Thursday, September 6, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * QUỐC GIA CHỦ NGHĨA

Nhận Diện Người Yêu Nước
Quốc Gia Chủ Nghĩa

Minh Vũ Hồ Văn Châm


            Người Việt Nam có lòng với đất Tổ, không ai là không xót xa cho tình hình đen tối của Việt Nam ngày nay. Người Việt Nam yêu nước, không ai là không băn khoăn tự hỏi cần phải làm gì để đưa đất nước ra khỏi tình trạng tồi tệ hiện tại. Người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa, không ai là không chú tâm mưu cầu những phương hướng hành động thích đáng để sớm đưa quốc gia dân tộc thoát khỏi tình trạng nghèo khó lạc hậu. Nhưng Việt Nam hiện tại đang ở dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam với chủ trương cố hữu "sử dụng bạo lực cách mạng để nắm vững chuyên chính vô sản". Do đó, người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa, muốn phục vụ quốc gia dân tộc, đương nhiên phải ở thế đối đầu với người Việt Nam mác-xít lê-ni-nít trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng để dành quyền dự phần vào việc điều hành sinh hoạt quốc gia trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

           

Cuộc đấu tranh này đã xảy ra từ lâu, dai dẳng và không khoan nhượng, dưới con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước tới nay, công luận trong nước cũng như ngoài nước, đều xem cuộc tranh chấp quốc cộng này giản đơn chỉ là cuộc đấu tranh giữa hai phe cộng sản và chống cộng sản. Thực vậy, chủ yếu bên trong các thực thể chính trị "không cộng sản" là các phong trào chống cộng, các hoạt động chống cộng, các chế độ chống cộng, các nhân vật chống cộng, v.v., mà tất cả những phong trào này, những hoạt động này, những chế độ này, những nhân vật này, v.v., vàng thau lẫn lộn, thảy thảy đều được mang nhãn hiệu quốc gia, nào là phong trào quốc gia, hoạt động quốc gia, chế độ quốc gia, nhân vật quốc gia, đấu tranh cho lý tưởng quốc gia, phục vụ cho quyền lợi quốc gia, v.v.. Nói khác đi, tất cả các nhân vật chống cộng đã phát động các phong trào chống cộng, hoặc lãnh đạo các chế độ chống cộng, từ trước đến nay, đều tự nhận là người quốc gia và đã phụng sự quốc gia theo phương hướng và trong khuôn khổ chủ nghĩa quốc gia. Trong lúc người mác-xít lê-ni-nít dứt khoát có lập trường thù nghịch chủ nghĩa quốc gia thì về phía người quốc gia chủ nghĩa, chúng ta cần phải tinh tế phân biệt thế nào là người không cộng sản, và thế nào là người chống cộng, và thế nào lại là người quốc gia chủ nghĩa, bởi lẽ trong thực tế, chống cộng không phải đương nhiên là quốc gia, ngược lại, không cộng sản có phần nào khác biệt với chống cộng, cũng như chống cộng không nhất thiết đương nhiên là đã phụng sự quốc gia theo phương hướng và trong khuôn khổ chủ nghĩa quốc gia. Nhận định được như vậy thì sẽ thấy ngay hệ luận là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và dai dẳng giữa người mác-xít lê-ni-nít và người quốc gia chủ nghĩa dưới con mắt trọng tài của nhân dân Việt Nam từ bấy lâu nay đã xảy ra giữa đám hỏa mù đó, mà người quốc gia chủ nghĩa chung quy đều ở thế bất lợi, vì lẽ người mác-xít lê-ni-nít tuy mang xương tủy quốc tế vô sản nhưng lại gian trá đội lốt quốc gia và luôn luôn khai thác những lỗi lầm của những người chống cộng tự nhận là quốc gia để triệt hạ uy tín người quốc gia chân chính.



            Vì những lẽ đó, muốn đánh giá chính xác vai trò và vị thế người yêu nước quốc gia chủ nghĩa thì trước hết phải làm công việc tiên quyết là nhận diện người quốc gia chủ nghĩa.



           

Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là Việt gian theo Tàu.

            Hãy bắt đầu bằng việc trở lại chính phủ liên hiệp quốc cộng năm 1946. Sau khi dựng đứng ra vụ Ôn Như Hầu để có cớ tàn sát Quốc Dân Đảng và các tổ chức chính trị không cộng sản khác đã chống đối Hồ Chí Minh thỏa hiệp với thực dân, và sau khi Nguyễn Hải Thần và các cộng sự viên đã theo Lư Hán rút về Trung Quốc, người mác-xít lê-ni-nít tiến hành một chiến dịch dai dẳng bôi lọ người quốc gia chủ nghĩa đã từng lưu vong ở Trung Quốc và đã vì đại cuộc mà chịu tham gia chính quyền liên hiệp quốc cộng năm 1946, bằng cách đồng hóa họ với người của Nguyễn Hải Thần, chụp cho họ cái mũ Việt gian theo Tàu. Báo chí cộng sản bịa ra những câu chuyện hài hước về Nguyễn Hải Thần, như việc họ Nguyễn không nói sõi tiếng Việt ("Kính thưa tồng pào"), việc họ Nguyễn ham muốn tiền tài danh vọng ("Nay tôi làm Phó Chủ Tịch chính phủ, được ở ngôi nhà như thế này, được đi chiếc xe như thế này, trong lòng thật lấy làm mãn nguyện ..."). Trong lúc Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội quả tình là công cụ của viên tướng Tàu Trương Phát Khuê trong kế hoạch "Hoa quân nhập Việt", phần lớn những người cách mạng Việt Nam quốc gia chủ nghĩa lưu vong ở Trung Quốc nếu có liên lạc với Trương Phát Khuê thì chỉ là để tìm đất dung thân chứ không phải là chịu làm tay sai. Chính Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam đều đã nhờ Nguyễn Hải Thần bão lãnh mới được Trương Phát Khuê thả ra khỏi ngục Liễu Châu. Chính Hồ Chí Minh đầu năm 1941 đã nhận tiền bạc và nhân lực của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để về Việt Bắc hoạt động, và sau đó đã trở mặt đoạn giao với Việt Cách mà lập ra Việt Minh. Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam thì không ai có thể nói là đã làm tay sai cho Trương Phát Khuê. Vì vậy, việc cố tình nhập nhằng dồng hóa tất cả những người quốc gia chủ nghĩa lưu vong ở Trung Quốc với phe nhóm Nguyễn Hải Thần là thủ đoạn gian manh của phe cộng sản tung hỏa mù Việt gian theo Tàu để bôi lọ người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.



           

Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là Việt gian theo Tây.

            Sau khi rút vào các khu kháng chiến, và mặt nạ dân tộc dần dà vỡ nát để lộ phần nào hình thái quốc tế vô sản, người mác-xít lê-ni-nít lại chụp mũ Việt gian theo Tây cho những ai không đi theo kháng chiến hay đã đi theo kháng chiến nhưng nay bỏ về thành. Đành rằng trong vùng người Pháp chiếm đóng, đã có những người Việt Nam trực tiếp cộng tác với Pháp hoặc tham gia các tổ chức chính trị, hành chánh, tôn giáo, đôi lúc được võ trang, có phương hướng hoạt động chống cộng rõ rệt; nhưng già mồm già miệng la lối rằng tất cả đều là Việt gian bán nước là hàm hồ nói lấy được, cả vú lấp miệng em. Thực vậy, ngay từ buổi đầu, đã có nhiều người quốc gia chủ nghĩa từ chối tham gia chính quyền Việt Minh (Ngô Đình Diệm, Trương Tử Anh, Lý Đông A), mà những người này thì quá trình tranh đấu sáng ngời chính nghĩa dân tộc, không thể nào chụp mũ Việt gian lên đầu. Lại có những người quốc gia chủ nghĩa đã đi theo kháng chiến nhưng buộc lòng phải rời bỏ kháng chiến vì nhận thấy bị phản bội, xương máu đem hy sinh chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản chứ không phải cho sự sống còn của quê hương (Hà Thúc Ký, Trần Chánh Thành, Phạm Duy, Doãn Quốc Sỹ). Nhiều người quốc gia chủ nghĩa khác từ chối giải pháp Bảo Đại, hoặc chỉ tham gia thăm chừng và rời bỏ sau đó, vì nhận thấy người Pháp không thực lòng trao trả độc lập cho Việt Nam (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Tường Tam, Lê Thăng, Nguyễn Tôn Hoàn). Lại còn phải quan tâm đến chủ trương của những nguời chống cộng muốn mượn tay người Pháp để tiêu diệt cộng sản trước, chuyện độc lập tính sau (Lê Hữu Từ, Trần Văn Hữu, Trần Văn Lý, Nghiêm Xuân Thiện, Nguyễn Hữu Trí, Nhượng Tống, Hoàng Bình). Thành thử nhập nhằng đồng hóa tất cả những người sống trong vùng quân Pháp kiểm soát, không đi theo kháng chiến, hoặc vì chán ghét cộng sản mà rời bỏ kháng chiến, với những người thực sự làm tay sai cho Pháp, là thủ đoạn gian manh của người mác-xít lê-ni-nít tung hỏa mù Việt gian theo Tây, cố tình xuyên tạc sự thật, để bôi lọ người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.

           



Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là ngụy bù nhìn Mỹ.

            Sau hiệp nghị Genève 1954, đất nước chia đôi, ở phía nam vĩ tuyến 17 là quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, đối lập với quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc vĩ tuyến.  Về đối ngoại, việc chia đôi Việt Nam thành hai quốc gia là do sự sắp xếp của các siêu cường, và Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ ngoại giao chính thức với non sáu mươi nước trên thế giới. Về đối nội, Việt Nam Cộng Hòa có hiến pháp, có Tổng Thống và Đại biểu Quốc Hội do dân bầu, có luật lệ thành văn và trường Đại học dạy Luật, có hệ thống xử án độc lập với hành pháp, nghĩa là có đủ những căn bản của một định chế dân chủ pháp trị. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trải qua cả hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị, so sánh với chế độ miền bắc, thì về tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v., và đứng từ phía chủ thể được phục vụ, tức là nhân dân Việt Nam, mà xét đoán, thì rõ rệt là có nhiều ưu điểm hơn. Đành rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn nhiều mặt hạn chế, ví dụ như thời đệ nhất thì dần dà mất đi tính chất dân chủ đa nguyên, và thời đệ nhị thì chủ quyền quốc gia mỗi ngày một thu hẹp, nhưng công bằng mà nhận xét thì người dân Việt Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng cảm thấy tự hào và thoải mái, so với nguời dân Việt Nam sống dưới các chế độ bị trị trước đây, và chế độ công an đảng trị ở miền bắc. Cuối thập niên 50, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan viếng thăm Sài Gòn, trong đáp từ cảm tạ của vị thượng khách nước láng giềng có câu nói : "Ước gì thủ đô Bangkok chúng tôi một ngày nào sẽ khang trang và hoa lệ như Sài Gòn của quí quốc". Đầu thập niên 60, trẻ bán báo ở Đà Lạt đều mang giày Bata, và Hoa kiều đứng bán hàng trên vĩa hè Sài Gòn bị cấm không được mặc quần đùi và áo thun ba lỗ. Đầu thập niên 70, kinh tế thị trường phát triển, thành thị đầy ắp hàng tiêu dùng và thôn quê náo nhiệt tiếng động cơ máy cày máy kéo. Trước sự thật sờ sờ như vậy, người mác-xít lê-ni-nít một mặt chụp bức màn tre dày dặc bưng tai bịt mắt người miền bắc, một mặt tiến hành chiến dịch bôi lọ chế độ miền nam bằng những lời lẽ hồ đồ, cho rằng cái gì ở miền nam cũng là của giả. Tình trạng phát triển của xã hội miền nam là phồn vinh giả tạo, chính quyền miền nam là ngụy quyền, quân đội miền nam là ngụy quân. Ngụy là giả, là không thật, là không có thật. Vậy mà Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể đã đóng góp nhiều tiến bộ tích cực trong quá trình phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v. v. và điều này là một sự kiện không ai có thể phủ nhận. Người quốc gia chủ nghĩa phục vụ dưới lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đã lấy quốc gia dân tộc làm đối tượng phụng sự, khác biệt với những phần tử tay sai nước ngoài. Trung Tá Hải quân Ngụy Văn Thà và các binh sĩ thuộc hạ tử tiết ở Hoàng Sa năm 1974 khi anh dũng đương đầu với quân xâm lược Trung cộng, Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam cùng các vị Tướng lãnh tự sát tại Vùng IV Chiến thuật khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng năm 1975, đã nêu cao khí tiết người quốc gia chủ nghĩa hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm. Phủ nhận các thành quả của Việt Nam Cộng Hòa là xuyên tạc sự thật. Nhập nhằng đồng hóa người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa với những phần tử tay sai nhận tiền người nước ngoài để chụp lên đầu họ cái mũ ngụy quân ngụy quyền là thủ đoạn gian manh của người mác-xít lê-ni-nít cố tình bôi lọ danh dự để phủ nhận sự nghiệp phụng sự quốc gia dân tộc của người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa trước con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam.



           

Quốc gia là không cộng sản, và vẫn có thể xuất phát từ cộng sản.

Ngày nay, toàn bộ đất nước đang nằm trong vòng tay kềm kẹp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoại trừ một số ít may mắn thoát ra được nước ngoài, đại khối dân tộc Việt Nam, đang bị người mác-xít lê-ni-nít ghìm đầu vào gầm chuyên chính vô sản. Mặt nạ quốc gia dân tộc của người mác-xít lê-ni-nít đã bị vỡ vụn. Cái lốt giả mạo yêu nước thương nòi của người mác-xít lê-ni-nít đã tả tơi. Người mác-xít lê-ni-nít ngày nay đã lộ nguyên hình là phường buôn dân bán nước. Người mác-xít lê-ni-nít không đếm xĩa gì đến quyền lợi quốc gia, đến phúc lợi dân tộc, không ngần ngại nhúng tay vào bất cứ tội ác nào, không từ nan tiến hành bất cứ hành động phản nước hại dân nào, chỉ cốt sao giữ vững ngôi vị độc tôn để một mình một chiếu thung dung thụ hưởng đặc quyền đặc lợi. Nói rõ ra, người mác-xít lê-ni-nít là người không có tinh thần quốc gia, không có tình tự dân tộc. Các lý thuyết gia mác-xít lê-ni-nít đã khẳng định là không có chỗ đứng cho hai chữ quốc gia trong ý hệ cộng sản chủ nghĩa. Cuối thế chiến thứ nhất, Lê Nin đã nặng lời thóa mạ những người cộng sản Âu châu chiến đãu ở hai bên biên giới Pháp Đức để bảo vệ Tổ quốc của họ. Ngày nay, ở Việt Nam, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh đã không chút đắn đo lén lút ký kết và âm thầm thi hành các hiệp ước về biên giới trên đất liền (ký ngày 30-12-1999), và về lãnh hải (ký ngày 25-12-2000), nhường cho Trung cộng hơn 750 cây số vuông lãnh thổ và khoảng 10% hải phận. Hành động này rõ ràng là hành động bán nước cầu vinh, lấy lòng Trung cộng để tìm chỗ dựa đối đầu với áp lực đòi hỏi dân chủ và nhân quyền từ các nước Tây phương, và để trấn áp các phong trào đòi hỏi tự do tín ngưỡng, đòi hỏi cải tiến dân sinh, đòi hỏi mở rộng dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong nước. Rõ ràng người mác-xít lê-ni-nít đã chà đạp quyền lợi quốc gia, hy sinh phúc lợi dân tộc, chỉ với mỗi một mục đích bảo vệ địa vị độc tôn của đảng cộng sản, bảo vệ đặc quyền đậc lợi của thiểu số đảng viên cầm quyền. Những người này họp thành một giai cấp mới là tư bản đỏ, vô cùng giàu có, trong lúc tuyệt đại bộ phận dân tộc sống trong nghèo nàn, cơ cực. Giai cấp tư bản đỏ này, ngoài cái tính xấu hám lợi của tư bản, còn dây dưa với những cố tật của nguồn gốc bần nông như nặng óc tư hữu, thèm khát quyền lực và danh vọng. Lại thêm tâm lý bù trừ, xưa kia quá đói rách, bây giờ phải vinh hoa cho bỏ lúc phong trần, nên tham ô đi liền với lãng phí, khiến đất nước mỗi ngày một lụn bại. Sự kiện này không những làm cho quần chúng xa rời họ, mà cả những người cộng sản có ý thức, những người cộng sản phản tỉnh, cũng xa rời họ rồi quay mặt chống đối họ. Buổi đầu cuộc phân tranh quốc cộng có những người cộng sản đệ tứ như Lê Khang, Bùi Hữu Phiệt theo về với người quốc gia chủ nghĩa. Về sau, thời đất nước chia đôi, có những người cộng sản đệ tam, tuy xuất phát từ nhân dân và được xây dựng từ hạ tầng như Bùi Quang Triết trong Hội Nhà Văn Việt Nam, Tô Minh Trung trong Văn Phòng Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn-Gia Định thời Trần Bạch Đằng, đã sáng suốt dứt khoát giả từ chủ nghĩa cộng sản. Hiện nay thì không hiếm những người cộng sản trong nước lên tiếng chống đối chính quyền cộng sản. Nếu họ không chạy trốn được ra nước ngoài thì họ đang bị chính quyền cộng sản theo dõi, trù dập, bao vây, thậm chí giam cầm. Trong số những người cộng sản chống đối này, có những người chủ trương cải tổ chế độ để cho đảng Cộng Sản sống còn, như Nguyễn Văn Linh, Trần Xuân Bách, Trần Độ, có những người liên quan đến các vụ đãu đá bè nhóm giữa phe bảo thủ và phe xét lại thời Xec Ba Cốp làm Đại sứ như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, hoặc giữa phe thân Nga và phe thân Tàu như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn. Kỳ dư đều là những người Việt Nam yêu nước thương dân, bồng bột và nhẹ dạ, để người mác-xít lê-ni-nít lừa gạt, lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tin tưởng rằng phục vụ quốc gia dân tộc. Nay thì họ đã phản tỉnh. Cùng với đa số quần chúng thầm lặng, trong bản chất, họ là người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.





Kết luận.

Tóm lại, quốc gia là không cộng sản. Người quốc gia chủ nghĩa là người không cộng sản, đồng thời không phải là Việt gian theo Tàu, không phải là Việt gian theo Tây, mà cũng không phải là Ngụy bù nhìn của Mỹ. Mặt khác, quốc gia là chống cộng. Người quốc gia chủ nghĩa là người chống cộng, nhưng không bao giờ vì sự nghiệp chống cộng mà đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc. Người quốc gia chủ nghĩa là người Việt Nam yêu nước chân chính. Họ có mặt trong đa số quần chúng thầm lặng. Họ có mặt trong hàng ngũ cộng sản và dần dà thức tỉnh. Họ có mặt trong các tổ chức chống cộng, các phong trào chống cộng, các chế độ chống cộng. Tất cả đều phụng sự một lý tưởng chung bao gồm hai mặt: quốc gia Việt Nam là cứu cánh, dân tộc Việt Nam là đối tượng.



                                                                              Tháng 6, 2002

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Đã đăng:

            - Tạp Chí Cách Mạng, số 28, Tháng 6 năm 2002, P.O. Box 58282, Houston, TX 77258, USA.


No comments: