Saturday, September 8, 2012

LS. TẠ VĂN TÀI * NGUYỄN TIẾN HƯNG

Luật Sư Tạ Văn Tài Giới Thiệu
KHI ĐỒNG MINH THÁO CHẠY Của GS Nguyễn Tiến Hưng

TÁC PHẨM
Năm 1986, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Giáo sư thực thụ tại Viện Đại Đại học Howard University) cùng với Ông Jerrold L.Schecter (nguyên Phụ Tá Giám Đốc Báo Chí Toà Bạch Ốc, và Phát Ngôn Viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia) viết và xuất bản cuốn The Palace File ( Harper & Row Publishers), sau đó được dịch ra tiếng Việt (Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập - HSMDĐL). Dư luận chính giới và báo chí quốc tế hồi đó chú trọng đến và khen ngợi giá trị cuốn sách. Tổng Trưởng Ngoại Giao George Schultz (thời Tổng Thống Ronald Reagan) và tờ báo uy tín New York Times đưa cuốn này vào danh sách các tài liệu mà chính giới và ứng cử viên Tổng Thống Mỹ cần phải đọc. Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II khi nhận được sách đã gửi tới tác giả những lời cám ơn và nguyện chúc tốt đẹp.
Hiện nay cuốn sách trên không tái bản, độc giả khó tìm được, nhưng Giáo Sư Hưng đã viết cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy (KĐMTC). Tác phẩm KĐMTC căn cứ một phần vào các dữ kiện của HSMDĐL, nhưng đã đi xa hơn rất nhiều:
"Trong khi HSMDĐL hướng trọng tâm vào những bí ẩn xoay quanh Hoà Đàm Paris, thì cuốn KĐMTC đào sâu hơn các bằng chứng cụ thể phơi bầy sự tráo trở đổi ngược chính sách khi đại cường đồng minh Mỹ bắt tay được với Trung Quốc, tới những biến chuyển trong thời gian sau Hiệp Định, dẫn đến sự suy sụp kinh tế, quân sự và chính trị của tiểu quốc Việt Nam Cộng Hoà;
" Trong khi HSMDĐL được viết cho độc giả quốc tế, nhất là những người trong chính quyền, báo giới Mỹ, và các nhà nghiên cứu lịch sử, thì cuốn KĐMTC nhắm vào đại chúng, nhứt là người Việt Nam. Với lối hành văn trong sáng, vắn gọn, Giáo sư Hưng viết lại lịch sử nhưng theo lối kể chuyện, kiểu như cuốn của David McCullough về Tổng Thống John Adams (đã thành một cuốn sàch bán chạy best-seller), để nghiền ngẫm về một giai đoạn lịch sử rất đau thương của những người sinh trưởng ở Miền Nam Việt Nam;
"Hơn cuốn trước, cuốn KĐMTC còn thuật lại thật chính xác tấm thảm kịch vào giờ VNCH hấp hối, tiết lộ những bí mật động trời chưa được phơi bầy: thí dụ như việc Sàigòn đã tới sát bên bờ vực thẳm, nhưng đã tránh được thảm hoạ như một phép lạ; rồi lời nguyền rủa tàn nhẫn của ông Ngoại Trưởng kiêm Cố Vấn Henry Kissinger đối với nhân dân Miền Nam: "Sao chúng không chết phứt đi cho rồi?".
Cuốn KĐMTC còn nói đến những cố gắng cuối cùng của Giáo sư Hưng vận động để thôi thúc việc Mỹ chấp nhận tị nạn. Theo lệnh TT Thiệu ngày 14/4/1975, Tổng Trưởng Hưng đi Washington để cùng với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc và Đại sứ Trần Kim Phượng cầu viện lần chót. Tình hình chiến trường biến chuyển mau lẹ, nên khi ông tới nơi thì đã quá muộn. Ông kịp thời đổi ngay sứ mạng: qua những liên hệ riêng tư trong gần hai mươi năm sống trong xã hội Hoa Kỳ, ông vận động Quốc Hội Mỹ, và tới ngày cuối cùng, ông đem ra bằng chứng không thể chối cãi về sự phản bội, khiếu nại tới lương tâm của nhân dân Mỹ, từ báo chí, Quốc Hội, đến Hành Pháp để họ chấp nhận cứu vớt các người di tản từ Việt Nam đang đổ ra Biển Đông như hoa trôi bèo giạt. Sau đó ông còn đóng góp vào việc chọn các địa điểm trại tạm cư cũng như việc định cư đoàn người tị nạn. Họ là những người đã trải qua một cuộc hành trình đoạn trường, gian lao, trong một cuộc chiến ác liệt, một hoà bình bấp bênh, và trải qua bao nhiêu hiểm nghèo vào giờ chót.
Những người Việt vượt biên, vượt biển sau năm 1975, ở những đợt di tản tiếp nối, cũng có sẽ thấy diện mạo cuả mình trong cuốn sách này. Tất cả đều sẽ có tài liệu để cắt nghiã cho con cháu mình, và cho chính mình, về lý do và nguồn gốc của việc mình bỏ nước ra đi.
Cuốn KĐMTC cho ta một số bài học về một cuộc chiến uỷ nhiệm (war by proxy) mà hai phần của một tiểu quốc đã đổ xương máu chém giết nhau trong một cuộc nội chiến biến thành một cuộc chiến tranh quốc tế giữa hai khối do các cường quốc theo hai ý thức hệ đối lập tranh hùng. Qua sự trình bày, Giáo sư Hưng đã giúp độc giả đúc kết được một số bài học quý giá.
Ôn lại những biến cố nói đến trong cuốn sách, ta có thể đồng ý với một chính khách người Anh đã nói về chính trị: "Không có bạn trường cửu, mà chỉ có quyền lợi trường cửu" (no permanent friends, only permanent interests). Cho nên trong cuộc nội chiến Quốc Cộng tương tàn, khi cả hai Miền của tiểu quốc Việt Nam đều được phong làm tiền đồn, Tiền đồn Thế Giới Tự Do và Tiền Đồn Xã Hội Chủ Nghĩa, một khi mà cường quốc Mỹ đã bắt tay được với Trung Quốc thì không cần đến tiền đồn ở Châu Á nữa. Từ đó, vấn đề bỏ rơi Miền Nam không còn phải là 'có nên hay không nên,' mà chỉ còn là 'bỏ lúc nào.' Bởi vậy, sau cùng, cả Lập Pháp lẫn Hành Pháp Mỹ chỉ còn bàn đến chuyện chạy đi cho nhanh.
Sự bất trung trên trường quốc tế của Mỹ đã có hại cho chính nứơc Mỹ. Tuy sau Đông Dương, không có hiện tượng các nước khác tại Đông Nam Á sụp đổ như thuyết domino tiên đoán, nhưng đó chỉ là không có sụp đổ theo "giây chuyền điạ dư" (geographical domino), nhưng đã có các cuộc tấn công có vẻ coi thường nước Mỹ tại Angola, Iran, Iraq, Afghanistan, và đó là "giây chuyền tâm lý" (psychological domino).
Về phía VNCH, lẽ ra TT Thiệu cũng đã nên uyển chuyển, nhận thức được sự biến chuyển về chính trị, ngoại giao của đồng minh Hoa kỳ, vì vậy, phải điều chỉnh lại chính sách cứng rắn "Bốn Không," tìm giải pháp hoà bình thương nghị. Ngoài ra, để có thế nhân dân, ông còn phải làm việc với Quốc Hội VNCH trên căn bản những gì đã trao đổi với Hoa Kỳ, để đại diện nhân dân Miền Nam có thể vận động với Quốc Hội Mỹ, theo lối giao hảo giữa hai dân tộc (people-to-people diplomacy).
Không làm những việc trên kịp thời, Miền Nam Việt Nam trở thành nạn nhân của những hành vi đen tối, xảo quyệt, làm ngoại giao theo lối 'anh hùng cá nhân' của Ngoại Trưởng kiêm Cố Vấn Tổng Thống, ông Henry Kissinger, người đã thán phục và áp dụng mô hình của Metternich và Talleyrand vào đầu thế kỷ 19. Mấy chính khách này đã dùng thủ đoạn, chuyên chế, sắp xếp lại bàn cờ bang giao giữa các quốc gia Âu châu, và làm mọi việc trong bóng tối.
TÁC GIẢ
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng là một nhân chứng lịch sử cho những chuyện 'thâm cung bí sử' trong bang giao Việt Mỹ ở cấp cao nhất. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ Graham Martin đã qua đời mà không để lại hồi ký, thành ra chỉ còn Giáo sư Hưng là người đã nói chuyện nhiều với cả hai người quá cố, mới ở trong vị thế trình bày được các ý nghĩ của hai người ấy về các biến cố ở Miền Nam Việt Nam cho đến khi Mỹ tháo chạy.
Tuy ông viết sách với tư cách một học giả nhân chứng chú trọng đến những điều mắt thấy tai nghe, ông cũng là một nhà hành động yêu nước và thương dân tộc. Ông sinh ra tại Thanh Hoá trong một gia đình Thiên Chúa Giáo thấm nhuần tinh thần bác ái. Trong thời niên thiếu, ông lại trông thấy cảnh dân nghèo chết trong nạn đói năm 1945, mà gia đình khá giả của ông đã ra tay cứu giúp, được nhân dân trong tỉnh quý mến, giúp ông cụ thân sinh thoát được thảm cảnh cải cách điền địa. Nguyễn Tiến Hưng bắt đầu tiếp xúc với nhân dân Hoa Kỳ từ năm 1957 và theo học tại Đại Học Virginia từ 1958. Ông theo ngành kinh tế, một môn học mệnh danh là khoa học ưu sầu (dismal science) vì chỉ bàn về đề tài làm sao phát triển tài nguyên thiếu thốn để phục vụ con người. Có lẽ vì lúc trẻ như vậy mà những hoạt động của ông có mầu sắc bác ái theo Kitô Giáo hay tinh thần từ bi cứu khổ của Phật Giáo. Chúng tôi được gặp ông vào dịp hè 1960. Vừa tới Đại Học Virginia để theo Khoa Chính trị học đã được ông thăm hỏi, giúp làm quen với đời sống tại Hoa Kỳ. Mua được chiếc xe Studebaker cũ kỹ, ông lái chúng tôi đi tìm thuê nhà, dù xe trục trặc liên tục trên đường phố. Khi còn ở Virginia, chúng tôi đã chứng kiến cảnh sinh viên ban tiến sĩ ấy hoạt động trong Hội Sinh Viên Quốc Tế (International Student Club) được các bạn gọi là "ông Hưng xóc áo can thiệp" vì ông luôn mặc quần áo chỉnh tề để đi "can thiệp" giúp các sinh viên trẻ hơn mỗi khi họ gặp khó khăn và gọi cho ông.
Giáo sư Hưng giúp Tổng Thống Thiệu trong cương vị Phụ Tá về Tái Thiết, rồi Tổng Trưởng Kế Hoạch và Phát Triển, theo đuổi mục đích xây dựng lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Ý thức được việc hiệp thương với Miền Bắc Việt Nam có thể mang lại một giải pháp cho chiến tranh, ông đã khuyến cáo Tổng Thống Thiệu, trong lúc lo lắng Mỹ bỏ rơi, là đừng nói tới "Bốn Không" nữa, và nên tái lập giao thương với Bắc Việt, giống như mô hình hợp tác thương mại giữa Đông Đức và Tây Đức lúc ấy.Tuy là hai miền riêng biệt với hai chính thể đối nghịch, nhưng cùng ở trong một thị trường, nối lại đường hỏa xa Nam Bắc để bước dần tới nối lại đất nước trong hoà bình. Ông Thiệu đã nghe và nói tới đề nghị này trong bài diễn văn tuyển cử ngày 1/10/1971. Giáo sư Hưng còn trình bày chi tiết và cố vấn TT Thiệu đề nghị với Bắc Việt cùng nhau phát triển sông Cửu Long, một dự án đã được chính Tổng Thống Johnson đồng ý tài trợ một tỷ đôla (ngày 7 tháng 4, 1965), giúp mang lại "cơm ăn, nước uống, và cung ứng nguồn điện lực còn lớn hơn cả công trình TVA (Tennessee Valey Authority) của Mỹ." Nghe câu tuyên bố ấy lúc vừa xong bằng tiến sĩ, ông bắt đầu mơ ước được đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của quê hương mình.
Sau này, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới đã yêu cầu ông cộng tác giúp công cuộc chuyển đổi kinh tế và xóa đói giảm nghèo, kể cả ở Việt Nam sau đổi mới và hội nhập quốc tế, thí dụ phát triển dự án "Bank on Wheels" (Ngân Hàng Lưu Động), mang dịch vụ ngân hàng đến cho nông dân nghèo, đặc biệt là nhữõng người vào thành phần nghèo nhất, trên Cao Nguyên Miền Nam cũng như vùng Thượng Du Miền Bắc.
Cuốn KĐMTC là một phương cách để con người Nguyễn Tiến Hưng vinh danh đồng bào Việt Nam di tản của ông, họ đã kinh qua những con đường rất là đoạn trường, cùng khổ, để có ngày nay và tương lai sáng lạn hơn. Tháng Tư, 2005
Luật sư Tạ Văn Tài
Tiến sĩ Chính Trị Học, Đại Học Virginia
Thạc Sĩ Luật Học, Đại Học Harvard
Nguyên Giáo sư các trường Đại Học Luật Khoa, Vạn Hạnh, Quốc Gia Hành Chánh, Chiến Tranh Chính Trị, và Cao Đẳng Quốc Phòng, Việt Nam; nguyên Giảng sư, Đại Học Luật Khoa Harvard

No comments: