông đau đớn nhất chính là những đồng chí cộng sản của ông. Trước đây ông căm thù thực dân, và tư bản, nay thì chính các đồng chí ông hạ bệ ông, hãm hại ông và làm nhục ông cho nên bây giờ ông căm thù các đồng chí của ông. Ông làm thơ chỉ trích bọn ‘lòng dạ quỷ’, ‘tham nhũng’, ‘cửa quyền’ và coi như ông là người trong sạch, không có tội lỗi gì về sự suy đọa của chủ nghĩa cộng sản. Ông không thấy toàn bộ chủ nghĩa Mác là sai và toàn bộ thế giới cộng sản là thất bại, là gian ác, nghèo khổ, bất công. Không những thế, ông vẫn còn tin tưởng lý tưởng cộng sản là đúng, nó sai lầm là do một số người làm sai! Những bài ‘Chào Xuân 99’, ‘ Du xuân’, ‘Chào mừng năm 2000’. . . là những bài thơ ‘ phản cách mạng’. Nếu những bài thơ trên đuợc viết vào những năm Nhân Văn, Giai Phẩm (1955-1956), và tác giả là những ai khác, Tố Hữu, Trần Độ đã nổi giận xung thiên và đã đưa tác giả của chúng vào nhà tù ‘ cải tạo’!
Bao nỗi buồn đổi mấy lần vui
Giá tự do tính bằng máu lệ.
Qua đắng cay mới hiểu ngọt bùi.
Hoa thơm hút nhụy từ gốc rễ.

Ôi Việt Nam đất nước nghĩa tình,
Trái tim lớn yêu chân thiện mỹ.
Sao gần xa cái ác cứ rình
Mặt nạ người che lòng dạ quỷ!

Sao lắm kẻ xưng danh đồng chí
Nhạt lương tâm, lạnh ngắt đồng tiền.
Gian tà dám bán rao đạo lý
Tham nhũng leo thang bậc cửa quyền!
( Chào xuân 99)
Năm 2000, cng sản đã thống nhất đất nước 25 năm, và cai trị miền bắc non nửa thế kỷ, nhưng Tố Hữu vẫn thấy mục tiêu cơm no áo ấm còn xa vời. Lúc này, Tố Hữu không còn cái giọng tự tín như ngày xưa mà chỉ là than thở, bất mãn :
Rằng ta hiểu, đời còn bao đau khổ chua chát,
Bao bất công đc ác, đê hèn!
. . . cuc trường chinh xóa nghèo khổ còn dài
(Chào mừng năm 2000)
Trước 1985, thời ông làm phó thủ tướng đất nước nghèo khổ, đảng suy sụp vì thất nhân tâm, và sai lầm kinh tế. Sau 1985, Nguyễn Văn Linh theo Trung quốc mở cửa cho tư bản đầu tư cho nên đảng và các lãnh tụ trở thành tư bản đỏ. Tố Hữu nhìn những phát triển kinh tế trong thời mở cửa bằng con mắt xa lạ, thiếu cảm tình:
Lững thững tôi đi, rẽ vào ngõ lớn
Vốn quen thân, vẫn ngỡ ngàng chân.
Nhanh hơn cây, nhà nhà mọc lên tầng
Phường nào cũng khoe sang vài khách sạn.
Nhan nhản cửa hàng, ghế bàn chật quán
Người người lao chân bước chẳng nhìn nhau.
Ai cũng lo kiếm sống, làm giàu
Ôi! Thị trường cũng ‘chiến trường’, ‘thắng bại’
Còn chỗ chăng cho tình thương, lẽ phải?
( Du Xuân)
Thơ ông thuở trẻ có cái hăm hở của người say mê, cái nhiệt tình của người tin tưởng cho nên rất dễ làm rung đng những con tim son trẻ và dại khờ. Nhưng khi tuổi già, khi thất bại đau đớn, thơ ông lại mang âm điệu chán chường, bất mãn.
Chúng ta phải công nhận rằng Tố Hữu là một thiên tài. Thơ của ông rất điêu luyện. Lối thơ tám chữ rất thích hợp với ông (Châu Ro, Đi đi em !) Lối thơ tự do cũng thế, ( Hoan hô chiến sĩ Điện Biên). Cách dùng chữ, và hình ảnh rất cao tuy rằng nội dung là tuyên truyền , là giả dối. Tuy nhiên, đôi khi thơ ông cũng có nhiều chỗ non kém về hình thức lẫn nội dung. Như đoạn thơ sau trong bài Sáng tháng năm của Tố Hữu:
Chúng ta có bác Hồ
Thế giới có Stalin
Việt Nam phải mạnh to,
Thế giới phải đỏ mình.
Trên tuần báo Văn Học của hi Nhà Văn, trong mục Nói chuyện văn thơ, Chàng Văn tức Chế Lan Viên đã phê bình là thơ ‘ không ổn lời, nông và sáo’, dùng chữ ‘mạnh to’ với ‘ đỏ mình’.. . không được, ghê bỏ mẹ!’ Cũng trong bài này, Chế Lan Viên chỉ trích hai câu:
Con bồ câu trắng ngây thơ,
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn.
Ông chỉ trích hai chữ ‘ bồ câu’ và ‘ bồ công văn’ là non, và ý tứ thì’ kém ý thức chính trị’ vì chim đói quá, tìm thóc không đâu thấy, cứ đi quanh bồ công văn, chứng tỏ người đói quá thiếu thóc gạo mà cũng bày đặt nuôi bồ câu !
Có lẽ Tố Hữu nhận thấy lời chỉ trích đó là đúng, nên trong ấn bản 1968 người ta thấy ông chữa lại:
Con bồ câu trắng ngây thơ,
Nó đi tìm thóc nhởn nhơ quanh nhà
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chúng ta có bác Hồ,
Thế giới có Stalin
Việt Nam phải tự do,
Thế giới phải hòa bình.
Bài thơ này vốn do Tố Hữu sáng tác nhân ngày sinh nhật Hồ Chí Minh năm 1951 tại Việt Bắc. Chủ đề là ca tụng ông Hồ, cần gì phải kéo Stalin vào cho rườm rà! Hoặc là sau này Stalin bị Khrutchev hạ bệ, nhột mình nên ông sửa lại bài nàylần nữa:
Bác bảo đi là đi,
Bác bảo thắng là thắng.
Việt Nam phải tự do,
Thế giới phải hòa bình!
Bài Ta đi tới tương đối là lưu loát nhưng cũng có những chỗ vụng như Đường ta rộng thênh thang tám thước vì ngày nay đường tám thước không phải là rộng thênh thang.
Bài ‘ Gặp anh Hồ Giáo’ là một sự tuyên truyền vụng dại và non kém. Đây là chuyện con bò Hà Lan, Thụy Sĩ nhập cảng Việt Nam, rất căm thù đế quốc, tư bản cho nên thấy ai đi giày là húc, là đá. Các chiến sĩ và lãnh đạo Việt Nam đi dép râu cho nên không bị bò đá, nhưng các ông Karl Marx, Engels, Lénine, Staline đi giày thì sao?
Tính con bò không chỉ biết ăn ngon,
Những trứng gà, rau giá, cỏ non.
Nó còn biết thương yêu đùa nghịch.
Nên rất ghét những mũi giày, dây xích..
Thơ ông sau 1970, nhất là sau 1975, trở nên mất linh hồn. Nó chỉ là những khuôn sáo, gượng ép, tầm thường, nhạt nhẽo:
Kính thưa Bác!
Thế kỷ hai mươi mốt tới đây
Có thể là thế kỷ rồng bay
Bảy mươi sáu triệu con Hồng cháu Lạc
Đòan kết nhau nhất trí vững tay
Nhất định sẽ dựng xây
Tổ quốc ta ngày nay
Ngang tầm thời đại.
(Chào mừng năm 2000)
Tố Hữu là người rất tinh khôn. Ông bất mãn nhưng biết kìm hãm mình. Ông chửi đảng vừa ca tụng đảng. Đó là cái khôn về chính trị, nghĩa là ông muốn tỏ ra ông chỉ phê bình một số cán bộ sai lầm chứ không công kích đảng và chủ nghĩa Mác Lê. Nhưng hành động kiểu đó cũng là cái kém về lý luận vì một đảng đầy ‘tham nhũng, cửa quyền’, một xã hộii đầy ‘bất công, độc ác, đê hèn’thì có khác gì xã hội cũ mà cộng sản đã hết sức tố cáo! Một nước như thế làm sao có thể tin tưởng ‘ Đất nước ta sẽ mười lần đàng hoàng to đẹp’ ?(Chào mừng năm 2000)

Dẫu sao trong thế giới cộng sản, Tố Hữu vẫn là nhà thơ lớn nhất của họ vì tài thơ của ông và nhiều tài khác. Trước đây, có người tiên đoán Tố Hữu sẽ tự tử như Mayakoski trong khoảng 1930. Nhưng Mayakoski cũng như bác sĩ Nguyễn Văn Thinh là những người có khí tiết cho nên khi thấy mình bị lường gạt, và sai lầm thì hủy thân tạ tội cùng đồng bào, nhưng Tố Hữu thì có giòng máu của bọn nịnh thần của triều đình Huế cho nên ông không dại gì để bị tước thẻ đảng và ngồi tù hoặc đói khổ như Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan. Ông với Trần Độ có những điểm tương đồng và tương dị. Tố Hữu là văn quan , Trần Độ là võ quan nhưng cả hai đều lập công lớn trong việc tàn sát Nhân Văn, Giai Phẩm, và trở thành những ông trùm lý thuyết gia của cộng sản Việt Nam. Sau 1985, Tố Hữu cũng như Trần Độ đều bất mãn với cái chế độ do hai ông dày công hãn mã xây dựng nên, nhưng thái độ hai ông khác nhau. Trần Độ thì công kích đảng thẳng tay cho nên khi đã chui vào sáu tấm, ông vẫn bị công an ruồng bố, trong khi Tố Hữu khôn hơn , biết dừng chỗ nên dừng nên khi buông xuôi hai tay, ông vẫn đuợc quốc táng và nằm trong Mai Dịch!
Nguyễn Thiên Thụ
lịch sử văn học việt nam


No comments: