Saturday, September 8, 2012

TS. LÊ MỘNG NGUYÊN * XUÂN LÔI

Xuân Lôi : một nhạc sĩ vẹn toàn, một cuộc đời trong hai thế kỷ...
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên *


Trên Forum Vietsciences () trong tháng 10-2004 ... và để trả lời câu hỏi của một đồng bào ‘’internaute’’ : Có bao nhiêu người sáng tác tân nhạc VN hải ngoại ? nhạc sĩ dân tộc học giả Trần Quang Hải đã lập sổ những nhạc sĩ lão thành có tên tuổi trong lịch sử thi ca VN còn sống tại Pháp (Paris và lân cận) như Xuân Lôi (1917), Lương Ngọc Châu (1920), Trần Văn Khê (1921), Trịnh Hưng (1928), Mạnh Bích (1929) và... Lê Mộng Nguyên (1930), vân vân. Cuộc tương phùng giữa hai nhạc sĩ (tiền chiến) Xuân Lôi và Lê Mộng Nguyên cùng hai nhạc sĩ Trịnh Hưng và Mạnh Bích được thực hiện trong Chiều Văn Nghệ Maisons-Alfort ngày 21/08/2004 tại nhà đôi uyên ương nữ ca sĩ Minh Cầm và phu quân Tây Ban Cầm Phạm Đình Liên, với sự có mặt của thi nhạc sĩ Đỗ Bình và nhạc sĩ Trần Văn Toàn là đại diện cho giới văn nghệ trẻ ở Kinh Thành Ánh Sáng (x. Nghệ Thuật-Montréal số 127 Tháng 10-2004 : ... một buổi chiều văn nghệ rất hoàn hảo, thành công trên mọi mặt, với mục đích rút chặt dây thân hữu giữa các ca sĩ, thi nhạc sĩ điển hình giới văn nghệ thuật Paris). NS Xuân Lôi nhân dịp này có trao tặng tôi một bản lai cảo ‘’Hồi ký Nhạc Sĩ Xuân Lôi’’ viết ngày 15/06/2000, xong ngày 30/08/2001, dày 134 trang khổ lớn, toàn do tác giả tự viết bằng tay (đúng như ý nghĩa manuscrit của Pháp), chữ đẹp cứng rắn (hành văn bình dị rõ ràng), với nhiều chứng minh hình ảnh kỷ niệm cả một cuộc đời nghệ sĩ toàn vẹn nằm trong hai thế kỷ 20 và 21...
Giới thiệu Hồi ký nhạc sĩ Xuân Lôi cho bạn đọc trong và ngoài nước trước khi sách ra đời quả thật là một hãnh diện, một hạnh phúc, một hiếm có mà tác giả đã để dành cho tôi...


Xuân Lôi là một nhân vật phong thái, được trời phú cho nhiều tài năng, một người yêu nhạc đã bắt đầu học hỏi ngay từ lúc 6 tuổi (1923) trong không khí gia đình thấm nhuần văn học nghệ thuật vì thân phụ Phạm Xuân Trang là một nhạc sư biết nhiều nhạc và nhạc khí Trung Hoa tân và cổ điển. Theo tôi, Xuân Lôi trước hết là một nhà soạn nhạc lẫy lừng, tác giả 126 ca khúc trong đó Nhạt Nắng vang bóng một thời và Tiếng Hát Quê Hương, Giải Nhất năm 1958 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa VN, được Bộ trưởng Thông tin Văn hóa Trần Chánh Thành long trọng trao phần thưởng. Ba năm sau (1961), tác phẩm Bài Hát Của Người Tự Do của ông cũng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi sáng tác do Đài ‘’Tiếng Nói Quân Đội’’ tổ chức.

Ngày chủ nhật 07/04/1996 (trong khuôn khổ Chiều Văn Nghệ tại Hội trường Caillaux-Paris) với chủ đề ‘’Tiếng Hát Quê Hương’’, ông cho ra mắt sách ‘’Dạy đàn tranh’’ và nhất là Tuyển Tập Ca Khúc Xuân Lôi ‘’gồm 27 nhạc bản biểu tượng những sáng tác đầy màu sắc dân tộc dựa trên thang nhạc ngũ âm của Việt Nam’’ (Trần Quang Hải). Trước một cử tọa điển hình giới văn nghệ sĩ VN của Kinh Thành Ánh Sáng, Xuân Lôi biểu diễn tài năng nhạc thủ của ông thổ lộ tâm tình qua tiếng kèn Saxophone Ténor trong bài ‘’Nắng Trên Đồi’’, qua dòng nhạc uyển chuyển trong độc tấu đàn Bầu bài ‘’Hương Giang Mong Nhớ’’, qua tiếng đàn Xuânlôiphone trong ‘’Gió Hiền’’, qua độc tấu Banjo Alto nhịp nhàng và hùng mạnh trong bài ‘’Vui Ca Ra Đi’’, qua độc tấu Saxo Alto trong Take Five... Nhân dịp này, nhà thơ Minh Châu Thái Hạc Oanh đã hứng cảm tám câu, đề tặng :
Nhịp đàn lưu luyến thuở ban sơ
Vương vấn lòng ai mãi đến giờ
Năm bậc cung thương so lối phím
Mt đời yêu nhạc nắn đường tơ
Tha phương bỡ ngỡ vui cười gượng
Xứ lạ lạc loài buồn vấn vương
Tiếng hát quê hương tình cố quốc
Cảm tài Nghệ Sĩ tặng vần thơ...


Về sách dạy Tự Học Đàn Tranh của Xuân Lôi, nhà văn Trần Thị Minh Tâm có viết trên báo Xây Dựng (trang 115), ngày 22/04/1996 : ‘’Tôi đọc qua và nhận thấy anh đã dày công nghiên cứu cách áp dụng nhạc lý và các ký âm Tây phương vào việc học bài bản đàn tranh. Với một phương pháp giản dị, dễ hiểu, thêm vào đó một số bài tập về thủ pháp bàn tay trái (các cách nhấn, mổ, rung) và bàn tay mặt (cách chạy chữ hợp lý), anh đã thực hiện một quyển sách căn bản về đàn tranh cho những ai muốn tự học cây đàn này và áp dụng tiếng đàn tranh vào việc diễn tấu bài bản dân ca và tân nhạc... ‘’ Ngày Xuân Lôi & Xuân Tiên tổ chức vào thứ bảy 07/06/1997 tại San Jose (California) là một dịp cho hai anh em gắn bó trong tình huynh đệ và âm nhạc từ thuở nhỏ được tương phùng tại Hoa Kỳ, Xuân Lôi đến từ đất Pháp, Xuân Tiên từ Úc Đại Lợi xa xăm. Lúc tôi đến thăm hai vợ chồng Xuân Lôi-Mộng Ngọc (kết hôn năm 1955) ngày 16/09/2004 tại Clichy-La-Garenne ... tôi nhận thấy trong hàn huyên không bao giờ XL không nhắc nhở đến Xuân Tiên (sinh ngày 18/01/1921), tác giả ‘’... nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như : Chờ Anh Em Nhé, Chờ Một Kiếp Mai, Khúc Ca Ân Tình, Về Dưới Mái Nhà, Duyên Tình, Đường Lên Non , Đường Đi Lối Về và đặc biệt là nhạc phẩm bất hủ để đời là Hận Đồ Bàn... ‘’ (Nguyễn Toàn, Nghệ Thuật số 129 Tháng 12-2004) : Xuân Lôi và Xuân Tiên như hai mà một trong tình bào huynh bào đệ và thông thái nhạc âm. Năm 1942, Ban cầm ca của hai anh em Xuân Lôi (Banjo Alto)-Xuân Tiên (Clarinette) cùng với Paul Trí (Piano), Văn Thính (Trống), biễu diễn cho Đoàn Cải Lương Tố Như (do Lê Thiết làm chủ) vào Sài Gòn ‘’...

Chuyên chơi nhạc ngoài sân khấu, để khán giả thưởng thức trước khi mở màn và khi hạ màn để sửa soạn thay phong cảnh. Có lúc ban nhạc đệm cho ca sĩ hát tân nhạc cũng có khi chơi nhạc thêm cho họ hát những bài Tây Thi, Xàng Xê theo các điệu Hồ Quảng v. v. ‘’(Hồi ký). Kế đó, Ban nhạc theo Tố Như đi trình diễn ở Bắc Liêu, Dakao, Cần Thơ, Palicao (Chợ Lớn)...

Năm 1943, Dàn nhạc Lôi-Tiên lại theo Tố Như trở ra Hà Nội, đi Phát Diệm trình diễn rồi hai anh em qua làm cho Dancing Hollywood ở Hà Nội (sau khi làm thêm cho Tố Như vài tháng) để chơi nhạc cho lính Tây nhảy và giải trí, kế đó chuyển qua làm cho Dancing Victory cho đến ngày đảo chính Nhật (09/03/1945)thì anh em XL-XT làm việc cho Lucky-Star, chuyên chơi nhạc của Đế Quốc Mặt Trời cho quân lính Phù Tang khiêu vũ... Sau khi Nhật đầu hàng và quân đội Pháp trở lại muốn chiếm đóng VN như xưa, chiến tranh Pháp-Việt Minh bùng nổ, anh em XL-XT mở Phòng trà ‘’Lôi-Tiên’’ ở Phát Diệm (hồi ấy đã có 3 PT mà một trong đó là của Hoàng Trọng). Năm 1947, anh em họ Phạm Xuân lại di cư ở Đống Năm (gần tỉnh Thái Bình) và lập ban nhạc lưu động đặt tên là Ban Nhạc Lôi-Tiên (cùng với Xuân Khuê, Xuân Thư, Xuân Oai, Paul Trí, Tường Vi).


Sau đó, BNLT ngụ một thời gian tại Thái Nguyên , được Hoài Thanh trưởng Ban Văn Hóa Vụ (óc não của Việt Minh) tiếp nhận niềm nở, do đó 5 anh em họ Phạm được làm quen với các hội viên văn hóa như cụ Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Văn Tân, Tố Hữu, Thế Lữ, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đình Thi, các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ, Nguyễn Hữu Hiếu, Canh Thân, Lê Hoàng Long... Để tránh bom đạn máy bay Pháp, Văn Hóa Vụ dời đi Tuyên Quang, sâu vào khu rừng thẳm là nơi họ đã dựng nhiều nhà lá rất lớn để làm Trường Văn Nghệ dạy đủ mọi ngành (trong đó có Ca Nhạc Múa Hát, Kịch, Chèo, Vẽ... ). Xuân Lôi mới 33 tuổi (năm 1950) mà đã nổi tiếng (trong dịp này) là một nhà chuyên môn ghi nhạc Chèo theo lời hát... Ghi xong, ông đánh đàn và hát theo người hát. Những tài liệu này đều được Tô Vũ đem về Hà Nội cho lưu trữ tại Viện Âm Nhạc (x. sách xuất bản năm 1999 tại Paris : Tài Liệu Dân Nhạc Việt Nam- chèo cổ của Xuân Lôi) : ‘’Chúng tôi nhận dạy thổi sáo Trúc và lý thuyết về âm nhạc, và dạy hát v. v. Mỗi khi có cuộc họp hoặc cuộc vui nào là đã có ban nhạc anh em chúng tôi sẵn sàng...

 Tôi và Xuân Tiên lại nghiên cứu làm sáo 6 lỗ đến 10, 11, 12, 13 lỗ. Mười ngón tay đều có chỗ bấm, làm thêm lỗ là để cho có thêm nửa giọng, nếu bấm kiểu thì khó và chậm, bấm nửa lỗ thì tiếng kêu lúc bấm già bấm non không đúng tiếng mà còn câm tiếng. Sáo 10 lỗ còn chơi được các bài tân nhạc và các bài ngoại quốc. Sáo 11 đến 13 lỗ còn chơi thêm được các giọng thấp cho hợp với các bài Việt Nam. Các loại sáo kiểu mới từ 10 lỗ đến 13 lỗ đã làm đủ các giọng là : Do, Ré, Mi bémol, Fa, Sol, La Si... ‘’ Còn nhiều phát minh từ óc não hai anh em XL-XT là : sáo nhỏ 6 lỗ (Picolo), sáo đệm, đàn Violoncelle, Xylophone, Contrebasse (Mélobasse... ) toàn bằng các ống nứa lớn...

 Năm 1952, gia đình thoát vòng Việt cộng trở về Nam Định, XL-XT làm cho Dancing Văn Hóa (cùng với Đỗ Văn Ngọc, Xuân Tuấn, Văn Bính, Lê Chuyên) và 3 tháng sau trở về Hà Nội cùng với nhiều nhạc sĩ cộng tác mở nhà hàng lớn Dancing Le Coq d’Or tự mình làm chủ. Năm 1953, Xuân Tiên vào Sài Gòn chơi tân nhạc cho Cinéma Thanh Bình, mấy tháng sau với Xuân Lôi vào kinh thành miền Nam cùng chơi nhạc cho Dancing Kim Sơn dưới sự điều khiển của Trưởng ban Trần Văn Lý. Sau Kim Sơn, anh em XL-XT làm buổi tối tại Bồng Lai, Văn Cảnh, Mỹ Phụng, Kim Điệp và cộng tác với Đài phát thanh Pháp Á, Đài Sài Gòn, Đài Tiếng Nói Quân Đội, Đài Tự Do... Năm 1954, Xuân Lôi nhận làm Trưởng Ban 3 Ban nhạc của Đài Sài Gòn chuyên về : Jazz, Tango, Valse, Java, Boston, Paso-Doble, Rumba, ChaChaCha, Mambo, Samba v. v.


 Ông nhận điều khiển thêm ban nhạc Hương Xa chuyên môn chơi nhạc ngoại quốc (hát lời Việt) và hòa tấu nhạc mỗi tuần. 1955 : XL kết hôn với Mộng Ngọc (sinh hạ ba con : Phạm Xuân Dũng-1956, Phạm Xuân Giao-1957 và Hương Duyên-1958, tất cả đều là nghệ sĩ, nhạc sĩ biết chơi nhiều thứ đàn như Piano, Organ, Saxo Alto, Trompette, Batterie, Đàn Tranh hoặc Hát, đóng Kịch... ). Nhạc trưởng XL cùng Ban nhạc của ông thành công mỹ mãn trong những chuyến đi ra mắt tại Lào (1955), Thái Lan (1956), Phi Luật Tân (1961)... Năm 1967, Xuân Lôi nhận làm cho nhà hàng Maxim’s trình diễn (như Casino de Paris, Moulin Rouge) Văn Nghệ Ca Vũ Nhạc Kịch do Hoàng Thi Thơ đạo diễn. Dưới chế độ Cộng sản, trong khuôn khổ Văn Nghệ Ca Nhạc Múa Dân Tộc, Xuân Lôi điều khiển ban nhạc Bến Thành, chơi nhiều đàn như kèn Clarinette, Saxophone Alto, Flủte, Violon, nhận lời mời của ban Cải lương Minh Tơ trong 2 tháng rồi trở lại Bến Thành chơi Trống, Guitare Basse, kèn Trombone à coulisse...

Đồng thời Xuân Lôi nghiên cứu sáng chế một cây đàn rất đặc biệt gọi là Xuânlôiphone xong ngày 20/07/ 1976 mà nhân dịp nhạc sĩ Nguyễn Tùng đã viết trên báo Tin Sáng (17/10/1979) : ‘’Làm đàn Xuânlôiphone phải lựa chọn hơn 50 ống lon sắt. Âm thanh lấy mẫu của Diapason làm chuẩn... Khui đầu hộp lon đặt úp xuống mặt gỗ có nỉ lót, đầu que có miếng cao su trồn như cái khuy. Đàn XLP xếp theo thang âm ngũ cung... Do, Ré, Mi-bémol, Sol, La và hàng thứ hai cũng có nửa cung. Hàng thứ ba thêm có Nốt Si và Nốt Fa... Đàn có thể chơi được từ bài chậm cho đến bài nhanh, chơi được đủ loại nhạc và còn vuốt được... ‘’ Sau khi chính thức định cư tại Pháp với gia đình từ ngày 02/11/1987, đàn XLP được chỉnh đốn lại ngày 31/12/1991 và nhà phát minh đã tặng Viện Bảo Tàng Nhân Chủng (Musée de l’Homme) ở Paris 2 ống sáo 10 và 13 lỗ (mà chúng ta đã nói trên) ngày 15/10/1991 và cây đàn Xuânlôiphone ngày 22/03/2001 tận tay Bà Giám đốc Lucie Rault ký nhận cùng viết thư biết ơn : ...

Viện Bảo Tàng Nhân Chủng trân trọng gửi đến Ông Xuân Lôi những lời cảm ơn nồng nhiệt : tặng vật này sẽ làm cho phong phú thêm những đồ sưu tập của Phân bộ Nhân chủng Nhạc học. Nhạc sĩ Xuân Lôi (như chúng ta đã biết) là một nhạc thủ lão luyện ngay từ thuở ấu thơ. Ông đã xử dụng dễ dàng tính đến 27 nhạc cụ : Mandoline, Banjo Alto, Violon, Guitare Hawaĩenne, Guitare basse, Contrebasse, Basson, Batterie, Cimusical, Xylophone, Vibraphone, Organ, Piano, Baryton, Trombone à coulisse, Trompette, Clarinette, Clarinette Basse, Saxophone Alto, Saxophone Ténor, Flủte, Sáo Trúc, Đàn Nguyệt (Đàn Kim), Đàn Nhị (Đàn Cò), Đàn Tam, Đàn Tranh, Đàn Bầu. Tương tự phần đông các nhạc sĩ, ông cũng là một nhà thơ, tác giả ‘’Hạc Vàng Trong Nắng Chiều’’ (xuất bản chung với Nắng Chiều 1 của Hoàng Minh Tâm, Paris, 1997) mà cụ Song Thái Phạm Công Huyền đã khen ngợi : ‘’Tập thơ của ông (Xuân Lôi), gồm mọi thể thơ, đã nói lên đủ mọi tình ý, nào nhớ nước thương nòi, nào nền hiếu thảo nếp gia phong, nào tập quán dị đoan, nào tả cảnh, tả người, lại còn đi vào đạo pháp nữa, thực là hoàn toàn đầy đủ ‘’... : ‘’Về làng xưa gợi thêm nhớ mãi / Vui sống trong thanh bình / Đồng rung nay đẹp màu xanh tươi / Vang khúc ca yêu đời.’’ (Về Làng Cũ)... Bốn câu điển hình thật nhẹ nhàng như một Bức Tranh Quê của Anh Thơ.

XUÂN LÔI là ai ? Sinh tại Hà Nội trong một gia đình dòng dõi cầm kỳ thi họa : Thân phụ Phạm Xuân Trang là người sáng lập một ban nhạc Trung Hoa (cùng với các bạn đồng liêu có tiếng tăm hồi ấy) thường đi trình diễn các nơi... lúc nào cũng đem theo Xuân Lôi mới 6 tuổi năm 1923 mà đã biết chơi nhạc cụ cùng những nhạc bản nước Tàu. Gia đình ở Bạch Mai (ngoại ô Hà Nội) gồm có 6 anh em trai, theo thứ tự : Phạm Xuân Thư, Phạm Xuân Oai, Phạm Xuân Lôi, Phạm Xuân Tiên, Phạm Xuân Khuê, Phạm Xuân Tuấn. Tất cả mọi người đều là nhạc thủ hoặc nhạc sĩ (thường chơi nhạc với nhau trong dàn nhạc Lôi-Tiên) : anh cả Xuân Thư theo học nhạc Tây phương tại Conservatoire Hà Nội, cùng với Nguyễn Văn Diệp (Violon), Nguyễn Xuân Khoát (Violoncelle và Contrebasse), Paul Lành (Violon)...


Qua những dòng trên, độc giả đã ý thức về Xuân Lôi là một nhạc sĩ đa tài, đa cảm : XL không những là một nhà soạn nhạc lừng danh mà còn là một nhà phát minh nhạc cụ có biệt tài, mộât nhạc thủ hầu hết mọi thứ đàn (ông đã chơi đàn Contrebasse với Orchestre trong phim L’Amant của Jean-Jacques Annaud năm1991 và chơi đàn cùng điều khiển Ban Âm Nhạc cổ phong VN trong phim L’odeur de la Papaye Verte-Mùi Đu Đủ Xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng năm1992), một nhà ghi nhạc theo lời hát, một nhà thơ giàu tình quê đất nước, một nhạc trưởng đầy kinh nghiệm...

 Ông đã hành nghề từ thuở nhỏ cho tới nay (2005) được cả 82 năm trời... Thời đại Xuân Lôi nằm trên hai thế kỷ 20 và 21 còn dài hơn triều đại của Đại-đế Louis XIV ở Pháp (vua lên ngôi lúc 5 tuổi năm 1643, mất năm 1715, sau 72 năm trị vì), vì Xuân Lôi là một nhạc sĩ vĩ đại trong tinh thần, quyết chí trong nghề nghiệp, hiên ngang trong sự tiếp tục dày công cho nền văn học nghệ thuật nước nhà càng ngày càng lẫy lừng, càng ngày càng tươi sáng :
Rừng xanh tấu khúc nhạc vàng
Yến oanh ríu rít hòa vang góc trời
Quê hương xa tít mù khơi
Vắng nghe ‘’Nhạt Nắng’’ đời vơi nỗi sầu
Mộng Ngọc nghĩa nặng tình sâu
Xuân Lôi tài đức vẹn câu đá vàng
(Thơ Đỗ Bình, nhân lễ mừng thượng thọ Nhạc sĩ Xuân Lôi ngày 24/06/2000 tại Viện Pháp Việt Paris-Quận 5).
Lê Mộng Nguyên (Paris, Mùa Xuân Ất Dậu, 2005)
* Giáo sư Hàn Lâm Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị (Đại Học Paris
  


No comments: