Thursday, September 6, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN CHIÍ THIỆN

nguyễn chí thiện với hỏa lò
Sơn Trung



Nguyễn Chí Thiện là một nhà thơ độc đáo, ông cũng là một nhà văn đặc biệt với tác phẩm Hõa Lò. Tác phẩm này do Tổ Hợp Miền Đông Hoa Kỳ xuất bản năm 2001, dày 316 trang, gồm 7 bút ký:
- Đàn bò sữa
- Một lựa chọn
- Tạc tượng
- Những bài ca cách mạng
- Phùng Cung
- Sương buồn ôm kín non sông
- Trăng nước sông Hồng
Hỏa Lò Hà Nội là một địa ngục ở trần gian, trước tiên do Pháp xây để giam giữ các tội nhân Việt Nam, sau Cộng sản cũng dùng Hõa Lò để trừng phạt dân chúng. Hỏa Lò của Pháp rất hiểm ác, và khi vào tay cộng sản, Hỏa Lò còn tăng phần tàn độc. Sự khác biệt giữa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam độc lập là sự độc ác của chế độ, và số đông đảo tù nhân. Chính một công an đã nói:
- Tôi cứ nghĩ cách mạng thành công rồi, tù sẽ giảm. Không ngờ lại tăng gấp bội (Sương buồn ôm kín non sông, 245)
-bây giờ lượng chứa của Hỏa Lò vẫn y nguyên. Số người bị bắt cứ ùn ùn tăng lên gấp bội. Các buồng chung bị lèn như cá hộp
-Hồi đó, tù nhân coi ở xà lim là cực lắm. . .Bây giờ. . . ở xà lim được nằm một mình trên một bệ xi măng rộng những sáu mươi phân. Thật là thiên đường ( Tạc tượng 48).
Qua những phòng giam Pháp đã từng giam Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, một tử tù đã căm tức chửi đổng:
-Đ. mẹ thằng Pháp thế mà nhân đạo! Phía sau buồng, cửa sổ toang hoác, nắng gió tha hồ ùa vào. Phía trước có hai lỗ thông hơi to đùng, trẻ con chui lọt. Bây giờ bịt kín tất. Tòi như bưng, nóng như nung. (Trăng nươc sông Hồng, 301)
Viết Hỏa Lò, trước hết, Nguyễn Chí Thiện muốn tố cáo chế độ cộng sản.
Cộng sản đã dùng sự nghèo khổ, bệnh tật, đói rét, tối tăm,bẩn thỉu để hành hạ thể xác và tinh thần tù nhân, và để cho họ chết dần chết mòn trong đau khổ.
Nguyễn Chí Thiện tả cảnh phòng giam nữ tù nhân:
Đương ở ngoài, bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mủ ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ trở thành những thẳng khẳng khiu. Không thể gọi là phái đẹp được nữa. ( Đàn bò sữa 23).
Mùa đông hay mùa hè, tù nhân đều chịu khổ như nhau.
Mùa đông thời đói rét, mùa hè thời đói khát. Từ năm giờ chiều tới bảy giờ sáng, chỉ có một thùng nước độ một trăm lít cho 250 thằng tù.Trời thì nóng như nung, như hấp. Mồ hôi ròng ròng thế này. Nuớc muối, bo bo nốc vào, chúng nó khát như cháy họng. Đi mẹ nó trại trung ương ngày nào sớm ngày ấy ( Tạc tượng 80).
Một đứa bé tù nhân tả bệnh xá Hỏa Lò, một địa ngục trần gian:
Gọi là bệnh xá, thật ra chỉ là căn phòng dài khoảng 5 thước, rộng khoảng ba thước. Không cửa sổ. Kín mít. Cửa ra vào trông ra sân chỉ mở trong giờ hành chánh. Bệnh nhân cấm ngặt, không đươc ngó ra ngoài. Nền nhà đổ xi măng nham nhở, lúc nào cũng toát ra một mùi tanh muốn oẹ. Y sĩ, y tá chẳng bao giờ bước vào. Hòi cháu nằm, bệnh xá có sáu giường cá nhân. Mỗi giường hai người nằm. Ba thằng ho lao chúng cháu và một thằng đau tim nàm ở hai giừơng cuối phòng. Trời mùa đông u ám. Ban ngày không thăp điện. Bệnh xá ẩm tối, lạnh lẽo. Chúng cháu cảm giác như đương nằm trong nấm mồ tạm thời.. Đợi được đi chôn cất vĩnh viễn.( Một lựa chọn 37).
Trong chế độ cộng sản, tù nhân bị coi là kẻ thù, bị trừng phạt, cho nên họ không có đủ lương thực, thuốc men. Cộng sản muốn để mặc cho tù nhân chết hao mòn trong bệnh tật, họ không quan tâm đến tính mạng tù nhân, họ không cung cấp đầy đủ thuốc men cho tù nhân:
Ba thằng ho lao chúng cháu ngồi chùm chăn ôm lưng nhau. Cả bệnh xá ngồi như vậy. Trừ gã đau tim và vài gã quá yếu. Tất cả chúng cháu đều run lẩy bẩy. Chẳng khác gì đang lên cơn sốt rét. Những cái chăn đủ các con bệnh đã đắp qua, thối khẳm, hàng năm mới được nhúng nước qua loa, gọi là giặt. Chúng cháu vẫn phải chùm kín mặt, kín đầu. Rét từ trong xương, trong tủy rét ra. Rét như kim đâm vào da thịt nứt nẻ, ghẻ lở. . . . . Nửa đêm, thằng ôm lưng cháu tự nhiên nấc mấy cái, thổ máu ra vai áo cháu. Chúng cháu tung chăn, dìu nó ra thùng phân. Nó ộc ra tới nửa lít máu. Máu đỏ tươi, vón lại từng cục, như những miếng phổi tung tóe. Chúng cháu kêu cấp cứu. Một lúc lâu, tên tự giác phụ trách bệnh xá mới tới. Hắn đứng ngoài cửa cằn nhằn, bảo thuốc Viatmin K cầm máu đã hết. Cố đợi thứ hai , sẽ báo cáo với ông y sĩ ( Một lựa chọn 42) .
Cũng như mọi trại giam cộng sản, tù nhân bị cái đói liên tục hành hạ. Thiếu niên tù nhân kể về cái đói trong tù:
Ông chú chưa bị đói triền miên bao giờ, nên không thể hiễu nổi tầm quan trọng của thìa cơm trong cảnh tù tội. Phang nhau vỡ sọ cũng vì nó( Một lựa chọn 44).
Tù nhân thời Pháp thuộc đươc no đủ, nhất là các tù nhân bị án tử hình (301), nhưng trong chế độ cộng sản, tù nhân nào cũng đói thường xuyên vì đó là chủ trương của cộng sản dùng cái đói để khống chế tinh thần và thể xác tù nhân. Trong Trăng nước sông Hồng, Nguyễn Chí Thiện viết:
Đối với bọn tù Hỏa Lò, ăn xong coi như hết buổi sáng . Họ lại ngong ngóng đợi bữa chiều. Ăn chiều xong coi như hết ngày. Lại ngong ngóng đợi bữa hôm sau. Hai bữa ăn là hai cái mốc chính trong đời của những người tù đói quặn, đói thắt ,đói run, đói sa sẩm cả mặt mày, đói tiêu hao cả máu thịt, ngày này sang ngay khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác (305)
Trong Tạc tượng, Nguyễn Chí Thiện thuật chuyện một nữ tù nhân khá đẹp đã bị cái đói hành hạ:
Cô gái lẳng lặng đi. Thoáng thấy mấy lá bánh chưng còn dính vài cục bánh con con, cô nhào tới rãnh nước, nhặt lên, đưa vào mồm, liếm lấy liếm để.
Mụ quản giáo the thé:
- Con nhà thổ! Bà sẽ cùm mày lại!
Mụ chạy xộc tới, nắm mớ tóc bù xù của cô gái, tát tới tấp. Cô gái lí nhí kêu lạy. Đám tù vô gia cư đói rạc, gầy giơ, từ nẫy vẫn gục mặt xuống ăn, không để ý gì tới xung quanh, nghe tiếng của mụ quản giáo, cũng phải ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn ( Tạc tượng 58)
Trong nhà tù cộng sản có đủ đói rét, bệnh tật, tối tăm, mất vệ sinh. Nhưng trên tất cả mọi sự là tàn ác, gian xảo và bất công. Trong truyện Đàn bò sữa, tù nhân đói khát nhưng vẫn thừa cơm rau nuôi heo để thỉnh thoảng cán bộ liên hoan. Một nữ tù nhân vốn là giáo viên, vì chồng chết, lên tiếng chửi ‘’ nghĩa vụ quốc tế’’mà phải bị tù với đứa con mười tháng . Trong Một lựa chọn, một giáo viên chỉ vì thông dâm mà hóa thành cưỡng hiếp vì người ta muốn bảo vệ uy tín cho chính phạm là hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ, có chồng là đại tá quân đội đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Căm pu chia. Trong Tạc tượng, cộng sản cấm tù nhân nhận thuốc lào của gia đình. Kẻ phạm tội bị bắt phải nuốt nguyên cả cục thuốc lào và bị trừng phạt nữa. Trong Tạc tượng, hai vợ chồng VIệt kiều ở Pháp về giúp nước, nhưng vì nhiệt tình góp ý kiến ‘’cải tiến nghề nghiệp’’ mà bị tù với các tội danh ‘’phá hoại uy tín của lãnh đạo nhà máy’’, ‘’kích động công nhân phản kháng’’, và ‘’gián điệp cho nước ngoài’’, và người thợ sửa đồng hồ vì rao ngắn gọn ‘’ hồ hỏng’’, hồ vỡ, sửa chữa’’ mà bị kết tội phản động, xỏ xiên lãnh tụ.
Trong thế giới nhà tù có nhiều bí mật. Bí mật thứ nhất là có nhiều tù nhân làm ăng ten cho công an. Bí mật thứ hai là, giữa những tù nhân với nhau, nhất là tù hình sự , có nhiều giai cấp, nhiều thứ bậc. Các tay anh chị được tôn là ‘tù trưởng’’,’’trưởng phòng và’’ tự giác’’. Bọn họ thường dùng võ lực trấn áp các tù nhân sức yếu thế cô. Bí mật thứ ba là chính sách bóc lột trong tù. Cán bộ bóc lột tù, và tù bóc lột tù. Truyện Tạc tượng, anh chàngViệt kiều ở Pháp muốn làm ‘’tự giác’’ mà phải viết thư về nhà bảo vợ nộp ‘’một cân trà búp, một cân thuốc lào, hai tút Điện Biên, một cân mì chính, ba trăm đồng tiền mặt’’(63). Tên trưởng phòng thố lộ:
Dầu sao ở Hỏa Lò gần gia đình, cũng vẫn hơn. Vợ em phải đút tám cây vàng mới được ở lại đây.Mất thêm ba cây nữa mới được làm tự giác (80).
Bọn cai tù đã trở thành sang trọng vì đã bóc lột và trấn lột tù nhân. Một anh ‘’tù trưởnbg phát biểu về bọn công an coi trù:’’Nó sắm được đồng hồ xe đạp, đài đóm cũng nhờ ở chúng mình (83).
Nhiều khi bọn cộng sản trấn lột tù nhân công khai và trắng trợn. Trong truyện Những bài ca cách mạng, bọn bộ đội cho tù tổ chức ăn tết rồi đột kích tịch thu thịt, chả, kẹo bánh của họ. Rõ là ‘’cướp cơm chim’’! Các tù nhân tỏ ra tức giận vô cùng.
Tên trực trong hầm hầm:
- Mất trắng! Chúng nó đêm nay sẽ chè chén no say. Còn có quà mang về cho vợ con nữa. Khốn nạn thật. Cướp cả của tù nữa. Đúng là ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo .
Trưởng phòng than thở:
-Ai mà lường được! chúng âm mưu nhỏ nhen, đểu đến như vậy. Dù sao cũng là quân đội nhân dân anh hùng! (136)
Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện không những phản ánh những thực tại xấu xa trong nhà tù cộng sản, mà còn phản ánh xã hội Việt Nam trong địa ngục đỏ.
Lão tù nhân trong truyện Sương buồn ôm kín non sông có lẽ là chính tác giả, đã nhận xét rằng trong chế độ cộng sản, xã hội đã thay đổi khác hẳn (184).
Trong chế độ cộng sản, người dân luôn đói khổ, nhất là thời chiến tranh. Chàng thanh niên tử tù quê Thái Bình kể rằng anh phải khai tăng tuổi để vào lính vì vào lính thì mới có cái ăn. Dân Thái Bình đói lắm, thanh niên mỗi ngày phải một cân gạo mới no , thế mà bình quân, mỗi đầu người, hàng tháng chỉ được chín cân gạo (Sương buồn ôm kín non sông, 255). Một số phụ nữ từ Ninh Bình đến Quảng Bình trong thời chiến đã đem những tấm thân gầy trao đổi hàng hóa với các anh chàng lái xe (196).
Về việc vợ chồng thầy giáo đánh nhau, ăm nói thô tục, lão tù nhân nói:
Ngày xưa làm gì có loại thầy giáo, cô giáo như vậy. Dân chúng còn gọi họ là những nhà mô phạm cơ mà. Ngày nay, kể cả bọn lưu manh, tính chất cũng khác hẳn. Hồi năm 1961, lão mới vào tù, đứa nào cxũng giấu tội, xấu hổ, không dám nhận mình là ăn cắp, ăn trộm. Xã hội cũng nhìn bọn chúng bằng con mắt khinh bỉ, dè bỉu. Bây giờ lũ chúng ngng nhiên khoe khoang chiến công trộm cướp. Càng táo tợn, càng độc ác, càng tự hào. Xã hội nhìn chúng bằng cặp mắt bình thường (Sương buồn ôm kín non sông (184).
Về đám thiếu nhi phạm pháp, lão tù nhân phát biểu:
Từ mấy chục năm nay, các trại đày ắp lưư manh. Lớp nọ tiếp lớp kia, ngày càng đông đảo. Thời tây, ở Hà Nội, giỏi lắm đếm được gần năm trăm tên trộm cắp, tụ tập ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Đuổi. Con cái những nhà nghèo lắm mới phải đi bán kem, bán báo, đánh giầy, đánh mũ. Ở nông thôn, chỉ thỉnh thoảng chỉ xảy ra chuyện ăn trộm con gà, con qué .Tôi chưa thấy một giáo viên, một học sinh nào đi ăn cắp cả. Bây giờ thì nhan nhản. Xã hội đã lưu manh hóa mất rồi ! (Sương buồn ôm kín non sông 202). . .
Ngay cả con cái các cán bộ cao cấp, tiền bạc dư thừa cũng đi ăn cướp, giết người và bị tù. Đó là trường hợp con trai lão Ngưu Ma vương (Sương buồn ôm kín non sông , 285 ), con trai Nguyễn Xuân Sanh, Huỳnh Tấn Phát (Những bài ca cách mạng, 127- 31). Bi đát nhất là những gia đình có người tù tội, tất cả phải lâm vào cảnh bần cùng như gia đình lão tù trong Sương buồn ôm kín non sông.
Ngoài ra, trong xã hội chỗ nào cũng ăn cắp của công, tham nhũng và hối lộ. Một tù nhân trong Sương buồn ôm kín non sông, đã nói:
Tiền, tiền. Đa số nằm đây đều phải chi cả. (206)
Cũng trong truyện trên, bà Sài gòn vì có tiền mà mua chuộc được công an và tù nhân; một tên thuế vụ vì làm tiền mà bị đâm chết ( 193); một tên lái xe vì tham hai mươi tám tấn thóc mà bị tử hình (196) và một nữ cán bộ bị tù vì tham ô hai mươi tấn gạo ( Đàn bò sữa, 26).
Tuy vậy, trong đêm dài và đen tối, chúng ta vẫn nhận thấy có những ngôi sao nhấp nháy dù ở tận chân trời xa. Vị thiền sư xuất hiện mang theo một thông điệp tâm linh. Và bao nhiêu năm sống với những tù nhân đông đảo đã cho Nguyễn Chí Thiện một nhận xét về con người, cuộc đời và xã hội. Hữu thần và vô thần, duy vật và duy tâm, tư bản và cộng sản , là những lý thuyết, những con đường đối nghịch nhau. Những con người tôn giáo dù sao vẫn có một chút cao cả hơn con người Marxist gian tham tàn bạo. Nguyễn Chí Thiện nhận định:
Làm ăng ten mà tù miền bắc gọi là Béc-giê, thành phần nào cũng có: tư sản, địa chủ, công nông, sĩ quan, binh lính, viên chức thời chính phủ quốc gia Bảo Đại, trí thức. .. . Chỉ riêng những người Công giáo, Phật giáo, những linh mục, tu sĩ, nhà sư là rất hãn hữu. Điều này chứng tỏ Tôn giáo là vô cùng hữu dụng trong việc duy trì nhân phẩm, đạo đức loài người ( Phùng Cung, 152)
Một điểm rất đáng chú ý là tác phẩm của Nguyễn Chí Thiện rất đầy tình người. Chính ở trong địa ngục, chúng ta thấy rực rỡ hào quang của từ bi và nhân đạo. Trong tù ngục, có những bậc hiền nhân, và cũng có những quỷ sứ đôi khi mang bụng dạ nhân từ. Lão tù nhân trong Sương buồn ôm kín non sông đã nhận định:
Cuộc đời cơ cực tàn bạo này, tình người vẫn còn, chưa mất hẳn (96),
Ý niệm này cũng là một chủ đề lớn trong Hỏa Lò. Trong Đàn bò sữa, một nữ quái đã tìm mọi cách cứu sống đứa bé thiếu sữa và ghẻ lở. Lão già trong Tạc tượng, ông quản giáo già người Nam được bọn tù gọi là Gang- đi trong Sương buồn ôm kín non sông là những hoa sen trong bùn. Qua những đêm ca hát vui vẻ trong tù (Sương buồn ôm kín non sông), chúng ta nhận thấy con người ở đây chan chứa tình người.

Nói tóm lại, Nguyễn Chí Thiện vừa lên án cộng sản, vừa tuyên dương lòng nhân đạo của con người. Hõa Lò là một thiên ký sự, thuật lại sự thật đã xảy ra trong địa ngục Việt Nam. Thiện và ác là hai mặt luôn đối diện nhau trong cuộc đời. Trong địa ngục vẫn sáng ngời tình yêu như đôi tình nhân trongTrăng nước sông Hồng và những mảnh đời tan vỡ trong Sương buồn ôm kín non sông . Dù bị cộng sản đày đọa, dù thấy con người gian tham,tàn ác, Nguyễn Chí Thiện vẫn tin tưởng vào một chút lương tri còn sót lại trong cuộc đời và con người.


Gần suốt một cuộc đời lao tù, Nguyễn Chí Thiện đã trải qua bao kinh nghiệm đau thương. Nước mắt ông đã hóa thành mực để ghi lại những sự thực của đời ông và của lịch sử. Thơ cũng như truyện của Nguyễn Chí Thiện đều là những sự thực đã xảy ra trên nửa thế kỷ khắp mọi nơi trên đất nuớc Việt Nam. Thơ cũng như truyện, ký của ông đều là những nét son nghệ thuật độc đáo, không ai có thể giống ông được. Nhất là thơ của ông, nó mộc mạc, chân phương, nghĩa là không văn hoa, bay bướm. Thơ của ông mở một lối đi vào hiện thực như thơ của Giai Phẩm, Nhân Văn. Thơ của Nguyễn Chí Thiện như sấm, như sét, như mắng như chửi, như gào như thét. Đó là đặc tính nghệ thuật của Nguyễn Chí Thiện trong văn và thơ. Ông đã làm tròn sứ mạng của lịch sử giao phó nghĩa là rao giảng những bí mật của một vũ trụ đã bị bít kín non nửa thế kỷ mà một số người vẫn tin đó là thiên đường và đi theo sa tăng tung hô vạn tuế.
  

No comments: