Sunday, September 2, 2012

ĐAN HÀ * HIẾU ĐỆ & VÕ PHƯỚC HIẾU

Đọc " Niềm Đau Bạc Tóc "
Tập truyện của Hiếu Đệ và Võ Phước Hiếu


             Đan Hà -

        Tháng Tư năm nay ( 30.4. 2005), kỷ niệm ngày mất nước là nỗi đau buồn chung của dân tộc Việt Nam. Nỗi đau này sau 30 năm vẫn còn nguyên vẹn với lòng người phân hóa! (Người miền Bắc còn say men chiến thắng, nên đã xem mọi giá trị của con người đều nằm dưới bạo lực! Người miền Nam đã mất hết tất cả mà vẫn chưa được yên thân, còn bị các thế lực vô minh tước đoạt, kể cả lãnh vực tâm linh, nơi chốn để nương tựa mỗi lần bị phong ba bão táp).
    Nhìn lại mà lòng vẫn còn buồn... Nhưng tôi may mắn được đền bù bằng một quà tặng, mà khi đón nhận tôi rất đổi vui mừng và biết ơn.
    Tuần trước, tôi gởi thư đến Nhóm Văn Hóa Pháp Việt để mua cuốn sách "Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại 4" vừa mới phát hành. Tuần sau nhận sách và nhận thêm một cuốn do anh Võ Phước Hiếu gởi tặng: Tập truyện "Niềm Đau Bạc Tóc" của Võ Phước Hiếu và Hiếu Đệ.
    Thật là một vinh hạnh vô cùng và một ngạc nhiên đầy thích thú. Vì có nhiều chi tiết ly kỳ mà tôi chưa từng thấy.
    Thứ nhứt là tập truyện gồm hai tác giả đã thành danh lại viết chung. Thường thì người ta lấy tựa một truyện nào đó làm tựa đề cho sách, nhưng ở đây, tựa sách không có tên một truyện ngắn nào trong tuyển tập cả. Tôi hình dung như người xưa thường nói: Cảm nhận tất cả nỗi đau sầu sẽ thấy tóc bạc (đa sầu bạch phát); hay diễn tả một khía cạnh khác, sau đó sẽ thấy đối tượng (vẽ mây nẩy trăng). Về thơ, thường in chung với nhau nhưng truyện thì ít khi thấy. - đây lại là tập truyện của hai nhà giáo và đều là những người đã một đời đam mê văn học nghệ thuật.
    Cho nên tôi xin ghi lại những cảm nghĩ sau khi đọc tập truyện, để chia xẻ cùng bạn đọc cũng như cám ơn hai tác giả đàn anh đã dành cho tôi nhiều ưu ái.
    Tập truyện "Niềm Đau Bạc Tóc" gồm có 7 truyện ngắn. Hầu hết những chuyện đều diễn tả lại nếp sinh hoạt của Sài Gòn/Chợ Lớn vào thời kỳ đổi đời" sau năm 1975. Thỉnh thoảng trở về với giai đoạn từ sau ngày chia đôi đất nước 1954-1975 tuy ngắn ngủi nhưng tôi muốn dừng lại ở giai đoạn này thật lâu. Vì đây là những hoài niệm đáng nhớ, những kỷ niệm rất đẹp của tuổi thần tiên mà thế hệ chúng ta đã sống qua. Còn lưu lại trong lòng mọi người một giai đoạn tuyệt vời nhứt, chưa phai.
    Cho nên đôi khi tôi có ý nghĩ, bây giờ ai muốn hoài niệm, hay về thăm Sài Gòn, thì nên trở về với giai đoạn này mới thấy được tất cả nét tinh túy của nếp sống thực của Sài Gòn bằng hồn quê và tình nước. Cùng nếp sinh hoạt của xã hội trong thời kỳ phục hưng, trong đó thuần túy với văn hóa của dân tộc, bắt nguồn từ sự giáo dục và xây dựng xã hội mới. Đã tạo nên nếp sống đặc thù của người dân tại Thủ đô Sài Gòn, khi không còn bóng dáng ngoại xâm.
    Do đó mà hầu hết các truyện đều thể hiện tính trung thực, đôi chỗ như tự truyện. Nhưng lại bao hàm những vấn đề lớn của đời sống con người.
    Như về lãnh vực tâm linh, chẳng hạn, nó đã xảy ra một cách bình thường trong đời sống chúng ta, nhưng không ai có thể lý giải được. Như những việc cầu cơ, bói bài, chiêu hồn, cúng kiến, hay những điều linh thiêng ở những nơi thờ tự... Tất cả đều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, mà dưới thời nào cũng vẫn thịnh hành, như một tập tục địa phương của xã hội muôn đời. Đôi khi cảm thấy như một hấp lực đã tạo nên một nếp sống đặc thù của miền Nam Việt Nam.
    Mở đầu là chuyện "Con Hổ Đình Xóm Củi" của Hiếu Đệ. Tác giả kể lại chuyện anh Hai Dậu xuất thân người Xóm Củi, nhà anh ở trước cổng đình. Tuy ít học, nhưng nhờ thời cơ nên nghề in ấn của anh phất lên như diều gặp gió. Anh cứ nghĩ việc làm ăn của mình được phát đạt là nhờ địa linh phong thủy của đình Xóm Củi. Nên anh có ý sửa sang sơn phết đình làng lại để tạ ơn Thần Hoàng Thổ Địa.
    Việc nầy tương đối dễ thực hiện, vì anh có một người em kết nghĩa là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. Anh Hai Dậu nhờ đắp cho anh một pho tượng Con Hổ để dựng trước cổng đình. Vì việc rất quan trọng, nên thủ tục và chọn ngày khởi công rất chu đáo. Như việc đo đạc, nhắm hướng, mời các thầy bùa chú làm buổi lễ khởi công...
    Về nghệ thuật, tác giả kể như sau:
    "Mỗi ngày, Văn Thu lái xe vào Thảo Cầm Viên để xem con hổ thức dậy, đi lui đi tới. Anh ta ghi chép rất nhiều động tác trong sổ ký họa. Tượng giống y con hổ thật, rất hùng dũng, đang bỏ bộ đi tới để săn mồi. Tác giả rất đắc ý với pho tượng con hổ này" (Trang 15).
    Nhưng sau khi bức tượng hoàn thành, Văn Thu mời Ban Hội Tề và đám thầy cúng ở đình Xóm Củi lại xem để nhận hàng. Thì bỗng nhiên thấy họ lắc đầu và bảo không giống con hổ Đình Xóm Củi! Sau đó họ về thuê thợ hồ trong xóm đắp một con hổ khác để thay thế. Vậy mà bức tượng nầy trở nên có thần mới lạ.
    Như lời kể của chị Tư bán rượu ở góc đình:
    "Ông Hổ này linh lắm đó nghen. Mấy ông đừng có đùa giỡn mà bị ổng quở bây giờ!" (Trang 17).
    Thế mới biết câu "phép vua thua lệ làng" là vậy. Nhờ thế mà suy ra một điều về việc an sinh xã hội, cần phải dung hòa giữa phép vua và lệ làng mới đem lại hạnh phúc an vui cho nhân quần. Cho nên nhìn lại chế độ Cộng sản vẫn còn thất bại trong việc lãnh đạo nước nhà, vì không biết dung hòa giữa luật pháp và nguyện vọng của người dân.
    Tuy điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu bị thất vọng vì không đáp ứng yêu cầu của dân làng, nhưng cũng được những lời an ủi của người bạn cùng nghề nghiệp và là tác giả truyện này rằng:
    "... Đây là một sản phẩm đặt nặng về tín ngưởng. Vị trí của mình không phải là con người tín ngưởng thì chớ có đụng đến cái vụ này" (Trang 16).
    Thật là chí lý, vì địa hạt nghệ thuật rất khác với lãnh vực tâm linh.
    Còn pho tượng Con Hổ đầy nghệ thuật của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thì năm sau bán cho Tướng Đặng Văn Quang để ở cổng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Vùng Bốn Chiến Thuật. Cũng như chi tiết mấy người đạp xích lô đã khấn nguyện tại Đình Xóm Củi, sau đó được trúng số nên họ đã đem lễ vật đến lễ tạ cũng như sơn phết lại pho tượng Con Hổ. Nhưng nhóm đạp xích lô này ngày xưa thuộc Thủy Quân Lục Chiến nên họ đã vẽ lại hình dáng Con Hổ vằn vện như quân phục của người lính.
    Và đoạn kết câu chuyện là những chi tiết đáng nhớ, theo lời kể của chị Tư bán rượu thì Đình Xóm Củi sẽ bán cho Đại Hàn để làm nhà máy xay lúa. Chắc mai mốt y ban Nhân dân Xóm Củi sẽ đuổi dân đi chỗ khác chơi quá!
    Với một lời than:
    "Con Hổ Đình Xóm Củi còn bị đuổi, đừng nói chi đến con người chúng ta!" (Trang 19).
    "Sau Đêm Văn Nghệ" (Hiếu Đệ).
    Kể lại những tháng ngày trong các trại cải tạo của hầu hết "ngụy quân ngụy quyền" của Miền Nam phải gánh chịu. Nhiều chi tiết đề cập đến thân phận của "cải tạo viên" đầy những chuyện cười ra nước mắt, nhất là câu chuyện "sau đêm văn nghệ".
    Nhân ngày kỷ niệm Quốc Khánh, ban quản trại cho phép các cải tạo viên được tổ chức đêm văn nghệ để cấp chỉ huy xem xét trình độ học tập của cải tạo viên đi đến đâu. Nghe vậy, tất cả trại viên đều rất mừng vì nghĩ rằng đây là cơ hội để chứng tỏ cho lãnh đạo biết đến khả năng học tập của chúng ta. Mặc dù anh em cũng đã được anh Tám Cà Mau, vị quản giáo có gốc gác người Miền Nam nên rất thương tình, kể lại những câu chuyện hồi "Cải Cách Ruộng Đất" ở miền Bắc để báo động cho anh em nên cẩn thận đối với Cộng sản!
    Nhưng ai cũng tự tin với khả năng văn nghệ của mình, dựng nên vở kịch khen ngợi sự khoan hồng của chế độ, với hy vọng sẽ chiếm được cảm tình của lãnh đạo. Không ngờ đâm ra "phản tuyên truyền" vì lưỡi không xương của cán bộ muốn bẻ cong sao cũng được.
    Thế nên ban diễn kịch đều bị làm kiểm điểm... Đây là một bài học nhớ đời! Một bài học tâm lý về người Cộng sản, họ luôn đổi trắng thay đen như trở bàn tay, nên cho dù người có khôn ngoan đến mức nào, mà không biết thâm ý của họ thì vẫn "bé cái lầm" là cái chắc.

    "Bác Thầy Hù" (Võ Phước Hiếu).
    Sau ngày đổi đời, nhân vật xưng tôi và vài người trong khu phố, bàn tính với nhau xây dựng một tổ hợp hớt tóc, để có công ăn việc làm hầu tránh bị đưa đi kinh tế mới. Cơ sở thì đã có anh Hai Hoàng cho mượn phần phía trước căn nhà anh đang ở để làm cửa tiệm. Nhưng vấn đề còn lại là không có ai biết nghề.
    Cuối cùng đành phải mời một bác hớt tóc dạo. Và chính bác Hai Nhím là một nhân vật đặc biệt, đã có một quá khứ tài hoa. Một nghệ sĩ chân chính. Nhưng bác cũng đã chứng tỏ một thợ hớt tóc rành nghề, đã giúp cho tổ hợp đứng vững; cũng như sau này, bác đã tìm đường vượt biên và đã hướng dẫn cho một số người.
    Bác đã kể lại cuộc đời của bác:
    "Tôi đã sống một thời với người nghệ sĩ thực sự vì đam mê, thực sự vì nghệ thuật để gần cuối cuộc đời thấy mọi ước mơ đều bay vút phũ phàng vào hư ảo... Mà ở đời, một khi trong lòng người, hy vọng đã tắt ngủm thì quả thực như bác thường nói với tôi, họ không còn lẽ sống nào có ý nghĩa nữa cả... Nghĩ đến đây, tôi thương bác Hai Nhím biết ngần nào!" (Trang 96).

    "Họa Sĩ Văn Đen (1919-1988)" (Hiếu Đệ).
    Chuyện kể về người bạn, cũng là một họa sĩ tài ba, một chiến sĩ chống Pháp, với nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng tấm lòng đối với tha nhân thì luôn tràn đầy.
    Họa sĩ Văn Đen có tham gia kháng chiến chống Pháp trong thời gian cuối thập niên 1949, nhưng lại xuất thân trong một gia đình gốc điền chủ. Ông bị đấu tranh giai cấp nên trở về thành, sau đó lại sợ mật thám bắt nên tìm cách trốn qua Pháp, xin vào học trường Đại Học Mỹ Thuật (Paris). Nhưng Văn Đen chỉ ở Pháp có ba năm thôi, vẽ được thành tranh rồi thì anh bỏ về nước. Trước đó, anh đã có văn bằng của trường Thanh niên Thể Thao của Pháp:
    "Chính bằng Thể Dục Thể Thao đưa Văn Đen lên nắm Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong và cũng lực lượng Thanh Niên này đưa anh ta lên nắm Tiểu đoàn Dương Văn Đen để đánh Pháp. Nhưng Văn Đen không phải giai cấp của con người Cộng sản..." (Trang 100)
.
    "Con Sao Chiếu Mạng" (Võ Phước Hiếu).
    Chuyện kể trong những ngày Sài Gòn hấp hối! "Từ lúc tiếng súng nổ ngày càng gần nơi xóm tôi ở..." đến những cảnh hổn loạn nhất, những người phục vụ trong chánh quyền Miền Nam thì tìm cách di tản, người đi tìm thân nhân thất lạc, những cảnh đi hôi của tại những cửa hàng bị bỏ ngõ... Và, kế tiếp là cuộc sống còn lại của những gia đình cùng khổ nhất trong các khu lao động.
    Với gia đình tiêu biểu là Hai Ngọng, làm nghề đạp xích lô ở Xóm Cống. Chiếc xe thuê ở cơ sở Đồng Tâm, nhưng bây giờ bị nhà nước kiểm kê trong thời kỳ quân quản. Thằng Hai Ngọng bỗng dưng vỡ mộng! Nó những tưởng nhờ "cách mạng" nó sẽ làm chủ vĩnh viễn chiếc xe xích lô đạp mà nó tưng tiu bảo trì với tất cả tấm lòng gắn bó khắng khít, nhưng...!
    Tuy ít học, nhưng sau những lần đi họp tổ dân phố, chứng kiến nhiều cảnh phũ phàng, thằng Hai Ngọng lại biết khôi hài đến chua xót. Nó khoe với vợ nó bây giờ nó có con sao chiếu mạng. Vợ nó cải lại và bảo nó đừng có viển vong, "thôi ngủ đi cha nội".
    Nó lại nói với vợ nó:
    "Con sao chiếu mạng của tao, tao thấy rất rõ ràng , tường tận... Nó hiển hiện trước mắt tao đây... Nó đưa ngón tay trỏ chỉ thẳng lên trần nhà chiếu lệ: Đó... Nó là con sao... vàng... vàng khè... è... è... mà mầy không thấy!... Đến giờ phút này mà mầy còn chưa mở mắt!!!" (Trang 170).
   
    "Người Ăn Mày" (Hiếu Đệ).
    Chuyện kể về anh Lê Văn Núi. Trước đây anh là một thương phế, thường lê lết đi xin ăn khắp các chợ lớn, chợ nhỏ ở Sài Gòn.
    "Số là anh Núi, trong một chiều nọ, đói quá mới lẻn vào điểm tập hợp trình diện của sĩ quan, được lệnh kêu gọi đi học tập cải tạo ở trường Lê Văn Duyệt, để vét phần cơm thừa rồi bị kẹt luôn số phận chim lồng cá chậu! Về sau anh chết oan uổng ở ven rừng, bên ngoài trại Bù Gia Mập sau mấy năm mang án... có tội với nhân dân!" (Trang 174).

    Sau cùng "Tôi Vẽ Tranh Vui Cười" (Hiếu Đệ).
    "Ngày còn ngồi ở trường Trung học, nhà ở Chợ Lớn, tôi thường đạp xe chạy đường Gia Long, phía sau chợ Bến Thành, ngang qua tòa soạn báo Tiếng Chuông...
    "Ngày đó, tôi viết truyện ngắn gởi nhà báo chạy trang trong... Tôi thường viết nắn nót tập bản thảo và vẽ bông hoa. Đôi khi, tôi lại vẽ cả phong cảnh nữa nên lũ bạn gọi tôi là họa sĩ.
    "Có lần xáp vào ngồi tán gẩu với anh em ký giả. Tôi gặp anh Chủ nhiệm Đinh Văn Khai.
    "Anh hỏi:
    - Họa sĩ đâu? Nhờ Hiếu Đệ vẽ cho anh cái tranh vui cười ba cột ở trang nhất mỗi ngày để anh làm thai đề 36 con..." (Trang 195).

                    *

    Hai nhà văn:

    Võ Phước Hiếu với lối kể chuyện rất tỉ mỉ nhưng lưu loát, giọng văn Miền Nam chất phác đôn hậu, với những chuyện rất thật đã vẽ lại diện mạo một Sài Gòn - Chợ Lớn sau những tháng ngày "đổi đời" 30 tháng 4 - 1975 rất sống động, dí dởm, chua chát, đắng cay, được phơi bày đến trần truồng theo sát từng nhịp sống của các nhân vật cùng khổ dưới cái gọi là "Xã hội Chủ nghĩa"... Một chánh sách luôn tự hào là "đỉnh cao trí tuệ" nhưng đã làm gảy đổ không biết bao nhiêu công trình của tiền nhân đã dầy công gầy dựng.

    Còn Hiếu Đệ thì vẽ lên những nét chấm phá, rồi chuyển qua các chi tiết khác rất bất ngờ, như dẫn dắt độc giả đi thăm nhiều hiện tượng, nhiều tình tiết liên quan đến cuộc sống của nhân vật, hay của chính mình đối với bạn bè, đồng nghiệp rất chân thật và thân thiết như anh em. Đôi khi muốn chia xẻ niềm đau với những tấm lòng rộng mở, nhưng gặp phải tai ương, đành xuôi theo vận nước với những tiếc nuối khôn khuây, như đã vô tình khép lại một trời kỷ niệm đã hiến dâng cho cuộc đời nhiều hạnh phúc và nguồn vui sống.
    Cả hai nhà văn vẫn gặp nhau trong một không và thời gian của bối cảnh xã hội, đã ghi lại những giao thoa đồng điệu khiến cho khung trời kỷ niệm và lòng hoài cảm còn vời vợi yêu thương, bỗng hiện về làm sống lại một dĩ vãng nguyên vẹn với thảm cảnh đau buồn làm sắt se cảm xúc, làm quặn lòng lữ thứ...
    Xem tập "Niềm Đau Bạc Tóc" của hai tác giả Võ Phước Hiếu và Hiếu Đệ, tôi có cảm tưởng đã sống lại một thời, một thời đáng sống nhất với niềm tự hào và cho dù "Văn Hóa" của Miền Nam Việt Nam thời đó có bị "Người bây giờ" chê trách như thế nào đi nữa, nhưng vẫn còn gìn giữ mãi cái chơn chất, cái rộng lượng, cái bao dung của muôn đời và vẫn cho nhau bằng một tình thương rộng lớn nên mãi mãi không có hận thù...
    Hình bìa của Trần Minh Tâm. Anh Vũ trình bày. Sách in ấn tuyệt đẹp do Hương Cau xuất bản tháng 01 năm 2005.
    Địa chỉ liên lạc:
    Võ Phước Hiếu - Nhóm Văn Hóa Pháp Việt (France Vietnam Culture) 1, Allée des Peupliers 59.320 Hallennes Lez Haubourdin (France).

No comments: