Sunday, September 2, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * HOÀNG HẬU NGỌC HÂN

                    Hoàng hậu Ngọc Hân
                      Nguyễn Thiên Thụ
    
   Hầu hết sử gia và nhà văn học sử Việt Nam đều gọi bà là Công chúa Ngọc Hân, riêng tôi gọi là Hoàng hậu Ngọc Hân. Tôi theo thuyết chính danh của Nho gia và phương pháp sử vì bà đã là hoàng hậu của vua Quang Trung cho nên không thể gọi là công chúa, vì công chúa là danh hiệu của bà trước khi lấy chồng. Sở dĩ các sử thần triều Nguyễn gọi bà là công chúa bởi vì họ không muốn công nhận Quang Trung là một vị hoàng đế. Họ ghét vua Quang Trung cho nên phế bỏ tất cả danh xưng, danh hiệu liên quan đến vua Quang Trung và nhà Tây Sơn. Để gọi nhà Tây Sơn, họ gọi là Ngụy Tây,Ngụy Huệ, Ngụy Nhạc v.v.. Tại sao ta lại theo chân sử quan nhà Nguyễn một cách vô ýthức như thế?

        Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước (1802), dân chúng khắp nơi truyền tụng câu ca dao:
                                       Gái đâu có gái lạ lùng,
                              Con vua lại lấy hai chồng làm vua.
                                Hoặc:
                                        Gái dâu có gái lạ đời,
                                Con vua lại lấy hai người làm vua.
Và người ta nghĩ rằng câu trên ám chỉ Hoàng hậu Ngọc Hân, bởi vì Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển tông, vâng lệnh vua cha kết tóc xe tơ cùng vua Quang Trung rồi sau lại lấy vua Gia Long! Ngọc Hân là con thứ 21 và là con gái thứ chín của vua Lê Hiển tông. Thân mẫu của Công chúa là bà phi Nguyễn Thị Huyền, quê ở làng Phù Ninh, tổng Hạ Dương, tỉnh Bắc Ninh. Công chúa vâng lệnh vua cha kết duyên cùng vua Quang Trung năm bính ngọ ( 1786), lúc này công chúa vừa mười sáu tuổi. Khi  Quang Trung lên ngôi, Công Chúa đuợc  phong làm làm Hữu cung hoàng hậu ( Bắc cung hoàng hậu) trong khi bà vợ chánh Phạm Thị, mẹ Quang Toản được phong chánh hậu.  Sau bao năm ân ái mặn nồng, bà sinh hạ vài trai gái mà tất cả tuổi còn thơ dại.:
                 ‘Còn trứng nước thương vì đôi chút’( Ai Tư Vãn)
 Năm nhâm tí ( 1792) , vua  Quang Trung mất, bà đau khổ làm văn tế vua Quang Trung và sáng tác Ai Tư Vãn những tác phẩm rất có giá trị trong văn học Việt Nam.
        Truyền thuyết dân gian cho rằng sau khi  đánh tan quân Tây Sơn, giết tuyệt con cháu Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh nạp bà Ngọc Hân làm hậu phi ( triều Nguyễn không lập hoàng hậu). Đó là thuyết ‘ nhất kính chiếu luỡng vương’ ( hai vua soi một gương). Cùng với thuyết này, Nam Phong tạp chí với bài Ngọc Hân Công Chúa dật sự ( Nam Phong Tạp chí, số 103, 1926), nói về tiểu sử bà Ngọc Hân. Bài này có hai phần. Phần đầu chép như trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí nói về việc bà vâng lệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ và đưọc phong làm Hữu cung hoàng hậu. Phần thứ hai chép như sau về sự việc sau khi Gia Long lên ngôi vua:
        Dòng dõi nhà Tây Sơn đều không còn sót một ai. Công chúa Ngọc Hân vì
        là con của vua Lê đuợc khỏi nạn, năm ấy đã đưọc 32 tuổi mà nét đẹp
        xinh về dung sắc của công chúa vẫn chưa hề suy giảm.
        Vua Thế tổ bổn triều nhà Nguyễn( Gia Long) để yên công chúa Ngọc Hân ở
        một dịch đình( ngôi đền bên cạnh), cho người hầu hạ cung phụng. Bày tôi
        của vua Gia Long có người cho rằng công chúa Ngọc Hân là vật dư thừa của
        Tây Sơn mà can gián vua. Vua Gia Long bảo:
            ‘Lãnh thổ và nhân dân ngày nay không có một món gì là không phải
        vật thừa dư của Tây Sơn thì mới làm sao?’
            Về sau vua Gia Long cho công chúa Ngọc Hân về Bắc theo quê quán của
        mẹ ở Bắc Ninh cho đến lúc lâm chung.
                Xét lại công chúa lúc còn nhỏ thì làm con gái vua, lúc trưởng thành
        làm hoàng hậu, kế theo làm hoàng thái hậu, niềm vinh diệu mt đời công chúa
        có thể nói là cùng tt. Đến ngày xế bóng, công chúa Ngọc Hân không khỏi
        lưu lạc( nơi quê mẹ), tưởng rằng công chúa lúc ấy án theo nay mà nhớ lại
        xưa, há chẳng áo não mà than thở cho tạo vật đã trêu người, chẳng có việc
        gì là không đến đuợc, mà phát sinh nỗi cảm khái vô biên chăng?  (1)

    Nhiều người đọc bài trên cho rằng bà Ngọc Hân đã sống chung với vua Gia Long, đó là hiểu sai. Theo bài này, vua Gia Long có ý định thâu nạp bà nhưng bà không ưng thuận, cuối cùng vua Gia Long phải để bà sống ở dịch đình ( trí chi dịch đình) là một nhà khách, và cuối cùng để bà trở về quê mẹ. Nếu bà đồng ý sống với vua Gia Long thì bà phải ở trong một cung nào đó chứ không ở dịch đình, và bà đã ở lại chứ không lui về quê mẹ! Nên nhớ rằng ngày xưa một khi đã bước vào cung làm phi tần rồi thì không bao giờ đuợc trở ra ngoài nữa ngoại trừ vua cho phép hay thải hồi!

 Bác sĩ Hồ Văn Châm, một nhà nghiên cứu tại Canada, cho rằng ông mắt thấy hai bản phả hệ hoàng tộc bằng quốc ngữ và bằng hán văn . Bản phả hệ hoàng tộc bằng quốc ngữ nói rằng bà Ngọc Hân tái giá cùng vua Gia Long, và sinh hạ một số hoàng tử. Nhưng ông Hồ Văn Châm cho rằng thuyết này không đúng bởi vì dây là một bản quốc ngữ, có thể dịch sai hoặc hiểu sai nguyên văn chữ hán. Bác sĩ Hồ Văn Châm viết
    . .. cuốn ngọc phả bản quốc ngữ của Tôn Nhân Phủ đã khẳng định Công Chúa
        Lê Ngọc Hân là mẹ đẻ của Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương?
         Xin thưa ngay rằngcuốn gia phả này là bản quốc ngữ, không phải bản Hán
        văn, lại không phải do Quốc Sử Quán biên soạn mà là tác phẩm phiên dịch
        của Tôn Nhân Phủ từ bản Hán văn cũng của Tôn Nhân Phủ mà ra. Mà bản
        Hán văn này thì trong các chương nói về Quảng Oai Công và Thường Tín
        Quận Vương đã viết rằng mẹ các ngài là Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển
        Tông nhà Hậu Lê. Cái lối hành văn cổ điển bằng  Hán tự thì có khi nào nêu
        rõ tục danh đâu. Mà tác giả bản Hán văn khi viết rằng mẹ các ngài là Công
        chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê đã chắc đâu muốn khẳng định
        rằng đó là Công Chúa Lê Ngọc Hân. Biết đâu tác giả bản Hán văn muốn nói
        đến một nàng Công Chúa Lê Ngọc khác,cũng con Vua Hiển Tông nhà Hậu
        Lê? Mà điều này thì những người phiên dịch ra quốc ngữ đã không hề hay
        biết, lại thêm nặng tinh thần tân học, viết lách trình bày chuyện gì cũng
        muốn tách bạch rõ ràng nên đã phiên dịch cụm từ "Công Chúa Lê Ngọc con
        Vua Hiển Tông" thành "Công Chúa Lê Ngọc Hân con Vua Hiển Tông" theo
        sở kiến chủ quan củamình (2).

        Bác sĩ Hồ Văn Châm nói đúng.Ngày xưa vì tôn kính( kiêng húy), sử đôi khi không chép rõ tên họ các nhân vật. Ví dụ Nguyễn Du chỉ dược ghi là Tiên Điền hay Nguyễn Tiên Điền. Còn đàn bà thì ít khi đuợc ghi tên. Đại Nam Liệt Truyện khi viết về Quảng Oai công, và Thường Tín Công chỉ viết đơn sơ là con thứ 10 và con thứ 11 của Thế tổ và Đức Phi họ Lê(3).
        Bà Ngọc Hân là một tác giả quan trọng trong văn học Việt Nam và lịch sử Viêt Nam cho nên được nhiều người nghiên cứu. Phần đông đều  chấp nhận năm sinh của bà là 1771. Có nhiều tài liệu khác nhau về bà Ngọc Hân , tựu trung có những tài liệu chính như sau:
    1.Không nói gì hoặc nói rất sơ lược về cuộc đời bà, nhất là không đá động đến cái chết của bà, đó là trường hợp Ngô Thời Chí trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Nghiêm Toản trong Việt Nam Văn Học Trích Yếu.
    2.Không biết rõ năm sinh năm mất, đó là Trần Văn Giáp(4).
    3.Bà Ngọc Hân và các con trốn thoát. Đại diện khuynh hướng này là Hồ Hữu Tường. Ông viết:
        Ngọc Hân  công chúa dắt Quang Thiệu vào Nam, mẹ con đổi tên họ, Quang
        Thiệu sau lập đạo là đuợc người đời tôn là Phật Thầy, và họ Hồ chúng tôi,
        thờ hai chữ kế Thế trong nhà, là dòng dõi của Quang Thiệu(5).
3.Bà Ngọc Hân và các con trốn không thoát, bị hành hình. Nhiều nhà văn trình bày nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng bà trốn về Hải Dương(6) , sau mẹ con bị tố cáo rồi bị đem ra hành hình. Có thuyết nói bà đem hai con trốn vào miền quê Quảng Ngãi ít lâu sau bại l, bị bắt đem về Huế xử tam ban triều điển. Thanh Lãng cũng,theo thuyết này, và ông cho rằng Lê Ngọc Hân mất năm 1803(7) .
4. Bà mất trước 1802.
Thuyết này cho rằng bà đã chết trước khi Nguyễn Ánh thống nhất dất nước nên không thể có việc bà tái giá cùng vua Gia Long. Hoàng Thúc Trâm cho rằng bà mất năm kỷ mùi (1799) vì ông căn cứ vào Dụ Am văn tập của Phan Huy Ich với năm bài văn tế Vũ Hoàng hậu, do Phan Huy Ich viết thay cho vua Cảnh Thịnh, các con gái vua Quang Trung, Phù Ninh từ cung( mẹ bà Ngọc Hân). Họ hàng nhà cựu Lê và bà con ở Phù Ninh(8).
Phạm Văn Đang , Nguyễn Văn Sâm và Phạm Thế Ngũ đều theo ý kiến này.
 Theo thiển kiến, thuyết của Hoàng Thúc Trâm e không ổn vì:
- 1.Tục lệ Việt Nam, khi con mất, cha mẹ không làm văn tế. Người ta làm văn tế cho những bậc trên đã khuất, chứ không làm văn tế cho người dưới. Thương con, cha mẹ có thể làm văn, thơ khóc con mà thôi.
- 2. Quang Trung mất năm 1792, Quang Toản lên ngôi lúc 10 tuổi, hiệu là Cảnh Thịnh, tất nhiên sau 1792, Phạm thị, mẹ ruột của Quang Toản phải được tôn là thái hậu, chứ không phải là hoàng hậu. Bà Ngọc Hân nếu không được tôn là thái hậu thì cũng phải đuợc gọi bằng một danh xưng nào tương xứng chứ không thể gọi là hoàng hậu. Vua Thái Đức mất 1793, con là Nguyễn Bảo được phong Hiến công. Vậy hoàng hậu chỉ là vợ của Cảnh Thịnh ( lúc này Cảnh Thịnh 17 tuổi). Phan Huy Ich là môt nho gia đời trước, tất nhiên không thể dùng danh từ bừa bãi, không phân biệt hoàng hậu với thái hậu.

        Phan Thúc Trực, một nhà nho sống buổi cuối Lê đầu Nguyễn, tác giả bộ Quốc Sử Di Biên, đã cho ta một vài chi tiết về Tây sơn và bà Ngọc Hân.
Phan Thúc Trực viết rằng tháng năm năm nhâm tuất (1802), quân Nguyễn Ánh đánh miền Bắc, quân Tây Sơn tan rã, anh em Nguyễn Quang Toản chạy về mạn Lạng giang, rốt cuộc Nguyễn Quang Thùy tự tử, bọn Võ Thám bắt anh em Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu dâng đại quân, và dâng bà phi Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua. Ngọc Bình là chị em với Ngọc Hân công chúa, vợ vua Quang Trung, đuợc vua Gia Long thâu nhận làm đệ tam cung, sinh hạ Quảng Oai công(thứ 12) và Thường Tín công(thứ 14) Lê Văn Duyệt thường nói hoàng thượng thường dẫn tích Ngụy Báu và Bạc Cơ để giải đáp nghi vấn.  Còn bà Ngọc Hân sau khi Tây Sơn mất, lui về quê mẹ là làng Phù Ninh, và mất tại đây sau ngày 21 tháng năm năm giáp tí(1804), Một viên hàng thần đang nhận chức quan tại Đông ngạn xin phép nhà vua làm tang lễ cho công chúa, đuợc nhà vua chấp nhận.. Dân làng Phù Ninh lập từ đường thờ cố công chúa . Như vậy,phải chăng bà là công chúa vua Lê, lại đuợc em là Ngọc Bình can thiệp nên vua Gia Long tha tội chết cho bà sau khi đã giết chết con bà?
         Theo các sử liệu do Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình công bố, Ngọc Bình công chúa là chính Cung Hoàng Hậu của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản chứ không phải vợ vua Quang Trung như Quốc Sử Di Biên. Chúng ta còn phải nghiên cứu thêm về vấn đề này. Theo tài liệu ty Thông tin Văn hóa Nghĩa Bình, Ngọc Bình và Quang Toản cùng  sinh năm 1783. Có lẽ tài liệu này đã viết theo các phúc trình của các giáo sĩ Longer và Le Labousse gửi cho Phái bộ Truyền giáo Nam Hà đã ghi chép . Như vậy khi  Ngọc Bình bị bắt và giao nạp nội  cung, bà mới hai mươi tuổi, là tuổi  son trẻ xinh tươi, trong khi bà Ngọc Hân đã 32 tuổi, chưa già nhưng cũng không còn xuân sắc. Chúng ta có thể kết luận rằng câu ca dao truyền tụng trong dân chúng là đúng và người con gái có một số phận đặc biệt, con gái vua, lấy hai chồng cũng làm vua đó là hoàng hậu Ngọc Bình , em gái cùng cha mẹ với hoàng hậu Ngọc Hân.

      Chú thích:
 1. Ngọc Hân Công chúa Dật Sự .Nam Phong tạp chí, số 103,  1926.Tạ Quang Phát dịch. Sư Địa số 13, 120-123
 2. Hồ Văn Châm, Công Chúa Đông Đô.  Bên Kia Bờ Đại Dương , số 33 tháng 6- 2001. http://vanhoa.novelcity.com.
3.  Đại Nam Liệt Truyện, q.2,tr. 61-62.
4. Trần Văn Giáp. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam. KhoaHoc Xa HI, Ha NI, 1971,tr.330.
5.  Hồ Hữu Tường, Phân Trần. Hòa Đồng, số 4, ngày 23-1-1965,tr.2.
6.  Hồ Văn Châm, op.cit.
 7. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử.  q.2,  Quốc Học Tùng Thư, Sàigon, 1969. tr . 243; Thanh Lãng, Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Q.1.  Trình Bày, Saigon, 1967,tr.572.
8.  Hoàng Thúc Trâm, Quốc Văn Đời Tây Sơn. Vĩnh Bảo, Sàigon, 1950,tr.

                                                           Nguyễn Thiên Thụ

No comments: