Thursday, September 6, 2012

BS. NGUYỄN ĐÌNH LÝ * ĐGM NGUYỄN VĂN THUẬN

CHÚT KỶ NIỆM VỚI ĐGM NGUYỄN VĂN THUẬN
(LÊN HỒNG Y NĂM 2001) TẠI NHA TRANG
TRONG NHỮNG NGÀY TRƯỚC 30/4/75

BS NGUYỄN ĐÌNH LÝ

Cuối Ùtháng ba năm 1975,chiến cuộc Việt Nam sôi động đến cao độ, tại các mặt trận
Quảng Trị,Thừa Thiên,Đà nẵng,Pleiku,Ban mê thuột ,quân lực quốc gia Việt Nam ,dù chiến
đấu anh dũng ,vẫn không chống cự nổi áp lực của quân đội cọng sản Bắc Việt xâm
lăng.Quân ngũ nhiều nơi tan rả; hàng ngàn, hàng vạn quần chúng di tản tỵ nạn trong kinh
hoàng .Bộ Y Tế Miền Nam cấp tốc thành lập những toán y tế cứu trợ khẩn cấp ở những
vùng có nhiều đồng bào tỵ nạn ối đọng.Tôi được lệnh hướng dẫn hai toán nhân viên y tế ra
cứu trợ tại Cam Ranh.Chúng tôi được biết , về chuyến đi,Bộ cung cấp phương tiện hàng không
dân sự Air VietNam ,nhưng phương tiện cho chuyến về không được bảo đảm.Trong tình trạng vô
định của một chuyến công tác báo trước những khó khăn ,bất trắc,chúng tôi không khỏi
lo âu,nhưng lương tâm chức nghiệp và tinh thần phục vụ đã thúc đẩy chúng tôi mạnh bước
lên đường.
Vừa đặt chân xuống phi trường Nha Trang,chúng tôi đã thấy cảnh vắng vẻ,tiêu điều của
thành phố và nổi hoang mang trong ánh mắt của dân chúng.Vào Bệnh Viện Dân Y Nha
Trang,chúng tôi thoáng nghe viên quản lý tỏ mối lo ngại cho chúng tôi.Ông ta nói"Giờ này,
còn ra đây làm chi?" Tôi gặp Bác Sĩ H. ,Đại Diện Y Tế Vùng II ,để trình công điện của Bộ Y
Tế cho ông ta .Ông này, xem chừng cũng đang hoang mang,lo lắng,liếc vội bức công điện ,rồi
nhét tờ giấyvào túi quần.Tôi không còn nhớ ông ta nói câu gì về chuyến công tác của
chúng tôi.
Sau đó ,chúng tôi được gặp ông Tổng Trưởng Y Tế đang hiện diện ở thành phố này.Vị viên
chức cao cấp của chính phủ khích lệ và khuyên bảo chúng tôi.Tôi còn nhớ khi đáp lại câu
than vãn về những nổi hiểm nguy trong công tác của một người trong toán chúng tôi,ông
tổng trưởng đã an ủi một lời trong đó có câu:"Ai cũng có một lần chết".Tôi nghĩ thầm lời
nói chí lý ,nhưng chắc nó chỉ làm tăng nỗi lo âu của người nghe thôi.
Toán chúng tôi ra bến xe đò thànhphố,định lấy xe vào địa điểm công tác ở Cam Ranh.Xe
chở đầy hành khách,chừng đa số là những người di tản.Chúng tôi cả thảy mười một người
,thêm lỉnh kỉnh hành trang, không cách nào lên chuyến xe cuối ngày được .Hơn nữa, bóng
đêm đang xuống nhanh,chúng tôi đành ở lại thị xã qua đêm.
Cả đêm,chúng tôi nghe ngóng tin tức chiến sự các nơi và tình hình an ninh địa phương.Một
nhân viên tình nguyện đi thu nhặt tin tức,nhưng ông ta đi rồi biệt tăm.
Ngày hôm sau , bàn tính với nhau,thấy không thể tìm đường đi công tác, chúng tôi đồng ý
tìm đường trở về Sàigòn .Tôi ,với tư cách trưởng toán,lãnh phần vụ tìm phương tiện.Tôi ghé
qua Văn Phòng Đại Diện Y Tế,Bệnh Dân Y,không gặp ai có thể giúp đỡ.Những người có
chức vụ quan trọngï chừng đã di tản hết.Tôi ra Tòa Tỉnh,trình sự vụ lệnh để xin phương tiện
hàng không.Tòa Tỉnh đã đầy những người cùng mục đích với tôi.Mỗi lúc càng trưa,tôi chờ
đến phiên mình, càng lâu càng bồn chồn,lo lắng.Mọi người chờ đợi hằng giờ cũng hoài
công.Cuối cùng ,văn phòng phụ trách cấp phát phương tiện di chuyển đóng cửa.Ai nấy thất
vọng,ra về.Tôi trở lại điểm hẹn,nhưng chẳng có ai ở lại chờ tôi.Sau này tôi mới biết hai toán
nhân viên y tế của tôi đã tự động chạy xuống Cầu Đá,tranh giành với hàng trăm người tị
nạn để leo lên tàuHải Quân Việt Nam.Tôi ,bị bỏ rơi, đành đến tạm trú tại nhà một người em
đồng hao với chút cầu mong sẽ có một cơ hội khác.Hai anh em chúng tôi chuyện trò và nghe
ngóng tin chiến sự trên đài truyền thanh Nha Trang.Tin phòng tuyến Khánh Dương,trên đường
lên Ban mê thuột,đang được "quân ta giữ vững" ,do người phát ngôn viên của Bộ Quốc
Phòng loan báo để trấn an dân chúng,không giúp cho chúng tôi bớt lo âu chút nào.Người
em tôi rủ tôi đi ăn trưa ở một quán nhỏ bên đường phố vắng ,rồi ra ngoại ô dự buổi hốt
hụi.Cảnh ngoại ô có vẻ bình thường ,mọi người dường như thản nhiên sinh hoạt,chẳng quan
tâm gì đến nổi kinh hoàng ,lo sợ chiến tranh như đa số dân trong phố.Sau cuộc xuất hành
"thăm dân cho biết sự tình",chúng tôi trở về nhà,định nghỉ trưa,nhưng tai vẫn lắng nghe tin
tứctrên đài.Chúng tôi ,vừa đặt lưng xuống giường,chợt nghe đài phát thanh loan tin tù nhân
phá cửa lao xá Nha Trang tuôn ra khắp đường phố. đồng thời nghe tiếng người bổng xôn xao
đó đây quanh nhà.Người em tôi vùng dậy, vội dắt xe gắn máy ra khỏi nhà và thúc giục tôi
cùng lên xe,chạy vào Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ.
Người em đồng hao của tôi là nhân viên của Tòa Tổng Lãnh,cho nên chúng vào cổng dễ
dàng.Sân trước của nhiệm sở ngoại giao này đã đông người xin di tản , gồm đủ giới
tính,tuổi tác và ngổn ngang hành lý lớn nhỏ . Trước cửa vào tòa nhà chính ,lớp lớp người
chen nhau vào để ra sân trực thăng bên cạnh nhà. Ba bốn người lính thủy quân lục chiến Hoa
Kỳ,mặc thường phục,phải vất vả ngăn chận đám đông ,có khi họ hăm dọa người chen lấn
bằng mũi súng để duy trì trật tự.Người em tôi ,có lẽ nhờ có thẻ nhân viên,lọt được vào
trong khung cửa sắt để trợ lực cho toán lính Mỹ giữ trật tự.Tôi kẹt lại bên ngoài,đứng chờ dịp
may cho đến khi cửa sắt đóng lại.Tôi mất liên lạc với người em,đứng thẫn thờ trong tuyệt
vọng.Thế rồi,tôi tò mò lần lại bên hàng rào sắt cạnh tòa nhà và nhìn vào sân trực
thăng.Một chiếc trực thăng đậu giữa sân dường như đã chở đầy hành khách, tiếng động cơ
rộn ràng,cánh quạt quay tít khiến cát bụi bay tơi tả,mù mịt.Người lính Mỹ chĩa súng xuống
đất ,hướng về những người từ trong nhà chạy ra,bắn từng loạt đạn ngắn,cày tung sỏi cát
.Tôi chứng kiến cảnh một người đàn bà còn trẻ ,hai tay ôm chặt một em bé thơ,đầu tóc
tả tơi,hai tà áo bay phất phới ,gò mình xông pha gió cát và làn đạn.Chắc bà này liều chạy
ra cho kịp chuyến bay.Nhưng ,trực thăng đã vội cất cánh,để lại bao người thất vọng,lủi thủi ra
về.Bóng hoàng hôn buông nhanh, lòng tôi chán nản,âu lo,tôi không biết mình sẽ đi đâu ,về
đâu.May thay,giáo sư N.,một người bạn từng hoạt động với tôi trong cùng một đoàn thể,cũng
bị lỡ chuyến bay như tôi.Ông ta rủ tôi qua Tòa Tổng Giám Mục Nha Trang,xin tạm trú qua
đêm.Nhờ quen biết người quản gia,ông N.gọi cửa không khó.Chúng tôi vào Tòa Giám Mục
gặp dịp Đức Cha Nguyễn văn Thuận dâng thánh lễ và làm phép truyền chức linh mục cho
một số thầy đại chủng sinh.Sau thánh lễ ,Đức Cha gặp chúng tôi.Vị giám mục Việt Nam trẻ
tuổi, khôi ngô,giản dị và lành thánh ,với giọng nói ân cần,dịu dàng,đã chấp nhận cho
chúng tôi tá túc.Riêng với tôi,ngài vui vẻ nói:"Anh cứ ở đây,sáng mai anh mặt áo
(blouse),xuống ngồi khám bệnh.Lời nói của ngài đã giúp tôi quẳng được gánh lo ngàn cân
đang đè nặng tâm tư tôi.
Bữa cơm tối nhà chung thanh đạm ,nhưng đối với tôi , đó là "bát cơm phiếu mẫu" .Giáo sư N.
và tôi, cũng như những người tị nạn đến trước chúng tôi ,sau cơm nước, tưởng sẽ yên giấc
qua đêm.Nhưng,trong khi chúng tôi ,đám người tá túc,đang trao đổi với nhau đôi câu chuyện
thời thế cùng chia sẻ những nổi băn khoăn về tương lai ,bổng những tiếng nổ lớn,nhỏ vang
lại,khi gần,khi xa.Chúng tôi kinh hoàng ,lo sợ ,nhất là khi có người ,chừng có chút kinh
nghiệm về những cảnh Tết Mậu Thân,đã đoán già là tiếng súng của đặc công cọng
sản.Không nói ra,nhưng chắc ai cũng thầm nghĩ:"Cọng quân đã vào thành phố Nha
Trang."Càng nghĩ vậy, chắc ai ai cũng lo cho số phận "con cá nằm trên thớt" của mình. Trời
bỗng đổ một trận mưa lớn và dai dẳng.Dù vậy,tiếng súng lác đác,gần xa vẫn vọng
lại,khiến chúng tôi không tài nào nhắm mắt.Tôi mở radio nhỏ để theo dõi tin tức.
Đài Nha Trang im tiếng.Đài Sài Gòn phát thanh không rõù . Tôi chỉ nghe được Đài BBC. Trong
khi ai cũng đoán cọng quân đã vào thành phố ,đài BBC loan tin quân đội Bắc Việt đã vào
phía Bắc Nha Trang.Như vậy,việc đặc công cọng sản bắn súng trong thành phố là diều có
nhiều phần xác thực.Nỗi lo âu của chúng tôi càng gia tăng.Nằm nghe mưa rơi tầm tả,súng
bắn đì đùng,chắc ai ai cũng não nuột,bồn chồn trong dạ.
Ngày hôm sau,trời vừa tảng sáng,cơn mưa đêm đã lơi hạt.Chúng tôi nghe tiếng người xôn
xao, cười nói ngoài đường.Nhìn ra đường,chúng tôi thấy vài ba người thường dân đẩy chiếc xe
ba gác chở đầy những bao lớn như những bao gạo.Nhìn ra ngã tư ,chúng tôi thấy một quân
nhân cầm súng đứng thơ thẩn trong giây lát,rồi anh ta di chuyển đi đâu mất.Chưa có bóng
dáng người lính cọng sản trên đương phố trước Tòa Giám mục.Nỗi lo lắng thâu đêm của
chúng tôi đã dịu bớtđôi phần.
Đức Cha Nha Trang tìm gặp chúng tôi.Ngài đứng nói chuyện với anh em chúng tôi nơi hành lang
Tòa Giám Mục.Nét mặt ngài vẫn dịu hiền,nhưng vừng trán ngài thoáng chút ưu tư.Ngài ân
cần bàn tính với chúng tôi:"Các anh nên tìm cách về Sài Gòn.Các anh có thành tích hoạt
động chính trị.cho nên,việc các anh gặp dối phương tại đây là một điều bất lợi cho các anh
và cho cả Tòa Giám Mục.
Bây giờ trời đang mưa ,dây là một cơ hội tốt cho các anh di chuyển.Tôi giúp cho các anh
một chiếc xe Jeep,bốn can xăng đầy và một số tiền.Các anh lái xe đi.
Xăng hết ở đâu, các anh bỏ xe ở đó. Nếu chưa ra khỏi thành phố được,các anh hãy đến
tạm trú ở nhà hưu dưỡng của giáo phận.Lúa gạo ở đó,các anh ăn cả năm cũng không
thiếu.Chúng tôi hưởng ứng đề nghị của ngài, sẵn sàng rời Tòa giám Mục khi trời còn mưa ,
nhưng chúng tôi chỉ xin tạm lãnh sự giúp đỡ vật chất của ngài vì chúng tôi nghĩ rằng đó là
một hy sinh quá lớn của ngài và giáo phận.Ngài trao cho chúng tôi một bức thư giới thiệu
cho một cha chánh xứ ở Phan Rang,nhờ cha giúp đỡ chúng tôi là những người cán bộ Công
giáo.Thế rồi,hai chúng tôi quỳ xuống xin ngài ban phép lành cho chúng tôi lên đường bình
yên.
Chúng tôi rời Tòa Giám Mục Nha Trang,với nổi phập phồng lo sợ, không dám đi nghênh ngang
giữa đường phố chính,chỉ đi theo những con đường nhỏ,leo những hàng rào cao để tìm lối đi
tắt.Càng đi, chúng tôi càng rõ tình hình hơn.Cọng quân chưa vào thành phố.Những tiếng súng
nổ là của bọn "cách mạng 30 tháng tư"(tiếng dân chúng sau này dùng để gọi những phần
tử hoan nghênh cọng quân trong giờ cuối cuộc chiến.Họ tước vũ khí của các quân nhân di
tản lẽ loi, phần họ đem chất đống giữa đường ,phần họ dùng để bắn thị oai. Ngoài ra, một
số những người ở lại, nảy lòng tham lam phá nhà , phá phố của những người di tảnvà đốt
chợ Đầm để hôi của. Đài BBC đã loan tin không đúng sự thực. Dù cọng quân chưa vào thành
phố,chúng tôi vẫn nghĩ rằng họ sẽ đến và đến sớm.Cho nên ,chúng tôi không dám đi lang
thang ngoài phố.Chúng tôi vào tá túc trong nhà hưu dưỡng của giáo phận một buổi trưa.Ở
đây, nơi ăn, chốn ở có vẽ thật ổn định, nhưng lòng chúng vẫn thấp thỏm ,lo âu,vẫn sợ lọt
vào tay cọng quân. Cuối cùng anh bạn của tôi rủ tôi ghé qua nhà anh để lấy xe gắn
máy.Thế rồi,hai anh em lên xe ,rời thành phố Nha Trang,
phóng theo hướng Cam Ranh,Phan Rang,Sài Gòn.
Tôi về Sài Gòn với gia đình bình yên dù sau mấy ngày vất vả trên đường di tản.Thế rồi ,gia
đình chúng tôi lại di tản sang Hoa Kỳ ,sống một cuộc đời tự do về tinh thần và đầy đủ về
vật chất. Trong khi đó, Đức Cha Nguyễn văn Thuận phải trải qua cảnh tù đày trong mười ba
năm ,rồi lại bị cọng sản Việt Nam buộc lưu vong sang Vatican. Nhờ đức hạnh ,tài năng của
ngài và nhất là Ơn Trên ,họa đã thành phúc,công lao của ngài đã dưa ngài lên chức vụ
Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý Hòa Bình và cuối cùng được phong tước Hồng Y của Tòa
Thánh. Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận không còn ở trần gian , ngài đã về Nước Trời.
Ngày nay ,mỗi khi nhớ đến cuộc đờøi của ĐHY Nguyễn văn Thuận,một vị thánh,với những
công đức ngài đã làm cho đất nước,Giáo Hội và nhân loại,tôi lại nhớ đến chút kỷ niệm
của tôi với ngài tại Tòa Giám Mục Nha Trang, một ngày đầu tháng Tư,năm 1975.Một kỷ
niệm đã khiến tôi luôn luôn nhớ đến những lời vàng ngọc của ngài,lòng từ ái của ngài
và mối thịnh tình giúp đỡ của ngài đối vớiõ tôi, bạn tôi và bao người nữa trong bước gian
nan.Nếu không gặp ngài và được ngài giúp đỡ,biết đâu tôi chẳng đã thành một Bác Sĩ
Zhivago Việt Nam.
Vì vậy,tôi suốt đời ghi nhớ kỷ niệm của tôi với ĐHY Nguyễn văn Thuận và ghi ơn đức của
ngài,đồng thời tôi cũng không quên tình bạn của giáo sư N.

No comments: