Sunday, September 2, 2012

STUART M. KAMINSKY 8 VÂN XUI


Vận Xui
Truyện dịch
“Sometimes Something Goes Wrong” của Stuart M. Kaminsky
In “The Best American Mystery Stories 2002”
Trần Bình Nam phóng dịch



“Mày chắc chưa?”
Beemer nhìn Pryor trả lời: “Chắc như đinh đóng cột. Tao nhớ đúng một năm trước vào ngày này, và tiệm vàng đó.”
Pryor hơi lùn, và gầy. Khuôn mặt hắn lì như một mặt phẳng mang đầy sẹo dấu tích của những trận boxing nhiều năm trước đây. Hắn hơi đần. Trời sinh hắn ra như vậy. Đập vào đầu hắn cũng không làm cho hắn hiểu. Nhưng người ta bảo gì thì hắn làm nấy. Và Beemer lúc nào cũng có việc bảo Pryor làm.
“Một năm trước?” Pryor vừa hỏi vừa nhìn cửa tiệm vàng qua cửa kính xe.
“Đúng vậy. Tao còn ghi trong cuốn sổ này.” Vừa nói Beemer vừa vỗ vào cuốn sổ để nơi túi bên mặt chiếc áo khoác ngắn có tay mầu đen của hắn.
“Vùng này ở đâu mày?”
“Northbrook, ngoại ô Chicago” Beemer trả lời, giọng khó chịu.
Pryor gật gù. Hắn có thói quen tin bất cứ gì Beemer nói. Hắn liếc nhìn Beemer đang lái xe, mắt không rời của tiệm vàng bên trái. Beemer to con, đôi vai rộng, nặng ký thêm sau ba năm bị tù tại nhà lao Stateville. Hắn trạc 50, mắt xanh, tóc muối tiêu, húi cao, và dềành dàng như một lực sĩ thủ thành của một đội football. Beemer không chơi football, nhưng đã hai lần đánh cướp hai tiệm buôn lớn. Các vụ ăn trộm, ăn cướp lặt lặt thì không nhớ hết. Trong nhà tù hắn cũng không xem các trận đấu thể thao. Hắn lợi dụng thì giờ đọc. Dickens. Hemingway. Steinbeck. Shakespeare. Freud. Shaw, Irwin, và George Bernard. Đọc riết một năm hắn thôi không đọc nữa và bắt đầu đếm ngày ra tù.
Bây giờ Beemer thích di chuyển. Mua áo quần tốt, tìm tiệm ăn ngon và ở khách sạn xịn nếu hắn có tiền. Beemer bắt đầu để dành tiền cho tuổi hết làm việc, nhưng hắn không biết lúc nào hắn có thể nghỉ việc.
“Tại sao tụi mình lại định cướp một tiệm vàng mình đã cướp cách đây đúng một năm?” Pryor hỏi.
Beemer nhìn đồng hồ. Trời sắp tối. Cửa tiệm sắp đóng cửa. Vợ chồng chủ tiệm vàng hôm nào cũng đóng cửa tiệm trễ, và chỉ đóng sau khi tiệm ăn Tàu trước mặt đóng cửa. Một bên tiệm Beemer định ăn cướp hôm nay, tiệm vàng và đồng hồ Gortman là văn phòng State Farm, bán bảo hiểm. Người phụ trách văn phòng là ông Frederick White đã đóng của văn phòng và về rồi. Bên kia là tiệm của ông Himmel bán quà tặng. Nhìn mấy cái ly trắng tinh đặt sau tấm kính lớn mà thèm. Beemer thích loại ly thủy tinh mỏng, rót rượu vào độ nửa ly dùng ngón tay cà trên vành ly nó phát ra âm thanh nghe rất êm tai. Beemer tự hứa khi nào ổn định, có nhà có cửa sẽ mua một bộ.
“Mày nói gì?” Beemer hỏi lại
“Tại sao tụi mình lại đến đây” Pryor nói
“Kỷ niệm một năm. Năm trước mọi sự êm xuôi.Tao có cảm tưởng năm nay cũng vậy”
“Năm ngoái tụi mình cướp được bao nhiêu mày?”
Khu thương mại đã vắng khách. Nơi bãi đậu xe còn độ bốn chiếc nếu không kể khoảng tám chiếc đậu trước tiệm ăn Tàu. Beemer thỉnh thoảng ăn tiệm Tàu nhưng hắn thích cơm Thái dọn lối ăn mấy cũng được hơn. Chiều hôm nay hắn và Pryor vừa ăn tiệm Thái. Ngày mai hắn sẽ mang đồng hồ, dây chuyền, vòng vàng, nhẫn vàng đến tiệm của lão Walter trên đường Polk. Lão Walter sẽ nhìn qua khay hàng, cho giá, hắn OK, nhận tiền. Tha hồ cơm Thái.
“Bán được sáu nghìn đô,” Beemer nói. “Làm việc trong năm phút. Mỗi phút giá trị hơn một nghìn đô.”
“Hơn một nghìn đô một phút!” Pryor lặp lại
“Tái bản,” Beemer nói. “Cho nên hôm nay tái bản để ăn mừng. Mừng sự may mắn của chúng ta.”
“Đèn sau tiệm vừa tắt.” Pryor nhìn tiệm vàng nói.
“Ra tay là vừa,” Beemer trả lời, đậu xe, mở cửa nhanh nhẹn bước ra khỏi xe.
Cả hai đi thẳng đến cửa tiệm vàng. Beemer có một khẩu Glock, một loại súng hiếm. Hắn đọc trong sách gián điệp, và nhất định sắm cho được. Pryor có một súng sáu viên loại thường nhưng dùng loại đạn đum đum, bắn vào người vỡ ra từng mảnh, gây thương tích khó chữa. Nhưng ít ai quan tâm đến kẻ cướp dùng súng gì. Súng nào cũng có thể giết bạn cả.
Beemer liếc nhìn Pryor đang bám sát hắn. Pryor ăn mặc gọn gàng. Quần dài xanh, áo sơ mi ngắn tay, blouson mỏng bên ngoài. Trước khi đi hắn lục áo quần đựng trong một bọc vải lớn hỏi Beemer muốn hắn mặc gì. Hắn luôn luôn hỏi Beemer. Không đến nỗi hỏi khi nào thì phải đánh răng, nhưng trên thực tế chuyện gì hắn cũng hỏi. Khoảng cách từ quả đất đến mặt trăng bao xa. Ăn cái bánh này được không. Đường equal có sinh ra bệnh ung thư không. Beemer khi nào cũng có một câu trả lời, bất kể đúng sai, nhưng lúc nào cũng có. Ra khỏi cửa hắn còn trở lui đánh giày và chãi lại mái tóc.
Đúng lúc cặp vợ chồng chủ tiệm vàng sắp tắt đèn Beemer đẩy cửa bước vào tay rút súng. Pryor theo liền chân và cũng rút súng. Cả hai không mang mặt nạ. Beemer không tin kỹ thuật vẽ mặt người qua miêu tả của cảnh sát. Mặt nạ ngứa mặt khó chịu. Thỉnh thoảng Beemer mang kính dâm khi hành động ban ngày. Đôi khi hắn dán một miếng băng dán trên má, đôi khi gắn một nốt ruồi giả. Dần dà thấy làm ăn dễ chịu hắn coi thường chỉ còn mang nốt ruồi giả. Nhưng hôm nay hắn chẳng ngụy trang gì cả.
“Không được động đậy, ” hắn bảo hai vợ chồng chủ tiệm.
Hai vợ chồng đứng yên. Người đàn ông trẻ hơn Beemer đến mười tuổi, tầm thước. Trong năm qua có thêm bộ râu hàm trên, và già hơn một chút. Anh ta mặc một chiếc áo khoác mầu xanh có zip. Beemer cũng mặc áo có zip mầu đen. Beemer thích mầu đen và trắng, bộc trực như tính tình của hắn. Người đàn bà có mái tóc vàng, trên ba mươi, đẹp, hơi gầy. Chị ta thay đổi nhiều. Chị mặc một chiếc áo dài mầu lục, và đang có thai. Có đúng không?
“Không, ” chị ta nói.
“Chị chẳng nên khó chịu,” Beemer nói. “Chị biết chị phải làm gì. Đứng yên, đừng la lên, đừng tìm cách bấm nút báo động. Đừng hành động dại dột. Chị biết con chị là trai hay gái chưa?”
Pryor đang đứng sau quầy kính, nhanh nhẹn mở quầy lùa đồ trang sức vào cái bị vải của tiệm sách Barnes & Nobles hắn vừa rút ra từ chiếc túi quần. Trên bị có in hình của Freud. Freud đang nhìn Beemer. Beemer tự hỏi Freud đang nghĩ gì.
“Tôi muốn hỏi con chị sẽ là trai hay gái?” Beemer lặp lại câu hỏi. Chị sắp sinh chị phải biết chứ?”
“Con gái,” người đàn ông trả lời.
“Đặt tên cho nó chưa?”
“Melissa,” chị ta đáp
Beemer lắc đầu nói, “Tên dở ẹc .... Tôi không biết .... nhưng sao không chọn đơn giản như Joan, Molly, Agnes....” Chưa dứt câu hắn quay qua dục Pryor : “Nhanh lên mầy.”
“Xong ngay,” Pryor trả lời, hai tay lùa nhanh hơn. Cái bị vải phình ra, khuôn mặt của Freud phạnh ra trông ít nghiêm trang hơn lúc nãy.
“Để tôi xem,” người đàn ông nói.
Beemer không tin anh ta để tâm đến đề nghị của hắn.
“Tại sao lại chúng tôi?” chị đàn bà nói, giọng tức tối, đôi mắt ngấn lệ. “Tại sao các anh chiếu cố chúng tôi hoài vậy?”
“Đây là lần thứ hai thôi,” Beemer trả lời. “Cũng để kỷ niệm một năm. Cũng ngày nầy năm ngoái, chị nhớ không?”
“Tôi nhớ,” người đàn ông vừa trả lời vừa bước đến khoác tay qua vai vợ an ủi.
“Chúng tôi sẽ không trở lại nữa đâu,” Beemer nói, trong khi Pryor chạy qua quầy kính thứ hai.
“Cũng không thành vấn đề nữa,” người đàn ông nói. “Sau vụ này chúng tôi đóng cửa vì bảo hiểm sẽ không bồi thường.”
“Tôi rất tiếc,” Beemer nói. “Độ này công việc làm ăn ra sao?
“Xuống lắm,” người đàn ông nhún vai trả lời trong khi chị vợ có thai nhắm nghiền đôi mắt, không muốn thấy cảnh tượng Pryor dùng hai bàn tay vốc của cải sản của chị bỏ vào bị.
Beemer nhìn quanh hỏi: “Lần trước tôi thấy có nhiều vật bằng vàng nho nhỏ như thú vật, chim, cá ... Anh làm hay mua lại? Đâu cả rồi?”
“Tôi làm, người đàn ông trả lời.
“Mày xem có mấy con vật nhỏ bằng vàng trong đó không?” Beemer nói vọng vào Pryor
“Tao không thấy,” Đụng gì tao hốt nấy. À, tao thấy rồi. Có vài con.”
Beemer nhìn đồng hồ. Hắn nhớ hắn lấy cái đồng hồ này ở đâu. Ngay tại đây, một năm trước. Hắn chìa tay cho hai vợ chồng xem.
“Còn nhớ không,” hắn hỏi.
Người đàn ông gật đầu.
“Chạy đúng không chê được,” Beemer nói. “Đúng là một đồng hồ quí.
“Anh thật là người biết xài của,” người đàn ông nói.
“Cám ơn,” Beemer trả lời, không quan tâm đến giọng mĩa mai chịu đựng của người đàn ông. Hắn có quyền. Hắn bị cướp, hắn sắp đóng cửa tiệm. Hắn chưa già. Hắn có thể bắt đầu lại cuộc đời, hắn có nghề làm đồ vật bằng vàng, hắn có thể làm công cho người khác. Hắn sắp có con. Đồng hồ cho Beemer biết hắn và Pryor vào tiệm đã bốn phút.
“Đi mày,” hắn gọi Pryor.
“Một phút nữa thôi. Mày có muốn tao lục phía sau không?”
Beemer do dự.
“Có gì sau đó không?” Beemer hỏi người đàn ông.
Người đàn ông không trả lời.
“Thôi!” hắn gọi. “Chừng đó đủ rồi.”
Pryor từ sau quầy kính bước ra, tay xách cái bị vải căng phồng. Nhiều hơn lần trước. Bỗng Pryor trượt chân đánh phịch xuống sàn. Vòng vàng, nhẫn, đồng hồ ... văng tung toé. Có tiếng nổ. Súng Pryor bỏ trong túi chạm đất văng ra trên nền nhà.
Viên đạn trúng vào lưng của người đàn ông. Chị đàn bà rú lên. Người đàn ông hai tay ôm bụng đầu gối khuỵa xuống sàn nhà, nghiến răng nén cơn đau. Hàm răng anh trắng như ngà. Beemer không thể tưởng tượng có một bộ răng nào trắng như vậy được. Chị phụ nữ ngồi thụp xuống tìm cách giữ cho chồng khỏi qụy.
Pryor nhìn hai vợ chồng người chủ tiệm, nhìn Beemer, ngồi xuống với tay lấy cây súng, tay kia nhặt đồ bỏ vào bị không nói một lời. Beemer thấy trên chiếc bị Freud nhíu mày bất mãn.
“Chỉ là một tai nạn,” Beemer nói với chị phụ nữ đang ôm chồng trong tay. Răng anh ta cắn chặt vào môi dưới làm bật máu. Beemer không muốn biết lưng của anh ta ra sao, và viên đạn đã phá hoại gì trong bụng. “Chị gọi xe cứu thương nhanh lên. Chín, Một, Một. Tụi tôi chưa bao giờ bắn ai. Chỉ là một tai nạn.”
Đã quá năm phút rồi. Pryor vừa thở vừa lượm đồ. Hắn bò ra trên sàn như một thằng điên.
“Mày cất cây súng đi,” Beemer nói lớn. “Dùng hai tay. Nhanh lên. Người ta cần bác sĩ.”
Pryor gật đầu, nhét súng vào túi, hai tay vét lung tung. Người đàn ông đã té ngữa trên sàn nhà. Chị phụ nữ ngước nhìn Beemer khóc sướt mướt. Beemer không muốn chị ta bị hư thai.
“Có bảo hiểm không?” hắn hỏi
Chị phụ nữ nhìn hắn ngạc nhiên.
“Bảo hiểm nhân thọ?” Beemer giải thích
“Xong rồi,” Pryor nói, nhe răng cười. Răng hắn vàng và nhỏ.
Chị phụ nữ không trả lời. Pryor chạy nhanh ra cửa. Hắn không nhìn những gì hắn đã gây ra.
“Chín, Một, Một,” Beemer nói, chạy theo Pryor.
Ra khỏi cửa Pryor liếc nhanh hai bên rồi chạy về phía chiếc xe. Beemer dừng lại nơi ngưỡng cửa. Hắn quay lại, chạy vào tiệm.
“Tôi xin lỗi,” hắn nói. “Chỉ là một tai nạn”
“Hãy đi đi,” chị phụ nữ thét lên. “Hãy cút đi, cút đi!”
Chị ta đứng dậy. Sự tức giận có thể làm cho chị ta đánh hắn và hắn có thể bắn chị ta. Hắn không bao giờ nghĩ hắn có thể bắn một người đàn bà mang thai.
“Joan,” hắn bước ra, miệng còn lải nhải.” “Joan là một tên đẹp. Hãy nghĩ lại đi”
“Trời đất ơi, hãy cút đi” Chị phụ nữ nghẹn ngào.
Beemer bước ra. Pryor đã ngồi trên xe. Beemer chạy. Vài người khách từ nhà hàng Tầu đi ra. Hai người đàn ông trung niên đội nón baseball. Nhìn xa xa giống như tài xế lái xe tải. Không thấy chiếc xe tải nào trong khu đậu xe. Cả hai nhìn Beemer. Beemer biết mình đang lăm lăm khẩu súng trong tay. Beemer nghe tiếng kêu cứu của chị phụ nữ. Hai người lái xe tải chắc cũng nghe được. Hắn nhảy lên ngồi nơi tay lái. Pryor không biết lái xe. Hắn không học lái xe và cũng không muốn tập lái xe.
Beemer lái như bay ra khỏi khu đậu xe. Hắn phải kiếm một xe khác. Không khó lắm. Trời tối, khu này tương đối an ninh. Trộm xe là nghề của hắn. Bỏ chiếc xe này lại, chùi hết dấu tay. Sau đó mua một cái xe cũ hiệu Geo, Honda gì đó cũng được. Đăng ký tên Beemer đàng hoàng là xong.
“Lần này tụi mình làm được một mẻ lớn,” Pryor nói, thỏa mãn.
“Mày bắn người,” Beemer nói, giữ tốc độ trong giới hạn, tìm đường chạy ra xa lộ. “Hắn có thể chết.”
“Mầy nói gì?” Pryor hỏi
“Mày bắn thằng cha chủ tiệm,” Beemer lặp lại, cho xe qua mặt một anh chàng lái một chiếc BMW mầu xanh. Anh chàng đang hút thuốc. Beemer không hút thuốc. Khi Pryor về ở chung với hắn hắn bảo Pryor bỏ thuốc. Tại nhà tù Stateville hắn bị giam chung với hai tên hút thuốc lá. Hơi thuốc thấm vào áo quần của hắn, sổ tay của hắn hôi ình.
“Con người hôi hám quá,” Beemer lẩm bẩm.
Pryor lục bị vải, gật đầu đồng ý. Hắm mĩm cười
“Nếu hắn chết thì sao? Beemer nói
“Ai?”
“Thằng cha chủ tiệm chứ còn ai,” Beemer nói. “Mày bắn hắn trước mặt vợ nó.”
Lối vào xa lộ hiện ra trước mắt. Beemer có thể thấy tấm bảng lớn hình vuông mầu xanh chữ trắng quen thuộc.
“Tao đâu biết bà ta,” Pryor nói. “Tao chưa thấy mụ ấy bao giờ.”
“Mầy quên rồi. Một năm trước” Beemer nhắc.
“Nếu vậy tụi mình đừng đến đó nữa. Thằng cha chủ chết. Mọi người trước sau ai cũng chết. Mày thường bảo tao vậy mà?ø” Pryor nói, hài lòng với sự hiểu biết của mình, hai tay ôm chặt bị hàng vào ngực. “Đi kiếm hot dog ăn như mọi lần đi. Tao đói lắm rồi.”
“Tao không thấy thích hot dog.” Beemer nói.
Hắn lái xe vào xa lộ, lấy hướng nam chạy về Chicago. Xa lộ kẹt đường. Giờ tan sở. Hàng xe dài vô tận xê dịch năm hay mười dặm một giờ. Beemer bật radio và nhìn kiếng chiếu hận. Xe với xe. Như như một bãi đậu xe. Vài xe đã lên đèn, nhích từng chút một. Đáng lẽ không nên vào xa lộ. Trễ rồi. Có cách gì khác hơn là nghe tin tứ, nghe nhạc, và lắng nghe bất cứ tiếng động gì. Nếu có talk show nào hay hay càng tốt.
“Lần này tụi mình được khá hơn lần trước.” Pryor nói mặt mày hớn hở.
“Ừ!,” Beemer trả lời nhác gừng.
“Bây giờ đi ăn hot dog thì tuyệt,” Pryor nói. “Để ăn mừng.”
“Ă mừng cái gì?”
“Mừng món quà đệ nhất chu niên.”
Pryor hai tay nâng bị hàng lên. Khá nặng. Chán quá. Beemer nạt Pryor bảo im đi. Và nghĩ có lẽ cũng phải kiếm cái gì ăn.
“Đi ăn hot dog vậy,” Beemer nói.
“Tuyệt” Pryor nói theo.
Lưu thông vẫn chậm như rùa bò. Xe trước mặt Beemer mang hàng chữ “Đừng trách tôi. Tôi bầu cho đảng Libertarian” trên chiếc cản hậu.
Cái gì vậy? Libertarian là cái gì? Beemer chỉ muốn hết kẹt xe, nhưng hắn bất lực. Radio nói gì đó về Syria. Syria không tồn tại đối với Beemer, kể cả Lebanon, Do Thái, Bosnia. Và gì nữa cũng vậy. Chúng không hiện hữu, không tồn tại. Không có cái gì tồn tại nếu không ở ngay đây, thấy được, sờ mó được và cầm được trong tay như khẩu Glock này.
Rù, rù .... Rù
Beemer nghe có tiếng động khác thường ngoài tiếng máy xe và tiếng còi người này dục người kia. Hắn ngước nhìn lên qua cửa kính xe. Trực thăng. Trực thăng làm tin lưu thông? Không phải. Chiếc này bay thấp. Cảnh sát. Mấy người tài xế xe tải nơi tiệm ăn Tàu báo cáo? Có khó gì. Tụi nó có thể dùng radio tầm ngắn trên xe tải, điện thoại công cộng, điện thoại cầm tay...
Cảnh sát đang tìm một chiếc xe. Có cả trăm hay cả ngàn chiếc. Tìm chiếc xe hiệu Toyota của hắn, càng khó hơn. Mười chiếc có đến sáu bảy chiếc Toyota. Beemer nhìn kính chiếu hậu. Không có xe cảnh sát nhá đèn. Hắn nhìn bên phải. Có một lối ra. Không có xe cảnh sát chận lối, không có chó săn, chỉ có tiếng trực thăng rù rù trên đầu. Một tia sáng hình nón tỏa chụp xuống mấy chiếc xe trước hắn, quét sang bên phải rồi quét sang bên trái. Pryor chẳng hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Hắn đang nghĩ đến hot dog thơm ngậy và khoai tây chiên nóng dòn.
Cảnh sát đang tìm chúng? Hay chỉ là tưởng tượng. Rất có thể. Hai tên tài xế xe tải có thể miêu tả mặt mày hình dáng hai kẻ cướp. Chị phụ nữ chủ tiệm vàng cũng có thể tả tỉ mỉ hình thù bọn nó cho cảnh sát. Tội nghiệp chị ta sắp có cô con gái đặt tên là Melissa. Joan đẹp hơn chứ? Joan là tên của mẹ Beemer. Không phải vô cớ hắn đề nghị chị đặt tên con gái là Joan. Hắn rất thương mẹ. Mẹ hắn chết sớm. Cha nó lấy vợ kế bỏ bê nó.
Vậy cảnh sát biết hình dạng hai tên cướp. Một thằng to con, tóc muối tiêu, chừng năm mươi tuổi, mặc áo choàng có zipper mầu đen. Thằng kia gầy hơn mang một chiếc bị vải đựng đầy vàng bạc.
Lưu thông khá hơn. Beemer nhìn chiếc xe trước mặt cầu nguyện “Chạy đi, chạy đi mày!”
“Mày làm gì vậy?” Pryor hỏi
“Cảnh sát ở trên đầu,” Beemer nói. “Tụi nó đang lùng kiếm mình.”
Pryor nhìn Beemer trong giây lát, rồi quay kính xe xuống thò đầu ra ngước nhìn chiếc trực thăng trước khi Beemer kịp cản.
“Mày điên hả?” Beemer vừa la vừa kéo Pryor vào.
“Tao thấy rồi,” Pryor nói.
“Nó có thấy mày không?”
“Không có dấu hiệu gì nó thấy,” Pryor nói. “Nó bay đi rồi kìa.”
Chiếc trực thăng xuống thấp hơn, rồi bay sà ra phía trước. Có nên ra khỏi xa lộ không? Hay cứ lẩn trong đám xe cộ đông đúc này? Lưu thông bắt đầu dễ chịu. Khoảng 20 dặm một giờ. Đúng ra chỉ 19 dặm. Beemer quyết định ra khỏi xa lộ. Hắn tắt radio.
Ba mươi hay ba mươi lăm phút sau hắn đến vùng Dempter, trực chỉ hướng đông chạy về phía hồ Michigan. Không có trực thăng trên đầu. Nhưng còn sớm. Còn quá sớm để đổi xe. Nhưng kìa, mấy chiếc trực thăng trên bầu trời, ánh đèn nhấp nháy, những chùm sáng từ trực thăng quét xuống một vùng thật rộng. Hắn chạy vào đường này đổi sang đường kia theo trực giác, sau cùng chạy vào một con đường đối diện với một công viên. Một khu chung cư cho thuê cao ba từng. Hắn cho xe chạy vào một góc không có lưu thông. Xe đậu chật hai bên đường.
“Tụi mình làm gì bây giờ?”
“Chẳng làm gì cả,” Beemer trả lời. “Tao đang tìm một chiếc xe. Tao trộm xe. Tao ăn cướp. Tao không bắn người. Tao chỉ cho người ta thấy súng. Người ta sợ là đủ. Còn mày, bỏ súng trong túi, đi đứng không vững để té bắn vào lưng người khác.”
“Tai nạn mà,” Pryor nói
“Mày ngu như con lừa,” Beemer nói “Kìa, tao thấy rồi”
Hắn thấy một chiếc xe Nissan cũ đậu dưới một gốc cây, một cành cây phủ xuống làm khuất hơn xe khác. Không có xe cộ nào qua lại. Đoạn đường này là ngõ cụt.
“Chùi hết dấu vết.” Beemer bảo, xong tìm chỗ đậu xe, bước nhanh ra ngoài. Pryor chùi dấu tay, bên trong rồi bên ngoài. Hắn vừa xong Beemer cũng vừa cho chiếc xe Nissan nổ máy. Pryor nhảy lên ngồi gọn bên cạnh Beemer để bị hàng vừa cướp trên đùi, thoải mái như đang đi nghỉ hè. Đối với hắn chỉ còn thiếu bãi biển và một chiếc khăn tắm!
Mười lăm phút sau, Beemer lái xe vào bãi đậu của một tiệm hot dog. Thực khách còn đông, làm đuôi. Beemer ngước nhìn bảng thực đơn. Bánh mì mềm làm sandwich, hot dog khosher, dưa chua cắt thành từng thỏi, khoai tây chiên nóng, cà phê ... Beemer và Pryor làm đuôi chờ. Trước mặt là hai người đàn bà, một thiếu phụ, một cô gái. Hai mẹ con, mặc đồ ngắn để hở một vòng bụng. Pryor ngoái nhìn ra cửa. Hắn thấy chiếc xe Nissan. Cái bị vải đựng vàng nằm trong thùng xe với Freud.
Hai mẹ con đứng trước mặt đang nói về thành phố Paris. Rồi Texas, Âu châu. Nhắc đến tên một vài người thân. Giọng nói hai mẹ con thật ấm. Hắn liên tưởng đến người đàn bà hắn vừa làm tình. Cũng chưa lâu lắm. Hai hay ba tháng thôi. Hắn không nhớ rõ đó là Amarillo ở Las Vgas hay Moline ở Illinois.
Hai mẹ con trước mặt vừa chọn xong món ăn. Cậu trai trẻ tiếp khách mang một tấm vải choàng trước ngực phủ xuống bụng đứng sau quầy hàng vừa lau tay vừa hỏi Beemer: “Ông cần gì?”
Tao cần người chết sống lại Beemer nghĩ thầm. Cần tàng hình. Và cần mày mang tao về Corpus Christi với bà Cô của tao.
“Cho tôi mỗi người một hot dog, đầy đủ gia vị,” Beemer nói
“Cho tôi hai cái,” Pryor nói. “Và khoai tây chiên.”
“Vậy mỗi người hai hot dog. Cho nhiều mù tạt. Và hành nướng. Cà chua. Một diet coke. Một coke thường.”
Bà mẹ và cô con gái ngồi nơi một chiếc bàn nhỏ, vừa ăn vừa tiếp tục nói về thành phố Paris.
“Ở đây có điện thoại không?” Beemer vừa trả tiền vừa hỏi.
“Ở phía sau,” cậu trai trẻ bán hàng vừa thu tiền vừa nói.
“Tao đi điện thoại cho Walter một chút. Mày kiếm một chỗ ngồi coi xe luôn,” Beemer nói với Pryor.
Pryor gật đầu đứng ra một bên chờ lấy thức ăn. Beemer đi ra sau. Hộp điện thoại nằm trước phòng vệ sinh. Hắn đi tiểu tiện trước. Nhìn trong kính hắn thấy bộ mặt thiểu não của hắn.
Hắn mở vòi nước cho chảy đầy bồn vục đầu vào rữa, chẵng quan tâm bồn dơ hay sạch. Hắn nhìn cái đầu ướt sũng nước. Mát. Cũng vậy thôi, cuộc đời chẳng có gì ghê gớm. Hắn lau mặt lau tay và ra điện thoại. Hắn có một thẻ điện thoại AT&T. Hắn gọi Walter.
“Ông Walter đó phải không?” Tôi có hàng cho ông.”
“Vàng hả?”
“Chứ còn gì nữa. Mà sao vậy?”
“Sao hả? Cảnh sát đang sục sạo khắp nơi. Một người đàn ông đang hấp hối tại bệnh viện. Hắn là một thầy Sáu, hiền như bụt. TV tả hai tên ăn cướp với đầy đủ chi tiết, nếu thấy tôi cũng có thể nhận ra.”
“Nhưng cũng ăn hàng chứ?” Beemer nói
“Ăn hàng đó có thể bị kết tội tiếp tay cho kẻ giết người. Anh giữ hàng của anh. Mang đi đâu thì đi. Đi ra khỏi thành phố càng sớm càng tốt ông bạn. Anh hiểu tôi nói gì chứ?”
“Ông Walter, hãy biết điều một chút, món hàng này rất bở.”
“Biết điều! Anh muốn tôi đi tù sao? Thôi tôi không nói chuyện nữa. Tôi không biết anh là ai. Chắc anh gọi nhầm số.”
Beemer nghe tiếng gát máy. Hắn nhìn ống điện thoại trước khi bỏ xuống và nghĩ đến St. Louis. Ở St. Louis có một anh chàng da đen tên là Tanner lấy bất cứ hàng gốc gác ở đâu. Chắc phải về motel lấy hành lý rồi đi St. Louis. Chiếc xe Nissan cũ nhưng chạy suốt đêm thì sáng ngày đến St. Louis thôi.
Beemer đi dọc hành lang hẹp trở về quầy thực khách. Chân hắn đụng mấy hộp đựng thức ăn vương vãi trên sàn. Hai mẹ con còn ngồi ăn, uống coke và trò chuyện. Các thực khách khác cũng đang bận rộn ăn uống. Họ dùng bàn với ghế thấp hay ngồi trên các chiếc ghế cao bọc nệm đỏ có thể quay quanh được. Mùi hot dog thơm phức. Mọi việc bình thường. Pryor đã kiếm được một chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ có thể nhìn thấy chiếc xe Nissan. Hắn đã ăn xong một cái hot dog và đang nhai cái thứ hai. Beemer len giữa mấy người thực khách đến chỗ ngồi dành sẵn đối diện với Pryor.
“Ăn xong mình đi St. Louis,” Hắn nói đủ cho Pryor nghe.
“OKay,” Pryor trả lời, mù tạt dính đầu mũi. Tính hắn không thắc mắc. Chỉ một chữ “OKay”.
Bỗng, một chiếc xe cảnh sát sơn hai màu đen trắng lượn vào khu đậu xe. Khu đậu xe chật. Chiếc xe cảnh sát chạy chầm chậm. Mấy cha cảnh sát đói bụng đi tìm gì ăn? Hay đi kiếm cái xe Nissan bị mất?
Chiếc xe cảnh sát dừng lại khi chạy qua sau lưng chiếc Nissan.
“Có chuyện rồi! ” Pryor kêu lên, tay phải tự động bỏ vào túi quần.
Beemer chận cánh tay của Pryor lại. Hắn tiếp tục ăn hot dog, chậm rãi. Tim hắn đập thùm thụp. Hắn có thể lên cơn đau tim mà chết. Tại sao không? Cha hắn đã chết như vậy dưới hầm tàu điện ngầm ở Hoa Thịnh Đốn.
Pryor nhìn không chớp mắt hai người cảnh sát rời xe đang đi vào tiệm.
“Đừng nhìn,” Beemer nói nhỏ. “Mày giả vờ nhìn tao. Tiếp tục nói chuyện. Cười. Tao gật đầu. Nói. Nói bất cứ chuyện gì.”
“Tụi nó đi kiếm mình không? Pryor vừa hỏi vừa ăn cái hot dog thứ hai.
“Mày để mù tạt dính đầy mặt. Mày muốn làm trò hề cho bản tin truyền hình 10 giờ đêm nay hay sao?”
Beemer lấy một cái khăn giấy đưa cho Pryor lau mũi, trong khi hai người cảnh sát bước vào cửa tiệm, đảo mắt nhìn thực khách.
“Mày làm theo tao,” Beemer bảo. “Khi nào tao rút súng, mày sẽ rút súng ra chĩa vào một tên. Không nói gì cả và đừng bắn. Nếu chúng nó cũng rút súng thì mày hãy thả súng xuống đất. Xem như xong. Chỉ còn cầu nguyện cho thằng cha chủ tiệm vàng đừng chết.”
“Tao không biết cầu nguyện,” Pryor nói, trong khi hai người cảnh sát trông còn rất trẻ mặc sắc phục tay để trên báng súng còn nằm trong bao len vào hàng thực khách vừa đi vừa đảûo mắt nhìn.
Nhanh như chớp Beemer rút súng quay người lại – Pryor cũng nhịp nhàng làm theo - chĩa vào hai người cảnh sát.
“Đứng lại,” Beemer ra lệnh.
Hai người cảnh sát đứng phắt lại, tay vẫn để trên báng súng. Phòng ăn im phăng phắc. Có tiếng kêu. Bà mẹ và cô con gái mặt tái xanh.
“Dông!” Beemer bảo Pryor.
Pryor với tay lấy cái hot dog và nửa gói khoai tây chiên còn lại
Hai người cảnh sát đứng yên, quan sát. Beemer và Pryor tiến ra cửa, hai mũi súng không rời hai người cảnh sát. Ra khỏi cửa Beemer và Pryor giữ thế bảo vệ nhau lùi dần đến chiếc Nissan. Hai người cảnh sát không đuổi theo, không bắn. Trong tiệm quá đông người.
“Mày vào xe trước đi,” Beemer bảo Pryor. Hắn đi qua phía bên kia mở cửa xe, súng vẫn lăm lăm chĩa vào tiệm. Hắn nổ máy xe, nhìn vào kính chiếu hậu. Hai người cảnh sát đã ra khỏi tiệm ăn, súng cầm tay. Trước xe là một cái cản bằng xi măng sơn đỏ cao chừng hai mươi phân tây. Bên kia là một hàng xe. Hắn tính đường tẩu thoát.
Hai người cảnh sát ra lệnh gì đó. Hắn không nghe rõ. Hắn sợ muốn đái trong quần, chỉ muốn đứng tim. Hắn cho xe chạy tới. Bụng xe cạ nhẹ vào cái cản rồi vượt qua. Xe gì của hắn mà lo. Hắn cho xe len vào giữa hai chiếc xe một mini van và một mui trần hiệu gì không biết lấy đường chạy. Beemer nhìn Pryor. Hắn cầm súng trong tay thò đầu ra ngoài bắn đoạn hậu. Cửa kính tiệm hot dog vỡ loảng xoảng. Bỗng một tiếng súng nổ đúng lúc Beemer quẹo phải. Viên đạn trúng mặt Pryor. Hắn chết ngay, đầu ngẹo ra cửa sổ xe. Beemer rấn hết tốc độ. Cái đầu của Pryor đập lộp bộp vào cửa xe.
Hai người cảnh sát lên xe, gọi máy. Beemer chạy trốn vào một con đường nhỏ vừa đủ sáng. Hắn cho hai bánh bên phải leo lên lề đường, đạp thắng ngừng xe, không tắt máy. Hắn với tay qua thân hình của Pryor mở cửa xe. Cánh cửa xe mở tung kéo theo thân mình của Pryor còn vắt qua cửa sổ. Beemer nắm áo Pryor, kéo lui cho cả mình hắn vào trong xe rồi đẩy mạnh xác ra ngoài. Xong hắn đóng cửa lại. Pryor nhìn Beemer trừng trừng bằng ba con mắt. Một con mắt mới trỗ.
Beemer lái xe chạy. Có ánh đèn và tiếng còi ụ sau lưng. Còn xa. Hắn quẹo trái, rồi quẹo phải không biết chạy đi đâu. Hắn cũng không biết rõ hắn đang ở đâu.
Loay hoay không biết bao lâu hắn đến đường Oakton, chạy hướng đông về phía đường Sheridan, dẫn ra đường Bờ Hồ, hồ Michigan.
Những người đi tản bộ trên đường Oakton tò mò nhìn xe hắn. Cái cửa dính đầy máu. Thì giờ đâu để rửa xe, và cũng không thể rửa trên đường. Hắn chạy vào đường Sheridan tìm một ngõ quẹo. May quá. Một lối cụt dẫn ra bờ hồ với tấm bản “ Cấm Tắm”. Đây là một công viên.
Hắn cho chiếc Nissan đậu vào giữa hai chiếc xe khác. Bấm mở thùng xe rồi nhảy ra ngoài. Trong thùng xe không có gì ngoài cái bị vải đầy đồ ăn cướp. Hắn đổ tất cả xuống sàn thùng xe, cầm cái bị vải, đóng cửa thùng, đi tìm nước.
Vài gia đình picnic muộn chưa về. Vài cặp tình nhân còn ngồi trong công viên. Beemer tìm được một vòi nước. Hắn nhúng hình Freud ướt sũng, mang về kỳ cọ cửa xe dính máu. Mặt Freud nhăn nhúm. Vết máu mờ dần. Hắn lật cái bị, ấn mặt Freud xuống, tiếp tục kỳ cọ. Trở lại vòi nước hắn xả máu rồi trở lại. Kỳ cọ. Xả. Ba lần. Cánh sửa sạch vết máu.
Freud giận dữ, mặt đỏ lòm dưới ánh đèn điện lờ mờ trong công viên.
Beemer mở thùng xe quẳng cái bị ướt vào. Chưa kịp đóng cửa thùng xe, hắn thấy có ánh đèn pha sau lưng. Cảnh sát! Ngõ cụt! Hắn chụp vội sáu, bảy cái đồng hồ và vài con vật nhỏ bằng vàng đút vội vào túi áo. Hắn chạy bộ vào công viên, về phía các tảng đá lớn nơi bờ hồ. Hết đường rồi sao? Vô lẽ đời ta kết thúc như thế này? Hắn bị kẹt giữa cảnh sát và bờ hồ đá cứng. Thật buồn cười! Nhưng không cười được. Hãy vội lên. Nhìn lui hắn thấy chiếc xe cảnh sát chạy vào chỗ xe hắn đang đậu.
Beemer đã thấy các tảng đá lớn nơi bờ hồ. Vài thanh niên còn nghịch ngợm leo trèo trên đó. Ngoài kia bầu trời tối đen, sóng xao nhè nhẹ, mặt nước hồ phẳng lặng không thấy bờ, mênh mông như một đại dương. Cuối cùng của vũ trụ. Không còn gì khác nữa. Hắn trèo xuống các bậc đá.
Ba thanh niên nhìn hắn.
Đừng nhìn tao, hắn cầu nguyện trong bụng, Tụi mày cứ chơi đi, và có ai hỏi thì nói láo dùm không thấy tao. Đừng nhìn tao nữa. Beemer núp sau một tảng đá thấp nhất. Mũi dày của hắn chạm nước lành lạnh.
Hắn tính quẫn tính quanh. Nước và đá. Trong túi còn có chút của cải tuy không nhiều nhõi gì. Nếu êm, ta bò sau những tảng đá, lên bờ, kiếm một chiếc xe khác, rồi tìm cách đi St. Louis. Tanner có thể trả vài trăm đô, cũng có thể hơn. Rồi làm lại. Ta sẽ kiếm một tên Pryor khác thay tên Pryor ngu xuẩn kia. Lần này ta không cho nó dùng súng nữa. Beemer biết hắn không thể làm ăn một mình.
“Các anh có thấy một người nào dưới đó không?” Hắn nghe qua tiếng sóng vỗ nhẹ vào đá.
“Ở dưới đó,” một giọng trẻ hơn trả lời.
Beemer không biết bơi. Đầu hàng hay cứ tìm cách lẫn trốn sau mấy tảng đá. Hắn do dự. Hai ánh đèn bấm chéo nhau từ trên bờ chiếu xuống.
“Đứng yên! Quay người lại và đi lên bờ,” một người cảnh sát ra lệnh.
“Hắn có vũ khí,” Beemer nghe một người khác nói.
“Lấy súng ra. Cầm súng bằng nòng. Và làm ngay.”
Beemer suy tính. Hắn sờ tay vào báng súng. Khẩu súng Glock yêu quí của nó. Bỗng một liều ba bảy cũng liều, hắn rút súng ra thật nhanh, tay để lên cò chĩa về phía có ánh sáng, tay kia bám vào đá.
Chưa kịp bấm cò hắn nghe một tiếng nổ, cảm thấy đau nhói nơi bụng và té ngữa ra, đầu chạm vào một viên đá khác. Hắn cảm thấy đau hơn bị đạn. Nhưng cảm giác mạnh nhất là nước lạnh như băng đang thấm dần vào cơ thể.
“Dave, anh có thể kéo nó vào không?” một người hỏi
“Tôi đang cố.”
Beemer nổi bềnh bồng trên mặt hồ, dập dềnh theo sóng, mặt nước đen sì. Mình đang nổi, hắn còn suy nghĩ được, mắt nhìn chùm tia sáng chiếu vào mặt . Trôi gặp thuyền, leo lên rồi tẩu thoát.
Hắn thấy bờ đá xa dần. Hắn không còn cảm thấy đau. Chỉ thấy lạnh.
“Tôi không kéo nó vào được.”
“Nó trôi dần ra xa. Hãy kêu tàu tới.”
Beemer nhìn lên bờ. Ngoài ánh đèn bấm hắn thấy nhiều người hiếu kỳ đứng trên bờ đá nhìn hắn đang trôi dần xa bờ. Hắn muốn đưa tay ngoắc từ biệt. Hắn đưa mắt tìm trăng và sao. Trăng và sao không còn đó nữa.
Tưởng giáp năm làm ăn suông sẽ. Không dè lại gặp vận xui.
Hắn nhằm nghiền mắt. Hắn nhớ lại hắn chưa bao giờ dùng khẩu Glock. Hắn cũng chưa bao giờ bắn một thứ súng nào cả. Biết đâu nếu bắn hắn đã tẩu thoát được. Biết đâu không bắn vẫn tốt hơn. Trời, khẩu súng đẹp quá.
Beemer cảm thấy buồn ngủ. Cõi vĩnh hằng.
  

No comments: