Saturday, September 8, 2012

GS. ĐẶNG PHÙNG QUÂN * DỰ THẢO TỪ ĐIỂN

ĐẶNG PHÙNG QUÂN :
Dự thảo từ điển triết học giản yếu (3)

Abélard/Abailard Pierre: triết gia kinh viện người Pháp, sinh ở Pallet, gần Nantes năm 1079. Sống và trưởng thành ở thế kỷ XII, ông chịu mọi khổ nạn, có thể kết tụ lại trong hình thức Tự truyện là cuốn Historia Calamitatum Mearum/Câu chuyện về những bất hạnh của tôi. Thế kỷ XII chứng kiến sự xung đột giữa đế quyền và giáo quyền, Thánh chiến và chủ nghĩa kinh viện phát triển. Là một tư trào triết học, chủ nghĩa kinh viện coi tư tưởng Aristote là tối thượng, tuy nhiên vẫn ràng buộc trong khuôn khổ chính thống, điều đó có nghĩa là việc lý giải có những hạn chế, nếu như quan điểm của nhà kinh viện nào bị hội đồng giáo quyền lên án thì phải rút lại. Cũng trong thời đại này, thịnh hành lý luận theo tam đoạn luận và biện chứng. Abélard theo học Roscelin, người được coi như triết gia kinh viện đầu tiên. Tuy những bản văn của Roscelin không tồn tại, song những quan điểm của ông được biết tới qua thư gửi Abélard và trong những tranh luận giữa Abélard và Anselm. Theo như Anselm, Roscelin coi phổ quát là những hơi thở của tiếng nói/flatus vocis, nghĩa là chỉ có khi chúng ta phát âm ra một từ, con người không là một đơn vị mà chỉ là một tên chung. Đó là lý do người ta coi Roscelin là một nhà duy danh.


Ông bị kết án là dị giáo và phải trốn chạy qua nước Anh, xung đột với Anselm và phải trở lại Rome làm hòa với Giáo hội. Trong khi đó Abélard lên học ở Paris, trở thành môn đệ và rồi đối nghịch với Guillaume de Champeaux (1068-1121). Abélard quay sang thần học với Anselm de Laon và khởi sự dạy thần học ở Paris và Melun từ 1113. Theo sử gia Jules Michelet, Abélard là một tiếng nói tự do, tiếng nói nhân bản, đưa tôn giáo về với triết học, đạo đức về với con người. Một trong những môn sinh của ông là Hélọse, cháu gái của giáo sĩ Fulbert đã trở thành người tình và người vợ bí mật của ông tạo lên một thiên tình sử não nùng . Cái nghịch lý trong cuộc tình hôn nhân tan vỡ này phải chăng từ mâu thuẫn giữa một cuộc đời dành cho tăng tế và một đam mê vô vọng, cái đòi hỏi thanh khiết để cầu nguyện hay rơi vào hệ lụy hôn nhân, như dụ ngôn của Jérôme: aut oramus semper et virgines sumus, aut orare desinimus ut conjugio serviamus. Cuộc tình vụng trộm không thể giải quyết khiến Fulbert và thân nhân của Héloise nổi giận, theo Gilson [X. Hélọse et Abélard, 1938], đã mua chuộc người hầu của Abélard để đột nhập tấn công và thiến ông trong khi ngủ để trừng phạt. Abélard không thể phụng vụ vì giáo luật cổ từ khước hoạn nhân, ông lui về ẩn cư trong tu viện Saint-Denys.


Tư tưởng của Abélard dàn trải trên nhiều bình diện: một luận lý học uyên áo rất gần với luận lý học hiện đại, một triết học về ngôn ngữ, một đạo đức học xây dựng trên ý hướng tính.
Đứng trước hai quan niệm duy danh cực đoan của Roscelin và duy thực cực đoan của Guillaume de Champeaux (một bên chỉ có cá thể hiện hữu, một bên coi mọi chủng loại có một bản chất chung và thực, khác biệt cá thể chỉ là ngẫu nhiên, không phải là bản chất), Abélard quan niệm sự vật luôn luôn là một cá thể, tuy nhiên phổ quát gọi tên những sự vật thực sự hiện hữu, và như vậy quả thật phổ quát khng phải là hơi thở của tiếng nói/flatus vocis, một âm chỉ có chữ và vần, mà là một từ bao gồm một nội dung mang ý nghĩa/vox significativa. Trong cái ví dụ chẳng hạn anh Ba là người, anh Tư là người, cái chung không phải là phổ quát gán cho sự vật mà là cho những từ mang ý nghĩa. Abélard không muốn nói là chúng đồng ý trong con người, vì không có gì là người ngoài sự vật cá thể, nhưng đồng ý là con người.


 “Là con người “ là một thuộc từ, song là một thuộc từ phủ định, nghĩa là không thuộc về chủ thể. Một trong những công trình luận lý của Abélard là bình luận tác phẩm Isagoge của Porphyre, triết gia tân-Platon. Trong những vấn nạn của Porphyre, như chủng và loại có hiện hữu, hay chỉ những ý tưởng? Nếu tồn tại, chúng thuộc về tinh thần hay vật chất? Và chúng tách rời hay hiện trong sự vật khả xúc? Những câu hỏi như vậy hàm ý những phổ quát là sự vật hay không có thực, và Abélard đi tới vấn nạn là phổ quát phải tham chiếu về sự vật nào đó, nếu như sự vật này không hiện hữu, nó có trụ vào ý nghĩa của khái niệm không? Trong mệnh đề như “nếu có bông hồng, thì có hoa” về mặt luận lý thì đúng, ngay cả nếu bông hồng không hiện hữu. Thí dụ này chứng tỏ Abélard không phải là người duy danh đơn giản. Luận lý về những mệnh đề chức năng đúng, nhận rõ sự khu biệt giữa tác động ý nghĩa và nội dung khá gần với lý thuyết của Frege sau này.


Ông lý giải cùng nội dung của một mệnh đề có thể biểu hiện những tác động ý nghĩa khác nhau trong những ngữ cảnh khác nhau, chẳng hạn nội dung của mệnh đề “ Socrate ở trong nhà” được biểu hiện qua khẳng định là “Socrate ở trong nhà”, qua câu hỏi là “Socrate có ở trong nhà?”, qua ước muốn là “”nếu như chỉ có Socrate ở trong nhà” v.v.. sự phân biệt này cho phép Abélard xác định phủ định có thể như sau: không-p là sai/đúng nếu như và chỉ trong trường hợp p là đúng/sai. Trên phương diện ngôn ngữ, Abélard coi phổ quát chỉ là hiện tượng ngữ học, có nghĩa không là gì khác hơn là những từ, song ông phân biệt hai đặc tính ngữ nghĩa của từ là tham chiếu/nominatio và chỉ thị ý nghĩa/significatio. Những danh từ chung hay riêng đều quy chiếu về những sự vật, dưới góc cạnh cá thể hay phức thể.
Ông quan niệm đạo đức xây dựng trên ý hướng tính: chỉ có ý hướng của con người xác định hành vi con người có giá trị đạo đức. Ví dụ hai người có tiền và tính giúp người nghèo, chẳng may một người bị đánh cắp hết tiền trước khi thực hiện được ý định trong khi người kia thực hiện được, thì không thể cho là có sự khác biệt đạo đức giữa hai người được, vì quan niệm như thế thì chẳng khác gì cho người giầu có đạo đức hơn. Một ví dụ khác, giả sử trường hợp hai người là anh chị em với nhau chẳng may bị chia cách từ lúc chào đời, người này không biết người kia, tới khi lớn tình cờ gặp gỡ, yêu nhau rồi lấy nhau, thì không thể có tội.


 Theo ông, chủ yếu trong việc đánh giá đạo đức xét trên ý định của con người, còn chính hành vi về mặt đạo đức thì vô thưởng vô phạt: Tôi ác không nằm trong hành động, nhưng nằm trong định ý. Ông lấy thí dụ, giả như người ta cột một nhà tu giữa hai người đàn bà, rồi vì đụng chạm thân thể của hai người làm cho nhà tu cảm thấy khoái lạc, có thể gọi là tội không? Nếu như khoái lạc tình dục trong hôn nhân không có tội, vậy thì chính khoái lạc, trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân cũng không có tội. Nói theo thông tực, không biết thì không có tội. Ông lấy ngay thí dụ tôn giáo là người người đóng đinh Chúa trên thập tự giá không phạm tội ác, vì họ không biết Giê su là con Chúa Trời, trong khi họ có tội nếu như họ nghĩ phải đóng đinh con Chúa Trời dầu ngay cả trường hợp họ không hành động. Quan niệm như vậy khiến Abélard găïp những khó khăn với hệ thống giáo quyền đương thời. Tuy nhiên , quan niệm định ý trong đạo đức tạo cơ sở cho hình thành phán đoán trong hệ thống công lý sau này.


Những tác phẩm truyền tụng của ông có thể kể là Logica ingredientibus, Dialectica, Ethica seu Scito teipsum, Collationes, Carmen ad Astralabitum, Theologia summiboni, Sic et Non. Thư tín giữa Abélard và Hélọ se đã là nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả đời sau viết lên thiên tình sử cũng như quan hệ giữa triết gia và người phụ nữ là môn đệ triết lý. Thực sự cuộc tình này tạo những ràng buộc và mâu thuẫn trong đời họ, kể cả việc Héloise đã cho ra đời đứa con của họ, mang tên Astrolabe Có phải Abélard ngỏ ý cưới Héloise với điều kiện hôn nhân của họ được giữ kín để không tổn hại đến thanh danh của ông?


Hay chính Héloise nghĩ khi lấy nhau, Abélard bị đoạn tuyệt với đời sống tinh thần, mà nàng mong mỏi ông trở thành mẫu người thế giá của triết học? Quả thực trên bia mộ Ablrd sau này, đã ghi ông là “Socrate của nước Pháp, Platon trác tuyệt của phương Tây, Aristote của chúng ta, người thày và đồng bối của mọi nhà luận lý trong quá khứ và hiện tại”. Michelet cho rằng “sự sa ngã của người đàn ông đã tạo ra sự vĩ đại cho người đàn bà: nếu không có cái bất hạnh của Abélard, không ai biết đến Héloise.” Bà từ chỗ tăm tối đã thành một nữ tu ở Paraclet và cai quản một trường thần học lớùn. Trong cuộc tình, bà chỉ ao ước được coi là người tình của ông, chứ không phải là người vợ, hay nữ hoàng của ông (tua dici meretrix, quam illius imperatrix). Không được sống bên nhau, khi chết họ được chôn cùng một mộ, theo ý nguyện của Héloise lúc bà qua đời (1164) hai mươi mốt năm sau Abélard.


Arendt, Hannah: Ở thế kỷ XX, Arendt là một Héloise khác, một người đàn bà làm học trò và thành một người tình của ông th?y/triết gia, tuy hoàn cảnh thời đại và cuộc đời của họ có khác. Hannah Arendt sinh năm 1906 tại Hanovre, trong một gia đình Do thái, mồ côi cha rất sớm. Trong những năm 1924-1928, bà học triết, thần học và ngôn ngữ học cổ điển tại những Đại học Marburg, Friburg và Heidelberg với Husserl, Heidegger, Bultmann và Jaspers. Bà đệ trình luận án về quan niệm tình yêu theo Augustin/der Liebersbegriff bei Augustin dưới sự hướng dẫn của Karl Jaspers tại Đại học Heidelberg. Từ năm 1933 dưới thời Quốc xã, bà lưu đày qua Pháp và định cư tại Mỹ vào năm 1941.


Từ 1953 đến 1958 bà dạy triết học và chính trị học tại những đại học Berkeley, Princeton, Columbia, Brooklyn College và Aberdeen, trong những năm 1963-1968 tại đại học Chicago, và từ 1968 dạy triết học chính trị tại New School for Social Research ở New York. Bà mất vào cuối năm 1975.
Luận về quan niệm tình yêu của Augustin là bước đầu đi vào suy tưởng triết học của Arendt nhằm lý giải vấn đề tình yêu có một vai trò quyết định về cảm thụ và ý nghĩa trong tình yêu tha nhân và tình yêu về Thiên chúa. Với nhãn quan của nhà triết học, Arendt xét trong góc độ tiền thần học để xác định tình yêu như dục vọng/appetitus, yêu là khát vọng sự vật cho chính nó, trong hai ý nghĩa, tình yêu ham hố sự vật trần tục (cupiditas) phân biệt với tình yêu bác ái về cái hiện tại vĩnh hằng (caritas). Cũng khởi từ đời sống trong xã hội/vita socialis, tình yêu tha nhân/dilectio promixi khởi sinh từ bác ái nhằm thực hiện việc từ bỏ chính mình, quên mình là tư tưởng Arendt học được từ nơi Augustin về cộng đồng con người mà bà triển khai sau này trong tác phẩm viết về Thân phận con người/The Human Comndition (1958).


Chọn lựa một tác giả thiên chúa giáo như Augustin là vì nhà triết học này ở vào lúc quá độ của một thời đại vừa chấm dứt và bắt đầu một thời đại khác, một thời khoảng trống rỗng mà Augustin đi từ tư duy về ký ức như một quan năng có khả năng phục hoạt quá khứ trong hiện tại và khai diễn một khởi đầu mới, khả năng này có thể liên hợp ba chiều thời gian mà ý chí được điều động theo thời tính .Đó là lý do tại sao trong tác phẩm cuối đời The Life of the Mind , bà trở lại những vấn đề của Augustin và coi Augustin là nhà triết học đầu tiên về ý chí. Cũng bắt nguồn tư duy từ Augustin, trong tác phẩm dẫn trên, quan niệm đời sống trong hành động/vita activa (cũng như vita negotiosa hay actuosa) nhằm diễn đạt ý nghĩa bio politikos của Aristote, phản ánh ý nghĩa nguyên khởi là thể hiện một “đời sống dành cho những vấn đề chính trị công cộng”. Cũng từ đây Arendt đi sâu vào nghiên cứu triết học chính trị . Arendt đã chọn lựa đúng con đường mà bà hy vọng “nhìn chính trị với đôi mắt thuần túy của triết học”. Arendt đã là một nhà triết học phụ nữ sáng giá trong lãnh vực triết học chính trị của thế kỷ XX.

Bà tự xác định là một người phụ nữ, Do thái, chứ không là người Đức tuy bà đã viết bằng ngôn ngữ Đức và luôn luôn là một người không có quốc tịch. Tuy là người gốc do thái, nhưng là một nhà triết học chính trị, ngay trong khi theo dõi để tường thuật vụ án xử Adolf Eichmann tại Jerusalem vào năm 1961 cho báo New Yorker, bà chứng tỏ sự thẳng thắn can đảm trong việc phê phán chính quyền Israel không công chính trong việc bắt cóc và kết án tử hình Eichmann vì phạm tội thù nghịch người do thái/hostis Judaeorum, thay vì phải đưa ra trước tòa án quốc tế về tội danh chống nhân loại/hostis humani generis.

Tác phẩm quan trọng của Arendt viết bằng Anh ngữ là Những nguồn gốc của chủ nghĩa cực quyền/The origins of totalitarianism gồm ba phần chính (chủ nghĩa bài do thái, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa cực quyền) xuất bản năm 1950 nhằm chỉ ra mưu tính cực quyền qua việc chinh phục toàn cầu và toàn trị là con đường hủy diệt từ mọi ngõ cụt, thắng lợi của nó có thể coi như hủy diệt nhân loại một khi nắm quyền ,là kởi sự việt hủy diệt bản chất con người. Việc tìm hiểu rốt ráo những xu hướng bài do thái, không hẳn chỉ thù nghịch người do thái, chủ nghĩa đế quốc không hẳn chỉ đi chinh phục và chế độ cực quyền không hẳn chỉ là chuyên chính, nối bước nhau tàn bạo hơn trước nhằm chỉ ra nhân phẩm con người phải có một bảo đảm mới chỉ khi nào có nguyên lý chính trị mới, luật lệ mới trên trái đất mà quyền lực phải hạn chế, được kiềm chế và bám rễ trong những thực thể lãnh thổ được xác định hoàn toàn mới.


 Trong hai chương thêm vào lần xuất bản thứ hai năm 1958 về hệ tư tưởng và khủng bố với một hình thái mới về chính quyền và chủ nghĩa đế quốc cực quyền luận về cuộc cách mạng Hungari 1956 cũng là khởi thảo cho hai tác phẩm sau là Về cách mạng/On Revolution (1963) và Về bạo động/On Violence (1970). Mục đích của chủ nghĩa cực quyền là nhằm xác định toàn diện, biến con người thành một sự vật đơn giản để cai trị. Nhận thức chính trị hiểu theo nghĩa của người hy lạp của từ polis được khai triển trong tác phẩm bàn về thân phận con người từ hai bộ khái niệm, một đằng là những khái niệm vể lao động, công trình và hành động, một đằng là hai lãnh vực hoạt động công cộng và tư riêng.

Bản chất chủ đạo của con người là đi tìm sự bất tử, thực hiện khát vọng này qua hành động thực tiễn và thể hiện qua những tác nhân nhằm chuyển hóa thành ký ức; hình thái cao nhất của hành dộng là chính trị, nhằm dạy cho con người làm thế nào thực hiện được những gì vĩ đại và huy hoàng; ý nghĩa của chính trị là lý tưởng tha thứ. Một xã hội lý tưởng không có gì yểm trợ ngoại trừ thiện chí chống lại hiểm nguy lớn lao của hành động qua việc sẵn sàng tha thứ; quyền lực của tha thứ có thể khiến con người giải giới những hậu quả về hành động của con người để thực hiện một vận hội mới.


 Trong Luận về cách mạng Arendt phê phán những xu hướng toan tính giải phóng nhân loại khỏi chỗ cùng khổ bằng những phương tiện chính trị chỉ là điên rồ và nguy hiểm. Bà quan niệm dối trá là một điều xấu lớn lao của chính trị, mà ở đó nẩy sinh chủ nghĩa cực quyền, biểu hiện qua việc kết hợp hành động chinh trị với nhận thức của chúng ta về thực tại, đồng thời nó cũng phá hủy lãnh vực công cộng tự trị qua việc khuyến khích thái độ cực kỳ chủ quan dẫn đến tha hóa thế giới. Arendt xác định tha hóa thế giới không phải là tự tha hóa theo Marx và đó là dấu ấn của thời hiện đại. Chủ nghĩa cực quyền với những hệ tư tưởng toàn trị xô đẩy con người thoát ly thực tại để vào hư tưởng, sử dụng những phương tiện khủng bố chính là cốt lõi của hình thái chính quyền.

 Nó cũng cổ võ nhu cầu quên mình nhân danh những lực lượng lịch sử trừu tượng và vận động đi từ giai cấp đến đám đông quần chúng. Luận cương trong tác phẩm bàn về cách mạng chỉ ra cách mạng là một hiện tượng hiện đại, sử dụng bạo động nhằm đạt tới sự biến đổi toàn diện trật tự xã hội. Bà cũng tin tưởng cách mạng là chứng cớ giúp xây dựng cấu trúc cho một xã hội lý tưởng. Tuy nhiên bà phản bác quan niệm của Fanon về bạo động có thể tái sinh bản chất con người và xây dựng một cộng đồng mới. Bà quan niệm thực tiễn bạo động biến đổi thế giới, song biến đổi khả hữu nhất là dẫn đến một thế giới bạo động hơn: “Bạo động không thể duy trì những mục đích, điều khiển hướng đi của lịch sử, cổ vũ cách mạng, bảo vệ tiến bộ hay phản kháng.”


Vào những năm cuối đời bà từ bỏ chính trị để quay về triết học. Khởi thảo từ năm 1970 để viết The Life of the Mind. Đây là công trình tiếp nối tác phẩm viết về Thân phận con người/The Human Condition. Nếu công trình này khởi sự ở chương thứ nhất với từ vita activa hàm ngụ ba sinh hoạt cơ bản của con người là lao động, công việc và hành động thì ý nghĩa của nó cũng bắt nguồn từ đời sống của tư tưởng/vita contemplativa (ch.I, tiết 2). Những bài đọc tại Aberdeen cũng như những giảng khoa tại New School for Social Research là những sơ thảo để viết thành tác phẩm di cảo The Life of Mind này, với những khái niệm đầu đề của ba phần tư duy, ý chí và phán đoán tương ứng với những khái niệm lao động, công việc và hành động. Tuy ngay mở đầu phần dẫn nhập bà khẳng định không là một nhà tư tưởng chuyên nghiệp/professional thinker/Denker von Gewerbe, nhưng bà nhận định nhu cầu tư duy nơi con người hành động vì cũng chính cùng tự thân con người đó suy tư đồng thời hành động.

Con người hành động trong hợp đồng song chỉ có thể suy tư trong tĩnh mịch. Tư duy phân biệt với lẽ thường và Arendt nhấn mạnh là Hegel đã minh họa cuộc nội chiến giữa triết học và lẽ thường vì nhiệm vụ của triết học là thủ tiêu cái thường hằng vì chỉ có tinh thần mới là thực. Bà cũng chỉ ra ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ thi ca phần lớn là ẩn dụ, ngôn ngữ là công cụ để chuyển hóa cái bất kiến thành hiện tượng, là nhịp cầu nối hai thế giới tinh thần và cảm thụ, ẩn dụ ví như hơi thở vì “nếu không có hơi thở, thân thể con người là một xác chết, cũng như nếu thiếu đi tư tưởng, tinh thần sẽ chết. Ý chí là đáp án cho câu hỏi con người ở đâu khi suy tư. Ý chí gắn liền với tự do vì “một ý chí không tự do là mâu thuẫn ngay trong từ ngữ”. Ýù chí trải suốt giòng lịch sử triết học từ

Thư gửi tín hữu Rô-ma của Phao lồ , qua Augustin, Thomas d’Aquin, Duns Scot, Nietzsche và Heidegger nhằm gắn bó Tư tưởng và Ý chí , giữa cái tôi nghĩ và tôi muốn, giữa Ý chí quyền lực và Phản hồi vĩnh cửu trong tư tưởng Nietzsche đến Ý chí không muốn/Will not-to-will của Heidegger. Trong phần viết về ý chí, Arendt tìm hiểu sự đối nghịch giữa tự do triết lý chỉ có giá trị đối với cá thể đơn lẻ và tự do chính trị đối với đoàn nhóm, trụ vào chỗ chỉ làm điều người ta muốn và không bị cưỡng bách làm điều người ta không muốn. Phần thứ ba về phán đoán không hoàn tất, chỉ còn lại những bài viết cho những hội luận về triết học chính trị của Kant, mà Arendt đưa ra những lý giải về tác phẩm Phê phán quyền phán đoán nhằm tìm hiểu đối nghịch giữa hai thế giới không thông giao là thế giới tất định và thế giới tự do.


Cuộc đời của Arendt hiện diện bóng dáng của bốn người đàn ông: người chồng thứ nhất Günther Stern (lấy nhau năm 1929, vì hoàn cảnh xã hội thời Quốc xã, di cư sang Pháp rồi một người ở lại Paris, một người qua Mỹ nên đã chia tay năm 1937), học trò của Heidegger, với luận án bàn về triết học âm nhạc là người đã giới thiệu bà với Brecht và Benjamin, người thày Heidgger ở Marbourg, Jaspers ở Heidelberg và người chồng thứ hai Heinrich Blücher (kết hôn năm 1940) ảnh hưởng đến việc Arendt đi vào con đường triết học chính trị. Cuộc tình thầm kín của Arendt với Heidegger bắt đầu từ tháng hai 1924, năm bà mới mười tám và ông thày đã ba mươi lăm và chấm dứt năm 1930. Phải đợi đến 1995 khi cuốn sách viết về Hannah Arendt và Martin Heidegger của Elzbieta Ettinger gây nhiều tranh cãi, nhất là với những đệ tử trung kiên của Heidegger và phải đợi tới khi thư từ giữa Arendt và Heidegger trong suốt năm mươi năm (1925-1975/Briefe 1925 bis 1975) được công bố, sự thật mới rõ ràng.


Thư từ giữa Arendt và người thày Jaspers có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng trong suốt 1926-1969 đã được xuất bản từ 1985. Đối với Arendt, sống có nghĩa là yêu Heidegger cho đến chết, như trong thư bà vỉết: “Em sẽ đánh mất quyền sống nếu em đánh mất tình yêu cho anh.” Đổi lại trong thư Heidegger viết cho Arendt: “Lần này mọi ngôn từ bỏ anh. Anh chỉ có thể khóc, khóc mãi..Cuộc đời hiến dâng cho kính ngưỡng/Ehrfurcht và ban lại vĩ đại…Amo có nghĩa là volo, ut sis, Augustin có lần nói như thế: Anh yêu em – anh muốn em như thể em đang là vậy.” Amo: volo ut sis đã đeo đuổi suốt cuộc đời Arendt, trong thư gửi bạn, trong luận án và ngay cả trong tác phẩm cuối đời. [X. ĐPQ, Hai người đàn bà trong Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ, 2002].


Aùi kỷ/amour de soi: Khái niệm do Jean-Jacques Rousseau đưa ra đối nghịch với tự ái/amour-propre. Như một trẻ thơ khi lớn lên, từ bỏ thế giới tự nhiên, thế giới cảm quan để bước vào thế giới xã hội, đạo đức với nỗ lực chiến đấu bắt đầu nhận thức những khác biệt giữa mọi sự vật, khác với mọi loài thú, coi mình là vật siêu đẳng, từ đó nẩy sinh ra thói xấu đầu tiên: kiêu hãnh. Ông viết nếu thiên nhiên “có ý muốn chúng ta lành mạnh, thì tôi có thể nói là trạng thái phản tỉnh là trái tự nhiên, và con người biết trầm tư là một vật suy thoái” – khởi đầu sự chia cách giữa ta và tha nhân. Tính ích kỷ làm cho ái kỷ ngây thơ biến thể, chuyển hoá từ ái kỷ (yêu mình) ra tự ái (kiêu ngạo). Sự đối nghịch giữa ái kỷ và tự ái theo Rousseau đã được Vauvenargues ghi nhận, song khá quan trọng trong lý luận phê phán xã hội của ông. Aùi kỷ luôn luôn tốt, trong trạng thái thuần khiết, tự nhiên biểu hiện bản chất thật của con người hiện hữu.

Advaita: bất nhị là tiếng saskrit để chỉ trạng thái chỉ có nơi Thượng đế hay Tuyệt đối.Lý trí không thể truy cập vì tinh thần trói buộc trong cái ngã ở tình trạng tỉnh thức không thể vượt ra tính nhị nguyên của quan hệ chủ thể/khách thể. Khái niệm này ngày nay có ý nghĩa trong khoa vật lý nguyên tử.
Advaita-Vedànta: trường phái bất nhị là một trong ba ngành chính của triết học Vedànta với những người thày như Gaudapàda, Shankara, Padmapàda, Sureshvara và Vidyàranya. Trường phái bất nhị này quan niệm sáng tạo hiển lộ, linh hồn và Thượng đế đều đồng nhất. Giống như những nhà khoa học vật lý phân tử khám phá ra vật chất bao gồm những trường năng lực chuyển động liên tục, những nhà hiền triết phái bất nhị nhận thức thực tại gồm năng lực trong hình thái ý thức và con người tri giác đại vũ nhờ vào những phương tiện của đại giác là nhờ sự đồng nhất với thân thể giới hạn trong cái ngã. Cái thực và bất biến chập lên nhau trong tinh thần từ quan niệm về một vũ trụ biểu hiện biến đổi không ngừng của danh tính và hình thể. Shankara đưa ra một thí dụ rất quen thuộc là sợi dây trong bóng tối được ngỡ là con rắn. Lo âu, ác cảm, tim đập mạnh là do con rắn xui khiến mà ra, nó bất sinh bất diệt mà chỉ hiện diện trong tinh thần con người. Một khi đã nhận ra là sợi dây dưới ánh sáng thì không bao giờ trở lại tình trạng rắn nữa.

Ab ovo: từ nguyên thuỷ, từ trong trứng nước là cụm từ la tinh do Horace đặt ra.
Ad hoc: chính là cho điều đó là cụm từ la tinh để xác định về một mục đích, một đối tượng.
Ad oculos demonstrieren: được khai thị rõ là cụm từ la tinh.
  

No comments: