Tuesday, September 4, 2012

VŨ THỊ DẠ THẢO * CHIM TRỜI

Chim Trời chưa mỏi cánh bay
Truyện ngắn
Vũ Thị Dạ Thảo


Cả dân chúng trong thành phố Sàigòn chợt nhốn nháo khi thấy một chiếc
phi cơ hàng không dân sự bay lòng vòng trên đầu họ thật thấp. Mọi người
đều hốt hoảng với nghĩ giống nhau: có lẽ chiếc phi cơ này đang bị trục trặc
máy móc, và có thể sẽ rơi xuống đầu họ.
Sống dưới cái chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa siêu việt do Bác Hồ và các đồng
chí của Bác cai trị, hiện tượng một chiếc máy bay đột nhiên hỏng máy giữa
trời, hay một bệnh nhân đi giải phẫu gan, nhưng bị bác sĩ cắt nhầm quả
thận đều trở thành những chuyện thông thường đối với người dân trong
nước. Bởi thế, khi thấy chiếc phi cơ cứ lượn trên đầu họ, mọi người, từ kẻ đi
bộ đến người lái xe, từ bộ đội đến công an đều dừng lại, ngẩng đầu nhìn
lên trời, và lâm râm khấn vái cho nó đừng rơi trúng chỗ họ đang đứng.
Nhưng trái với dự đoán của mọi người, chiếc phi cơ không rơi và vẫn bay thật
thăng bằng. Trong khi mọi người chưa hiểu chuyện gì thì từ trên phi cơ hàng chục
ngàn tờ giấy mầu được thả xuống, theo gió bay chập chờn như vạn cánh
bướm mùa Xuân, trải rộng cả một góc trời.
Dân chúng ngẩng đầu chăm chú nhìn hiện tượng lạ lùng chưa từng có. Những
tờ giấy mầu tung bay khắp nơi, rồi là là đáp xuống thấp. Chúng vướng trên
ngọn cây, phơi trên mái nhà, lọt vào sân thượng, trong ngõ hẻm và nằm rải
rác khắp vỉa hè, đường phố. Một số đông nhanh tay nhặt lên xem, rồi đồng
thanh reo lớn:
- Truyền đơn bà con ơi!
Thế là không ai bảo ai, mọi người đều chạy túa ra khắp nơi, giành giựt nhau
nhặt những tờ truyền đơn. Trong số đó có cả bộ đội đi chơi phố và bọn
công an gác đường. Đám bộ đội cầm đọc với gương mặt ngơ ngác. Còn đám
công an đã quen đối phó với tình trạng biến động giống như thế này, vội
vàng la lớn:
- Truyền đơn của bọn Ngụy phản động đấy! Yêu cầu đồng bào đừng nhặt! Ai
nhặt sẽ bị xử lý nặng nề!
Lời cảnh cáo của công an lại càng khiến cho người ta thêm tò mò hơn là sợ
hãi. Người ngoài đường lượm, cả những người đang ở trong nhà, trong tiệm
cũng đổ xô ra ngoài đường để nhặt, hay hỏi xin người khác. Những tên
công an đang làm nhiệm vụ trong khu vực thả truyền đơn đều hè nhau chạy lung
tung để tìm cách tịch thu lại những tấm truyền đơn quái ác ấy, nhưng người
dân đã nhanh tay dấu ngay vào túi áo, hay nhét vào giỏ đi chợ. Bọn công an
luống cuống như gà mắc đẻ. Họ rút súng ra, bắn chỉ thiên để đe doạ và
chia nhau nhặt cho bằng sạch những tờ truyền đơn nào còn nằm phơi trên
mặt đất.
- Bà con ơi! Có người nhẩy dù xuống kìa!
Tiếng reo khiến mọi người lại ngẩng đầu lên nhìn. Có người buột miệng với
vẻ mừng rỡ:
- Quân ta đã về chiếm lại thành phố Sàigòn!
Thế là trong nháy mắt, lời nói đó được truyền miệng khắp cả đường phố
Sàigòn. Trong khi bóng dù còn lơ lửng trên không trung thì bên dưới đất,
khắp hang cùng ngõ hẻm đã chen chúc chật ních cả người và người. Họ nhìn
lên trời với ánh mắt sáng ngời hy vọng. Đám công an cũng lo sợ nhìn lên.
Nhưng nụ cười của dân chúng chợt tắt khi thấy chiếc phi cơ bay đi mất hút và
trên nền trời xanh chỉ còn lại một cánh dù lẻ loi đơn độc, đang bay lơ lửng.
Cả khu bùng binh chợ Bến Thành và khu đường Nguyễn Huệ vang rền những
tiếng rú mạnh ga của những chiếc xe công an đang đi tuần tiểu quanh đấy.
Nhưng đường xá kẹt cứng xe cộ khiến bọn công an vừa bắn súng chỉ thiên,
vừa gân cổ hò hét:
- Yêu cầu xe đồng bào tránh ra chỗ khác cho xe công an đi, nhanh lên!
Vài chiếc xe hơi uể oải nép sát lề, nhường lối cho xe công an tiến lên. Trên
không trung, bóng dù bị gió thổi tạt về hướng bến Bạch Đằng, đáp xuống
từ từ nơi công trường có bức tượng đức thánh Trần Hưng Đạo. Đám xe công
an từ bốn phía kéo đến đông như kiến cỏ, bao quanh công trường thành một
vòng tròn, súng ngắn, súng dài chĩa lên trời, lên đạn lạch cạch với khí thế
hung hãn.
Bóng dù cùng với người nhảy dù mặc bộ đồ bay mầu cam của không lực
Việt Nam Cộng Hoà đáp xuống đất. Đôi chân chàng phi công chấm mặt
đường nhựa. Anh đứng thật vững. Chiếc dù bị gió sông thổi tạt về sau lưng,
phủ lên đầu đám công an đứng phía đó, khiến chúng lúng túng vén tay, chui
ra.
Bọn công an nhất tề, chĩa súng xông tới, hò hét thị oai:
- Tên giặc lái phản động, giơ tay lên!
Chàng phi công bình thản gỡ giây dù, đưa mắt nhìn những gương mặt hằn
học, tức tối của đám công an. Chàng mỉm cười giang hai tay ra:
- Tôi nhảy dù xuống đây chỉ có một mình, không mang khí giới. Các anh khỏi
cần phải tỏ thái độ hùng hổ, đe doạ như vậy, coi kỳ lắm!
Một tên công an đeo quân hàm đại úy, phất khẩu súng lục, thét ra lệnh:
- Các đồng chí cùm nó lại!
Cả chục tên công an xông tới chàng phi công, trong khi những tên khác đứng
chung quanh chĩa súng về chàng đe doạ. Đồng bào quanh khu vực ấy đã kéo
tới xem thật đông, có cả vài phóng viên ngoại quốc nhưng bị vòng đai công
an cản lại nên họ không thể tới gần để nhìn tận mắt chàng phi công gan dạ
đang bị bọn công an kéo giật cánh khuỷu chàng ra phía sau, rồi còng lại.
Tên đại úy xốc tới, bỏ khẩu súng lục vào bao, chống nạnh, rồi hất hàm,
giọng hách dịch:
- Tên phản động! Mày là ai, từ đâu đến?
Chàng phi công vẫn nụ cười bình thản trên môi:
- Tôi là một phi công của không lực Việt Nam Cộng Hoà từ Mỹ trở về quê
hương để thăm đồng bào của tôi!
Tên đại úy trợn mắt hét:
- Mày nói láo! Chính mắt chúng tao thấy mày thả truyền đơn phản động, xúi
giục đồng bào nổi dậy chống phá nhà nước. Tội của mày sẽ bị tử hình,
nghe rõ chưa!
Chàng phi công ngước mắt nhìn tượng Trần Hưng Đạo, giọng chàng điềm đạm:
- Trước khi thả truyền đơn và nhảy dù xuống đây, tôi đã tự coi như mình nắm
chắc cái chết, anh không cần phải hăm doạ điều ấy. Nếu muốn bắn, xin các
anh cứ cho tôi một tràng đạn AK để tôi ngã gục dưới chân đức Trần Hưng
Đạo!
Có những giọng bực tức của đám công an vây quanh đấy vang lên:
- Cứ cho nó một phát vào đầu là xong ngay, việc gì phải đôi co với thằng
giặc lái ấy nữa.
Tên đại úy thò tay móc khẩu súng ngắn ra, chĩa vào trán chàng phi công,
đặt ngón tay trỏ vào cò súng. Cả rừng người bu quanh đấy nín thở. Không
gian im phăng phắc. Chợt tên đại úy hạ khẩu súng xuống, quay mặt ra lệnh:
- Các đồng chí giải nó đi!
Bốn tên công an xông tới lôi chàng phi công đi, theo sau là cả chục tên công
an hờm súng, chạy lúp xúp theo sau. Chúng áp giải chàng phi công lên chiếc
xe tuần tiểu mui trần gần đó, đẩy chàng ngồi nơi băng sau, rồi hai tên công
an cầm súng ngồi kè hai bên chàng.
Một lúc sau đoàn xe công an rầm rộ hú còi, giải người tù chạy trở về
hướng sở công an thành phố. Hai bên đường, dân chúng tụ tập đông đảo
nhìn đoàn xe. Họ dõi mắt nhìn bóng chàng phi công với chiếc áo bay mầu cam
nổi bật giữa rừng áo vàng đang bao chu -ng quanh. Nhìn quang cảnh rầm rộ,
người ta có cảm tưởng đây là cuộc hộ tống một cán bộ cao cấp trong trung
ương Đảng chứ không phải chuyến giải tù. Chuyện mới xảy ra chừng hai mươi
phút vừa qua, nhưng mọi người trong thành phố đã biết hết. Họ nhìn về
chàng phi công với ánh mắt vừa xót thương, vừa thán phục. Nhiều người còn
dám đưa tay vẫy chào chàng. Đám phóng viên ngoại quốc cũng như trong
nước đã chực sẵn dọc đường, vài người cưỡi gắn máy chạy theo đoàn xe để
chụp hình.
Ngồi trên xe, chàng phi công mỉm cười đưa mắt nhìn đồng bào đứng chen chúc
hai bên đường theo dõi đoàn xe. Những gương mặt âu lo, những ánh mắt
thương mến của người dân trao cho chàng đã khiến cho con tim đơn côi của
chàng chợt ấm lại. Việc chàng làm đã gây rúng động cả thành phố và
niềm tin đòi lại tự do, dân chủ của đồng bào tưởng đã chết từ bao năm nay
chợt vừa hồi sinh như chồi lộc non. Ngày mai đây nếu chàng có bị điệu ra
pháp trường cát để nhận lãnh bản án tử hình thì chàng cũng mỉm cười
mãn nguyện.
Trong phút chốc, chàng phi công cố quên đi hình ảnh hai tên công an đang
ngồi kè bên cạnh chàng, cố quên đi đám xe hộ tống với những chiếc nón
cối và bộ đồng phục áo vàng, cùng với những khẩu súng AK, để tưởng là
chàng đang ngồi trên chiếc xe hơi êm ái dạo phố.
Chàng phi công ngước mắt nhìn những cao ốc hai bên đường Nguyễn Huệ.
Được đặt chân trở lại nơi phố xưa cảnh cũ đã khiến tâm hồn chàng rưng
rưng, xúc động. Đây là khu cho những chiếc xe hoa mầu sặc sỡ đậu mà có
lần chàng đến thuê cho người bạn thân khi hắn có đám cưới. Kia là những
kiosque bán phim ảnh mà chàng thường mang những cuốn phim chụp với người
yêu đi rửa. Bên kia đường là Garage Sạc-ne, nơi thường trưng bày những kiểu
xe hơi nhập cảng đời mới. Góc kia là tiệm kem Brô-đa, nơi chàng và nàng
thường hẹn hò gặp gỡ. Toà nhà Quốc Hội cũ vẫn như xưa. Tim chàng chợt
nhói lên khi nhìn lại cái bệ xi măng, dấu tích nơi mà Việt Cộng đã kéo sụp
bức tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. Khu bùng
binh Nguyễn Huệ có vòi hoa sen, nước vẫn phun. Khách sạn Continental ngày
xưa vẫn nằm lặng lẽ bên con đường yên tĩnh xe cộ. Rạp xinê Rex của ngày
chàng còn đi học và bây giờ cũng vẫn tấp nập người ra vào. Con đường Lê
Lợi mà ngày xưa chàng thường lang thang dạo qua cái quầy bán sách để tìm
mua tặng người yêu, nay vẫn không có gì thay đổi.
Xe chạy ngang bùng binh chợ Bến Thành. Đám người hiếu kỳ đi nhặt truyền
đơn lúc nãy vẫn còn trụm năm, túm ba ở đó. Thấy đoàn xe công an hụ còi.
Mọi người lại nhốn nháo đổ xô ra lề đường để nhìn tận mắt con người hùng
vừa mới làm một chuyện kinh thiên động địa, đã rải truyền đơn mà lại còn
dám hiên ngang nhảy dù xuống.
Dân chúng trao cho chàng những ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục. Chàng
cũng quay nhìn họ mỉm cười. Trong giây phút hiện tại, chàng chợt quên hết
đám công an bên cạnh và tưởng như mình là một vị tướng lãnh đang trở về
quê hương trong chiến thắng khải hoàn, được đồng bào chào đón. Dù thân
xác chàng đang bị kềm kẹp giữa đám giặc thù với đôi tay bị còng, nhưng
những tờ truyền đơn và những lời kêu gọi nhân dân Việt Nam vùng dậy lật
đổ bạo quyền, giờ này đã thênh thang đi sâu vào tâm khảm mọi người, và
chúng đang được chuyền đi khắp hang cùng, ngõ hẻm để cho toàn dân cùng
đọc. Kết quả như thế mà không gọi là chiến thắng thì còn gọi là gì nữa.
Chàng phi công nở một nụ cười bình thản. Trong cảm giác lành lạnh truyền
vào từ chiếc còng tay, chàng chợt nghe lòng mình vui như mở hội.
* * *
Trong căn phòng thẩm vấn vắng vẻ, chàng phi công với bộ quần áo tù
nhân ngồi một mình bên chiếc bàn gỗ tạp, trên có một ly cà phê đen bốc
khói và một bao thuốc lá Pallmall. Vẻ mặt chàng phờ phạc mệt mỏi vì những
đêm bị giặc hành mất ngủ, nhưng đôi mắt cương nghị của chàng vẫn còn
sáng như ánh sao băng.
Hai tuần lễ qua, bị biệt giam trong một gian phòng tối tăm, ẩm thấp và hôi
hám, không đêm nào mà chàng được ngủ trọn giấc. Cứ cách nửa giờ,
chàng bị Việt Cộng đánh thức dậy lên phòng thẩm vấn để hỏi cung. Chúng
chưa xử dụng hình thức tra tấn vội mà chỉ hành thân xác và đầu óc chàng
mệt mỏi cho tới khi không chịu nổi chàng sẽ phải ký vào biên bản nhận
tội danh phá hoại, phản động. Từ khi bị bắt, nếu chàng không biết ngồi
thiền thì có lẽ giờ này chàng đã không còn đủ nghị lực để phản cung lại
bọn chúng bằng những lời lẽ đanh thép.
Hai tuần lễ qua, mỗi ngày chàng đều bị 6 tên Việt Cộng thay phiên nhau hỏi
cung. Mặt mũi tên nào cũng bặm trợn, hung ác. Chúng quát tháo, đe doạ, và
dùng những danh từ hạ cấp để chửi bới chàng, nhưng chàng vẫn điềm
nhiên, không nao núng. Chúng đưa chàng một xấp giấy trắng để chàng khai
tội mình, nhưng lần nào chàng cũng viết vỏn vẹn có mấy chữ "tôi không có
tội gì hết".
Thấy những tên cán bộ thiếu giáo dục không làm nên trò trống gì, bọn
Việt Cộng đã cử vài tên có trình độ văn hoá đến khai thác chàng, nhưng
chúng cũng chẳng thu thập được gì ngoài câu phê phán trong tờ tường trình:
"tên phản động này cực kỳ ngoan cố, không thành khẩn khai báo và nhận
tội. Đề nghị với trên nên xử lý thật nặng".
Đêm hôm qua bọn Việt Cộng đã để cho chàng ngủ một giấc ngon lành cho
đến sáng. Sau đó chúng lễ phép mời chàng trở lại phòng thẩm vấn. Nơi
đây đã sắp sẵn cho chàng một bữa ăn sáng tươm tất bằng một tô phở ở
mua ở đường Pasteur. Chàng rất đỗi ngạc nhiên, nhưng vẫn bình thản ngồi
ăn. Chúng nó đãi thì mình cứ chén no bụng cái đã, rồi chuyện gì hãy tính sau.
Sau đó chàng còn được một ly cà phê và gói thuốc lá.
Căn phòng vắng lặng đến nỗi chàng có thể nghe rõ cả tiếng những con
mọt đang đục khoét những cây đà ngang, tiếng chuột chạy băng qua sàn nhà.
Bọn Việt Cộng sắp dở trò gì nữa đây. Có thể đây là bữa ăn của người
tử tội không chừng.
Có tiếng chân người bước dừng trước phòng, rồi cánh cửa được mở ra. Một
tên cán bộ Cộng Sản đeo quân hàm thượng tá, gương mặt có vẻ trí thức
hơn những tên đã đến hỏi khẩu cung chàng mấy hôm trước. Hắn xách chiếc
cặp da bước vào phòng, tiến tới bàn với nụ cười thân thiện nở trên môi,
rồi lịch sự giơ tay bắt, và nói với chàng bằng giọng Nam Định:
- Chào anh Tống! Tôi là Quản, hôm nay đặc biệt đến đây để làm việc với
anh. Đêm qua anh ngủ ngon chứ! Sao, anh có hài lòng với bữa ăn sáng hôm
nay không?
Chàng lịch sự đứng lên giơ tay bắt, rồi nhìn gương mặt xương xương của Quản
mà cười thầm. Nếu Quản biết chàng là người trong quá khứ chuyên ăn
phở Pasteur, Hiền Vương, và khi qua Mỹ không có tiệm phở ngon nào ở Cali
mà thiếu mặt chàng thì có lẽ Quản không dám hỏi chàng như thế. Tuy
nhiên chàng cũng vì phép lịch sự mỉm cười:
- Tôi xin cảm ơn Bác Hồ, nhà nước, và các anh đã đặc biệt "chiêu đãi" tôi
ngày hôm nay.
Quản chỉ tay về bao thuốc lá:
- Tôi biết anh không hút được thuốc Điện Biên nên bảo họ mua cho anh gói
thuốc lá ngoại.
- Có thể hút thuốc trong phòng làm việc được sao?
Quản đặt chiếc cặp da xuống bàn:
- Được chứ! Ở đây là xứ tự do, thuốc lá được phép hút thoải mái bất cứ
chỗ nào, hút bao nhiêu cũng được chứ không bị cấm đoán như ở Mỹ. Ngày
xưa còn ở hang Pắc-Bó, Bác Hồ hút mỗi ngày ba gói là ít. Mời anh cứ tự
nhiên xé bao thuốc ra mà hút.
- Nhưng rất tiếc, vì thuốc lá có hại nên tôi đã bỏ từ lâu rồi.
Quản không màng tới lời nói ngụ ý mỉa mai của Tống. Hắn chắp tay sau
lưng, đi qua, đi lại trước mặt chàng phi công:
- Tôi đã đọc những bản báo cáo của các đồng chí đã làm việc với anh. Họ
bảo rằng anh ngoan cố, không chịu hợp tác với công an để thành khẩn khai
báo, thú tội. Ai cũng đề nghị nhà nước nên xử lý anh thật nặng, nhưng theo
tôi thì có lẽ tại các đồng chí ấy không hiểu nhiều về tâm lý của những
Việt kiều như anh nên đã thiếu tế nhị trong cách nói chuyện khiến cho anh
bất bình và không muốn hợp tác với họ. Bởi thế, hôm nay tôi phải đích thân
đến đây để làm việc với anh, không phải là để điều tra, hỏi cung hay đe doạ
anh, mà chúng ta ngồi lại với nhau để nói chuyện thân tình...
Quản dừng chân lại, rồi đứng chống hai tay lên mặt bàn, nhìn thẳng vào
mặt Tống, mỉm cười:
- Anh Tống, anh đã trở về đây thả truyền đơn chống phá nhà nước, gây rối
loạn trật tự công cộng, chắc anh cậy là anh mang quốc tịch Mỹ nên chúng
tôi không dám làm gì anh, phải không?
Tống ngước mắt lên nhìn Quản với ánh mắt cương nghị:
- Xin hỏi thật anh. Anh có muốn nghe những lời nói thẳng từ đáy lòng tôi hay
không?
- Được, anh cứ tự do phát biểu!
Tống khoanh hai tay trước ngực, nhếch mép cười, lắc đầu:
- Anh phỏng đoán sai rồi! Tôi là một người đã từng sống với Cộng Sản bao
nhiêu năm, lại từng bị giam trong những nhà tù khắc nghiệt thì tôi còn lạ gì
bản chất của các anh nữa. Ngay cả một người Mỹ chính gốc, nếu muốn giết
thì các anh vẫn có đủ thủ đoạn, nại bao lý do chính đáng để thi hành việc ấy,
xá gì là tôi, một người Việt Nam, mũi tẹt, da vàng. Khi về đây để thả truyền
đơn, tôi đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận cái chết.
- Đúng thế, nếu chúng tôi muốn xử tử anh thì cũng dễ thôi. Bởi vì theo luật
pháp của nhà nước, những tội danh phá hoại, phản động đều bị kết án tử
hình, trừ khi anh thành khẩn nhận tội và hối cải.
- Tôi xin xác nhận với các anh một lần nữa là tôi chẳng có tội gì hết!
- Tại sao anh lại ngoan cố như vậy?
- Có gì là ngoan cố. Tôi chỉ mang về quê hương một thông điệp nói lên sự
thật, làm sống lại niềm tin lại của đồng bào, cùng mọi người đứng lên dọn
sạch sẽ những chướng ngại vật thối tha, mục nát đã là nguyên nhân làm tan
nát quê hương, để xây dựng một đất nước Việt Nam phú cường, dân chủ, tự
do, anh cho đó là tội hay sao?
Quản nhếch mép cười:
- Đây là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ không phải là
nước Mỹ mà anh có quyền thả truyền đơn khích động nhân dân nổi dậy
chống phá nhà nước.
- Đúng, đó là sự khác biệt để nói lên thế nào là một quốc gia có tự do
dân chủ, và một quốc gia độc tài, sắt máu cai trị nhân dân bằng bạo lực.
Ở Hoa Kỳ, người dân có quyền chỉ trích, đả phá những lỗi lầm của chính
phủ, nhưng ở Việt Nam này, những ai nói lời xây dựng được phát biểu đều bị
nhà nước kết tội là phản động và bị đi tù. Anh Quản, anh đang lớn tiếng
kết tội tôi, nhưng trong tận đáy lương tri của mình, anh có nhận thấy rằng đã
25 năm cai trị toàn thể đất nước, đảng Cộng Sản Việt Nam đã không làm
nên trò trống ngoài sự phá hoại, đưa quốc gia đến chỗ nghèo đói và lạc
hậu hay không? Anh có đồng ý với tôi là Việt Nam chẳng thể vươn mình lên
được nếu ngày nào trung ương Đảng còn u mê ôm chặt mớ lý thuyết Mác,
Lê lỗi thời mà Nga Xô, cha đẻ ra chúng, đã bỏ chúng vào thùng rác từ bao
nhiêu năm nay để nhân dân họ bớt lầm than, thống khổ hay không? Anh có
muốn cho các con anh sau này, nếu chúng có tài, cũng sẽ có cơ hội đi du học,
sẽ thành tài trở về nước được nắm giữ những chức vụ quan trọng để góp
sức xây dựng lại xứ sở, hay những đặc quyền đó chỉ dành riêng cho bọn con
ông, cháu cha nằm ở Bắc bộ phủ? Anh có nhận thấy rằng trong khi các
quốc gia tự do đang tìm cách nâng cao đời sống, nhân phẩm, tôn trọng tín
ngưỡng của người dân nước họ thì ở Việt Nam...
Tên thượng tá Việt Cộng hoảng hốt, đập mạnh tay xuống bàn, và quát to
để át tiếng người tù:
- Anh câm miệng ngay! Giữa hai chúng ta, tại gian phòng này, người được quyền
đặt câu hỏi là tôi, chứ không phải là anh!
Gương mặt Tống vẫn điềm tĩnh. Chàng nhếch mép cười khẩy:
- Anh vừa bảo hôm nay anh đến với tôi là để chúng ta nói chuyện thân mật
chứ đâu phải anh quát tháo thị oai với tôi như thế. Chính anh đã chấp thuận
cho tôi được nói thẳng ra những gì tôi đã nghĩ trong đầu kia mà. Tôi chưa nói
hết ý tưởng thì anh đã quát tôi câm miệng lại. Được, nếu anh muốn thế thì
kể từ giờ phút này tôi sẽ không mở miệng nói một lời nào hết!
Tống nói xong, ngồi dựa lưng vào thành ghế gỗ, khoanh tay, im lặng. Quản
cảm thấy mình hơi hố, và nao núng tinh thần. Trước khi vào đây, Quản đã
được cấp lãnh đạo chỉ thị là bằng mọi giá phải làm sao tạo tình thân thiện
với tên phi công Ngụy này để từ đó có thể khai thác thêm những bí ẩn sau
lưng vụ thả truyền đơn vừa rồi, nhưng không ngờ Quản chưa kịp cảm hoá hắn
thì hắn đã lên lớp với Quản bằng những lời lẽ cực kỳ phản động, khiến
Quản không còn giữ được bình tĩnh mà để lộ cái chân tướng cọc cằn, thô
lỗ vốn sẵn có của đại đa số đảng viên Cộng Sản như Quản.
Quản im lặng, chắp tay sau lưng, đi tới, đi lui để lấy lại bình tĩnh. Hai tuần lễ
trước, nhóm cán bộ lấy khẩu cung cũng vì quá nóng nẩy cho nên không cậy
miệng được tên Ngụy này nói thêm câu nào ngoài câu "Tôi không có tội
nên chẳng có gì để khai hết. Nếu muốn bắn tôi thì các ông cứ đưa tôi ra
pháp trường ngay bây giờ đi!" Do đó đám cán bộ lấy khẩu cung đều tức tối
đề nghị trong biên bản là tên Ngụy này ngoan cố đáng xử bắn. Chuyện
giết hắn thì quá dễ, nhưng đối với một tên cứng đầu này, làm thế nào để
khai thác được hắn, rồi bắt hắn nhận tội mới là điều nan giải mà thượng
cấp của Quản đã ra chỉ thị bắt Quản phải thực hiện cho bằng được.
Quản lại dừng chân bên cạnh Tống, rồi đặt nhẹ tay trên vai người tù:
- Xin lỗi anh Tống. Cũng vì anh đã nặng lời phỉ báng nhà nước nên tôi
không cho anh phát biểu tiếp. Nếu anh thử đứng vào địa vị chúng tôi thì anh
cũng sẽ không dằn được cơn nóng giận một khi nghe người khác lên án cái
chế độ mà mình đang phục vụ.
Tống cười nhẹ:
- Rất tiếc tôi chẳng bao giờ muốn thử đóng vai công an hay trở thành bất
cứ một công cụ cho nhà nước này nên tôi mới phải vượt ngục, bỏ nước ra đi.
Bởi tôi còn trái tim, còn tình người, còn lương tâm, tôi không thể đóng được
vai trò của một con người máy, một con lừa kéo xe để chỉ nghe lệnh người
điều khiển nó, dù cho họ đã ra những lệnh ngu xuẩn...
Quản buông vai Tống ra, mặt hắn thoáng tím lại, nhưng rồi vẻ bình thản lại trở
về. Là một cán bộ cao cấp trong ngành tình báo, Quản không thể thua trí hay
đuối lý với tên Ngụy này được. Quản ra trước bàn, kéo ghế ngồi xuống,
trong khi giọng nói của Tống vẫn oang oang:
- Đảng Cộng Sản của các anh đã làm cho đất nước suy tàn, nhân dân đói
khổ, đó là một lỗi lầm trọng đại mà cả nhân loại đều thấy. Nếu quả thực
nhà nước muốn thực tâm phục vụ quyền lợi dân tộc thì nên lắng nghe những
lời xây dựng của người dân để mà sửa đổi hơn là bắt bớ, giam cầm, bịt
miệng họ lại rồi cáo buộc họ với tội danh phản động.
Quản nhếch mép cười:
- Với giọng điệu ngoan cố của anh, nếu chúng tôi không lầm thì chắc chắn
đằng sau lưng anh có sự giật giây của đế quốc Mỹ. Anh có biết rằng, chính
đế quốc Mỹ đã trói tay miền Nam của các anh để cho chúng tôi chiến thắng.
Bây giờ chúng lại xử dụng anh như một công cụ. Rồi anh cũng sẽ như múi
chanh vắt hết nước, bị ném và thùng rác mà thôi!
Tống ngước gương mặt cương nghị nhìn Quản:
- Các anh quen nghe lệnh của quan thầy Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa nên tưởng ai
cũng hèn hạ giống như thế. Các anh lại lầm to nữa rồi! Sau lưng tôi chẳng có
một người Mỹ nào cả, mà động lực chính đã thúc đẩy tôi làm công việc
vừa qua là lương tâm tôi, là sự lầm than khốn khổ của bảy mươi triệu đồng
bào tại cái đất nước Việt Nam thiếu tự do và nhân quyền này! Anh nghe rõ
chưa.
Quảng chồm người tới, chống hai khuỷu tay lên mặt bàn, giọng mỉa mai:
- Anh có biết hai tuần lễ qua, cái chuyện anh dại dột làm đã bị cả thế giới
cười chê, trong số đó có cả tập thể Việt kiều ở nước ngoài. Họ cho anh là
một thằng điên, lập dị và thích chơi nổi. Đang sống yên ổn, sung sướng tại
nước Mỹ, tự nhiên anh lại vác xác về đây để thả truyền đơn để rồi bị
chúng tôi bắt giam vào nhà tù. Rốt cuộc nhân dân có thèm hưởng ứng
anh để nổi dậy lật đổ chính quyền như anh đã xúi giục họ đâu? Anh đang là
hiện thân của một thằng điên, thằng khùng chứ không phải là người hùng
như anh mơ tưởng đâu?
Tống cười nhẹ:
- Anh lầm rồi. Tôi không mơ làm người hùng mà tôi chỉ ao ước được nhận
lãnh một cái chết đầy hào khí nơi chiến trường như bao bạn bè của tôi đã
nằm xuống trong những trận chiến với kẻ thù để bảo vệ miền Nam. Anh nói
đúng, hành động thả truyền đơn, nhảy dù của tôi đã có những tập thể
chế riễu mỉa mai cho tôi là một thằng điên. Anh có biết đám người này là
ai không? Họ là những tập đoàn Cộng Sản chính gốc như các anh, là đám
Việt Cộng tay sai nằm vùng đó anh Quản à! Còn những người yêu nước,
thương dân tộc của phe chúng tôi thì những công việc này, ai cũng muốn làm
cả. Mỗi ngưòi có một phương thức hành động khác nhau. Những người dấn
thân trước tôi, họ đã bị các anh bắt và xử tử. Có điều các anh chưa hiểu
được chúng tôi. Chúng tôi coi cái chết nhẹ lắm. Một người bị ngã gục thì còn
cả triệu người khác tiến lên.
Quản ngồi im như pho tượng. Tống với tay cầm ly cà phê, uống một ngụm, rồi
nói tiếp:
- Cộng Sản Nga đã tan rã. Các đảng Cộng Sản còn sót lại trên thế giới
này lần lượt cũng sẽ thế thôi. Dưới ách thống trị độc tài, sắt máu của
Đảng các anh, lòng căm phẫn oán thù của người dân Việt đã nóng bỏng,
sôi sục như một chảo dầu. Chỉ cần một mồi lửa châm vào là nó sẽ bùng
cháy, đổ chan hoà để trở thành một biển lửa thiêu hủy cả một chế độ
già nua, lạc hậu, thối tha, mục nát. Tôi muốn biến thành mồi lửa đó. Tôi
muốn sự hy sinh của mình trở nên một tiền lệ, tạo niềm tin và sức mạnh cho
những mồi lửa khác của thế hệ tôi và những thế hệ mai sau. Nếu bây giờ
tôi có bị các anh dập tắt thì những mồi lửa nối tiếp sứ mạng của tôi sau
này cũng sẽ có ngày làm nên lịch sử.
- Chuyện đó hãy còn trong tương lai xa vời, nhưng hiện tại anh đã thất bại,
không tạo được một đám cháy nào, dù chỉ đốt một chiếc lá khô.
- Tôi không tạo được một đám cháy, nhưng việc làm của tôi đã như một liều
thuốc hồi sinh, làm sống lại niềm tin và chí quật cường của bảy mươi triệu
đồng bào Việt Nam nơi quê hương thân yêu này. Hai tuần lễ nay các anh đã
thay phiên nhau hành hạ thể xác và uy hiếp tinh thần tôi, việc làm này đã
chứng tỏ Đảng và nhà nước các anh đã bị những lời kêu gọi trong tờ
truyền đơn làm rúng động. Sở dĩ các anh không giết tôi chẳng phải các anh
có lòng nhân đạo hay e ngại áp lực của người Mỹ, mà trong cuộc đấu trí này,
cái chết mờ ám của tôi sẽ vô tình đưa tên tuổi tôi lên ngai vàng của kẻ
chiến thắng, còn các anh trở thành những kẻ chiến bại. Một tên lính Ngụy
tầm thường mà có thể gây kinh hoàng cho cả một tập đoàn với hàng triệu
đảng viên Cộng Sản Việt Nam thì nếu hắn có bị vùi thây dưới lòng đất
lạnh thì cái chết ấy cũng xứng đáng lắm chứ. Phải không anh Quản?
* * *
Người đàn ông đeo kính cận, mặc chiếc áo sơ mi trắng bỏ trong quần, xách
chiếc cặp da bước vào phòng giam tối tăm, ẩm thấp, hôi hám. Hắn tự động
ngồi xuống chiếc ghế đẩu xiêu vẹo đặt đối diện với chiếc bệ xi măng cáu
bẩn trải manh chiếu rách nơi người tù đang ngồi, xếp chân vòng tròn, nhắm
mắt thiền.
Nghe tiếng động, người tù mở mắt ra. Người đàn ông hắng nhẹ giọng:
- Thưa anh Tống, tôi là luật sư Thắng, được nhà nước chỉ định để bào chữa
cho anh trong phiên xử sắp tới đây. Điều này đã cho anh thấy rằng luật
pháp nhà nước ta chí công vô tư, không đàn áp, hà hiếp ai cả. Mỗi tội
nhân đều có người bênh vực. Ai có tội thì sẽ bị trừng trị, còn ai vô tội thì
sẽ được tha bổng. Khi hầu toà, tôi sẽ cố gắng hết mình, vận động hết khả
năng để toà giảm án cho anh với điều kiện...
Thắng chưa dứt lời thì người tù đã nói mau:
- Điều kiện là tôi phải thành thật nhận tội và hối cải, có đúng thế
không?
Câu nói chận họng của Tống đã khiến cho Thắng cụt hứng, im bặt. Tống
cười nhẹ:
- Anh Thắng à, là một luật sư của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam, anh có biết trước mắt đồn bào những pháp đình của Việt Cộng chẳng
khác nào những sân khấu cải lương hay không?
Lời nói của Tống khiến Thắng ngơ ngác:
- Anh nói gì lạ thế? Toà án là toà án, sân khấu là sân khấu. Tại sao anh
dám nói toà án nhân dân của chúng tôi là sân khấu cải lương?
Tống nhìn thẳng vào đôi gọng kính cận của Thắng:
- Anh thật tình không hiểu hay cố tình quên đi cái sự thật phũ phàng ấy. Anh
có biết rằng dưới con mắt của tôi, toà án nhân dân của các anh chỉ là
một sân khấu hài kịch, dành riêng cho những tên hề diễn xuất, đó là quan
toà, luật sư, biện lý, và công tố viện. Còn người soạn kịch và đạo diễn
chính là nhà nước các anh. Tội nhân có được tha hay không chẳng phải do may
mắn gặp được luật sư giỏi hay quan toà chính trực, mà hoàn toàn tùy thuộc
vào quyết định của trung ương Đảng. Tôi biết trước khi đến đây nói chuyện
với tôi, anh đã được học tập, cấp trên của các anh chỉ thị là phải nói, phải
làm những gì cho tôi trong phiên toà sắp tới này. Có đúng thế không?
Gương mặt Thắng hơi ngượng ngùng, miệng lắp bắp:
- Nói như thế, chủ ý anh không tin tôi là luật sư, và tôi không có tài hùng
biện để cãi cho anh được nhẹ án hay sao?
- Tôi tin chứ, nhưng trong xã hội của Cộng Sản, luật sư cỡ như anh dù thông
minh cỡ nào, thì cũng chỉ là một con chốt trong bàn cờ tướng mà thôi. Người
chơi cờ đặt anh ở đâu thì anh phải đứng yên đó. Tôi tin anh có tài hùng
biện để cãi cho thân chủ mình trắng án chứ. Nếu phạm nhân can tội cướp
của, giết người đó lại là bọn con cháu của các cán bộ lãnh đạo nằm trong
trung ương Đảng thì Trong phiên toà xửù chắc chắn thân chủ của anh sẽ được
tha bổng.
Tống ngừng lại, rồi mỉm cười nói tiếp:
- Còn trường hợp những người như tôi thì lại khác. Anh chẳng có thể làm gì
khác hơn là nghe lệnh của Đảng, dù cho trong tận đáy lòng, anh cũng đang
đồng ý là tôi đã làm những chuyện có lợi cho quốc gia, dân tộc Việt Nam,
như bao tội nhân khác đang bị giam cầm vô thời hạn mà thế giới gọi là tù
nhân lương tâm.
Nghe thế, Thắng vội xua tay, miệng ấp úng:
- Ấy chết! Anh đừng có vu khống cho tôi như thế. Tôi chỉ đến đây để bàn
vấn đề bênh vực quyền lợi cho anh mà thôi! Tôi chỉ thảo luận vấn đề cãi
cho anh khi ra toà chứ tôi không có đồng ý, nhất trí về việc anh đã thả
truyền đơn và nhảy dù.
Nhìn điệu bộ lúng túng của gã luật sư quốc doanh, Tống bật cười lớn:
- Anh làm luật sư mà nói chuyện nghe mâu thuẫn quá. Anh muốn cãi cho tôi
mà không công nhận chuyện tôi làm là phải thì bào chữa làm gì nữa. Nói
thật anh đừng buồn, nếu đưa một người phu đạp xích lô có lòng với quê
hương đất nước ra toà để bênh vực tôi thì có lẽ tôi sẽ thấy an tâm hơn là
nhờ vả vào đám luật sư quốc doanh như anh. Anh không bao giờ viết truyền
đơn thì làm sao anh có thể hiểu động lực nào đã khiến cho tôi phải tự
nguyện bỏ tiền túi ra làm việc đó. Anh không có trái tim giống tôi thì làm
sao anh biết lý do nào đã thúc đẩy tôi quay trở về Việt Nam để nhảy dù
xuống rồi bị bắt. Anh chỉ là một kẻ sống nhờ vào cái sổ lương thực mà
nhà nước ban phát cho anh, và cúi gầm mặt nghe người ta sai vặt thì làm sao
anh có thể tưởng tượng ra nổi cái khí phách kiên cường của một người lính
Việt Nam Cộng Hoà sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống cho tự do của
dân tộc.
Tống ngừng lại. Thắng cũng ngồi im như tượng đá. Bầu không khí nặng nề bao
trùm căn phòng giam chật hẹp. Một lúc sau, Tống lắc đầu thở dài:
- Anh không rõ về tôi, không hiểu cái lý tưởng mà tôi theo đuổi, không
biết mục tiêu công việc tôi làm thì anh có ra toà cãi cho tôi cũng vô ích mà
thôi. Anh nên về đi!
Không gian lại bao trùm sự yên lặng. Có tiếng thạch sùng tắc lưỡi đâu đó
trên trần phòng giam.
* * *
Hôm nay trời nắng ráo. Pháp đình đã chật cứng người dự khán, cả bên trong
lẫn bên ngoài. Nhân dân khắp thành phố Sàigòn kéo đến, tụ tập bên
ngoài đường. Gương mặt mọi người lộ vẻ đăm chiêu. Người bên trong và bên
ngoài đang xì xào bàn tán. Có người kín đáo, làm dấu đọc kinh cầu nguyện
cho chàng phi công. Tất cả đều mong cho chàng gặp chuyện lành, nhưng một
điều mà mọi người biết chắc chắn là chẳng có chuyện chàng được nhà
nước tha bổng mà chàng phải lãnh án tù từ mấy chục năm trở lên.
Đám xe công an chở chàng từ nhà giam, dừng lại trước pháp đình. Bộ quần
áo bà ba mầu xanh lợt của tù nhân trở nên cộc cũn cỡn khi ôm lấy thân
hình cao lớn của chàng. Nhân dân lại đổ xô nhìn người hùng của họ đang bị
còng tay với ánh mắt thán phục xen lẫn nỗi âu lo. Mầu áo xanh nhạt của
người tù nổi bật trong đám đồng phục vàng khè của bọn công an.
Chàng được điệu vào trong pháp đình. Công an tháo còng cho chàng và đẩy
chàng lên vành móng ngựa. Bầu không khí trong phòng xử đang ồn ào chợt
im lặng. Mọi người đều đổ dồn mắt nhìn về phía chàng. Gương mặt cương nghị
với đôi kính cận đã tạo cho chàng một vẻ thư thái, bình tĩnh lạ thường. Những
chiếc máy hình của đám phóng viên loé sáng liên hồi.
Nơi hàng ghế đầu dành cho nhân chứng. Mấy cô tiếp viên hàng không Việt
Nam và những người trong phi hành đoàn đã chứng kiến sự việc trên phi cơ
thuê bao của Bảo Gia Lợi, lúc chàng thả truyền đơn, cũng đều có mặt. Gương
mặt những nhân chứng đều buồn rười rượi, bởi trong thâm tâm họ đều biết
rằng, lát nữa đây họ sẽ phải nói những câu đẹp lòng đám quan toà và
bồi thẩm đoàn bù nhìn của nhà nước ngồi trên bục cao kia để buộc tội
chàng, trong khi tận đáy lòng họ đang ngập tràn niềm kính phục một Kinh Kha
can trường của thời đại.
Bên ngoài toà án, dân chúng cũng tranh nhau đứng gần hệ thống loa phóng
thanh để được nghe tường tận vụ xử án.
Toà khai mạc phiên xử. Mở đầu, một công tố viên tóc hoa râm, mặt lưỡi
cầy, xương xẩu, với hàm răng hô đen xỉn nhựa thuốc lào, đứng lên đọc bản
cáo trạng thật dài, buộc tội chàng nặng nề, và sau cùng kết luận:
- Thưa quý toà, tên Tống, quốc tịch Việt Nam đã can tội không tặc với âm
mưu phá hoại phi cơ, dùng khí giới uy hiếp phi hành đoàn và hành khách khiến
mọi người sợ hãi. Thả truyền đơn chống phá nhà nước kêu gọi nhân dân
nổi dậy, lật đổ chính quyền Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, vi phạm
nghiêm trọng an ninh quốc gia. Chiếu theo công pháp quốc tế, chiếu theo luật
pháp việt Nam, tội trạng của tên Tống sẽ bị trừng trị từ khổ sai chung thân
đến tử hình. Yêu cầu toà hãy xử phạt tên Tống với bản án thật nặng nề
để làm gương cho kẻ khác.
Bầu không khí trong pháp đình chợt im phăng phắc khi tên cán bộ ngồi ghế
chánh án, dáng dấp gầy gò giống như tên nghiện hút, trong chiếc áo vét
rẻ tiền, hướng về vành móng ngựa cất tiếng:
- Anh Tống, anh có điều gì muốn nói không?
Chàng phi công hít một hơi dài cho tinh thần sung mãn, rồi cao giọng:
- Ông công tố viên đã đọc sai lý lịch của tôi. Tôi xin nhắc lại và xác nhận
một lần nữa cho quý toà rõ, tôi có hai quốc tịch: Một, quốc tịch Việt Nam
Cộng Hoà; hai, quốc tịch Mỹ. Tôi không muốn các ông nhập nhằng dùng
chữ quốc tịch Việt Nam, như thế ngụ ý nói tôi là người dân của nước Cộng
Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hay sao? Không, không bao giờ tôi chấp
nhận điều đó cả!
Pháp đình vẫn im phăng phắc. Cán bộ chánh án mặt đanh lại, rồi hỏi phủ
đầu chàng bằng những câu hóc búa. Trước vành móng ngựa, người chiến sĩ
cô đơn vẫn bình tĩnh chống đỡ bằng những lời đối đáp khôn ngoan và dõng
dạc. Nhân dân chăm chú theo dõi. Ai nấy đều muốn nghe chàng nói. Giọng
trầm ấm, hùng hồn, bất khuất của chàng như một luồng sinh khí tràn vào
con tim của đồng bào. Phiên toà đã vô tình trở thành một diễn đàn cho hai
phe Quốc-Cộng tranh luận. Mỗi câu trả lời của chàng là một lần người dân
cảm thấy hả dạ. Mỗi câu chất vấn của đám cán bộ toà án là một lần
chúng để lộ ra bản chất độc tài, sắt máu của bọn người đã viết ra bản
hiến pháp, nhưng lại chuyên môn xài luật rừng. Phiên xử đã kéo dài một
ngày trời. Trong giờ phút cuối cùng của phiên xử, tên cán bộ chánh án
lớn giọng với chàng trên hệ thống loa phóng thanh :
- Theo bản cáo trạng, anh đã vi phạm trầm trọng tội danh không tặc, mưu toan
giết người, phá hoại phi cơ, gây kinh hoàng cho hành khách và trả truyền đơn
chống phá nhà nước gây phương hại đến an ninh quốc gia. Anh có chấp nhận
tội trạng của mình hay không?
- Thưa quý toà, tôi đã xác nhận một lần nữa là tại sao tôi lại phải nhận
tội khi tôi đã làm những điều công bằng và hợp lý. Nếu các ông cho phép
những hành khách trên chuyến phi cơ ấy được nói thẳng ra những điều mà
họ nghĩ trong lòng thì chẳng ai bảo tôi là không tặc, hay phá hoại gì cả. Còn
vấn đề hô hào nhân dân nổi dậy để lật đổ một chế độ thối nát thì
chẳng phải một mình tôi, mà cả bảy mươi triệu đồng bào Việt Nam trong
nước và hải ngoại, trong số đó có cả những cán bộ Cộng Sản đã phản
tỉnh, tất cả đều muốn làm điều ấy, nhưng họ chưa có cơ hội như tôi mà
thôi.
Chàng ngừng lại. Cả pháp đình chìm trong bầu không khí im lìm, nặng nề khó
thở. Chàng phi công bình thản nhìn những bộ mặt hầm hầm của đám quan
toà, công tố viện. Tên cán bộ chánh án tức tối. Hắn biết đã đến lúc
phải dừng ngay phiên xử, nếu cuộc xử án kiểu này còn kéo dài sẽ trở
thành cuộc tranh luận chính trị mà hắn biết ø phần thua sẽ là đám quan tóa
đại diện cho công lý nhà nước và phiên xử sẽ vô tình biến thành diễn đàn
cho tên phản động lên án Đảng và Bác Hồ. Như thế, chắc chắn chính hắn
là người bị vào tù trước tên phi công này chứ chẳng chơi. Nghĩ tới đây, mồ
hôi tên chánh án, toát đầy trán. Hắn vội đứng lên, giơ chiếc búa gỗ, đập
mạnh xuống bàn, tuyên bố:
- Tên Tống ngoan cố, đã không nhận tội lại còn dùng những lời lẽ xấc xược
phỉ báng Đảng và nhà nước. Nhân danh công lý của tổ quốc. Chiếu theo
luật pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tên Tống đã vi
phạm những tội trạng nghiêm trọng, không thể tha thứ được. Toà tuyên án
tên Tống, 20 năm tù khổ sai!
Bọn công an giải tù xông tới với chiếc còng tay. Chàng phi công mỉm cười,
ngước mặt nhìn lên bục cao. Luồng máu quật cường chợt sôi lên, lưu chuyển
trong huyết quản, chàng thu hết sức mạnh hai buồng phổi nói thật to:
- Tôi nhân danh công lý và tổ quốc trở về đây để đòi lại tự do và nhân
quyền cho nhân dân Việt Nam. Các ông cũng nhân danh công lý và tổ quốc
kết án tù tôi. Trong pháp đình này các ông là quan toà, còn tôi là tội
nhân. Nhưng ngày mai đây, giữa tôi và các ông, chúng ta sẽ cùng đứng
trước toà án lịch sử để chịu phán xét. Lúc đó pháp đình mới là một toà
án công minh chính trực để khẳng định ai là tội đồ của quốc gia dân tộc, ai
đã bán đứng giang sơn, xô đất nước xuống vực thẳm diệt vong!
Chiếc còng tay lạnh ngắt tra vào cổ tay Tống. Chàng bị đám công an điệu ra
khỏi pháp đình. Ánh nắng của một ngày đẹp trời trải chan hoà trên vạn vật.
Đồng bào đứng bên ngoài dõi mắt nhìn người tù khổ sai với ánh mắt
thương mến và khâm phục. Có người chợt rưng rưng lệ.
Tống cảm động nhìn mọi người, rồi ngước mặt lên cao. Một con ó đen đang
xoải rộng cánh, lượn bay trên nền trời xanh lơ, bát ngát.
Đôi môi chàng phi công chợt bình thản hé nở một nụ cười./.
Vũ Thị Dạ Thảo (Toronto)
  

No comments: