Thursday, September 6, 2012

VỀ TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM

Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo của CS Việt Nam
Jul 15, 2004

Lới Giới Thiệu: Hôm 18-6 vừa qua tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội CSVN đã thông qua một Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo gồm 6 chương, 41 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 15-11-2004, tức là hơn 4 tháng nữa. Để dư luận có yếu tố nhận định về Pháp lệnh nói trên, Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc và phỏng vấn Luật sư TRẦN THANH HIỆP, nguyên luật sư các Toà Thượng Thẩm Saigon và Paris. Cuộc phỏng vấn do Việt-Long thực hiện.
Hỏi: Luật sư có thể cho biết sơ qua về Pháp lệnh ngày 18-6-2004 về tín nguỡng, tôn giáo ở Việt Nam?
Đáp: Đó là một văn bản pháp lý có hiệu lực tương tự như hiệu lực của một đạo luật nhằm qui định cách hành sử quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Nó có mấy đặc điểm. Thật vậy, một mặt nó nhắc lại sự công nhân chính thức quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã ghi trong Hiến pháp, nhưng đồng thời mặt khác lại dùng luật, một văn bản đưới Hiến pháp, để hạn chế không phải chỉ ở mức tối thiểu quyền tự do này nếu không muốn nói là đã thủ tiêu hết. Tôi không thể liệt kê đầ đủ ở đây những hạn chế của Pháp lệnh 18-6, chỉ xin đúc kết lại trong một câu ngắn. Pháp lệnh này có 41 điều thì 37 điều dành cho việc qui chế hoá quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và 4 điều cho việc thi hành pháp lệnh. Trong số 37 điều kể trên, chỉ có 1 điều độc nhất là không thấy có vết tích gì của sự hạn chế. Đó là điều 1. Còn 36 điều còn lại thì được dùng để bao vây, bào mòn, thậm chí mượn pháp lý để vô hiệu hoá công khai và hợp pháp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những gì chưa bị vô hiệu hoá, còn sót lại chút đỉnh thì lại phải theo chế độ “xin phép trước”, mà các nước tiên tiến trên thế giới đã phế bỏ từ mấy thế kỷ nay, và Việt Nam cũng đã phế bỏ từ ngày có biến cố được gọi là Cách Mạng tháng Tám 1945. Đó là chưa kể rằng những điều ngăn cấm nào mà chưa nói rõ trong pháp lệnh 18-6 thì được nói một cách mơ hồ, để lâm sự, đề khi có chuyện thì chính quyền tuỳ tiện giải thích theo chiều hướng cứng rắn của đàn áp. Không chú ý thì khó thấy được nhiều cạm bẫy tinh vi trong pháp lệnh 18-6 để phục kích dân chúng. Nói tóm lại, pháp lệnh 18-6 là một văn bản pháp lý phản nhân quyền, dân quyền, phản tiến bộ.
Hỏi: Chúng tôi thấy rằng đó có thể là là ý kiến riêng của luật sư, nhưng bây giờ nếu đứng về mặt luật học, tức là về chuyên môn, mà xét thì luật sư nghĩ thế nào về Pháp Lệnh tín ngưỡng, tôn giáo này?
Đáp: Trước việc các chính phủ, cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế phi chính phủ, gia tăng áp lực để hỗ trợ những cuộc tranh đấu đòi tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội đã phản ứng một cách cứng rắn. Để biện minh cho thái độ mới này, Hà Nội đã dùng pháp luật làm công cụ đàn áp và, theo tôi, đã leo thêm một bậc thang đàn áp nữa. Đó là cảm tưởng của tôi sau khi đã nghiên cứu Pháp lệnh ngày 18-6-2004 về tín ngưỡng, tôn giáo mà Quốc hội thu hẹp, tức là Uỷ ban Thường vụ, vừa mới thông qua.
Hỏi: Luật sư chỉ vừa nói đến khía cạnh công cụ pháp lý, chúng tôi muốn được biết rõ hơn về khía cạnh LUẬT HỌC.
Đáp: Ta cần xét xem Pháp lệnh ngày 18-6 đã thay đổi như thế nào tương quan quyền lực giữa, một bên, những người dân có tín ngưỡng, có tôn giáo, các nhà chức sắc, tu hành, các tổ chức, hội đoàn tín ngưỡng, tôn giáo và, bên khác, là Nhà nước. Theo tôi, Pháp lệnh này đã thay đổi hẳn tương quan đó bằng cách để cho Nhà nước lấn chiếm hết nội dung của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, biến quyền tự do này thành ra một quyền hoàn toàn hình thức. Theo luật học quốc tế về nhân quyền, và cũng là luật học hiện đại và phổ quát về nhân quyền của cả nhân loại, thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền tự do cơ bản của người dân. Nó nằm trong quyền con người được tự do tư tưởng, tự do tin tưởng, tự do thờ phượng, miễn không xâm phạm tới quyền của người khác. Pháp lệnh 18-6 đã tránh né không chính thức phủ nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng lại qui định rất ngặt nghèo tất cả mọi hoạt động của mọi tín ngưỡng mọi tôn giáo, đặt chúng dưới sự giám hộ, giám sát của Nhà nước, thông qua Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban tôn giáo trung ương, Uỷ ban Nhân dân các cấp. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giao đã bị Pháp lệnh ngày 18-6 biến thành một đặc ân mà người dân chỉ được hưởng nếu được Nhà nước ban phát. Nếu xin không được mà cứ hành sử, hoạt động thì sẽ bị đàn áp. Đó là hiện tượng mà ngôn ngữ trong nước gọi là tình trạng “xin cho”.
Hỏi: Ông thường nói đến chuyni đàn áp, nhưng có thể đó là cách hiểu chủ quan của ông chăng? Cho nên, về mặt luật học thì đàn áp có được định nghĩa hay không, nếu có thì được định nghĩa như thế nào?
Đáp: Có hai cách hiểu chữ đàn áp. Một là theo nghĩa thông thường, hai là theo nghĩa chuyên môn về luật học, như trong trường hợp nói về Pháp lệnh ngày 18-6-2004. Hai nghĩa này bổ túc cho nhau. Hiểu theo nghĩa thông thường, như chúng ta có thể đọc thấy ỏ trong các tự điển tiếng Việt, trong Nam cũng như ngoài Bắc, và tôi xin trích dẫn định nghĩa đàn áp lấy trong quyển “Từ điển Từ và Ngữ Hán Việt” của giáo sư Nguyễn Lân, xuất bản năm 2002 ở Hà Nội, thì đàn áp là “Dùng bạo lực hay quyền uy ngăn cấm sự hoạt động của người khác”. Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ ở trong Nam còn cụ thể hơn: đàn áp là trấn áp, là đè nén, nhận xuống không cho ngóc dậy. Khi nói đàn áp ở trong khuôn khổ Pháp lệnh 18-6-2004 thì phải hiểu từ này một cách chuyên môn, theo nghĩa bóng, và phải dựa vào những cơ sở chuyên môn tức là luật học. Pháp lệnh ngày 18-6 là một văn bản pháp lý, trên lý thuyết, có hiệu lực của một đạo luật. Hiện nay thì pháp lệnh này chưa có ngay hiệu lực này, vì chính nó đã đự liệu rằng phải đợi đến ngay 15 tháng 11sắp tới nó mới có hiệu lực. Bởi vậy, ít ra là từ nay cho đến ngày đó, nhà cầm quyền Hà Nội chưa thể áp dụng văn bản 18-6 này, nghĩa là cho đến đó, sự đàn áp trong thực tế sẽ chưa xảy ra. Nhưng ngay bây giờ, trong tự thân của văn bản 18-6, người ta thấy đã thể hiện một lô gích chặt chẽ của sự đàn áp, khuôn đóng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của dân chúng vào trong những giới hạn do Nhà nước tự quyền ấn định trước, đặt ra rất nhiều điều cấm kỵ khiến cho rút lại chẳng còn tự do tín ngưỡng, tôn giáo nữa. Hiến pháp 1992 đương hành đã minh thị công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng Pháp lệnh 18-6-2004 đã thu hẹp nó lại - nói theo ngôn ngữ chuyên môn - đã qui chế hoá nó một cách quá lạm tới mức không khác gì cấm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ai vượt ra khỏi qui chế này, hay nói theo ngôn ngữ bình dân, ai vứt bỏ cái vòng kim cô của Nhà nước, thì sẽ bị ngăn cấm không được theo tín ngưỡng tôn giáo của mình nữa, tức là bị đàn áp.
Hỏi: Việt Nam vẫn có quan niệm rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, mà nay chính Quốc hội đã ban hành pháp lệnh này, nên có ý kiến cho rằng đó là hành vi pháp lý thích hợp với thẩm quyền của Quốc hội, và đồng thời thể hiện ý nguyện của toàn dân? Ý kiến luật sư ra sao?
Đáp: Dù Quốc hội có quyền lực cao nhất chăng nữa thì cũng không thể muốn làm gì thì làm. Quốc hội không thể mâu thuẫn vói chính nó. Quốc hội khi thông qua Hiến pháp 1992 và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này năm 2001, nơi điều 70, đã công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không điều kiện, như sau: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái luật và chính sách của Nhà nước.” Trong điều này không hề thấy có một chữ nào hạn chế quyền tự do nói trên cả. Chỉ thấy có sụ ngăn cấm những hành vi gọi là “lợi dụng” tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái luật, trái chính sách. Nhưng hành vi lợi dụng là một hành vi nằm ở ngoài quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không thể coi nó như một thành tố của quyền tự do này để làm ra luật, mượn cớ ngăn cấm lợi dụng, để lấy cớ ngăn cấm luôn cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, nhà cầm quyền Việt Nam còn phải tôn trọng những qui phạm của luật quốc tế về nhân quyền vì Việt Nam đã xin gia nhập Liên Hiệp Quốc và gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trừ những năm 70 và 80. Nội dung của Pháp lệnh 18-6 hoàn toàn trái ngược với tinh thần (Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân quyền, điều 18) cho đến văn tự của luật quốc tế này (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, điều 18). Tưởng nên nhấn mạnh rằng điều 38 của chính Pháp lệnh 18-6 đã minh thị đặt luật quốc nội của Việt Nam dưới luật quốc tế. Người ta tự hỏi tại sao Uỷ ban Thường vụ lại ngang nhiên dẫm đạp lên trật tự pháp quyền của chính mình trong vụ Pháp lệnh 18-6?
Hỏi: Luật sư còn khẳng định rằng Pháp lệnh 18-6 đã leo thang đàn áp. Tại sao ?
Đáp: Nói leo thang là vì Pháp lệnh này biểu thị một sự gia tăng đàn áp về nhiếu mặt. Thí dụ về mặt pháp lý, trước đây ta chỉ thấy những biện pháp đàn áp được trù liệu bằng các Nghị quyết của Đảng, của Uỷ ban tôn giáo trung ương, các Nghị định của Thủ tướng chính phủ. Bây giờ, với Pháp lệnh 18-6 các biện pháp ấy đã được nâng cấp thành chính sách quốc gia, với sự hỗ trợ của pháp luật xuất phát từ Quốc hội. Lại nữa, ngày trước phần lớn là những biện pháp đàn áp tản mạn, nhắm vào những trường hợp cá thể hay riêng lẻ. Bây giờ những biên pháp này đã được mở rộng thêm về mặt qui mô, tổng quát hoá thành hệ thống kềm chế ngặt nghèo quyền tự do của mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo trên phạm vi cả nước, chẳng những trong sinh hoạt ngoài đời sống xã hội, mà còn cả ở trong tâm hồn con người. Đó quả thật là một ý đồ toàn trị không hơn không kém. Nếu cái sản phẩm mà Uỷ ban Thường vụ đã nặn ra ngày 18-6-2004 không được thu hồi trước khi nó có thể tác hại thì từ ngày 15-11 trở đi, vĩnh biệt tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam .
Việt Long: Xin cám ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp.

No comments: