Saturday, September 1, 2012

GS. VŨ QUỐC THÚC * HỒ TẤN ANH

 BỨC TÂM THƯ DI CHÚC
 CỦA LIỆT SĨ HỒ TẤN ANH

                                                                     GS Vũ Quốc Thúc

     Ghi chú của Diễn Đàn Quốc Tế Của Các Phong Trào Dân Chủ VN:
Bài này của GS VŨ QUỐC THÚC là một bài quan trọng cho công cuộc tranh đấu chung. Xin anh chị em thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh và giới trí thức VN trong ngoài nước chú ý đặc biệt tới bài phân tích này, nhất là những vị và anh chị em ở Quốc Nội.
    Nhân kỷ niệm Đệ I Chu Niên Hiến Chương 2000 - xin nhắc lại - GS VŨ QUỐC THÚC là Trưởng Ban Tổ Chức Địa Phương Đại Hội Thế Giới Công Bố Hiến Chương 2000 ngày 25-26/11/2000 tại Paris, Pháp (vị Phụ Tá là TS Lê Đình Thông, Giảng viên Đại Học, Paris). Xin đăng lại bức hình kỷ niệm. GS VŨ QUỐC THÚC (ngồi) và TS LÊ
ĐÌNH THÔNG (đứng, MC).hiện là các Phát Ngôn Viên của Hiến Chương 2000 tại Tây
Âu (GS Thúc phụ trách tổng quát )

    Trước khi tự thiêu lúc 4 giờ rưỡi sáng mồng 2 tháng 9 năm 2001, Ông Hồ Tấn Anh, cố huynh trưởng Gia đình Phật tử Quảng Nam đã tự tay viết 5 bức thư :

1) Bức thứ nhất gửi cho các cấp lãnh đạo Nhà nước xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng Sản Việt Nam: tài liệu này có tính chất một bức thư phản đối;
2) Bức thứ hai gửi cho các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và các nam nữ thanh niên cùng các sinh viên, học sinh: Tác giả gọi đây là một bức “tâm thư " nhằm “ kêu gọi tinh thần yêu quê hương dân tộc của các bậc trí thức Việt Nam”, đồng thời nói lên tâm tư, nguyện vọng của ông “trước tiền đồ đen tối của đất nước thân yêu";
3) Bức thứ ba gửi các vị hoà thượng lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để xin phép được tự thiêu;
4) Bức thứ tư gửi cho các nhân vật lãnh đạo hay hữu trách quốc tế và ngoại quốc kêu gọi họ can thiệp để buộc Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam phải thi hành 12 biện pháp nhằm phục hồi nhân quyền và các quyền tự do công dân;
5) Bức thứ năm tố cáo cùng toàn thể đồng bào những hành động đàn áp của các cấp chính quyền địa phương đối với tín đồ Phật giáo.
        Trong bài này, chúng tôi đặc biệt chú trọng bức thư thứ hai vì thấy mình thuộc thành phần xã hội được tác giả nghĩ tới trong lúc sắp từ trần. Đó là một dịp để kính dâng anh linh vị liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh nhục thể của mình cho Đạo và Đời tấm lòng ngưỡng mộ sâu xa của tôi.
        Trước hết, tôi thấy tác giả đã quá khiêm tốn khi tự giới thiệu mình chỉ là "một nông dân chân lấm tay bùn, trình độ hạn chế". Riêng tôi, sau khi đọc bức tâm thư của Ông, tôi thành thực kính phục cách Ông phân tích sự việc, cách nhận định sắc bén, cach lý luận khúc triết cũng như cách trình bầy ngắn gọn, sáng sủa với những lời lẽ thống tiết đi thẳng vào trái tim của người đọc. Đối với tôi Ông đáng coi là một bực thầy, hơn hẳn nhiều người có bằng cấp cao tôi đã từng gặp. Tôi hài lòng nhận thấy là những kết luận của Ông hoàn toàn phù hợp với những nhận định của các tác giả đã gửi bài đăng trên hai tạp chí Khai Thác Thị Trường và Đối Lực. Thật đúng với câu của cổ nhân "Đồng thanh tương ứng": Những người Việt yêu nước, thành thực lo lắng cho tiền đồ của dân tộc và tha thiết tranh đấu cho các quyền tự do thiêng liêng của con người, làm sao có thể bịt mắt, bưng tai, giả câm giả điếc, trước thực trạng bi đát của quê hương?

A) Liệt sĩ Hồ Tấn Anh đã dành riêng một bức tâm thư - có tính cách di chúc - cho các trí thức khoa bảng, các sinh viên, học sinh và toàn thể giới trẻ Việt Nam để nhắc nhở trách nhiệm rất quan trọng của họ trong giai đoạn lịch sử hiện thời. Ông viết: “Còn gì nhục bằng? Còn gì đau xót bằng, hỡi quý Ngài và anh chị em? Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo thì đất nước mình sẽ đi về đâu? Rồi con cháu chúng ta sẽ hận chúng ta là những người nhu nhược. Chắc quý Ngài và anh chị em cũng như tôi biết mình phải làm gì. Làm gì? Dĩ nhiên, mấy ai dám hy sinh nhục thể như cố huynh trưởng Hồ Tấn Anh vì đại đa số chúng ta chỉ là những người tầm thường, "tham sinh úy tử", do
đó chúng ta chỉ có thể cố gắng tranh đấu với khả năng hiện hữu của mình. Nhưng ta đừng tự ti, đánh giá quá thấp sức mạnh tiềm tàng của chúng ta. Kinh nghiệm bản thân lúc còn bị kẹt ở Việt Nam cho tôi biết rằng Đảng Cộng Sản đã nắm nhân dân bằng một khí giới tâm lý rất hiệu quả: đó là mặc cảm sợ hãi. Họ chỉ cần làm một vài vụ trừng phạt thật tàn bạo, thật ngoạn mục để gây nên trong mọi tầng lớp xã hội ấn tượng là Đảng có tai mắt ở khắp nơi và thẳng tay đàn áp bất cứ ai chống lại mình (như vụ xử LM Lý 15 năm tù cộng 5 năm quản chế ngày 19-10-01 vừa rồi!). Người ta tin rằng Cộng sản bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận quốc tế. Và dĩ nhiên, đối với những kẻ vô thần như
họ, thì đừng nói làm chi tới sự xét xử của Trời, Phật, Quỷ Thần cho phí lời và phí thời giờ! Vì sợ Công An thường xuyên theo dò mình nên rất nhiều người tuy bất mãn mà không dám biểu lộ tâm tư trước người lạ hoặc trước những bạn sơ giao. Cũng có khi thấy một cán bộ quen thuộc công khai chỉ trích Nhà nước, thì người ta lại tin rằng đó là một kẻ cố ý gợi chuyện để dễ dò xét rồi báo cáo lên thượng cấp!
        Thật ra, cái sợ của người dân, nhiều khi chỉ là tự kỷ ám thị: Cộng sản đâu có phải là "thiên thủ thiên nhãn"! Trong những trường hợp người dân không sợ nữa, thì cộng sản hoặc chịu bó tay, hoặc phải kéo thật đông vây cánh như ta đã thấy ở Thái Bình, Xuân Lộc, An Truyền... Ở các nước dân chủ, lợi khí sắc bén của người dân để bắt nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền tự do được minh thị công nhận trong Hiến Pháp, chính là khả năng phát biểu nguyện vọng, khả năng phản đối bằng lời nói, bằng các cuộc biểu tình, bằng các cuộc diễn hành... Làm như vậy không phải là bạo động, nếu kẻ biểu tình hay diễn hành đừng có những hành động có tính cách phá phách, gây thương tích v.v.. Nếu dân ta khắc phục được mặc cảm "sợ công an", dám bày tỏ công khai sự bất mãn của mình, chắc chắn những cán bộ cộng sản ở cấp địa phương sẽ phải e dè, không dám lộng hành nữa. Tuy nhiên, người dân, ở đâu cũng vậy, ít khi khởi xướng: người ta chờ đợi những người được coi là thân hào, nhân sĩ, thức giả... xung phong để hùa theo. Chính vì vậy mà trách nhiệm của những nhà trí thức trở nên quan trọng, đặc biệät khi họ có một học hàm cao như: tiến sĩ, thạc sĩ, phó tiến sĩ, cử nhân... Họ không có quyền giả đui giả điếc, "dựa cột mà nghe" để có thể yên ổn "ngậm miệng ăn tiền". Không! Bổn
phận của họ là phải hướng dẫn dư luận. Những nhà trí thức chân chính phải xử sự như Mạnh Kha đã dạy: "uy vũ bất năng khuất", nghĩa là không chịu khuất phục trước uy quyền, sẵn sàng nói lên sự thật theo đúng lương tâm. Trong lịch sử nước nhà, chúng ta đã có nhiều tấm gương sáng như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu v.v. Hiện thời, những nhà trí thức như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu v.v.. đã theo đúng truyền thống cao đẹp ấy. Cố Huynh Trưởng Hồ Tấn Anh đã nhắc nhở cho tất cả những ai mang danh trí thức đừng quên trách nhiệm của mình, đừng viện cớ sợ công an, sợ Đảng, mà mặc cho đất nước trôi dần xuống vực
thẳm. Ai cũng biết hiện thời ở Quốc nội nhan nhản những trí thức khoa bảng. Họ đã lấy được những bằng cấp này qua nhiều đường lối như : theo học thực sự ở trường đại học quốc gia, du học, học hàm thụ, học tại chức, đó là chưa kể những bằng mua, bằng giả... Nhưng một khi đã có học hàm rồi, họ vẫn có bổn phận xử sự như những thức giả chân chính. Đó là ý nghĩa sâu sắc của bức tâm thư liệt sĩ Hồ Tấn Anh đã để lại.
B) Sau các trí thức khoa bảng, thành phần xã hội được ông Hồ Tấn Anh chú ý là các sinh viên, học sinh, cùng toàn thể giới trẻ. Đây là một thái độ rất sáng suốt, rất thực tế. Là Huynh trưởng Tổ chức gia đình phật tử tỉnh Quảng Nam, đáng lẽ Ông phải nghĩ trước tiên tới các thanh niên, thiếu nữ phật tử và kêu gọi thành phần này tiếp tục tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo. Ông không thu hẹp vấn đề như vậy. Trái lại Ông hiểu rõ rằng quyền tự do tôn giáo chỉ là một khía cạnh của quyền tự do tín ngưỡng nói chung.Và ngay cả quyền tự do tín ngưỡng cũng chỉ là một phần của các quyền tự do căn bản của người công dân, nhất là dưới một chế độ vẫn coi nhân dân là chủ. Như vậy, cuộc tranh đấu giành lại tự do phải là một cuộc tranh đấu của toàn thể nhân dân, trong đó
giới trẻ đang học hay đã học xong, phải đóng vai tiền phong vì đó chính là tương lai của họ. Chính chúng tôi, trong một bài xã luận đã đăng trên tạp chí Khai Thác Thị Trường (Bài toán hòa bình hiện thời ở Việt Nam) cũng đưa ra một chủ trương tương tự. Chúng tôi lý luận rằng cuộc tranh đấu của các tín đồ tôn giáo chỉ chắc chắn thành công khi được đa số thanh niên, sinh viên, học sinh... hưởng ứng và nhập cuộc. Tôi đã căn cứ trên kinh nghiệm của nhiều nước ở Âu Châu cũng như ở Á Châu để chủ trương như vậy. Do đó tôi hoàn toàn tâm đắc khi đọc bức tâm thư - di chúc của huynh trưởng Hồ Tấn Anh.
Những giòng huyết lệ xuất phát từ đáy lòng của một người sắp tự thiêu có một sức truyền cảm mạnh gấp hàng nghìn, hàng vạn lần bài xã luận khô khan của tôi.  Nói đến giới trẻ, tôi thấy cần phân biệt những bạn trẻ đang sinh sống ở hải ngoại và  những bạn trẻ hiện ở quốc nội.
        Đối với các bạn trẻ ở hải ngoại, từ nhiều năm qua, tôi vẫn âm thầm lo ngại là vì hoàn cảnh, các bạn ấy có thể mất dần ý thức dân tộc, không còn tha thiết tới tương lai của quê cha đất tổ, không hiểu rõ lịch sử Việt Nam, không nói được tiếng Việt thông thạo, và tất nhiên không thể biết rõ các truyền thống, các phong tục của dân Việt. Họ dần dần hội nhập xã hội nơi cư trú, nghĩ mình là Mỹ, là Pháp, là Úc, là Anh v.v.. và hoàn toàn thờ ơ đối với mọi cuộc vận động tự do, tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam. Tôi đã lầm và rất mừng là mối lo ngại của tôi không có lý do nữa. Sau 26 năm, kể từ ngày chế
độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, khiến hơn một triệu người phải bỏ nước ra đi, tôi nhận thấy cộng đồng người Việt Hải Ngoại vẫn giữ nguyên ý thức dân tộc. Mặc dù sống phân tán ở nhiều nước, người Việt hải ngoại vẫn liên lạc thân thiết với nhau vẫn đồng tâm nhất trí bảo vệ cá tính dân tộc, vẫn tha thiết giữ vững lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ cùng bài quốc ca "Tiếng Gọi Công Dân", coi đó là những biểu tượng thiêng liêng của nguồn gốc chung. Nhờ có môi trường xã hội và tâm lý này nên giới trẻ, đa số sinh ở hải ngoại, vẫn không hề quên quê cha đất tổ.
        Một sự việc đã khiến cho tôi phấn khởi là từ mấy năm nay, các bạn trẻ đã thành lập được Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường. Tổ Chức này khéo léo xử dụng các phương tiện hiện đại để thông báo cho nhau biết rõ tình hình quốc nội. Các bạn quyết tâm lên đường tranh đấu cho quê hương, và rất có thể mai đây khi hoàn cảnh trở nên thuận lợi, một số đông sẽ hồi hương tái thiết xứ xở, để khỏi bị mỉa mai:

                        "Gáo vàng đem múc giếng tây
                     Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta!"

        Đảng Cọng Sản Việt Nam đã nhận thấy cái lợi nếu dụ dỗ được thật nhiều Việt Kiều trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn cao, về nước phục vụ. Ngay sau Đại Hội IX của Đảng, đầu tháng 7 vừa qua, Nhà cầm quyền đã quyết định mở một chiến dịch "kiều vận" chủ yếu hướng vào các chuyên gia trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết nhưng chưa có kinh nghiệm về sinh hoạt chính trị hiện thời ở quốc nội. Một khi những người này về nước, được đón tiếp long trọng như những kẻ "áo gấm về làng", rồi được bổ nhiệm vào những chức vụ có vẻ quan trọng trong bộ máy Nhà nước hay các xí nghiệp quốc doanh, dĩ nhiên họ sẵn sàng
chấp nhận một số lương rẻ mạt so với số lương bình thường họ có thể kiếm được ở hải ngoại. Nhưng dần dần họ mới thấy rằng họ bị kềm tỏa trong cái khung đảng trị cứng ngắc! Mọi quyền quyết định đều ở trong tay các đảng ủy. Khi thấy đám cán bộ này làm  bậy, chẳng hạn tham nhũng, chiếm công vi tư v.v.. họ chỉ có hai thái độ: hoặc là hùa theo để được chia chác - kiểu "theo voi ăn bã mía", hoặc là không đồng ý thì đành giả đui giả điếc để được yên thân. Muốn trở lại hải ngoại thì khó khăn vô cùng! Thật đúng với câu:
                        "Chót rằng tay đã nhúng chàm
                      Dại rồi còn biết khôn làm sao đây!"

        Bức tâm thư của Liệt sĩ Hồ Tấn Anh được đưa ra rất đúng lúc: đó là một tiếng chuông cảnh báo, lời khuyến cáo chân thành của một người biết rõ những thủ đoạn bất lương của Đảng Cộng Sản. Trước khi quyết định hồi hương phục vụ, các bạn trẻ ở hải ngoại cần phải đòi chế độ cộng sản hiện thời cải tổ toàn diện, phải dân chủ hóa thực sự. Chỉ sau khi chế độ đã thay đổi như vậy, các bạn hãy về!

        Bàn đến trường hợp của các bạn trẻ sinh sống trong nước, tôi không thể tránh một số thắc mắc: tôi có cảm tưởng là các bạn đó hiền lành quá, nếu so sánh với những kẻ cùng lứa tuổi ở Pháp, ở Hoa Kỳ, và ngay cả ở nhiều nước Á Châu như Đại Hàn, Nam Dương, Phi Luật Tân... Ở những nước vừa kể và chắc chắn ở nhiều nước khác nữa, giới trẻ rất năng động: mỗi khi nhà cầm quyền thi hành một biện pháp nào đụng chạm tới quyền tự do của họ - thí dụ tự do chọn ngành học, tự do hội họp, tự do chuyển dịch - hoặc khiến cho đời sống của họ khó khăn hơn - thí dụ tăng thêm học phí, không đủ chỗ trong học xá cho mọi sinh viên v.v.. , lập tức họ xuống đường biểu tình, diễn hành, chiếm đóng một vài quảng trường, một vài công thự, có khi còn thiết lập chướng ngại vật trên công lộ làm cản trở lưu thông! Nhà cầm quyền ở những nơi này ít khi dám đàn áp vì trong đám trẻ "xuống đường" thường có cả con cháu các "ông bự"!  Giới trẻ cũng luôn luôn tham gia các cuộc đấu tranh của nhân dân: họ coi đó là một quyền tự do căn bản của công dân. Họ cũng là một công dân và có bổn phận tham gia tích cực sinh hoạt của cộng đồng...

        Tại sao giới trẻ ở nước nhà lại thụ động, ngoan ngoãn chấp nhận kỹ luật Nhà nước cũng như kỹ luật học đường? Phải chăng từ tấm bé, họ đã bị đào luyện trong một cái khuôn cứng rắn do Đảng và Nhà Nước thiết lập, khiến họ mất hẳn óc phê bình cùng tính quật cường? Ở đây tôi nghĩ tới những tổ chức do Đảng Cộng Sản đặt ra để đoàn ngũ hóa mọi người ngay từ lúc còn thơ ấu: đoàn thiếu nhi quàng khăn đỏ, đoàn thanh niên, đoàn phụ nữ v.v.. Đây là những chặng đường đưa dần người ta đến các tổ chức ngoại vi của Đảng
Cộng Sản. Ở mỗi chặng, các cán bộ Đảng đã chọn lọc những phần tử coi là có đủ điều kiện để sau này được đưa vào Đảng. Do đó việc được chấp nhận làm đảng viên biến thành một sự thăng tiến xã hội. Đây là một kỹ thuật "ru ngủ" con người, làm tiêu diệt ý tưởng chống Đảng ngay từ lúc ý tưởng đó phôi thai. Một khi người thanh niên, sau bao năm cố gắng, đạt được mục đích là trở thành đảng viên, tất nhiên anh ta tha thiết bảo vệ tư cách đảng viên - nói khác, bảo vệ Đảng - vì đó là nguồn gốc của mọi đặc quyền, đặc lợi.

        Ra đời rồi trưởng thành trong một môi trường tâm lý như vậy, làm sao tầng lớp trẻ chẳng trở nên thụ động?
        Bức tâm thư của liệt sĩ Hồ Tấn Anh, dù thống thiết, chưa chắc gì có thể làm cho tầng lớp trẻ - ngoài Gia đình Phật tử - động tâm đi đến chỗ tham gia cuộc tranh đấu Cho Tự Do và Dân Chủ.
        Chính vì thế mà tôi cho rằng giới trẻ ở hải ngoại cần đóng vai trò yếu tố xúc tác để thực hiện công cuộc dân chủ hoá chế độ chính trị trong nước. Bằng mọi cách các bạn nên tăng cường liên lạc với giới trẻ quốc nội, nên cho họ biết rõ hiện trạng của giới trẻ ở các nước: có như thế họ mới ý thức được tình trạng lạc hậu của họ. Với những phương tiện và kỹ thuật truyền thông hiện đại, việc này tương đối dễ làm hơn xưa.
        Trên đây là một vài ý kiến đã đến với tôi nhân dịp đọc bức tâm thư của Ông Hồ Tấn Anh. Chúng ta đừng để phụ lòng một vị liệt sĩ đã đem thân mình làm bó đuốc để soi sáng lương tâm chúng ta, đã đặt tin tưởng nơi chúng ta để hoàn thành sự nghiệp cứu nguy dân tộc./.
                                                                                Vũ Quốc Thúc

 

No comments: