Monday, October 17, 2016

TẾT VIỆT NAM

Thursday, February 7, 2013

NGUYỄN KHÔI * CHÙM THƠ TẾT




           Chùm thơ tết
     TẶNG CÁC BẠN THƠ
                 -----
*1- BÁNH CHƯNG
Không Bánh Chưng
Là không có Tết
Tiêu vong dòng giống Lạc Hồng.
Tết 
bóc Bánh Chưng
ngùi thương ai tha phương
Tết trông vời cố hương.
*2-        TẾT
  Tết còn có rượu, có hoa
Dưa hành, thịt mỡ...đượm đà Bánh Chưng
  Tết vui có vợ có chồng
Nhớ con xa xứ cách trùng đại dương.
*3-   CÚNG DƯỜNG
  Tịnh chay, lễ Phật "cúng dường"
Ngộ ra cái Lẽ vô thường là chi ?
   Chẳng cầu phù hộ độ trì
Khói hương giải nỗi sân si đoạn trường
Tịnh chay, lễ Phật "cúng dường"...
*4-     THẢ THƠ
   (Nhớ Nhà thơ Duy Phi)
  Thả thơ về bến sông Thương
Để ai người nhớ mà vương vấn hồn
  Ai người gánh nước chiều hôm
Vục thùng nước biếc khuấy luồng sóng Thơ.
*5-      GIAO THỪA
  Giao thừa mình tự chúc mình
Cái tóc thêm bạc, cái tình thêm xanh
  Nâng ly cụng bác "Truyền Hình"
Đón xuân trên sóng Vệ Tinh rực hồng.
     Hà Nội , xuân tết 2013-Quý Tỵ
             Nguyễn Khôi
 
Chùm thơ về Xứ Thái tôi thương
(Tặng : Nhà thơ Cầm Hùng -Sơn La & Vân Hạc-Yên Bái)
           ------
*1-        NHỚ
  Nhớ về Mường Bản quê em
Nắm xôi chấm "chéo" để thèm mùi măng
  Canh chua ngọt miếng Gà rừng
Ngồi bên bếp lửa bập bùng thêm yêu.
 
*2-     CHIỀU
  Chiều buông đứng lặng bên cồn
Cánh chim chở ánh hoàng hôn về rừng
  Lửa nhen Bản xóm tưng bừng
Mõ trâu lốc cốc, chó mừng sủa vang...
*3-        TỐI
  Tối về Nà Pát bản xa
Mưa rào tiếng Ếch thiết tha trên đồng
  Đêm xuân cho vợ nhớ chồng
Nằm nghe Ếch gọi nao lòng Ếch ơi !
*4-        TẾT
  Tết về rừng trắng Hoa Ban
Tiếng chim ríu rít đầu sàn mừng xuân
  "Kin chiêng" bản xóm quây quần
Vòng Xòe quanh hũ rượu Cần ngả nghiêng...
*5-    NGỦ NHÀ SÀN
  Nhà sàn đệm sát liền kê
Mùng đen kín mít mẩn mê Thiên Đường
  Ai nghe kèo cột yêu thương
Xem chừng xao xuyến Lều nương đổ nhào ? !
*6-       VỌNG
  Từ xa Mường Bản thân yêu
Nhà cao Phố Thị chiều chiều vọng trông
  _Ải Êm hiu hắt bên rừng
Bở lau khói tỏa mây tầng bồng bênh...
*7 -     VĨ THANH
  a, Người ta vọng chức quên tình
Tôi nay phố Vọng một mình vọng Em...
                    (2000)
  b, Đêm phố Vọng có Người Thơ vô vọng
      Gà rừng nuôi ...xao động gáy vu vơ...
                    (2012)
        
      Phố Vọng Hà Nội - xuân 2013
            Nguyễn Khôi
 

XUÂN HẢI NGOẠI

Tân Ngoại trưởng Mỹ chúc Tết Nguyên Đán

Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.
CỠ CHỮ
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry thay mặt nhân dân Mỹ chúc mọi người trên thế giới đang đón chào Tết Nguyên Đán vào ngày 10/2 dương lịch tới đây một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/2 nói hàng triệu người đang trên đường về đoàn tụ với thân nhân để đón Tết âm lịch và nhiều gia đình tại Mỹ cũng họp mặt để chào đón năm mới.

Ông Kerry cho rằng những sinh hoạt đón Tết của cộng đồng gốc Á tại Mỹ làm nổi bật sự đa dạng của văn hóa-xã hội Hoa Kỳ và sự gắn kết chặt chẽ giữa dân Mỹ với các dân tộc khác trên khắp thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ nói ông cùng Tổng thống Barack Obama hy vọng củng cố mối quan hệ ngày càng vững mạnh hơn giữa Hoa Kỳ với người dân khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thông qua các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện an ninh khu vực, và thăng tiến tình hữu nghị hợp tác giữa các dân tộc.

Ông John Kerry chúc mọi người thành công trong năm mới Quý Tỵ trong lúc tiếp tục chung sức thắt chặt quan hệ đối tác và tìm giải pháp cho những thử thách đang đối mặt.

Ông Kerry tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ hôm 22/1 sau khi bà Hillarry Clinton rời cương vị Ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ với nhiệm kỳ 4 năm.
http://www.voatiengviet.com/content/tan-ngoai-truong-my-chuc-tet-nguyen-dan/1598997.html 

 


 Người Việt tại quận Cam đón Tết Quý Tỵ
2013-02-07
Được xem là một trong những nơi tập trung người Việt đông nhất Hoa Kỳ, nên không khí đón Xuân Quý Tỵ tại Little Saigon cũng rộn rã, náo nhiệt hơn rất nhiều so với nhiều nơi.

RFA screen cap/Bolsa TV
Các bạn trẻ mặc áo dài đi chợ Tết ở Little Saigon ngày 31 tháng 1, 2013
Thông tín viên Ngọc Lan mô tả lại không khí chuẩn bị đón Tết của người Việt tại quận Cam, miền Nam California.

Tải xuống - download
Không khí Tết tràn ngập mọi gia đình người Việt
Ngay từ giữa tháng Giêng, nhiều ngôi chùa và nhà thờ quanh vùng Little Saigon đã bắt đầu tổ chức gói bánh chưng, bánh tét. Nhiều gia đình không mua bánh chưng bánh tét bên ngoài, thì tự ngâm nếp, ngâm đậu, xào nhân, lau lá, cùng nhau gói bánh để con cháu có dịp hiểu thêm về không khí Tết cổ truyền của tổ tiên.
Và bao giờ cũng vậy, người dân Little Saigon thật sự cảm thấy Tết đến thật gần khi những gian hàng chợ hoa ngay trước Phước Lộc Thọ bắt đầu khai trương. Không chỉ người địa phương, mà từ nhiều thành phố khác, tiểu bang khác, người ta đổ về Phước Lộc Thọ, rộn ràng, náo nhiệt để tận hưởng hương vị Tết từ những khóm cúc vàng rực, những nhánh lan kiêu sa, hay cành đào chớm nụ, bên những bụi mai hàm tiếu, để nhìn những hàng bánh mứt nào hạt sen, củ năng, mứt bí, mứt gừng, mứt dừa, mãng cầu, nào củ kiệu, dưa món, dưa hành, những quầy trái cây đủ món “cầu, dừa,đủ, xài”, và để nghe tiếng pháo giòn giã từ rất lâu vắng tiếng nơi quê nhà.
Tuy không phải là một dịp lễ lạc chính thức theo văn hóa người bản xứ, nhưng hầu như người Việt Nam nào sống quanh vùng Little Saigon cũng ít nhiều đều chuẩn bị cho mình một cái Tết theo phong cách xưa nay.

Khu vực bán Hoa lan ở chợ Tết Cali. Photo Ngoc Lan RFA
Khu vực bán Hoa lan ở chợ Tết Cali. Photo Ngoc Lan RFA
Là người sống ở Mỹ hơn 10 năm, nhưng cô Shu Lưu, nhân viên văn phòng một công ty địa ốc ở thành phố Fountain Valley, nói “đây là năm đầu tiên của mọi việc chuẩn bị Tết theo phong tục Việt Nam.” “Thật ra từ trước tới giờ em chưa bao giờ chuẩn bị Tết hết, nhưng từ hồi có người chị từ Châu Âu sang, mà chị thì truyền thống hơn em. Nên cũng cắt hoa đào trồng trước nhà vào trang trí trong nhà, có đi chợ hoa với mẹ và chị gái lựa hoa lan để chưng ngày Tết. Tối Ba Mươi  mấy mẹ con cũng có một bữa cơm gia đình, nấu những món hồi nhỏ mẹ em hay nấu như thịt kho tàu, có trứng, cũng có làm dưa chua, làm củ kiệu. Năm nay có đổi mới một chút là biết có người quen làm bánh chưng và bánh tét nên có đặt sẵn bánh chưng và bánh tét và bánh ú nữa. Chắc là đến cuối tuần này sẽ có một bữa thật là thịnh soạn.”

Anh La Quốc Tâm, kỹ sư Hóa, sống cách xa khu Little Saigon chừng một giờ lái xe, chia sẻ, “Năm nay mẹ bên New Jersey và mấy đứa em bên Arizona qua chơi để ăn Tết chung luôn, năm nào cũng vậy. Cũng dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chưng bày, đi chợ Tết Phước Lộc Thọ mua mai về cho có vẻ Tết một chút. Cũng bánh chưng bánh tét, còn trái cây thì mua ở chợ Mỹ, cứ thấy trái cây nào tươi tốt thì chưng chứ cũng không theo năm món cầu dừa đủ xài”

Hơn 30 năm ăn Tết tại Mỹ, cô Trần Bội Phương, một cô giáo dạy Việt Ngữ của trung tâm Hồng Bàng, cho biết, “Năm này cũng như mọi năm, mình qua Mỹ hơi lâu, gia đình cũng không có nhiều thành ra ở nhà chỉ có vợ chồng con cái thôi nên cũng đi mua bông mua hoa chưng trong nhà. Ở Cali cái gì cũng đầy đủ thành ra mình tha hồ ra đó thích gì thì mua. Năm nay tôi không mua bánh mứt vì thấy có nhiều màu mè nghe nói bỏ nhiều độc phẩm nên cũng ngại. Mà mua thì cũng không có ai ăn. Chỉ có mua trái cây chưng lên. Từ thứ Bảy tuần rồi là tôi đã kho thịt rồi nên mình ăn trước Tết.”
Tết tốn kém hơn so với các dịp Lễ khác

Bánh chưng, bánh tét, dưa mắm, bánh mứt
Bánh chưng, bánh tét, dưa mắm, bánh mứt cho ngày Tết được bày bán khắp chợ. Photo Ngoc Lan RFA 
Dù chỉ là một dịp lễ hội trong cộng đồng người Việt nói riêng và châu Á nói chung, nhưng chi tiêu của người dân nơi đây trong dịp Tết lại có phần tốn kém nhiều hơn so với dịp Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Anh Tâm nhẩm tính, “Tết Việt Nam thường xài tiền nhiều hơn Christmas hay Thanksgiving tại vì cái gì cũng mua, cái gì cũng xài nhiều hơn. Thường Tết không gọn về một kỳ cuối tuần, Tết chạy dài gần cả tháng. Nhiều cộng đồng tổ chức Tết nên gia đình cũng muốn ra ngoài chơi, chẳng hạn như cách đây hai tuần đã đi chợ Tết của người Hoa rồi. Rồi tới chợ hoa Phước Lộc Thọ cũng mới mở ra tuần rồi, cuối tuần này là Tết chính. Cho nên tiền đi ra ngoài chơi đi ăn uống nhiều hơn là những lễ khác.”
Có người không tốn kém tiền bạc vào việc ăn uống nhưng tiền gửi về cho thân nhân còn ở Việt Nam là một khoản đáng kể.
Tôi nghĩ chi tiêu cho Tết nhiều hơn vì trước Tết tôi còn lo gửi tiền về bên Việt Nam, mộ phần ông bà cha mẹ. Năm nay lại đóng lạp xưởng, đồ ăn bên này gửi về, vì ở Việt Nam bây giờ ngại lắm, không dám ăn mấy cái đó nữa. Tết tiêu nhiều hơn
Cô Bội Phương
Cô Bội Phương cho biết, “Tôi nghĩ chi tiêu cho Tết nhiều hơn vì trước Tết tôi còn lo gửi tiền về bên Việt Nam, mộ phần ông bà cha mẹ. Năm nay lại đóng lạp xưởng, đồ ăn bên này gửi về, vì ở Việt Nam bây giờ ngại lắm, không dám ăn mấy cái đó nữa. Tết tiêu nhiều hơn.”
Đêm Giao Thừa và Mùng Một Tết Quý Tỵ rơi vào Thứ Bảy, Chủ Nhật cũng là cơ hội để người dân nơi đây có thêm thời gian thong thả đón Xuân cùng người thân.
Cô Shu Lưu dự tính, “Năm nay Tết cuối tuần em định thứ Bảy sẽ cho mấy đứa nhỏ đi dạo phố Tết, có thể sẽ đi xem diễn hành Tết năm nay. Rồi lái xe đi thăm bà  con, chúc Tết vì em cũng muốn con bé ở nhà cũng lớn nên muốn cho nó biết truyền thống đi chúc tết, đến nhà lấy lì xì.”
Kế hoạch đi chơi Tết của gia đình anh La Quốc Tâm là : “Thứ Bảy này muốn đi hội chợ Tết sinh viên chơi. Đii chợ hoa lần cuối trước khi đóng 30 Tết. Sau đó thì đi chùa Điều Ngự, trước là xem văn nghệ, đón Giao Thừa luôn. Còn Chủ Nhật thường chạy ra Phước Lộc Thọ cho mấy đứa nhỏ coi múa lân, rồi ăn chay đầu năm, rồi đi chùa vậy thôi.”
Tết Nguyên Đán tại Little Saigon, với Hội Chợ Tết Sinh Viên, với chương trình đón Giao Thừa long trọng tại nhiều ngôi chùa quanh vùng, với diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa, với triển lãm của Hội Hoa Lan, và với tưng bừng tiếng pháo làm ấm lòng thêm rất nhiều cho những người Việt Nam sống xa quê trong những giờ phút thiêng liêng này.
 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tet-vn-in-cali-02072013061814.html

 Houston những ngày trước Tết Quí Tị
2013-02-06
Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, thời tiết Houston bỗng ấm áp như khí hậu Tết của Sài gòn năm xưa. Nhiều buổi hội chợ tại các chùa với ca nhạc đón mừng Xuân Quí Tị, có rất đông người tham dự.

RFA file
Chợ Tết cộng đồng người Việt ở Houston, Texas

Tải xuống - download
Những niềm vui Tết phương xa
Năm nay, đúng ngày 23 tháng Chạp, người Việt Houston còn được thưởng thức hai tuồng cải lương về vua Quang Trung và danh tướng Lý Thường Kiệt do đài truyền hình Tuổi Trẻ Hải Ngoại tổ chức với tên gọi "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng".
Ông Quốc Bình, giám đốc đài truyền hình Tuổi Trẻ Hải Ngoại cho biết lý do  tổ chức chương trình "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng":


Chúng tôi chọn có hai ý nghĩa; một là cải lương cũng rất đậm đặc nét văn hóa Việt Nam, thứ hai là nếu chúng ta để ý những tuồng cải lương thì có rất là nhiều tình tự dân tộc. Đó là những điều chúng tôi muốn chuyển tải đến đồng hương, nhất là người Việt hải ngoại ngày nay
Người dẫn chương trình Hưng Yên đã tóm tắt thời kỳ vua Quang Trung đánh quân Thanh để khán giả tiện theo dõi:


Tết năm đó là năm Kỷ Dậu. Vua Quang Trung cho lính ăn Tết trước, ăn Tết sớm và thêm một chiến thuật thần tốc là cứ 3 người 1 võng, cõng nhau để quân lính có thời gian nghỉ và ngủ. Bánh tét là thức ăn mà vua Quang Trung đã chọn cho binh lính là vừa ngon lại vừa no, vừa bổ lại vừa dễ đem đi. Trước khi ra trận, vua Quang Trung đã nói rằng là: "đánh cho sử tri Nam Quốc Anh Hùng Chi Hữu Chủ" tức là "đánh cho chúng biết Nước Nam anh hùng có chủ"
Cải lương cũng rất đậm đặc nét văn hóa Việt Nam, thứ hai là nếu chúng ta để ý những tuồng cải lương thì có rất là nhiều tình tự dân tộc. Đó là những điều chúng tôi muốn chuyển tải đến đồng hương, nhất là người Việt hải ngoại
Ông Quốc Bình
Nhiều khán giả đã bày tỏ sự xúc động khi được xem cải lương và mong muốn sẽ còn được xem thêm những vở tuồng về lịch sử Việt Nam.
Không khí Tết không chỉ chan hòa tại những nơi có ca nhạc hay cải lương mà tại các chợ Việt Nam, dù lớn hay nhỏ cũng bày bán bánh mứt, hoa tươi và cây cảnh tạo nên khung cảnh rất Tết. Trong khuôn viên rộng lớn của chợ Hồng Kông thuộc khu Tây Nam thành phố, bác Vũ Văn Dần đang ngắm nhìn những chậu Lan với chiếc máy ảnh trên tay:
Tôi đi mua mấy món đồ cho Tết, mua bánh chưng, giò chả, hoa, ... Muốn chụp vài phong cảnh sinh hoạt chợ Tết nhưng mới chụp được vài tấm hình thôi. 


Bánh chưng bánh tét bày bán la liệt tại các chợ ở Houston
Bánh chưng bánh tét bày bán la liệt tại các chợ ở Houston những ngày gần Tết. Photo HienVy, RFA
Còn cô Jennifer cho biết là phải lái xe 6 giờ đồng hồ để sắm tết: Em ở McAllen lận, em đi lên đây để mua đồ về ăn Tết. Mua bánh tét, mứt dừa, mứt gừng, những món mứt nào mà ở bên Việt Nam từng ăn qua trong những ngày Tết, mua dưa nón nữa ...
Với bó hoa màu đỏ rực rỡ trong tay, bác Nguyễn chia sẻ rằng ngày Tết phải có hoa quả, bánh mứt:
Ngày 30 Tết là ngày mà phong tục của Việt Nam là cúng ông bà thì phải mua mứt, bánh, trái cây ngũ quả để chưng trên bàn thờ. Hoa này là hoa lai ơn (glaieul) Đà lạt.
Cô Nhi thì đang lựa những trái cây cho mâm ngũ quả cúng Tết:
Em mua dừa để cúng ngũ quả, gồm có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài ...
Trong khi đó bác Tú cho biết là đi chợ mua vật liệu để về làm cỗ cúng Tết:
Ngày 30 Tết là ngày mà phong tục của Việt Nam là cúng ông bà thì phải mua mứt, bánh, trái cây ngũ quả để chưng trên bàn thờ. Hoa này là hoa glaieul Đà lạt
bác Nguyễn
Đi chợ Hồng Kông mua đồ chay để nấu chay cúng ngày mùng Một, còn 30 thì cúng mặn. Cúng tới ba bữa Tết luôn
Người Việt tha hương vẫn luôn nhớ về quê mẹ
Và bác Tú nói rằng Tết ở Mỹ không vui như ở Việt Nam
Ở Việt Nam mình thì ngày Tết vui hơn ở đây nhiều


Khu vực bán bánh mứt tại chợ Hông Kông những ngày Tết
Khu vực bán bánh mứt tại chợ Hông Kông ở Houston những ngày Tết 2013.
Nhưng bác Nguyễn thì không đồng quan điểm với bác Tú: Tết ở Việt Nam và ở đây khác nhau. Ở đây thật ra mình không lo cái ăn cái uống nên không chật vật. Còn ở Việt Nam thì mình đã qua những giai đoạn rất là khổ, nhất là sau 1975 chẳng hạn, thì mỗi lần Tết đến rất là khổ, đến nổi như tụi tui đến ngày 30 Tết, mới có thể có đồng tiền để mua áo, mua quần cho con. Ở Việt Nam người ta khổ vì cuộc sống chật vật. Những người nghèo thì họ lo ghê lắm.
Thí dụ ít nhất thì Tết cũng phải có một cái gì như cái hoa trên bàn thờ hay cái bánh để cúng ông bà tổ tiên. Thành ra dù nghèo thế nào cũng phải cố gắng để mà có. Cho nên Tết ở Việt Nam nhân tình thế thái nó khổ, còn ở đây thì không có lo gì cả vì cuộc sống đầy đủ quá
Thấy mọi người nôn nức đi mua bán, lo tổ chức Tết làm mình nhớ lại. Quanh đi quẩn lại thì ở tại Houston này thì chỉ có chỗ này là có nhiều phong cảnh, sinh hoạt nhắc nhở mình đến những cái Tết ngày xưa thôi
bác Dần
Còn bác Dần thì chia sẻ rằng vì muốn nhớ lại khung cảnh Tết ở quê nhà nên bác đi chợ Tết với ba người con gái của Bác:
Chắc chắn là có rồi. Muốn gợi lại cái đó nên mới đi. Thấy mọi người nôn nức đi mua bán, lo tổ chức Tết làm mình nhớ lại.  Quanh đi quẩn lại thì ở tại Houston này thì chỉ có chỗ này là có nhiều phong cảnh, sinh hoạt nhắc nhở mình đến những cái Tết ngày xưa thôi.
Năm hết Tết đến, người Việt tha hương luôn nhớ về quê mẹ. Trong những sinh hoạt đón mừng năm Quí Tị, có người nhớ lại những mùa Xuân không vui tại quê nhà, có người thì cảm nhận sự trống vắng dù vật chất không thiếu nơi đất nước tạm dung.
Trong cảnh Xuân tha hương có người lại mang nặng trong lòng nỗi lo âu cho một quê mẹ không vẹn toàn, trước sự xâm lấn biển đảo của phương Bắc nên đưa con cháu đến xem "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng".
Có lẽ không ít người tự hỏi đến bao giờ tất cả những người xa xứ sẽ cảm thấy an toàn để trở về "ăn Tết" trên đất nước Việt Nam?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-houston-bf-newy-02062013073424.html

 

Tết Xưa và Nay

2013-02-07
Mỗi năm một lần ngày Tết lại đến, nhưng lạ một điều là không ai chán Tết cả. Giàu hay nghèo, thành thị hay thôn quê cứ Tết đến là mọi nhà lại hăm hở, rạo rực chờ đợi Tết như chờ người thân ở xa về, như chờ một tin vui sẽ khiến cả nhà thay đổi.

Photo Courtesy Duong Minh Long
Đường phố Hà Nội ngày mồng 1 Tết những năm 1990. Nay đâu còn cảnh đường phố đỏ xác pháo

Tải xuống - download
Tâm lý Tết hàng ngàn năm hình như bất di bất dịch ngoại trừ cách thức đón Tết có phôi pha với thời gian…Mặc Lâm có cuộc mạn đàm với TS Nguyễn Xuân Diện về những thay đổi này.
Nét đậm của Tết xưa không còn nữa
Mặc Lâm : Thưa Tiến Sĩ,  vậy là chúng ta lại đón Tết như nhiều chục năm qua, tuy nhiên có điều nhiều người nhận thấy rất rõ là lúc gần đây khi mà  thời đại @ lấn sâu vào đời sống thì cách thưởng thức cũng như mua sắm Tết của nhiều gia đình đã thay đổi, Tiến Sĩ có chia sẻ với nhận xét này hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện : Phải nói rằng những năm gần đây tâm lý của người Việt về một cái Tết cổ truyền không còn được nguyên vẹn như thời trước nữa. Đưa đến sự thay đổi đó có rất nhiều nguyên nhân, nào là người ta không trông chờ một cái Tết để được ăn tết giống như ngày xưa, bởi vì những món ăn, cửa hàng, siêu thị, các thứ thực phẩm cũng nhiều hơn, và người ta không còn chờ đợi Tết để được ăn như mọi khi.
Hai nữa người ta không có nhu cầu tha thiết lắm về việc thăm nom như mọi khi, bởi vì bây giờ các phương tiện về liên lạc đã rất phát triển. Người ta có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau cả nửa vòng trái đất. Nông thôn bây giờ gần như nhà nào cũng có một hoặc hai điện thoại để có thể liên hệ với nhau, cho nên người ta có thể gặp nhau ngay trong một giây lát. Rồi những con đường mới được mở ra khiến giao thông được thuận lợi. Thay vì những cô gái đi lấy chồng hàng năm trời mới được về quê mẹ, thì bây giờ họ đến thăm mẹ được nhiều hơn, siêng năng hơn, v.v.
người ta không trông chờ một cái Tết để được ăn tết giống như ngày xưa, bởi vì những món ăn, cửa hàng, siêu thị, các thứ thực phẩm cũng nhiều hơn, và người ta không còn chờ đợi Tết để được ăn như mọi khi
TS Nguyễn Xuân Diện
Cuộc sống gấp gáp, quyết liệt và nhộn nhịp bây giờ làm cho người ta đầu tắt mặt tối và chỉ còn nghĩ đến công việc buôn bán làm ăn, cho nên Tết đến rất là bất chợt.
Mặc Lâm : Cách đây không lâu thời gian mà người ta chuẩn bị cho ngày Tết rất dài, có khi cả tháng trời, còn bây giờ thì chuẩn bị Tết có còn như ngày xưa nữa hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Diện : Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung không còn lo lắng nhiều cho cái Tết một hai tháng như mọi khi nữa, mà bây giờ cũng đã đỡ hơn nhiều so với ngày xưa, vì vậy cho nên tâm lý chờ đợi Tết nó không còn được như ngày xưa. Những nét văn hóa cổ truyền, truyền thống Tết nó cũng phôi pha theo tháng năm.



Trước trẻ em chỉ thèm thuồng phong pháo ngày Tết, nay chú trọng vào các quán chơi game...File photos

Trước trẻ em chỉ thèm thuồng phong pháo ngày Tết, nay chú trọng vào các quán chơi game...File photos
Mặc Lâm : Thường thường chúng ta thấy Tết luôn có hai vế là “ăn” và “chơi”. Theo TS thì việc ăn chơi này có bị ảnh hưởng tới sinh hoạt hay tâm lý của vùng miền hay không ạ? TS Nguyễn Xuân Diện : Trước đây người Bắc thường chú trọng vào việc ăn Tết, còn người Nam thì chú trọng vào việc chơi Tết. Người Miền Bắc chú trọng việc ăn Tết bởi vì nhu cầu về thực phẩm đối với người Miền Bắc rất cao, và ngày Tết lạnh thì nhu cầu về ăn uống lại cao hơn so với các mùa khác. Trong khi đó Miền Nam thời tiết ngay trong dịp Tết vẫn nóng bức cho nên người ta không chú trọng nhiều đến chuyện ăn, mà người ta chú trọng đến chuyện chơi.
Thế nhưng gần đây Hà Nội lại chú trọng tới chuyện chơi Tết. Nhiều gia đình, nhiều nhóm bạn người ta sắp xếp lịch ngày Tết không ở trong thành phố nữa mà đi chơi, đi lên các vùng rừng núi Tây-Bắc, Đông-Bắc. Đi ra biển, hoặc đi vào Vũng Tàu, Nha Trang, Sài Gòn, hoặc thậm chí đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết. Người ta đưa cả gia đình đi. Đến như vậy thì thấy rằng nhu cầu về ăn và chơi trong dịp Tết không còn như ngày xưa nữa.
Nhưng cũng không nên quá lo lắng vì sự biến dạng phôi phai, mặc dù có một số không nhỏ có tâm lý ngày Tết là một dịp để người ta tính đến chuyện làm ăn. Ngay cả trong quà Tết người ta biếu thủ trưởng rồi các sếp thì ở trong đấy cũng đầy những mưu toan và cầu mong một điều lợi lộc trong những món quà Tết. Không còn là tinh thần nữa mà nó thuần túy là một cuộc đánh đổi.
Điều tất yếu nó phải đến
Mặc Lâm : Bên cạnh những hối hả của cuộc sống hiện đại mà chúng ta vừa nói tới không biết thanh niên ngày nay họ có những thú vui gì khác lạ hay có tính chất văn hóa trong ba ngày Tết hay không, thưa ông?
TS Nguyễn Xuân Diện : Phải nói là người dân bây giờ, nhất là thanh niên, đang có một khuynh hướng tìm lại những vẻ đẹp của văn hoá ngày xưa. Ngày Tết họ đi về những làng cổ, về những vùng rừng núi hoang sơ ở Tây-Bắc, Đông-Bắc, hoặc là họ đi ra vùng biển. Những lễ hội dân gian ở các địa phương vẫn rất được đám đông thanh niên kể cả ở thành phố quan tâm.
Tôi nghĩ rằng khi xã hội bị đẩy lên đến mức một cái Tết biến dạng, đổi chác, bán mua, mặc cả, và một xã hội nhốn nháo đầy bất trắc, và cuộc sống của người dân mà niềm tin bị phôi phai, rạn vỡ, thì người ta sẽ tìm về với lại phong cảnh nguyên sơ, những làng quê thôn dã. Những đền chùa là nơi có những tín ngưỡng của người nông dân Việt Nam. Những nhà thờ là nơi có niềm tin tôn giáo. Người ta sẽ tìm thấy một niềm an nhiên, một niềm tin hay một sự nâng đỡ.
thay-do-mua-xuan-250.jpg
Thầy Đồ viết câu đối Tết ở Hà Nội hôm 06/2/2013. RFA photo
Rồi đến một lúc nào đó tâm lý của người Việt Nam khi ăn chơi hay thưởng ngoạn cái Tết sẽ không còn giống như lối cổ nữa, tuy vẫn còn giữ được những nét truyền thống. Tôi cho rằng đấy là điều mà chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vì đây là điều tất yếu nó phải đến.
Rồi đến một lúc nào đó tâm lý của người Việt Nam khi ăn chơi hay thưởng ngoạn cái Tết sẽ không còn giống như lối cổ nữa, tuy vẫn còn giữ được những nét truyền thống. Tôi cho rằng đấy là điều mà chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vì đây là điều tất yếu nó phải đến
TS Nguyễn Xuân Diện
Mặc Lâm : Gần đây có ý kiến cho rằng nên ăn theo Tết Tây tức là Tết Dương lịch cho khỏi tốn kém tới hai lần tết trong một năm. Bên cạnh đó yếu tố Trung Quốc cũng khiến nhiều người đồng tình với đề nghị này, là một người nghiên cứu Hán Nôm Tiến Sĩ nhận thấy đề nghị bỏ Tết Nguyên Đán có khả thi và hợp lý hay không?
TS Nguyễn Xuân Diện : Tôi có biết một ý kiến là không nên ăn Tết Nguyên Đán nữa mà chúng ta hãy ăn Tết Dương Lịch theo như các nước trên thế giới. Ở đây có nhiều vấn đề lắm. Như Nhật Bản chẳng hạn, Nhật Bản ăn Tết vào đúng cái Tết Dương Lịch, một cái Tết linh thiêng, rộn ràng và rất là thú vị. Có ý kiến nói rằng ta cần phải ăn Tết Dương Lịch để không ăn Tết Âm Lịch theo Trung Quốc. Ở đây ta biết âm lịch là lịch theo mặt trăng, Việt Nam và Trung Quốc đều dùng lịch đó, nhưng các nhà lịch pháp của ta đã chứng minh được rằng lịch mặt trăng, tức âm lịch của ta có khác với Trung Quốc chứ không phải là trùng lặp hoàn toàn. Đó là cái thứ nhất.

Thứ hai nữa là ngày Tết Nguyên Đán thì “nguyên” là cái đầu tiên và “đán” là ánh mặt trời mới mọc. Nguyên đán là ngày đầu tiên nhìn thấy mặt trời mọc lên thế là thành Ngày Nguyên Đán. Sở dĩ tại sao chúng ta không nên bỏ Tết Âm Lịch là vì Tết là ngày bắt đầu một năm âm lịch, và một năm chia làm 24 tiết khí. Cái tiết đầu tiên là tiết nguyên đán, mà bây giờ ta gọi là Tết Nguyên Đán. Nó là một chu kỳ của nông vụ và cũng là một chu kỳ thời tiết, một chu kỳ của các sinh hoạt của nông thôn của người nông dân trên khắp nước Việt Nam. Nhịp thời gian và nhịp của mùa nó đi như vậy ứng với thời gian lúc nông nhàn nhất và người ta kết thúc một mùa vụ và có thời gian rảnh rỗi để lo các công việc cho tết nhất.

Chúng ta vẫn có thể ăn Tết Dương Lịch nhưng mà Tết Âm Lịch thì thật khó bỏ lắm. Tết Âm Lịch gắn với tập quán, gắn với nông vụ, mùa màng, thời tiết và nó cũng gắn với biết bao nhiêu thứ đã đi vào tiềm thức của người ta rồi. Cho nên theo tôi thì không nên bỏ Tết Âm Lịch, rất là không nên.
Chỉ có điều là chúng ta sẽ điều chỉnh nó, và nếu muốn điều chỉnh nó thì phải cả xã hội và cũng không thể dùng bằng mệnh lệnh hành chính hay là các văn bản của Bộ VH-TT-DL, hay là các nghị định của chính phủ để có thể thay đổi được, mà phải thay đổi bằng cuộc vận động lớn, một cuộc can thiệp gì đó đối với cái Tết Nguyên Đán cổ truyền.
Mặc Lâm : Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

 http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interw-dr-nxdien-tet-02072013084154.html


GS. NGUYỄN PHÚ THỨ * NĂM TỴ NÓI CHUYỆN RẮN

GS. NGUYỄN PHÚ THỨNĂM TỴ NÓI CHUYỆN RẮN
(Quý Tỵ từ 10-02-2013 đến 30-01-2014)
(Trích dẫn tác phẩm Tử-Vi & Địa-Lý Thực-Hành  của Gs Hàn Lâm Nguyễn-Phú -Thứ)
Sau năm Nhâm Thìn chấm đứt, thì đến năm Quý Tỵ được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ bảy, 09-02-2013 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 30-01-2014. Năm Quý Tỵ này thuộc hành Thủy và mạng Trường Lưu Thủy, năm này thuộc Âm, có can Quý thuộc mạng Thủy và có chi Tỵ thuộc mạng Hỏa. Căn cứ theo luật thuận hạp hay khắc kỵ của Ngũ Hành,  thì năm  này "Can khắc Chi " tức Trời khắc Đất. Bởi vì: " Mạng Thủy khắc mạng Hỏa (mạng Thủy được khắc xuất, mạng Hỏa bị khắc nhập). Do vậy, năm này xem như tổng quát rất xấu, bởi vì được Trời khắc Đất giống như năm : Nhâm Ngọ (2002), Mậu Tý 2008 đã qua, xem như tuổi xấu nhứt của hàng tuổi Tỵ. Được biết năm Tỵ vừa qua là năm Tân Tỵ thuộc hành Kim, nhằm ngày thứ tư, 24-01-2003 đến 11-02-2002

 
                   

 Căn cứ theo Niên Lịch Cổ Truyền Á Đông  xuất  hiện  được  minh định  quảng bá  từ  năm  61  của  đời Hoàng Đế bên Tàu, bắt đầu năm 2637 trước Công Nguyên, cho nên chúng ta lấy 2637 + 2013 = 4650, rồi đem chia cho 60 năm, thì có kết quả Vận Niên Lục Giáp  thứ  77 và số dư 30 năm bắt buộc rơi vào Vận Niên Lục Giáp thứ 78 bắt đầu từ năm 1984 đến năm 2043. Do vậy, năm Quý Tỵ 2013 này là năm thứ 30 của Vận Niên Lục Giáp 78 và năm Tỵ kế tiếp sẽ là năm Ất Tỵ thuộc hành Hỏa, nhằm ngày thứ tư tính từ 29-01-2025 đến 16-02-2026.


                  Trong dân gian người ta thường nói : "Vẽ Rồng Vẽ Rắn" là để chỉ những nét vẽ tự ý, muốn vẽ thế nào cũng được, vẽ không cần kiểu mẫu, không khác con rắn bò chạy quanh. Lời nói cũng vậy, nếu ai nói ngụy biện, thêm bớt, không có căn cứ, thì người ta cũng cho người đó là : "Nói Rồng nói Rắn".


                  Khi nói đến loài rắn, ngoài chữ Tỵ ra, còn có tên khác nữa. Đó là Xà cũng có ý nghĩa là rắn, ví như loài Bạch Hoa Xà  = Rắn Mái Gầm;  Mảng Xà  =  Rắn lớn có bông hoa; Xà bì = Da rắn; Dẩn xà nhập huyệt = Đem rắn vào hang (ý nghĩa rước đứa dử về nhà, chỉ mạch máu cho nó); Hoa xà thêm túc = Vẽ rắn thêm chân (ý nghĩa tự mình đặt để, thêm bớt chuyện); Chạy đàng xà = Chạy vòng quanh, vòng lộn như rắn bò.  

                   Ngoài ra, chữ xà cũng chỉ lớn hay to con nữa, cho nên chúng ta lại thấy cá xà là để chỉ con cá mập.
                   Trở lại chữ Tỵ cũng chỉ rắn. Đó là Tỵ là một con vật đứng hàng thứ 6 của 12 con vật  trong Thập Nhị Địa Chi  và trong tiếng Pháp thường dùng là le serpent n.m = Con Rắn; Giờ Tỵ = là giờ từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa và Tháng Tỵ = là tháng tư của năm âm lịch.
                   Rắn là loại trùng độc, mình dài không có chân hay uốn xương sống mà bò, khó khiển dạy. Ví như những họ hàng nhà rắn độc sau đây:
                 Rắn hổ = là thứ rắn độc lớn con. 


                   Rắn hổ đất  = là thứ rắn hổ độc có màu đen sám như màu đất, cho nên có tên rắn hổ đất để phân biệt các rắn hổ khác.
                   Rắn hổ ba khoang = cũng là thứ rắn hổ màu đất, nhưng nó có ba khoan.
                  Rắn hổ ngựa = là thứ rắn hổ, nhưng nó chạy mau như ngựa, thường ở trong bụi rậm hay rượt người ta, cho nên có tên rắn hổ ngựa.
                   Rắn hổ mây  =  là thứ rắn có vảy lớn, màu đen trắng lẫn lộn, giống da trái mây, cho nên mới có tên rắn hổ mây.

                   Rắn hổ hành = là thứ rắn có vảy màu hơi xanh; nó rất hôi hành, cho nên mới có tên rắn hổ hành, loại rắn này ban đêm thường đến những chuồng Gà Vịt cận kề nhà để bắt ăn.
                   Rắn hổ chuối = là thứ rắn có vảy màu xám.
                   Rắn hổ mang = là thứ rắn độc hay ở khe suối, khi gặp người hay thú vật khác, nó phùng mang ngẩn đầu cao phóng tới, cho nên mới có tên rắn hổ mang. Loại rắn này thường thấy nhiều ở nuớc Ấn Độ . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . v.v.
                   Ngoài những loại rắn hổ vừa kể trên, chúng ta còn có thấy những loại rắn khác nữa như sau đây:
                   Rắn mái gầm = là thứ rắn độc, mình nó giẹp và có hoa, cho nên người xưa thường gọi là Bạch Hoa Xà.
                   Rắn râu = là thứ rắn độc nhỏ con, thường ở dưới nước.


                   Rắn nẹp nia =  là thứ rắn độc lớn con.
                    Rắn vảy tên = là thứ rắn rất độc nhỏ con, đầu nó có góc giống như vảy tên.
                   Rắn trung = là thứ rắn mình tròn nhỏ con, có 2 đầu đuôi giống nhau, người ta nói đầu xanh, đầu tử, nghĩa là đầu cắn chết, đầu cắn không chết. Những người thường đi bắt rắn họ mới biết rõ cái đầu nào đầu tử, để khi bắt loại rắn này họ tránh.
                    Rắn lục = là thứ rắn nhỏ con, có màu xanh lá cây, nó thường sống ẩn núp chen trong lá cây.
                   Rắn mỏ vọ  =  là thứ rắn có đầu lớn mà nhọn.
                   Rắn choàm hoạp = là thứ rắn mình rằn, miệng rộng.
                   Rắn nước = là thứ rắn nhỏ con, sống trầm dưới nước, nhưng nó hiền bởi vì loại rắn này không có nọc độc làm chết người.
                   Rắn lãi, rắn ráo, rắn bông súng, rắn roi = các thứ rắn này thường nhỏ con mà không độc.

                   Rắn liu điu(*)= là thứ rắn nhỏ con không độc
                   (*) Khi viết đến Rắn liu điu tôi lại nhớ đến trong văn học sử Việt-Nam, có Cụ Lê-Quí-Đôn (1726 - 1784) đã sáng tác bài thơ thất ngôn bát cú nói về Rắn thật đặc biệt như sau: Được biết cụ Lê-Quý-Đôn, thuở nhỏ rất lười biếng lại khó dạy, với cái tên là cậu bé Lê-Danh-Phương. Một hôm, cậu  bé Phương, bị người Cha quở phạt, bắt làm bài thơ thất ngôn bát cú ứng khẩu để tạ tội, với điều kiện mỗi câu phải có tên một loại Rắn. Cậu bé Phương vâng lời đọc ngay như sau:

                                      Chẳng phải liu điu cũng giống nhà,
                                      Rắn đẩu biến học lẽ không tha.
                                      Thẹn đèn hổ lửa đau lòng Mẹ,
                                      Nay thét mai gầm (*) rát cổ Cha.
                                      Ráo mép chỉ quen lời dối trá,
                                      Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba.(**)
                                      Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,
                                      Kẻ hổ mang danh tiếng thế gia.

                     CƯỚC CHÚ : Các chữ có gạch đít đều là loại rắn.

 


 (*)  Rắn mái gầm cũng có người gọi mai rầm.
 (**)  Câu này để chỉ các loại rắn có khoang, ví như rắn hổ ba khoang 
   vừa kể vừa qua. Ngoài ra, chữ lằn cũng chỉ con thằn lằn cũng là loài
   rắn.
         Hơn nữa, trong Ca dao, Tục ngữ và Thành ngữ cũng có viết về rắn, xin trích dẫn như sau:

          Rắn có chân, Rắn biết,
          Ngọc ẩn đá, ngọc hay,
          Anh cùng em mới gặp nhau đây,
          Biết thời, biết mặt nào hay trong lòng ...
                                                            (Ca dao)
          Rắn đến nhà không đánh thời quái ...
                                                         (Tục ngữ)

 Mắt như mắt Rắn ráo.
 Nói Rắn nói Rồng hay Vẽ Rắn vẽ Rồng.
 Như Rắn mất đầu.
 Cõng Rắn cắn Gà nhà.
 Rắn con ham nuốt Cá Voi.
 Rắn đổ nọc cho Lươn.
 Oai oái như Rắn bắt Nhái...
                                          (Thành Ngữ)


                Ngoài ra, trong lịch sử Việt-Nam cũng có nói đến Rắn, xin trích dẫn truyền thuyết như sau:
          ... Lính phục dịch của Nguyễn-Trãi, khi lập vườn ở Côn Sơn cho Nguyễn-Trãi, thì phá một ổ rắn và giết hết rắn con, riêng rắn mẹ nhờ bò chạy nhanh,  chỉ bị thương. Sau đó, rắn mẹ bò lên trần nhà nhìn Nguyễn-Trãi đọc sách và nhỏ xuống một giọt máu, nhưng nó thấm qua ba trang sách, nhằm ám chỉ là ba đời. Về sau, con rắn  này nhờ căn tu và nó hiện thân là Thị Lộ, trở thành tì thiếp của Nguyễn Trãi, chờ báo oán. 


                   Được  tóm  lược  như  sau  :  Năm  Nhâm  Tuất (1442), vua Lê Thái Tôn (con vua Lê Lợi), đi tuần du phương đông, duyệt võ ở Chí Linh. Nguyễn-Trãi, lúc bấy giờ đã về hưu tại Côn Sơn, bèn ra nghinh tiếp nhà vua. Vua Lê Thái Tôn thấy Thị Lộ là tì thiếp của Nguyễn Trãi, có nhan sắc lộng lẫy, lại có tài văn chương, bèn phong chức Lễ Nghi Học Sĩ, để rồi ngày đêm phải chầu hầu nhà vua. Đến khi đông tuần, xa giá về tới trại vải Lê Chi Viên, thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, thình lình nhà vua nhuốm bịnh, lên cơn sốt dữ dội. Thị Lộ hầu hạ thuốc thang suốt đêm, đến sáng, vua băng hà. Các quan hoảng hốt, vội vã đưa về kinh. Nửa đêm, về cung mới làm lễ phát tang. Triều thần buộc tội Thị Lộ âm mưu giết nhà vua, đem Thị Lộ thả trôi sông. Thảm trạng này xảy ra đúng lúc trong võ quan theo phe Lê Sát, sinh lòng đố kỵ, vì thấy ngày trước Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ trọng dụng, nhân cơ hội này, cáo buộc Nguyễn Trãi chủ mưu giết vua. Thế rồi, các quan Thừa Chỉ Nhập Nội Hành Khiển đại thần Nguyễn Trãi với án tru di tam tộc, giống như một giọt máu rắn trước kia bị thấm ba trang sách vậy.


                   Cái oan án này, mãi đến 22 năm sau mới được vua Lê Thánh Tôn xét lại. Vua thấy có nhiều mơ hồ, oan ức cho một vị khai quốc công thần, liền truyền lịnh hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, tìm kiếm con cháu Nguyễn Trãi cho làm quan và cấp tư điền để lo việc tế tự...


                   Khi nói đến rắn, thường nói đến người bị rắn cắn vì có nọc độc mà chết hay rắn báo thù như đã dẫn, ngoài ra rắn còn có ngọc rắn rất quý dùng để chửa trị người bị rắn độc cắn, chỉ cần lấy ngọc rắn để nơi rắn cắn cho nó hút hết nọc độc, đến khi nào thấy máu hồng chảy ra thì mới thôi, nhưng muốn tìm được ngọc rắn thì vô cùng khó khăn, bởi vì có những con rắn tu hiền, mới có ngọc. Một khi con rắn có ngọc, nó luôn luôn ngậm trong miệng, chỉ khi nào ăn nó mới nhả ngọc ra, cho nên theo kinh nghiệm của người tiều phu thường đi tìm ngọc rắn, phải đặt miếng mồi ví như con gà cột chặt vào cái rổ lật ngửa, rồi đặt cái rổ lên trên thau nước cũng cột chặt để cả 3 dính liền nhau, làm thế nào cho thau đựng nước khộng bị lật đổ. Xong rồi, cứ việc ngồi rình, đừng để rắn có ngọc trông thấy, con rắn thấy con  miếng mồi con Gà thế nào cũng đến quấn cho con Gà mềm mình, thì con rắn mới nhả viên ngọc ra thì nó lọt vào rổ, rồi cuối cùng xuống thau nước. Khi đó, mới vác gậy đánh đuổi con rắn, để con rắn tháo chạy để lại viên ngọc rắn quý giá... (Trích lược Sđd Việt-Nam Gấm Hoa của Học-Giả Hương Giang Thái-Văn-Kiểm).



                  
Khi nói về con Rắn, không thể dừng nơi nọc rắn hay rắn báo thù một cách đơn giản những đã dẫn, bởi vì loài này có nhiều cách nữa, mà chúng ta không thể ngờ được, người ta cũng kể lại rằng: Khi bắt rắn hổ để ăn thịt, phải chặt rồi bầm nát đầu nó, mới đem chôn dưới đất, nếu không thì sẽ bị con rắn nước tha cái đầu rắn hổ để cận kề chúng ta mà cắn trả thù... Khi nói ăn thịt rắn, có người cho rằng ăn nó như thịt Gà, nếu nấu cháo với đậu xanh ăn sẽ làm thân thể chúng ta mát, máu rắn uống sống với rượu sẽ trị bịnh bổ thận rất tốt, nhưng khi ăn rắn hổ, nên cẩn thận vì bị mắc xương hay bị đạp phải xương nó sẽ làm độc. Rắn nó đa dụng mặc dù nó rất độc, cho nên muốn sữ dụng nó phải cẩn thận và rắn còn đem ngâm rượu cũng là phương pháp trị bịnh nữa. Đặc biệt, chúng ta thấy hình nó biểu tượng trong ngành y dược, trong khi đó các tiệm kim hoàn lại thực hiện những món đồ trang sức như cà rá, đôi bông ... với hình rắn nữa.


                  Ngoài ra, những chuyện rắn kể trên, chúng ta còn nghe những truyền thuyết xa xưa nói đến rắn trả ơn, xin trích dẫn sơ lược như sau:
                  Ngày xưa, có người thợ săn tên Công Dã Tràng,  thường vào rừng săn thú sống qua ngày, người thợ săn này thấy cặp rắn ở trong hang sống rất tương đắc. Riêng rắn đực rất hiền, ít phá hoại loài người, xem như rắn tu, đến ngày rắn cái lột da, thì rắn đực luôn luôn túc trực săn sóc nào mang mồi về hang cho rắn cái ăn và cắn bất cứ con vật nào đến hang để ăn rắn cái, trái lại, khi rắn đực lột da, thì rắn cái không những không tìm mồi mang về cho rắn đực ăn, mà còn rong chơi đi tìm rắn đực khác để tư tình, cho nên Công Dã Tràng mới giương cung bắn chết rắn cái. Con rắn đực ở trong hang lo lắng cho rắn cái, nên cố gắng bò ra khỏi hang để đi tìm rắn cái trong khi bụng đói, sức lại yếu vì bị lột da, đến được vài chục thước thì thấy rắn cái chết vì mũi tên của Công Dã Tràng, cho nên rắn đực dù còn sức yếu, bụng đói cũng cố gắng vượt đường xa đến nhà Công Dã Tràng để báo thù cho vợ, nên núp trên mái nhà Công Dã Tràng và rắn đực lại nghe Công Dã Tràng tối hôm đó kể chuyện con rắn cái bất nghĩa, bội bạc cho vợ biết đầu đuôi, làm cho rắn đực biết ơn vô cùng thay vì oán hận, rắn đực và mang ngọc tặng cho người thợ săn Công Dã Tràng... 


                   Để tạm kết thúc bài này, tôi xin trích dẫn thời gian những năm con Rắn vừa qua và mạng như thế nào? để quý bà con đồng hương xem mình có phải sanh đúng năm con Rắn hay không như dưới đây:
Ất Tỵ        : sanh từ 04-02-1905 đến 24-01-1906
Đinh Tỵ   : sanh từ 23-01-1917 đến 10-02-1918
Kỷ Tỵ       : sanh từ 10-02-1929 đến 29-01-1930
Tân Tỵ     : sanh từ 27-01-1941 đến 14-02-1942
Quý Tỵ     : sanh từ 14-02-1953 đến 02-02-1954
Ất Tỵ        : sanh từ 02-02-1965 đến 20-01-1966
Đinh Tỵ   : sanh từ 18-02-1977 đến 06-02-1978
Kỷ Tỵ       : sanh từ 06-02-1989 đến 26-01-1990
Tân Tỵ     : sanh từ 24-01-2001 đến 11-01-2002


                   Căn cứ theo thời gian các năm Rắn kể trên, chúng ta thấy cứ 60 năm, thì can của năm Rắn trở lại đúng y chang, bởi vì thời gian Vận Niên Lục Giáp là 60 năm.
                   Về mạng các năm Rắn, xin trích  dẫn như sau:
       Mạng Kim thuộc các năm Tân Tỵ : 1941 - 2001 - 2061
       Mạng Mộc  thuộc  các  năm   Kỷ Tỵ  : 1929 - 1989 - 2049
       Mạng Thủy thuộc các năm Quý Tỵ  : 1953 - 2013 - 2073
       Mạng Hỏa thuộc các năm Ất Tỵ : 1905 - 1965 - 2025
       Mạng Thổ thuộc các năm Đinh Tỵ : 1977 - 2037 - 2097
                   Và kính chúc tất cả quý bà con đồng hương bước sang năm mới Tân Tỵ 2013 được An Khang, Thịnh Đạt mọi nhà.

Hàn Lâm NGUYỄN-PHÚ-THỨ
                  Mừng Xuân Quý Tỵ 2013

No comments: