Sunday, September 9, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * QUACH TẤN


Quách Tấn (1910- 1992) 
NGUYỄN THIÊN THỤ


Trước 1945, Quách Tấn đã nổi danh với Mùa Cổ Điển. Quyển này sau do Tân Việt, Sài gòn tái bản 1960, trong đó có thêm những bài mới sáng tác trong khoảng 1945-1956.
Những bài thơ này cho ta biết tâm trạng của tác giả và những kinh nghiệm đau khổ của cả dân tộc dưới ách cộng sản.
Năm 1946, ông và một số trí thức bị Việt Minh bắt giam tại An Lão, quận Hoài Ân, tỉnh Bình Định:
Vô hóa mà vô cải hóa đường
Cảnh đời linh loạn kiếp văn chương.
Ngọt ngon chửa trải mùi tân chế
Cay đắng cho cam bụng thá thường
Sừng ngựa mơ hồ đêm hé nguyệt,
Lòng xuân chếch mác vạc kêu sương.
Chiều chiều trông nước Lai giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương, . .
( Bị an trí)
Sau đó ít lâu, ông được thả, ông muốn vào Nam tìm tự do nhưng cầu đường đã bị Việt Minh phá hủy và ngăn chận. Ông phải ra Huế với Chế Lan Viên - Chế Lan Viên lúc nhỏ ở Bình Định - để Chế Lan Viên giới thiệu với Tố Hữu:
Từ phen cố lý nổi phong ba
Khó chạy vào nên phải chạy ra.
Hèn yếu đã cam phần sợ giặc,
Chìu lòn nghĩ tội cảnh không nhà!
Thơ ăn ai đó hòng đem trẻ
Tuổi chửa bao lăm đã thấy già.
Cũng muốn chắp tay ngồi đối vách
Bên thềm con quốc trót tu oa.
( Thân lữ thứ)
Năm 1947, cuộc chiến tranh toàn quốc bắt đầu, Quách Tấn và gia đình phải chịu cái khổ của tản cư:
Vừa mới hồi cư đã tản cư
Vận nhà vận nước biết nên hư?
Máu xương chiến đãu thương đà lắm,
Nanh vuốt xâm lăng giận chửa trừ!
Vuờn cũ tả tơi trời tháng chạp
Đường quê khấp khểnh nguyệt canh tư
Gió sương chếnh choáng hồn ly loạn,
Ước nguyện bình sinh nữa có như?
( Lại tản cư )

Trong thời gian 1950, cộng sản cố thủ vùng liên khu V, những trí thức như Quách Tấn, Võ Phiến tại Bình Định đã bị cộng sản kiềm tỏa. Cảm thấy bị mất tự do và cùng đường bí lối, ông lui về quê nhà, sống ẩn dật, xa lánh cuộc thế hiểm nguy đầy gươm giáo và sói lang của cộng sản:
Từ phen biển mộng khép trăng song
Nửa mẫu vườn quê tạm náu lòng.
Đi đứng luống thương đường lối hẹp
Ăn nằm dám phụ nước non chung.
Mười phương tin tức mây hờ hững
Ba kiếp văn chương bút ngại ngùng!
Bạn tác ví thương tình gặp gỡ
Đừng đem mây ráng đọ nghi dung.
( Chút lòng)
Sau ông trở về dạy học, nhưng đến 1952 ông bị Việt Munh sa thải và 1953 lại bị bắt giam. Ông đã cho ta biết thân phận người dân, nhất là người trí thức ở trong vùng cộng sản như cá nằm trên thớt, luôn luôn bị đe dọa, và người dân sức yếu thế cô phải cam chịu:
Vườn quê hẩm hút thú ăn làm
Mỗi bận nghi tình mỗi bắt giam.
Năm nắng mười sương thân đã dạn,
Ba cha bảy mẹ phận đành cam.. . .
( Lại bị an trí )
Non mấy trùng cao nước mấy trùng
Tình chung non nước mối thù chung
Ngựa trâu kiếp đã ê chề kiếp
Lang sói lòng thêm trắng trợn lòng!
(Hận thu)
Lúc này, ông phải lao động để kiếm sống:
Năm ngoái năm nay gặp bưiớc cùng
Lỡ bề gánh xách, lỡ bề bưng.
Văn xưa dạy học trường bôn thải,
Sức yếu làm thuê thế chẳng dừng
Thân thích khó nhờ sơ khó cậy
Ruộng nương thì có lúa thì không!
Ngày mùa đành vẫn ăn cơm ghé
Cha nhịn con ăn vợ nhịn chồng !
( Bước cùng)



Sau 1954, cộng sản rút về miền Bắc, tỉnh Bình Định và vùng Nam Nghĩa thuộc về miền Nam, Quách Tấn chào mừng ngọn quốc kỳ quốc gia:
Ngàn sương lóng lánh ánh quang huy
Phấp phới nồm trương ngọn Quốc kỳ.
Cửa đón tân xuân lồng thược dược
Trà dâng nguyên đán ngát tường vy.
Mộng phiền ba tỉnh hồn phấn điệp
Điềm thái hòa ứng giọng hoàng ly
Tấm lòng đất nước chung hoan hỉ
Hương khói thơm lừng nhịp trúc ty.
( Tân xuân)
Nghệ thuật của Quách Tấn là nghệ thuật cổ. Trong khi đa số thi nhân từ bỏ Đường luật, ông vẫn giữ vững nghệ thuật thơ Đường. Cái đáng quý là thơ ông là thơ tả thực, là thơ của người yêu nước, yêu đời và yêu tự do. Trong khoảng 1945- 1956, ông đã can đảm tố cáo trước dư luận những tàn ác của cộng sản. Thơ ông có giá trị lịch sử, và phản chiếu bi đát của lịch sử Việt Nam.

No comments: