Monday, September 3, 2012

ĐỖ QUYÊN * PHÙNG CUNG

Phùng Cung: thơ, văn, con người và thời cuộc

5 0 0
share0 15 0 bình luận ♦ 27.07.2012




Tản Đà – Thi nhân số 1 của nước Nam trong thế kỷ trước – từng viết “Có văn có ích có văn chơi”. Với Phùng Cung, nhất định không phải là “văn chơi” rồi; Nhưng “có ích” tới mức nào thì phải nói rằng cho đến tận hôm nay, chúng ta vẫn có thể còn chưa thấu nổi? Cũng như thế, vẫn chưa thể thấu nổi giá trị đích thực nơi các trang văn cùng văn phận của các tác giả trong “cái nạn văn nghệ tập thể” lớn nhất nền văn học Việt Nam hiện đại: Nhân văn Giai phẩm.
Từ khi truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh ra đời trong báo Nhân Văn số 4, tháng 10/1956, tên tuổi và văn nghiệp – vinh cùng nhục – của Phùng Cung đã khăng khít với nó. Khiến giới độc giả thưởng lãm văn chương cũng như giới chính quyền muốn kiểm soát văn chương, dường như đều coi Phùng Cung chỉ là con-ngựa-già mà thôi. Điều đó không sai, nhưng hoàn toàn chưa đủ.
Hơn 15 năm qua, ở trong và ngoài nước, đã có nhiều cố gắng đáng kể trong việc “giải mã hồ sơ” Nhân văn Giai phẩm. (Mời xem thêm Phụ lục)
Nổi tiếng nhất là một khảo cứu rất công phu và hệ thống mang tên Vụ Nhân văn Giai phẩm: Một trào lưu dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành (viet-studies.info 5/7/2012) của nhà văn Lê Hoài Nguyên (tức Thái Kế Toại) – “nguyên đại tá công an, công tác tại A25, chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa” – lần đầu tiên được công bố trên nhiều trang mạng cá nhân ở Việt Nam vào tháng 8/2010. Và tên tuổi Phùng Cung cùng với thơ, văn của ông cũng được soi sáng lên bội phần.
Bài tổng thuật này mong có một cái nhìn nhanh, vừa bao quát vừa cụ thể, về các sáng tác văn thơ của Phùng Cung, qua trích dẫn một số bài vở phần lớn từ các tác giả ở ngoài nước, tính đến tháng 1/2008. Nhân dịp lần đầu tiên có cuộc tọa đàm thơ Phùng Cung vào ngày 28/6/2012 tại Hà Nội và tập thơ Xem Đêm được in lại (Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam), người viết đã tu chỉnh, cập nhật một số đường dẫn tin, bài quan trọng khác.

I. Con người thời cuộc của Phùng Cung
Trước hết, hãy theo cùng lời kể của anh Phùng Hà Phủ, con trai của nhà thơ Phùng Cung:
Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7 năm 1928 (Mậu Thìn) tại Kim Lân, Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Yên. Là con trưởng của một gia đình đông con và giàu có. (…) Khi lên chiến khu, bố tôi (…) làm công tác văn nghệ, cùng sống và làm việc với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… cho đến khi hòa bình lập lại (1954) thì cùng với cơ quan Hội văn nghệ về tiếp quản thủ đô Hà Nội. (…) Ông nội tôi rất lo lắng vì gia đình sợ đang bị quy là thành phần địa chủ cường hào. (…) Trong một lần kết hợp đi công tác, bố tôi có tìm lên thăm và những mong gặp mặt để tiếp tế cho cụ. Nhưng tới nơi thì được một người bạn tù già cùng lán với cụ, chưa kịp nói câu nào vội vã dẫn bố lên khu đồi trọc phía sau trại giam và chỉ cho bố lùm đất mà ngọn sắn làm dấu mới héo lá. Quá bất ngờ trước cái chết của cụ, bố tôi quay ngay về Hà Nội, bố rất buồn, suy nghĩ nhiều và tránh mọi sự tiếp xúc với bên ngoài.
Năm 1956 (…) Ông Nguyễn Hữu Đang đến gặp và bảo bố tôi tham gia viết bài. Truyện Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh đăng trên báo Nhân Văn ngay sau đó. (…) Cũng khoảng thời gian này, bố tôi bị đình chỉ công tác để làm kiểm thảo. (…) Sau khi khám nhà và tịch thu toàn bộ sách vở, tài liệu, bố tôi bị đưa ngay vào giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đó là tháng 5 năm 1961. Kể từ ngày đó mãi cho đến thời gian chuẩn bị ký hiệp định Paris (1973), tức là 12 năm sau, bố tôi mới được tha về nhà. (…) Nhớ lại theo bố tôi kể ‘khi xảy ra chuyện” (…) cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc ‘đấu tố’. (…) ông Trần Dần là người đứng lên ‘tố’ để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị ‘tố’ là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác – Tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Đảng cộng sản như: Dạ Ký, Chiếc Mũ Lông, Quản Thổi, Kép Nghế…
(…) Và đúng sau thời kỳ ‘đổi mới’ này, công an Hà Nội mặc dù vẫn thường xuyên đến thăm hỏi nhưng với tinh thần và thái độ thì cởi mở, xem ra thân thiện hơn trước. (…) Tập thơ Xem Đêm được in ra có phần cổ vũ, trợ giúp không nhỏ về tài chính của ông [Nguyễn Hữu] Đang và sự nhiệt tình của ông [Phùng] Quán. Ngoài ra cũng phải kể đến sự quý trọng và can thiệp trong khâu kiểm duyệt bài của nhà thơ Quang Huy, giám đốc nhà xuất bản đồng thời là người viết tựa cho cuốn sách này.”
(Trích lược bài Nhà thơ Phùng Cung, talawas.org 10/5/2004, trong sách Phùng Cung, truyện và thơ, Nxb Văn Nghệ, California, 2003)
Phùng Hà Phủ hoàn thành các dòng trên tại Hà Nội, vào ngày 9/5/1998 trong dịp giỗ đầu cha của mình, và tin giao cho bác sĩ Lâm Thu Vân ở Montréal vào năm 1999 khi anh tới đó tu nghiệp (Ít lâu sau, về nước anh đã qua đời!) Hồi năm 2002-2003, chúng tôi cũng có chút cơ duyên biết đến việc thu thập và biên soạn cuốn sách quý này đã khó nhọc mà kỳ diệu dường nào! Tập sách có 11 truyện ngắn được Phùng Cung viết trước ngày vào tù, trong thời kỳ bị đấu tố, và 35 bài thơ được sáng tác trong thời gian tù ngục.
Nhà văn Lữ, một người bạn cũ của nhà thơ vì “không muốn anh Phùng Cung bị rơi vào quên lãng”, đã có bài ký Cây cau của Phùng Cung (talawas.org 11/9/2007):
“Anh bạn tôi nói: “Tôi thường lên mạng đọc sách, cảm thấy dường như người ta đã quên nhà văn Phùng Cung.” Đã lâu lắm, tôi không theo dõi văn học, tưởng lòng mình không còn quan tâm đến văn, thơ nữa. Bây giờ nghe anh bạn nói, thì gương mặt của anh Phùng Cung lại hiện ra trước mặt. Tôi hiểu, đây không phải là chuyện văn chương, mà là chuyện con người. Anh Phùng Cung, trong buổi nói chuyện với tôi, mấy tháng trước khi mất, là một con người cương nghị và đầy lòng nhân hậu. (…) Phải ngồi với anh, nghe anh kể chuyện tù đày, thì mới hiểu được phần nào hai chữ “bỏ qua” anh vừa dùng. Anh nói: “Tôi sợ tù đày vô cùng.” Anh nói đến đó rồi dừng lại, như để hồi tưởng những cực hình anh đã trải qua trong các trại giam, suốt thời gian mà sức sáng tác của một nhà văn đương hồi dồi dào nhất. Anh nói tiếp: “Cái sợ nhất là khi người ta chà đạp lên nhân phẩm của mình. Sợ lắm.” Anh xúc động, dừng lại. Rồi đột nhiên anh ngồi thẳng lên, quắc mắt nhìn về phía trước: “Nhưng cần phải nói lại những gì tôi đã nói năm xưa, tôi sẽ không đắn đo, ngần ngại gì cả!”
Còn nhà ly khai Nguyễn Minh Cần đã nói như sau ở Lời giới thiệu mang tên Những hạt ngọc bày ra ánh sáng của cuốn sách trong dịp tái bản năm 2004:
“(…) hồi đó, Phùng Cung đã đóng một vai thật khiêm tốn: anh chỉ góp vẻn vẹn một truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh (…). Nhưng kẻ cầm quyền đã trừng trị anh tàn bạo hết nước. Vì họ suy đoán ‘Con ngựa già Kim Bông’ và ‘Chúa Trịnh’ là những ‘biểu tượng hai mặt’ ám chỉ ‘đám văn nô-bồi bút’ và ‘Đảng lãnh đạo tối cao’ tiếm quyền!’ (…) Sách “Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản”, do Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành (…) là một sự kiện lớn đối với nền Văn học Nghệ thuật nước nhà. Người viết không nói ngoa khi dùng chữ ‘lớn’ để định tính cho sự kiện này. Vì, trong số tác phẩm chưa hề xuất bản của Phùng Cung sắp ra mắt bạn đọc, có lắm “hạt ngọc” hiếm thấy trong văn chương đương đại của nước ta..”
Tình tiết này được nhiều báo chí hay nhắc về con người Phùng Cung giữa thời cuộc trớ trêu của Việt Nam nửa cuối thế kỷ trước: Hai thi sĩ Phùng Cung và Nguyễn Chí Thiện từng quen nhau ở trại tù Phong Quang và trở thành cặp bạn thơ. Lần ấy, Nguyễn Chí Thiện hỏi thẳng Phùng Cung: “Anh có hối hận vì theo Đảng kháng chiến chống Pháp không?”, Phùng Cung bèn đáp liền: “Theo Đảng thì tôi hối hận, còn đi kháng chiến chống Pháp thì không!”

II. Thơ Phùng Cung
Tập thơ Xem Đêm (dcvonline.net 15/5/2005) gồm hơn 200 bài thơ lấy đối tượng thi ca là phong cảnh quê hương tù túng và tình cảm của người nông dân mộc mạc, được in ở Việt Nam ngay từ năm 1995. Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang đã coi Xem Đêm là “tập thơ đáng trân trọng (…) trong đó có những bài đáng coi là kiệt tác”. Được dùng làm Lời giới thiệu cho tập thơ, Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem Đêm (vannghe.free.fr) là một bài phê bình tận tình về phong cách, tận ý về học thuật của Nguyễn Hữu Đang lần đầu tiên cho văn giới thấy rằng, Phùng Cung xứng đáng là một thi sĩ độc đáo và xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại; ngay cả chưa cần đến cái danh Con ngựa già mà thời thế buộc vào ông. Bài này được bạn đọc ở ngoài nước biết đến nhiều, và vẻ như chưa được giới phê bình và dư luận yêu thơ ở Việt Nam chú ý thích đáng.
Với riêng chúng tôi, các bài thơ Bèo, Gặp thu, Mùa nước mắt, Cua đồng, Ðêm chợt nghe…đều có thể nằm trong tuyển chọn các bài thơ hay của thi ca Việt Nam.
Bài Bèo nổi tiếng nhất, như “tuyên ngôn sống” của thi sĩ:
Lênh đênh muôn dặm nước non Dạt vào ao cạn Vẫn còn lênh đênh
Bởi đó là một trong các số mệnh nối dài từ Nguyễn Du:
Phận bèo bao quản nước sa Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. (Kiều; câu 2019-2020)
Nhà văn Nam Dao, người đã có nhiều quan hệ văn hữu với các văn sĩ của Nhân văn Giai phẩm, đã viết:
“Lá súng lát mặt ao đốm ngọc Con sộp phàm vồ hão Bóng hoa lay Lá tre rụng Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch Tiếng cuốc bèo da diết” (Gọi Ngày Mai)
Đố con sộp là con gì? (…) Sộp: Sang, tỏ ra nhiều tiền và hào phóng. Khách sộp, Vớ được món sộp. Thế thì con sộp là cái quái gì? Từ điển im như hến. Vậy xin mách, sộp, danh từ, là một loại cá sống trong ao. Còn phàm. Dễ thôi. Con Mực phàm ăn vồ hão cục xương. Nhà thơ phàm danh vồ hão những con chữ trống trơn. Nhưng thôi, cho tôi quay về với thơ, không chơi trò chiết tự nữa. Đầu tiên, phải nể cái kho chữ Phùng Cung. Chữ thôn dã, nhưng anh nâng lên thành một vẻ đẹp hồn nhiên, chẳng khác cái duyên thầm không tô son điểm phấn, mà sao nét cười quanh vành nón cứ vấn víu lòng ai. (…) Quay lại cấu trúc thơ, dẫu câu có cắt ra 3 hay 4 chữ, ta vẫn dễ dàng nhận ra gốc gác Đường thi. Nhưng trong thơ Phùng Cung, ngôn ngữ và hình ảnh thuần ca dao, nâng cái đẹp chân quê lên mức hết sức trang trọng với mặt ao đốm ngọc, hoàng hôn đỏ gạch. Và không chỉ có cái đẹp hình thức, nhà thơ đột nhiên để tiếng cuốc bèo da diết gọi Ngày Mai nói thay cho lòng mình, tức là chuyển đi cái nội dung mà thơ hay văn, bất kể hình thức nào, cũng cần có để sống còn với thời gian. Anh Cung, tiếng cuốc trong thơ anh chắc cũng đau đáu cái nỗi đau con quốc quốc của Bà Huyện Thanh Quan. Nhưng chỗ tụ lửa trong tâm hồn anh, tôi đồ, vẫn là Ngày Mai anh viết hoa. Và anh vẫy gọi. Da diết gọi. Nhưng Ngày Mai ở đâu? Và bao giờ, hở anh? (…)
Đọc Xem Đêm, tôi nói với anh [Hoàng] Cầm, tôi chưa hề thấy Phùng Cung mang thù hận vào thơ. Anh buồn và xót xa. Nhưng anh vẫn nhân hậu. Anh vẫn trong trẻo. Thậm chí độ lượng. Anh Cầm giơ tay xoa mặt, mắt đờ đẫn nhìn vào khoảng không choãi về phía nơi quá khứ còn nương náu. ‘Nhưng có hoạn nạn’, anh Cầm cao giọng,’ thì Cung nó mới có thơ hay như vậy!’ Anh cười…”
Đoạn trên trích từ bài Phùng Cung, Thơ và người (amvc.free.fr) được viết vào năm 2004 để “Kính viếng Phùng Cung Phùng Hà Phủ”.
Trong tuyển tập Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản có thêm tập thơ Trăng Ngục. Và đây là nhận xét của Nguyễn Minh Cần, cũng trong cuốn sách này:
Qua tập Trăng Ngục, bạn đọc nghe rõ tiếng khóc da diết của một con tim chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc lầm than, xót xa trước bi kịch của quê hương. (…) Lời thơ Phùng Cung nhẹ nhàng, thanh thoát, trang nhã, ý nhị, sâu thẳm và giàu hình tượng, với những ngôn từ chắt lọc, sắc cạnh, đặt đúng nơi đúng chỗ, đem lại cho người yêu thơ nỗi xúc động bàng hoàng và nhiều khoái cảm đê mê. Bài Trăng Ngục – mà tác giả dùng làm nhan đề cho tập thơ – chỉ có hai mươi tám chữ, mà vô cùng xúc động. Bài thơ ghi lại một hoạt cảnh nhỏ của cuộc sống trong xà lim chật chội, tối tăm, lạnh lẽo, hôi hám – giữa đêm khuya tĩnh mịch, ánh trăng lọt qua song sắt vào tận ngục thăm nhà thơ, lúc đó đang lơ mơ ngủ, bỗng anh chợt tỉnh và lặng người đi vì xúc động (…) Bài này, theo tôi, đáng coi là một tuyệt tác!
‘Trăng qua song sắt Trăng thăm ngục Bỗng ta chợt tỉnh – sững sờ Trên vai áo tù Trăng vá lụa Ngày xưa ơi! Xa mãi đến bao giờ.’
Còn có thể nói rất nhiều nữa về thơ Phùng Cung, nhưng thiết tưởng với chừng ấy cũng đủ để bạn đọc thấy chúng ta đang có trong tay những di sản quý báu của thi ca nước nhà. Chỉ riêng việc những vần thơ này được trân quý, bảo trọng còn lại cho đến ngày nay và tới tay bạn đọc đã là một điều kỳ diệu!”
Ngay từ năm 1996, nhà văn Lê Minh Hà đã nhận định trong bài Phùng Cung, đời người, đời chữ (talawas.org 23/7/2003) đăng lần đầu trên tạp chí Diễn Đàn:
“Trong gối vọng tiếng ru Lắng tai mới rõ Tiếng tóc mình chuyển bạc.’ (Ðêm chợt nghe)
Phùng Cung, ở mặt này của hiện thực, đã đạt tới độ sâu sắc chưa từng thấy trong thơ ca Việt Nam mấy chục năm đổ lại đây. Thơ ông nói rất giỏi, rất giản dị về cái nghèo, cái lam lũ, cái thanh sạch và cam chịu cho đến giờ vẫn thống trị nông thôn Việt Nam. Thật khó tìm trong diện mạo thơ hôm nay những nét thơ này nếu không phải là chỉ có ở một thơ Phùng Cung. Thơ Phùng Cung là thứ thơ kiệm chữ, phảng phất gợi nhớ Tanca, Haiku của Nhật. Thơ ấy buộc mỗi chữ phải ở thế thăng hoa. Xem Ðêm đạt tới độ ấy: tứ không lộ và chữ thì như nhập hồn. (…)
Bằng phong cách đoạn tuyệt với nền thơ đương thời mà vẫn chất chứa cái hồn cốt của thơ Việt Nam muôn thuở, chắc chắn thơ Phùng Cung sẽ làm thiên hạ tốn không ít giấy mực và thời gian…”

III. Văn Phùng Cung
Nếu thơ Phùng Cung là “người” Phùng Cung, thì văn trong truyện ngắn của ông còn hơn thế nữa. Nó quyện chặt đến mức không thể phân biệt đâu là con người cá nhân, đâu là con người trong thời cuộc bi tráng mà văn nghệ sĩ Việt Nam từng trải. Và khác với thơ có những bài tuyệt hay, có không ít bài chưa hay, còn hầu hết truyện ngắn Phùng Cung khá hài hòa, đạt mẫu mực giữa nghệ thuật ngôn từ và nội dung tư tưởng.
Không kể truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh đã trở thành biểu tượng, chúng tôi muốn minh họa ý trên bằng hai truyện khác: Mộ pháchVán cờ khai xuân..
Đây là đánh giá của Lữ trong bài đã dẫn:
Đối với tôi, truyện hay nhất, tài tình nhất của nhà văn Phùng Cung (…) là truyện ‘Mộ phách’. Trong truyện này, anh kể về một người con trai, con của một cặp vợ chồng nghệ sĩ, cố thuyết phục cha mẹ bỏ hẳn việc đàn phách. Anh nói: ‘Bố mẹ bình tĩnh nghĩ xem, việc làm lạc hậu ấy, nó kìm hãm bước tiến của con. Có lẽ đâu gia đình của một quân nhân cách mạng lại như vậy. Bố mẹ vẫn tự cùm mình trong thành phần tiểu tư sản nông thôn. Con chậm kết nạp Đảng là vì vậy: là vì cây đàn!’ Cuối cùng, vì thương con, người bố chấp nhận bỏ cây đàn đáy, nhưng không nỡ tự tay mình hủy hoại bảo vật đại diện cho nghề tổ vẫn thường được đặt trên bàn thờ. Người cha nói: ‘Thôi! Mày đập đi Thuyên ạ!’ Nhưng khi nghe tiếng cây đàn bị đập nát trước cửa bếp thì: ‘Ngoài sân, ông Chản bưng tai như nghe sét đánh, liêu xiêu bước ra ngõ – Bà Chản thoái dạ, ‘Ối!’ lên một tiếng – Trống ngực rộn rã như xẩy chân từ trên cao xuống, mắt hoa lên, mọi vật trước mắt quay cuồng, bà Chản phải chống hai tay xuống đất để giữ được thế ‘cóc vái giời’. Bà cố định thần để nhận biết việc xẩy ra đã xẩy ra. Bà cúi mặt khóc rấm rứt. Nước mắt đứt, nối, kéo dài cả một quá khứ tiêu tan trong giây lát. (…) Mong rằng những ai xem qua bài này, sẽ tìm đọc truyện ‘Mộ phách’”.
Nguyễn Minh Cần cũng cho rằng:
Truyện ngắn ‘Mộ phách’ là một trong những truyện hay. (…) Cái kết thúc bi thảm của cuộc đời bác phó Lâm hé cho người đọc thấy điều tác giả gởi gắm trong truyện là cái Tuyệt Mỹ, Lương tâm Nghề nghiệp, Nghệ thuật Chân chính khó mà tồn tại trong một xã hội vừa độc tài vừa gian dối. Cả trong văn chương trào lộng, Phùng Cung cũng tỏ rõ tài nghệ của anh. Mũi nhọn châm biếm đâm thẳng vào bộ mặt giả dối của kẻ cầm quyền và lũ nịnh thần, lũ ‘trọn kiếp bút nô’ chuyên nghề ‘múa lưỡi’, ‘cưỡng bức ngữ ngôn ngợi ca tội ác’… Trong các truyện ngắn, văn chương trào phúng của Phùng Cung thật độc đáo, lắm lúc đề cập đến những đau thương của người dân bằng một giọng văn châm biếm, ngây ngô, làm người đọc phải vừa cười vừa trào nước mắt. (…) Đọc Phùng Cung, ta thấy rõ anh là một cây bút có trách nhiệm. Bút pháp của anh nhẹ nhàng, trôi chảy, nhưng nghiêm túc, giàu hình tượng, với những ngôn từ sắc cạnh, chắt lọc, cân đo, đặt đúng nơi đúng chỗ, rất đạt. (Lời giới thiệu cuốn sách)
Với Ván cờ khai xuân, Lâm Thu Vân đã viết lời dẫn khi truyện được đăng lại trên báo Văn Nghệ ở Úc châu:
Phùng Cung, một cây viết trẻ của Nhóm Nhân văn Giai phẩm vào thời điểm 1954-1960, đã mượn truyện này để nêu lên vấn đề đàn áp văn nghệ sĩ thời bấy giờ. Vì sự kiểm duyệt quá khắt khe và sự trừng phạt rất nặng nề đối với các nhà văn nào có can đảm chỉ trích sự độc tài của nhà cầm quyền, Phùng Cung phải gói ghém sự chỉ trích này trong câu chuyện ông Ba Thiềng – người cha gian lận khi đánh cờ với thằng Văn, đứa con mới lên mười nhưng rất thông minh, nước cờ cao hơn bố. Ông Thiềng không chịu nhường địa vị độc tôn của mình cho ai vì thế khi bị chiếu bí và bị lật tẩy mưu mô gian lận, ông thẳng tay dập tắt bằng vũ lực sự bất phục tùng của kẻ đối thủ nguy hiểm – dù kẻ đó là con đẻ của mình, dù kẻ đó là một trẻ thơ, hằng ngày phục dịch trà, nước, đèn đóm. Ông không chấp nhận nó nói sự thật:
‘- Thằng mất dạy này! Thằng khốn kiếp này! Mày cho là bố mày ăn gian à?
- Còn gì nữa!’
(…) Chẳng những trong truyện Ván cờ khai xuân, mà trong tất cả những truyện khác của Phùng Cung, chúng ta đều thấy bút pháp độc đáo của tác giả.”

*

Hy vọng độc giả sẽ hiểu biết thêm về con người và văn nghiệp Phùng Cung, qua việc trích cuốn sách Phùng Cung, Truyện và Thơ Chưa Hề Xuất Bản cùng các bài ký của những nhà văn hiểu biết về vấn đề Phùng Cung.
Để nói gọn về nhà thơ, nhà văn Phùng Cung – một nhân vật của vụ Nhân văn Giai phẩm – có thể qua đánh giá sau của Nguyễn Minh Cần:
Văn thơ của Phùng Cung là tiếng nói của một nghệ sĩ chân chính, đệ tử trung thành của Chân, Thiện, Mỹ. Vì chuộng cái Chân, Phùng Cung không hề quay mặt trước sự thật, anh dám nói lên sự thật về số phận đầy đau thương của những người dân bình thường dưới chế độ ‘phong kiến mới’ với những bạo hành, sắt máu và chính anh thật tình đau nỗi đau của họ. (…) Vì trọng cái Thiện, Phùng Cung đã bộc lộ rõ ràng cái tâm trong sáng của anh, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê, thương dân da diết, lòng nhân ái, tinh thần nhân bản sâu đậm của anh. Vì quý cái Mỹ, tác giả xót xa trước tình trạng Nghệ thuật Chân chính bị chà đạp khi sự dối trá và ngu dốt lên ngôi, tác giả đau buồn trước sự vùi dập thô bạo đối với truyền thống Nghệ thuật của dân tộc. Và ngay trong văn thơ của mình, tác giả cũng luôn luôn cố gắng tối đa để làm nổi lên cái Đẹp. (Sách đã dẫn)
Mời mỗi chúng ta dùng câu thơ tim óc của Phùng Cung để thắp nén hương lòng mỗi khi nhớ tới thi sĩ “tài cao phận thấp” ấy của văn chương và thời cuộc Việt Nam:
“Sứ mệnh thơ ơi! Trong sáng tuyệt vời!”

Vancouver 1/2008 – 24/7/2012



PHỤ LỤC
1. Một số tin, bài về Phùng Cung với Tọa đàm thơ Phùng Cung 28/6/2012, Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội:
+ Phạm Toàn: Những con chữ hiện lên từ đáy chén trà; lethieunhon.com 29/6/2012
+ Nguyễn Thụy Kha: Nắng trong thơ Phùng Cung; nhathonguyentrongtao.wordpress.com 27/6/2012
+ Thanh Thanh: Phùng Cung: Xem đêm, xem số phận; vov.vn 29/6/2012
+ Hà An: Tọa đàm thơ Phùng Cung: ‘Xem đêm’ giữa ban ngày; evan.vnexpress.net 2/7/2012

2. Hai loại nhận định mới nhất và “có thẩm quyền” về Nhân văn Giai phẩm:
+ Lê Hoài Nguyên [Tài liệu đã dẫn]:
“Nhân văn Giai phẩm trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954-1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông (1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn, Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới-Chuyện Sinh Viên, Văn… và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng… do khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội, bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân văn Giai phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản, cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước… (…)
Để có thể xem xét vụ Nhân văn Giai phẩm một cách thỏa đáng không bị ràng buộc về khía cạnh vụ án chính trị, tôi chọn cách nhìn nó với tư cách là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học.”
+ Hữu Thỉnh [Về đổi mới văn học - Đề cương thuyết trình tại khoá tập huấn lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; Hội đồng Lý luận Trung ương, Ninh Bình 10-13/7/2012]:
“Phục hồi sinh hoạt Hội cho một số nhà văn tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm; Phục hồi hội viên: Phan Khôi, Tr­ương Tửu; Phục hồi sinh hoạt cho các nhà văn bị treo bút và đình chỉ sinh hoạt có hạn định: Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm;
Cần nói rõ là việc phục hồi sinh hoạt và trao giải th­ưởng Nhà nư­ớc cho một số nhà văn nói trên là căn cứ theo Điều lệ Hội, chứ không phải là xét lại Vụ Nhân văn Giai phẩm. Vụ Nhân văn Giai phẩm không phải là ‘Vụ án văn nghệ’ mà là ‘Vụ án chính trị phản động’ theo thông báo của Ban Bí thư­ số 250-TB/TW, ngày 11/4/1991. Tại phiên toà xét xử ngày 19/1/1960 của Toà án nhân dân Hà Nội, trong bản luận tội Tòa án ghi rõ ‘đây là vụ án gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành’” (tapchinhavan.vn 12/7/2012)
+ Lê Quang Trang [Bùi Công Thuấn – Một cái nhìn toàn diện; Ghi chép về Lớp tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cho 31 tỉnh phía Nam; Hội đồng Lý luận Trung ương, Đồng Nai 18-21/7/2012]:
“(…) đề cập đến các hoạt động của Hội Nhà văn, như phục hồi cho Phan Khôi, Trần Dần, Lê Đạt, Trương Tửu, Phùng Quán, Hoàng Cầm, xác định lại Nhân văn Giai phẩm là vụ án chính trị gián điệp mà một số nhà văn có dính líu. (phongdiep.net 24/7/2012)

No comments: