Monday, September 3, 2012

VŨ THỊ DẠ THẢO * QUÊ HƯƠNG LẦN CUỐI

Quê Hương Lần Cuối
Vũ Thị Dạ Thảo


Tiếng chim hót líu lo chào đón buổi sáng ban mai của một ngày đẹp trời làm cụ Giản mở bừng mắt dậy. Cụ gắng gượng ngồi lên, hé cánh của sổ để hít làn không khí trong lành vào phổi. Lại thêm một ngày nữa cụ còn được sống trên trần gian với căn bệnh ung thư.
Lúc bệnh viện từ chối chữa chạy thêm, bác sĩ bảo cái sống của cụ chỉ còn đếm từng ngày. Người nhà đưa cụ về chuẩn bị, lo liệu mọi thứ chờ ngày cụ quy tiên.
Mọi người thân lo buồn, nhưng riêng cụ thì lại rất bình thản. Tám mươi bẩy tuổi ở cái thời đại này, đối với cụ là đã thọ lắm rồi, còn mong gì hơn nữa. Cụ đã sắp sẵn cho tinh thần mình một sự lạc quan để chờ đợi cái ngày định mệnh đó như một túi hành trang của một người sắp tham dự một chuyến viễn du dài vô tận.
Dù cơ thể đau đớn, mệt nhọc, cụ vẫn cố tạo ra một gương mặt vui tươi với con cháu cho không khí trong nhà bớt buồn thảm. Cụ ăn chay, niệm Phật, làm việc phước, và chu toàn những gì mà cụ nghĩ mình còn thiếu sót.
Không biết có phải tại 'Đức năng thắng số'hay không mà đã hơn sáu tháng trôi qua, tử thần vẫn chưa ghé thăm cụ. Cả nhà vừa mừng, vừa hồi hộp.
Nhưng cụ Giản thì biết rõ mình hơn ai hết. Linh tính như báo trước cho cụ biết sẽ có một ngày ra đi không xa lắm. Ngày đó là ngày nào thì cụ không đoán được. Vài ngày khoẻ, rồi vài ngày lại nằm liệt giường. Cơn bệnh cứ lằng nhằng như thế đã mấy tuần nay.
Từ ngày hôm qua, cụ lại thấy tự dưng mình khoẻ hơn mọi ngày. Cụ ăn được lưng chén cháo, đi lại trong nhà, chăm sóc những chậu kiểng quý. Cụ lau chùi cái bát nhang nơi bàn thờ, rồi thu dọn đám đồ chơi vứt bừa bãi của lũ cháu nhỏ...
Cụ Giản xỏ chân vào đôi dép, vịn tường, lần ra khỏi phòng đi về phía nhà tắm. Người con trai út của cụ đang ngồi cặm cụi bên đống hồ sơ mang từ sở về, nghe tiếng dép lẹp xẹp, ngẩng đầu lên nhìn, rồi vội vã xô ghế đứng dậy:
- Ba đi đâu đấy? Sao không gọi con?
Cụ giản dừng lại nhìn con trai:
- Ba vào rửa mặt.
Người con đỡ lấy cánh tay cụ:
- Sao ba không ngồi yên trên giường để con lấy nước ấm vào cho?
- Hôm nay ba cảm thấy khoẻ, muốn đi lại một chút cho giãn gân cốt. Con cứ làm việc đi, để mặc ba.
Kệ cụ nói, người con trai vẫn cứ dìu cụ vào nhà tắm, vặn nước ấm cho cụ rửa mặt. Tội nghiệp, từ ngày cụ nằm nhà, thằng con này là người gần gũi, chăm nom cụ nhiều hơn cả.
Rửa mặt xong, Cụ Giản lại được dìu ra phòng khách, ngồi trên chiếc ghế nệm êm ái. Cụ Giản nhìn quanh. Gian nhà hôm nay sao vắng vẻ lạ thường, không có tiếng nô đùa của đàn cháu nhỏ. Cụ hỏi con:
- Tụi nó đi đâu hết cả rồi?
- Anh chị Lễ, anh chị Tường vừa dắt lũ con đi dự lễ thượng kỳ hết cả rồi. Hôm nay là ngày 30 tháng Tư mà ba!
Cụ Giản chép miệng:
- Vậy hả. Thế mà không có đứa nào nhắc cho ba biết với!
- Ba biết thì ba cũng đâu có đi ra đó được!
Cụ Giản thở dài, đôi mắt buồn nhìn lên bầu trời xanh qua khung cửa sổ. Dĩ vãng thăng trầm đời binh nghiệp của cụ ngày xưa chợt trở về. Từ một người lính nghĩa quân chống Pháp, rồi di cư vào Nam làm Thượng sĩ tại các quân trường, sau đó giải ngũ làm một ông giáo trường làng, cụ đã chứng kiến không biết bao nhiêu đau thương của đất nước. Không ngày nào là cụ không nhìn thấy bóng dáng lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tung bay ở quân trường, ở trại lính, nơi trường học, tại công sở. Hay buồn hơn nữa là nơi những nghĩa trang quân đội, lúc lá cờ vàng thân yêu được phủ trên những nấm mộ của những người Chiến Sĩ Trận Vong trong tiếng kèn truy điệu não nùng.
Nhưng định mệnh đã an bài. Sau ngày 30 tháng 4 năm 75, những hình ảnh yêu thương đó đã không còn nữa. Cả đất nuớc tươi sáng bỗng một sớm, một chiều trở nên nghèo đói, ly tan.
Cổ họng Cụ Giản nghèn nghẹn. Chòm râu bạc run run. Người con trai nói với cụ:
- Ba ngồi nghỉ để con vào bếp hâm cháo cho ba ăn điểm tâm nhé?
Cụ Giản khẽ gật đầu:
- Ừ, tiện thể con mở máy cát sét cho ba nghe lại bài hát di cư của ông Phạm Duy đi con!
Người con trai ngơ ngác một lúc rồi hỏi lại:
- Bài di cư là bài gì vậy? Có phải là bài 'Một ngày năm bốn.' không Ba?
Cụ Giản gật đầu. Người con ra tủ, lựa băng nhạc, cho vào máy, bật lên rồi đi vào bếp. Tiếng hát truyền cảm của Elvis Phương vang lên ấm áp:
Ù- Một ngày năm bốn cha rời quê cha, dắt díu con thơ vô sống nơi Biên Hoà... Dù rằng xa đó cũng là nuớc nhà... Một miền nắng soi vui gia đình ta...Ø
Lời hát êm đềm thiết tha quá làm cụ Giản xúc động. Cụ ngồi yên một lúc, rồi run run đứng lên, vịn thành ghế, đi tới bàn thờ gia tiên. Ảnh cụ bà chít khăn nhung đen, với gương mặt buồn xa vắng, mờ ảo trong nước ảnh đen trắng đã phai màu như đang mỉm cười với cụ.
Cụ Giản đưa bàn tay nhăn nheo, gầy guộc vuốt ve cái khung hình của người vợ hiền, rồi rưng rưng nước mắt:
- Bà ơi! Mới ngày nào tôi với bà cùng dắt dìu nhau, đưa con cái xuống tàu vào Nam mà bây giờ đã mỗi người mỗi ngả. Bà đã xong mồ yên mả đẹp nơi quê nhà, còn tôi lại phải ra đi thêm một lần nữa! Đã bao năm rồi, mộ bà không hương khói, trong khi tôi thì ngày càng thân tàn sức kiệt. Niềm mơ ước cuối cùng của đời tôi là được nằm yên nghỉ bên mộ bà chắc có lẽ không bao giờ thành tựu được nữa rồi ... phải không bà?
Cụ Giản gục mặt xuống bàn thờ khóc nức nở. Người con trai bưng tô cháo ra, thấy thế hoảng hốt:
- Kìa ba! Ba làm sao vậy?
Cụ Giản ngẩng đầu lên lau nước mắt:
- Tại ba chạnh nhớ mẹ con nên xúc động đó thôi!
Người con trai đặt tô cháo nóng xuống bàn, rồi ra dìu cụ lại ghế ngồi:
- Ba ăn chút cháo cho khoẻ, rồi vào nằm nghỉ.
Cụ Giản húp một thìa cháo. Miệng cụ đắng ngắt và đầu cụ hơi choáng váng. Cụ buông thìa cháo xuống rồi nắm lấy tay con trai:
- Ba muốn con giúp ba một chuyện này!
- Chuyện gì vậy ba?
- Con chở ba ra chỗ làm lễ thượng kỳ được không?
Người con trai tròn xoe mắt ngạc nhiên:
- Ba đòi ra đó làm gì? Lạnh chết đi được, ba chịu không nổi đâu!
Cụ Giản khẩn khoản:
- Chiều ba một chút đi con. Ba van xin con! Có thể đây là ước nguyện cuối cùng của đời ba.
Nhìn ánh mắt thành khẩn của người cha già, người con trai suy nghĩ một lúc, rồi miễn cưỡng gật đầu:
- Được rồi! Ba đừng nói gở nữa. Con sẽ chở ba ra đó, tắp xe vào lề đường, gần chỗ kéo cờ cho ba thấy. Nhưng với điều kiện là ba phải ngồi yên trong xe đó nghe!
- Được. miễn sao cho ba được thấy quê hương, ít ra một lần cuối cùng!
Người con trai lấy xe chở cụ lên hướng Toà Thị Chính. Trời hôm nay tuy lạnh, nhưng trong sáng và nắng vàng rực rỡ. Ngồi thu mình trong lớp áo lạnh dầy cộm mà cơ thể cụ Giản vẫn còn run lên cầm cập. Cụ bặm môi chịu đựng cơn đau đang kéo tới hành hạ cái cơ thể già nua còm cõi của mìnhï. Xương sống cụ lạnh buốt. Cảm giác tê dại đang chậm chạp dâng lên từ hai bàn chân. Mười đầu ngón tay dường như không còn cử động được. Ngực cụ tưng tức như có một khối đá nặng đang đè lên. Đỉnh đầu và hai bên thái dương cụ nhức nhối. Lưỡi cụ cứng đơ, hai hàm răng cắn chặt vào nhau. Cụ ngả dầu dựa vào nệm ghế, và cảm thấy ngộp thở...
Có tiếng người con trai reo lên:
- Ba ơi, tới nơi rồi! Họ đang kéo lá cờ vàng lên kìa!
Qua kính xe, cụ Giản cố thu hết tàn lực, quay đầu, mở to đôi mắt, nhìn về hướng kỳ đài cao vòi vọi, nơi lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên, đã tới đỉnh cột cờ, đang phất phới tung bay trên nền trời xanh bao la, lồng lộng gió.
" Mầu cờ tươi thắm quá!"
Cụ Giản nghĩ thầm như vậy. Nụ cười mãn nguyện nở trên bờ môi khô héo. Mắt cụ từ từ nhắm lại, mang theo hình bóng quê hương...
Vũ Thị Dạ Thảo
  

No comments: