Sunday, September 9, 2012

TRẦN HỒNG CHÂU * SAI GON TRONG HỒI TƯỞNG

Buổi Chiều Hằng Cửu
Trần Hồng Châu

Chúng tôi xin trích đăng một đoạn trong Thành phố trong hồi tưởng của tác giả viết về Tết Sàigon

 Năm tháng qua, như nước chảy dưới cầu Khánh Hội, như mây bay trên 18 thôn vườn trầu, tôi vẫn không hết ngạc nhiên, xúc động đến thảng thốt, mỗi khi mây Sàigòn bủa vây, tới tấp, hay khi nắng Sàigon nung nấu đến rùng mình cả một bầu khí quyển siêu thực, vàng ánh nhu tranh Van Gogh với cái chói chang bỏng lửa củz trưa hè đúng ngọ. Mỗi khi hoa mai bừng nở ở Minh Phụng hay khi con đò Thủ Thiêm đủng đỉnh bắc cầu cho những Sâm Thương thời đại. Mỗi khi sông Nhà Bè bồn chồn nước chảy chia đôi hay khi tấm lòng son của những trái dưa Hà Tiên bằng ngọc thạch dược giãi bày trên lề đường đi về cầu Ông Lãnh trong những ngày đầu xuân.
Dưa đỏ, mai vàng. . . Nhớ lại không khí Tết, gần gũi cũng như xa vắng, gắn liền với hai màu tượng trưng đang dàn trải trên đường phố Sàigon. Đỏ, vàng. Máu đỏ, da vàng.. ., điểm xác minh cũng như nhận diện của lịch sử và giống nòi. Vàng, son. . . sắc màu của những cung điện tâm hồn và ý thức nghệ thuật.
Trái dưa là chứng tích bình minh dân tộc với sức sống mạnh và lòng tin yêu,lạc quan không gì lay chuyển nổi của thời dựng nước. Cành mai thanh tao, thân hình uốn lượn, đơn sơ và khỏe. Vừa khắc khổ đạm bạc, vừa rực rỡ ,lãng mạn. Nói lên khí phách người quân tử " thế gia thanh bạch tỉ sơn mai,"một mình đương đầu với cái đa số, có khi a dua, sai lầm, phi lý. Nói lên cốt cách nghệ sĩ, có thể cương nhu, đậm nhạt, ở những thời và không gian khác nhau, nhưng luôn bảo vệ được sinh mệnh tinh thần của mình trong tư thế mắt sáng, đầu ngủng cao.
Hai s8ác đỏ vàng nở rộ trên đường phố đô thành có nghĩa là mùa xuân đã tới, không một lần lỡ hẹn. Cũng như tiết điệu và ý lời những bài thơ xuân từng vượt qua trường thành của thời gian và quên lãng. Xuân giang hoa nguyệt dạ hay Xuân nhật khởi ngôn chí. . .
Dưa đỏ ,mai vàng trên đường Nguyễn Văn Học và Trần Hưng Đạo. Xuân về đúng chu kỳ, chính xác như một định lý toán học. Đồng thời cũng biện minh cho một nhận định tâm lý: s8ác màu, âm thanh thường quấn quít, đan xen nhau trong một tổng thể hồi tưởng đa dạng.Quá khứ thường trở về trên đỉnh trời âm và săc . Vì đó là hai chất xúc tác, khơi động, gợi nhớ. . . Là tố chất không thể thiếu được của bản thể cái đã qua, dù ở thời điểm nào.
Mùa xuân đã trở về với dưa đỏ, mai vàng và tiếng ngâm thơ Hồ Điệp, giai điệu muôn màu, âm vang trên suốt chiều dài phố phường Sài gòn.
 
Tất cả là một bừng nở sáng chói. Hương và sắc. Hoa thảo mộc và hoa biết nói, theo sáo ngữ. Cùng đứng bên nhau. Thân thiết: nhân diện đào hoa tưong ánh hồng. Lan tỏa mênh mang : Xuân thành vô xứ bất phi hoa. Thoạt tiên là thược dược, cẩm chướng rồi hướng dưong, cánh mở rộng như một mặt trời Van Gogh. Tiếp theo là mãn đình hồng với thân cây cao vồng đi nhanh hơn cả thời gian, với nhụy hoa reo rắc phấn vàng óng ả của loài hoa nhiệt đới làm bằng sắc đậm tươi và hương nồng say đến choáng váng. . .
Nhưng vẫn nhiều nhất là cúc,hồng và lan, những nữ hoàng của hội hoa, của mùa xuân bất tận.Cúc vàng, cúc trắng.. .đi từ kim cúc bé nhỏ đến đại đóa bời bời tóc rối. Từ trắng đục, vàng nhạt, hoàng anh của Nguyễn Du trong những ngày Kinh Bắc, bệnh hoạn và mai danh ẩn tích, đến vàng cam, sơn mài , của những cánh vạn thọ ngoại thành Lộc Uyển mà có lẽ Thích Ca đã từng yêu mến trong những buổi chiều thuyết pháp.
Hồng nhung, hồng quế.. . tất cả sắc tố đậm nhạt của màu hồng đi từ hồng tầm xuân đến huyết dụ đỏ tía. Như sắc tố đậm nhạt của những thỏi son khác nhau đã lần lượt đi trên môi, từ thuở người gái dậy thì khởi đầu biết làm dáng tới những ngày " mùa thu thiếu phụ" đầy ngậm ngùi và hồi tưởng.
Lan là vương giả chi hoa. Địa lan. Phong lan. Yểu điệu. Mảnh mai. Cánh bướm vàng phơi phới. Hạc đồng nội nhởn nhơ. Chiếc hài vân đong đưa gợi mùa xưa cũ. Một diểm hồng. Vài bông ngọc trắng rung rinh trước gió xuân ngọt ngào như nửa tỉnh, nửa say. Thế giới của lan là một thế giới mềm mại, gần như yếu lả, nhạt nhòa, thoang thoảng. Hương sắc, hình hài, âm thanh tưởng như có,như không. Thế giới ấn tượng của buổi chiều Monet, vàng sáng Pissaro và làn da Renoir,thấp thoáng, mờ ảo, bấp bênh, có lẽ cũng chỉ đước xây dựng bằng những tố chất đó thôi.
Trong biển hoa Nguyễn Huệ ngưòi và hoa dường như cùng chung một ý thức về thời gian. Mọi chuyện đều là phù du, hư ảo, sớm nở tối tàn. Hãy sống với hiện tại, với những gì hiện hữu nhất trong phút giây hiện hữu của hôm nay!
Có những cặp vợ chồng đi xem hoa như một nghi lễ cuối năm không thể thiếu đuợc. Để nhớ kỷ niệm một chợ tết xưa. Để tìm lại trong rừng hoa niềm yêu đời và sức sống cần phải có trước lớp ưu tư đang ló dạng ở chân trời.Có những người tình bé nhỏ, ngồi bên nhau,lặng lẽ ngắt và đếm từng cánh hoa cúc vàng. Dò hỏi về tương lai, đầu năm theo truyền thống nhân gian? Hay suy nghĩ về kiếp mong manh để bàng hoàng lo sợ, rồi quyết tâm buồm lái đi ngược lại giòng sông định mệnh ?
Có những chàng trai đi chợ hoa với tân hồn nghệ sĩ vượt thời gian và không gian. Niềm hoài cổ chợt như sóng biển tràn lan.. . Không biết Thăng Long xưa vào những đêm chợ hoa ngày Tết ra sao? Trong khuôn viên Văn miếu lộc xuân nõn nà ció trổ lại nhiều không ? Ngoài cửa Kim mã trai thanh gái lịch chắc phải có hơn một cuộc hẹn hò đầu xuân. Những buổi khán hoa và bình thơ xuân trên sóng nước Tây hồ tưởng như vẫn còn để lại dư âm và phong vị của ngày xa xưa khi Lê Quý Đôn hay Nguyễn Nghiễm từ những phiến trấn xa xôi trở lại thăm cố đô và các bạn vong niên mỗi độ xuân về. . .
Êm ái chiều xuân đến khán đài,
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai.
Rồi những hội chùa đầu xuân nữa chứ! Đâu rồi những Ngọc hồ và Quảng Vân đình những Tiên du và Phật tích, những cành mẫu đơn và tranh tố nữ Cầu đông ? Có lẽ trong lòng thanh niên Sài gòn giữa chợ hoa vẫn còn phảng phất đâu dây nhiều kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm những kỳ ngộ và kỳ tích trong đó hoa thường gần gũi người, gắn bó với người.
Đêm khuya trên phố vắng. Chợ tàn. Những xe lam cuối cùng đã đưa về Bình triệu, Phú xuân mấy chậu hoa còn sót lại. Hoa lỡ thời, ràu rầu, chưa nở rời chợ hoa vì còn ngậm ngùi" nhớ nơ kỳ ngộ."
Gió lạnh thêm. Đêm trở nên hoang liêu. Những cành hoa chết nằm la liệt trong lòng đường, bơ vơ, lạc lỏng. Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
Có ai nhỏ một giọt lệ thương vay ? Có phải đây là oan hồn những vong nữ mà không một bài thơ đoạn mệnh, không một trang Liêu trai nào có thể giải tỏa hết nổi u ẩn, niềm thưong đau của kiếp người và kiếp hoa mãi mãi đắm chìm trong vòng trần lụy.
 

No comments: