Monday, September 3, 2012

TS. LÊ MỘNG NGUYÊN * HỒI KÝ

Hồi Ký
Kỷ niệm Sài Gòn-Đà Nẳng-Huế
hay là đất nước tôi bốn tháng trước ngày ngã gục trong bóng đêm...
(tiếp theo ''Một Thoáng Hương Xưa'' đăng trên KTTT 50 : Số Tưởng Niệm Quốc Hận
tháng 4-2003, tr. 18-19 & 31)
Lê Mộng Nguyên (Paris)


V. Tôi gặp lại Tướng T.T.Đ. (quen lúc thời còn nhỏ ở Huế) đương chức Nghị sĩ Thượng
Nghị Viện VNCH (theo Điều 33 của Hiến Pháp ban hành ngày 01-04-1967 : ''Thượng
Nghị Viện gồm từ 30 đến 60 Nghị sĩ được cử tri toàn quốc bầu lên trong một cuộc phổ
thông đầu phiếu trực tiếp và kín theo thể thức liên danh đa số. Mỗi liên danh gồm từ
1/6 đến 1/3 tổng số NS... Nhiệm kỳ Nghị sĩ là 6 năm, mỗi 3 năm bầu lại một nửa...'' ), tại
nhà anh đường Nguyễn Đình Chiểu, sáng ngày 25 th.12-1974 (lễ Giáng Sinh), để dùng điểm
tâm và sau đó đi thăm Sài Gòn trước khi ăn trưa (do anh mời) tại một nhà hàng nấu bếp
theo kiểu Pháp (cuisine française). Tướng Đ. là một trong những người gắn liền vớI cuc cách
mạng tháng 11-1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, cùng với các bạn đồng liêu trong
quân lực VNCH như Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân. Anh đã nhiều lần giữ chức Tổng trưởng (An ninh, Nội vụ... ) trong những Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu-Nguyễn Cao Kỳ được thụ chức trước ngày Đệ Nhị VNCH chính thức thiết lập với Hiến Pháp 01-04-1967.
Không được trọng dụng (en disgrâce) từ năm 1966 (anh đã bị giam cầm một thời, do
quyết định của Tổng thống vì đã dám chỉ trích Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao
Kỳ) nhưng nhờ đi liên danh cho nên được bầu vào Thượng Nghị Viện, và từ nay anh
thuộc phe đối lập chính quyền. Tướng Đ. hồi đó làm Chủ tịch Hội Nhà Báo miền Nam VN.
Anh rất hãnh diện đưa tôi xem bản thảo tờ Tuyên ngôn bằng tiếng Pháp mà anh sẽ đọc
ngày mai (26-12-74) trong cuộc biểu tình do Hội Nhà Báo tổ chức trước Quốc hội nhân dịp
vụ kiện tụng của Tướng Thiệu muốn triệu hồi trước Tòa Án ba tờ báo đã đăng tải Cáo
trạng số 1 (Acte d'accusation No 1) tố cáo sự tham nhũng do ngay cả Tổng thống đương
chức và gia đình.
Lúc đầu gặp lại tôi, anh Đ. chỉ nói bằng tiếng Pháp, vì tưởng lầm tôi đi xa nhà quá lâu nên
đã quên tiếng mẹ đẻ ; anh cũng muốn chứng minh trong dịp này lúc nào anh cũng cảm
tình và hâm mộ nếp sống Âu Tây và nhất là nước Pháp. Sự anh bị Tướng Thiệu loại trừ
không được trọng dụng trong chính quyền là vì một lý do xác đáng : anh thiên Pháp hơn là
thiên Mỹ. Tôi có cảm tưởng về mặt chính trị,Tướng Đ. gần Tướng Dương Văn Minh hơn Tổng thống đương thời là Nguyễn Văn Thiệu. ''Làm sao tranh đấu chống Cộng được trong lúc
tham nhũng lan tràn trên mọi tấng lớp, ở trong Chính phủ và bộ máy hành chánh ?'' Tướng Đ. nói to lên một cách rõ ràng như muốn nhấn mạnh vào điểm đó để cho người ta chú ý, rồi
tiếp tục : '' Chắc em cũng biết, một chính phủ đàn áp báo chí là một chính phủ khinh
thường tự do, công cộng hay cá nhân. Tranh đấu cho tự do báo chí là tranh đấu cho Tự Do,
tất cả các tự do ! Như thế, chúng ta sửa soạn xây đắp Hòa Bình, và sẽ nắm một vị thế
mạnh trong việc thương lượng với '' Chính phủ Cách mạng Lâm thời'' (GRP) đặng áp dụng
Thỏa Hiệp ký kết tại Paris ngày 27 tháng 01-1973''... Tướng Đ. đề nghị mời tôi đi thăm
Đà Lạt bằng trực thăng, nhưng tôi lo sợ nguy hiểm vì tình hình quân sự nên xin từ chối.
Như vậy tôi là một trong những đồng bào VN hiếm có không bao giờ biết Đà Lạt (theo
Petit Robert : một thành phố thuc rừng núi với 1600 thước độ cao, một nơi nghỉ ngơi khí
hậu ôn hòa.. ), chỉ ngày đêm sống trong mộng tưởng mà thôi:
Ngồi mơ Đà Lạt
Có núi rừng thông
Có nàng áo trắng
Ở Huế mới lên
Còn đâu những ngày
Chiều xưa năm ấy
Bên bờ sông Hương
Em cùng tôi ước thề nguyền...
(Mơ Đà Lạt : Nhạc và Lời của Lê Mộng Nguyên).
VI. Năm ngày sau khi đặt chân trên thủ đô nước VNCH, tôi quyết định lấy máy bay ngày
18-12-1974 ra Huế thăm mẹ và làng Phú Xuân (Chợ Cống là chỗ chôn nhau cắt rốn) mà
tôi đã phải buộc lòng từ giã vào cuối năm 1950 :
Em có về làng Phú Xuân xơ xác
Cạnh Huế thành sau bão lụt vừa qua
Em về thăm cánh đồng thu man mác
Lá chưa vàng, cây cối vẫn như xưa ?...
(Thơ Lê Mộng Nguyên)
.........................................................
Thật ra, máy bay chỉ đi được từ Sài Gòn (7 g 30) đến Đà Nẳng mà thôi (9 g 15) ! Lý do ?
Quả nhiên từ một tuần qua, phi trường Phú Bài (Huế) bị tàn phá vì bom đạn cộng sản.
Người ta đồn rằng địch quân đã nhiều lần thử bắn phi cơ chuyên chở dân thường từ Sài
Gòn ra Huế... Thành thử chúng tôi (anh Lê Mộng Đào đi cùng với tôi ra Huế để mời Mạ về
SG ngụ tại nhà anh cho đến ngày 07-01-1975 tôi lên đường trở lại Pháp quốc) phải lấy
xe hơi đi từ Đà Nẳng ra Huế (chừng 120 cây số). Trở lại chuyến bay do Hãng
Air-Vietnam (sau vụ khủng bố làm thiệt mạng 70 hành khách thường dân) : Ngày hôm ấy,
từ trời cao 2000 thước, tôi thưởng thức phong cảnh nước VN vẫn còn xanh tươi mặc dầu
thương tích chiến tranh. Những khu rừng núi thuộc miền nhiệt đới thật quá đẹp dưới
ánh mặt trời, những con sông uốn chảy dịu dàng và biển cả xanh biếc từ Nam đến
Trung là cả một bản dương ca vạn vật muôn màu, cứ tiếp nối diễn hành như trong một
giấc mơ êm ái, dưới đôi mắt ngạc nhiên của du khách đầy kính mộ... Tôi không thấy một dấu vết nào của thảm kịch chiến tranh (thật lạ lùng !), không thoáng nghe một tiếng bom
nào xé toát màn yên lặng, đặng phá hoại sự an bình của nước VN tuyệt vời ngắm nhìn từ
trời cao. Lúc chúng tôi bắt đầu lên máy bay vào 7 g 30 ở Tân Sơn Nhất, Sài Gòn vẫn còn
nóng, bây giờ máy bay gần đến Đà Nẳng, nhìn qua hublot thấy trời đổi xám, mây kéo
dằng dặc với mưa bắt đầu và tiếp tục càng ngày càng to, không còn xem quang cảnh gì
được cả. Phi cơ hạ xuống phi trường Đà Nẳng vào khoảng 9 g 15 nghĩa là sau khi bay gần
2 giờ (900 cây số), trong lúc trời mưa ào ào đổ mạnh. Từ chiếc xe car của Air-Vietnam
đưa khách đến một trạm taxi, tôi buồn bã nhìn qua song cửa thành phố Tourane ngày
xưa đắm chìm dưới trận mưa, thành phố màu gạch hồng (như Toulouse bên Pháp), trở
thành đen xám, nhưng vẫn tiếp tục rộn rịp chợ búa bày đủ thứ hàng, dọc theo những
con đường dài, trên vỉa hè hoặc những công trường... làm xe car chạy rất khó khăn vì
người đi qua lại không thận trọng, chú ý bên mặt bên trái gì cả.
Chúng tôi phải đợi gần 2 giờ đồng hồ mới tìm thuê được 2 chỗ ngồi trong taxi nhận đưa
chúng tôi từ Đà Nẳng tới Huế, dưới trời mưa và trong sương mù. Nhìn chiếc xe hơi
traction-avant Citroen thật là cũ kỹ ít nhất 30 năm mà vẫn còn hoạt động, tôi rùng mình lo
ngại cho thân phận mình phải giao hết cho người lái xe... Xe gồm có 2 chỗ đằng trước
cạnh người lái, và đằng sau được bố trí thành một ''căn nhà'' có thể chứa đựng thêm 8
khách hàng. Chúng tôi phải thuê 4 chỗ, 2 chỗ ngồi và 2 chỗ cho hành lý, cả thảy tốn đến
2400 đồng (600 mỗi chỗ). Sau khi xe vượt qua một miền đất bằng, hai bên đường hiện
ra những tiệm ăn, nhiều trại tị nạn chiến tranh, những Nhà Thờ - Công giáo và Tin lành,
những Chùa Phật giáo, những Chợ (một lần nữa) bán đồ ăn, rau, gia súc vân vân... chúng
tôi bắt đầu cuộc thử thách trèo và vượt qua Đèo Hải Vân. Xe taxi ngừng lại ít nhất hai lần,
lần đầu để sửa máy, lần thứ hai để lấy nước đọng trong một vũng bên đường cho máy phát
động của xe sắp tàn lực... Trời tiếp tục mưa không phút ngừng, xe càng lên cao, sương
mù càng đặc và con đường quanh queo trước mặt đã biến mất trong đêm. Mặc dầu tình
trạng đặc biệt này, người lái xe taxi vẫn tiếp tục lái xe, không nao núng ... Giỏi thật ! Tôi
cảm tưởng anh ta biết tường tận lộ trình, có thể lái xe quanh núi, nhắm mắt... Chúng tôi
cũng nhắm mắt nhưng để nguyện cầu Trời Phật Tổ tiên giúp đỡ qua khỏi tai nạn... Trong
những giây phút ấy chỉ có những lời kinh cầu nguyện mới có thể làm cho êm dịu nỗi sợ
hãi, lo âu. Vì chỉ cần người lái xe một phút giây lơ đễnh hay vụng về là xe sẽ bị rơi xuống
biển từ núi cao. Đôi khi, chúng tôi cảm giác xe xóc vì đường gập ghềnh, có lẽ là do kết
quả những vụ bắn roquette của VC ? Dầu sao, chúng tôi cũng không thấy gì cả ngoài sương
mù dày đặc. Đó là một cảm giác vừa khó chịu vừa khoan khoái, một sự bay bổng về mặt
tâm lý bắt đầu chiếm đóng thân thể, linh hồn chúng tôi... Có ai biết tôi đã đi băng qua
Đại Tây Dương (13 000 cây số) từ Pháp quốc đến nơi đây để (có lẽ)... vĩnh viễn từ giã
cuộc đời này ?...
Ta gửi thư này về tới Huế
Quê hương xa cách tận cuối trời
Trùng dương thăm thẳm không hò hẹn...
Biết đến bao giờ thư tới nơi ?
Nơi đây, tựa cửa, cứ chiều chiều,
Mẹ già mong đợi bóng con yêu
Đêm đêm thổn thức đời hiu quạnh
Giòng lệ kinh thành vắng bóng trai...
(Thơ Lê Mộng Nguyên)
Xe taxi đưa chúng tôi đến tận nhà Mạ hiện chung sống dưới mái gia đình anh Lê Đình
Sum ở số 59 đường Mai Thúc Loan (Huế), cạnh phòng khám bệnh của BS Thân Trọng
Phước hồi xưa. Trời đã tối từ lâu, mưa vẫn rơi và tiếp tục rơi dầm dề suốt ba ngày 18,
19 và 20 tháng 12-1974 mà tôi có mặt tại cố đô Nhà Nguyễn. Mẹ tôi nay gần 80, nhưng vẫn
còn khỏe mạnh, nhận ra tôi được ngay và chúng tôi ôm nhau lệ tuôn rào :
Từ lúc chia tay, mẹ ơi !
Lòng con không sao nguôi sầu nhớ
Trông cánh chim về cố hương
Là nơi bao chiều mẹ đợi con...
(Lá Thư Cho Mẹ : Nhạc và Lời của Lê Mộng Nguyên)
Tất cả gia đình anh Thừa Sum và chị Tố Vân, các con cháu, chắt phần đông đều có mặt, và
ngay cả anh trưởng Lê Mộng Tùng và các anh em chú bác như Ái và Thùy là những người
đã chung sống những ngày thơ ấu tươi trẻ với gia đình Ba Mạ tôi ở Chợ Cống (Phú Xuân).
Tôi cũng rất cảm động khi gặp lại hai vợ chồng Sắt và Thương là những người giúp nấu ăn
và mọi việc ngày xưa, nay cũng đến chào hỏi, mắt rưng rưng... Tối hôm ấy tôi ngủ tại
nhà anh chị Sum. Chiều hôm sau (19 th. 12) tôi được mời dự tiệc đãi với tất cả đại gia
đình và nhiều quan khách trong làng để vinh quy một người con, em, chú, cậu và bạn yêu
dấu của đại gia đình đã thành danh, từ Pháp trở về thăm nhà sau 24 năm xa cách. Nhà
anh chị Tùng ở Chợ Cống (Phú Xuân) là nhà phụng thờ tổ tiên, anh Lê Mộng Tùng , trưởng
nam của Ba Mạ, nay phải lo phần hương hỏa (Ba tôi mất năm 1952). Tôi sinh sống nơi đây
từ ngày thơ ấu và làng Phú Xuân (với sông Bình Lục) đã để lại cho đời tôi bao nhiêu kỷ
niệm không bao giờ phai lạt :
Quê tôi, chiều nắng mong manh,
Có đồng lúa xanh mơ theo dòng nước
Hàng cây me ngày thơ ấu tôi leo cành lá mơ chim đàn chấp cánh bay
Quê tôi là Huế muôn đời
Kinh thành tiếc nuối qua dòng sông biếc
Sau gót Phù Tang, non nước ngùi ngậm
Lời thề chưa trả giang sơn điêu tàn...
(Quê Tôi : Nhạc và Lời của Lê Mộng Nguyên)
Trở lại mái nhà xưa, có vườn tược chuối bông, cây me vẫn còn đó nhưng sao thấy quá
điêu tàn. Trong tầm mắt một đứa trẻ con 9 tuổi, tôi có cảm tưởng là sân trước nhà (tôi
thường tập đá bóng tròn một mình mỗi sáng sớm) rất lớn và gần góc phía đồng ruộng có
một đống rơm rất cao như hòn đá ở Vườn Bách Thú Vincennes (Paris)... Nhưng nay đống
rơm không còn nữa, vườn sau trở thành quá nhỏ bé, cây me xơ xác dưới trời mưa, ngay
nhà cửa cũng không còn cao ráo và vững chắc như trong quá khứ êm dịu của thời thơ ấu
xa xăm :
Em có về làng anh qua Chợ Cống
Cứ hằng năm bão lụt nước đầy đường
Cầu đã gãy và tình xưa đã vỡ
Hai đứa mình cách biệt chốn tha phương
(Thơ Lê Mộng Nguyên)
Trong ba ngày tại Huế vì trời mưa dầm dề, tôi không đi thăm viếng lăng miếu hay dấu
tích lịch sử tàn phá trong thành nội sau Tết Mậu Thân 1968, chỉ có nhờ bà con đưa xe
hơi đi dạo quanh cựu kinh thành để chụp vài phong cảnh cố đô trong mờ ảo : chùa Thiên
Mụ, cầu Trường Tiền, nhà thờ Phú Cam, sông Hương, sông Bình Lục, chợ Đông Ba, Đập
Đá, Thôn Vỹ Dạ... vân vân. Tôi cũng có đến thăm gia đình bác Lê Viết Đàm (mất năm
1970) là anh trưởng của Ba tôi ở Kim Long, Ái-Thùy (con chú Lê Viết Hộ mất năm 1964)
mời đến nhà ăn trưa ngày 20/12 tại nhà ở Huế thành và bắt đầu sáng ngày thứ bảy
21/12 phải lo lắng hành lý trở lại Sài Gòn, ngủ lại một đêm tại Đà Nẳng (Hôtel Thanh Thanh) dưới trời mưa và trong phòng giá lạnh trước khi lấy máy bay đưa chúng tôi (tôi cùng Mạ và anh Đào) ngày chủ nhật hôm sau (22/12) lúc 10 g 30 sáng về thẳng tới Sài Gòn lúc 12 g
30. Tôi rất sung sướng đã tìm lại nơi đây khí hậu ấm cúng của thủ đô nước VNCH ! Trong
Agenda nhỏ của tôi hồi ấy có ghi ngày 24/12 : Réveillon Giáng Sinh tại nhà Mui Chị; 25/12 :
RV với Tướng Đ. (x. trên); 27/12 : RV với GS Vũ Quốc Thông tại Đại học Luật khoa (x. KTTT số 50); 28/12 : Thăm Chợ Lớn buổi sáng và ăn trưa. Chiều tối lên thăm Mạ ở nhà anh chị
Đào và tiệc tùng một lần nữa với sự có mặt của gia đình anh Lê Mộng Hoàng (đạo diễn
phim) và nhiều quan khách (tôi rất tiếc không đi Nha Trang thăm anh Lê Văn Hy làm
Chánh Án Tòa Sơ Thẩm ở thành phố biển đẹp này) ; Sài Gòn nóng đến 40 độ (nhưng
trong phòng Hôtel 27 độ nhờ có Air Conditionné); 29/12 : Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Giám
đốc nghệ thuật nhà sản xuất và phát hành băng nhạc Tú Quỳnh và phu nhân Lê Thị Như
Hảo (Giám đốc thương mại) mời đến nhà ăn tối, và tặng tôi tập nhạc Thung lũng Hồng
Của Chúng Ta ; 31/12 : RV Cha Luận (x. KTTT số 50); 01/ 01/1975 : RV với GS Bùi Xuân
Bào, Bộ trưởng phụ trách Đại Học ; 02/01 : Đi chơi Vũng Tàu, ngủ lại một đêm, trở lại Sài
Gòn vào khoảng 16 giờ ngày 03/01, ăn tối tại nhà anh Đào; 05/01 : Gọi ĐT cho
Cương-Hảo xin lỗi không lên Đài Phát thanh VN lúc 12 g như lời hứa hẹn để tham dự
chương trình nhạc và PV do PMC thực hiện.
Ngày 07 tháng 01 năm 1975 vào lúc 2 g 30 (giờ Sài Gòn), tôi lấy máy bay tại Tân Sơn Nhất
trở lại Paris-Charles de Gaulle vào khoảng 12 giờ (giờ Paris), mẹ tôi, anh Đào và một số
bạn bè (mặc dầu giờ giới nghiêm và cũng nhờ xe quân sự của Tướng Đ. chở đi) đã có thể
đưa tôi đến tận phi trường. Đó là lần cuối cùng tôi thấy mặt người mẹ già yêu dấu, vì từ
ngày nước mất nhà tan (30-04-1975) tôi nguyện thề không bao giờ trở lại cố hương ngày
nào dân chủ tự do chưa được hồi phục trên đất lành Việt Nam. Thân mẫu tôi qua đời
ngày 14 tháng 02 năm 1981, hưởng thọ 87 tuổi. (Lê Mộng Nguyên - Paris)

No comments: