Sunday, September 9, 2012

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN * THƠ PHÙNG CUNG

Thơ Phùng Cung
Saturday, May 08, 2004 

 Nguyễn Đình Toàn



Tuy được in chung trong tuyển tập truyện ngắn, nhưng “Trăng Ngục” của Phùng Cung là một phần riêng biệt.

Có thể coi “Trăng Ngục” như tập nhật ký trong tù của Phùng Cung. Một tập nhật ký không đề ngày tháng.

Những người từng bị ở tù cộng sản rồi, ở tù mà không biết vì sao, không xét xử, không án lệnh, không biết bao giờ được tha, sẽ hiểu rằng sau một năm, hai năm, và càng lâu hơn, người ta càng không còn để ý hay biết đến ngày tháng nữa. Người ta tồn tại chứ không còn sống nữa. Và tồn tại trong những điều kiện gần như không một con vật nào chịu đựng nổi chẳng hạn chỉ làm chứ không được ăn, đừng nói đến những cái khác.

Dấu hiệu duy nhất để người ta biết chắc mình còn sống trong những ngày địa ngục ấy là người ta còn suy nghĩ được.

Thơ của Phùng Cung là những điều ông suy nghĩ trong những ngày như thế.

Những ngày như thế là một chuỗi trắng, một cái khuôn, hay dùng chữ của Ôn Như Hầu cái “lò cừ” [lò cừ nung nấu sự đời] không cần ghi dấu.

Trong bài “Vay Nóng”, Phùng Cung viết:

Đất nước tôi

Triền miên bất hạnh

Tụi mặt dày - tay bẩn

Tim rắn - lời cừu

Văn hóa lớp hai

Điều hành cuộc sống

Tránh làm sao
Khỏi nát ngọc nhân quyền

Nhân danh một nạn nhân

Đứng giữa mênh mông

Cùm lim - rào kẽm

Khản cổ - chìa tay

Khấn xin những quốc gia

Văn minh - từ thiện

Cho dân Việt Nam tôi

Vay nóng chút dân quyền

“Vay nóng”? Lâu lắm người ta mới được đọc, mới được nghe lại hai cái từ buồn bã đó. Vay nóng. Vay xổi. Vì cần thiết quá. Tự mình không còn biết kiếm ở đâu ra nữa. Vay cũng hàm ý là sẽ trả. Trông cậy vào đâu để trả chỉ có người vay biết.

Thật tàn nhẫn khi đọc những lời như thế, viết trong những hoàn cảnh như thế, mà người ta lại muốn nó phải hay, phải văn chương, phải có ý mới, hình tượng mới, ngôn ngữ mới...

Đáng lẽ vấn đề chỉ nên được nêu ra là: làm thế nào con người có thể sống được, tồn tại được trong hoàn cảnh như thế?

Thơ cứu rỗi người ta chăng?

Trước mắt trẻ thơ, mỗi tinh cầu chỉ là chấm nhỏ

Càng tối đen càng nhìn rõ xa/xanh

Mắt phàm tục đăm đăm vương chút lệ

Chút lệ này xuất hành từ trí tuệ con người

Hỡi biển cả

Diện tuy rộng nhưng thiếu những giác quan cần thiết

Lòng tuy xanh - sâu

Xanh sâu đầy mặn chát

Bỏ mất mênh mông, chuốc lấy ồn ào

Tự thao túng - cái thói hư nộ cuồng sóng vỗ

Trống trải bơ vơ, chiều quả phụ

Bình minh vô vọng phương mờ

Ôi! Bao yên lặng thanh cao

Đều chìm lặn trong thét gào man rợ
Thì nhắm mắt, bưng tai

Nhưng phải đâu khiếp sợ

Chỉ điếc đui vừa đủ, để làm ngơ

Ai cho phép ngươi tự dành phần hương hỏa nhỏ to

Một giọt nước

Vẫn tình nguyện tách đôi

Để cùng thấy rõ

Vậy dẫu vô cùng lớn lao gì đó

Ta chỉ yêu cầu phải hài hòa
Với vô cùng bé nhỏ mà thôi!

Điều khiến người đọc rùng mình khiếp sợ tự hỏi, thế những người vợ, những đứa con, người ta đi công tác vài ba năm, có khi dăm bảy năm mới được phép về thăm nhà một lần/ để lại/ đâu/ không thấy nhà thơ nhắc đến nhỉ?

Tổ quốc, quê hương, ý nghĩa cuộc đời là những điều to lớn đã chiếm hết tâm trí người ta hay sự thực là người ta phải quên những điều nhỏ bé kia đi mới sống nổi?

Tổ quốc ư?

Đây là những lời Phùng Cung nói với tổ quốc:

Tổ quốc kính yêu ơi

Văn hiến - thuần phong - mỹ tục

Phút chốc bàn tay cộng sản dập vùi

Định nghĩa - tên người

Tôi không nói được

Nếu bị dồn hỏi
Tôi chỉ có thể trả lời

Bằng hai hàng nước mắt

Tổ quốc kính yêu ơi!

Quê hương ư?

Đây là những điều Phùng Cung nói với quê hương:

Quê hương ơi!

Đường quan lầy nước mắt

Điệu sáo hết du dương

Mây chìm, gió ngủ

Chiều nắng da bò

Vẫn nhằm biên giới ưu tư

Rầu rầu đổ bộ

Sông sâu bặt tiếng gọi đò

Chim hãy giùm ta

Gọi cành xanh ngóc dậy

Quê hương thấy lại quê hương

Ý nghĩa cuộc đời ư?

Còn có gì quan trọng hơn sống, chết?
Phùng Cung nói về sống chết như sau:

Sống quá khó khăn

Chết chẳng dễ dàng

Ta phải sống

Vì ta còn phải chết

Ơi! Những cánh buồm xanh biếc

Ngược dòng ngân - lộng gió

Có phải đang đưa những oan hồn

Về bên Thượng Đế chí nhân?

Thơ Phùng Cung là những gì được vắt ra từ trí não và tàn lực của một người, bị treo giữa đời sống và cái chết, hay nói như chính ông: “Sống quá khó khăn, chết chẳng dễ dàng”. Nó là những tiếng kêu thất thanh nhưng lại chỉ thốt ra trong yên lặng, bằng chữ viết. Những câu thơ người ta có thể phải trả giá bằng mạng sống. Và, quả thật ông đã trả giá bằng chính mạng sống của mình. Những câu thơ như vậy, chúng ta phải đọc thế nào cho phải đây?


Nguyễn Đình Toàn

No comments: