Saturday, September 1, 2012

PHAN LẠC PHÚC * TÔ THỦY YÊN

PHAN LẠC PHÚC - Tô Thùy Yên
(10/19/2011 02:05 PM) (Xem: 2543)




Tô thùy Yên 7 tháng liền trong kiên giam tâm sự với đàn muỗi râm ran, con thằn lằn uể oải, lũ dán hôi tanh, con nhện vô tư và bức tường câm nín:

Ta khắc khoải chờ nghe
Những tiếng động của người
Tiếng động nào bất kể
Đột phá những trùng vây điếc đặc muỗi râm ran …



Ta nhìn theo
Mấy con thằn lằn uể oải
Lũ dán lào xào
Con nhện bỏ trống lưới giăng …


Ta nhìn lên những giòng chữ trên tường
Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu …


Các bạn tù Thanh Chương đọc thơ Tô Thùy Yên, Hà Thượng Nhân vanh vách. Như vậy là 7, 8 năm nay tôi chưa gặp lại các bạn mà chỉ gặp “tiếng nói” của các bạn. Tôi không có duyên gặp bạn trong tù. Có lúc năm 1979, 1980 ở trại Tân Lập (Vĩnh Phú) tôi ở K1, Thanh Tâm Tuyền ở K2, không gian chỉ cách nhau vài cây số mà không gặp được nhau bao giờ. Có lúc bà cụ thân sinh TTT từ trong Nam lặn lội ra thăm – bạn còn nhờ người đem sang cho tôi ít thuốc lào và một bài thơ tặng PLP. Nhà thơ Tự Do chủ lực của Sáng Tạo lại làm chyện lạ cho tôi một bài thất ngôn, bát cú. Tôi giữ bài thơ này như một kỷ niệm riêng. Bạn tôi lúc đó làm ở đội chăn nuôi, hằng ngày phải lên đồi gánh lá sắn về băm ra nuôi cá trắm. Đi làm qua khu ao cá xa xa, tôi có lúc nhớ bạn quá đã hú lên một tiếng để xem may ra có tiếng trả lời – Nhưng tiếng hú của tôi tan vào thinh không; cán bộ quản giáo nhìn tôi trừng mắt … Bạn tôi lúc đó chắc đang bận “bầm nát ân tình đều nhịp dao” (thơ Thanh Tâm Tuyền).


Nghe thơ các bạn, tôi vừa buồn vừa vui. Buồn là không có bạn tâm tình ở bên. Vui là chưa gặp nhưng thơ như thế chắc các bạn tôi còn khỏe ít ra về mặt tinh thần. Vui hơn nữa là nghiệp làm thơ của các bạn ở trong tình trạng “luyện ngục” như vậy mà thơ vẫn được tôn vinh. Thơ làm ra là để đọc, để cảm thong, để chuyển tải … Thơ không ai đọc, không ai nghe, không ai hiểu … thì chẳng bao lâu nó sẽ “chết trong long mộ tối”. Cho đến lúc ấy (1983) theo tôi hai bạn Tô Thùy Yên, Hà Thượng Nhân làm thơ bao nhiêu năm nay, thơ bao nhiêu người thuộc … mà các bạn chưa từng xuất bản một tập thơ nào. Như vậy là các bạn không in thơ lên giấy trắng, mực đen mà in vào tâm hồn mọi người. Không phải người làm thơ nào cũng được “tuyên dương” như thế. Hôm ấy có bài Mùa Hạn của Tô Thùy Yên rung động toàn thể an hem. Bài thơ như một bản “đại cáo” của lưu đày tù tội. Mùa hạn không riêng cho nông dân – mà mùa hạn của kiếp người.


Nơi đây khô hạn thực phẩm, khô hạn tình thương. “Lịch sử lên cơn dữ lạ thường” khiến cho “máu bung từ mỗi lỗ chân lông, cái chết tru rân giờ nguyệt tận”. Thiên nhiên cũng úa vàng khắc khổ - cây đa già râu tóc, trụi lá trơ cành cây cỏ lụi tàn, bậc hiền nhân quyên sinh ngoài động đá. Ngày tận thế đã điểm rồi chăng? Nhưng không – theo cái lẽ biến dịch thông thường – hay là theo cái vòng chu chuyển “nước đi ra biển lại mưa về nguồn” nên một ngày kia có cơn mưa tái tạo. Mưa rơi như một sự hồi sinh, mưa gột rửa đau thương, mưa làm mọc lên những nhành non lá mới, mưa là nguồn suối yêu thương chảy từ đầu non tới biển.


Mưa ôm choàng đất khóc thương mong
Mưa báo tin vui chạy khắp đồng
Mưa đuổi bắt gào reo hớn hở
Mưa mừng trẩy hội nước trăm sông …
Ông lão mù lòa ra trước hiên
Nghe mưa cũng ngước mắt nhìn lên
Má nhăn bỗng sáng hai hàng lệ
Ông hiểu ra rồi lẽ biến thiên



Người làm thơ lưu đày được lịch sử tha, một sớm trở về quê cũ. Đây là giấc mơ của người tù biệt xứ hay là câu chuyện sẽ phải xảy ra. Chưa biết được nhưng ít khi đọc xong một bài thơ mà tâm hồn con người được an ủi vỗ về như thế, được nhuần thấm một sự yêu thương đậm đà như thế:


Nhóm lên bếp lửa đêm trừ tịch
Hát với nhau vài điệu hát vui
Nâng chén uống mừng ta sống sót
Chợt nghe nồng lệ tự đâu rơi



Lòng ta nay vẫn lòng ta trước
Vẫn chảy về con nước thủa nào
Sợi tóc mai kia dù có rụng
Ba sinh còn để nhớ cho nhau



Đất trời không có chi còn mất
Ta bước ra thân đón tuổi già
Trước mắt ta còn trăm thứ việc
Sửa nhà, chăm sóc lại vườn hoa



Những ai hôm trước từng gây tội
Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình
Tự tại, thời gian chôn chính nó
Đời lên lại mãi tựa bình minh



Sẽ lo chẳng những cho người sống
Lo cả cho người khuất mặt kia
Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ
Chung lời thương tiếc khóc trên bia …



Người tù trở về, sau khi đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn bạo của con người đã nhận ra rằng, giòng chảy chính của cuộc đời, sự cứu rỗi của con người chính là sự yêu thương không phải là thù hận – Bình minh của cuộc sống là ở đó. Tìm ra được điều này, không phải nhờ vào tài năng của Tô Thùy Yên mà chính nhờ vào tâm hồn lớn lao (grandeur d’âme) của tác giả. Đây là bản hùng văn của một cuộc đổi đời.

Nhưng trong cuộc đọc thơ hôm ấy, nhiều người trong đó có tôi không được hoàn toàn thỏa mãn. Bài thơ quá dài, quá hay mà anh em Thanh Chương không ai thuộc được hết. Người nhớ đoạn này, người nhớ đoạn kia. Bài thơ đó đi theo tôi hoài như một tấu khúc còn dang dở (Symphonie inachevée).

Dạo đầu năm 85 được về, trên con đường bè bạn tôi có lúc đã định rẽ vô thăm nhà bạn Tô Thùy Yên. Từ Hóc Môn lên, qua chợ Gò Vấp tới một cái cầu có ống dẫn nước lớn đen to nằm dài trên đó giống như một con rồng đất rồi tới một ngã ba có những viên sỏi đỏ sậm của đá ong khô, đó là lối vào nhà Tô Thùy Yên. Từ thập niên 60 tôi đã nhiều lần đến đây bù khú với bạn. Nhưng bây giờ về, đến thăm cảnh cũ người xưa, thấy lạ. Những bụi cúc tần xanh tốt dẫn lối hai bên đường, đôi khi có những sợi tơ hồng vàng óng, vương vất bên trên … không còn nữa. Nhà cũ của Tô Thùy Yên có cây vú sữa lớn. Khu gia viên nằm trong vùng cây lá thâm u … bây giờ không thấy cây vú sữa đâu. Bất giác tôi nhớ Nguyễn Gia Thiều “Phong trần đến cả sơn khê, Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Tôi ngần ngại trước sự đổi thay nên đã tới nhà mà không vào. Tôi biết bạn tôi chưa được về. Mình vô nhà hỏi thăm, có khi lại làm cho gia đình bạn thêm nghĩ ngợi lo lắng cho người vắng mặt.


Nhưng đến hồi cuối năm 85, người làm thơ biệt xứ Tô Thùy Yên được về - Lúc ấy trời đã sang thu thì phải. Bố con tôi đã phải mặc áo ấm trên con đường tỉnh lộ sào xạc heo may. Khi tôi đi cải tạo con gái út tôi mới có 5 tuổi. Khi tôi về nó đã 15 tuổi bắt đầu thiếu nữ. Các anh chị nó “vượt biên” hết cả chỉ còn nó ở lại với “mẹ cháu” đợi tôi. Khi tôi về, nó theo tôi đi chơi tha thẩn. Ở Hóc Môn nó không có bao nhiêu bạn. Nó theo tôi lên Sài Gòn chơi với Tr. T con gái Thanh Tâm Tuyền, hay “đi chợ” với chị Ch. Con gái bác Hà Thượng Nhân. Thôi thì bố chơi với bố, con chơi với con cũng là phải đạo. Chưa được gặp nhưng con tôi nó muốn gần chị G. con gái đầu của Tô Thùy Yên, học thật giỏi. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa (không có giai cấp) nhưng khi thi vào Đại Học có 15 thứ hạng. Ưu tiên hạng 1, 2, 3 thuộc gia đình cách mạng hay “chính sách” thì thi ba bài từ 7 điểm trở lên đã được “chiếu cố” vô Đại Học rồi. Con cái “ngụy quân” như con chúng tôi đứng hạng thứ 14 áp chót (hạng chót là gia đình phản động, phản cách mạng). Khi bố đi tù cải tạo về rồi thì lại lên được một hạng, hạng 13. Con cái ngụy quân muốn vô Đại Học phải đạt 21 điểm, gấp 3 số điểm gia đình chính sách thì mới vô Đại Học được. G. con gái đầu ông bà Tô Thùy Yên thừa điểm vào Y Khoa. MT con tôi, Tr.T con Thanh Tâm Tuyền và H. con trai Tô Thùy Yên chúng nó cùng học lớp 10. Mấy đứa nhỏ chắc đều suy nghĩ: Ở đây nếu muốn sống cho ra sống thì chỉ còn có cách làm như chị G.


Hơn 10 năm gặp lại bạn … thấy bạn già đi (tất nhiên rồi) mà chắc bạn thấy tôi cũng vậy. Hình như bạn có khuyết một vài cái răng thì phải, cái cười hơi trống vắng. Nhưng khóe mắt vẫn còn nồng ấm và bắt tay thật chặt. Tôi nói “đây là khách cũ … đến xem bạn làm được bao nhiêu việc rồi?” (Trước mắt ta còn trăm thứ việc, sửa nhà chăm sóc lại vườn hoa). Tô Thùy Yên cười cười mà nói “Hãy cứ từ từ nhưng mà bây giờ thì phải làm ngay việc này”. Anh chỉ tay vào một cuốn sách dày trước mặt. Tưởng bạn dịch sách (nhớ ngày xưa bạn có dịch thật kỹ cuốn Phận người (La condition humaine của André Malraux) nhưng khi tôi cầm sách lên xem thì đó lại là một cuốn sách Y khoa bằng tiếng Pháp. Anh nói mình về vừa đúng lúc. Phải giúp con nhỏ G … cho nó kịp học hỏi và nghiên cứu”.


Tôi có nói với bạn về bài thơ Mùa Hạn mà tôi không có đủ. Nhưng anh nói rằng bản thân anh cũng không nhớ hết. Con đồng đã thăng rồi đâu còn nhớ những gì mình đã nói ra. Nhưng bữa ấy Tô Thùy Yên đưa tôi đọc bài Ta về - bài thơ vừa mới làm xong khi thi sĩ lưu đày vừa trở về nguyên quán:


Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi



Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này …


Thật ra tôi đọc thơ Tô Thùy Yên đã lâu. Giữa thập niên 50 khi Sáng Tạo bộ cũ ra đời với những bài Cánh đồng, con ngựa chuyến tàu hay Thân Phận của Thi Sĩ. Lúc ấy ảnh hưởng của văn học Pháp đối với miền Nam còn nồng đậm. Đây là thời buổi của Buồn nôn (La nausée – J.P.Sartre) của Kẻ lạ (L’Etranger – A. Camus) hay Phận người (La condition humaine – André Malraux). Sự hiểu biết của tôi về văn học Pháp rất là hạn chế nhưng tôi có cảm tưởng rằng thời kỳ thập niên 50, 60 là thời kỳ xâm lăng của triết học vào văn học. Những đặc trưng thường thấy của thơ, của tiểu thuyết, của truyện ngắn đã bị xóa nhòa đi. Thay vào đó là những vấn nạn triết học hay những thắc mắc siêu hình. Để làm gì? đi đến đâu? tự do hay không tự do – phi lý hay hữu lý? Sống và nghĩ như thế nào cho phải? Người ta không đi tìm những nguyên nhân gần gũi mà đi tìm những căn do đầu tiên và cuối cùng của sự vật. Tô Thùy Yên là một người đọc sách chuyên cần. Cái ý thức trong sáng của tinh thần nhị nguyên đã phóng ra những cái nhìn chinh phục. Con ngựa (trong Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu) phải chăng là một cố gắng nhằm đo đạc ngoại giới.


Có đọc được thánh thư
Linh hồn tôi vẫn vậy
Tôi vẫn không thể lạy
Dù đứng trước hư vô
Đầu tôi cứng và trơn
Thượng Đế làm sao ngự
Tôi đành trốn chủ nợ
Định mệnh đòi linh hồn
Thượng Đế điềm nhiên lạ
Tôi đánh liều cười khan. (Thân phận thi sĩ)



Bài thơ mang giọng thách thức của Nietzche – đăng quang cho một cái ta Kiêu hãnh. Đây là thời kỳ Tô Thùy yên muốn trở nên một thứ “Vương tôn miền trí tuệ”. Tôi đã cảm phục, đôi khi sợ hãi những bài thơ ấy – nhưng thành thật mà nói tôi không yêu chúng. Sự cảm nghiệm một bài thơ, theo tôi, nó tùy thuộc vào tâm cảnh của từng người. Tôi là một anh học trò nhà quê ra tỉnh, tâm hồn còn vương vấn với lũy tre xanh, đình chùa, miếu mạo, căn nhà tổ, họ hàng làng nước, bờ mương, ao cá. Dù đã cố gắng lắm tôi vẫn không làm sao hiểu được “Tha nhân là hỏa ngục” của J.P.Sartre. Tôi rất sợ mình là “khách lạ” – và điều tôi ao ước là được đến gần, được làm thân, chia sẻ với mọi người.

Cái “hội u minh” thời ấy là một phong trào. Hoàng tử bi thương hay nhà thơ bị trù ếm (poète maudit) Đinh Hùng muốn đi khỏi cuộc đời này về miền nguyên thủy: “Thèm ăn một chút hương man dại – và ngủ như loài muông thú kia”. Vũ Hoàng Chương, bậc thi bá của làng thơ tiền chiến cũng bỏ thơ Say, thơ Mây nêu lên một băn khoăn triết học:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về …



Tô Tùy Yên ngay từ thuở ban đầu đã nghiêng về những điều thầm lặng lớn, mưu đồ đo đạc cả vô biên “ta về tắm lại going sông cũ, truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên – Tô Thùy Yên đã rất già khi còn trẻ. Già ở đây là già về tư tưởng, nên trong thơ của anh người ta thấy thiếu vắng sự lãng mạn, không có những nỉ non kể lể về một cuộc tình. Không có Kim Trọng, Thúy Kiều, cũng không có Paul và Virginie.

Vào khoảng giữa thập niên 60 có một việc, nhỏ thôi nhưng đã làm thay đổi Tô Thùy Yên. Anh bắt đầu đọc Đường Thi. Yên là một người ưa thích sự toàn hảo (gout du parfait). Anh không bằng lòng với những bản dịch. Yên muốn đọc thơ Đường bằng nguyên tác và Tô Thùy Yên học chữ Nho. “Học cho vui, chơi vậy mà”. Xuống Gò Vấp, thấy Tô Thùy Yên viết chữ Nho rất đẹp. Và đột nhiên tôi được đọc một số bài thơ mang phong cách nhất nguyên của Đông Phương. Đọc thơ trước đây của Yên người ta thấy phảng phất St J.Perse – hoặc Valery – bây giờ thấy Tô Thùy Yên “Quy khứ lai từ” như Đào Tiềm quay về nơi bản trạch. Bài thơ không còn vẻ kiêu hãnh của một ý thức chinh phục mà mang vẻ ngậm ngùi chấp nhận:


Tưởng tượng ta về nơi bản trạch
Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui
Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn
Càng nhẹ tênh hênh cõi ngậm ngùi.



Tại sao lại có con còng ở đây? Con còng làm liên tưởng đến con dã tràng ngoài bờ biển. “Dã tràng xe cát biển Đông – nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì?” Phải chăng đã đến lúc Tô Thùy Yên nhận ra sự hạn chế của kiếp người, có những miền “bất khả tri” mà trí lự con người chưa với tới được. Về nơi bản trạch đối với Tô Thùy Yên có nhiều ý nghĩa. Cái nhà của Yên ở Gò Vấp là nhà từ đường bao nhiêu đời ở đấy? Cái nhà không đơn thuần là một “dụng cụ” để ở, mà nó là môt phần đời ta, là chính ta. “Cái nhà là nhà của ta – ông cố ông sơ làm ra” nên cái nhà cũng như cái vườn, cái ngõ đều là sự tích yêu thương, là những liên hệ mà ta không làm sao dứt bỏ được. Về nơi bản trạch về nơi quê nhà (phải chăng le Royaume trong l’Exil et le Royaume mà Camus mơ tưởng cũng nằm trong nghĩa đó) đã dạy ta một điều: cái mà ta tưởng nó là cái không ta (le non moi) lại chính là ta. “Mình với ta tuy hai mà một – Ta với mình tuy một mà hai”. Cái nhìn nhất nguyên nơi Tô Thùy yên đã làm cho thơ anh từ đó về sau yêu thương hơn, thấm đượm hơn nhiều.

Nhưng có lẽ những năm tù cải tạo đã giúp chúng ta nhìn rõ cuộc đời hơn. “Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả” chúng ta chưa chắc nhận ra chuyện ấy. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng có giá trị rất cao. Không đi tù, không thường xuyên đói khát chúng ta làm sao biết được hạt cơm nó quý như thế - không xa vắng cửa nhà, chúng ta làm sao hiểu được cái thắm thiết trong vòng tay vợ, cái âu yếm trong cái hôn con. Người tù lưu đày, ngày trở về cảm ơn trời đất, cảm ơn vợ con, cảm ơn hoa, cảm ơn lá cỏ.


Ta nhìn lá cỏ long mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân …



Tôi đi về nhà có mang theo “Ta về”. Tôi đọc thơ bạn cho nhà tôi nghe:


Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đá trổ bong
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gợi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp nào xưa tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm



Đọc đến đoạn này, nhìn lên thấy nhà tôi đã nhạt nhòa nước mắt.


Cuối năm 1990, ngày thứ sáu 13 tháng 10. Ngày xấu “đi chơi cũng thiệt lọ là đi đâu”. Tôi quanh quẩn ở trong nhà. Chợt có tiếng xe Honda thắng xiết trước chiếc cầu nhỏ, bắc qua con lạch vào căn nhà Hóc Môn của tôi. Nhìn ra thấy H. con trai Tô Thùy yên đang hấp tấp dắt xe vào. Tôi chạy ra, thấy vẻ hốt hoảng của H. nên vội hỏi “có chuyện gì vậy cháu? – “ Bố cháu vừa bị bắt rồi” – H. thảng thốt nói tiếp: “Trước khi lên xe công an, bố cháu nói nhỏ: đi báo các bác nên cháu vội chạy lên đây”. Nhà tôi bảo H. ở lại ăn cơm cái đã nhưng H. nhất định ra về “Để cháu phải đi ngay cho kịp vài nơi nữa …”

Như vậy là Mùa Hạn – Ta về thơ Tô Thùy Yên – Tâm sự với Bạch Cư Dị thơ Hà Thượng Nhân – Bài hát Tự Do – Trăng tù – thơ Thanh Tâm Tuyền, một bài từ của bạn già người viết sử Lam Giang cùng với một số bài viết của tôi đã được “phần thư” ngay chiều hôm đó. Lúc này Thanh Tâm Tuyền cũng như Hà Thượng Nhân đã HO đi Mỹ. Bạn bè thân thiết gần đây chỉ còn Tô Thùy Yên. Bây giờ bạn ta bị bắt rồi. Bao giờ bao giờ gặp bạn ta trở lại.


Phan Lạc Phúc

No comments: