Saturday, September 8, 2012

JACKIE BONG * NẠN BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM

NẠN BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM
Bà Jackie Bông

Toàn cầu hóa nạn buôn người
Bộ Ngoại Giao gọi nạn buôn người là tệ trạng nô lệ hóa kim thời, gồm có nhiều nạn nhân bị bắt buộc, bị lừa gạt hay bị ép lao động hoặc bị khai thác tình dục.
Trung tâm quốc gia các tòa án Tiểu Bang báo cáo trong năm 2005 đã có tới 900,000 người bị mua và bán mỗi năm xuyên qua các biên giới quốc tế, và có cả triệu người đã bị buôn ngay trong nước của họ. Sở Tin Tức Thái Bình Dương trong tháng 7, 2005 đã viết: “ Thể theo các nguồn tin từ Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc và Bộ Tư Pháp Việt Nam, cũng như các nhóm khác, đã có khoảng 400,000 phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn lậu ra nước ngoài, phần lớn sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh.”

Đa số gồm các cô gái trong đó có nhiều trẻ em khoảng 5 tuổi trở lên. Chúng bị phỉnh gạt do các lời hứa hẹn giả dối như sẽ được nhận làm con nuôi, có cơ may kiếm được việc làm, hoặc thành hôn ở nước ngoài. Trung Tâm quốc gia các tòa án Liên Bang cũng báo cáo rằng nạn buôn người thuộc loại kỹ nghệ tội ác đứng hàng thứ nhì , phát triển rất nhanh với một tài khoản trên 20 tỷ mỗi năm trên toàn thế giới, chỉ kém nạn buôn ma túy.
Nạn buôn người tác động đến nhân quyền và tự do cá nhân, gây khổ đau về thể xác và tình cảm và làm xói mòn tình hình an ninh của những nước có liên hệ. Nó có nhiều liên hệ chặt chẻ với nạn buôn ma túy, nạn rữa tiền và nạn làm tài liệu giả. Nhiều chính phủ đã tỏ ra bất lực về mặt chống buôn lậu vì thiếu tài chính và nhân sự. Hơn nữa, việc hối lộ các nhân viên thi hành luật pháp, nhân viên sở di trú, các viên chức tòa án gây trở ngại cho chính phủ trong việc chống tham nhũng từ những giới chức trong chính phủ.

Lý do phát xuất từ phía cung cấp gồm có nạn nghèo đói, thiếu cơ hội tìm việc làm, tội ác có tổ chức, bạo lực và nạn phân biệt đối xử phụ nữ và trẻ em, tình hình chính trị bất ổn và xung đột vũ trang. Yếu tố về nhu cầu gồm có kỷ nghệ tình dục và ước muốn đang gia tăng về lao động rẻ tiền, dễ khai thác.
Du lịch vì tình dục và khiêu dâm đối với trẻ em được phổ biến qua máy vi tính đã tạo nên một thương trưuờng rộng lớn nhờ các phương tiện giao dịch toàn cầu vừa nhanh vừa khó khám phá. Ông Kul Gautun thuộc quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc đã nói trong một hội nghị quốc tế chuyên đề về nạn buôn trẻ em tại Đông Kinh năm 2003: “Ở Á Đông và riêng khu vực Thái Bình Dương, đã có hơn 30 triệu trẻ em bị đem bán trong 30 năm qua.”
Về mặt sức khỏe, sự lạm dụng các chất kích thích, những cơ hội gần gũi các bệnh về tình dục như bệnh HIV/ AIDS (bệnh liệt kháng) (71,500 trường hợp được cơ quan Viện Trợ Mỹ báo cáo năm 2005) và hoàn cảnh bị cô lập hay bị kềm kẹp bởi bọn buôn lậu đã để lại trên người nạn nhân những vết thương vể thể chất và tâm lý. Thể theo bản báo cáo gần nhất của Bộ Ngoại Giao, công cuộc sưu tầm ở địa phương 9 quốc gia đã đưa đến kết luận rằng từ 60 đến 75% các gái điếm bị hiếm dâm, 70 đến 95% bị tấn công về thể xác và 68% đã hội đủ các tiêu chuẩn về bệnh thần kinh, căng thẳng vì hậu chấn thương (PTSD). Muốn được phục hồi phải mất nhiều năm, có thể cả chục năm, thông thường sự thiệt hại không thể nào dứt tuyệt.

Do thiếu học, cá nhân không được phát triển để sản xuất nên các nạn nhân này ít có cơ may xây dựng kinh tế khiến cho họ phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói. Họ cảm thấy bị bêu xấu và bị khai trừ sau khi họ được phục hồi và trở về sống trong cộng đồng. Từ chỗ mất mát mạng lưới giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã đưa đến sự tan vỡ các cơ cấu xã hội. Một khía cạnh tàn bạo trong việc buôn nô lệ là các nạn nhân thường bị mua đi bán lại nhiều lần, và trước tiên lại thường bị người trong gia đình đem đi bán.
Xuất cảng nhân công từ Việt Nam
Sở Inter-Press cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam năm 2000 là 7.4 % trong khi đó tỷ lệ thuê nhân công làm ít giờ là 38.8% đối với một dân số 80 triệu, mà trong đó có tới 70 triệu người sống ở nông thôn. Tới mức đó, lực lượng lao động gồm có 38 triệu 600 ngàn (tuổi từ 15 đến 60) được chia làm hai thành phần tương đương (19.6% nam và 19.19% nữ). Hai phần ba nhân công VN ở dưới tuổi 35.
Lợi tức đầu người đạt được là 400 mỹ kim năm 2000 và lương tối thiểu từ 19$ trong các công ty của chính phủ so với 45$ trong các công ty người nước ngoài. Tỷ lệ nghèo đói là 19.3% ở thành thị và 44.9% ở nông thôn. Mức độ di trú từ thôn quê lên thành thị đang tăng cao và không được dự trù. Cũng trong khoảng thời gian đó, tổ chức Lao Động Quốc Tế báo cáo, 995.500 thiếu niên dưới 18 tuổi đang có công ăn việc làm và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc cho rằng có tới 50.000 trẻ em sống trên vĩa hè (không nhà, không việc làm) ở Việt Nam.
Hà Nội đối phó với nạn thất nghiệp có tỷ lệ đang lên cao bằng cách xuất cảng nhân công sang các nước giàu có trên thế giới. Các nơi đến gồm có Lào, Nhật, Đài Loan, Đại Hàn, Lybia. Hà Nội còn gởi nhân công sang Đức và Trung Đông. Lý do nêu lên cho chánh sách này là do số tiền mà công nhân chuyển về Việt Nam. Một lý do khác là chính phủ muốn hạ thấp số nhân công thất nghiệp ở bên nhà.
Chính sách xuất cảng nhân công của Việt Nam đã gây nhiều lạm dụng, trên cả hai mặt bạo lực gia đình và nạn buôn người. Những thanh niên không chuyên môn được gởi ra ngoại quốc để làm việc trong ngành xây dựng, hải vận, chế biến hải sản, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, ngành dệt, và lao động gia đình. Một bài báo trong tờ Asia Times tháng 6, năm 2000 khẳng định rằng Bộ Lao Động Thương Phế Binh và Công Tác Xã Hội dự trù xuất cảng nữa triệu nhân công năm 2005; con số này được dự trù tăng lên tới 1 triệu trong vòng 10 năm. Hiện giờ đã có tới 200.000 người Việt kể cả nam nữ, theo báo cáo, đang làm việc ở Đài Loan. Theo một quan sát viên thông thạo, thì họ bị buộc phải làm thêm giờ và phải gánh chịu các tai nạn trong chỗ làm nhưng lại không được biết các quyền lợi về lao động trong một nước mà họ không biết tiếng nói. Đa số các cô gái Việt được bán làm vợ cho những đàn ông Đài Loan, rốt cuộc lại bị buộc phải làm việc như người đày tớ không lương và nhiều cô bị bán làm gái điếm.
Người Việt muốn đi làm ở ngoại quốc phải được chính phủ cấp giấy phép. Để thực hiện công tác này, đã có 130 cơ quan chính phủ môi giới xuất cảng lao động được thiết lập. Mỗi công nhân phải đóng 3.500$ lệ phí về khám sức khỏe và điều tra cảnh sát cộng thêm 10% thuế đánh trên tiền lương lãnh ở nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan môi giới còn lấy thêm 12% của giá trị ghi trong hợp đồng. Theo báo cáo, các cơ quan này đã đập đổ và chỉ dẫn sai những đương đơn trong khi đó họ đưa các nạn nhân vào cái thế phải làm việc quá sức, bị đánh đập và lợi dụng tình dục.
Nạn mãi dâm ở Việt Nam
Ngoài ra, có những trường hợp được chứng minh qua báo chí quốc tế và Việt Nam, cho biết theo đó thì người phụ nữ Việt bị bán như các cô dâu theo thư đặt hàng và bị buộc làm gái điếm ở Trung Quốc. Năm 1991, con số này được biết từ 10.000 đã tăng lên tới 15.000 trong những năm gần đây. Ngoài ra, các trẻ em được bán để làm con nuôi trong các gia đình người Hoa không có con trai.
Năm 1998, cơ quan Press-Agentur của Đức ghi lại theo đó có hơn 2/3 công chức Việt Nam được biết đã mua phụ nữ Việt để đưa đi làm gái điếm. Các hoạt động của họ được chính phủ tài trợ qua quỹ đen.
Năm 2000, người ta ước lượng đã có từ 300 tới 600 ngàn gái điếm ở Việt Nam. Năm 2003, các cô gái Việt được ghi tên trên mạng lưới của Ebay Đài Loan để bán đấu giá. với giá khởi đầu là 5.400 mỹ kim một người. Năm vừa qua, một vài người phụ nữ Việt được trưng bày như người mẫu, đang ngồi tại cửa sổ để được bán cho kẻ qua đường tại Hội Chợ Thương Mãi ở Tân Gia Ba. Nhiều nguồn tin khác cũng cho biết đã có 5.000 phụ nữ Việt và trẻ em cũng đã bị đem bán ở Miên. Theo cái nhìn của các quan sát viên quốc tế thì nạn buôn người ở Việt Nam là một vấn đề đang trên đà phát triển.
Phúc trình của Bộ Ngoại Giao về nạn buôn người
Trong tháng 6 năm nay, Bà Ngoại Trưởng Condoleezza Rice đã thông báo sẽ đưa ra bản công bố về nạn buôn người năm thứ 5 của Bộ Ngoại Giao. Mục đích bản công bố liên quan đến 150 quốc gia là lưu ý cả thế giới và thúc đẩy các nước nên có những hành động hiệu quả để chống nạn buôn người.
Theo bản công bố này, Việt Nam vẫn còn là một nguồn và một nơi đến của nạn buôn người. Phụ nữ Việt được đem bán ở Miên, Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Mã Lai, Đài Loan, và Cộng Hòa Séc để được khai thác tình dục. Việt Nam cũng còn là một nước nhận các trẻ em Miên bị buộc lao động bằng cách đi ăn xin. Cũng còn có nạn buôn người ở nội địa, từ vùng quê đem đi bán ở thành phố. Bản công bố của Bộ Ngoại Giao bắt nguồn từ sắc luật 2000 bảo vệ các nạn nhân bị đem đi bán. Sắc luật này buộc Bộ Ngoại Giao phải báo cáo cho Quốc Hội mỗi năm về nạn buôn người ở nước ngoài. Sắc luật cũng thành lập một lực lượng hỗn hợp đặc nhiệm để phối họp các nỗ lực chống nạn buôn lậu và ban hành các quyết định trừng phạt đối với các quốc gia có nạn buôn người. Về mặt nội bộ, bộ luật quy định một bản án 20 năm áp dụng cho những sự ép buộc nạn nhân vào nô lệ tình dục.
Năm 2003, Bộ Ngoại Giao gán cho Việt Nam danh xưng “chính phủ cấp 2, nơi xuất phát, quá cảnh và, ở một mức độ thấp, nơi đến của các nạn lao động khổ sai và khai thác tình dục”. Các quốc gia cấp 2 là những chính phủ không tuân hành trọn vẹn các tiêu chuẩn tối thiểu trong sắc luật nhưng có những cố gắng đáng kể để thực hiện các tiêu chuẩn nói trên. Các tiêu chuẩn tối thiểu của Bộ Ngoại Giao đều căn cứ trên 3 chữ P – Persecution (Khởi Tố), Protection (Bảo Việ), và Prevention (Ngăn Ngừa).
Bản báo cáo năm nay cho biết Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc chống nạn buôn người. Theo tài liệu này, Việt Nam đã yêu cầu các chính phủ láng giềng hợp tác bằng cách giao trả lại các nạn nhân. Chính phủ cũng báo cáo đã khởi tố 142 vụ và đã kết án 110 vụ liên quan đến nạn buôn người nhung không thấy đề cập đến việc khởi tố các giới chức về tội đồng lỏa trong việc buôn người. Bản báo cáo cũng khẳng định rằng Việt Nam chưa kiểm soát kỷ lằn ranh biên giới vừa dài vừa dễ thoát hơi.
Về mặt bảo vệ, bản báo cáo cho rằng Việt Nam đã tăng cường bảo vệ các nhân công Việt được các công ty xuất cảng lao động đưa ra nước ngoài. Ví dụ, chính phủ cử tùy viên lao động đến 9 quốc gia có nhận lao công nhiều nhất để giải quyết các tranh chấp ngay tại chỗ làm, và duyệt xét lại các điều khoản trong bộ luật lao động mà các công ty xuất cảng buộc phải tuân hành trong trường hợp có gian lận hay lợi dụng. Tuy nhiên, không có một con số thống kê chính xác nào được đưa ra về việc này. Như thường lệ, chính phủ cũng giữ các cô gái điếm tại các trung tâm phục hồi.
Theo Bộ Ngoại Giao, về mặt ngăn ngừa, chính phủ Việt Nam không thực hiện các chiến dịch đặc biệt để phổ biến việc chống nạn buôn người. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã hợp tác với chính phủ Trung Hoa và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc về nỗ lực phổ biến trong đại chúng để giáo dục dân chúng và các lãnh tụ địa phương. Chiến dịch toàn niên gồm có các hội thảo về luật lệ địa phương và việc huấn luyện cách thức khuyên bảo các nạn nhân.
Đề Nghị
VN cần phải áp dụng những biện pháp trong các lãnh vực sau đây, trong đó có một vài lãnh vực đã được nhấn mạnh trong bản báo cáo 2005 của Bộ Ngoại Giao về việc chống nạn buôn người.
· Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ nên phối hợp các chương trình quốc gia, vùng và địa phương để báo động cho các cộng đồng biết về nạn buôn người. Ngoài ra các cơ quan này cũng phải cải tiến và tạo thêm cho các nhóm người dễ bị lợi dụng có cơ hội học hỏi và phát triển kinh tế. Các nạn nhân VN phải được cứu giúp, hồi hương, phục hồi và tái hoà nhập vào gia đình và cộng đồng.
· Bộ Tư Pháp và các cơ quan thi hành pháp luật phải triệt để truy tố các tổ chức buôn người, chống nạn tham nhũng ở công quyền, nhận dạng và cấm nhặt bọn buôn người và huấn luyện nhân viên để nhận dạng và chuyển các nạn nhân đến các nơi chữa trị đặc biệt dành cho họ.
· Các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác nên hợp tác chặt chẻ với Việt Nam để cho bọn buôn người không có chỗ hợp pháp để làm nơi nương tựa và để dễ dàng dẫn độ và truy tố họ.
· Tại trường học, các trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt các cô gái cần phải được thông tin về nạn buôn người. Nên khuyến khích các em phải cố gắng tốt nghiệp cấp cao trung để có thể kiếm được việc làm xứng đáng.
· Ngành truyền thông Việt Nam chẳng những nên giáo dục quần chúng về sự trù dập những kẻ rơi vào tay của bọn buôn người, mà còn phải phổ biến rộng rãi những tin tức liên quan đến kẻ gây tội ác và các hệ thống nhận hối lộ đã hợp tác với họ.
· Các nạn nhân phải được chữa trị để họ có thể phục hồi danh giá và tiếp tục chỗ đứng của họ trong xã hội. Không nên xem họ như kẻ phạm pháp.

No comments: