Saturday, September 8, 2012

.GS NGUYỄN CAO HÁCH * TRUNG CỘNG ĐE DỌA NẶNG NỀ

TRUNG CỘNG ĐE DỌA NẶNG NỀ

GS NGUYỄN CAO HÁCH
 
Cộng Sản VN hiểu rõ hơn ai hết, là không vừa lòng Trung Cộng thì địa vị độc tôn tất không sao duy trì được, mà ngay cả giang san cũng không vững gì. Vì thế, phải cắt đất hiến dâng.
Sự đe dọa đó lan khắp vùng Đông Nam Á, xuống tận Nam Dương.
Ngày nay sự đe dọa đó đã bắt đầu tràn sang Mỹ Quốc. Nó xuất hiện rõ ràng trong mậu dịch quốc tế (international trade). So sánh xuất nhập cảng giữa Mỹ và Trung Cộng, ta thấy ngay là, trong mấy năm gần đây, Mỹ năm nào cũng bị khiếm hụt ngoại thương, vì giá trị tổng số nhập cảng từ Trung Cộng tới thực quá lớn so vùi giá trị tổng khối xuất cảng từ Mỹ sang Trung Cộng.
Số sai biệt là khiếm hụt ngoại thương, mỗi năm khoảng 20 tỉ Mỹ Kim. Số nợ đồng niên đó cứ tăng dần dần. Theo thống kê chính thức thì tới tháng 4 tài khóa 2005, khiếm hụt ngoại thương của Mỹ là 230 tỉ Mỹ Kim.
Nếu Trung Cộng cứ dùng số ngân khoản tiệm tăng đó để mua công khố phiếu (Treasury Bonds) thì Mỹ cũng không có gì đáng lo ngại quá, vì công khố phiếu là một ngân khoản thụ động, bởi Trung Cộng không thể dùng nó để gây một ảnh hưởng kinh tế hay chính trị gì.
Nhưng nay tình thế bổng nhiên biến chuyển.
Một công ty Tàu, với một tên rất khó đọc là CNOOC Ltd. muốn mua một công ty dầu hỏa Mỹ là Unocal Corp., bằng cách thi nhau tăng giá với một công ty dầu hỏa Mỹ khác là Chevron Corp.
Bài toán hoàn toàn thay đổi.
Vì nếu Trung Cộng cứ để món tiền khổng lồ và tiệm tăng 230 tỉ Mỹ Kim dưới hình thức công khố phiếu, thì nó vẫn là một món nợ thụ động, vì nó không gây ảnh hưởng gì đáng kể với đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của Mỹ. Không có ảnh hưởng kinh tế vì nó không có liên hệ gì với mức hoạt động của các công ty Mỹ. Không có ảnh hưởng xã hội vì nó không xác định mức nhân dụng (employment level). Và vì thế, số khiếm khoản qua công khố phiếu không có tương quan gì với đời sống chính trị, và không bao giờ được đưa ra bàn tại Quốc Hội.
Nay Trung Cộng muốn dùng 18. 5 tỉ Mỹ Kim để mua trọn một công ty dầu hỏa Mỹ, hãng Unocal Corp., thì tình thế thay đổi hẵn. Vì Unocal Corp. nằm ngay trong nội địa Mỹ, mà lại sản xuất dầu hỏa, một thứ nhiên liệu rất cần cho đời sống toàn quốc, thành ra Trung Cộng sẽ có thể tác động đến đời sống toàn quốc của Mỹ. Trung Cộng chỉ cần ngưng sản xuất là lập tức tăng số người thất nghiệp, tăng khối lượng dầu hỏa mà Mỹ phải nhập cảng để thay thế, và do đó gây áp lực với các chính khách Mỹ để that đổi toàn diện.
Nếu cứ biến chuyển mãi theo chiều hướng này thì độc lập quốc gia sẽ thành một khẩu hiệu rỗng tuéch, vì khiếm hụt ngoại thương (trade deficit) sẽ cứ tăng dần, số Mỹ Kim Trung Cộng tích trữ ngay trong công khố Mỹ cứ tăng mãi, và do đó Trung Cộng sẽ mua các công ty Mỹ và làm chủ tình thế, nền độc lập quốc gia sẽ bị đe dọa nặng nề.
Trong văn chương chuyên môn bàn về vấn đề này, người ta phân biệt portfolio investment (đầu tư công khố phiếu) và direct investment (đầu tư trực tiếp). Loại thứ nhất có tính cách thụ động và không gây ảnh hưởng gì cho mức hoạt động kinh tế và mức nhân dụng nói chung. Loại thứ hai, nếu nó đủ trọng lượng,, rất dễ gây ảnh hưởng trầm trọng và là một phương tiện để gây ảnh hưởng chính trị.
Mỹ đã bắt đầu nếm mùi chua cay rồi, vì Trung Cộng có một công ty điện toán khổng lồ là hãng Lenovo Group Ltd., đã mua ngành Personal-computer của hãng IBM (International Business Machines Corp.).
Nói tổng quát thì, trong khoảng 14 năm vừa qua, mỗi năm Trung Cộng đầu tư trực tiếp không quá hai tỉ Mỹ Kim. Số đầu tư trực tiếp không quá lớn, nên dư luận đại chúng tại Mỹ chưa tới mức báo động, nhất là các vụ đầu tư trực tiếp đó phần nhiều lại do một công ty Ăng-lê tại Hương Cảng, hãng Tommy Hilfiger Corp., thực hiện; mà mãi tới 1997, Hong Kong mới được trả lại Trung Cộng.
Vì các lẽ đó, dư luận tại Mỹ nói chung chưa tới mức báo động
Ta có thể đoán là tại Mỹ giới thức giả đã hiểu biết vấn đề từ lâu. Vì lý thuyết kinh tế tư bản đề cao chủ nghiã kinh tế tư bản tự do bành trướng. Mà toàn cầu gồm những xứ tự do kiếm lợi, thì tất nhiên cuộc chinh phục (dù không bằng quân sự) không sao mà tránh được.
Người ta vẫn ví phát triển kinh tế với một cái thang. Khi một xứ còn đứng cuối thang, đâu có khả năng gì để chinh phục thị trường ngoài biên giới xứ mình? Khi đã tiến khá cao và khá xa, phương tiện cứ tăng dần để dòm ngó ra ngoài biên giới!
Cũng chẳng nên trách gì Trung Cộng cứ lăm le nuốt sống Việt Nam. Lỗi là bởi giới cầm quyền VN cứ muốn bảo đảm mối lợi cá nhân và bè đảng bằng sự hy sinh quyền lợi dân tộc.
Tương quan giữa Mỹ và Trung Cộng cũng thế. Nếu Mỹ không đề phòng thì, một ngày kia, Trung Cộng sẽ thôn tính ít nhất một phần của đời sống kinh tế Mỹ.
Phản ứng của Mỹ còn quá yếu ớt. Vì nguồn gốc của vấn đề là khiếm hụt ngoại thương. Bộ Trưởng Ngân Khố Mỹ là John Snow (Treasury Secretary John Snow) đề nghị với chính phủ Bắc Kinh là tăng hối suất đồng Viên (tiền Trung Cộng) đối với Dollar, nghiã là tăng giá hàng Trung Cộng bán sang Mỹ, để giảm bớt số Mỹ nhập cảng, và do đó khiếm hụt ngoại thương sẽ giảm bớt, vì đồng thời, xuất cảng Mỹ sang Trung Cộng sẽ tăng.
Mạnh dạn hơn, Bộ Trưởng Quốc Phòng (Secretary of Defense Donald Rumsfeld) báo hiệu toàn dân là chi phí quân sự của Trung Cộng tăng qúa nhiều và quá mau. Phải chăng Trung Cộng mưu đồ xâm chiếm xứ nào, nếu không phải là trực chiến với Hoa Kỳ?
Quốc Hội Mỹ cũng đã bắt đầu bàn vấn đề thuế nhập cảng.
Rồi giới kinh tế tư nhân cũng bắt đầu có phản ứng mạnh mẽ. Ngân hàng Bank of America điều đình trả 2 tỷ rưỡi Mỹ Kim để mua 9% cổ phần của Hãng China Construction Bank - do chính phủ trung ương Trung Cộng điều khiển. Đành rằng chưa đến 10% số vốn thì chưa thể gây ảnh hưởng quyết định gì, nhưng ít ra nó cũng cho quyền tham dự vào các quyết định quan trọng.
Để trấn an luồng dư luận bắt đầu xôn xao về mưu đồ quá rõ của Trung Cộng, Alan Greenspan, Chủ Tịch Federal Reserve System, khuyên Quốc Hội đừng quá vội vàng vì tình thế chưa đến độ gây cấn: “Điều cốt yếu là ta không nên ràng buộc tương lai bằng một bước thối lại chế độ bế quan tỏa cảng” (It is essential that we not put our future at risk with a step back into protectionism).
Trước dư luận xôn xao đó, Quốc Hội chưa có quyết định gì rõ rệt.
Nói tổng quát, luật pháp để chính phủ của TT Bush toàn quyền quyết định về mọi khoản đầu tư ngoại lai. Nguyên tắc quan trọng (main criterion) là xét xem có đủ chứng cớ đáng tin hay không (credible evidence) là nhóm ngoại lai có mưu đồ xâm phạm an ninh quốc gia (credible evidence that a foreign owner might take action that threatens national security) của Mỹ.
Chính phủ và dân chúng Mỹ đang hết sức quan tâm về vấn nạn trọng đại trên trong lúc này.

No comments: