Sunday, September 9, 2012

NGUYỄN MẠNH TRINH * PHÙNG CUNG

 Biểu tượng Ngựa-Người trong văn chương thời thế
Saturday, October 08, 2005 

 Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà văn Xuân Vũ đã có một hình ảnh ví von hết sức đặc biệt. Ông ví thân phận những người nghệ sĩ sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa như những con ngựa kéo xe. Mắt thì bị che kín chỉ để nhìn duy nhất một hướng theo tay cương điều khiển của người mã phu. Và đằng trước là nhành cỏ non treo phơ phất, gần nhưng không bao giờ đụng đến được. Cái đích đến của chú ngựa là chồm lên về phía trước để làm sao đạt được nhành cỏ non hấp dẫn trước mũi. Và cứ thế mà lao tới đằng trước kéo theo cỗ xe nặng nề. Người mã phu đã dùng cái mồi treo cỏ non thơm hương để khuyến dụ chú ngựa kéo đi theo chỉ dẫn cũng y hệt như những “lãnh đạo” của Đảng đã o ép văn nghệ sĩ bằng những đề cương văn hóa và những biện pháp lúc nhu, lúc cương thay đổi tùy lúc, tùy thời.

Xuân Vũ nay đã quá cố, là một nhà văn Nam Bộ đã tập kết ra Bắc, sau vào Nam đi B., và hồi chánh khi có dịp vì hiểu quá rõ sách lược và thủ đoạn của Đảng đối với trí thức và văn nghệ sĩ. Với chủ trương văn nghệ phục vụ chính trị, văn chương miền Bắc trở thành một khối thuần nhất, chữ nghĩa thành khẩu hiệu và văn nghệ sĩ chỉ là công cụ không hơn không kém. Với am hiểu của một người đã sống qua từ thời Nhân Văn Giai Phẩm, đã sinh hoạt lâu năm trong ngành văn nghệ và trải qua bao nhiêu biến cố trong đời, cái ví von ấy của Xuân Vũ lột tả được một phần nào cái thân phận của trí thức trong nền văn học được mệnh danh là “hiện thực xã hội chủ nghĩa.”

Khi Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư của Đảng, rộ lên một phong trào đổi mới trong sinh hoạt của cả nước. Trên bình diện văn học, nhiều nhà văn đã nhân cơ hội để nói lên những điều muốn nói nhưng hồi trước không dám. Phê phán, đụng chạm tới những chuyện mà trước đây bị coi là có “vấn đề”, một thời văn học đã có những tác phẩm nói lên được cái khao khát tự do sáng tác của người cầm bút. Họ không muốn bị như những con ngựa kéo xe lao vào đằng trước theo một mục đích không tưởng của người cầm cương. Có một bài thơ của Bùi Chí Vinh đăng ở báo chí trong nước sau được trích đăng trong tạp chí Hợp Lưu số 11 năm 1993. Không phải là những ví von ẩn dụ nữa mà là những ngôn ngữ tả thực, thẳng băng, ai đọc cũng hiểu: Bài thơ “Ngựa-Anh”:

“Tụi nó cưỡi lên anh làm ngựa

Khiến lưng anh trổ lông

Và gáy mọc ra bờm

Anh vừa hí

Vừa vặn mình nôn mửa

Một đống lạ lùng nửa áo, nửa cơm

Tụi nó lại treo trước mặt anh

Một giỏ hoa thơm

Có mùi văn chương, có hương nghệ thuật

Anh nghiến răng nhai vội cuống cuồng

Đến khi ợ mới biết mồm tàn tật

Tụi nó lại bắt anh ăn tươi sự thật

Nên nước mắt em đã đông đặc thành chuông

Anh cố sải dù bốn chân cà nhắc

Để thấy rằng mình còn một quê hương.”

Đọc xong bài thơ, lại thấy giống y như ý tưởng của nhà văn Xuân Vũ. Chữ “tụi nó” là ai, là chú mã phu cầm cương, là “lãnh đạo” văn hóa Đảng? Và “mình” là ai, có phải những văn nghệ sĩ tự nhiên lưng trổ lông và gáy mọc ra bờm? Những vật vã bi thảm của những người biết mình làm những việc không phải nhưng vẫn tự nguyện làm để thỏa mãn chút áo cơm...

Trước đó, thời Nhân Văn Giai Phẩm, cũng có một người vì dùng ẩn dụ ngựa-người mà bị truy diệt và tù tội suốt chục năm trời. Đó là nhà văn Phùng Cung và “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh”. Truyện ngắn này đăng trong Nhân Văn Giai Phẩm số 4, tháng 10, năm 1956, đã gây chấn động trong dư luận và sau đó là cả một chuỗi đầy ải tù tội với Phùng Cung cho đến lúc ông nhắm mắt. Trong “Cát Bụi Chân Ai” , Tô Hoài viết lên một sự thực dù trong cách nói tỏ ra ít thiện cảm với tác giả “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh”:

“...Phùng Cung hỏi tôi:

- Anh biết tôi phải tù bao nhiêu năm?

- Không biết.

- Vâng, tù biệt giam mười một năm.

Đã tù lại biệt giam lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp gỡ. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng, một hôm có người ở sở Công An đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc trước khi phải tù.

Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy:

- Chứng nhận để làm gì?

- Có liên tục công tác mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục ạ.

- Liên tục cả ở cơ quan nhà tù? Anh công an cười hồn nhiên, chào, “cảm ơn bác.”

Đọc đến đoạn này, tôi mới thấy được cái hay và hơi mỉa mai của từ ngữ “hồn nhiên”. Cái “hồn nhiên” chết người, của một sự thực khó tưởng tượng nổi nhưng lại tiếp diễn hàng ngày đến thành bình thường. Tự nhiên tôi lại nhớ đến câu trả lời cũng rất “hồn nhiên” của một nhà trí thức “xã hội chủ nghĩa” Hoàng Ngọc Hiến khi trả lời Talawas “cái nước mình nó thế, buồn cười lắm!” Bao nhiêu chuyện kỳ quặc lạ đời, bao nhiêu oan khuất chập chùng, bao nhiêu bất công, bao nhiêu áp bức, rốt lại cũng thành quen thuộc. Và trong xã hội ấy, lẽ phải cũng như công đạo chẳng còn giá trị... Người ta tranh nhau sống, làm mọi chuyện, dù có tồi tệ thế nào chăng nữa để sống còn.

Cũng trong “Cát Bụi Chân Ai”, Tô Hoài viết “...Đọc truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh đăng trên báo của Nhân Văn tôi cũng gật gù đại khái ‘thằng này viết được’. Nhưng còn hộc máu ra mới nên cơm cháo đấy, con ạ.” Cũng điếu đóm tập tành như mình ngày xưa, đâu đã mà có sừng có mỏ ngay.

Phùng Cung bị bắt khi “nhân văn nhân võ” đã được dọn dẹp êm ắng, đã tàn. Nghe nói Phùng Cung hay chén chú chén anh với đám Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, được phong chức “tay truyện ngắn nhất Đông Dương.” Chắc là ở chiếu la đà với nhau ăn nói cũng ganh nhau, ngổ ngáo, bạt mạng. Đương viết tập Dạ Ký nghe đồn là tài lắm, dữ lắm.

Một người bị oan ức như Phùng Cung mà lại bị một cây viết thuộc loại cổ thụ bỉ thử như thế thì người đọc tìm ở đâu cái nhân ái, cái đẹp đẽ của văn chương. Cũng như, Tô Hoài đã đề cập đến những Hiếu Chân, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam,... của Văn Học miền Nam bằng những hằn học, bỉ thử tương tự. Kẻ sĩ mà đối xử với nhau như kẻ thù sao? Tô Hoài, là một người khôn khéo và theo cái lối viết phải đạo, gió chiều nào xoay chiều ấy để được cái bả vinh hoa. Và, cái lối viết của ông cũng chập chờn bên này, bên kia, lúc cảnh tỉnh, lúc mê muội... Y hệt như cái chính sách của Đảng về văn hóa mà Hoàng Ngọc Hiến đã đề cập đến khi trả lời một câu hỏi của Talawas:

“HNH: Chiến lược của nhà nước này, nhất là trong văn hóa văn nghệ là chập chờn khi thế này, khi thế kia, khi đóng, khi mở. Cái chập chờn này theo tôi có cái lý của nó, thứ nhất nó vẫn phải đáp ứng đòi hỏi phát triển, cấp tiến của thời đại, mà lại là thời đại thông tin, nhưng nó cũng phải làm khác đi để đáp ứng giới bảo thủ, tuyên huấn tỉnh chẳng hạn, họ có thể gửi thẳng kiến nghị lên Bộ Chính Trị, rồi còn tuyên huấn công an, A25,... Thế nên chỉ còn cách chập chờn.”

Và, nhà văn cứ chập chà chập chờn, lăng ba vi bộ trong đầu óc lúc nào cũng gườm gườm đôi mắt công an theo dõi. Và, cứ chơi trò đu dây ba phải là tốt nhất. Bởi làm gì có điều gì minh bạch rõ ràng để làm chỉ nam. Trong chế độ Cộng sản, có điều lúc trước được xem là chân lý thì lúc sau lại trở thành nhớm nhuốc, bẩn thỉu cần diệt trừ. Nhà văn trở thành những người đi câu danh câu lợi bằng tim óc chữ nghĩa của mình. Hoặc bình thường hơn, làm một nhà văn tầm thường không sáng tạo, không dám vượt qua cái chung được cho phép, được ấn định... Vì, khai phá làm sao được như chú ngựa bị che mắt hai bên chỉ còn một hướng độc nhất...

Truyện ngắn Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh là một truyện về con tuấn mã đã có một thời tung hoành trăm trận, một loại thiên lý thần câu dũng mãnh trở thành một con “mã lệnh” kéo xe cho chúa ngự đỏm dáng tầm thường. Cái bả vinh hoa hưởng thụ, của lọng tía yên vàng cương ngọc, của thóc ngon tẩm mật đã làm hư hỏng cả về tâm hồn lẫn thể xác để đến nỗi khi trở lại chiến trường xưa con chiến mã ngày nào đã thành một thứ bị thịt vô dụng. Truyện của loài vật mà sao mang mang phảng phất những suy tưởng nào đến nỗi trong lời kết tội tác giả đã cho rằng ám chỉ đến lãnh tụ này, đến hình tướng kia của Đảng. Hậu quả tàn khốc đã đến với nhà văn, ngục tù đầy ải vùi dập cả một đời.

Một truyện ngắn khác của Phùng Cung, mà tôi đọc và tự nhiên thấy như lạc vào một thế giới nào chỉ toàn đêm đen và bóng tối. Tuyệt nhiên không có một chút ánh sáng nào của mặt trời. Đọc “Dạ Ký”, cũng có những nhân vật thực ngoài đời, cũng có những nét sống thực nhưng cũng pha lẫn những hư cấu của những mênh mang bất định, của những u uất phải dồn nén trong tâm không thố lộ được. Dạ Ký, thiên truyện ngắn mà Tô Hoài đã nhắc đến, về cái cõi sống nửa thực, nửa mơ của những người đang sống mà tha hóa dần vào cõi chết. Cũng có những tên tuổi thật những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tô Hoài, Tử Phác, Nguyễn Huy Tưởng,... của văn chương thật nhưng cũng có những nhân vật khác chỉ là một mệnh danh, có những tính chất chung cho một thời đại mà chân lý và nhân đạo chẳng có giá trị gì và văn chương chỉ là cái bánh vẽ không thực nhưng vẫn làm nhiều người thèm khát. Từ những hư cấu, câu chuyện kể mang những ám ảnh của ác mộng và đời thường trộn lẫn nhau, của hư thực không phân biệt. Trong môi trường ấy, con người bị lôi cuốn vào một đêm đen thăm thẳm và khôn cùng. Của một cõi âm dằng dặc mù mịt đầy sương khói và bóng tối...

Làm nhà văn trung thực nên Phùng Cung đã bị búa rìu chế độ trừng phạt. Theo lời của người con là Phùng Hà Phủ kể lại, những hồi ức đau xót của một người nghiêng vai chịu làm thánh giá cho đời...

“...Nhớ lại theo bố tôi kể “khi xảy ra chuyện” buổi sáng đó bố tôi được triệu tập tới cơ quan để họp. Đến nơi thấy mọi người chung quanh đều có ý lảng tránh mình, thậm chí không dám mời nhau uống chén nước. Ngay cả những người bạn rất thân và thường lui tới nhà cũng tìm cách lánh mặt. Ngay sau đó bố tôi bị đem ra kiểm điểm trước cuộc họp mà thực chất gần như một buổi đấu tố thời “cải cách” của Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật (gồm cả đại diện bên văn nghệ quân đội). Chủ trì cuộc đấu tố gồm ông Võ Hồng Cương, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Hoài Thanh,... Cảm tưởng đau xót và ngỡ ngàng nhất đối với bố tôi là những bạn thường ngày chơi thân với bố tôi như vậy đều tham gia vào việc đấu tố. Ngày hôm đó ông Trần Dần là người đứng lên “tố” để hai ông Lê Đạt và Hoàng Cầm làm chứng dối. Tội chính mà bố tôi bị tố là mang lòng hận thù cách mạng sau cái chết của bố mình. Lôi kéo người khác cùng về hùa để lăng mạ lãnh đạo và còn viết nhiều chuyện chưa in khác - tất cả nội dung đều tập trung vào lãnh tụ và Đảng Cộng Sản như: Dạ Ký, Chiếc Mũ Lông, Quản Thổi, Kép Nghế,... Việc bố tôi bị bắt sau đó là do tham gia làm báo Nhân Văn nhưng theo mẹ tôi thì còn nhiều lý do khác nữa...”

Với những lãnh tụ Đảng, Phùng Cung là kẻ tử thù vì đã “tạc tượng” họ một cách tài tình để cho sau này hậu thế nhìn vào soi chung. Như Tố Hữu được mô tả:

Tội nghiệp nhà thơ

Bơ vơ một nẻo

Hết móc ruột moi gan

Lại réo tên chỉ mặt

Bởi không biết sống

Nên không biết chết

Nửa thế kỷ

Bị lưu đầy

Trong cõi tung hô

Thơ Phùng Cung về sau như tập “Xem Đêm” và “Trăng Ngục” là những thiên bi ký nhục nhằn thống hận của một người sinh lầm thời đại. Một thời đại của những tên “tụi mặt dầy, tay bẩn. Tim rắn, lời cừu. Văn hóa lớp hai. Điều hành cuộc sống.”

Thơ và trăng, ngục tối và bao la cõi rộng, chỉ là một của một người luôn tự nhủ mình phải đứng dậy kiên trì trong cái nỗ lực đi tìm nét đẹp của cuộc đời:

“Trăng qua song sắt

Trăng thăm ngục

Bỗng ta chợt tỉnh, sững sờ

Trên vai áo tù

Trăng vá lụa

Ngày xưa ơi! Xa mãi đến bao giờ...”

Ngựa-Người. Người-Ngựa. Có một liên hệ nào để một thi sĩ miền Nam nào tôi không nhớ tên đã viết:

Ngựa trận ơi ngựa trận

Trùng vây ơi trùng vây

Tiếng hí sao thảm thiết

Lồng lộng mấy từng mây

Từng tung hoành ngang dọc

Trăng sao dưới gót giày

Bây giờ trong cõi chật

Thân phận kẻ lưu đày

Ngựa trận ơi ngựa trận

Trùng vây ơi trùng vây

Anh hùng không biết khóc

Sao se lòng heo may?



No comments: