Sunday, September 2, 2012

LÊ TÙNG MINH * CHIẾN LƯỢC HOA KỲ

Trước Thềm Thế Kỷ 21:
Nghiên Cứu Lại Những Bài Học Thất Bại Chiến Lược Của Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Việt Nam
Lê Tùng Minh
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975) Hoa Kỳ đã vấp phải ba bài học thất bại chiến lược như sau:
bài học thất bại thứ nhất
Ngay từ đầu Mỹ không có một chiến lược đúng trong vai trò đồng minh yểm trợ Việt Nam Cộng Hòa để chiến thắng Cộng Sản.
Chúng ta đều biết rằng: Theo tinh thần hiệp định Genève 1954, sau 300 ngày tập kết chuyển quân, quân đội Việt Minh từ vĩ tuyến 17 trở vào đến mũi Cà Mau phải rút hết quân ra Bắc. Phải công minh rằng, lúc này Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam (tức CSVN) chủ quan trong việc thắng lợi khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/1956. Cho nên Hồ Chí Minh ra lệnh rút hết quân chính quy (các tiểu đoàn độc lập) và quân địa phương (các đại đội tập trung) ra Bắc để học tập, huấn luyện và trang bị hiện đại để về thu tiếp miền Nam Việt Nam sau khi đã giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử 20/7/56(!?). Số quân này, sau khi tập kết ra Bắc đã được tổ chức lại thành 3 sư đoàn: sư đoàn 305 (quân khu 5) sư đoàn 330 (Đông Nam Bộ) và sư đoàn 338 (Tây Nam Bộ).
Lực lượng Việt Minh cài lại ở Nam VN chỉ là dân quân du kích ở các xã ấp, cán bộ Đảng ở cơ sở... và một số cán bộ trung cao cấp Đảng đóng vai trò lãnh đạo như Lê Duẩn (Bí thư Xứ ủy Nam Bộ), Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn), Mai Chí Thọ (Bí thư Khu ủy Khu Đông Nam Bộ), Trần Bạch Đằng (Bí thư Xứ đoàn Thanh niên Nam Bộ), Võ Chí Công (Bí thư Khu ủy Khu 5), Nguyễn Thị Định (Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), Phạm Ngọc Thảo (Phó ban tình báo Nam Bộ)... Họ đã chôn giấu súng ống đạn dược và tổ chức học tập rộng rãi xuống đến cơ sở xã ấp là chỉ tiến hành đấu tranh chính trị đòi chính quyền miền Nam thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Genève (Nghị Quyết 9/1954 của Bộ Chính Trị ĐLĐVN) [Xem "Rừng U Minh" của Trần Hiếu Minh, miền Bắc xuất bản, sẽ thấy rõ phản ứng của các Đảng viên CS cài tại miền Nam phản đối chủ trương này sau 20/7/1956].
Trong khi đó, chính quyền miền Nam VN có đến 300,000 quân chính quy, thoát thai từ 60 tiểu đoàn Việt Nam của Pháp hồi 1952 (gọi tắt là B.V.N., Bataillon du Vietnam) làm nhiệm vụ tiếp quản miền Nam VN. Thực chất phải nói rằng sau khi quân đội chính quy của Việt Minh ở miền Nam rút ra Bắc, thì quân đội quốc gia (tiền thân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa) là mạnh hơn hẳn, có ưu thế tuyệt đối so với lực lượng dân quân du kích của Việt Minh cài lại sau tháng 7/1954. Vì thế, quân đội quốc gia có khả năng tiếp quản nhanh chóng và ổn định tình hình trên khắp miền Nam từ vĩ tuyến 17 vào đến mũi Cà Mau trong hai năm 1955-1956. Đồng thời với việc áp dụng kinh nghiệm "dồn dân", "tát nước bắt cá" bằng biện pháp "ấp chiến lược" theo kinh nghiệm của Mã Lai, chính quyền miền Nam VN thời ông Diệm đã thành công trong việc cô lập và dồn bọn CS nằm vùng phải chui vào rừng sâu, nằm hầm ngủ bụi. Chúng gọi thời gian này là thời kỳ "hoá chỉnh vi linh" (!). Vì vậy mà từ năm 1957 một phúc trình của chính quyền Ngô Đình Diệm đã ghi rằng: "Phía các giới chức Việt Minh đã tan rã, và kể như không còn làm gì được nữa!" Phúc trình này hoàn toàn đúng với thực tại của những năm 1956-57. Trong báo cáo mật của Lê Duẩn gửi ra cho Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam đã đề nghị cho "miền Nam tiến hành đấu tranh võ trang để giữ vững phong trào. Nếu không, cách mạng miền Nam sẽ thất bại". Chính vì tình thế quá bất lợi cho "công cuộc đấu tranh chính trị ở miền Nam", Hồ Chí Minh quyết định gọi Lê Duẩn ra Bắc báo cáo mọi tình hình để làm cơ sở cho Nghị Quyết 59, nghị quyết phát động cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam.
Nhưng ông bạn đồng minh vĩ đại của miền Nam VN là chính phủ Hoa Kỳ, đã không chịu nhìn vấn đề một cách khách quan, trên cơ sở phân tích đến nơi đến chốn về thực lực chính trị lẫn quân sự của cả hai bên. Đúng như nhà viết lịch sử của quân đội Hoa Kỳ, đại tá Dave Richard Palmer nhận xét rằng: "Có thể nói rằng thất bại lớn đầu tiên của Mỹ khi tham dự về quân sự tại Việt Nam là sự bất lực, không chịu nhận diện được hình thức của cuộc chiến ấy".
Thật vậy, hình thức (đúng ra là hình thái) của cuộc chiến giữa quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn đầu sau 1959 (tức là sau cuộc nổi dậy ở Bến Tre mà Cộng Sản gọi là Đồng Khởi) là cuộc chiến của hình thái chiến tranh nhân dân với chiến thuật "Ba mũi giáp công" (tức là quân sự, chính trị kết hợp với binh vận). Kẻ thù Cộng Sản không có lực lượng đủ mạnh để giáp mặt đánh trận địa chiến hay vận động chiến. Các chiến lược gia về chiến tranh của Hoa Kỳ coi thường chiến thuật này của Cộng Sản (!?).
Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ quan niệm, như P. Devilliers và J. Lacouture đã phản ảnh trong cuốn End of a War rằng: "Nước Mỹ muốn Việt nam có một đạo quân 90,000, không phải để chống giữ xâm lăng từ ngoài vào (ý nói sự xâm lăng của Bắc Việt - LTM). Quân đội ấy chỉ có mục đích duy nhất là giữ trật tự công cộng, và diệt trừ mọi mưu toan khuynh đảo". Chính vì quan niệm thụ động này nên việc huấn luyện và xử dụng các sư đoàn quân lực Việt Nam Cộng Hòa theo kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Cao Ly 1950, nghĩa là bố trí một số sư đoàn VNCH theo chiều sâu của lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào. Sự bố trí kiểu ấy, cho các sư đoàn VNCH hiểu rằng: Nếu có cuộc xâm lăng của quân đội Bắc Việt thì các sư đoàn VNCH chỉ làm nhiệm vụ cầm cự tạm thôi, chờ quân đội Đồng Minh trong Minh Ước Đông Nam Á tới giải cứu (!?)
Tình báo CSVN đã nắm bắt được ý đồ này của Mỹ qua Phạm Ngọc Thảo (Phạm Ngọc Thảo, Phó ban Tình Báo Nam Bộ, chức vụ Trung đoàn trưởng được Lê Duẩn bố trí cho về "hồi chánh" theo ông Diệm. Phạm Ngọc Thảo nhận ông Ngô Đình Thục làm cha nuôi. Ông Thục đã giới thiệu cho ông Diệm. Ông Diệm phong cho Phạm Ngọc Thảo chức vụ Thiếu Tá, Trưởng Bảo An Đoàn. Chính nhờ có sự hỗ trợ ngầm của Phạm Ngọc Thảo mà cuộc Đồng Khởi Bến Tre mới giành được thắng lợi. Bộ tiểu thuyết Ván Bài Lật Ngửa của Trần Bạch Đằng viết về cuộc đời tình báo của Phạm Ngọc Thảo, tức nhân vật Phạm Thành Luân. Tất nhiên, Trần Bạch Đằng có hư cấu và giấu kín những gì cần giấu). Cho nên Hồ Chí Minh và Bộ Tham Mưu của ông ta quyết định hành động bất ngờ. Mở đường mòn Hồ Chí Minh và lập binh trạm 559 (nghĩa là thành lập từ tháng 5 năm 1959), đưa viện quân từ Bắc vào Nam (trước hết là đưa các sư đoàn miền Nam tập kết trở về) cùng với việc đưa một đội ngũ cán bộ Đảng, dân chánh và kinh tài về chuẩn bị cho việc thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam vào ngày 20/12/60. Và đến lúc này "người Mỹ mới bắt đầu mở mắt" (theo Dave Richard Palmer). Nhưng thật buồn thay, sự "mở mắt" của một số người Mỹ có trách nhiệm không làm thay đổi cách nhìn chủ quan của Tòa Bạch Ốc, vì lẽ người có thẩm quyền đánh giá tình hình miền Nam VN là Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Trong bản tường trình về cho chánh phủ Hoa Kỳ, ông Đại sứ khẳng định: "An ninh nội bộ của miền Nam VN không gặp nguy cơ trầm trọng." (!?)
Thật ra, ngay cuối năm 1960, với sự ra đời của Mặt Trận Giải Phóng miền Nam VN, Việt Cộng (nhằm chỉ Cộng Sản miền Nam) vẫn chưa có lực lượng quân sự đủ mạnh khả dĩ đối mặt chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Họ đang chuẩn bị ráo riết cho cuộc đấu tranh vũ trang toàn miền Nam, chờ đợi thời cơ tốt chẳng hạn như một cuộc đảo chánh giữa một nhóm tướng tá và "tập đoàn gia đình trị Diệm Nhu", (theo cách nói của CSVN). Khi cử Nguyễn Chí Thanh, đại tướng hàm, nguyên là Bí thư Khu ủy Thừa Thiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đang là ủy viên Bộ Chính Trị, vào Nam giữ chức Bí thư Trung ương cục (Cục R). (Nguyễn Chí Thanh lấy bí danh là Trường Sơn, Hai Trường Sơn). Hồ Chí Minh chỉ thị "phải khai thác triệt để mâu thuẫn giữa nhóm tướng tá bất mãn với Diệm Nhu" (!?)
Đúng lúc ở Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống, và Kennedy đã đắc cử, còn ở miền Nam VN ông Ngô Đình Diệm tái đắc cử Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa. Tổng Thống Kennedy là người tích cực ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên ông vẫn không có một giải pháp đúng cho tình hình thực tế của cuộc chiến đấu tiêu diệt Cộng Sản ở miền Nam VN.
Việc đầu tiên đối với VNCH là ông cử hai nhân vật quân sự cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Việt Nam. Tướng Lyman Lemnitzer, chủ tịch Bộ tham mưu liên quân của Bộ Quốc Phòng Mỹ, và tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của Kennedy. Và khi đi thăm VN về tướng Lemnitzer đã nhận định sai về tình hình như sau:
"Tân chính phủ (Hoa Kỳ) đã bị người ta nhồi quá nhiều về tầm quan trọng của chiến tranh du kích, và buộc quân lực VNCH chú trọng quá nhiều đến các biện pháp chống du kích thì quân lực ấy sẽ giảm khả năng chống lại một cuộc tấn công cổ điển tương tự cuộc tấn công vào Nam Cao Ly bằng hàng chục sư đoàn Bắc Việt" (1). Lịch sử đã chứng minh nhận định sai này của tướng Lemnitzer. Mãi 7 năm sau (1968) Cộng quân mới tiến hành được tổng công kích vào Tết Mậu Thân, nhưng lực lượng chỉ có 3 sư đoàn, chứ đâu hàng chục sư đoàn. Cộng quân vô cùng phấn khởi trước nhận định này của tướng Lemnitzer. Cho nên chúng quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân mà không lo sợ phải bị tiêu diệt bởi chiến thuật "du kích phản du kích" của Việt Nam Cộng Hòa.
Để khuyến khích và động viên Việt Nam Cộng Hòa, Kennedy quyết định gửi thêm cố vấn Mỹ giữ các lực lượng yểm trợ tiếp vận, như tăng cường trực thăng cho quân lực VNCH. Đồng thời Tổng Thống Kennedy gửi một lá thư cho Tổng Thống Diệm, có đoạn như sau:
"Tôi xin cam đoan chắc một lần nữa với Ngài rằng Hoa Kỳ cương quyết giúp Việt Nam gìn giữ độc lập của mình, bảo vệ người dân chống bọn sát nhân Cộng Sản, và xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn, bằng sự phát triển kinh tế" (Hồ sơ lưu trữ của Phủ Tổng Thống VNCH).
Và ngày 8/2/1962 Mỹ thành lập một phái bộ quân sự mới tại Sài Gòn mang tên MACV (Military Assistance Command Vietnam) do tướng Paul Harkins cầm đầu nhằm chuyển việc tham gia quân sự của Mỹ ở VNCH từ vai trò cố vấn đến "gần hơn nữa vai trò một đại bản doanh hành quân" (như lời giải thích của tướng Taylor). Cho nên từ khi Tổng Thống Diệm ban hành lệnh khẩn cấp tại miền Nam Việt Nam đến cuối năm 1962, Mỹ đã đưa vào Nam Việt Nam 18,000 cố vấn quân sự và dân sự. Đó lại chính là một tai họa không lường được cho quân lực VNCH vì như Dave Palmer đã nói: "Cố vấn Mỹ hoàn toàn bỡ ngỡ với chiến trường Đông Dương khi được lệnh lên đường tới Việt Nam". Bernard Fall, nhà báo Pháp đã mỉa mai về tình trạng này như sau: " Có quá nhiều đầu bếp để nấu nồi cháo chống du kích tại Việt Nam".
Trong khi có sự đáng giá sai về chiến lược quân sự như vậy, Mỹ không quan tâm lắm đến tình hình chính trị của Việt Nam Cộng Hòa: Chế độ Ngô Đình Diệm đã gây nên sự bất mãn lan tràn trong nhân dân vì chính sách phân biệt đối xử (Chính sách 3Đ, nghĩa là trọng dụng những người có đạo Công giáo, những người theo Đảng Cần Lao Nhân Vị và những người địa phương Quảng Bình). Cộng Sản đã khai thác và thúc đẩy những mâu thuẫn này, biến từ mâu thuẫn nội bộ chuyển thành mâu thuẫn đối kháng, có lợi cho chúng.
Thất bại của quân lực VNCH trong trận p Bắc vào ngày 2/1/1963 đã đánh dấu sự thất bại đầu tiên về quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong việc yểm trợ quân lực VNCH, cũng là đánh dấu sự thành công của Việt Cộng trong cuộc chiến tranh du kích và gây niềm tin tưởng trong lòng dân chúng ở vùng nông thôn. Dave Palmer đã ghi nhận phản ứng từ nước Mỹ như sau: "Báo chí Hoa Kỳ mô tả trận ấy là một trong những vụ bại trận tốn kém nhất và nhục nhã nhất của quân lực VNCH, cũng như các cố vấn quân sự Mỹ (!?)"
Tiếc thay! Lịch sử đã sang trang và không bao giờ lập lại như cũ nữa. Thời gian 1955-61 là thời gian mà Việt Nam Cộng Hòa có điều kiện tốt nhất để triệt tiêu lực lượng Cộng Sản nằm vùng bằng cả 3 mặt kết hợp đồng bộ: kinh tế, chính trị và quân sự. Tấm gương chiến thắng Cộng Sản của Pac Chung Hy ở Nam Hàn (nay là Đại Hàn) không được anh em ông Diệm, Nhu tham khảo và học tập kinh nghiệm. Và cũng vì Mỹ quá tự tôn tự đại: Hoa Kỳ là một quốc gia chỉ có thắng chứ không bại trong đại chiến thứ hai thì làm sao có thể thua CSVN (!?) Nhưng Mỹ quên rằng, trong thực tế Mỹ đã không thắng trong cuộc chiến tranh Cao Ly (1950).
Do đó, ngay từ đầu Mỹ đã không có chiến lược đúng trong việc yểm trợ VNCH chiến thắng Cộng Sản ở giai đoạn mà Cộng Sản còn quá yếu (1955-58), lại không có chiến lược đúng để phản công và đàn áp đến triệt tiêu cuộc chiến tranh du kích của Việt Cộng (1959-63) thì làm sao có thể thắng ở các giai đoạn sau, nếu Mỹ không bỏ bệnh chủ quan, coi thường kẻ thù. Đó là chưa nói đến vấn đề sai lầm về chính trị.
Để kết thúc bài học thất bại thứ nhất, tôi xin viện dẫn lời phát biểu của tướng Westmoreland như sau: "Trong lúc chiến sự đẫm máu thì sự cắt giảm viện trợ của Mỹ đưa đến hậu quả rất tai hại. Napoléon thường nói rằng khi ra trận yếu tố tinh thần quan trọng hơn yếu tố vật chất gấp 3 lần. Thế mà nước Mỹ đã phá hoại yếu tố tinh thần của đồng minh Nam Việt Nam". (Xem A Soldier Reports, hồi ký của Westmoreland). Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của nền Đệ Nhị Cộng Hòa và tháng tư 1975 đẫm máu. Chắc hẳn vị cố vấn quân sự Mỹ nào đã từng sát cánh với quân lực VNCH ngoài mặt trận đều hiểu rất rõ điều này.
bài học thất bại thứ hai
Thay vì giúp ông Diệm củng cố lại Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ lại chủ trương "thay ngựa giữa đường".
Trận p Bắc ngày 2/1/1963, phải nói thật rằng là một trận chiến làm nên "lịch sử lẫy lừng" của Tiểu đoàn 514 của Việt Cộng? Thật ra không đáng có một trang lịch sử "lẫy lừng" như thế đối với một tiểu đoàn du kích quân không được huấn luyện, trang bị bằng đủ các loại súng thông thường, và với số quân không đầy 300 người (2) (gồm cả lực lượng hậu cần) trong khi đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa có cả một sư đoàn 7 với đầy đủ chiến cụ, có pháo binh và trực thăng yểm trợ, lại thêm chiến xa M113, để thực hiện một kế hoạch tấn công áp đảo bằng chiến thuật lấy đông và mạnh diệt kẻ ít và yếu. Trung tá cố vấn Mỹ John Paul Vann, vị sĩ quan cao cấp của Mỹ đi sát với Sư đoàn 7, trước khi vào trận đánh đã nói với tân tư lệnh Sư đoàn là "cần biểu diễn một trận đánh ngoạn mục để thế giới và dư luận biết tới" khả năng chiến đấu của quân đội VNCH được đồng minh Mỹ yểm trợ. Chúng ta nên nhớ rằng đây là cuộc hành quân chủ động "diệt Cộng" sau khi được tin tức tình báo của Mỹ cung cấp! Nhưng kết quả của trận đánh thì sao? Chúng ta nghe cả hai luồng dư luận thì mới hiểu sự sai lầm của Mỹ và quân lực VNCH.
Phía báo chí của Cộng Sản thì thổi phồng "đây là một trận đánh điển hình cho cuộc chiến tranh nhân dân đầy sáng tạo, một trận đánh mở đầu làm phá sản chiến thuật trực thăng vận của Hoa Kỳ". Nhưng những cán bộ Việt Cộng đã từng tham gia trận đánh thì nói thật rằng: "Chúng tôi tìm đường rút lui không được, đành phải trụ lại đánh với lực lượng đông gấp bội với tinh thần liều chết để cứu lấy mạng sống. Và chúng tôi thắng là nhờ quân đối phương quá chủ quan khinh địch!"
Còn phía báo chí Mỹ thì đã "thổi phồng" sự thất bại của quân lực VNCH một cách nhẫn tâm, không có thiện chí, như Đại tá Dave Palmer viết: "Báo chí Hoa Kỳ cho loan hàng đầu về tin của trận đánh đó (p Bắc). Họ mô tả trận đánh ấy là trận đánh đẫm máu nhất của Nam Việt Nam trong bốn năm đánh Cộng Sản, và đó là một trong những cuộc bại trận tốn kém nhất, và nhục nhã nhất của quân lực Nam Việt Nam cũng như các cố vấn quân sự Mỹ của họ".
Trong chiến tranh tâm lý, báo chí có tầm quan trọng đặc biệt. Ai biết sử dụng báo chí làm vũ khí đánh đối phương coi như đã giành thắng lợi được 1/3, có khi đến 1/2.
Trong chiến dịch tuyên truyền cho trận Ấp Bắc, mở màn cho nhiều trận đánh loại Ấp Bắc sau này, Cộng Sản quốc tế đã yểm trợ CSVN bằng cách tung tiền mua chuộc những ký giả sẵn sàng đánh mướn như loại G. Burchett (người Úc gốc Tân Tây Lan) (3) làm cái loa tuyên truyền đánh Mỹ trên đất Mỹ như kiểu viết trên đây.
"p Bắc" có phải là nguyên nhân đưa đến việc thay đổi chính sách của chính quyền Kennedy trong việc "thay ngựa giữa đường" như dư luận báo chí Pháp hay không?
Theo chúng tôi, đó chỉ là một cái cớ!
Và đây là cái cớ thứ hai: "Các cuộc hành quân do Tổng thống Diệm dàn dựng (còn cố vấn Mỹ đâu? - LTM), hoặc do Bộ tham mưu trực tiếp của ông ta, kế hoạch được lập ra một cách tài tử hơn là được phối hợp với các tư lệnh quân đoàn. Một vài tư lệnh sư đoàn hoặc tỉnh trưởng được cưng chìu của TT Diệm đã thuyết phục được ông ta chỉ chấp thuận các hành động nào có lợi cho tham vọng cá nhân của những kẻ ấy" (4).
Sự thật thì theo những tướng tá quân lực VNCH có tinh thần khách quan, không định kiến hay bè phái đều chê ông Diệm ở phương diện độc quyền chỉ huy tối cao này; tuy nhiên đó không phải là nguyên cớ chính dẫn đến chính sách "thay ngựa giữa đường" của Hoa Kỳ. Nguyên nhân đưa đến việc Mỹ thay ông Diệm là ở chỗ khác.
Theo tài liệu lịch sử để lại (hồ sơ của Phủ Tổng Thống VNCH) cho thấy: Hồi đầu năm 1963, đặc sứ của Tổng Thống Kennedy cũng là đương kim đại sứ của Hoa Kỳ tại Sài gòn, ông Cabot Lodge, đã đến gặp ông Diệm, đưa lời khuyến cáo của chính quyền Kennedy "Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên thay đổi cách thức làm việc cho dân chủ hơn". Tổng Thống đã thẳng thắn trả lời cho Tổng Thống Kennedy là "Hoa Kỳ có nên vượt quá vai trò của đồng minh.Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia có chủ quyền và tôi là một tổng thống!" Tinh thần độc lập, tự chủ của ông Diệm đã làm cho Kennedy nổi giận! Nhưng lúc này, chính quyền Kennedy vẫn chưa có quyết định dứt khoát, mặc dù Cabot Lodge đã đề nghị phải "cho Diệm Nhu ra đi!"
Tin tức này đã truyền nhanh đến Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Đảng CSVN (qua tổ điệp viên của CS Bắc Việt cài vào miền Nam hồi sau tháng 7/1954 mà trưởng nhóm là Vũ Ngọc Nhạ.) Ai đã từng nghiên cứu tiểu sử của Hồ Chí Minh thì rõ: Trước khi trở thành lãnh tụ Đảng Cộng Sản Đông Dương, ông đã là một điệp viên cao cấp của Quốc Tế Cộng Sản được phái sang Trung Quốc những năm 1936-39, mang bí danh là Lin, với chức vụ công khai là Bí Thư của Đại sứ quán Nga ở nước trung Hoa dưới thời Tôn Dật Tiên, nhưng trong bóng tối Lin là trưởng chi Tình Báo của Quốc Tế Cộng Sản phụ trách khối Châu á. Do đó, Hồ Chí Minh rất có tài tổ chức phản gián. Bởi thế, khi nhận được tin tức về sự bất đồng giữa Ngô Đình Diệm và chính quyền Kennedy, giữa Ngô Đình Diệm và các tướng tá của quân lực VNCH (trong đó có Dương Văn Minh). Hồ Chí Minh cho Phan Triêm (Phó ban tổ chức Trung Ương Đảng, đặc trách Tình Báo chiến lược miền Nam) và Hoàng Văn Thái (Trung tướng đặc trách Tình Báo quân sự) cùng thiết lập một "hồ sơ giả" bao gồm những bức thư viết tay trao đổi giữa ông Ngô Đình Diệm và ông Hồ Chí Minh, trong đó ông Hồ Chí Minh hứa: Sau khi gạt được áp lực của Hoa Kỳ ra ngoài, hai miền sẽ thống nhất và Hồ Chí Minh sẽ tự nguyện giao ghế chủ tịch nước cho ông Ngô Đình Diệm, giao cho ông Ngô Đình Nhu nắm bộ Nội Vụ (?)
"Hồ sơ giả" được hoàn thành nhanh chóng và được tung vào Nam theo đường dây của tình báo Pháp (qua điệp viên nhị trùng Hoàng Hồ, sau này là dân biểu của Đệ nhị VNCH). Và bằng cách nào đó đã lọt vào tay của Dương Văn Minh, Dương Văn Minh liền báo cáo cho Đại sứ Cabot Lodge (!)
Khi được mật báo cho biết kết quả thành hình của tập "hồ sơ giả", Hồ Chí Minh cho tập họp một cuộc triệu tập bất thường của Bộ Chính Trị quyết định mở một cuộc tấn công về chính trị, lấy Phật Giáo do Thích Trí Quang lãnh đạo làm đầu tàu gây rối nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa chánh quyền Kennedy và Ngô Đình Diệm. Hồ Chí Minh nói: "Cái trở ngại lớn của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam là tập đoàn Diệm Nhu. Nếu chúng ta làm cho nhóm tướng tá bất mãn và chính quyền Kennedy quyết định thay Diệm thì chắc chắn chúng ta sẽ giành được miền Nam Việt Nam sau đó" (5). Cho nên sau đó chúng ta thấy nổi lên cao trào Phật Giáo miền Nam chống chính quyền ông Diệm do Thích Trí Quang lãnh đạo (6). Xin mời quý độc giả tìm đọc cuốn Our Vietnam Nightmare của nữ ký giả Mỹ Margueritte Higgins. Bà ta đã dành nhiều chương trong cuốn sách dầy 314 trang để vạch trần "mưu mô thâm độc" của Thích Trí Quang trong chiến lược sách động của Hà Nội, dọn đường chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam. Chính sự tác động của phong trào Phật Giáo miền Nam Việt Nam do Thích Trí Quang đứng đầu hồi tháng 5 năm 1963, mà chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc vào ngày 20/9/1963 đã ghi vấn đề "vi phạm nhân quyền tại Nam Việt Nam". Chính Cabot Lodge cũng bị mất bình tĩnh trước tình hình đó. Và Lodge đã báo cáo khẩn về Tòa Bạch Ốc. Thế là Kennedy quyết định "chỉ cần thay thế Ngô Đình Diệm là chúng ta có thể thắng Cộng Sản mau lẹ". (Thắng hay thất bại? - LTM) Một phát đạn của Hồ Chí Minh đã bắn trúng hai con đại bàng cùng một lúc. Bài học này là bài học xương máu cho cả Hoa Kỳ và VNCH!
Khi cuộc đảo chính 1-11-63 bùng nổ và đưa đến sự thảm sát anh em ông Diệm Nhu (sáng 2-11-63) do các tướng lãnh tham quyền cố vị chủ mưu do lệnh của Cabot Lodge. Thật ra, lệnh của Kennedy là thay ông Diệm và cho anh em Diệm Nhu "ra nước ngoài", nhưng nhóm tướng lãnh thù oán cá nhân (cụ thể là Big Minh) đã thừa cơ hội hỗn quân hỗn quan, ra lệnh giết anh em ông Diệm Nhu! Vết nhơ này bao giờ mới rửa sạch trước công luận (?!)
Chính William Colby, trùm CIA lúc bấy giờ đã khẳng định trách nhiệm của Mỹ đối với cuộc đảo chánh thất nhân tâm này: "Đây là một cuộc đảo chính của tướng lãnh Việt Nam, đúng thế, những tôi nghĩ rằng những điều căn bản của cuộc đảo chánh ấy đã được định đoạt tại tòa Bạch c của chúng ta" (7). Và trong tập tài liệu The Pentagon Papers (8), Vol. Two, trang 207, viết rõ ràng hơn, rằng: "Về cuộc đảo chánh quân sự chống lại Ngô Đình Diệm, nước Mỹ phải nhâ.n hoàn toàn trách nhiệm của mình trong đó. Từ đầu tháng 8 năm 1963, chúng ta đã lần lượt khi thì cho phép, khi thì cản lại, khi thì khuyến khích đám tướng lãnh Việt Nam, và đề nghị sẽ hoàn toàn ủng hộ một chính phủ thay thế. Đến tháng 10/1963, chúng ta cắt viện trợ để làm áp lực trực tiếp với Diệm, do đó, chúng ta bật đèn xanh cho đám tướng lãnh. Chúng ta lén lút duy trì liên lạc với đám tướng lãnh ấy, tán thành việc lập kế hoạch và sự thi hành cuộc đảo chánh ấy, duyệt xét các kế hoạch của họ, và đề nghị một chính phủ mới. Vậy thì, triều đại 9 năm của Ngô Đình Diệm chất dứt bằng một kết thúc đẫm máu. Sự đồng lõa của chúng ta trong việc lật đổ Diệm làm tăng trách nhiệm của chúng ta, và làm tăng sự dính líu của chúng ta vào một nước Việt Nam không có lãnh đạo nữa. " (chúng tôi gạch dưới dòng này - LTM)
Khi nghe đài phát thanh BBC loan tin cuộc đảo chánh 1-11-63 và anh em ông Diệm bị giết chết, tập đoàn lãnh đạo CSVN rất mừng rỡ. Hồ Chí Minh triệu tập ngay "bộ ngũ" Lê Duẩn, Trường chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp để quyết định "đường hướng mới cho miền Nam Việt nam". Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta bất chiến tự nhiên thành. Như vậy, bức tường kiên cố nhất đã bị sụp đổ. Bây giờ chúng ta cứ việc khuất đống gạch vừa sụp đổ để cho nó vữa ra mới thôi." (Theo lời Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh). Thế là Bộ Chính Trị của Đảng CSVN, do sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và sự ủng hộ của Trung Cộng lẫn Liên Xô, quyết định dồn lực lượng cho công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vào cuối năm 1963 đầu năm 1964, miền Bắc "tổng động viên không tuyên bố" và phát động cuộc học tập trong toàn dân, toàn quân về tinh thần "Tất cả cho cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam". Ở miền Bắc lúc này, hầu hết cán bộ CS đều nghĩ rằng: "Chậm nhất tới năm 1965 là giải phóng xong miền Nam Việt Nam" (!?) Không những thế, Hồ Chí Minh còn chỉ thị cho Phan Triêm và Hoàng Minh Thái đẩy mạnh mũi tấn công bằng phản gián đối với VNCH bằng cách thăng cấp cho Dương Thành Nhật (9) từ đại úy lên thiếu tá và cử vào miền Nam để móc nối với Dương Văn Minh.
Lịch sử của nền Đệ nhị Cộng Hoà sau ngày 1-11-63, như một ký giả người Pháp viết "Giống như bầy ngựa háu đá nhốt chung một chuồng". Thật vậy, chính phủ Dương Văn Minh ngồi chưa đầy ba tháng đã bị Nguyễn Khánh lật đổ (!). Khánh lại dựng lên chính phủ dân sự Trần Văn Hương (10-1964) để ổn định tình thế. Nhưng sau đó Khánh và Nguyễn Cao Kỳ lại dùng thủ đoạn "giải tán" nội các của Trần Văn Hương. Và những cuộc đảo chánh liên tiếp ấy đã làm cho Mỹ nổi giận. Tướng Maxwell Taylor vừa được cử sang thay Cabot Lodge làm đại sứ Mỹ ở VNCH, liền triệu tập nhóm tướng lãnh cầm quyền đến tòa đại sứ của Mỹ (trong đó có Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ). Vị tân đại sứ Mỹ hằn học, khinh bỉ nói: "Mấy người có hiểu tiếng Anh không? Tôi nói cho mấy người rõ là nước Mỹ đã chán nản vì những cuộc đảo chánh rồi. Bây giờ, các người đã làm cho tình hình bầy nhầy rồi, và chúng tôi sẽ phải xem làm thế nào ra khỏi sự ung thối ấy". (10)
Như vậy, ông Diệm vừa mới nằm xuống 14 tháng mà miền Nam đã xảy ra biết bao cuộc đảo chánh làm cho tình hình trở nên rối beng, tạo cơ hội thuận lợi cho CS mở cuộc tiến công cả hai mặt quân sự và chính trị.
Tóm lại, vì sai lầm về đường lối, thay vì giúp đỡ ông Diệm củng cố Việt Nam Cộng Hòa về mặt chính trị, đồng thời yểm trợ tăng cường về mặt quân sự để đánh trốc cơ sở hậu cần tại chỗ của Việt Cộng, ngăn chặn đường xâm nhập vào Nam của quân đội Bắc Việt, để giành chiến thắng hoàn toàn, chính phủ Hoa Kỳ lại thực hiện một chính sách "thay ngựa giữa đường", dùng những tướng lãnh bất tài, vô đạo đức, nên hậu quả thất bại thảm hại là điều tất nhiên, không tránh khỏi. Đúng như lời thántrách của tướng Maxwell Taylor: "Có thể chúng ta không thắng (Cộng Sản) được với Diệm, nếu không có Diệm thì có ai?" (Chúng tôi gạch dưới - LTM)
bài học thất bại thứ ba
Trong khi Cộng Quân đã thua nặng trên chiến trường, Mỹ lại chấp nhận hòa đàm Paris.
Mọi sai lầm đều có thể khắc phục! Trong cuộc chiến đấu chống Cộng ở miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-63 cũng vậy. Nếu Mỹ nhận ra sai lầm trong suốt 10 năm đầu (1955-1965) với tư cách là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, thì còn có khả năng giúp cho Việt Nam Cộng Hòa đánh bại Việt Cộng ngay trên chiến trường miền Nam Việt nam. Điều này lịch sử của những năm 1965-1973 đã chứng minh thật rõ ràng.
1. Sự Kiện Lịch Sử Thứ Nhất
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy vào năm 1965, Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam quyết định tăng cường lực lượng quân sự có võ trang đầy đủ vũ khí hiện đại vào cuối năm 1964. Và lần đầu tiên "Quân Giải Phóng" (Việt Cộng) được tổ chức cấp sư đoàn (mang bí danh là Công Trường; Công Trường 9 ra đời trong thời gian này). Trận đánh thắng đầu tiên của sư đoàn Việt Cộng là Trận Bình Giả (11) đã gây sự chú ý của quốc tế về sức mạnh mới của CS. Do đó mà tập đoàn lãnh đạo của CSVN quyết định mở cuộc "Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy" 1965. Nhưng chúng đã thất bại từ trong trứng nước.
Nguyên nhân làm cho Việt Cộng bị thất bại trong âm mưu "Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy" năm 1965 là công lao của nhóm Tình Báo chiến lược A17 của Việt Nam Cộng Hòa. Điệp viên A17 được cài vào trong Bộ Tham Mưu của Quân Giải Phóng (Việt Cộng) đã chụp được bản kế hoạch Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy vào năm 1965. Nhờ đó mà ngành an ninh của quân lực VNCH phối hợp Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tiến hành bắt giữ các điểm chứa vũ khí của Việt Cộng đã đưa vào Sài Gòn Chợ Lớn từ năm 1964 (12).
Trong khi đó Tổng Thống Nixon lại không cho lực lượng Hoa Kỳ thực hiện cuộc "chiến tranh phá hoại miền Bắc", đánh tan tiềm lực hậu phương lớn của Việt Cộng. Nhưng Chánh phủ Hoa Kỳ đã dừng lại cuộc oanh kích miền Bắc sau khi thấy Việt Cộng đã thất bại trong kế hoạch Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy năm 1965 (?). Chính sách "ngăn chận mà không tiến công" của Hoa Kỳ đã gây nên hậu quả tai hại cho cuộc chiến chống cộng của VNCH.
2. Sự Kiện Lịch Sử Thứ Hai
Sau năm 1965, miền Bắc đã hoàn hồn qua một phen chịu đựng cuộc không tập của Hoa Kỳ, và nhờ sự tiếp sức tối đa của Trung Cộng (70% lương thực của quân cán chính Bắc Việt đều do nguồn cung cấp của Trung Cộng). Chúng lại tiếp tục đổ quân vào Nam với nguồn tiếp tế vũ khí, lương thực của Trung Cộng, nhằm tạo lại thế là, cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy trên toàn miền Nam. Lúc này qua sự móc nối của Dương Thành Nhật và có sự hứa hẹn của Hồ Chí Minh: "Nếu Cách Mạng Giải Phóng miền Nam Việt Nam thành công sẽ dành cho Dương Văn Minh ghế Phó Chủ Tịch nước" (!?) Vì thế mọi tin tức về nội bộ của Việt Nam Cộng Hòa, Big Minh đều báo cáo cho Hồ Chí Minh, thông qua em ruột của ông ta (Dương Thành Nhật).
Năm 1967 phe nhóm Thiệu Kỳ đã tạo ra vụ bầu cử bịp bợm, để rồi Thiệu nắm lấy chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và Kỳ nắm lấy chức Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Việc làm đó của nhóm ttướng lãnh cầm quyền đã tạo nên một cơn khủng hoảng chính trị rộng lớn. Các đảng phái, tôn giáo bất mãn, các tầng lớp dân chúng oán than. Sĩ quan, quân sĩ trong quân lực VNCH chán nản, nhưng vẫn không rời tay súng đánh trả sự tấn công của Việt Cộng ở ngoài mặt trận. Thật là tủi nhục khi chúng ta đọc được một nhận xét sau đây của một học giả Mỹ, rằng: "Như lời một sĩ quan Mỹ đã có lần nhận xét, quân đội Nam Việt Nam không phải là một quân đội trong một quốc gia, mà là một quốc gia trong một quân đội" (13).
Chớp được thời cơ này, Bộ Chính Trị CS ở miền Bắc quyết định mở một cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy vào Tết Mậu Thân (1968). Nhóm A17 Tình Báo chiến lược của Việt Nam Cộng Hòa đã nắm bắt được ý đồ này của Việt Cộng và báo cáo về sở Tình Báo chiến lược hỗn hợp Việt Mỹ trước khi nổ ra cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy đến 2 tháng. Nhưng không hiểu vì sao, lý do nào mà bộ Tổng Tham Mưu của quân lực VNCH và MACV của tướng Paul Harkins không có kế hoạch bóp chết ngay từ mầm mống của cuộc tiến công vào Sài Gòn đúng ngày mồng một Tết Mậu Thân (1968)? Nhưng sau này mới có dư luận trong các giới Tình Báo cao cấp Việt Mỹ tung ra rằng: Sở dĩ chúng ta không ngăn cuộc tiến công của Việt Cộng ngay từ trước là vì "dụ chúng vô trận đồ của ta để ta diệt gọn 3 sư đoàn của chúng" (?) Không biết sự thật có đúng như vậy hay không? Nhưng thực tế thì hoàn toàn đúng như vậy!
Trong cuộc Tổng Công Kích, Tổng Nổi Dậy vào Tết Mậu Thân 1968, mà nổi bật là ở Sài Gòn, Huế. Phía quân lực VNCH cũng tổn thất nặng. Tuy nhiên ngược lại về phía Việt Cộng hầu như bị xóa sổ gần hết 3 sư đoàn chủ lực (Công Trường 9, 7 và 5). Quan trọng hơn là cơ sở mật hội viên của Việt Cộng ở Sài Gòn, Huế và các thành phố khác như Đà Nẵng, Cần Thơ... đã bị ngành an ninh, cảnh sát của VNCH bắt gần hết (14). Thừa cơ đó, các tướng lãnh chỉ huy hành quân của quân lực VNCH cùng các cố vấn quân sự Mỹ ở ngoài mặt trận, đã kịp thời tổ chức những cuộc hành quân "tìm diệt". Chẳng hạn như cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ kéo dài từ tháng 10/10/69 đến mãi năm 1970, bao trùm ba tỉnh Phước Bình, Bình Long và Tây Ninh. Cuộc hành quân này đã đánh tan căn cứ đầu não của Việt Cộng, bắt buộc Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R) và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng phải bỏ đất chạy lên trú ẩn trên đất Miên (trên vùng đất của 2 tỉnh Kratié và Kompongcham). Có thể nói những cuộc hành quân lớn "tìm diệt" của quân lực VNCH trong 2 năm 1970 và 1971 đạt kết quả lẫy lừng nhất trong chiến sử từ 1955 đến nay. Tuy rằng, quân lực VNCH cũng bị thương vong nhiều, gấp hai lần trong những trận chiến trước năm 1969. Bù lại, đã đạt được kết quả không lường được! Hãy đọc một đoạn báo cáo tổng kết của Trung Ương Cục Miền Nam (Việt Cộng) do Nguyễn Văn Linh (Phó Bí Thư Trung Ương Cục) viết và đọc trước cuộc hội nghị đặc biệt của đảng bộ CS Miền Nam, mà thành phần tham dự là các bí thư tỉnh ủy và thường vụ Trung Ương Cục Miền Nam, vào tháng 9, 1972 tại một khu rừng thuộc vùng đất mang tên "Tua Xà Ke" của huyện Tim-phờ-lơn, tỉnh Kompongcham, do Phạm Hùng, Bí Thư Trung Ương Cục chủ trì. Báo cáo của Nguyễn Văn Linh viết:
"Tính đến cuối năm 1970, chúng ta đã hoàn toàn bị đánh bật ra khỏi vùng căn cứ địa của mình. Như các đồng chí đã biết, không những chỉ có cơ quan đầu não của Trung Ương Cục phải lánh địa sang đất bạn, mà các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh của các tỉnh miền Nam (chỉ trừ có Cà Mau) đều phải bỏ đất, lên đóng ở vùng biên giới của bạn. Các chi bộ xã của chúng ta, chi bộ nào vững nhất còn được 3 đồng chí! Vậy mà cũng bị đánh bật ra khỏi dân, trụ lại trong các hầm bí mật, ngày trốn, đêm ra hoạt động. Về mặt chính trị thì như vậy. Về mặt quân sự, sau tổn thất lớn của cuộc Tổng Tiến Công Tết Mậu Thân 1968, 3 sư đoàn chính quy chỉ còn lại bộ khung cán bộ thiếu (từ cấp đại đội trở nên). Việc bổ sung lực lượng tân binh từ Bắc vào hơi chậm vì mùa mưa lũ, do đó đến nay các sư đoàn vẫn còn đang thời kỳ huấn luyện. Chúng ta đang cố gắng phái từng đơn vị nhỏ (cấp tiểu đội) thọc về miền Nam để trinh sát, nhưng vô cùng khó khăn! Vì không còn cơ sở để dựa. Cho nên chỉ thị của Bộ Chính Trị (Miền Bắc - LTM) là chúng ta phải lấy chiến trường Campuchea để thực tập chiến đấu, vừa giúp bạn đánh quân Lon Nol." (15)
Chỉ một đoạn này thôi, chúng ta cũng hiểu rõ thực trạng khốn đốn của Việt Cộng hồi những năm 1969-1971.
Trong khi đó Việt Cộng cũng gặp khó khăn không ít trên đất Campuchea. Khờ-me đỏ ở cùng căn cứ vừa bắt tay lợi dụng Việt Cộng giúp đỡ chúng về mặt quân sự, vừa tìm cách đánh phá Việt Cộng như tổ chức cướp vũ khí, phá kho gạo, bắt cóc cán bộ Việt Cộng...
Vì thế trung Ương Cục Miền Nam đã có kế hoạch dự phòng: Khi bí thế thì rút ra vùng ba biên giới (tam biên) Việt Miên Lào (!?) nghĩa là nếu có một cuộc hành quân "tìm diệt" của liên quân VNCH và Lon Nol được Hoa Kỳ yểm trợ, diễn ra trên vùng đất Campuchea để tảo thanh lực lượng bằng cách rút trở lui ra vùng tam biên Việt Miên Lào, và dựa lưng vào Hạ Lào dể đối phó lại quân lực VNCH, đợi thời cơ mới? Nhưng tiếc thay không có cuộc hành quân "tìm diệt" như dự đoán của Việt Cộng!
Tai hại hơn nữa là chính quyền Nixon đã bị sự thông tin sai lệch của giới báo chí Mỹ, những kẻ ăn tiền của Quốc Tế Cộng Sản, như nhà viết lịch sử quân đội Mỹ, đại tá Dave Palmer đã viết một cách chua cay rằng: "Ít ra cũng đã có 30.000 cộng quân bị giết trong 10 ngày tấn công tự sát của chúng (ý nói cuộc tấn công vào Tết Mậu Thân - LTM) Nhưng đối với dân chúng Mỹ, người Mỹ chỉ được nghe nói là Việt Nam đã bị thiêu rụi, rằng sứ quán của chúng ta ở Việt Nam đã bị chiếm đóng, rằng một cuộc chiến tranh đang được tường trình là thắng lợi thì nay đang ở bên bờ của sự bại trận" (16). Một trong những kẻ vô tình (hay cố ý?) đã tiếp tay cho Việt Cộng là Walter Cronkite "nhân vật khả kính của ngành truyền hình Mỹ" đã nói trên đài truyền hình CBS rằng "Chiến tranh đã bế tắc một cách tuyệt vọng. Và nước Mỹ chỉ còn cách thương thuyết mới rút chân ra được mà thôi". Rõ ràng đây là luận điệu được tung ra từ điện Kremlin của Quốc Tế Cộng Sản, nhằm giải cứu cho CSVN khỏi sự thất bại, và có thời gian để thực hiện chiến lược theo nhận định của Hồ Chí Minh khi còn sống rằng "Mỹ cút" thì "Ngụy nhào" (!?)
Không những đã bỏ qua một cơ hội ngàn năm có một để giành thắng lợi, chính quyền Nixon có sự cố vấn của Kissinger lại thụt lùi trong cái gọi là "Việt Nam hóa chiến tranh". Chủ thuyết chủ bại của Nixon Kissinger, là xuất phát từ quyền lợi của Hoa Kỳ và hy sinh quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa một cách không thương tiếc.
Đây là bài học để đời, ngàn năm không được quên cho các quốc gia nhược tiểu chỉ biết dựa dẫm vào các siêu cường.
Chúng ta hãy nghe các chính khách Mỹ chỉ trích chủ thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon.
Sử gia Mỹ Tad Szule chỉ trích: "Lén lút, ám muội và gian dối là toàn bộ chính sách đối ngoại của Kissinger Nixon cho năm 1971" (Trong The Illusion of Peace, trang 376). Paul M. Kattenburg, một nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ đã nêu lý do đẻ ra chủ thuyết Nixon hết sức rõ ràng rằng: "Điều tối thiểu mà Nixon và Kissinger chờ đợi ở chủ thuyết Nixon, và họ đã đạt được điều ấy, là mua thêm một ít thời gian để chờ cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Sau đó, nước Mỹ có thể quên hẳn vấn đề Việt Nam".
Và Kattenburg đã chỉ trích: "Chính sách của ông ta là thứ chính sách phi luân" (Xem trong The Vietnam Trauma in American Foreign Policy 1945-1970, trang 142, 143, 144).
3. Sự Kiện Lịch Sử Thứ Ba
Có lẽ "Sự Kiện Lịch Sử Thứ Hai" là đáng nói hơn cả, vì nó chứa đựng cả sự oanh liệt của các chiến sĩ quân lực VNCH đương đầu với Việt Cộng ngoài trận tuyến, và sự nhục nhã của chính quyền Nixon, người bạn đồng minh lớn của VNCH. Dù cái "thời cơ ngàn năm có một" đã qua rồi, và số phận của VNCH đã đượt định đoạt trong cuộc đi dạo của Nixon và Mao Trạch Đông trên Vạn Lý Trường Thành vào năm 1972. Nhưng lịch sử vẫn còn cho VNCH một cơ hội cuối cùng. Bỏ mất cơ hội này, chắc lịch sử của VNCH sẽ khép lại và không biết bao giờ mới mở lại trang sử mới?!
Trong khi Kissinger đi đêm với Quốc Tế Cộng Sản, thông qua ngoại trưởng Liên Xô, thì Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai gợi ý cho Lê Duẩn, Võ nguyên Giáp mở mặt trận Quảng Trị Khe Sanh với sự hỗ trợ hậu cần của Trung Cộng để làm nên "mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Mục đích của chiến dịch này là buộc VNCH, chớ không phải buộc Mỹ, vì Mỹ đã đánh tiếng cho Trung Cộng về việc hòa đàm và rút quân ra khỏi Việt Nam Cộng Hòa, ngồi vào hòa đàm với Việt Cộng?
Chúng ta cần nhắc lại trang sử nhỏ về lịch sử chiến tranh cận đại ở Châu Âu. Khi hay tin quân Tây Ban Nha đang chiến đấu bỗng loan báo rút quân, Thống chế Pháp Lyautey đã than rằng: "Trời ạ, khi nào cần thì một đạo quân sẽ rút, nhưng không bao giờ đạo quân ấy lại nên báo trước cho địch biết chừng nào mình sẽ rút!" Soi lại việc làm của Nixon Kissinger, đã chứng tỏ các ngài đã ngầm xúi Việt Cộng cứ đánh tới, có thể thực hiện được sự tiên đoán của Hồ Chí Minh "Mỹ cút, Ngụy nhào" (Chữ của Hồ Chí Minh dùng trong thư chúc Tết đầu năm 1969 - LTM).
Tuy nhiên, các tướng tá, sĩ quan và chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa không dễ chịu thua như sự mong muốn của Việt Cộng! Nhưng vinh quang này không có dự phần của nhóm tướng lãnh và cả ông tướng làm Tổng Thống phè phỡn dưới ánh đèn màu ở các vũ trường, nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn trước giờ tắt thở của VNCH!
Thực tế "mùa hè đỏ lửa" không chỉ có diễn ra ở Quảng Trị Khe Sanh mà mặt trận còn kéo dài đến Huế và một mặt trận phụ ở Bình Long Kontum.
Từ mờ sáng ngày 20-3-1972, tướng Giáp (Bắc Việt) đã tung 3 sư đoàn quân chính quy (17) có trên 200 xe tăng yểm trợ tiến dọc quốc lộ 9 hướng về các tiền đồn A Sao, A Lưới để đánh thẳng về Huế. Giáp còn dùng rất nhiều đại bác 130 ly, một loại đại bác được mệnh danh là "đại bác vô địch". Quân của Giáp đã mau lẹ tràn ngập hai căn cứ Rockpile và Caroll... và trong vòng 2 tuần lễ, đã chiếm được dải đất rộng 10 dặm giữa khu phi quân sự và sông Cửa Việt. Nhờ đó mà tạo được huyền thoại: "Cuộc tấn công thần tốc này cho thấy sự xuất sắc của tướng Giáp về chiến lược" (Peace is not at Hand của Sir Robert Thompson, trang 89). Còn mũi dùi thứ hai nhắm vào tỉnh Bình Long do tướng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ huy, đã chiếm được Lộc Ninh rồi tiến về An Lộc với lực lượng phối hợp của 3 Công Trường 5, 7 và 9. trong thời gian này lực lượng Việt Cộng ở miền Trung (Khu 6) được sự tăng viện của quân đội Cộng Sản Bắc Việt đã chiếm được 3 quận lỵ dọc bờ biển của tỉnh Bình Định, và đe dọa cắt Nam Việt Nam ra làm hai!?
Tuy yếu thế hơn về trang bị và quân số, nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu rất anh dũng tại An Lộc và viết nên thiên anh hùng ca, giữ được tuyến phòng thủ ở Kontum, chặn được các cuộc tấn công thọc sâu của quân đội Bắc Việt. Tại Huế và Quảng Trị, nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm, nhờ tài lãnh đạo của các vị chỉ huy ở Vùng 1 nên ba sư đoàn quân lực VNCH đã cầm chân được 6 sư đoàn của CSBV, không để cho chúng tự do làm mưa làm gió nữa.
Vì lương tâm của nước Mỹ trước toàn thế giới và với một đồng minh trung thành dũng cảm như VNCH, vì uy tín của một siêu cường và vì không muốn mang tiếng là một kẻ chiến bại, nên Nixon quyết định cho B52 ném bom xuống Hà Nội, đồng thời mở cuộc oanh tạc suốt dọc đường tiến quân của Giáp với "số lượng bom nhiều nhất từ khi có cuộc chiến đến nay" (Theo Dave Palmer, trong Summons of the trumpet, trang 252). Phải nói rằng: Cuộc dội bom này đã thiêu hủy thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp và làm cho Bộ Chính Trị CS ở Bắc Việt nhanh chóng chấp nhận hòa đàm Paris.
Thừa cơ hội đó, quân lực VNCH ở Quân Khu 1 do tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy đã nhanh chóng mở cuộc phản công ở khắp các mặt trận. Tướng Vanuxem (Pháp) đã nhận định cuộc phản công đẫm máu này như sau: "Đây là cuộc thử lửa, đến rất mau, sau khi quân Mỹ rút. chúng ta cần phải ghi nhớ thành tích quân sự lẫy lừng của quân đội trẻ trung VNCH" (theo La Mort du Viet Nam của General Vanuxem, trang 71).
Chính cuộc thử lửa đẫm máu 1972 đã đưa đến Hòa Đàm Paris đúng theo kế hoạch của hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô, có sự tán thành của Trung Cộng.
Có người xét trên bình diện chính trị quốc tế lúc này đã cho rằng "Sau năm 1972, và với hiệp định Paris đã chín muồi cho sự sụp đổ của Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa".
Theo chúng tôi, nhận xét đó không hoàn toàn đúng.
Trước hết, nhiều chính khách Quốc Gia của VNCH bị hoảng loạn vì bộ máy tuyên truyền của Việt Cộng, thông qua những trí thức hoạt đầu về chính trị đã tiếp tay cho Việt Cộng tung tin vịt trên diễn đàn của các tờ báo Tin Sáng (của Ngô Công Đức), Đại Dân Tộc (của Võ Long Triều), Điện Tín (của Hồng Sơn Đông)...
Chúng tôi xin cung cấp cho quý độc giả một tài liệu phản ảnh đúng thực tế lúc bấy giờ. Đó là bản Báo Cáo Chính Trị của Trung Ương Cục Miền Nam do Phạm Hùng tổng kết sau khi có Hiệp Định Paris (1973) để cho các cán bộ trung cao cấp Việt Cộng thấy được sự khó khăn mà quyết tâm "lấn đất giành dân" với Việt Nam Cộng Hòa, đấu tranh chống "tư tưởng hòa bình mất cảnh giác". Bản tài liệu đó có đoạn như sau:
"Hòa bình chưa có nghĩa là thắng! Chúng ta còn rất nhiều khó khăn. Tính đến tháng 7.1973, khi đã ký Hiệp Định Ba Lê, chúng ta vẫn chưa có được vùng giải phóng như báo chí nói. Con số 2/3 vùng đất miền Nam thuộc về vùng giải phóng thực chất là gì? Đó chỉ toàn là rừng núi hiểm trở không có dân. Không giấu giếm gì các đồng chí, chúng ta chỉ có vùng giải phóng Bình Long An Lộc coi như là rộng nhất. Còn trên toàn miền Nam không có ở đâu có vùng giải phóng đến liên xã, chỉ trừ có vùng U Minh và chiến khu D. Về dân số, vùng giải phóng thì không quá 2.000.000 người tính từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Một đoạn khác, bản Báo Cáo viết:
"Về đời sống của cán bộ, chiến sĩ của chúng ta còn quá thấp, vì nguồn tiếp tế từ hậu phương lớn (ám chỉ Trung Cộng - LTM) đã bắt đầu giảm, chớ không còn cung cấp đầy đủ như trong thời chiến. Cho nên, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cần có kế hoạch tăng gia sản xuất phục vụ cho cuộc chiến lấn đất giành dân" (18).
Chỉ dẫn chứng bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta thấy: Sau Hiệp Định Ba Lê được ký kết. Việt Cộng vẫn còn yếu, rất yếu. Chúng chỉ mạnh trên bình diện tuyên truyền thổi phồng!
Nếu Việt Nam Cộng Hòa có những người lãnh đạo tài giỏi có đức độ, toàn tâm toàn ý vì nền dân chủ, tự do của dân tộc, quyết tâm chống Cộng Sản đến cùng thì vẫn có cơ hội củng cố và giữ vững chế độ trước cơn giông tố 74-75.
Tiếc thay! Chúng ta gặp một nhóm lãnh đạo quốc gia chỉ vì quyền lợi cá nhân.
Nguyễn Văn Thiệu đáng lý nên tự nguyện ra đi, ngược lại cứ cố bám lấy cái ghế tổng thống. Còn một số người khác cũng vì quyền lợi cá nhân mà gây nên cảnh rối loạn không thể tha thứ. Thí dụ như Nguyễn Văn Ngân, dựa vào thế của Nguyễn Văn Thiệu để tranh ghế Thủ Tướng của Trần Thiện Khiêm, nhưng ông Thiệu lại không chịu bãi chức ông Khiêm, nên Ngân quay ra chống Thiệu bằng cách vận động ngầm các nghị sĩ, dân biểu Dân Chủ cắt xén ngân sách Bộ Thông Tin của Hoàng Đức Nhã !... Trong khi đó những người thân cộng đối lập, vì bất mãn với Thiệu nên đã sa vào cái bẫy "Hoà Giải Hòa Hợp Dân Tộc" của Việt Cộng như Lý Chánh Trung, Lý Quý Chung, Ngô Công Đức, bà luật sư Phạm Thị Thanh Vân (tức bà Bgô Bá Thành)... Thật là đáng lên án những kẻ vì quyền lợi cá nhân, coi thường quyền lợi của dân tộc mà xâu xé, đấm đá nhau để cho Việt Cộng "đục nước béo cò". Chính bọn này đã nhẫn tâm đạp lên sự hy sinh không tiếc mạng sống của các chiến sĩ quốc gia đang cầm súng chống Cộng ở ngoài trận tuyến.
Dù vậy, vẫn còn cơ hội củng cố thế và lực của VNCH trong 2 năm đầy lộn xộn (74-75) này, nếu chính quyền Hoa Kỳ làm đầy đủ trách nhiệm với đồng minh của chính mình. Lúc này mới là đúng lúc ép buộc Thiệu ra đi, để lập lại trật tự và đưa những người có tài đức trong hàng ngũ quốc gia lập nội các mới để đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ, bắt buộc Việt Cộng phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp Định Ba Lê, dưới sự giám sát của lực lượng quốc tế (Liên Hiệp Quốc). Nhưng Mỹ không chịu làm điều đó, mặc dù Mỹ thừa khả năng để giúp Việt Nam Cộng Hoà!?
Tướng L.A. Marshall, một nhà viết sử quân đội Mỹ đã nhận định rất đúng về sự sai lầm của Nixon trong giai đoạn này. Ông viết: "Môt triển vọng chiến thắng lớn đã bị đổi thành một sự thất bại tai hại, vì sự ước tính sai lầm,bị mất tinh thần, bị cố vấn tồi, lãnh đạo thất bại và có làn sóng chủ bại kèm theo". (Xem Summons of Trumpet, trang 203)
Ngày 6 tháng 8 năm 1974 hai ngày trước khi Nixon buộc phải từ chức vì vụ Watergate thì Quốc Hội Mỹ còn biểu quyết cắt bớt nhiều viện trợ hơn nữa cho Việt Nam Cộng Hòa. Chính việc làm bất tín nghĩa của Quốc Hội Mỹ lúc ấy, đã bị dân biểu Robert Sides phê phán rằng:
"Đừng có dâng Nam Việt Nam cho Hà Nội trên một chiếc đĩa bạc. Hãy giúp Việt Nam tiếp tục một cuộc chiến đấu dũng cảm". (Xem Betrayal in Vietnam của Louis A. Fanning, tr. 176).
Để thay lời kết luận cho Bài Học Thất Bại Thứ Ba về chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1955-1975, chúng ta hãy nghe vị tướng Không Quân Mỹ là T. R. Milton khẳng định:
"Dẫu sao thì chúng ta đã bán đứng đồng minh của chúng ta". (Air Force magazine, March 1983, tr. 110)
Kết Luận
Nhân dịp Hoa Kỳ đang mở rộng đầu tư và giao thương với chế độ CSVN, chúng tôi viết "Bài Học Thất Bại Về Chiến Lược Của Mỹ Trong Chiến Tranh Việt Nam 1955-1975" có thể là chạm đến tự ái của nhà cầm quyền đương thời, cụ thể là Tổng Thống Clinton. Nhưng làm sao được vì đây là sự thật lịch sử mà nhiều sử gia Mỹ, nhiều tướng lĩnh vô tư và khách quan của Mỹ đều thừa nhận. Thí dụ: Vào mùa xuân 1983, tại Smithsonian Institute Hoa Kỳ, có tổ chức một cuộc hội thảo rút kinh nghiệm về cuộc chiến tranh Việt Nam, quy tụ trên 50 nhà nghiên cứu nổi tiếng thuộc nhiều ngành khoa học xã hội Mỹ, trong đó có nhà học giả và bình luận gia nổi tiếng Allan Goodman thuyết trình một đề tài đặc biệt về "Mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa và nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam" và ông khẳng định rất đúng rằng: "Mỹ chưa bao giờ chịu tìm hiểu Nam Việt Nam"!
Vì vậy, chủ điểm của tôi khi viết bài này là muốn góp ý với các chiến lược gia Hoa Kỳ hiện đang cố vấn cho Tổng Thống Bill Clinton trong chính sách mới đối với chế độ Cộng Sản Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ: Việc phát triển bang giao với CSVN là một tất yếu trong tiến trình thúc đẩy mối quan hệ bang giao của Hoa Kỳ với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, vì Mỹ không thể bỏ trống khu vực đó trong khi thế lực Trung Cộng và Nhật Bản đang bành trướng ngày một lớn ở khu xung yếu này của thế giới.
Nhưng bản chất của Cộng Sản Việt Nam là thủ đoạn lọc lừa. Họ muốn bang giao với Mỹ chưa có nghĩa là họ muốn trở thành chư hầu của Mỹ. Họ biết Mỹ cần họ và họ lợi dụng Mỹ trong thời gian trước mắt để vực dậy nền kinh tế đang suy đổ toàn diện, để củng cố quyền lực chính trị của họ trong trào lưu tan rã của Cộng Sản Quốc Tế. Cho nên Mỹ mà coi họ là đồng minh thì đó là một con dao hai lưỡi, họ quay lại thọc vào hông của Mỹ bất cứ lúc nào họ có cơ hội. Các lão nông Việt Nam có kinh nghiệm thường dậy con cháu rằng đối với rắn độc đã đánh thì phải đánh cho giập đầu, chớ nắm cái đuôi mà vuốt nhẹ thì coi chừng nó quay đầu cắn lại, và đến lúc ấy không còn thuốc chữa được!
Viết bài này, chúng tôi còn nhằm mục đích khác quan trọng hơn. Chúng tôi hy vọng qua những bài học lịch sử 1955-1975, các lãnh tụ đảng phái hội đoàn, tôn giáo, quốc gia chân chính, lúc này hơn lúc nào hết, hãy dẹp bỏ mọi định kiến cá nhân, mọi quan điểm chính hướng khác nhau, hãy cùng nhau ngồi chung lại và thật sự bàn bạc một giải pháp tốt nhất, một đường lối đúng nhất, một tổ chức thống nhất, thích hợp nhất với tình hình mới, tình hình mà Đảng CSVN sắp tung ra một lá bài lừa bịp mới "Đổi Mới Chính Trị" và "Mở Rộng Chính Chính Phủ Trên Tinh Thần Hoà Giải Hòa Hợp Dân Tộc" để "Xây Dựng Nhà Nước Pháp trị"...
Chúng ta phải chuẩn bị một cách hữu hiệu nhất cho đại nghiệp dựng lại một nước Việt Nam tự do, dân chủ, không có Cộng Sản như thế nào?
chú thích
(1) Theo "To More A Nation. The Politics Foreign Policy in the Administration of J. F. Kennedy" của Roger Hillsman, New York, Doubleday 1967.
(2) Không phải 500 người như một số tài liệu đã công bố.
(3) Có dịp chúng tôi xin cống hiến độc giả về "Vụ án Burchett" trong việc tuyên truyền cho Cộng Sản Thế Giới và Việt Nam.
(4) Xem bộ "War in the Shadow của Robert Asprey", trang 1005. Robert Asprey trích từ cuốn Lost Revolution của Robert Shaplen.
(5) Sau đảo chánh ngày 1-11-63, tin này được tiết lộ ra từ Lưu Quý Kỳ (Phó ban tuyên giáo của CSVN và đặc trách Báo Chí Thông Tấn).
(6) Thích Trí Quang là ai? Đó là đề tài của một bài khác.
(7) Xem "The Ten Thousand Day War", trang 66, của Michael McLear.
(8) "Hồ Sơ Của Lầu Năm Góc" (Mỹ) The Senator Gravel, Edition 1975.
(9) Tên thật là Dương Văn Nhật, em ruột của tướng Dương Văn Minh. Có dịp chúng tôi sẽ viết về "Sự cộng tác của Big Minh với Cộng Sản thông qua sự móc nối của Dương Văn Nhật thế nào?"
(10) Xem 'Summons of the Trumpet", trang 40-47 của Dave palmer.
(11) Một làng công giáo cách Sài Gòn 40 dặm về phía đông.
(12) The Hồ Sơ Mật của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình báo VNCH.
(13) Xem "Without Honor: Defeat In Vietnam and Cambodia" của Arol Tsaac, trang 102.
(14) Theo báo cáo mật của Trần Bạch Đằng (1969, lúc này TBĐ vừa lên làm Bí Thư T4 tức Sài Gòn Gia Định, thay Võ Văn Kiệt) gửi về cho Lê Duẩn (Tổng Bí Thư Đảng Lao Động Việt Nam) thì cơ sở nội thành bị bắt, bị chết trong cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân là 90%.
(15) Xem Hồ Sơ Mật của Việt Cộng, lưu trữ ở ban R, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH.
(16) Tài liệu đã dẫn.
(17) Sau đó không lâu Giáp cho tăng viện thêm 3 sư đoàn hậu binh. Tổng cộng lực lượng tham chiến của Bắc Việt là 6 sư đoàn.
(18) Tài liệu này do nội gián của ta trong cơ quan Thành Đoàn Việt Cộng ở Sài Gòn, gửi về cho nhóm Tình Báo A17. Tài liệu mang mã số Z15 (Hồ sơ của Phủ Đặc Ủy TƯTB).

No comments: