Sunday, September 2, 2012

TRẦN BÌNH NAM * HOA KỲ IRAQ

DẦU HỎA TRONG QUAN HỆ HOA KỲ – IRAQ

Trần Bình Nam
Đọc diễn văn tại Cincinati, tiểu bang Ohio ngày 7/10/2002 tổng thống George W. Bush đã không có một chữ, hay một sự ám chỉ xa gần nào đến kho dầu hỏa của Iraq. Ông chỉ nói đến sự nguy hiểm trước mắt nếu Hoa Kỳ không dám hành động. Không hành động thì nhân dân Hoa Kỳ phải sống trong chờ đợi và sợ hãi, và đó là điều nhân dân Hoa Kỳ không thể chấp nhận. Nhưng không nói đến dầu hỏa không có nghĩa vấn đề dầu hỏa không quan trọng trong tiến trình suy nghĩ của tổng thống Bush và của các nhà chiến lược tại tòa Bạch Ốc.
Iraq có một trữ lượng dầu hỏa 112.5 tỉ thùng lớn thứ nhì thế giới chỉ thua Saudi Arabia (trữ lượng 261.8 tỉ thùng) nên sau khi chiến tranh chấm dứt (nếu Hoa Kỳ đánh Iraq) lượng dầu hỏa của Iraq sẽ làm thay đổi cán cân phân phối và tiêu thụ dầu hỏa trên thế giới và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Trước hết, giá dầu thế giới không còn lệ thuộc vào quyết định của Tổ Chức Các Nước Sản Xuất Dầu Hỏa (Organization of Petroleum Exporting Countries – OPEC) như hiện nay.
Quan hệ giữa Saudi Arabia và Hoa Kỳ xưa nay là một quan hệ an ninh liên quan đến dầu hỏa. Saudi Arabia cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ để yên tâm hưởng kho dầu của mình trước sự dòm ngó của Liên bang Xô viết (nay là Liên bang Nga) và của Iran, Iraq. Hoa Kỳ trái lại cần bảo vệ Saudi Arabia để bảo đảm nguồn cung cấp dầu hỏa cho Hoa Kỳ và đồng minh. (Hoa Kỳ tiêu thụ vào khoảng 11 triệu thùng dầu thô mỗi ngày tức vào khoảng 1/4 tổng số dầu thô sản xuất trên thế giới). Quan hệ này xác định thế đứng của Saudi Arabia là thành viên quan trọng nhất của OPEC. Tuy nói OPEC định giá nhưng trên thực tế Saudi Arabia là nước định giá dầu hỏa trên thế giới, và Hoa Kỳ – qua quan hệ với Saudi Arabia - cũng có một ảnh hưởng chừng mực và tế nhị nào đó.
Cuộc chiến năm 1991 là cuộc chiến bảo vệ kho dầu hỏa của Saudi Arabia sau khi Iraq xâm lăng Kuwait. Cho nên sau khi các đội quân tinh nhuệ của Saddam Hussein bị đánh tan, kho dầu hỏa của Saudi Arabia được an toàn, Hoa Kỳ ra lệnh ngưng tiến quân, để Saddam Hussein tồn tại với những điều kiện ngưng bắn khắc khe trói tay ông ta với hy vọng các lực lượng đối lập trong nước sẽ thanh toán sau. Hoa Kỳ cho rằng lật đổ Saddam Hussein sẽ tạo ra một số vấn đề (như sự bất mãn của khối A Rập, và công tác bình định Iraq) mà Hoa Kỳ muốn tránh.
Nhưng bối cảnh chính trị thế giới sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 thay đổi ưu tiên của Hoa Kỳ. Và tuy cuộc khủng bố có mang lại cho tổng thống Bush nhiều lo âu cũng mang lại cho ông ta một cơ hội hiếm có. Ưu tiên lúc này là an ninh. Và Hoa Kỳ có thế và lực để hành động.
Sau khi Taliban bị lật đổ, mũi dùi của Hoa Kỳ hướng về Iraq là nước (có nhiều bằng chứng) có vũ khí giết người tập thể kể cả vũ khí nguyên tử, và Saddam Hussein là người có thể cung cấp vũ khí này cho bọn khủng bố Al Qaeda để đánh Hoa Kỳ. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iraq lúc này là quan hệ an ninh một mất một còn chứ không còn là xung khắc quyền lợi kinh tế như 11 năm trước đây.
Tuy nhiên như đã nói trên, Iraq là nước có kho dầu lớn thứ nhì trên thế giới nên sau chiến tranh, kho dầu Iraq được mở ra sẽ làm cho phương trình phân phối dầu hỏa trên thế giới thay đổi, và Hoa Kỳ qua ảnh hưởng đối với chính phủ mới ở Iraq sẽ có nhiều ảnh hưởng đến giá cả và do đó đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Ngày 19 tháng 9 vừa qua khi phát biểu trước đại hội đồng Liên hiệp quốc, đại diện Iraq đã đọc một lá thư của Saddam Hussein tố cáo, “chính quyền Hoa Kỳ muốn tiêu diệt Iraq để kiểm soát kho dầu hỏa Trung đông và qua đó kiểm soát nền chính trị và kinh tế của cả thế giới”. Mặt khác trong những năm gần đây Saddam Hussein đã mua chuộc Nga, Pháp và Trung quốc là ba nước có chân trong Ủy ban Thường trực của Hội đồng Bảo an, có quyền phủ quyết các quyết định của Liên hiệp quốc bằng những giao kèo ngon lành cho phép các công ti của các quốc gia này khai thác dầu hỏa (một khi Liên hiệp quốc bãi bỏ lệnh phong tỏa). Saddam Hussein đã đánh đúng vào trọng tâm của vấn đề và đã vận dụng lá bài dầu hỏa một cách khéo léo. Nhưng lúc này không ai muốn tin và muốn nghe chuyện dầu hỏa của ông ta. Nhân dân Hoa Kỳ còn bận tâm với an ninh và các đồng minh Hoa Kỳ cũng không muốn nêu lên một vấn đề có thể làm thiệt thòi quyền lợi của họ sau này.
Như vậy vấn đề đánh Iraq lật đổ Saddam Hussein để bảo vệ an ninh cho người Mỹ và vấn đề kho dầu của Iraq sau đó là hai vấn đề không thể tách rời nhau. Và vấn đề thứ hai (vấn đề dầu hỏa của Iraq) ảnh hưởng không nhỏ đến sự chọn lựa thời điểm, chiến lược và chiến thuật của cuộc tấn công.
Như một qui luật, nếu cuộc chiến bùng nổ, giá dầu sẽ tăng vọt lên, và sau đó sẽ giảm dần xuống. Mức tăng tùy theo tâm lý của giới tiêu thụ trên thế giới (chung quanh con số $35-40US một thùng), nhưng cũng có thể tùy theo phản ứng của Saddam Hussein. Nếu ông ta liều lĩnh tấn công phá hoại các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia và thành công thì giá dầu sẽ leo thang phi mã. Mức độ giảm giá dầu (và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế thế giới và Hoa Kỳ) sẽ tùy thuộc vào tình hình chiến cuộc, và mức độ hư hại của các cơ sở khai thác dầu chính yếu ở Trung đông (Iraq và Saudi Arabia). Vì vậy, Hoa Kỳ không thể để cho chiến cuộc dai dẵng và cũng sẽ không để cho các cơ sở khai thác chế biến dầu tại Iraq bị hư hại quá đáng. Các nhà quân sự Hoa Kỳ cũng phải nghĩ đến trường hợp Saddam Hussein đánh phủ đầu phá hủy các sơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở vào một thời kỳ tế nhị. Chu kỳ kinh tế thoái trào bắt đầu giữa năm 2001 (được bồi thêm một đòn bởi cuộc khủng bố 11/9) sang năm 2002 đang có chiều phục hồi thì xảy ra vụ thụt tiền của các ông chủ các đại công ti Enron, Worldcom ... làm cho giới doanh nhân mất tin tưởng, thị trường chứng khoán tụt thang và kinh tế Hoa Kỳ khựng lại một lần nữa. Chiến tranh đánh Iraq có thể tạo ra công ăn việc làm, nhưng cũng tăng chi tiêu, nên nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ có thể phồn thịnh trở lại nếu cuộc chiến kết thúc nhanh chóng, kho dầu của Iraq được an toàn và nằm trong tay của một chính phủ Iraq đồng minh với Hoa Kỳ.
Bức tranh mầu hồng cho Hoa Kỳ là sau khi chiến tranh chấm dứt chừng 2 năm (thời gian vừa đủ để sửa chữa dụng cụ hư hại vì chiến tranh và trang bị thiết bị mới) Iraq có thể sản xuất theo khả năng của trữ lượng chừng 7 triệu thùng dầu mỗi ngày (hiện nay với sự cho phép của Liên hiệp quốc, Iraq sản xuất 2.5 triệu thùng mỗi ngày) bên cạnh Saudi Arabia sản xuất 8 triệu thùng. Giá dầu sẽ giảm xuống từ $30US một thùng hiện nay xuống khoảng $20US một thùng, và có thể xuống chung quanh con số $10US một thùng như giá dầu mấy tháng cuối năm 1998 và đầu năm 1999. Các công ti khai thác dầu hỏa của Hoa Kỳ sẽ không còn bị luật (của Hoa Kỳ) cấm đoán và sẽ đầu tư đúng mức bên cạnh các công ti lớn của Liên bang Nga, Pháp, và Trung quốc ... (theo tờ tuần báo Washington Post số ngày 23-29/9/2002 từ năm 1991 nhiều nước trong đó có Pháp, Liên bang Nga, Trung quốc, Ấn Độ, Ý, Algeria và Việt Nam đã gởi người đến Iraq bàn chuyện khai thác dầu hỏa với Saddam Hussein. Việt Nam không có kỹ thuật khai thác dầu nên qua thông tin này người ta nghi ngờ Việt Nam dùng hình thức này để ngụy trang nhân sự Việt Nam có thể gởi qua cố vấn cho Saddam Hussein để đương đầu với một cuộc tấn công của Hoa Kỳ. Sự việc này có thể liên quan đến việc bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho đóng cửa tòa đại sứ tại Hà Nội ngày 11/9/2002 lấy lý do an ninh để bày tỏ sự bất mãn?).
Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng không có lợi nhiều nếu giá dầu trên thế giới quá thấp vì Hoa Kỳ cũng là một nước có trữ lương dầu cao (đứng thứ tám trên thế giới với 30.4 tỉ thùng) và là nước sản xuất dầu thô đứng hàng thứ ba trên thế giới (5.8 triệu thùng mỗi ngày sau Saudi Arabia và Liên bang Nga). Các công ti dầu của Hoa Kỳ sẽ đóng cửa vì thua lỗ và điều này sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ với ảnh hưởng đối với chính quyền tương lai của Iraq sẽ làm những gì cần thiết để giữ giá dầu trong giới hạn thích hợp để kích thích tối đa cho nên kinh tế Hoa Kỳ. Một hậu quả là Saudi Arabia sẽ không còn là nước quyết định giá dầu và OPEC sẽ mất độc quyền dầu hỏa. Đánh Iraq Hoa Kỳ bắn một viên đạn giết hai con chim: mang lại an toàn cho dân Mỹ và có khả năng chấm dứt sự thao túng thị trường dầu hỏa của Saudi Arabia.
Bức tranh mầu xám của một cuộc tấn công Iraq là bức tranh kinh tế - nếu cuộc chiến không kết thúc nhanh chóng - cũng u ám không kém sự rực rỡ của bức tranh mầu hồng. Ngoài yếu tố cụ thể là Iraq không phải là Afghanistan và Saddam Hussein không phải là Mahammad Omar còn có nhiều yếu tố bất định như : nếu Hoa Kỳ bị nhiều tổn thất nhân mạng; nếu quân khủng bố tấn công các cơ sở có tầm vóc kinh tế quan trọng của Hoa Kỳ v.v... Trong trường hợp đó giá dầu lên khi khởi chiến sẽ không chịu xuống, niềm tin của giới tiêu thụ và doanh nhân mất, thị trường chứng khoán tuột dốc, và nạn thất nghiệp không thể tránh. Theo ước lượng của các chuyên viên kinh tế nếu giá dầu tăng lên $50US một thùng trong một thời gian dài sẽ có ít nhất 1.4 triệu người tại Hoa Kỳ thất nghiệp. Giá nhiên liệu cao và kéo dài cũng sẽ là một đòn chí tử cho kỹ nghệ hàng không dân sự Hoa Kỳ chưa lấy lại phong độ sau cuộc tấn công 11 tháng 9 năm trước.
Về ngân sách theo ước lượng của Nha Ngân Sách thuộc Quốc Hội (một cơ quan không bị ảnh hưởng bởi đảng phái), Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ tiêu từ 9 đến 13 tỉ mỹ kim để dàn quân ở thế sẵn sàng đánh Iraq, từ 6 đến 9 tỉ một tháng cho chi phí chiến trường, từ 5 đến 7 tỉ để mang quân về và từ 1 đến 4 tỉ cho công tác bình định. Hoa Kỳ có một nền kinh tế mạnh nên có thừa khả năng chi. Vấn đề là lấy tiền ở ngân khoản nào? Cắt giảm các chương trình chi tiêu khác hay tăng thuế là những cách không được lòng dân. Cách tốt nhất (vì dân không bị ảnh hưởng ngay nên không than phiền) là in bạc ra dùng, chấp nhận cán cân chi phó ngân sách thâm thủng để nợ cho các thế hệ sau trả.
Bài toán an ninh và kinh tế đặt ra trước mắt tổng thống Bush lúc này thật là phức tạp, nhưng sự chọn lựa hết sức đơn giản, đơn giản hơn bất cứ một quyết định quan trọng nào một vị tổng thống Hoa Kỳ đã lấy trong bất cứ một thời đại nào của lịch sử Mỹ quốc. Sự lựa chọn đó là: Hoa Kỳ phải hành động, hành động nhanh và phải thắng thật mau. Quyết nghị của Quốc Hội hôm 10 tháng 10, 2002 cho phép tổng thống xử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ an ninh quốc gia chống lại sự đe dọa của Iraq với một tỉ số thuận áp đảo ở cả hai viện, Hạ viện 296 – 133 với 6 phiếu trắng, Thượng nghị viện 77 –23 là sự đồng thuận của nhân dân Mỹ đối với sự lựa chọn trên.

Trần Bình Nam
Oct. 11, 2002
binbnam@aol.com
http://www.vnet.org/tbn
Tài liệu tham khảo:
1. “Oil Firms wait as Iraq crisis unfolds” by Robert Collier. San Francisco Chronicle, Sunday Sept. 29, 2002
2. “Don’t mention the O-word” Special report on Iraq’s oil, The Economist Sept. 14th-20th, 2002
3. “War could slow the economy, unless U.S. controls the oil” by Finsay Lewis. The San Diego Union Tribune October 6, 2002
4. “Oil Fuels the Iraq Question” by Dan Morgan and David B. Ottaway. The Washington Post, National Weekly Edition, Sept. 23-29, 2002
5. “The Cost of War” by John M. Berry. The Washington Post, National Weekly Edition, Sept. 30 – Oct. 6, 2002
6. “Congress Backs War on Iraq” by Janet Hook and Nick Anderson. Los Angeles Times Oct. 11, 2002


Free Web Hosting by FortuneCity

No comments: