Sunday, September 9, 2012

TRẦN BÌNH NAM * HOA KỲ & TRUNG CỘNG

Chính sách nào của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc?

Viết phỏng theo “What to do about China” của Richard N. Haass, chủ tịch Hội  đồng về các quan hệ Ngoại giao Hoa Kỳ - US News & World Report số ngày 20/6/2005.

 Trần Bình Nam

            Lịch sử thế giới thường được xác định bởi quan hệ giữa các nước lớn. Lịch sử của thế kỷ trước mắt cũng thế. Hai quốc gia xác định hình thù của thế kỷ 21 là Hoa kỳ, đương kim cường quốc, và Trung quốc một sức mạnh đang lên.

Tổng sản lượng nội địa của Trung quốc hiện nay chỉ bằng một nửa tổng sản lượng nội địa của Hoa Kỳ, nhưng trong vòng ba thập niên nữa tổng sản lượng Trung quốc sẽ ngang ngữa với Hoa Kỳ. Mặt khác Trung quốc đang đầu tư một phần tài nguyên của mình vào lĩnh vực quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Trung quốc là ngân sách lớn thứ ba trên thế giới.

            Nói như vậy không có nghĩa Trung quốc đã có thể chen vai thích cánh với Hoa Kỳ trong lúc này. Lợi tức bình quân 5,000 mỹ kim trên mỗi đầu người một năm của Trung quốc còn quá thấp. Và những người lãnh đạo Trung quốc biết rằng họ cần một thế hệ ổn định và hòa bình để phát triển kinh tế và đưa hàng trăm triệu người dân Trung quốc ra khỏi cảnh nghèo khó.

            Dù vậy một số chuyên viên về chính sách đối ngoại lo xa cho rằng Trung quốc sẽ trở thành một lực lượng đối đầu với Hoa Kỳ không cách gì tránh khỏi. Vấn đề là “chừng nào?” Do đó các chuyên viên này chủ trương Hoa Kỳ cần áp dụng một chính sách đối ngoại nhằm chận sự phát triển của Trung quốc lên hàng một cường quốc.

            Tuy nhiên đó không phải là một chính sách dễ thực hiện vì sự lớn mạnh hay trì trệ của một quốc gia tùy thuộc vào dân số, văn hóa, tài nguyên, hệ thống giáo dục, chính sách kinh tế, sự ổn định chính trị và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Cho nên chưa chắc Hoa Kỳ có khả năng ngăn chận sự lớn mạnh của Trung quốc ngay cả khi Hoa Kỳ muốn. Đó là chưa nói tới đây là một chính sách nguy hiểm. Vì nếu Trung quốc nhận thấy Hoa Kỳ tìm cách làm yếu mình Trung quốc sẽ trả đũa bằng một chính sách gây thiệt thòi cho quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới. Trung quốc có khả năng làm điều đó.

Một trường phái thực tế khác chủ trương rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa nếu có những trung tâm sức mạnh khác cùng tồn tại thì một số vấn đề toàn cầu sẽ dễ được giải quyết hơn như sự lan tràn vũ khí nguyên tử, vấn đề chống khủng bố, bệnh truyền nhiễm, nạn ma túy và kiểm soát sự nóng dần của bầu khí quyễn. Thành ra vấn đề cần đặt ra không phải là lo Trung quốc lớn mạnh mà nên hỏi Trung quốc sẽ dùng sức mạnh của mình như thế nào.

Kết luận, chính sách đối ngoại nào làm cho sức mạnh của Trung quốc thành một sức mạnh phục vụ hòa bình thế giới là một chính sách đối ngoại tối hảo.

            Chính sách đó có  thể là chính sách gì? .

            Trong quan hệ với Trung quốc, Hoa Kỳ có năm lĩnh vực cần quan tâm. Thứ nhất là sự hội nhập của Trung quốc vào cộng đồng thế giới. Thứ hai là cùng nhau ngăn chận Bắc hàn chế tạo vũ khí nguyên tử. Thứ ba là rút ngòi nổ ra khỏi lò thuốc súng Đài Loan. Thứ tư là điều hòa mậu dịch giữa hai nước. Và sau cùng là vấn đề dân chủ để tránh trường hợp tinh thần quốc gia cực đoan xuất hiện.

Trước hết, Hoa Kỳ có thể cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác tay trong tay vận dụng một chính sách đối ngoại thích hợp để giúp Trung quốc hội nhập vào cộng đồng thế giới xứng đáng với  trò cường quốc của Trung quốc.

Hiện nay Trung quốc đang hợp tác với Hoa Kỳ chống khủng bố và quan trọng nhất là hợp tác kềm chế sự phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Nhưng còn cấn cái gì đó nên Trung quốc chưa tận dụng ảnh hưởng kinh tế của  mình đối với Bắc hàn để áp lực Bắc hàn ngưng chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Trung quốc cần làm nhiều hơn và Hoa Kỳ cũng thế. Hoa Kỳ cần trao đổi cụ thể với Trung quốc, chẳng hạn nếu Trung quốc dùng hết áp lực của mình để Bắc hàn ngưng chương trình vũ khí, thì Hoa Kỳ sẽ một mặt viện trợ kinh tế Bắc hàn, một mặt hứa với Trung quốc sẽ không để cho một quốc gia nào chung quanh Trung quốc có vũ khí nguyên tử. Trung quốc sẽ không vui vẻ gì thấy Nhật Bản và Nam Hàn có vũ khí nguyên tử nên sẽ “không chê” đề nghị của Hoa Kỳ.

            Trường hợp khác là Đài Loan. Đài Loan là nguồn xung khắc có thể đưa đến đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc. Làm sao cho Trung quốc yên tâm mà không suy yếu thế đứng của Hoa Kỳ? Cách tốt nhất là khuyến cáo Đài Loan không đơn phương tuyên bố độc lập, đồng thời xác định một thái độ để Trung quốc hiểu không có gì bảo đảm Hoa Kỳ sẽ ngồi yên nếu Trung quốc đơn phương xâm lăng Đài Loan. Nói cách khác Hoa Kỳ cần cho Trung quốc và Đài Loan hiểu rằng nếu họ liều đi bước trước họ sẽ tự lãnh hậu quả. Với chính sách đó Hoa Kỳ có thể hóa giải sự căng thẳng trong eo biển Đài loan mà không tỏ ra thách thức Trung quốc.

Vấn đề mậu dịch? Hiện nay mỗi năm Trung quốc bán cho Hoa Kỳ 160 tỉ mỹ kim nhiều hơn Hoa Kỳ bán cho Trung quốc. Nhưng Hoa Kỳ cũng không nên vì thế mà thống trách Trung quốc, thí dụ tìm cách áp lực Trung quốc thay đổi giá của đồng quan. Hoa Kỳ nên giải quyết các tranh chấp mậu dịch với Trung quốc qua Cơ quan Mậu dịch Quốc tế.

            Sau cùng là tình trạng dân chủ và nhân quyền của Trung quốc. Hiện nay Trung quốc cởi mở kinh tế nhiều hơn cởi mở chính trị, mặc dù chính trị được cởi mở hơn nhiều so với 10 năm trước đây. Hoa Kỳ cần có chính sách thuyết phục Trung quốc đi vào con đường dân chủ như xây dựng một tầng lớp trung lưu, áp dụng một chế độ pháp trị và giảm thiểu ảnh hưởng của chính quyền trên sinh hoạt xã hội. Chính sách này giúp cho Trung quốc một khi chủ nghĩa xã hội bị kinh tế thị trường đẩy ra một bên lề lịch sử một chế độ pháp trị sẽ xuất hiện thay vì một chủ nghĩa quốc gia cực đoan.

            Thực hiện một chính sách tổng hợp để hóa giải các góc cạnh xung khắc trên không phải là chuyện dễ dàng, nhất là người Trung quốc có thể vì tự hào dân tộc chấp nhận trả bất cứ giá nào để vươn lên trên. Nhưng khó cũng phải làm vì nếu chiến tranh lạnh diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung quốc thì đó sẽ là một trận chiến tranh tốn kém cho cả hai bên. Nó sẽ tạo ra một tình thế nguy hiểm làm cho cả hai quốc gia không thể chú tâm giải quyết các vấn đề nội bộ và các vấn đề thuộc lĩnh vực toàn cầu hoá.

            Trung quốc và Hoa Kỳ đều có nhu cầu và trách nhiệm tránh sự đương đầu lẫn nhau.Và tương lai của thế kỷ 21 phụ thuộc vào câu hỏi liệu Hoa Kỳ và Trung quốc có thành công trong việc nương nhau để cộng tồn không?

June 20, 2005

BinhNam@sbcglobal.net

http://www.vnet.org/tbn






--------------------------------------------------------------------------------

Trần Bình Nam http://www.vnet.org/tbn

No comments: