Sunday, September 9, 2012

TRẦN VĂN SƠN * HƯƠNG XƯA

HƯƠNG  XƯA

Có tiếng chuông ngoài cửa. Một tiếng ngắn gọn. Giờ này là giờ đưa  thư, và ông đưa thư có thói quen bấm một tiếng chuông khi đặt thư hằng ngày vào hộp thư trước nhà. Chờ một chút, Tính ra mở cửa lấy thư. Tính lật nhìn các bức thư vừa tới. Có hàng chục junk mail, quảng cáo, và một cuốn sách Tính gởi mua tuần trước. Trong xấp thư, có một phong bì mầu vàng nhạt bề dài quá cỡ so với bề ngang, nét bút mực xanh viết tay ghi địa chỉ Tính một cách nắn nót, ở góc trái phong bì ghi: “tin của Hiền”. Thư gởi từ thành phố Sapporo ở Nhật Bản. Tính hồi hộp. Tin chờ đợi bao nhiêu năm đang nằm trong phong thư kia. Hiền, người học trò vừa là một người tình chưa bao giờ hôn nhau từ đầu thập niên 70 rồi biệt tăm sau biến cố tháng 4. Tính không vội vàng bóc thư ra đọc. Tính tự nhũ: hãy từ từ. Không chắc  tin vui hay tin buồn, và Tính không có can đảm nhận tin buồn. Một hình bóng thật nhẹ nhàng mơn trớn như ẩn như hiện đã bao năm! Tính bước lên phòng ngủ ở tầng hai, trân trọng gác bức thư vào khung thư từ trên chiếc bàn viết nhỏ của Tính, rồi bước xuống nhà dùng cơm chiều.

            Tính và vợ ở một ngôi nhà hai phòng trên gác, ở dưới là phòng khách và phòng ăn cơm do các con chung tiền mua, nằm trên một ngọn đồi nhỏ thoải thoải ngoại ô thành phố Las Vegas. Tính có một cô con gái làm nghề địa ốc hành nghề trong vùng vịnh chung quanh San Francisco. Thời kỳ .com nhà cửa trong vùng Vịnh lên giá vùn vụt, và sau mấy năm hành nghề mệt nhọc cô gây được một số vốn lớn. Kinh tế xuống, nghề bán nhà cũng xuống theo, cô chuyển địa bàn hành nghề qua Nevada. Ngôi nhà cô mua cho vợ chồng Tính được giá nhờ mua lại của một gia đình người Mỹ gốc Do Thái giàu có. Gia đình chỉ có hai vợ chồng và là con cháu của một dòng họ Do Thái di cư sang Hoa kỳ từ thế kỷ thứ 19. Mấy người con trai đã mạo hiểm trở về Do Thái tham gia chương trình phát triển và định cư tại các vùng chính phủ Do Thái chiếm được trong trận đánh 1967. Sau khi bà chết trong một tai nạn xe cộ, ông ta buồn quyết định trở về Do Thái với các con trai, và ngôi nhà cần bán gấp. Cô con gái Tính mua được giá hời. Nhà tuy không chật lắm nhưng Tính làm việc luôn trong phòng ngủ và biến phòng ngủ thành một thư viện. Bên cạnh dàn máy điện toán Dell chạy khá nhanh, là một bàn viết nhỏ. Vợ Tính dùng phòng bên cạnh.

**

            Từ ngày di chuyển về Las Vegas, Tính ít bận rộn hơn và có nhiều thì giờ để viết. Người Việt ở Las Vegas còn ít chưa thành một cộng đồng nên không có những sinh hoạt văn hóa và chính trị. Ở San Francisco không tuần lễ nào không có một buổi ra mắt sách hay một sinh hoạt văn học, chưa nói đến những buổi sinh hoạt có màu sắc chính trị. Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt đã gần 30 năm nhưng đối với cộng đồng San Francisco cuộc chiến vẫn chưa tàn. Khí hậu Las Vegas mùa hè nóng, trái lại mùa đông lạnh hơn San Francisco nên thì giờ Tính ở ngoài trời như đi dạo mát hoặc chăm sóc mấy gốc hồng và dàn tường vi trong vườn ít hơn.

            Tính không viết văn. Tính viết những chuyện ngắn xây dựng chung quanh những mẩu chuyện Tính đã trải qua trong cuộc đời. Chuyện hư cấu chung quanh chuyện thật của Tính thường được các bạn cho là những câu chuyện khá vô duyên. Nhiều nhà văn thành danh khuyên Tính đổi cách viết, thêm thắt vào những chỗ gay cấn của cuộc đời để có những câu chuyện tiểu thuyết có giá trị văn học, phải tạo ra nhân vật dù nhân vật đó có khác với người thật. Tính hiểu giá trị của những lời khuyên nhưng Tính không làm được. Mỗi khi định thêm thắt Tính cảm thấy mình đang phản bội nhân vật thật của mình. Tính thấy mình đang biến một cái gì của mình thành một vật chung của mọi người. Tính nhớ một câu chuyện đọc được đâu đó về một nữ tài tử bị chồng đưa ra tòa li dị vì trong khi đóng phim lỡ để gió tốc váy làm lộ chiếc quần lót mầu hồng ai cũng thấy. Dư luận chế riễu người chồng nghiêm khắc, Tính cũng trong số đó. Nghĩ lại Tính thấy mình mâu thuẫn với chính mình. Chung qui Tính không thể trở thành một nhà văn. Tính chỉ viết chuyện của mình.

**

Tính ra trường sư phạm ngành khoa học năm 1960 và được bổ về dạy tại trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Những năm đầu Tính dạy Vật lý ban B. Những năm sau thiếu thầy, Tính dạy thêm một lớp 11 ban A. Lớp có 45 học sinh trong đó có chừng 10 nữ sinh. Hiền là một. Hiền gốc Nha Trang. Ba Hiền là công chức ngạch hành chánh được bổ về tòa thị chính Đà Nẵng. Mẹ có một sạp vãi lớn ở chợ Hàn. Trước khi vào học Phan chu Trinh, Hiền học tại trường nữ trung học Nha Trang. Hiền có một người anh đầu làm tham sự ngoại giao đang phục vụ tại tòa đại sứ Việt Nam tại Rangoon. Hiền đi học chung với em gái, cô Hậu. Hậu học sau chị hai lớp, một thời được chọn làm hoa hậu trường Nữ, và từng đóng vai bà Trưng cỡi voi diễn hành trên bờ biển Nha Trang vào dịp lễ Hai Bà Trưng. Hiền không đẹp bằng em. Nước da ngăm ngăm trên khuôn mặt nhỏ làm cho Hiền rắn chắc tự tin dễ gây sự chú ý nhưng không làm học trò cùng trang lứa ngoảnh đầu như đối với Hậu. Hai chị em mặc đồng phục đi học, mặc dù trường Phan Chu Trinh không buộc học sinh đồng phục. Quần trắng, áo dài mầu tím nhạt, tận cùng của vạt áo trước và sau chạy một đường viền nhỏ mầu tím đậm hơn. Hai chị em không dùng nón như các nữ sinh từ Huế vào. Đầu trần, tóc uốn, để lộ chiếc cổ trắng hơn da mặt. Trừ trời mưa, còn trời nắng ráo hai chị em Hiền chia nhau một chiếc dù mầu hồng. Hiền thường cầm dù cho em. Nàng cao hơn Hậu nửa cái đầu. Dưới ánh nắng da mặt Hiền ửng hồng hấp dẫn một cách khác thường. Hai chị em đi dép da trong khi đa số nữ sinh Phan Chu Trinh dùng guốc sơn mầu.

Tính có thói quen đến lớp trước giờ, tựa người vào khung cửa sổ lớp  học trông ra sân trường trong khi xem lại bài giảng. Trước sân là mấy cây bàng già rễ nổi ngang dọc, tàn lá che kín sân trường làm cho không khí sân trường buổi sáng dịu xuống chờ đợi những ngày thường là oi bức buổi chiều của miền nhiệt đới. Trống đánh nhịp đầu học sinh đứng sắp hàng trước cửa lớp, nữ sinh đứng trước, nam sinh đứng sau. Nhịp trống thứ hai học sinh đi vào lớp. Giữa hai nhịp trống Tính có cơ hội quan sát sự tinh nghịch của bọn nam sinh. Lớp nào không có nữ sinh chúng ồn ào như một cái chợ. Trái lại lớp có nữ sinh nam sinh nghiêm chỉnh hơn, và nếu có chọc phá các nữ sinh cũng tỏ ra kín đáo hơn. Chúng thường dùng vòng cao su gói hàng kẹp giấy xếp thành cục bắn lén các nữ sinh. Hiền không phải là nữ sinh đẹp nên ít làm đối tượng chọc ghẹo. Hiền thường nhìn bâng quơ vào lớp, đôi khi vô tình chạm mắt Tính. Hiền ít nói, nghiêm trang như chôn dấu một thứ tình cảm không muốn nói với ai.

Sáng hôm nay khi Hiền đang nhìn vào lớp,Tính thấy Hiền nhăn mặt đưa bàn tay ra sau cổ, đầu ngoảnh lại khó chịu. Một cậu nam sinh bắn cao su vào một nữ sinh khác đứng trước Hiền không may trúng Hiền.

            Sáng hôm đó Tính có ba giờ lớp Hiền. Sau hai giờ có mười lăm phút ra chơi. Thấy Hiền tần ngần trước cửa lớp chứ không theo các bạn khác ra ngoài cổng trường đi dạo dưới các hàng cây rủ bóng trên đường Quang Trung hay ăn vặt nơi quán bà Thìn trước cửa trường, Tính lại gần hỏi:

-       Khi sáng bị ná cao su cô Hiền có đau lắm không?

Hiền ngạc nhiên:

- Sao thầy biết?

- Tôi thấy khi các cô đứng sắp hàng trước lớp.

Thoáng thấy sự lúng túng pha chút e lệ của Hiền, Tính hỏi tiếp:

- Sao  cô không thưa thầy giám thị?

Hiền nói:

- Thưa thầy, không ích lợi gì vì nếu có anh nào bị phạt sau đó lại càng bị bắn ná nhiều hơn. Hơn nữa em biết anh ấy không định nhắm em. Anh ấy nhắm chị Thúy đứng trước em mà rủi thôi. Chị ấy đẹp ngày nào không bị phiền phức này cũng gặp phiền phức khác. Như tụi em yên thân hơn.

Tính phê bình vô thưởng vô phạt:

- Thế cô Hiền không đẹp sao? Cô đánh giá nhầm về mình rồi.

Biết thầy gượng khen để an ủi mặt Hiền ủng đỏ, lí nhí cám ơn Tính rồi lẫn vào đám học trò đang đi qua trước lớp.

            Giờ sau Tính thấy Hiền không chú ý đến bài giảng như thường lệ mặc dù tỏ ra cố gắng. Hiền ngồi không yên thỉnh thoảng trở người bên này bên kia, mặc dù mắt vẫn nhìn thẳng vào Tính nghe giảng. Tính cũng thấy lúng túng và đoán chắc bài giảng giờ sau cùng không xuất sắc bằng hai giờ trước. Tính cho học trò nghỉ sớm mười phút nói cần ra bưu điện trên bờ cảng để bỏ một lá thư gấp, và dặn học trò ngồi yên lặng chờ giờ sau cùng. Tính không có lệ cho học trò nghỉ sớm. Tính ra chỗ để xe lấy chiếc xe máy dầu chạy một vòng đường bờ sông, chạy qua nhà bưu điện rồi trở về trường kịp giờ sau cùng của một lớp khác.

            Tháng 11, thời tiết Đà nẵng thay đổi thất thường với những cơn gió lạnh từ sông Hàn thổi vào làm cho học sinh đi học tất tả vội vàng. Để tránh gió, hai chị  em Hiền và Hậu đi học bằng xe xích lô thuê bao. Hằng ngày, mười lăm phút trước giờ kiểng đánh vào lớp, xích lô đỗ hai chị em trước cửa trường. Hiền xuống trước, nhìn quanh một vòng như tìm ai, vén riềm cho cô em bước xuống. Rồi hai chị em vào lớp. Nếu Tính có giờ đầu Tính thường quan sát chiếc xích lô chở Hiền như một thói quen.

Mấy tháng nay giữa Tính và Hiền như có một cái gì thiếu tự nhiên trong lớp. Hiền không còn đứng nhỡn nhơ trước cửa lớp. Trước giờ vào lớp hay giờ ra chơi Hiền hay cùng Hậu ra chơi trước cửa trường.

            Tính không biết mình để ý đến cô nữ sinh không mấy xinh đẹp này từ lúc nào. Thông minh, trầm tĩnh, ít nói, không nhí nhảnh như các bạn khác cùng lớp khác. Nhưng sự thay đổi thái độ của Hiền từ hôm Hiền bị một nam sinh bắn ná cao su làm Tính thấy bất an, không biết sự hỏi han của mình có phải là nguyên nhân khó chịu của Hiền không.

            Tết sắp đến, không khí nhà trường bắt đầu thay đổi. Các buổi học thiếu nghiêm chỉnh. Học sinh thường xin giờ để chúc Tết thầy cô, rồi cùng nhau ăn Tết. Hạt dưa, nước ngọt và một ít mức dừa, mức gừng. Giờ chúc Tết là giờ duy nhất trong một năm để thầy và trò tâm sự. Bài đọc chúc Tết có nội dung cổ điển. Học trò cám ơn thầy cô, xin lỗi đã làm phiền lòng thấy cô vì chưa chăm học đủ và nghịch phá, và hứa năm mới sẽ nghiêm chỉnh hơn, tốt hơn. Hôm lớp Hiền chúc Tết Tính, Hiền mặc một áo dài mầu tím nhạt hơn, mỏng hơn, và một chiếc áo len dài tay mầu đỏ gạch, chíếc quần dài trắng mới tinh phủ xuống dôi dép quai da trắng. Một lớp phấn mỏng làm cho da mặt Hiền mịn lên một chút. Ngồi bên cạnh cửa sổ bàn đầu ánh nắng ban mai xuyên qua cửa sổ làm cho nước da của Hiền mịn và hồng hơn. Hiền kéo chéo áo che bớt ánh nắng. Tính bước vào lớp, học trò đứng dậy vỗ tay. Hiền bỏ vạt áo đứng lên với các bạn vỗ tay thật kêu, miệng mĩm cười. Đôi hàm trăng trắng, đều như những hạt bắp ẩn hiện dưới đôi môi hé mở của Hiền. Tính biết trước hôm nay học trò lớp Hiền chúc Tết nên không mang theo cuốn giáo khoa vật lý dày cộm hằng ngày Tính vẫn dùng. Tính bước nhanh  lại bàn thầy giáo đặt trên một bục gỗ, nhìn lớp học hân hoan, chờ đợi. Từ cuối lớp Tân, Võ Đình Tân, người học trò giỏi nhất lớp đứng lên nói mấy lời cám ơn Tính đã cho dùng giờ học cuối năm hôm nay để vui Tết và giới thiệu Hiền thay mặt lớp đọc lời chúc Tết. Tính quay sang nhìn Hiền, hơi chút ngạc nhiên. Hiền đã bỏ vạt áo xuống đưa tay vào hộc bàn kéo ra một xấp giấy mầu xanh viết sẵn bước lên bục giảng giữa lớp. Tính ngồi vào ghế dành cho thầy giáo, băn khoăn tìm một lý do lớp này chọn Hiền. Hôm nay Tân không có vẻ lém lĩnh như ngày thường. Tân là học trò giỏi nhất lớp nhưng cũng nghịch nhất lớp. Anh ấy con của một thương gia nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng. Nhiều lúc đang giảng bài Tính quay lại và thường thấy Tân hoặc đang chọc phá người bạn ngồi bên cạnh, hoặc đang chuẩn bị ná cao su bắn ai đó có vẻ không chú tâm gì đến bài giảng. Một hômTính bắt gặp Tân đang giả bộ dáng điệu của Tính. Tính giận gọi Tân lên bảng và bảo Tân nhắc lại lời giảng trong 10 phút qua. Tính định tâm sẽ phạt Tân. Nhưng Tân đã chững chạc lấy giáng điệu của Tính nhắc lại không sót những gì Tính đã giảng.

            “Thưa thầy,” tiếng của Hiền bắt đầu lời chúc Tết kéo Tính về thực tại. Tính có cảm tưởng bài chúc Tết này khác với những bài chúc Tết cổ điển Tính thường nghe những năm qua cũng như tuần trước đây ở các lớp khác. Lời chúc Tết hôm nay không chải chuốt mà thành thực và không coi thường mặt văn chương. Nó nói đến kỳ thi tú tài I sắp tới, kẻ ở người đi, xa thầy xa bạn. Thầy và trò như ông lái đó và dòng sông. Ông lái đò còn đó nhưng dòng sông cứ chảy và khách qua đò thay đổi mỗi năm. Ai buồn hơn ai? Thầy hay trò? Người đứng lại có buồn hơn kẻ ra đi không? Dòng nước thường vô tình.

            Tính chỉ kịp nghe mấy lời chúc sức khỏe và hẹn sang năm gặp lại thầy của Hiền giữa tiếng vỗ tay ròn rả. Tính nói mấy lời đáp từ, cám ơn, chúc cả lớp thi đậu kỳ thi sắp tới lên lớp đệ nhất để chuẩn bị cho tương lai trước mắt. Tính nói:

-Các anh chị thi đậu xong thì tôi sẽ không còn cơ hội gặp các anh chị nữa. Đó là niềm vui và cũng là nổi buồn của tôi.

Nhìn ra phía cửa sổ Tính bắt gặp đôi mắt của Hiền. Hiền quay sang nói chuyện với cô bạn ngồi bên cạnh, mắt chớp nhanh.

            Mức gừng, hạt dưa bày ra bàn. Tính lẫn vào đám học sinh chuyện trò, trả lời những câu hỏi bâng qươ của bọn học trò con trai tinh nghịch. Tính bước lại gần cửa sổ tay cầm một nắm hạt dưa. Hiền và hai cô bạn Ánh và Trâm đang chuyện trò, ánh nắng chiếu vào một phần ba phòng học, in bóng một nhành phượng lớn sân sau lá đã bắt đầu rụng, phủ xuống một phần vai của Hiền. Mầu áo Hiền trở nên đậm hơn phản ánh mầu tím nhạt của tà áo.

            - Các chị soạn diễn văn chúc Tết hay quá, làm cho mùi vị Tết có chút vui chút buồn như thời tiết tháng nào của thành phố biển, chợt nắng, chợt mưa. Tính nói, rồi ngậm ngự một chút Tính thêm:

-Như một bài luận triết học.

Ánh cười chỉ vào Hiền:

- Con Hiền soạn đó thầy ơi. Có ai xen vào một chữ đâu mà thầy khen cả chúng em! Rồi Ánh tiếp:

- Mà sao thầy chỉ  khen chúng em, còn nam sinh thì sao?

Tính chống chế:

- Đàn ông con trai vô tình lắm đâu viết được một lời chúc Tết nhiều ý nghĩa và ý nhị như các cô .... à, như cô Hiền

Hiền đỏ mặt nhận lời khen của Tính. Phấn khởi Hiền nói:

- Nhà em ai cũng thích viết văn. Anh của em học văn khoa, ba em thuộc nhiều thơ, Nguyễn Bính, Hồ Zếnh, Xuân Diệu và nhất là Truyện Kiều ba em thuộc lòng. Em hay đọc trộm sách của ba nên quen đi.”

Tính hỏi:

- Thế sao cô Hiền không học ban văn chương?

Hiền nói:

- Em thích văn chương nhưng sợ sinh ngữ. Cứ nghĩ phải uốn luỡi hằng ngày để học tiếng Anh thì em chết mất. Ngôn ngữ gì mà viết một đường đọc một nẻo!

Và cười một cách tự nhiên, Hiền hỏi:

-Thầy Tính ngoài việc đọc sách giáo khoa, soạn bài dạy tụi em có để ý gì đến văn chương không?

Tính đáp:

 - Sách giáo khoa chán chết. Thỉnh thoảng phải đọc cái gì giải trí chứ. Tôi có một tủ sách Tự Lực Văn Đoàn, và những tập thơ hay của các thi sĩ nổi danh thời tiền chiến. Tôi có mấy bản văn cũ của truyện Kiều, nhưng tôi không thuộc Kiều như ông cụ của cô Hiền. Tôi chỉ thuộc hai câu đầu,

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

Và hai câu cuối:

“Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

để chia sẻ nổi lòng của một người sinh bất trùng thời và học đức khiêm nhượng của cụ Nguyễn Du.

Hiền reo lên:

- Hôm nào em đến coi tủ sách của thầy và mượn vài cuốn sách hay được không?

Tính do dự, đáp:

-Tết này tôi về quê ăn Tết nên ra Tết khi nào cô Hiền rãnh hãy đến xem sách.

Hiền cười, quả quyết, như sợ Tính chỉ nói cho qua:

-Em sẽ đến, mới nghe em đã mê sách của thầy rồi.

Nói xong Hiền kéo mấy cô bạn gái ra sân trường.

            Sáng hôm đó Tính có hai giờ chúc Tết. Chiều nghỉ. Tính thấy khó chịu vì đã nói dối về quê ăn Tết. Thật ra Tính chỉ ngại Hiền - bỗng nhiên bạo dạn - đến thăm Tết thì có hơi lúng túng nên nói cho qua. Nhưng Tính không quen nói điều không đúng sự thật nên thấy bất an, nhất là sự bất an liên quan đến cô học trò bình thường trầm lặng bỗng trở nên tinh nghịch.

**

Tết qua, vào mùa lễ Phục sinh học trò lợi dụng không khí lễ lạc đòi thầy cho về sớm vào ngày Thứ Sáu Phục sinh, Tính cho lớp Hiền nghỉ sớm hai giờ. Đó không phải là lệ của Tính, nhưng mấy tháng nay Tính thấy  trong người uể oải, không quyết định việc gì một cách dứt khoát, ngoại trừ giờ phải lên lớp. Có một cái gí ám ảnh Tính, và Tính biết có những hệ lụy mà không sao rức ra được.          

Vừa về tới nhà, cởi chiếc áo ngoài, cầm tờ báo ngả lưng trên chiếc ghế có tay dựa nơi phòng khách liếc qua các tin tức hàng đầu thì có tiếng chuông  cửa reo. Nhìn ra cổng. Hiền vừa bước xuống xe cyclo và đang đứng bên chiếc cửa cổng còn khép, tay cầm một gói vuông vắn bọc cẩn thận trong giấy mầu.

            Tính bỏ tờ báo xuống, vội vàng ra mở cổng:

-       Chào cô Hiền.

Tính nói, và thêm,

-  Sao hôm nay cô Hiền rãnh rỗi vậy?”

Bạo dạn, Hiền trả lời

-       Thầy thật là hay. Thầy quên hôm nay ngày Chúa sống lại thầy cho tụi em nghỉ sớm sao? Nhân lễ Phục sinh em mang bánh đến cho các em và nhân thể xem tủ sách của thầy. Tiệm bánh của một người Pháp mới mở trước nhà ga ngon lắm.

Tính hóm hĩnh chất vấn:

-       Cô Hiền rữa tội theo đạo Chúa hồi này vậy?

Hiền trả lời:

-       Thưa thầy, đâu phải là người công giáo mới ăn lễ Phục sinh. Thầy không thấy cả thành phố vui lây với ngày “Good Friday” sao? Em thấy hồi này đêm Noel cả thành phố lên đèn vui nhộn kéo nhau đi nhà thờ, cũng như ngày Phật đản có những người không theo đạo Phật cũng đến chùa. Em thấy có một không khí thông cảm và chấp nhận lẫn nhau rất tốt cho người Việt mình …

Hiền bỗng nhiên ngưng bặt nhận ra mình đang thuyết minh vốn không  phải là bản tính của Hiền. Hiền thường giữ cho mình những suy nghĩ riêng tư. Nhưng Tính thấy Hiền có lý.

Tính nói:

-Tôi chịu lý luận của cô. Nào cô mang quà gì đến cho các cháu đây?

Tính đỡ gói giấy khỏi tay Hiền, cẩn thận theo đường xếp của hộp mở ra.  Toàn là bánh “paté chaud” còn nóng. Tính cầm cắn ngon lành một chiếc rồi ngoái vào nhà trong gọi các con:

-       Xuân, Lan và Vũ, ra lấy quà của cô Hiền các con.

 Vừa lúc đó vợ Tính bước ra với ba con, Xuân chừng 10, Lan 7 và Vũ 5 tuổi. Vợ Tính đỡ gói bánh từ tay Tính, lấy đưa mỗi con một bánh, cám ơn Hiền rối rút vào nhà trong. Vợ Tính đơn giản. Trong giao tế của Tính, trừ những gia đình thân với cả hai người, vợ Tính thường giữ một khoảng cách. Tính không biết cách xử trí của vợ có phải là đều tốt nhất không, hay vợ Tính nếu gắt gao với Tính hơn một chút có phải tốt hơn không. Những câu hỏi này không có câu trả lời, nhưng Tính bất mãn với gia đình của Tâm, một người bạn cùng lớp và hiện nay cũng là một giáo sư trung học như Tính. Tâm thường tâm sự với Tính vợ Tâm tốt nết, đảm đang, cực tốt với gia đình của chồng, nhưng hết sức khắt khe trong các quan hệ bên ngoài của Tâm làm cho Tâm thấy gần như không còn không khí để thở. Hoàn cảnh của mình và của Tâm làm cho Tính không hiểu cách xử sự nào của một người vợ là cách tốt nhất, cho nên sau này khi Xuân và Lan, hai đứa con gái của Tính đi lấy chồng Tính không hề có lời khuyên hay chỉ dẫn. Tính vẫn cảm thấy ân hận về cái thái độ thiếu dứt khoát của mình.

Tính mời Hiền ngồi, chưa kịp mở lời thì Hiền đã bước đến kệ sách. Kệ sách của Tính có chừng 5 kệ gỗ kê sát bên góc phải của phòng khách và có chừng 500 cuốn sách, đa số là tiểu thuyết và thơ văn thời tiền chiến, và một ít sách tiếng Anh và tiếng Pháp.

Hiền nói:

- Thầy cho em xem sách của thầy.

Tính không trả lời, cầm bình trà vợ Tính vừa mang ra, rót ra chén, hớp một ngụm nhỏ và im lặng quan sát Hiền.

Mấy ngón tay trắng trẽo của Hiền lần qua các cuốn sách đặt ngay ngắn trên kệ. Ngừng tay trên một cuốn sách, Hiền reo lên:

-       Đây rồi nhà thơ lý tưởng của em.

Rút khỏi ngăn sách một tập thơ bìa đã ngả mầu, lật vài trang, Hiền ngừng  tay và đọc nho nhỏ mấy câu thơ lục bát:

Nhiều lần chợt nghĩ bao la:
Đời là quán khách, ta là giấc mơ
Trao duyên rất đỗi tình cờ
Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau.
Dẫu sinh cách mấy ngàn sau,
Vẫn là thiên luật: lên tàu xuống ga
Đường đời bóng núi sông qua
Nay đà nắng mới, mai là cảnh xưa

Tính nhận ra đó là phần đầu của bài thơ “Chuyến tàu đời” của Hồ Zếnh sáng tác vào những thập niên 30 hay 40 gì đó. Không chờ cho Hiền dứt, Tính khe khẻ đọc tiếp bài thơ. Hiền ngừng đọc lắng nghe:

Có tôi, tàu vẫn đông thừa
Không tôi, tàu vẫn chẳng thưa bớt người
Mất còn có nghĩa gì đâu
Ta là chút ít của đời... chút không
Dặm trần bụi cuốn, mây dong
Ta đem số phận gửi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào:
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?

Hiền reo lên:

-       Thấy sính thơ Hồ Zếnh quá. Thầy phải dạy văn thay vì dạy khoa học.

Tính im lặng không trả lời, mĩm cười về ý nghĩa của bài thơ.

Hiền đẩy tập thơ vào chỗ cũ, trở về ngồi trên chiếc ghế da rộng đối diện với Tính.

Hiền hỏi, đôi mắt sáng lên tinh nghịch:

-       Thi sĩ Hồ Zếnh viết “Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hỡ em?” là có ý gì thầy.

Tính hỏi lại:

-       Thế cô Hiền cho thi sĩ nghĩ gì khi viết: “Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau”?

Tính và Hiền cùng nhìn nhau không nói. Bỗng cả hai cười lớn tiếng như để xóa đi mọi xúc cảm đang tràn đầy trong lòng của hai người và lấn chiếm cả chiếc phòng khách nho nhỏ của Tính.

            Nghe tiếng cười vui vẻ vợ Tính bước ra, nhìn hai thầy trò, hỏi cho có lệ Tính có cần thêm nước không. Tính trả lời không cần.

            Hiền mượn một tập thơ rồi xin phép Tính ra về. Tính cảm ơn Hiền đã đến thăm, cho quà và tiễn Hiền ra cửa. Hiền nhẹ nhàng bước lên chiếc xe cyclo chờ sẵn, quay chào Tính một lần nữa. Tính đứng bên cửa nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất sau góc đường Trần Nhật Duật.

**

            Hoa phượng vĩ bên sông Hàn nở, mùa hè tới. Bãi trường và thi cử. Học sinh nam nữ các lớp dưới chia tay nhau hẹn mùa tựu trường tới. Lớp Hiền chuẩn bị thi tú tài I.

            Một năm rưỡi nay Tính thấy nghề dạy học chán nản, không còn thấy phấn khởi như những năm đầu tiên. Sau khi giúp vợ tạo một cửa hàng tạp hóa bảo đảm kinh tế gia đình, Tính quyết định bỏ nghề dạy học. Tính nộp đơn vào Cao học kinh tế tại Đà lạt. Vốn có bằng cử nhân giáo khoa sinh hóa học, Tính được tuyển thẳng vào năm thứ nhất Cao học kinh tế. Tốt nghiệp Tính được bổ làm trưởng ty kinh tế tỉnh Quảng Nam gồm có thành phố Đà Nẵng. Hiền sau khi thi đỗ tú tài II vào học văn khoa tại Sài Gòn.

            Từ bộ Giáo dục qua bộ Kinh tế, cũng là công chức, nhưng công việc hằng ngày khác xa nhau. Nghề dạy học trầm lặng, không đương đầu với nhân sự và quyền lợi tròng tréo như bên kinh tế. Chiến tranh tăng cường độ, viện trợ nước ngoài giảm theo đà của cuộc thương thuyết tại Paris, kinh tế khó khăn, họp hành tại bộ liên miên. Không tháng nào Tính không vào họp tại Sài gòn. May nhờ Air Việt Nam bắt đầu dùng máy bay Boeing bay đường Sài gòn – Đà Nẵng nên việc đi lại của Tính cũng bớt vất vã.

**

            Hôm nay trời xấu. Phía nam đèo Hải Vân mây xuống thấp, chuyến máy bay thường lệ của đường bay Sài gòn – Đà Nẵng – Sài gòn ra trễ hơn một giờ. Ngồi trong phòng khách phi trường Đà Nẵng Tính chờ đáp chuyến bay Air Việt Nam phi vụ D115 bay trở lại Sàigòn dự buổi họp Ty trưởng kinh tế toàn quốc đầu năm. Chuyến bay muộn vắng khách, một số hành khách là sinh viên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. 

Tính chợt thấy Hiền trong đám sinh viên. Tính không nhầm được thân hình thon nhỏ của Hiền trong đám sinh viên đang chuyện trò với nhau. Hiền không dùng mầu tím như ngày xưa, Hiền mặt một chiếc áo lụa mỏng mầu hồng nhạt, khoát bên ngoài một chiếc áo len dài tay mầu gạch. Nắng chiều làm đôi má Hiền ửng hồng. Hiền và một người nữ sinh viên khác trò chuyện vui vẻ không quan tâm đến những hành khách khác.

Máy bay tới, chờ khách xuống hết, nhân viên phục vụ chi nhánh hàng không mời hành khách lên tàu. Ai cũng có vẻ vội vàng nhìn trời xấu và từng đám mây vần vũ kéo tới. Đoàn sinh viên chen nhau lên tàu trước. Quen đi chuyển bằng đường hàng không, Tính chậm rãi xách hành lý bước lên mấy bậc thang, len qua cửa máy bay, bước dọc theo đường hành lang giữa hai hàng ghế tìm số ghế của mình. Đi qua dãy số 37 Tính thấy Hiền ngồi bên khung cửa sổ.

Tính ngừng lại vừa đủ để không làm trở ngại những người  khách sau lưng nhìn Hiền, giọng reo vui.

-       Cô Hiền! Bao nhiêu năm mới gặp lại cô!

Hiền đã cài giây lưng an toàn, nhìn lên, không ngạc nhiên, như đã  nhận  ra Tính trong số hành khách.

-       Chào thầy Tính, à không …  chào ông trưởng ty. Cũng lâu lâu lắm em mới gặp được thầy.

Thấy một ghế trống cạnh Hiền, Tính hỏi có ai ngồi đó chưa, Tính ngồi  được không? Hiền nói máy bay vắng khách chắc không có ai ngồi. Tính đẩy cái xách tay vào ngăn để hành lý bên trên các dãy ghế ngồi, và ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh Hiền.

Tính cảm thấy nóng. Dạy Hiền một năm, mỗi tuần lễ 4 giờ, những lúc vui Tết, chuyện trò, hay trả lời những câu hỏi về giáo khoa của Hiền, Tính chưa bao giờ cảm thầy gần Hiền như hôm nay. Thân nhiệt từ người Hiền như đang bủa vây Tính.

Máy bay cất cánh, xóc khi lấy cao độ. Tính và Hiền trao đổi câu chuyện để nối lại khoảng trống từ khi Hiền vào đại học, và từ lúc Tính bỏ trường. Tính biết được Hiền đang học năm thứ ba chuyên ngành văn chương Nhật Bản, và sống một mình tự lo nấu nướng tại một căn phòng trong một cư xá do ba Hiền thuê lại của một người bạn làm ăn khá giả tại Sài Gòn trên đường Trương Minh Giảng. Hiền vẫn sống vậy, chưa có người yêu -Hiền cười -Hiền định xong văn khoa sẽ xin ba sang Nhật học tiếp. Tính kể cho Hiền biết việc Tính chán nghề dạy học chuyển sang ngành kinh tế, về tình hình kinh tế nước nhà, sự bận bịu và trách nhiệm của công việc mới, về gia đình, về hàng xén khá giả của vợ, về các con học giỏi lên lớp đều, nhất là Xuân năm nay 14 tuổi đã ra vẻ một cô gái hiền thục.

Tính nói:

-       Thỉnh thoảng chúng nó hỏi “Cái cô học trò của ba đến cho quà Phục sinh năm kia đâu rồi”.

 Rồi Tính tiếp:

-       Tôi trả lời như ước vọng của tôi: “cô ấy học thành tài, ra trường, lập gia đình với một người cô ấy yêu và sống hạnh phúc lắm”

Tính cho biết đã đổi chỗ ở và lấy bút ghi địa chỉ cho Hiền. Hiền nói:

-       Thầy khỏi ghi. Ở Đà Nẵng ai cũng biết nhà ông trưởng ty kinh tế ở đâu. Thỉnh thoảng em có chạy xe qua nhà thầy, thấy cửa lúc nào cũng đóng.

Tính trả lời, vui vui về sự quan tâm của cô học trò cũ:

-       Vợ tôi bận rộn với cửa hàng, mấy đứa nhỏ đi học, tôi bận ở sở, ban ngày có ai ở nhà đâu mà mở cửa.

 Máy bay bổng xóc mạnh. Cao độ giảm dần. Tính và Hiền ngưng câu chuyện nhìn ra ngoài. Mây trắng lướt nhanh, bên dưới dòng sông Cửu Long uốn éo hiện dần qua cửa sổ máy bay. Thấy Hiền hơi mệt Tính khuyên Hiền ngả người nghỉ một chút. Hiền ngiêng đầu trên mép lưng ghế về phía Tính, đôi mắt khép hờ mệt nhọc. Ông gió nhỏ trên trần thổi mấy sợi tóc của Hiền phủ lên vai Tính. Tính để yên hưởng cái cảm giác nhè nhẹ, chơi vơi và huyền diệu pha lẫn với mùi hương phấn tỏa ra từ đôi má của Hiền mà Tính cảm nhận một cách khi có khi không từ khi bước lên máy bay.

Hai bánh máy bay chạm đất, bung lên rồi chạm lần thứ hai trước khi chịu chạy dài trên phi đạo, giảm dần vận tốc. Hiền bừng tỉnh, hai người nhìn nhau mĩm cười.

            Máy bay ngừng hẳn. Tính và Hiền lấy hành lý theo hành khách bước xuống và lên xe của hãng chở về trạm hàng không Sài Gòn nằm trong khu hỏa xa gần chợ Bến Thành. Hiền im lặng ngồi bên Tính. Tính cũng im lặng nhìn khung cảnh sinh hoạt về chiều của Sài Gòn qua khung cửa.

            Đến trạm, Tính định chia tay. Bỗng Hiền bước tới trước mặt Tính, cung cách nghiêm trang nói:

-       Trời cũng gần tối rồi, thầy có thể gọi taxi đưa em về cư xá được không?

Tính trả lời không suy nghĩ:

-       Tiếc quá, hôm nay ông bộ trưởng gọi họp đêm, tôi không đưa cô về cư xá được. Tôi sẽ gọi taxi giúp cô.

Nói xong Tính biết mình nói dối. Ngày mai mới có buổi họp. Tính định ngoắt một chiếc taxi thì Hiền đã quay gót lẫn vào đám đông không một lời. Tính chưng hững cảm nhận sự thiếu tế nhị của mình. Một chiếc taxi trờ tới Tính bước lên xe, đọc cho tài xế địa chỉ khu tạm trú của bộ Kinh tế trên đường Tự Do.

**

Nhiều năm sau, hằng chục năm sau, sự việc hôm đó là điều làm Tính bận tâm nhất trong tất cả mọi mối bận tâm. Tính không bao giờ gặp lại Hiền. Mọi  nỗ lực tìm kiếm đều vô ích. Tính cũng không bao giờ hiểu được phản ứng của mình hôm đó. Tính không phải là người giữ mọi tiêu chuẩn đạo đức. Đạo đức đối với Tính là không dùng quyền thế, tiền tài hay bất cứ gì ép buộc ai làm điều họ không muốn. Ngoài ra đều là đạo đức theo nghĩa rộng của nó. Tại sao Tính lại chạy trốn? Nếu hôm đó Tính về cư xá với Hiền, ít nhất là Tính đã che chở Hiền vì qua lời nhờ vã chứng tỏ Hiền sợ đi xe một mình khi trời đã tối. Tính không tin Hiền lo sợ đến thế đối với một sinh viên đã ở Sài gòn một mình ba năm. Và dù không phải sợ Hiền mới nhờ Tính chứng tỏ Hiền có cảm tình với Tính muốn Tính biết nhà, muốn có thêm giây phút trò chuyện với Tính. Đi xa hơn Hiền có thể mời Tính ở lại ăn cơm tối. Rồi sao? Sao thì đến phút cần trắng ra trắng đen ra đen sẽ tính. Nhưng Tính vốn là một người yếu đuối về tình cảm và cảm tình của Tính dành cho Hiền ấp ủ bao nhiêu năm biết nó sẽ bộc lột hay bùng nổ như thế nào. Hiền có phòng trọ riêng, Tính có tự do của một người “độc thân tại chỗ”. Có thể kềm chế được không? Và rồi cuộc đời của Hiền, và sự nghiệp của mình?

Nhưng Tính không có thì giờ suy nghĩ và lý luận trong giây phút bất chợt đó. Nghĩ cho kỹ chỉ là “nhát” hay nặng hơn một chút là “hèn”, hay vừa hèn vừa nhát. Mỗi khi nhớ lại đôi mắt giận hờn và thất vọng của Hiền khi quay lưng lẫn vào đám đông Tính thấy hằng loạt câu hỏi trở lại chất vấn mình. Và không một lần Tính tìm được một lý luận để hóa giải sự lấn cấn trong lòng. Thời gian chỉ làm cho sự lấn cấn của Tính càng tăng trưởng vì trên hai thành phố Sài gòn và Đà Nẵng Tính đã không bỏ sót một nơi nào không tới. Tính từng đến đại học văn khoa Sài gòn. Câu trả lời của cô thư ký đại học vẫn là: cô Hiền đã thôi học rồi. Nơi nhà của Hiền ở Đà  Nẵng thì vẫn câu trả lời của chị giúp việc, cô Hiền học ở Sài gòn ít khi về. Hằng ngày ngoài giờ làm việc trở về nhà với vợ và con Tính mới thấy có một sự nâng đỡ tinh thần. Gia đình yên vui và Tính tin rằng dù ở phương trời nào Hiền cũng được bình an.

Chiến cuộc lan tràn. Cao nguyên thất thủ. Các tỉnh địa đầu bị uy hiếp. Tính đem gia đình theo nhân viên của bộ Kinh tế vào Sàigòn bằng chuyến bay Air Việt Nam cuối cùng. Tài xế của sở chở gia đình ra phi trường, trong khi Tính dùng xe nhà chạy tạt qua nhà của Hiền. Bên ngoài chiếc cửa gỗ có đóng một nẹp gỗ. Tính yên tâm.

Tháng cuối cùng ở Sài gòn trước khi mang gia đình theo đoàn tàu hải quân rời nước,Tính bị dằng vặt bởi một cuộc đấu tranh nội tâm mà hai phe không có hình thù cũng như không giới tuyến. Ở hay đi. Ở? Quá hiểm nguy cho bản thân và bấp bênh cho gia đình. Ra đi? Phương trời cách biệt. Hiền sẽ ra sao. Nghĩ đến “thân gái trong cảnh loạn li” Tính thấy chua xót trong lòng. Tin về những chuyến tàu biển Đà Nẵng vào Sài gòn đầy cảnh hãm hiếp, giết người cướp của làm cho Tính không thể nhắm mắt tìm giấc ngủ trong những đêm dài trằn trọc.

Nhưng bão tố không nương ai và thời gian không chờ ai. Gia đình Tính theo đoàn tàu định mệnh sang Subic Bay, sau đó Guam, rồi trại tị nạn Arkansas, trôi nổi như chiếc lá giữa dòng.

Và cuộc sống đưa mọi người vào cái khía nó dành cho mỗi người. Tính vào ngành khách sạn, và sau hai năm học trở thành một nhân viên trung cấp trong hệ thống khách sạn Hyatt làm việc tại thành phố Phoenix. Công việc vững vàng, vợ Tính ở nhà lo mấy cháu Xuân, Lan và Vũ. Cả ba đều đã lớn. Xuân vào đại học, Lan và Vũ học Trung học. Ba chị em chia nhau một chiếc xe đưa nhau đi học.

Xuân học ngành thương mãi, ra trường theo ngành địa ốc. Sau khi hai em của Xuân ra trường Tính cũng vừa đến tuổi nghỉ hưu.

**

            Las Vegas trong những năm gần đây do ảnh hưởng thay đổi toàn cầu, mùa hè nóng nhưng mùa đông lạnh hơn thường. Tính ít ra ngoài làm vườn  và săn sóc mấy gốc hồng. Hoa hồng mùa đông cũng ít khoe sắc hơn mùa Xuân.

            Chiều nay ngồi bên lò sưởi đốt bằng gỗ cây trong vườn, nghe tiếng tí tách của lửa Tính lật lật nhìn mấy tờ báo vợ Tính vừa mang ngoài phố về hôm qua.  Ở Las Vegas xa khu người Việt gia đình Tính dùng chợ Mỹ, nhưng mỗi tháng vợ Tính theo xe đò về khu tiểu Sài gòn một lần để cho đở nhớ Việt Nam, nói theo lối nói của vợ Tính, và mua thực phẩm Á đông. Mỗi lần vợ Tính không quên mang về một chồng báo Việt ngữ, trong đó không khi nào thiếu ba tờ báo Người Việt, Việt Báo và tờ tuần báo Triều Dâng.

            Tính thường đọc Triều Dâng trước. Báo có bài nằm, trong khi Người Việt và Việt Báo là báo hằng ngày nên hầu hết tin tức Tính đã biết qua bản tin TV hằng ngày. Tờ Triều Dâng kỳ này có hình bìa ca sĩ Ngọc Lan vừa mới qua đời do bệnh ung thư. Hình mầu in kỹ thuật mới nhất trên giấy láng. Khuôn mặt nhìn nghiêng, tóc cắt ngắn, chiếc mũi cao, đôi môi khêu gợi, nhìn hình cô không ai có thể nghĩ cô đã ra người thiên cổ. Dưới tấm hình tòa báo in đậm nét chữ lã lướt của một hoa tay nào đó: “Tiếng hát một thời.” Tính lật bên trong tìm những bài chính. Qua trang giới thiệu nhân viên tòa báo, Tính thấy giới thiệu nhân viên phụ trách quảng cáo của báo Triều Dâng là cô Quỳnh, một nhân viên đồng hóa của ty kinh tế Đà Nẵng ngày trước. Một ý nghĩ chợt đến với Tính, đăng tin tìm Hiền. Tờ Triều Dâng ngoài ấn bản in còn ấn bản điện tử hằng ngày có hàng nghìn độc giả trên thế giới đọc.Tính nhấc điện thoại gọi cô Quỳnh. Sau lời thăm hỏi và mừng rỡ gặp lại nhân viên xưa Tính nhờ tòa báo đăng một mẫu tin tìm thân nhân.

            Tin đăng nhiều kỳ cách nhau mỗi tuần. Tin đi mãi không có tin về và Tính quên bẵng chuyện nhắn tin tìm Hiền. Những gốc hồng chung quanh nhà càng trỗ nhiều hoa. Cánh hoa rơi rụng đỏ cả một góc vườn. Gió sa mạc bắt đầu thổi báo hiệu mùa thu.

**

            Cơm chiều xong, Tính  ngồi lại phòng khách im lặng xem prime time news của đài NBC, rồi bước lên phòng làm việc, không bàn chuyện thời sự với vợ như thường lệ. Vợ Tính hơi ngạc nhiên, nhưng không hỏi. Ngày mai bà còn nhiều việc phải làm.

            Tính ngồi vào bàn giấy, ghi chép vài điều rồi bóc thư Hiền. Trang giấy mỏng rung rinh dưới ánh đèn.

Sapporo ngày …..

Thưa thầy,

Em rất xúc động khi một người bạn chuyển mục nhắn tin của thầy. Em tưởng mọi việc đã đi vào quá khứ. Nhưng không, nó còn sống, bằng chứng là em còn đây và thầy còn đó vẫn nhớ chuyện xưa. Chuyện xưa chẳng có gì ngoài buổi gặp gỡ thầy lần cuối trên chuyến bay Air Viet Nam, nhưng đó  là chuyện đáng nhớ nhất, em chắc như vậy, vì không có buổi gặp gỡ đó  thì đã không có mẩu báo tìm thân nhân thầy vừa đăng trên tuần báo Triều Dâng. Em rất buồn và vẫn còn buồn phản ứng của thầy hôm đó và nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của em cho đến ngày hôm nay.

            Sau buổi đó quan niệm của em về chính em và về nhiều vấn đề khác thay đổi hẳn. Em không tin có một định nghĩa nào của tình cảm. Mọi thứ đều là cân nhắc, đo lường, tính toán. Và em kết luận: để sống trong cuộc đời này mình cần thực tế chớ quan niệm lý tưởng viễn vông. Đó là cuộc đời của em từ giờ phút đó đến nay, lúc ngồi viết thư này cho thầy.  Em còn can đảm để viết vì cái mẫu tin tìm thân nhân của thầy là một minh chứng tình cảm còn có một định nghĩa. Con người có thể bị lễ nghi, giả dối, quyền lợi và sự hèn nhát cấm sống thật với lòng mình, nhưng con người có khả năng vùng dậy để tuân phục tình cảm của mình.

            Thưa thầy. Em đã trốn thầy từ ngày đó. Phải mất công đút lót cô thư ký đại học văn khoa dặn dò và cả cô người làm ở nhà để không tiết lộ bất cứ một điều gì về em. Em giận thầy. Nghĩ lại em thấy thật phi lý vì chính trong thời gian đó em chỉ mong học thành tài, làm một cái gì nổi bật để bạn bè và thầy biết em vẫn còn đây.

            Biến cố tới, và khi Sài Gòn bất ổn em vội vàng về Đà Nẵng sắp xếp cho bố mẹ và Hậu di tản vào Sài Gòn. Vào một ngày cuối tháng Ba, gia đình em đã vào tới Sàigòn bằng Air Vietnam. Ba em hứa sẽ vào sau. Không may sự hỗn loạn phút chót làm ba em không rời Đà nẵng được. Ba đi cải tạo và đã bỏ mình tại trại Yên Phước ngoài miền Bắc năm 1982. Hậu có một tình nhân là một sĩ quan Không quân và đã theo người yêu di tản khỏi Sàigòn vào ngày cuối cùng bằng máy bay phản lực bay sang Utapao, Thái Lan rồi từ đó đi Hoa Kỳ định cư. Hậu hiện sống tại Portland, bang Oregon. Sau khi những người lính miền Bắc vào chiếm Sàigòn, mẹ em nhờ số vốn mang theo đã mở một tiệm buôn đồ cổ. Tại sao lại đồ cổ? Vì ai cũng có một món gì để bán sau những ngày lộn xộn hôi của. Việc buôn bán khấm khá. Khách chơi đồ cổ là những người có thế lực mới. Họ có nhiều tiền và muốn hưởng một cái gì có tinh thần một chút. Phần em, em  tìm đến mấy tiệm Sony của Nhật còn làm ăn ở Sàigòn và rất may kiếm được một chân thông ngôn cho đại diện Sony tại Sàigòn với chính quyền mới. Công việc nhàn hạ, lương tốt thỉnh thoảng lại được tháp tùng ông giám đốc đi Nhật. Trong những chuyến đi ông giám đốc có lúc muốn mua chuột em. Thì có mất mát gì vừa hưởng thụ vừa được ưu đãi, ông ta nghĩ vậy. Nhưng em không thấy thích thú gì, ngôn ngữ chưa đến độ để hiểu nhau, ông ta người múc ních những thịt không có gì có thể mang lại cho em một chút ham muốn. Hiểu thái độ của em ông không ép, không làm áp lực, không lợi dụng bờn xơm. Em nễ người Nhật ở chỗ đó. Họ sòng phẳng, biết điều. Lần lần em rảnh nợ ít thấy tên em trong những người đi Nhật công tác. Thay vào đó mấy cô nhân viên khác đẹp hơn và dễ tính hơn.

            Nhưng số em không thoát khỏi tay người Nhật. Em mạng hỏa, cờ Nhật lại tỏa ra lửa! Tại sở em làm việc với ông trưởng phòng Kashimo. Kashimo dạy em học thêm tiếng Nhật, và em có nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho ổng. Kashimo là một người kín đáo, trong bao năm ông không hề cho em thấy tình cảm của ông. Thế nhưng một tuần lễ trước khi ông hết khế ước tại Việt Nam lên đường về nước ông mời em đến tham dự một buổi dạ vũ tiễn biệt tổ chức tại nhà một người bạn. Sau khi chủ nhà khai mạc dạ vũ, là bản Tango, ông Kashimo mời em. Điệu nhạc đang reo, và trong lúc em đang chú ý để bước cho đúng nhịp Kashimo nói nhỏ vào tai em:

-  Cô Hiền, tôi sắp rời Việt Nam. Tôi yêu cô và muốn cưới cô làm vợ, Nếu cô bằng lòng thủ tục hôn lễ sẽ được cử hành trong vài hôm tại tòa đại sứ Nhật Bản và cô sẽ theo tôi về Nhật.

Em bàng hoàng không tin vào tai mình. Em chạy trốn:      

 - Thế bỏ mẹ lại cho ai?

 Kashimo trả lời như đã tính trước:

- Tôi sẽ xin một thủ tục đặc biệt và Mẹ sẽ sang với chúng ta trong vòng một năm.

            Thế là em trở thành vợ một người Nhật. Kashimo là một người chồng tốt. Hiện em ở Sapporo, một thành phố cực bắc Nhật Bản tuyết giá và động đất quanh năm. Mẹ ở đây với em. Em có hai trai, đều đang học đại học. Chúng không nói được tiếng Việt. Điều duy nhất chúng nó biết là Tết Việt Nam và Tết của Nhật không giống nhau. Cứ mỗi lần Tết đến, Mẹ và em tổ chức trang hoàng nhà cửa thiết lập bàn thờ, dựng cây nêu như đang ăn Tết ở Việt Nam.

            Mấy tháng sau tháng Tư giông tố ở Sàigòn em thường nghe các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt của đài BBC và đài VOA để nghe tin tị nạn và những mẫu nhắn tin. Không nghe nhắc đến tên thầy. Nghĩ là thầy đã an toàn đâu đó trên trái đất này. Em đã cầu nguyện và chỉ biết cầu nguyện. Phần em chôn mình nơi chốn giá lạnh này mà em đã chọn làm “home” theo nghĩa của người Mỹ. Em nghĩ cánh cửa đời mình đã đóng chặt rồi.

            Bỗng mẫu tin tìm thân nhân của thầy đến. Thì ra mình còn có một chút hương xưa, một “sweet home” chôn mãi trong lòng.

            Chúc thầy và quý quyến ngủ ngon.

Hiền

**

Tính im lặng xếp thư Hiền, bỏ vào ngăn kéo, bước đến cửa sổ kéo chiếc cửa kính để ngăn mưa đang tạt vào phòng. Trời đỗ mưa lúc nào Tính không hay. Tính yên lặng nằm xuống giường kéo chiếc chăn lông vịt phủ kín người tận cổ. T`ính nằm yên như vậy tìm giấc ngủ như thói quen mỗi khi Tính có điều gì bức xúc trong lòng. Gió sa mạc đánh sầm sập vào chiếc cửa sổ phòng Tính.



Trần Văn Sơn

May 24, 2005

BinhNam@sbcglobal.net

                        

Trần Văn Sơn http://www.vnet.org/tbn






No comments: