Monday, September 3, 2012

TRẦN BÌNH NAM * AUNG SAN SUU & PHẠM HỒNG SƠN

THẾ GIỚI TRƯỚC VỤ BÀ AUNG SAN SUU KYI VÀ VỤ ÁN BÁC SĨ PHẠM HỒNG SƠN
Trần Bình Nam

Sau vụ án Năm Cam rềnh ràng tại Sài Gòn, xử công khai, kết thúc đầu tháng 6 để chính quyền Việt Nam chứng tỏ tôn trọng thủ tục tư pháp, thì cuối tháng, vào ngày 18 tháng 6 tại Hà Nội lại có một phiên tòa khác quái gở nhất trong lịch sử pháp lý quốc tế. Chính quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đã xử bác sĩ Phạm Hồng Sơn 13 năm tù và 3 năm quản chế. Phiên tòa xử kín, kéo dài trong nửa ngày, báo chí đến làm tin, và đại diện nhiều quốc gia đến quan sát trong đó có đại diện Hoa Kỳ không được vào tham dự. Chỉ có một người được vào là bà vợ ông Phạm Hồng Sơn. Nhưng theo lời bà khi vào trong tòa người ta chuyển bà qua một phòng bên cạnh, và trong suốt phiên xử bà không thấy được mặt chồng, ngay cả khi tuyên án. Toàn bộ vụ án, từ cách bắt người và giam giữ trái thủ tục, cáo trạng buộc tội vu vơ phi lý, quyết định xử vội vàng, cung cách xử và bản án nặng nề đối với một người chỉ muốn cho đất nước có dân chủ cho thấy chính quyền CSVN đã coi thường mọi mẫu mực của một nước muốn có một chỗ đứng được kính trọng trong cộng đồng quốc tế.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã làm gì để bị kết án 13 năm tù và 3 năm quản chế? Ông dịch một tài liệu từ tiếng Anh nói về dân chủ trong mạng thông tin điện tử (web site) của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội ra tiếng Việt và liên lạc với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một tổ chức chính trị do ông Nguyễn Gia Kiểng ở Paris cầm đầu chủ trương đấu tranh bất bạo động không ngoài mục đích xiển dương tinh thần dân chủ đa nguyên đến cho các thành phần ưu tư trong nước.
Ai cũng biết chính quyền CSVN là một chính thể độc tài, đảng CSVN toàn trị và không chấp nhận một hành động nào có thể dẫn tới sự xoi mòn sự cầm quyền của đảng, nhưng cung cách đàn áp của Hà Nội đạt đến một độ không còn biết trơ trẽn là gì.
Sau bản án của ông Phạm Hồng Sơn, bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chính quyền Việt Nam không giới hạn sự thông tin qua liên mạng (internet), và bà không ngượng mồm tuyên bố: “Tôi không đồng ý với những ai phê bình chính phủ Việt Nam hạn chế thông tin. Việt Nam luôn khuyến khích sự thông tin này.” Nói như vậy cả thế giới thấy bà phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc ngồi xổm lên trên sự thật hoặc đang ở một cung trời nào khác.
Đồng thời với việc Hà Nội bất chấp dư luận thế giới, đàn áp mọi tiếng nói thiện chí trong nước, ông Nguyễn Đình Bin Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã hướng dẫn một phái đoàn liên ngành gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Dân vận Trung ương, Mặt Trận Tổ Quốc ngoại vi của đảng CSVN, Ủy ban Nhân dân thành phố Sài gòn đã đi vận động sự ủng hộ của người Việt tại Hoa Kỳ trong một chuyến đi 10 ngày từ 5-15/6/2003. Qua hai buổi tiếp xúc với một số nhân vật tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn (xem www.vietnest.com ) phái đoàn ông Nguyễn Đình Bin không bày tỏ gì hơn là một sự lúng túng giữa lời nói và việc làm của đảng CSVN. Không ai trong số mươi, mười lăm người tham dự bày tỏ sự ủng hộ chính quyền hiện tại. Các cuộc tiếp xúc ở Houston, quận Cam và San Francisco có lẽ chỉ diễn ra trong âm thầm giữa phái đoàn với một nhúm người ủng hộ nhà cầm quyền Việt Nam. Cộng đồng nói chung không tha thiết gì chuyến đi của ông Nguyễn Đình Bin mà họ biết chỉ có mục đích tuyên truyền. Thế nhưng khi đúc kết báo cáo (Quê Huơng - báo trong nước - số 228 ngày 20/6/03) phái đoàn ông Nguyễn Đình Bin báo cáo một sự thành công rạng rỡ. Bản báo cáo viết: : “Đoàn đã có các cuộc tiếp xúc với đại diện cộng động người Việt khu vực Washington DC và các bang lân cận (Virginia, Maryland), thành phố Houston (bang Texas), quận Cam và khu vực vịnh San Franciosco (bang California). Thông qua các cuộc tiếp xúc làm việc, đoàn đã khẳng định các quan điểm chỉ đạo và nội dung của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Việt Nam; thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta và một số chính sách và biện pháp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai ...”
Làm thế nào để đại đoàn kết dân tộc trong khi đảng CSVN bịt miệng nhân dân và đàn áp thẳng tay những ai chỉ bày tỏ một chút tham vọng muốn mọi người dân được hít thở không khí tự do như người bác sĩ trẻ tuổi Phạm Hồng Sơn đã làm, mà đáng ra người cầm quyền phải qúi trọng như báu vật của dân tộc. Và hướng tới tương lai? Tương lai nào? Tương lai để cho đảng CSVN mãi mãi ngự trị bằng vũ lực và bằng Điều 4 Hiến pháp thu trọn quyền vào tay đảng để đảng viên tự do làm giàu trước sự tiêu vong dần sinh lực Việt Nam?
Thế giới đã phản ứng sự vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội qua vụ án Phạm Hồng Sơn một cách mạnh mẽ bằng lời nói mà không có hành động. Ngoài Human Rights Watch ở New York, Amnesty International ở London, Ủy ban Luật gia vì Dân chủ tại Việt Nam ở Sydney ... , bộ Ngoại giao Hoa Kỳ qua một thông cáo do tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội phổ biến đã lên án chính quyền Việt Nam đối với vụ án bác sĩ Phạm Hồng Sơn và khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ là “Không một cá nhân nào có thể bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình. Cho nên cái án của bác sĩ Phạm Hồng Sơn cho thấy Hà Nội đã lộ liễu vi phạm tiêu chuẩn quốc tế bảo vệ nhân quyền trong đó có quyền tự do phát biểu ý kiến.”
Hà Nội có đoán trước phản ứng của thế giới không? Có. Nhưng họ không lo sợ vì họ biết chỉ là lời nói, không như phản ứng của thế giới dành cho chính quyền quân nhân Miến khi chính quyền này tổ chức du dảng chận đường hành hung và giết một số phụ tá chính trị thân tín của bà Aung San Suu Kyi rồi ra lệnh bắt giữ bà với lý do bảo vệ an ninh cho bà.
Về mặt uy tín và tầm vóc cá nhân thì bác sĩ Phạm Hồng Sơn không thể so sánh với bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi từng được giải hòa bình Nobel năm 1991, là lãnh tụ đối lập lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ của Miến từ năm 1990 đã gây xúc động cho cả thế giới, trong khi bác sĩ Phạm Hồng Sơn chỉ là một bác sĩ không tên tuổi trước khi bị bắt. Nhưng bản chất sự vi phạm nhân quyền của Việt Nam trong vụ Phạm Hồng Sơn nặng nề và thô bạo về mặt tinh thần và nguyên tắc hơn trong vụ bà Aung San Suu Kyi. Bà Aung San Suu Kyi lâu nay được tự do bây giờ chỉ bị tạm giữ, trong khi bác sĩ Phạm Hồng Sơn vô cớ bị nhốt, bị mang ra tòa, xử như một vụ cưới chạy tang rồi bị phạt 13 năm tù và 3 năm quản chế chỉ vì dám nói đến dân chủ và dùng liên mạng nói chuyện dân chủ với đồng bào của ông ở nước ngoài. Nhưng phản ứng của thế giới thật không cân đối, bên trọng bên khinh.
Nếu chính phủ Miến không trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi trong một thời gian vừa phải Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong khi phản ứng của thế giới đối với Hà nội trong vụ Phạm Hồng Sơn chỉ giới hạn bằng lời, và không một quốc gia nào nói đến chuyện trừng phạt Việt Nam.
Chính phủ Miến ra tay vì muốn ngăn chận đóm lửa dân chủ do bà Aung San Suu Kyi qua hai năm được tự do nhen nhúm sắp chuyển thành trận bão lửa, trong khi chính quyền CSVN hành động vì lo sợ tiếng nói đòi dân chủ của những người trí thức trẻ tuổi trong nước. Họ biết những tiếng nói của Lê chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn ... là tiếng loa thúc dục lực lượng trẻ tuổi trong nước lên đường. Lực lượng này có khả năng tạo cơn bão lửa xô ngã chế độ.
Phản ứng mạnh mẽ bằng hành động của thế giới đối với chính phủ quân nhân Miến có thể sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng dân chủ Miến Điện đưa đất nước này đến tự do dân chủ trong hòa bình.
Thế còn Phạm Hồng Sơn và Việt Nam thì thế giới nghĩ sao? Cộng đồng thế giới nghĩ Việt Nam chưa cần dân chủ? Hay thế giới chờ trò ảo thuật của chính quyền cộng sản Việt Nam?
Nghĩa là, chờ sau vài năm giam giữ chính quyền Việt Nam sẽ trả tự do cho Lê chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn để đánh đổi một quyền lợi kinh tế nào đó như trước đây họ đã làm khi trả tự do cho anh Võ Đại Tôn, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Thế giới tự do vỗ tay khoan khoái đã áp lực được chính quyền độc tài cộng sản, trong khi Hà Nội được tiếng biết điều và văn minh cởi mở. Ai cũng có lợi cả chỉ trừ dân tộc Việt Nam.
June 24, 2003
Trần Bình Nam
BinhNam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn

No comments: