Saturday, September 1, 2012

HOÀNG HẢI THỦY * TRỞ LẠI SÔNG ĐÀO

Lời Mở Ðầu của LÁ BỐI
Những giai đoạn khó khăn của đất nước dù có kéo dài cách mấy cũng không làm tiêu hao được niềm tin của chúng ta nơi khả năng của dân tộc, của cả một dân tộc. Ðành rằng chiến tranh, tình trạng áp bức và nghèo khổ có làm băng hoại đi nhiều giá trị tinh thần nhưng không phải vì vậy mà những viên kim cương bất hoại không tiếp tục được phát hiện giữa lòng dân tộc. Ngày mai khi đất nước lại đi vào một giai đoạn sáng sủa mới, ta lại thấy được khả năng và tiềm lực của truyền thống giống nòi. Sống xa quê hương, ta không thấy và không cảm được một cách trực tiếp và thường xuyên những nỗi đau, niềm thương của người trong nước, vì vậy ta cần phải thỉnh thoảng trở về tắm lại trong dòng sông dân tộc để tự hào lấy mình, để tự mình đừng đánh mất mình và như thế cũng là để có thể đóng góp được phần mình vào sức sống đi lên của dân tộc. Văn nghệ sĩ trong nước chính là những người có thể giúp ta rung cảm cái rung cảm của dân tộc, bởi họ chính là một trong những thành phần dễ bị rung cảm nhất bởi cái rung cảm chung. Đọc họ, nghe họ, ta có cảm tưởng được chia xẻ những nỗi đau, niềm thương của dân tộc, và như thế ta cũng có cảm tưởng được đất nước đưa hai cánh tay cứu chuộc ta về.
Muốn tắm mát thì lên ngọn con sông Ðào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh.
Nước mát ngọn con sông Ðào và trái sim chín ở rừng xanh bao giờ cũng còn đó đợi ta. Ta có tắm mát và có ăn sim chín thì ta mới có thể còn là người Việt Nam, dám nói, dám làm cho đất nước, cho dân tộc. Một nhà văn quốc nội có mặt trong tập này đã đặt niềm tin nơi giuới trí thức Việt Nam ở quốc ngoại. Ông nói: “Chấm xám thất thoát ra ngoài, nhưng chất xám đó còn là chất xám Việt Nam.” Nhà văn ấy có hy vọng quá đáng không? Sao lại phải đợi đến ngày mai? Sao nhiều người từ lâu vẫn ngậm tăm, không hề lên tiếng về những khổ đau hiện tại của dân tộc và không hề dám đề cập đến những sai lầm của giới lãnh đạo đất nước hiện tại?
Phải chăng đó chỉ vì một vài cái bã quyền lợi thực tế nho nhỏ, một vài cái chức vị nho nhỏ? Hoặc giả vì nước mát ngọn sông Ðào và trái sim chín trong rừng xanh đã nghiễm nhiên trở thành đồ quốc cấm?
Những tác phẩm Lá Bối trình bày trong tập này đều phát xuất từ quốc nội, trong đó nhiều bài đã được đem ra từ chốn lao tù. Bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra sự kiện này. Một điều nữa mà ta nhận thấy khi đọc là các tác giả đã chứng tỏ một sức kiên nhẫn và chịu đựng lớn lao; nhiều người đã biết nhìn bằng con mắt từ bi hơn là nhìn bằng con mắt căm thù. Chính ưu điểm là ở chỗ đó. Sức mạnh của một dân tộc không nằm ở sự giận dữ hung hăng bên ngoài mà ở mà nằm ở khả năng bền bỉ chịu đựng và ý chí thắng vượt hoàn cảnh.
Mong rằng những giọt nước, những dòng lệ và những tiếng cười của họ có thể giúp chúng ta vượt thoát trạng thái vô tâm thụ động và quên lãng, đồng thời giúp ta phương tiện cứu chuộc lấy chính chúng ta.
Di ảnh Nhà Văn Dương Hùng Cường, người chết năm 1986 trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu.
Quí bạn vừa đọc Lời Mở Ðầu của Nhà Xuất Bản Lá Bối đăng nơi trang nhất Tuyển Tập “Tắm Mát Ngọn Sông Ðào.” Tuyển Tập gồm những bài viết từ trong nước gửi ra – từ Sài Gòn – do Nhà Lá Bối xuất bản ở Paris năm 1981. Tuyển Tập 180 trang, có những bài viết của “Trần Kha – Con Trai Bà Cả Ðọi – Hồ Khanh – Linh Thoại – Yên Ba – Hồng Ngọc – Thích Cao Ðăng.”
Hôm nay – Ngày 24 Tháng Năm, 2011 – 30 năm sau ngày “Tắm Mát Sông Ðào” ra đời ở Paris, tôi – một người có bài trong Tập – sống những ngày cuối đời ở Xứ Hoa Kỳ, mở tập “Tắm Mát Sông Ðào” xem lại những bài viết xưa, nhớ lại những cảm nghĩ xưa khi viết, nhớ lại cảm xúc bồi hồi khi được cầm trên tay bản ”Tắm Mát Ngọn Sông Ðào” do anh bạn Trần Tam Tiệp từ Paris gửi về Sài Gòn. Nhớ lại và viết ra những cảm nghĩ hôm nay của tôi về tác phẩm đã ra đời 30 năm trước.

Bút danh và Tên Thật:

Tất nhiên tất cả những bài trong “Tắm Mát Sông Ðào” đều ký bút danh – gọi là “bí danh” hay “tên rởm” đúng hơn – nhưng người đọc quen với tác giả có thể đoán biết tên thật của tác giả qua văn phong, văn từ. Tôi kể tên thật của những tác giả “Tắm Mát..” với sự không dzè dzặt thường lệ; tôi chẳng bao giờ théc méc tác giả đó tên thật là gì, khi có thể hỏi được các ông, tôi đã không hỏi.
Trần Kha tên thật là Thanh Tâm Tuyền. Năm 1981 khi Tắm Mát Sông Ðào được xuất bản ở Paris, ông Thanh Tâm Tuyền đang bị tù Ngụy Quân ở đất Bắc Xã Hội Chủ Nghiã. Nghe nói khi ở tù về Nhà Thơ cho biết năm ấy có người bạn sĩ quan của ông, đi tù về Sài Gòn năm 1980, gửi mấy bài Thơ Tù của ông ra nước ngoài, không phải ông gửi đi mấy bài Thơ ấy.
Con Trai Bà Cả Ðọi : Hoàng Hải Thủy.
Hồ Khanh : Doãn Quốc Sĩ. Có bài Hồ Khanh đổi là Hành Khô.
Linh Thoại : Không biết là ai.
Yên Ba : Hoàng Hải Thủy.
Hồng Ngọc: Không biết có phải là Nguyễn Ðình Toàn?
Thích Cao Ðăng : Thích Quảng Ðộ.
Tắm Mát Ngọn Sông Ðào” được anh bạn Trần Tam Tiệp ở Paris gửi về Sài Gòn cho chúng tôi. Anh bạn Dương Hùng Cường giữ sách. Tháng Năm 1984 bọn Công An P 25 đến nhà bắt Dương Hùng Cường, vớ được Tuyển Tập này. Hai anh Dương Hùng Cường, Trần Tam Tiệp đã qua đời. Dương Hùng Cường chết trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, năm 1986.
Bọn Công An P 25 rất thù Trần Tam Tiệp. Năm 1984, 1985 khi bọn chúng tôi bị thẩm vấn ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, có một công an Trưởng Toán. Anh này đi qua các phòng thẩm vấn, ngồi lại mỗi phòng một lúc theo dõi việc khai báo. Tôi không biết tên anh ta. Khi trao đổi với tôi vài câu, mấy lần anh hằn học nói:
“Thằng Tiệp..! Thằng Tiệp..!”
Anh kết tội TT Tiệp “súi” anh em chúng tôi viết bài bôi xấu cái gọi là “chính quyền cách mạng.”
Những năm 1982, 1983 Trần Tam Tiệp ở Paris – hình như – anh xin được Hội PEN – Văn Bút Quốc Tế – một khoản tiền để cứu dói một số văn nghệ sĩ ở quê nhà – nghe nói Hội PEN Intern. không có quỹ cứu trợ, các vị hội viên PEN dự đại hội thường niên đã góp tiền cứu trợ Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn – hay TT Tiệp quyên được tiền từ những ông bà người Việt có lòng thương xót đám văn nghệ sĩ Sài Gòn kẹt giỏ, thường cứ ba tháng TT Tiệp gửi về cho anh em chúng tôi mỗi người một hộp thuốc Tây. Tôi không biết có bao nhiêu văn nghệ sĩ Sài Gòn năm ấy được TT Tiệp gửi thuốc Tây, tôi biết trong số có Nhã Ca, Dương Hùng Cường và tôi. Trong một thư gửi cho vợ chồng tôi, Tiệp viết:
“Alice thì phải sống ở Ville de Paris, sao lại ở Thành phố Hồ Chí Minh?»
Viết cho rõ: Hai mươi năm cơ cực ở Sài Gòn, không một lần tôi được các ông gọi là “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại ” ở Hoa Kỳ gửi cho một đô-la nào. Tôi chắc các vị văn nghệ sĩ kẹt ở Sài Gòn cũng chẳng ông nào được ơn mưa móc của “Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại” ở Hoa Kỳ. Năm 1995 tôi sang được Hoa Kỳ, gặp ông bạn kể có lần ông ghé nhà ông văn nghệ sĩ nọ, thấy trong nhà có một số thuốc Mỹ để trong mấy cái hộp carton, ông văn nghệ sĩ nói: “Ðây là thuốc gửi về nước cho các bạn văn nghệ.” Ông bạn kể tiếp: “Nghe nói đồ gửi cho các ông, tôi góp một khoản tiền vào tiền cước.”
Khi nghe ông bạn kể chuyện đó, tôi nghĩ: “Anh em ông ấy giao du với các ông Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Phùng Cung ở Hà Nội. Các ông ấy gửi quà cho các ông văn nghệ Hà Nội, các ông ấy đâu thèm chơi với bọn gà què kẹt giỏ Sài Gòn bại trận chúng tôi.” Tôi nghĩ vậy nhưng tôi không nói gì cả.
o O o
Năm 1982, khi đọc Lời Mở Ðầu của Nhà Lá Bối, thấy câu: “..những viên kim cương bất hoại..,” tôi lỉm rỉm nghĩ:
Thượng Toạ Thích Quảng Ðộ. Những năm 1977, 1978, Thượng Toạ là người tù nằm xà-lim trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu.
“..Mình được gọi là kim cương bất hoại..! Hách quá ta. Nhưng mình mà kim cương bất hoại cái gì? Mình mềm như đậu hũ..” Năm nay, 2011, ở xứ người, trở lại những trang “Tắm Mát Sông Ðào,” tôi thấy và tôi viết:
Tuy không phải là “kim cương bất hoại,” những tác giả Tắm Mát Sông Ðào là những người can đảm: họ dám viết gửi ra nước ngoài những bài diễn tả những nỗi sầu buồn của họ, những bài kể về cuộc sống ảm đạm, tuyệt vọng của họ và của đồng bào ho ngay từ năm 1980. Người dân chỉ than thở thôi trong những năm 1980-1985, bọn VC đã cho đó là những tội phản động nặng. Những kẻ viết than thở và gửi những bài than thở ra nước ngoài đã bị bắt giam, bị kết tội gián điệp, bị tù năm, bẩy năm. Bọn Công An VC – như bọn Công An Nga Cộng, bọn Công An Tàu Cộng – thù nhất những người sống trong kìm kẹp của chúng mà viết những bài kể tội chúng gửi ra nước ngoài.
Tất cả những bài trong Tắm Mát Sông Ðào đều là những bài than thở, thương nhớ, tả cảnh Chợ Trời, mua đồ cũ, cảnh người đi tù về, vài bài Thơ viết về đời tù, trong Thơ Thích Cao Ðăng có vài bài chửi bọn VC ngu dzốt. Chỉ phất phơ vậy thôi. Nhưng hãy nhớ thời gian những năm đó là những năm 1980.., những năm u tối nhất của người dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà. Những năm ấy bọn Bắc Cộng xâm lăng coi Quốc Gia VNCH như một nước ngoại quốc bị chúng chiếm, coi những người dân VNCH như người dân một nước bị chúng cai trị, những người sống không có chút nhân phẩm, quyền hạn.
Không nhớ đúng vào năm nào, có thể là năm 1976 trước khi tôi bị bắt tù lần thứ nhất, có thể là năm 1981 hay năm 1982, những năm trước năm tôi bị bắt tù lần thứ hai, một tối ông bạn tôi chở tôi trên chiếc xe Brisgedstone của ông chạy trên đường Trần Quốc Toản, ông bạn tôi giữ được cái xe gắn máy Nhật này có lẽ vì nó quá nát, bán không được bao nhiêu tiền. Ông đi xe đạp nhưng lâu lâu có khoản tiền còm, ông đổ lít xăng vỉa hè, đến chở tôi đi ăn uống mạt rệp rượu đế, lạc rang, hột vịt lộn ở những tiệm nghèo vỉa hè chỉ sau 5 giờ chiều mới dọn ra. Lúc ấy khoảng 9 giờ tối, xe chạy trên đường Trần Quốc Toản, qua Trường Quốc Gia Hành Chính, Viện Hóa Ðạo, qua tiệm Sống Trên Ðời. Khu này tối om, thành phố “quang vinh mang tên Bác, thành phố rực rỡ tên vàng” cúp điện. ông bạn tôi bỗng nói:
Thằng nào giỏi chửi cộng sản ở ngay đây này. Sang Pháp, sang Mỹ, thằng nào chửi cộng sản chẳng được.”
Ngồi sau ông tôi nghe lời ông mà tê tái cả người. Ông nói đúng. Thằng nào giỏi chửi cộng sản ngay ở Sài Gòn này, sang Paris, ở Cali, thằng nào chửi cộng mà không được? Ở Paris, ở Washington DC anh người Việt lưu vong nào cũng có thể chửi cộng sản được. Nhưng làm sao ở Sài Gòn những năm 1980 người ta có thể chửi cộng sản? Chưa chửi nó, nó đã cho đi tù năm, bẩy niên, ở đó mà chửi nó.
Năm 1995 ở Hoa Kỳ, tôi tìm được trên một tờ báo Việt lời ông Nhà Văn Solhjhenitsyn, tác giả Tầng Ðầu Ðịa Ngục:
“Khi nghe thằng cộng sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo, nếu ta không có can đảm đứng lên nói nó nói láo, ta phải có can đảm đi ra khỏi chỗ nó nói láo, nếu ta không có can đảm đi ra, ta phải ở lại nghe nó nói láo, ta sẽ không nói lại với người khác những lới nó nói láo.”
Khi đọc được câu nói đó, tôi thấy Ông Nhà Văn hay quá, ông thật tuyệt, ông là người kể trong tiểu thuyết Tầng Ðầu Ðịa Ngục:
“Ở nước Nga người ta cho rằng người dân Nga nào cũng phải đi tù một lần trong đời. Vì vậy ở trong tù, các tù nhân thường tranh luận về vấn đề đi tù lúc trẻ hay đi tù lúc già người tù đỡ khổ hơn.”
Nhưng sau phút xúc động và thán phục ông Nhà Văn Nga, tôi nghĩ:
“Làm sao sống trong kìm kẹp của bọn cộng sản tôi có thể khi nghe một thằng cộng sản nói láo, đứng lên nói nó nói láo? Tôi chưa đứng lên, nó đã còng tay tôi nó đưa tôi đi tù mút chỉ. Còn ở những nơi khi thằng cộng sản nói láo, tôi có thể đứng lên nói nó nói láo, không chỉ nó, bố nó, ông nội nó, Bác Hồ của nó, đến ông Sít của nó cũng không nói láo được. Ở những chỗ tôi có thể kê tủ đứng vào mồm thằng cộng, ở những chỗ tôi có thể chửi nó: “Mày nói láo..!” không cần phải ông chỉ dậy, cũng không đến lượt tôi, các bà Việt Nam nạn nhân cộng sản đã xông tới đè thằng cộng đó xuống, các bà nhét những cái gì vào mồm nó. Sức mấy đến lượt tôi đứng lên nói nó nói láo!”
Những năm 1980 năm bẩy văn nghệ sĩ Sài Gòn đã viết và gửi những bài diễn tả cuộc sống khổ cực của nhân dân trong gông cùm Bắc Cộng ra nước ngoài. Cũng những năm ấy bọn văn nghệ sĩ Hà Nội nín khe. Trong những năm từ 1945 đến năm 1989 khi Tượng Lenin, tượng Sít bị dân Nga kéo đổ, cho ra nằm ở vệ đường, miệng cống, toàn thể bọn văn nghệ sĩ Bắc Cộng chỉ biết ca tụng Ðảng, Bác, không một tên nào dám viết tí gì về đời sống khổ cực của nhân dân. Báo chí Pháp trong chiến tranh Việt Nam vì kỵ Mỹ nên có cảm tình với bọn Hà Nội, những năm 1990 gọi bọn báo chí Bắc Cộng là “la presse vietnamiene muselée: nền báo chí bị rọ mõm.”
Bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn bắt đi tù ngay Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Không ai biết TT. Thiện Minh bị giam ở đâu, chết ngày nào, vì sao mà chết. Bọn Bắc Cộng bắt giam Linh Mục Nguyễn Văn Vàng. Linh Mục chết trong tù. Rồi chúng bắt giam các Thượng Toạ Quảng Ðộ, Huyền Quang.
Tôi trích vài bài Thơ trong “Tắm Mát ngọn Sông Ðào”:
Bài Hát Tự Do. Thơ Trần Kha Thanh Tâm Tuyền.
Sáng nay mệt chết giấc trên đồi
Vẳng quanh tiếng cuốc bổ liên hồi.
Ðào huyệt chôn tù? Ơi chúng bạn
Cứ để yên người tù xác phơi.
Nhìn xem gương mặt hắn thanh thản
Lộng nắng như say chợp ngủ vùi.
Người mong giam hãm để bêu riếu
Hắn dầm thân chấp nhận cuộc chơi.
Bởi Tình chung thủy đã kết buộc
Hắn tự chôn theo gió đáy trời.
Năm năm trước ngày Thơ Tù Nguyễn Chí Thiện đến Virginia, Thơ Tù Trần Kha, Thơ Tù Thích Cao Ðăng đã tới Paris – 30 năm sau đó Thằng Hèn Hà Nội mới đến Bolsa.
Thơ Trần Kha “Gửi P.L,P, ở Lán 15”:
Nhớ bạn như đang nhớ thuốc Lào
Ðường gần nhưng cách trở biết bao.
Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?
Râu tóc long đong hẳn bạc phau.
“Ðằng ấy” còn chăng nét tiếu ngạo”
“Tớ đây” vẫn giữ vẻ tiêu dao.
Mong ngày xum họp nằm chung chiếu
Tán gẫu qua đêm như độ nào.
Bài thơ làm Tháng 9 năm 1979. Người được tặng Thơ P.L.P. là ông Phan Lạc Phúc. Ông Trần Kha Thanh Tâm Tuyền đã qua đời ở Hoa Kỳ, ông Phan Lạc Phúc hiện sống ở Sydney, Úc Quốc.
Thơ Thích Cao Ðăng Thích Quảng Ðộ.
Ðêm Phật Ðản
Ánh trăng rằm huyền ảo
Khắp không gian như toả ngát mùi hương.
Tinh tú ba ngàn tu lại một phương
Ðể chào đón Ðấng Siêu Nhiên xuất thế.
Nơi ngục thất
Tôi nhìn vào hiện thế
Khắp quanh tôi tràn ngập bóng vô minh
Từ xa xưa
Vì nghiệp lực chúng sinh
Ðã tạo dựng nhân gian thành địa ngục
Tôi cười vang trong đêm trường u tịch
Bốn bức xà-lim như sụp đổ dưới chân tôi.
Ôi.. đau thương
Ðây thế giới sa-bà
Cực lạc, Niết bàn
Cũng là đây hiện thực.
Ánh đạo rọi giữa lòng tôi sáng rực
Bao ưu phiền trút sạch tựa mây tan.
Khi gông cùm xiềng xích cảnh trần gian
Trong khoảnh khắc cháy tan thành tro bụi.
Tôi vận dụng sức “Hiện tiền tam muội.”
Ngồi an nhiên như sen ở giữa than hồng.
Thời gian trôi lặng lẽ
Ðã hừng đông.
Tôi bừng tỉnh thấy bình minh ló rạng.
Thế giới ngày mai mùa xuân tươi sáng
Ðạo Từ Bi nhuộm thấm khắp năm châu.
Phật Lịch 2519.
Tôi sẽ vài lần nữa “Trở Lại Sông Ðào” .

No comments: